Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (17)

Thụy Khuê

Chương 15: Học giả Cadière và tập san Đô Thành Hiếu Cổ

Léopold Cadière

 

Linh mục Léopold Cadière, chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), là một trong những học giả Pháp nổi bật nhất trong giới nghiên cứu lịch sử và văn hoá Việt đầu thế kỷ XX tại Hà Nội. Những công trình nghiên cứu của ông như: Le mur de Đồng Hới (Luỹ Đồng Hới) in trong tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ Bulletin de l’École Française d’Extrême Orient (BEFEO), số 6, 1906, (t. 87-254), hoặc Le quartier des Arènes – Jean de la Croix et les premiers Jésuites (Khu vực Hổ Quyền – Jean de la Croix và những linh mục dòng Tên đầu tiên), BAVH, 1924, IV, (t. 307-332), đã góp phần xây dựng nên tên tuổi và uy tín của ông và sự kính trọng của người Việt đối với tập san Đô Thành Hiếu Cổ, qua những bài nghiên cứu về Huế và những gì liên quan đến cố đô, trong quá trình văn hoá và lịch sử.

Về đề tài những người Pháp đến giúp Gia Long, Cadière bắt đầu bằng tập tài liệu Les documents relatifs à l’époque de Gia Long (Tài liệu liên quan đến thời Gia Long) in trên BEFEO, số 12, 1912. Đây là tập tài liệu gốc, có giá trị, gồm một số thư từ của các thừa sai và lính Pháp viết trong thời kỳ này, do ông sưu tập.

Từ 1917 đến 1926, học giả Cadière bắt đầu cho đăng trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) loạt bài Les français au service de Gia Long (Những người Pháp giúp Gia Long) chủ yếu do ông viết, thêm vài bài của Cosserat và Salles.

Cùng năm 1917, H. Cosserat, đại diện thương mại, viết bài: Notes biographiques sur les français au service de Gia Long (Ghi chú tiểu sử những người Pháp giúp Gia Long), BAVH, 1917, III, t. 165-206), cũng là một bài nghiên cứu nghiêm túc, tuy thiếu sót, về tiểu sử những người lính Pháp mà ông sưu tầm được. Cosserat gạt bỏ những điểm bịa đặt hoặc tôn sùng thái quá của Faure, chỉ giữ lại những điều có thể tin được.

André Salles, thanh tra thuộc địa về hưu, cho in trên BAVH, 1923, I, một hồ sơ đầy đủ về Jean-Baptiste Chaigneau và gia đình do chính ông sưu tầm qua con cháu Chaigenau. André Salles là người đã theo dõi hoạt động của Phan Văn Trường tại Pháp và tìm cách triệt hạ nhóm “Người An Nam Yêu Nước” mà chúng tôi đã có dịp nói đến khá nhiều trong cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc. Ngoài ra Salles còn sưu tầm về Philippe Vannier (BAVH, 1935, II) và Laurent Barisy (BAVH, 1939, III) do Cosserat cho in và trình bày, sau khi ông mất.

Năm 1926, Cadière đưa ra một tập tài liệu gốc, trong loạt bài Les français au service de Gia Long, tựa đề Leur correspondance (Thư từ), gồm 31 lá thư của những quân nhân Pháp, in trong BAVH, 1926, IV, cả cuốn. Chính những lá thư này đã giúp chúng ta xác định trình độ học vấn của những người lính Pháp, được tôn lên làm kỹ sư, kiến trúc sư.

Ngoài ra còn phải kể đến những bài nghiên cứu giá trị của các tác giả khác, liên quan đến triều đại Gia Long, như bài của Sogny, chánh mật thám (Chef de la Sureté de l’Annam) tựa đề: Les associés de gauche et de droite au culte du Thế Miếu (Bài vị tả hữu ở Thế miếu) (BAVH, 1914, II), dịch những bài vị các đại tướng và đại thần, thờ trong Thế Miếu. Bài của Võ Tá Liêm, trước là Tá Lý sau là Thượng Thư Bộ Binh, tựa đề Capitale de Thuận Hoá (Kinh đô Thuận Hoá) (BAVH, 1916, III), viết về lịch sử xây dựng kinh đô Huế mà Gia Long là tác giả. Bài của Colonel Ardant du Pisq: Les fortifications de la citadelle de Huế (Kinh thành Huế) (BAVH, 1924, III) xác định lại một lần nữa Thành Huế do vua Gia Long thực hiện. Và BAVH, 1933, I, cả cuốn, dành cho đề tài La citadele de Huế (Thành Huế) BAVH, do Cosserat chủ biên và viết bài giới thiệu, lại xác định lại một lần nữa chính vua Gia Long chủ trì việc xây thành Huế.

Qua những loạt bài này, chúng ta có thể rút ra hai nhận xét sau đây:

1- Tập san Đô Thành Hiếu Cổ, do Cadière chủ trương, đã có một cố gắng lớn, tìm lại dấu vết của những lính Pháp đã đến Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Bên cạnh vị học giả, còn có André Salles, thanh tra thuộc địa, sau khi về hưu, tìm đến hậu duệ của Chaigneau và Vannier ở Pháp, để có những giấy tờ liên quan đến tổ tiên và con cháu của họ. Salles, dù có những suy diễn một chiều, vẫn cung cấp được những chứng từ đáng tin cậy; không phải là thứ “tài liệu dựng đứng” như Bissachère, Ste-Croix hay những xác quyết vô căn cứ của Faure…

2- Đi đôi với loạt bài của Cadière và Salles, còn có những bài nghiên cứu đứng đắn đi ngược với chủ trương bóp méo lịch sử, thí dụ, về kinh thành Huế, ngoài bài của Võ Tá Liêm, còn có các bài của Ardant du Pisq, Cosserat… bác bỏ luận điệu cho rằng người Pháp có bất cứ một công trạng gì, trong việc xây thành Huế.

