Đọc “Dấu thời gian” của Trần Bảo Định nhìn từ góc độ nghiên cứu lịch sử và hiện tượng xuất bản

Trần Văn Chánh

image

Khoảng hai tháng trước, tôi được một bạn thân mua tặng cho cuốn Dấu thời gian – Khát vọng của người xưa của Trần Bảo Định, do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh vừa ấn hành. Giở xem trang mục lục, thấy thoáng qua sách là tập hợp một số bài viết với đề tài tương đối độc lập nhau, nhưng nghĩ kỹ, giữa chúng vẫn có một mối liên hệ logic nào đó, và đây có thể chính là chủ tâm của tác giả, bằng cách xâu chuỗi lại những sự kiện và nhân vật lịch sử thuộc thành phần sĩ phu yêu nước cũ và trí thức tân học từ đầu thế kỷ XX cho đến khoảng trước và sau 1945 đã từng đào sâu suy nghĩ về thời cuộc và vận động cải cách kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội để cứu nước, cứu nguy cho dân tộc đang bị chìm trong lao khổ đồng thời tìm lối ra và định hướng phát triển cho đất nước Việt Nam lúc bấy giờ vẫn còn nằm trong ách nô lệ của chế độ thực dân nửa phong kiến.

Được biết, Trần Bảo Định là một người từng trải và hiểu biết khá sâu về đất nước và con người Nam Bộ, tác giả của trên 20 tác phẩm vừa thơ vừa văn xuôi về những đề tài liên quan, mà đến cuốn sách này, cũng như xuất bản gần đồng thời, cuốn Phật tính dân gian Nam Bộ (NXB Tổng hợp TP. HCM, quý II/2021), tôi mới rõ hơn ông không chỉ suốt ngày rong chơi quan sát kỹ lưỡng với những con cua con còng con ba khía, hay những giai thoại dân gian này khác, mà chính là trách nhiệm và tâm huyết của ông đối với quê hương xứ sở cũng như đối với thời cuộc hiện tại. Hai câu thơ ông đặt ở đầu sách Dấu thời gian đã cho thấy được tâm sự thầm kín của tác giả:

Cúi đầu ngó đất đau quê mẹ,

Ngửa mặt nhìn trời thẹn núi sông!

Chủ trương của tác giả đã được ghi ra ngay ở trang bìa giả, mượn lời của nữ nhà thơ – nhà văn Liên Xô (cũ) Olga Bergholz (1910-1975): “Không để ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”.

Chỗ khéo của tác giả Trần Bảo Định trong cấu trúc Dấu thời gian là đưa ra trước ba bài viết về hoạt động chấn hưng kinh tế và văn hóa giáo dục theo dòng mạch của phong trào Duy tân thời Đông Kinh Nghĩa Thục (1908) do các cụ Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh (Bắc, Trung Kỳ), Nguyễn Háo Vĩnh, Bùi Quang Chiêu, Trần Chánh Chiếu (Nam Kỳ)… phát động, rồi mới đến một số nhân vật khá “nhạy cảm” về hoạt động chính trị trong bối cảnh lịch sử Việt Nam rất phức tạp giai đoạn 1930-1945, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy tác dụng, mà cuộc đời họ tuy rất đáng cảm phục nhưng chí lớn đều bất thành, nếu không bị khó khăn bầm dập thì cũng phải chịu những cái chết bí ẩn, như các trường hợp của bốn trí thức lỗi lạc miền Nam: Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu và Nguyễn An Ninh.

