Chân dung văn học với Nguyễn Đình Thi(*)

Đỗ Quyên

Nguyễn Đình Thi. Điều khó nhất trong một "chân dung chuẩn" với ông là gì? Thiển nghĩ, là sự giao thoa giữa con-người-cá-nhân con-người-nghệ-thuật của nhân vật nghệ sĩ kiệt xuất này qua sự tương đồng dị biệt ở các thành tựu với năm bộ môn: thơ – văn – kịch – phê bình – nhạc. Các phiên bản khác của chân dung Nguyễn Đình Thi, đó là con-người-cách-mạng, con-người-chính-trị, con-người-văn-hóa, con-người-công-dân… đều ảnh hưởng từ đó.

Nếu vậy, có phải vì thế hiếm ai dựng được sao cho sinh động, đầy đủ và xác thực chân dung của vị "VIP" hàng đầu nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại?

*

Nguyễn Đình Thi. Bài liên quan mới nhất tôi được đọc là "Bác Nguyễn Đình Thi" trên Facebook của Hữu Việt, khoảng tháng 4/2020.

Đó là chân dung không về con người nghệ sĩ, con người thời cuộc, mà về người thường đời thường. Các tiểu tiết bình thường về Nguyễn Đình Thi qua ống nhòm cận cảnh từ một thanh niên đang du học ở Liên Xô trong chặng cuối ở đất nước này. Thân phụ của tác giả là Hữu Mai, cũng là một VIP, chiến hữu văn hữu cùng trang lứa với nhân vật. Nên lối tiếp cận của anh ở thế thân thuộc con cháu trong nhà.

Bài hay, ở các chi tiết sống động mà giản đơn. Chỉ tiếc được viết từ 30 năm trước; giá có thêm tí quan sát khi tác giả đã thành "người nhớn", đã là nhà thơ, dịch giả "có số". Ấy nhưng lắm khi giữ trinh nguyên lại hóa hay? Cái trò viết lách quả khó nói.

Trên FB của mình Hữu Việt còn phác họa vài chân dung khác như Tô Hoài, Đỗ Chu, Võ Thanh An… Cách kể đều giản dị như với Nguyễn Đình Thi, tưởng "có sao nói vậy người ơi" nhưng là những chắt lọc đắt giá.

*

Chân dung văn học? Nên chăng cần dùng thuật vẽ chân dung của người Trung Hoa: Giống mà lại không giống, không giống mà lại giống.

Có 1001 cách viết chân dung nhà văn, và cứ như tôi ngó nghiêng thì cần ít nhất một tiêu chí: Dễ nhận ra lúc đọc và dễ nhớ lại về sau. Phóng khoáng mà nói, đúng sai hay dở thật ra không trọng lắm. (Trừ khi viết chân dung văn học để nộp… tòa án!) Là tôi thấy thế. Cái nhìn của con người ta về ai đó, nhất là về các VIP, thường chủ quan và cố thủ theo quan niệm nhân sinh, quan điểm thời cuộc, tiêu chuẩn nghệ thuật liên hệ với VIP ấy. Dăm ba cái "chân rung chân rinh" do kẻ khác vẽ vời bày đặt dễ gì thay đổi?

*

Nguyễn Đình Thi. Nam cũng như nữ, văn nghệ hay văn giềng, ai đã biết đã nghe mà chẳng… mơ đến. Nói thật, chả hiểu sao, cứ thi thoảng đụng vào việc văn chuyện thơ tôi bỗng dưng nghĩ tới nhân vật này, dù ở các sự vụ không liên quan. Nghĩ về những đặc sắc cá nhân. Nhớ về tương hỗ đặc biệt với hoạt động văn nghệ Việt Nam 70 năm qua, ngay cả sau khi VIP nằm xuống… Tức là tôi mơ giữa ban ngày. À, khi làm thơ, phê bình thơ, hễ có cơ hội kẻ ham mơ là tôi lại xướng danh Nguyễn Đình Thi.

Tuần rồi, trong khi hướng về miền Trung lũ lụt kinh hoàng, tôi link thơ của người thơ của mình vào bài thơ mới nhất.

Xin được hầu chút thơ mọn bên lề Hội thảo hôm nay qua toàn bài thơ:

"Lại Một Lần Nữa Miền Trung Em

ha hả…

lại một lần nữa em

cười

ngay khi lệ cạn khô khóc

lại một lần nữa

nằm xuống sát

bùn nhận bão roi Trời Đất

lưng Tổ Quốc thót

cười ha

hả cười nữa đi em

"rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

(thơ Nguyễn Đình Thi vậy)

nữa đi em cười

cho ngày mai ngày mốt

ngưng lũ tan mưa

lại một lần nữa

miền Trung em

cười

khóc" (**)

*

Nguyễn Đình Thi. Lần đầu tiên, trong thập niên 1980, tôi được "gặp" thi nhân ở bối cảnh có ba đặc sắc: Một, được nghe thi nhân diễn thuyết về văn chương tại nơi cực sang cả là Ban Lý luận – Viện Văn học (mà tôi khi ấy chỉ là khách ngoại đạo vớ va vớ vẩn không mời cứ đến theo mách gọi của người anh trai làm việc tại đó); Hai, với cự ly rất gần trong một phòng làm việc nhỏ, do tôi ngồi hàng ghế đầu – chừng hai mét (tức ở cảnh giới bây giờ theo luật giãn cách xã hội Covid-19); Ba – điều này mới là trọng – được lĩnh hội từ VIP bài học về tự do sáng tác, sau trở thành "chú tinh trùng đầu tiên" sản sinh các viết lách thơ thẩn văn vẻ của mình.