Chúng tôi ghi lại tên tất cả những bài viết về vấn đề Gia Long trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ trong phần Phụ Lục 1, dưới đây.

Học giả Cadière

Học giả Cadière tập trung vào lối viết của một nhà nghiên cứu, trong ba bài đầu tiên của loạt Les français au service de Gia Long (Những người Pháp giúp Gia Long), bài đầu tiên, ông tìm lại dấu vết những người Pháp này trên đất Huế, với việc nghiên cứu và xác định vị trí dinh cơ của Chaigneau; bài thứ hai tìm lại ngôi mộ của de Forcant, bài thứ ba, ông sưu tầm, dịch và chú giải những chỉ dụ sai phái, văn bằng, vua ban cho họ, với một chủ đích sâu xa: nâng họ lên điạ vị quý tộc, hiểu theo nghiã Tây phương, xứng đáng với vai trò “khai quốc” đối với nhà Nguyễn. Cadière muốn “chứng minh” rằng chính vua Gia Long đã nhận thấy công lao rất lớn của họ, đã trọng thưởng và đưa họ lên địa vị cao cấp trong hàng ngũ quý tộc.

Trong số những người này, Chaigneau, được con cháu còn giữ nhiều tư liệu nhất và André Salles, cựu thanh tra thuộc địa, đã xuống Lorient, nơi Chaigneau và Vannier cư ngụ khi trở về Pháp, tìm lại được. Ngoài ra Michel Đức, con trai Chaigneau, cũng viết cuốn Souvenirs de Huế, (Paris 1867), 47 năm sau khi về Pháp, với ý định vinh thăng cha, làm đẹp quá khứ, nhưng trí nhớ có nhiều sai lầm. Nhờ những tư liệu phụ trợ như vậy và chính bản thân vị học giả cũng sao lục được nhiều thư từ của quân nhân Pháp và các giáo sĩ liên quan đến thời đại này, cho nên cách đóng góp của ông, ở khiá cạnh tập hợp tư liệu, là đáng quý. Cadière đã tìm lại vị trí dinh cơ cũ của Chaigneau ở Huế, với một độ chính xác đáng trân trọng.

Trở lại với bài thứ ba trong loạt bài Les français au service de Gia Long, Cadière dịch và chú giải chức vụ, của những người Pháp này, người đầu tiên là Bá Đa Lộc.

Điểm lý thú là vị học giả chỉ ra nguồn gốc tên vị giám mục ghi trong Thực Lục là Bách-Đa-Lộc (có thể đọc là Bá) và ông giải thích như sau:

Chúng ta thấy ở đây tên của Giám mục Adran viết sang chữ Hán. Ba chữ được dùng, bằng từ Hán Việt là Bách-Đa-Lộc, đọc sang tiếng Tàu là Pe-to-lou, những chữ này được người Tàu dùng để phiên âm chữ Pierre, dưới dạng La tinh là Pétrus, đọc là Petrous, hoặc dưới dạng Bồ Đào Nha là Pedro […] Vậy đức Giám mục Adran được người Việt gọi dưới tên rửa tội, là Pierre. Trong nhà dòng ngoài Bắc, tên Pierre được gọi là Phê-rô, trong Nam gọi là Vê-rô […] Nhưng Vê-rô là tiếng bình dân, không đủ sang trọng, không thể viết trong văn bản chính thức, thường dùng chữ Hán, cho nên người ta dùng từ Bách-Đa-Lộc” (Cadière: Les français au service de Gia Long: III- Leurs noms, titres et appelation annamites (Những người Pháp giúp Gia Long, tên, chức vụ và tên Việt), BAVH, 1920, I, t. 138).

Và trong phần giải thích và dịch những tên gọi đức giám mục, học giả Cadière cũng là người giải thích rõ nhất: “Chữ Grand Maitre mà người ta dùng để gọi đức giám mục, tiếng Việt là Thầy Cả, Maitre Grand. Ngày nay [đầu thế kỷ XX] chữ này dùng để gọi những thầy tu; nhưng có lẽ Gia Long và triều đình dùng để gọi đức giám mục, khi nói chuyện với ông, vua gọi ông là Maitre, chắc tiếng Việt là: Thầy” (Bđd, t. 142-143).

Về những người lính Pháp, Cadière cũng dịch các chức vụ của họ, nhưng có một số vấn đề, chúng tôi xin tóm lược như sau:

Họ đều là lính, binh nhì, binh nhất, đào ngũ, nhưng khi đầu quân cho Gia Long, thì do họ khai man hay vì một lý do nào khác, họ được nhận văn bằng cai đội (thất phẩm hay bát phẩm) ngày 29/6/1790, tức là được cai quản khoảng 40-50 người lính; đó là trường hợp của Vannier, Dayot, Barisy, Isle-Sellé, Lebrun, Despiaux, Guillon, Guilloux, được Louvet tìm thấy văn bằng.