Liên quan đến những chủ đề kể trên, từ lâu tôi cũng có đọc qua và tích lũy sẵn một mớ sách vở tài liệu dự định để tìm hiểu sâu thêm, nhưng phần vì bận rộn những việc khác, phần vì có tính hay lần lữa, sự hiểu biết của tôi chỉ dừng lại ở mức độ lơ mơ, nên khi bắt gặp Dấu thời gian của Trần Bảo Định, tôi rất mừng vì nhà văn – nhà biên khảo này là một tác giả đọc sâu hiểu rộng lại có trong tay nhiều nguồn tư liệu tham khảo phong phú khả tín, cộng thêm với cái nhìn phóng khoáng của một trí thức Việt cộng gốc miền Nam ít chịu ảnh hưởng nặng của vấn đề ý thức hệ, từ đó đã giới thiệu, phân tích, hệ thống lại vấn đề và tổng kết sẵn, có thể giúp cho chúng ta ngày nay, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, khách quan nắm bắt được một số câu chuyện lịch sử quan trọng của thế kỷ trước mà từ khá lâu rất ít được đề cập, nếu không muốn nói bị cố ý bỏ quên hoặc làm mờ nhạt đi trong nội dung các sách giáo khoa của phái “chính thống”.

Gọi “nhạy cảm”, trong điều kiện Đảng Cộng sản kháng chiến thành công và cầm quyền, thì trong lịch sử cổ – cận – hiện đại có rất nhiều nhân vật, thông thường được hiểu chủ yếu liên quan đến lý lịch chính trị: Trong thời đại phong kiến, người đó có phải là quan lại triều Nguyễn hay thuộc phe của Quang Trung Nguyễn Huệ? Người đó thuộc thành phần nào (nông dân, công nhân, tư sản, trí thức tiểu tư sản)? Có theo đạo Công giáo hoặc làm việc gì cho chính quyền thực dân Pháp không? Chủ trương chính trị có tính cách khuynh tả, khuynh hữu hay đề huề giữa các phe phái? Trong chiến tranh Việt – Pháp và đặc biệt cuộc nội chiến Nam – Bắc, người đó cơ bản đứng về phía nào?

Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất năm 1975-1976 và trải qua một thời kỳ cực đoan quá khích khá dài, nhận thức của xã hội đối với một số vấn đề lịch sử và quan điểm văn hóa văn nghệ cũng đã dần dần đổi khác theo chiều tiến bộ, ảnh hưởng tốt vào nhận thức của các giới cầm quyền có tương tri, hàng chục nhân vật trước kia bị coi “nhạy cảm” đã được nhìn nhận lại một cách bình tĩnh khách quan hơn, thông qua những cuộc hội luận hoặc bài viết trên báo chí, ấn phẩm xuất bản công khai. Có thể kể: Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Hoàng thái hậu Từ Dụ (thuộc hệ vua quan triều Nguyễn); Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Trần Trọng Kim, Hoàng Cao Khải (thuộc hệ làm việc/ cộng tác với Pháp, muốn dựa vào Pháp để chấn hưng dân tộc); Alexandre de Rhodes, Nguyễn Trường Tộ (thuộc hệ Công giáo); Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán (thuộc hệ Nhân văn Giai phẩm); Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo (thuộc hệ Tự Lực Văn Đoàn); Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường (thuộc hệ trí thức nhà báo khuynh tả chống Pháp nhưng theo đường hướng dân chủ tự do tư sản); Bảy Viễn tức Lê Văn Viễn, Sư thúc Hòa Hảo tức Huỳnh Văn Trí hay Mười Trí (thuộc hệ giang hồ tứ chiếng); Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Minh Đăng Quang (thuộc hệ tôn giáo)… Chưa kể một số nhân vật chính trị trong cái gọi là “Phong trào quốc gia” mà phần nhiều đều vừa chống Pháp vừa chống cộng ở những mức độ và hiệu quả khác nhau.

Một số nhà sử học đầu đàn, trừ ông Trần Văn Giàu vẫn còn hơi cực đoan vì bị nhiễm mácxít quá nặng, một vài người khác như các giáo sư Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm… về lúc cuối đời, khi chính trị đã có phần cởi mở, các ông đều có xét lại các cách nhìn cũ, nhờ vậy công chúng và thế hệ sinh viên – học sinh ngày nay mới có điều kiện hiểu biết thêm và chính xác hơn về một số nhân vật trước kia hầu như bị xếp vào “vùng cấm”.