Đúng ra dạo ấy tôi vẫn thi thoảng được "gặp" VIP Khủng cơ đấy. Nhưng vô tình. Trên phố phường Hà Thành… Vóc dáng ngài cao to như Tây, mặt mũi đẹp tựa tài tử Mỹ, phong độ khác thường (dù ngồi trong xe hơi, hay lái xe máy, đi xe đạp, cuốc bộ)…

Đến với cuộc nói chuyện nội bộ cử tọa chưa tới hai tá người, diễn giả Nguyễn Đình Thi đang ở cương vị đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam. Và, khi cao hứng để minh họa tự do sáng tạo cho văn nghệ sĩ, nhà lãnh đạo lâu nhất và tạo tiếng vang nhất của văn giới Việt Nam đã… bẻ thìa cà phê!

Tới năm 2016, sự việc thật đã đi vào cuốn tiểu thuyết "Trung-Việt Việt-Trung" của tôi. Nguyên mẫu đã trở thành nhân vật Nguyễn Định Chi trong lời thuật của một nhân vật nữ, với người tình là nhân vật nam có tên Thiết Ngôn, như sau:

"Có thể anh nghĩ rằng em mê mẩn trước mỹ học hình thể của một người đàn ông trung niên Việt lai hai đời với ông bà nội ngoại là Pháp và Ấn, rằng em choáng ngợp dưới ánh sáng thông tuệ trên mọi lĩnh vực khoa học nhân văn tỏa ra từ đó? Đúng, và chưa đủ. Hơn cả, em kính phục bản lĩnh văn đàn của người đó.

Phải tả kỹ, hơn là kể. Em mang ly nước chanh đá pha đường vào phòng họp… Ly nước vừa mới được pha chậm rãi, cẩn trọng với niềm mê mẩn cùng sự choáng ngợp. Chiếc thìa ghếch điệu đà trên một dĩa nhỏ riêng, xinh xẻo. Tất cả được xếp đặt hòa nhã trong khay tròn tráng men thanh lịch. Cuộc chuyện hình như đang ở cao trào gì đấy…

Khi em quay nhẹ gót trở ra hành lang và, tới cửa, ngoái nhìn khay nước trên bục diễn giả như một thao tác kiểm tra lại công việc (mà thật ra để chiêm ngưỡng người sắp nâng ly nước lên uống). Thì người bỗng ngưng nói, nhìn chậm từng ánh mắt đang dõi lên; gương mặt người đanh lại rồi bừng sáng và cao giọng như thất thanh: ‘Làm nhà văn, mỗi chúng ta khi không thể nào viết theo bàn tay của mình, chỉ có thể dùng bàn tay còn lại mà… bẻ bút!’

Cả khán phòng đang im như chết bỗng hực lên. Không bởi những tiếng động hay lời nói, mà bởi những luồng hơi thở ra, những tiếng tim đập vào. Một khán phòng đang phục sinh. Rồi, người đột nhiên nhìn chăm chăm về phía em. Không, hai con mắt nâu nâu đau đáu đổ trọn vẹn vào hai mắt em (về sau khi đã thân tình, người bảo với em là ‘nhìn để xin lỗi đang làm điều thất thố trước món quà thơm thảo vừa được đôi bàn tay đẹp mang đến’); và rất nhanh người dùng bàn tay trái bóp cong chiếc thìa chộp được từ trước mặt!

Nếu được làm đạo diễn phim về Nguyễn Định Chi, sau khuôn mặt và dáng vóc, em sẽ phải chọn diễn viên nào có đúng ‘đôi bàn tay Nguyễn Định Chi’. Thiết Ngôn, đã gặp gỡ ông nhiều lần, anh có hình dung nổi bàn tay trắng hồng tưởng chỉ vò nát biết bao búp tay nhỏ dưới mưa, trong khoảnh khắc đã bẻ cong queo chiếc thìa dài đura được làm từ xác máy bay B-52 Hoa Kỳ rơi trên hồ Trúc Bạch?"

*

Nguyễn Đình Thi. Cũng nên dùng câu ai đó dành cho Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy: Bàn bao nhiêu vẫn thiếu, luận bấy nhiêu bằng dư!

Canada, 5/11/2020

————-

(*) Tham luận trong lễ trao Giải thưởng “Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ nhất", 14/11/2020 – Hà Nội.

(**) Phiên bản khác của bài thơ đã đăng trên vanviet.info 24/10/2020.

Comments are closed.