Riêng Olivier de Puymanel, đầu quân trước và có lập công trong ngành pháo binh, nên tháng 7-8/1792 được thăng từ Cai đội lên Vệ Uý (tòng tam phẩm) ban trực tuyển phong hậu vệ Thần sách (TL, I, t. 286). Tháng 6/1795 Puymanel bỏ đi Macao rồi lại trở về, làm một số nhiệm vụ khác cho vua, và mất năm 1799, ở Malacca. Vannier, Chaigneau và de Forcant, đến tháng 7/1801, mới được lên Cai cơ (tứ phẩm) và tháng 6/1802, được thăng Chưởng cơ (tòng nhị phẩm). Đó là ba người ở lại trong quân đội và có chức cao nhất. De Forcant mất năm 1811, còn Chaigneau và Vannier đều lấy vợ Việt, có nhiều con và ở lại, được hưởng phú quý, Gia Long cấp cho 50 lính thuỷ hầu cận, nhưng ông cũng thận trọng, không cho họ cầm quân và cũng không cho thuyền hiệu để cai quản. Đó là những người làm việc lâu nhất cho Gia Long.

Khi Cadière, dịch tước vị của các quân nhân này sang tiếng Pháp, thì có vấn đề: Thí dụ: Văn bằng cai đội của họ, được Louvet sưu tầm và in trong cuốn La Cochinchine Religieuse, Pièces justificatives (Chứng từ) (t. 532- 565), cùng với một số tư liệu khác, từ năm 1885. Những bản trong sách của Louvet, dịch sang tiếng Pháp, nhưng vẫn để nguyên chức vụ tiếng Việt, ví dụ văn bằng của Dayot ghi: Khâm sai cai đội quản chiến tàu nhị chích trí lược hầu; của Vannier ghi: Cai đội chấn thanh hầu, v.v.

Như trên đã nói, vì khai man là sĩ quan trong quân đội Pháp, nên họ được vua cho chức tương đương Cai đội là ngạch chót trong ngành quan võ, tức là hàng thất phẩm (về sau có thêm bát phẩm, cửu phẩm). Nếu tìm một từ tương đương trong tiếng Pháp để dịch văn bằng của họ, thì có lẽ nên dùng chữ Chevalier. Nhưng Cadière lại dịch là Marquis (ông trực dịch chữ hầu, trong Trí lược hầu, Chấn thanh hầu…), Marquis de Trí Lược hay Marquis au Jugement rempli de Prudence.

Vần đề đặt ra ở đây là ý nghiã các tước này của Pháp và Việt hoàn toàn khác nhau. Phía Pháp là thứ tự quý tộc: duc, marquis, comte, vicomte, baron, chevalier; ta dịch là công, hầu, bá, tử, nam, hiệp sĩ. Phiá Việt cũng có những chữ công, hầu… nhưng không dùng trong nghiã như thế, vì Việt không có quý tộc theo nghiã của Pháp, còn trật tự quan lại Việt xếp theo phẩm: nhất, nhị, tam, tứ… cửu phẩm.

Do đó, khi Cadière dịch tước vị của những Cai đội này thành Marquis, thì ông đã gây hiểu lầm: Người Pháp hiểu Marquis (Hầu tước) là hàng quý tộc cao quý hạng nhì sau Duc (Công tước), nếu so sánh với ta là hàng nhị phẩm quan võ, tức chưởng dinh, thống chế, đề đốc…

Chúng tôi không nghĩ là ông cố ý khi dịch như vậy, và ông dịch như vậy cũng không phải là sai. Tuy nhiên sự sử dụng tước Marquis này sau đó, của ông và nhiều người khác trong suốt loạt bài Les français au service de Gia Long, và cả những bài khác, những văn bằng, những chỉ dụ, sai phái, trong có ghi chút chức tước, đều được dịch đi dịch lại, in đi, in lại, viết đi, viết lại, một cách kiêu hãnh và thích thú, quá mức bình thường, trải dài trên nhiều số tập san Đô Thành Hiếu Cổ; đại để như thay vì viết Võ Tánh, chúng ta cứ ngâm nga dài dài: khâm sai chưởng Hậu quân, Bình Tây tham thặng đại tướng quân, Dực vận công thần, đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, thượng trụ quốc, thái uý, quốc công, tên thụy là Trung Liệt.

Tóm lại công việc của học giả Cadière, là xây dựng một nền móng cao quý, sang trọng cho Bá Đa Lộc và những người Pháp này, qua tước vị, dinh cơ, di cảo, hình ảnh, trang phục, văn bằng, bài vị, v.v. nhất là Chaigneau, Vannier, hai người đã sống ở Huế lâu nhất trong suốt thời kỳ Gia Long trị vì, sang những năm đầu Minh Mạng. Công việc của Cadière và Salles, có tính cách nghiên cứu hơn là tuyên truyền như Maybon, đi vào chiều sâu hơn và có tác động kín đáo sâu sắc hơn. Đó là bộ mặt thứ nhất của học giả Cadière.

Học giả Cadière và bài diễn văn đọc trước Thống Chế Joffre

Linh mục Cadière còn một bộ mặt thứ nhì, lộ rõ trong một bài viết ngắn, cô đọng, trình bày rõ ràng và đầy đủ quan điểm của ông; đó là bài diễn văn chào đón thống chế Joffre, được in dưới cái tên rất khiêm nhường là “Notes sur le corps du génie annamite” (Ghi chú về công binh Việt Nam), trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH, 1921, t. 283-288). Nếu ta không để ý thì có thể bỏ qua dễ dàng vì cái tựa “Notes sur le corps du génie annamite” không ồn ào này. Tuy nhiên, đây là bài tuyên ngôn vô cùng quan trọng, nó phản ảnh lập trường của ông và qua đó là lập trường của tập san Đô Thành Hiếu Cổ, về mục đích mà tập san này quy định.

Bài diễn văn đọc trước Thống Chế Joffre, nhân dịp ông sang Đông Dương và lại thăm hội Đô Thành Hiếu Cổ ngày 3/1/1922.