Người ta lần lần nhận ra, chẳng hạn, ngay trong đám quan chức cai trị của thực dân Pháp cũng có người tốt, có lý tưởng phục vụ nhân sinh, với những mặt đóng góp tốt của họ có ích cho người bản xứ, như Paul Bert, Paul Doumer…, và nhất là nền giáo dục Pháp do chủ nghĩa thực dân mang lại, đã đào tạo được biết bao những người trí thức Việt vừa tài giỏi vừa yêu nước, có tâm cống hiến cho quốc gia dân tộc.

Một số nhà nghiên cứu – phê bình văn học ở phía Bắc cũng đã dám viết sách viết báo nói lên quan điểm thật của mình, mà trước kia phải giấu, như các ông Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Khắc Phê, Tạ Duy Anh, Trần Mạnh Hảo, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều…

Riêng GS. Nguyễn Đình Chú (năm nay 93 tuổi), trong quá trình nhận thức của mình, có lần đã viết lên tâm tư chân thật trên Tạp chí Xưa Nay (cách nay khoảng ba năm, tôi không nhớ rõ số báo), nhận rằng trước đây khi còn đi học, do ảnh hưởng giáo điều của một số thầy dạy thuộc lớp tiền bối, ông đã có nhận thức không đúng về một số nhân vật lịch sử, như về Phạm Quỳnh chẳng hạn, và bây giờ tỏ ra hối hận… Đọc được bài báo này, gặp ai tôi cũng khen GS. Chú là người có đức liêm chính trí thức trong học thuật, và giới thiệu bài báo cho một vài bạn trẻ cùng đọc, để rút bài học kinh nghiệm.

Thông thường, người càng về già hoặc gần đất xa trời thì càng muốn nói lên sự thật lâu nay bắt buộc phải che giấu, ấm ức trong lòng. Như GS. Sử học đầu đàn Trần Huy Liệu, cuối đời mới tiết lộ sự thật Lê Văn Tám chỉ là một nhân vật do ông hư cấu vì nhu cầu của công tác cách mạng (việc này đã được học trò ông là GS. Phan Huy Lê viết nêu rõ trên Tạp chí Xưa Nay). Còn không thì phải viết ra cho thật khéo, như có thể dẫn chứng trường hợp ông Lê Tâm Nguyễn Hy Hiền, trí thức du học Pháp đi theo cách mạng, bạn chí thân của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, năm 93 tuổi bắt đầu viết cuốn hồi ký Tưởng rằng đã quên (NXB Hội Nhà văn, 2017), trong kể lại được nhiều chuyện hay, có cả vụ Cải cách ruộng đất long trời lở đất những năm 50 của thế kỷ trước.

Cũng có trường hợp một tác phẩm nào đó không được xuất bản công khai nhưng không phải vì nội dung sách, mà chỉ vì lý lịch tác giả. Anh ta đã bị ghi vào sổ bìa đen, mà có người còn quen gọi đã bị “rút phép thông công”. Khi bị ngăn trở đi vào bước đường cùng ngôn luận mà vẫn còn bức xúc, một số người đã phải tung sản phẩm viết của mình lên các trang mạng xã hội, như vậy thật nguy hiểm, vì không chỉ chính quyền bị mang tiếng (về quyền tự do ngôn luận như điều 25 Hiến pháp 2013 đã nêu), mà số người có thể tiếp cận đọc được còn nhiều hơn, truyền bá nhanh hơn, tạo nên một thứ hiệu ứng ngược của hành vi ngăn trở!

Nói chung, người ta tìm cách hé lộ từ từ một số sự thật lịch sử, một khi có thể làm được mà vẫn giữ được ngưỡng an toàn về phương diện kiểm duyệt.