Joffre, xuất thân trường Polytechnique, sĩ quan công binh, chuyên về chiến lũy, được gửi đến Bắc Kỳ năm 1885. Lập chiến công đầu tiên năm 1887, khi còn là đại úy công binh, dưới quyền đại tá Brissard, trong cuộc tấn công chiến lũy Ba Đình của Đinh Công Tráng (1842-1887). Ba Đình (Thanh Hoá) là một trong những căn cứ quan trọng nhất của quân Cần Vương, có luỹ tre kiên cố và hào cắm chông bao bọc. Thành đất, rộng 400m, dài 1200m, cao 3m, chân rộng từ 8 đến 10m. Mặt thành đặt các rọ tre chứa đất nhào rơm, để các khe hở làm lỗ châu mai đặt súng chiến đấu. Trong thành có hệ thống hào để vận chuyển lương thực và khí giới. Hoàn toàn làm theo mẫu đồn luỹ của ta, khác hẳn đồn lũy Tây phương.

Năm 1914, Joffre thắng trận La Marne, cứu Paris, trở thành anh hùng của Pháp trong đại chiến thứ nhất. Joffre khởi hành cuộc viễn du thế giới, từ Pháp tháng 11/1921, đi Hoa Kỳ trước, đến Việt Nam ngày 1/1/1922, trước khi vào Hà Nội, có ghé Ba Đình là nơi ông đã lập chiến công.

Bài diễn văn đăng trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ (1921, t. 283-288) và Thống Chế Joffre lại thăm hội Đô Thành Hiếu Cổ ngày 3/1/1922; vậy có lẽ bài này đã được đăng trước khi đọc, trừ khi tập san BAVH số 1921, ra vào năm 1922.

Lịch trình loạt bài nghiên cứu về những người Pháp – bắt đầu trên tập san BAVH năm 1917, với bài của Cadière và chấm dứt năm 1939, với di cảo của Salles – kéo dài 22 năm. Năm 1921, là năm Cadière đưa ra những nét lớn của hoạt động này và bài diễn văn của ông đọc trước Thống Chế Joffre có thể coi là bài “tổng quan”, xác định những nét chính và giới thiệu những đề tài, những mục đích của một công trình nghiên cứu dài hơi do nhiều người đóng góp.

Bài diễn văn có mục đích xác định công trạng những người Pháp giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại ngai vàng, đặc biệt trong địa hạt công binh, đồn luỹ mà thống chế là một ngôi sao sáng. Cadière vinh thăng Puymenel, như một anh hùng công binh, ngầm ý so sánh Puymanel với thống chế Joffre. Vì sự quan trọng đó mà chúng tôi dịch toàn bài và cho in nguyên văn tiếng Pháp trong phần phụ lục 2. Phần in đậm là do chúng tôi.

Bài diễn văn của Cadière đọc trước Thống Chế Joffre

Kính thưa Thống Chế,

Khi được thành lập tháng 11/1913, Hội của chúng tôi đã đặt mục tiêu nghiên cứu quá khứ Kinh đô nước Nam, và tìm hiểu tất cả kỷ niệm của người người Âu cũng như người bản xứ về Huế.

Trong số kỷ niệm này, những gì đáng quý nhất đối với người Pháp chúng ta, là những kỷ niệm nhắc nhở tới những vị sĩ quan Pháp đã đến đây vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cứu nguy Gia Long và đã giúp ông hoàng này lấy lại được vương quốc.

Hôm nay chúng tôi góp nhặt được một số tài liệu, chứng tỏ ảnh hưởng của những người Pháp, những bậc tiền bối của chúng ta, ở triều đình An Nam. Ảnh hưởng này là điều không thể chối cãi được. Một trong những người bạn đồng song của chúng tôi, ông Maybon, đã tóm tắt ảnh hưởng ấy qua những hàng sau đây:

Không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần rộng lớn vào chiến thắng của Gia Long. Chưa nói đến sự đóng góp của họ vào những chiến công quan trọng, như việc tiêu diệt hạm đội Tây Sơn năm 1792, và những cuộc hành quân khác dẫn đến chiến thắng Huế, năm 1801, mà ta không thể không khâm phục óc tổ chức của họ trong những điều kiện không mấy thuận lợi: họ đã xây dựng một ngành hải quân theo lối Tây phương, thành lập các thủy thủ đoàn; huấn luyện quân lính, đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập cấp chỉ huy; đúc đại bác, dạy cho người Việt cách dùng trái phá, lập đội pháo binh dã chiến mà sự lưu động khiến quân Tây Sơn khiếp sợ; họ đã xây dựng các thành đài(Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, t. 279).

Thưa Thống Chế, tóm lại, họ đã làm cho nước Nam những điều mà thống chế đã làm cho nước Pháp chúng ta, trong những năm dài đầu chiến tranh, ở đây, cũng như ở Pháp, chiến thắng đã đến để đền công cho bao cố gắng nhọc nhằn.

Ảnh hưởng này được thể hiện trên nhiều phương diện. Cá nhân, trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở đây tôi chỉ xin ghi lại khía cạnh đặc biệt mà vị tướng lãnh công binh như ngài lưu tâm, tôi muốn nói đến sự phòng thủ các đồn luỹ.

Trước hết, chúng ta thử xem những người đã tạo ra cái ảnh hưởng này. May mắn nhờ sự khám phá của một trong những cộng sự viên nhiệt thành nhất và có kiến thức nhất của chúng tôi, ông A. Salles, cựu thanh tra thuộc địa, đã cho phép tôi được trình ngài đọc trước, chân dung của ba người vinh hiển nhất đã giúp Gia Long: J.B. Chaigneau, Ph. Vannier, và Jean-Marie Dayot. Những chân dung này, mới được ông Salles tìm thấy trong gia đình của các vị sĩ quan này, sẽ được tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ cho in cùng với nhiều tư liệu khác về gia đình của những người Pháp đến giúp Gia Long.

Như tôi đã nói, ảnh hưởng của những người Pháp trên triều đình An Nam là cá nhân và trực tiếp.

Trước hết là sự huấn luyện kỹ thuật, và điều lạ lùng là do một vị giám mục – đúng là ông đã làm bá chủ giai đoạn này, bằng hành động, bằng thiên tài, bằng đạo đức cũng như bằng lòng yêu nước [Pháp] ngời sáng của ông – đức giám mục Bá Đa Lộc đã giữ vai trò khởi thuỷ. Một tác giả đương thời nói: Ông dịch cho học trò ông – tức là Gia Long – nhiều tác phẩm tiếng Pháp sang tiếng Nam (Cochinchinois) chủ yếu là những sách chiến lược và sách xây thành luỹ. Ông dịch [đúng] đến nỗi người có học và có khả năng nhất của nước này là nhà vua cũng phải chịu(Relation de Bissachère, Introduction của Ste-Croix, do Maybon in, trang 91). Chính Dayot đã bảo cho Renouard de Sainte-Croix biết những thông tin này. Độ hai mươi năm sau đó, năm 1819, Vannier và Chaigneau cũng cho một người du lịch Anh đến Huế biết rằng: “[Giám mục Bá Đa Lộc] dịch sang tiếng nước này [chữ Nôm] những mục từ ích lợi nhất của Bách khoa toàn thư và soạn trong thổ âm này [chữ Nôm] nhiều bản hiệp ước cho Hoàng đế sử dụng. (Trích Annales maritimes et Coloniales, Biên niên hàng hải và thuộc địa, 1823, tome 2, page 578).

Công trạng của giám mục Bá Đa Lộc có lẽ giới hạn ở đó: Ông cung cấp những sách nền móng cho sự nghiên cứu. Tất cả những lý giải kỹ thuật phải dành cho các chuyên viên: Chaigneau, Vannier, nói được tiếng Việt, nhưng nhất là Olivier.

Thưa Thống Chế, chúng tôi mong muốn được trình ngài bộ sưu tập những tác phẩm liên quan đến nghệ thuật xây dựng và bảo vệ thành trì đồn luỹ, do giám mục Bá Đa Lộc dịch sang chữ Nôm. Có lẽ một ngày nào đó, ta sẽ tìm lại được trong văn khố Hoàng cung hay của các Bộ. Ngày hôm nay, chúng tôi chỉ có thể trình ngài một kiểu mẫu được giữ trong Nội-Các, đó là Đồ thị quân sự (bao gồm) tất cả các bộ phận chính của một thành đồn, với tất cả các khẩu súng đại bác (để phòng thủ và tiến thủ) của một chiến lũy do J.E. Duhamel, kỹ sư của Vua, năm 1773, dựng theo kỹ thuật xây dựng của Thống Chế Vauban. Bản đồ này ghi bằng chữ Hán, thỉnh thoảng có vài chữ nôm, tên các bộ phận được vẽ. Thực hiếm, Thư viện quốc gia không có. Nó là một trong những cẩm nang dùng để đào tạo nên Gia Long; là một trong những cẩm nang này mà một giáo sĩ thời đó, ông Le Labousse đã viết: Gia Long có trong cung nhiều sách Pháp viết về việc xây dựng đồn lũy, v.v. Ông ta lật từng trang để xem các đồ bản và tìm cách bắt chước (Nouvelles lettres édifiantes, Tome III, trang 187). Một trong những cẩm nang này đã dùng để thiết lập đội ngũ kỹ sư An Nam mà chúng tôi sẽ nói tới. Tất cả các thành luỹ ở Bắc kỳ và ở nước Nam đều xây dựng theo những hình vẽ và những bài bố trên đồ thị đồ này.

Thêm vào công việc giáo dục binh bị, còn có giáo dục xây dựng. Chính Olivier de Puymanel, là một trong những người đầu tiên đến Nam Hà, năm 1788, lúc đó chưa đầy 20 tuổi, nhưng đã kết hợp nhiều giá trị với hoạt động thành một kiến thức hoàn hảo về việc xây chiến luỹ và thuật dụng binh, trên bình diện này Olivier giữ vị trí hàng đầu. Ông được thăng chức cao nhất là Kỹ sư trưởng các Công binh xưởng (Relation Bissachère, Introduction, trang 82). Chức vụ của ông tiếng Việt gọi là Vệ Uý, dịch là Colonel, trong nhóm quân Thần Sách, tức pháo binh và công binh. Theo chính sử biên niên đời Gia Long, ông bắt đầu xây thành Gia Định tháng 3-4 năm 1790. Thành hình bát giác, tường bằng đá Biên Hoà, trổ tám cửa, cao 6 mét (Đại Nam Thực Lục đệ nhứt kỷ, quyển IV, trang 31). Có lẽ ông được Le Brun một người Pháp giúp. Quả là có một bản đồ thành Sài Gòn do đại tá Olivier vẽ. Rút nhỏ bản đồ lớn do kỹ sư Le Brun vẽ theo lệnh Vua nước Nam. (Schreiner, Abrégé de l’Histoire d’Annam, page 104, note 1.) Rủi thay chúng tôi không có bản đồ này trong thư viện.