Một vài tạp chí trong nước, theo chỗ tôi được biết, như Xưa Nay (do Dương Trung Quốc và Nguyễn Hạnh phụ trách), Nghiên cứu & Phát triển (Thừa Thiên – Huế)…, đã có nhiều đóng góp đáng kể trong quá trình bạch hóa tư liệu lịch sử, hoặc như Tia sáng (Hà Nội), Văn hóa Nghệ An, thường mạnh dạn đặt ra được những vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng liên quan kinh tế – chính trị – văn hóa.

“Họa văn tự” (văn tự ngục) là cụm từ cũ kỹ mà bất kỳ thời nào, trừ ở những quốc gia đã xây dựng được nền dân chủ hiện đại chín muồi, hễ ai viết lách (nhất là viết sử) cũng cần phải biết. Để tránh tai họa cho bản thân, gia đình và di họa cho những người có liên quan (cụ thể đây là tổng biên tập các báo, hoặc giám đốc các nhà xuất bản), người viết đôi khi phải vận dụng tối đa trong nghệ thuật diễn tả, thể hiện sự thật.

Ngang đây xin được phép ghi nhắc lại một đoạn văn của cố nhà báo cách mạng Bến Nghé (mất khoảng năm 1992): “Những nhà báo có uy tín thường là những người không bao giờ xa rời sự thật (sự thật nguyên nghĩa khoa học của nó). Họ phải trần ai lai khổ, thậm chí phải ‘bỏ mạng’ để tìm đến với sự thật và bảo vệ nó. Sự thật là hạt nhân làm nổ những trái bom thông tin nhằm giải phóng các xã hội ra khỏi sự kiềm tỏa hữu hình và vô hình, đưa con người và đời sống xã hội tiếp cận với chân lý, thức tỉnh thường trực trách nhiệm của giới hữu trách, của mỗi công dân và cộng đồng, vun đắp nhân bản, nuôi dưỡng cái thiện, chống cái ác, cái xấu, cái gian dối” (xem “Lời bạt”, Bước vào nghề báo, NXB Trẻ, In lần thứ hai, tr. 372-373).

Nhưng thực tế khắc nghiệt cũng cho thấy rằng, những sự thật về nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, càng gần với bối cảnh chính trị hiện tại, càng khó được phơi bày đầy đủ. Đây hẳn còn là vì lý do chính trị, có một phần chính đáng riêng của nó, như khi muốn trình bày rõ sự thật về Cải cách ruộng đất hay vụ án Nhân văn Giai phẩm, về các nhân vật Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, về chiến tranh Việt Nam 1954-1975, hay về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979… Đây là điều người trí thức đọc sách cần phải hiểu/ thông cảm, kiên nhẫn chờ đợi, bởi một lẽ đơn giản: không thể buộc người ta phải làm ngay những điều người ta chưa thể làm được! Tương tự như vậy, không thể bắt các quan trong Quốc sử quán triều Nguyễn xưa kia phải viết khen “ngụy Tây” tức Quang Trung Nguyễn Huệ là một vị anh hùng cứu dân cứu nước.

Giáo sư Sử học Hà Văn Tấn (mất năm 2019), nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã từng đưa ra nhận định khi kết thúc một bài viết về sự thật lịch sử: “Cũng thường thiên lệch, khi chúng ta đánh giá các nhân vật lịch sử. Con người là cả một hệ thống những mối liên hệ phức tạp, bị quy định bởi các điều kiện xã hội, tự nhiên và lịch sử. Thiếu một sự đánh giá xuất phát từ chủ nghĩa lịch sử dường như là căn bệnh chung của chúng ta. Một số người đã chê trách các nhân vật lịch sử vì họ không giống ta. Một số lại quá yêu các nhân vật đó, đến nỗi chỗ miêu tả tư duy và hành động của họ cứ y như là họ đã được học tập chủ nghĩa Mác-Lênin” (xem Tạp chí Xưa Nay, số 514, tháng 12.2019, tr. 6).