Khoảng 1793, Nhà vua mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo kiểu Tây phương ở một trong những vùng mới chiếm được. Thành phố này vừa xây xong thì bốn mươi ngàn ngụy quân đã đột kích trèo lên nhưng vô hiệu. (Documents relatifs à l’époque de Gia Long, par L. Cadière, pp. 31-34). Vị giáo sĩ cho chúng ta thông tin này cũng bị vây hãm trong thành, cùng với giám mục Bá Đa Lộc tháp tùng hoàng tử Cảnh, lúc đó thống lĩnh quan quân. Ông cho biết thành bị hãm trong 24 ngày vào khoảng cuối tháng tư 1794, và quân địch bắn hơn chín trăm sáu mươi quả pháo đại bác. Chín trăm sáu mươi phát đại bác trong 24 ngày! Thưa Thống chế, đó là cuộc chiến [của người] quân tử, tuyên chiến trước khi nhất tề xạ kích (guerre en dentelles), nếu so sánh với những trận mưa trái phá mà Thống Chế đã nhận được [trong đệ nhất thế chiến].

Tôi xin kể thêm một đoạn nữa của một tác giả đương thời nói về công trạng của viên sĩ quan công binh 20 tuổi này đối với triều Nguyễn: Ô. Olivier củng cố đồn lũy bằng những chiến hào tốt có trang bị đại bác điều khiển theo lối Tây phương, cách đánh nhau rất mới này đã làm cho quân Tây Sơn sợ hãi, thua chạy, mỗi lần gặp quân nhà vua vì họ không thể nào chịu được hoả lực vượt trội do ông Olivier điều khiển, nên họ thường bị dụ vào những hào hố và bị chận lại, bởi dân tộc này không có ý niệm gì.” (Relation de Bissachère, trang 83).

Những công trình của [Olivier] người đồng bào chúng ta, có còn tồn tại không? Than ôi! Tôi sợ rằng tất cả đều đã biến mất.

Thành Sài Gòn, là cái chắc: Bác sĩ Finlayson trong phái đoàn Crawfurd của Anh đến Sài Gòn năm 1822 cho biết: Thành đã được xây cách đây ít năm, theo lối Tây phương. Thành, có một bờ lũy xiên đúng kiểu, một cái hào đầy nước, một tường thành cao, chế ngự vùng lân cận. Thành hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng nửa dặm. Nhưng xây chưa xong, người ta chưa đục lỗ để súng và cũng chưa đặt súng đại bác trên tường. Đường [hào] ngoằn ngèo quá ngắn, cửa chính toạ trên trục thẳng; các cửa đều đẹp và trang trí theo kiểu Tàu (Voyage de Bengal à Siam et à la Cochinchine, dans bibliothèque universelle des voyages, 1835, p.337).

Cái thành còn dang dở này, hình vuông, không phải là thành đài hình bát giác do Olivier xây. Hơn nữa, trong khi Lê Văn Khôi khởi loạn, ở cả miền Nam, năm 1833-34 Minh Mạng bắt buộc phải tấn công thành Sài Gòn. Ông ta đã phá nó? Dù sao chăng nữa thì Hội điển, quyển 209, xếp việc xây thành ở Sài Gòn vào năm 1836. Hay chỉ là một sự trùng tu. Tất cả đều đã bị phá sau khi Pháp chiếm.

Tôi không biết nếu ở Nha Trang có còn dấu tích thành do Olivier xây. Hội điển ghi năm 1814, Gia Long thứ 13, xây thành Khánh Hoà [Hội điển, quyển 209]. Đó là một thành xây lại ở chỗ khác, hay là cũng ở nguyên chỗ thành cũ đã phá đi, tôi thiếu tài liệu về việc này.

Theo Hội điển [quyển 209] các thành trì rải rác hiện nay trên nước Nam, xây từ khi Gia Long lên ngôi, trải dài từ 1804 đến 1844, gồm có:

Thời Gia Long:

Thanh Hoá, thưa Thống Chế, là nơi ngài đã rạng danh, được xây năm 1804.

Huế, 1805.

Quảng Ngãi và Hải Dương, 1807.

Thái Nguyên và Vĩnh Long 1813.

Khánh Hoà, 1814.

Bình Định, 1817.

Thời Minh Mạng:

Hưng Hoá, 1821.

Sơn Tây, 1822.

Quảng Bình và Ninh Bình, 1823.

Bắc Ninh và Cao Bằng, 1824.

Định Tường, 1824.

Quảng Yên, 1827.

Nghệ An, 1831.

Hưng Yên, 1832.

Nam Định, Hà Tĩnh và Quảng Nam, 1833.

An Giang (Châu Đốc), Hà Tiên và Lạng Sơn, 1834.

Hà Nội, 1835.

Gia Định (Sài Gòn), 1836.

Phú Yên, Bình Thuận và Quảng Trị, 1837.

Biên Hoà, 1838.

Sau cùng, thời Thiệu Trị:

Tuyên Quang, 1844.

Tôi [Cadière] tin rằng chúng ta có thể xác quyết, mặc dù không có một tài liệu chính xác nào minh định, rằng những thành trì xây dựng dưới thời Gia Long, nhất là kinh thành Huế, đều làm dưới sự chỉ đạo tối cao của các sĩ quan Pháp lúc đó đang còn giúp Gia Long như Chaigneau, Vannier, và de Forsant. Nhưng họ đã được đội ngũ công binh người An Nam trợ giúp, đội ngũ này do chính họ hoặc do Olivier đào tạo. Hiện nay chúng ta biết rất ít thông tin về đội ngũ này, nhưng chắc văn khố của Bộ Chiến Tranh hay Bộ Công Chánh còn giữ những tư liệu quan trọng, chính đội ngũ này đã xây tất cả các thành trì dưới thời Minh Mạng và Thiệu Trị. Nếu ngày nào có một chuyên viên nghiên cứu về việc này thì thực là bổ ích, tại chỗ và trên các đồ thị, công trình của đội ngũ công binh An Nam này, khảo sát xem học trò có theo đúng sự dạy bảo của các thầy Pháp, và nếu bỏ thì tại sao, vì ngu dốt hay vì quên, hay là vì muốn chứng tỏ họ có sáng kiến, đã thay đổi tùy theo hoàn cảnh đất đai hay sự đòi hỏi của lúc đó.

Một kết luận thoát thai từ tất cả những điều tôi vừa nói, đó là tất cả những thành trì trên nước Nam này, nói chính xác, là tác phẩm của người Pháp, hoặc trực tiếp thực hiện hoặc gián tiếp bằng cách đào luyện đội ngũ kỹ sư An Nam.

Thưa Thống Chế,

Ông đến Bắc kỳ và Trung Kỳ, nhân danh một sĩ quan Công binh, ông đã từng xây dựng những chiến luỹ, đã can đảm và vinh quang chiến đấu. Tôi hy vọng rằng sự làm sống lại, trong giây phút ngắn ngủi, những người đi trước ông, những người đã chiến đấu, đã xây dựng, đã đào tạo học trò, sẽ làm ông toại nguyện.

L. Cadière

Chủ bút BAVH

Thực là kinh ngạc khi đọc bài diễn văn trên đây. Khó có thể hiểu tại sao một người có kiến thức sâu rộng, có đạo đức nghề nghiệp của một học giả như linh mục chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ lại có thể viết một bài như thế. Chưa cần xét đến óc thực dân, cao ngạo, khinh mạn người Việt, bao trùm lên toàn bài, hãy nói đến những lỗi khổng lồ một công trình khoa học không thể có, mà chúng tôi xin lần lượt phân tích từng điểm một, sau đây.

Sự “xác định” công trạng người Pháp giúp Nguyễn Ánh lấy lại ngai vàng

Mở đầu là một xác quyết vô bằng chứng: những vị sĩ quan Pháp đã đến đây vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cứu nguy Gia Long và đã giúp ông hoàng này lấy lại được vương quốc. Rồi tới ngay đoạn văn “nổi tiếng” của Maybon, được khắp nơi trích dẫn: “Không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần rộng lớn vào chiến thắng của Gia Long […] Họ đã xây dựng một ngành hải quân theo lối Tây phương, thành lập các thủy thủ đoàn; huấn luyện quân lính, đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập cấp chỉ huy; đúc đại bác, dạy cho người Việt cách dùng trái phá, lập đội pháo binh dã chiến mà sự lưu động khiến quân Tây Sơn khiếp sợ; họ đã xây dựng các thành đài(Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, t. 279).

Lời Maybon, như chúng tôi đã trình bày trong chương trước, chỉ là những xác định vô bằng, rút ra từ những “thông tin” của Ste-Croix, qua lời kể của Dayot. Mà Dayot là một kẻ phạm tội thâm lạm ngân quỹ và làm đắm tàu, bị kết án, phải trốn đi, tự vinh thăng mình và Puymanel, bôi nhọ Nguyễn Ánh, để chạy tội. Ở đây, chúng tôi xin trích lại những lời của Ste-Croix trong bài Introduction, mà hai vị học giả dùng làm nền tảng:

… Olivier, người Pháp, về giúp, trở thành kỹ sư trưởng.[…] Những chiến thắng của vua Nam Hà một phần là nhờ ông, ông đã vẽ bản đồ các thành quách, đã sáng tạo nhiều công binh xưởng. Ông được thăng tước vị hạng nhất, là Kỹ sư chỉ huy trưởng đứng đầu các công binh xưởng và Tư lệnh một quân đoàn gồm 3000 cấm vệ của vua do ông thành lập và huấn luyện theo kiểu Tây phương.[…] Hoạt động của những người Pháp giúp vua Nam Hà đi đôi với những đại bác và súng ống mà nước Pháp cho họ, đã góp phần không nhỏ vào việc nhà vua dần dần làm chủ lại xứ sở trong một thời hạn khá ngắn. Ô. Olivier làm kiên cố đồn lũy bằng những chiến hào trang bị súng đại bác điều khiển theo lối Tây phương, và lối đánh nhau này rất mới lạ ở Nam Hà, làm cho quân Tây Sơn khiếp đảm thua chạy mỗi lần gặp quân nhà vua, chúng không thể chống lại hoả lực mạnh mẽ do Ô. Olivier điều khiển và thường bị kéo vào những hào hố mà dân tộc này không có ý niệm gì (Ste-Croix, Introduction, Bissachère, t. 82-83).

Maybon và Cadière tận dụng lời Ste-Croix dưới nhiều hình thức khác nhau, hoặc xé lẻ từng câu để dùng riêng, hoặc quy tụ thành ý chủ lực cho bài viết, như trường hợp bài diễn văn này.

Sau khi đã trích dẫn nhận định của Maybon như một ý thức chủ đạo, Cadière khoanh tròn điạ hạt mà bài diễn văn đánh vào: đó là “ảnh hưởng” của những người Pháp trên triều đình Gia Long và qua đó là dân tộc Việt Nam. Ảnh hưởng đó như thế nào? Ông viết:

Ảnh hưởng này được thể hiện trên nhiều phương diện. Cá nhân, trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở đây tôi chỉ xin ghi lại khía cạnh đặc biệt mà một vị tướng lãnh công binh như ngài lưu tâm, tôi muốn nói đến sự phòng thủ các đồn luỹ.

Ông vừa khoanh tròn địa hạt thêm một lần nữa, chỉ nói đến việc phòng thủ các đồn luỹ thôi, vì đó là địa hạt và cũng là chiến công của Thống Chế Joffre.