Với quan điểm ngày càng khả quan và tiến bộ hơn của các nhà đương cuộc, nhiều công trình nghiên cứu văn hóa hoặc thơ ca, tiểu thuyết có giá trị của một số tác giả thuộc diện nhạy cảm nêu trên đã được xuất bản lần lượt (Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Trần Dần, Phùng Quán, Nhất Linh…), cái danh “Việt gian phản động” dành cho các ông Kim, ông Quỳnh… trước đây vì thế mặc nhiên đã được toàn xã hội xóa bỏ, làm cho giá trị của họ càng được nâng cao. Tác phẩm của một số học giả – nhà văn gọi là “độc lập” như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần… có thời gian bị một vài nhà quản lý văn hóa sau 1975 chỉ trích (cho là văn hóa tư sản), thì từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã được quảng bá rộng rãi khắp trong Nam ngoài Bắc, được giới trẻ hưởng ứng coi là kim chỉ nam dạy về lối sống. Một số tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Khất Sĩ, Tin Lành… có thời gian bị cấm rồi từ khá lâu cũng đã cho hoạt động hợp pháp trở lại, với kinh sách tôn giáo in ra hàng loạt. Không ít sách giới thiệu tư tưởng triết học, chính trị tư sản của phương Tây cũng được lai rai ra đời (khá nhiều, thí dụ như Bất phục tùng của Henry David Thoreau, Bàn về tự do của John Stuart Mill…). Ngay như nhạc Boléro mà tác giả phần nhiều có dính tới “ngụy quân ngụy quyền” cũng đã và đang được dân chúng thưởng thức hát tá lả và hầu hết đều được hoan nghênh trên cả toàn quốc…

Trong lĩnh vực xuất bản, thỉnh thoảng có vài trường hợp đơn lẻ đặc biệt gây kinh ngạc dư luận, như theo tôi là sự xuất hiện hợp pháp cuốn Gia đình của Phan Thúy Hà. Đây là cuốn sách tố cáo mạnh mẽ và một cách sinh động những sai lầm gây tội ác tày đình của công cuộc cải cách ruộng đất diễn ra ở miền Bắc những năm 50 của thế kỷ trước, một câu chuyện bi thương hết sức nhạy cảm, do NXB Phụ Nữ Việt Nam (Tổng biên tập là Khúc Thị Hoa Phượng) ấn hành trong Quý II/2020.

Sách muốn được ra đời an toàn, các nhà xuất bản đều phải kiểm soát kỹ khâu biên tập để gạch bớt đi những chỗ nhạy cảm (hoặc chỉ nghi là nhạy cảm, vì thiếu quy định cụ thể nên không biết dâu mà lần…). Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài cuốn sách cho phép in/ nộp lưu chiểu/ phát hành hợp pháp xong thì có lệnh trên yêu cầu phải thu hồi/ ngưng phát hành để “hậu kiểm” (như cuốn Bàn về Trung Quốc trỗi dậy của Lê Vĩnh Trương, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2019, dù đã có Lời giới thiệu của GS. TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), hoặc thậm chí cấm hẳn (như cuốn Pétrus Ký, nỗi oan thế kỷ của Nguyễn Đình Đầu, NXB Tri Thức, 2017, dù đã có lời Tựa của GS. Phan Huy Lê, Nhà giáo nhân dân, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam). Những trường hợp như thế này thực tế đã gây nên một hiệu ứng phụ ồn ào, thậm chí còn nguy hiểm hơn, là vì càng kích thích thêm sự tò mò tìm đọc, rồi nhiều người cũng đọc được sách cấm bằng cách mượn của bạn bè hoặc dùng bản photo!

Cho đến hiện nay, ngành xuất bản vẫn do Nhà nước quản lý theo cách quan liêu, nhưng với phương thức “liên kết xuất bản”, tạo được một khoảng dư địa cho trí tuệ phi quan phương tức tư nhân được chen vào, có thể được coi như một lối thoát thông minh giúp cho lĩnh vực xuất bản ngày càng phát triển rực rỡ, phong phú hơn nhiều so với giai đoạn quan liêu bao cấp chặt chẽ trước đây.

Xem ra, rõ ràng đã và đang diễn ra một cuộc đấu tranh không kém phần quyết liệt, có tính nội bộ, giữa một bên là những viên chức nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm soát văn hóa – chính trị, với một bên là các nhà văn, nhà báo, học giả có xu hướng khai minh tìm cách cưỡng lại, “xé rào”. Nếu được dịp tiếp xúc với một số nhà quản lý văn hóa – xuất bản có lương tri, chúng ta phải thật sự cảm thông với họ, biết rõ họ phải chịu nỗi bi kịch chằng kéo giữa bổn phận phải làm tròn, với sự thôi thúc của lương tâm trí thức âm thầm muốn ủng hộ tất cả những gì thuộc về tiến bộ mà họ biết chắc sẽ có lợi cho quốc gia dân tộc nếu tính theo hướng về lâu về dài. Trong điều kiện giằng co có sự đan xen không đều về nhận thức chính trị như thế này, một tờ báo, một nhà xuất bản dám hay không dám cho ra những sản phẩm có hàm lượng sự thật cao vì thế chủ yếu tùy thuộc ở nhận thức, bản lĩnh riêng của từng tổng biên tập báo hoặc giám đốc xuất bản. Riêng tôi, có niềm tin mãnh liệt rằng, trong cuộc đấu tranh giữa hai thế lực giằng co kể trên, phái tiến bộ và giàu lương tri, không loại trừ có cả quan chức quản lý nhà nước, trước sau cũng giành được thắng lợi một cách rất ôn hòa.

Theo dòng mạch suy nghĩ như trên, tôi cho rằng cuốn Dấu thời gian của Trần Bảo Định xuất bản mới đây có liên quan cùng lúc vừa vấn đề nghiên cứu lịch sử, vừa hiện tượng xuất bản. Ba bài tiểu luận dài (mỗi bài chừng 40 trang) về ba nhân vật lịch sử “nhạy cảm” nổi cộm Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu (không kể Nguyễn An Ninh vì ông Ninh coi như đã được chính thức công nhận là nhà cách mạng yêu nước chân chính, đã có nhiều sách xuất bản viết về ông; riêng hai bài về Hồ Hữu Tường và Phan Văn Hùm đã được tác giả cho đăng trước trên báo mạng vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 6 và tháng 10.2021) đã chứng minh được điều này, không chỉ cho thấy tấm lòng thiết tha của tác giả muốn nói lên phần nào sự thật lịch sử mà giới trẻ ngày nay nếu muốn tìm hiểu cũng khó tìm được tư liệu đầy đủ để nghiên cứu. Đứng về phương diện xuất bản, nếu muốn ca ngợi, trước hết ta nên ca ngợi biên tập viên và tổng biên tập nhà xuất bản đã cho ra “lọt” được cuốn sách quan trọng này, và nhân thể cũng hoan nghênh luôn các nhà quản lý văn hóa đã không làm khó mà ra lệnh cho thu hồi cuốn sách như một số tiền lệ.

Trong quá trình luận giải tôi cho là rất khách quan công bằng về tiểu sử, hành tung, tư tưởng, sự nghiệp của ba nhân vật trí thức tiền phong Nam Kỳ kể trên, Trần Bảo Định đều gọi trân trọng các ông là “tiên sinh”, là “chí sĩ”…, với một tầm nhận định sâu sắc, cùng với văn phong bình dị dễ hiểu nhưng không kém phần mượt mà hấp dẫn, biết viết biết lách, nói có sách mách có chứng, giúp người đọc ngày nay nhận thức đúng hơn những vấn đề lịch sử chính trị liên quan đến các phong trào vận động cứu quốc, chấn hưng dân tộc trong điều kiện chế độ thực dân Pháp còn tồn tại và trước khi cuộc kháng chiến của Việt Minh thành công.

Về Hồ Hữu Tường (1910-1980), như chúng ta có thể biết, ông là một nhà văn, nhà báo, học giả, một nhà lập thuyết về chính trị và văn hóa, từng đưa ra lý thuyết về “trung lập chế” cho Việt Nam và tương lai văn hóa Việt Nam. Ông đã viết hàng chục sách để phổ biến tư tưởng học thuyết, nhưng theo tôi quan trọng có hai cuốn: Tương lai văn hóa Việt NamTrầm tư của tên tội tử hình. Ông cho rằng nền văn minh trong tương lai của Việt Nam phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba loại văn minh: văn minh chính ủy (đảm bảo hiệu quả điều khiển chính trị), văn minh kỹ sư (yếu tố khoa học – kỹ thuật) và văn minh tu sĩ (có tính chất nhân đạo, chống cái ác).

Hồ Hữu Tường từng ngồi tù trong cả ba chế độ, với giấc mộng giang sơn to lớn có vẻ như lý tưởng hay hoang tưởng, và tất nhiên không thành. Sau năm 1975, ông được chính quyền đưa đi học tập cải tạo, khi được thả trở về “khoảng 100 mét quanh qua góc đường Trần Quang Khải (Tân Định, quận Một) là đến nhà, thì Hồ Hữu Tường tắt thở trên xe” (xem Dấu thời gian, tr. 185). Cũng có thuyết kể lại hơi khác, của một bạn trẻ đồng tù với họ Hồ: “Anh em bạn ở trại giam Hàm Tân được thả về nói với tôi là bác Năm [tức Hồ Hữu Tường] bị đau nặng, công an đưa bác về nhà, xe bị lật trên đường, bác được đưa vào nhà thương chữa trị, rồi đưa về nhà. Bác Năm vĩnh viễn ra đi với sự chứng kiến của bác Năm gái” (xem Ký 1 của Đinh Quang Anh Thái, Người Việt Books, 2018, tr. 40).

Cuốn 41 năm làm báo là một tập hồi ký chính trị hấp dẫn của Hồ Hữu Tường, năm 2017 được NXB Hội Nhà văn cho tái bản, nhưng nghe nói có được/ bị biên tập bỏ bớt một số đoạn nhạy cảm.

Tạm kết về nhân vật trí thức – nhà văn – học giả Hồ Hữu Tường, tác giả Trần Bảo Định đã hạ bút viết với một thái độ đầy trân trọng và mỹ cảm: “Ôm ấp ký ức phù sa, giữ đúng điệu bộ tánh nết quê nhà sông nước, Hồ Hữu Tường những mong xiển dương văn hóa Việt. ‘Chủ nghĩa dân tộc’ của tiên sinh suy cho cùng chắc chỉ còn lại tình yêu quê hương đất nước nồng hậu, tươi thắm. Nhiều người đã luận bàn về tư tưởng và quan niệm của tiên sinh trên nhiều phương diện, thị phi xung quanh kiếp đời tiên sinh hẳn sẽ còn ‘vo ve’ ở nhiều ngóc ngách khắp nơi, thay vì ‘vo ve’, chúng tôi xin gửi niềm trân trọng với lòng tin tưởng vững vàng của tiên sinh về chỗ đứng và thế đứng của văn hóa Việt trên toàn cõi hoàn cầu này. Ta chỉ cần đứng lại phút giây (vừa luyến tiếc vừa ngậm ngùi) sẽ nhận ra ‘Con thằn lằn chọn nghiệp’ [tên một truyện ngắn tiêu biểu của Hồ Hữu Tường – TVC] chính là Hồ tiên sinh đang mỉm cười, ngắm nhìn cảnh chim nước phương Nam đã phi lạc cõi nhân gian” (Dấu thời gian, tr. 186).

Về mấy nhân vật còn lại (Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu) qua cái nhìn phóng khoáng và tương đối đầy đủ của Trần Bảo Định, nếu tóm thuật lại thì rất dài, vậy nên xin quý độc giả có thể tìm đọc thẳng vào tác phẩm của ông, sẽ thấy “bên trong còn lắm điều hay”…

TVC

8.7.2022

Comments are closed.