Ngôi sao mà Cadière muốn trình diện với Thống Chế hôm nay, khi ngài tới đất Huế này, là một anh hùng, một vị tiền bối của Thống Chế, đó là Olivier de Puymanel!

Và cũng là cơ hội hy hữu để học giả vinh danh một vị anh hùng bằng một vị anh hùng khác.

Cadière “chứng minh” Đức Giám Mục Bá Đa Lộc “dịch sách” cho Gia Long

Vinh danh Puymanel, thì không thể không vinh danh người “sáng lập” ra sự nghiệp đồ sộ này: tức Đức Giám Mục Bá Đa Lộc.

Theo linh mục Cadière, đức giám mục “đã làm bá chủ giai đoạn này, bằng hành động, bằng thiên tài, bằng đạo đức cũng như bằng lòng yêu nước [Pháp] ngời sáng của ông. Và ông trích dẫn một tác giả đương thời nói”: Ông dịch cho học trò ông – tức là Gia Long – nhiều tác phẩm tiếng Pháp sang tiếng Nam (Cochinchinois) chủ yếu là những sách chiến lược và sách xây thành luỹ.(Relation de Bissachère, Introduction của Ste-Croix, do Maybon in, trang 91). Tác giả “đương thời” này chính là Ste-Croix! Và linh mục Cadière hãnh diện nhỏ to: “Chính Dayot đã bảo cho Renouard de Sainte-Croix biết những thông tin này. Sau đó ông nhấn mạnh thêm: “Độ hai mươi năm sau đó, năm 1819, Vannier và Chaigneau cũng cho một người du lịch Anh đến Huế biết rằng: “[Giám mục Bá Đa Lộc] dịch sang tiếng nước này [chữ Nôm] những mục từ ích lợi nhất của Tự điển Bách khoa và soạn trong thổ âm này [chữ Nôm] nhiều bản hiệp ước cho Hoàng đế sử dụng.

Gia Long không bao giờ là học trò của Bá Đa Lộc cả!

Chúng ta thừa biết vì Ste-Croix nhầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh, cho nên y mới viết câu: “Ông dịch cho học trò ông – tức là Gia Long – nhiều tác phẩm tiếng Pháp sang tiếng Nam (Cochinchinois) chủ yếu là những sách chiến lược và sách xây thành luỹ.” Dù chấp nhận sự lầm lẫn này, thì câu của Ste-Croix vẫn ngớ ngẩn: hoàng tử đi theo Bá Đa Lộc từ 3 tuổi, thì cần gì giám mục Bá phải dịch sách tiếng Pháp sang tiếng Việt cho hoàng tử đọc? Thế mà linh mục Cadière chép lại câu văn ngớ ngẩn này và khoe rằng do Dayot mách Ste-Croix mới biết! Vậy trình độ của Ste-Croix như thế nào, và những người chép lại Ste-Croix nữa?

Sau khi đã “dẫn chứng” một câu ngớ ngẩn như vậy, học giả đưa ra “chứng” thứ nhì: lời của hai ông Vannier và Chaigneau nói với một du khách người Anh đến Huế: “[Giám mục Bá Đa Lộc] dịch sang tiếng nước này [chữ Nôm] những mục từ ích lợi nhất của Bách khoa toàn thư và soạn trong thổ âm này [chữ Nôm] nhiều bản hiệp ước cho Hoàng đế sử dụng, mà theo vị học giả là trích ở Annales maritimes et Coloniales, 1823.

Chúng tôi tin rằng, dù lấy ở đâu, thì câu này cũng chỉ chép lại lời Barrow, người Anh đến Nam Hà năm 1793 (lúc đó các ông Vannier Chaigneau chưa đến Việt Nam), trong cuốn A Voyage to Cochinchina (Chuyến đi Nam Hà), in năm 1806, Barrow viết:

Adran còn dịch sang chữ Hán một bản nghiên cứu chiến lược để dùng trong quân đội.

Nhờ giám mục Adran dịch một số mục từ trong Bách Khoa toàn thư sang chữ Hán, mà ông biết được khoa học và nghệ thuật Âu châu, đặc biệt ông chú trọng đến thuật hàng hải và thuật đóng tàu” (Barrow, II, t. 229), Câu này chúng tôi đã trích dịch trong chương 6: Chân dung vua Gia Long, và đã viết lời bình luận như sau:

“Việc Adran dịch sang chữ Hán một bản nghiên cứu chiến lược để dùng trong quân đội, không biết Barrow lấy ở đâu, vì không thấy nơi nào nói đến […] Còn câu giám mục Adran dịch một số mục từ trong Bách Khoa toàn thư sang chữ Hán có thể đã rút ra từ chúc thư của Bá Đa Lộc do Le Labousse viết: “Đức Cha tặng vua […] bốn quyển Bách Khoa Toàn Thư (Launay, III, t. 384), đây là nơi duy nhất nói đến Bách Khoa Toàn Thư, chính Le Labousse cũng không nói gì đến việc dịch sách, mà Sử Ký Đại Nam Việt cũng không. Nhưng câu này của Barrow cũng sẽ được Faure, Maybon và những người tôn vinh Bá Đa Lộc chép lại và phóng đại lên sau này”. Học giả Cadière cũng không đi ra ngoài thông lệ đó.

Sau khi đã “chứng minh” Bá Đa Lộc “dịch sách”, và “cung cấp những sách nền móng cho sự nghiên cứu. Linh mục Cadière mạnh dạn tuyên bố:

Thưa Thống Chế, chúng tôi mong muốn được trình ngài bộ sưu tập những tác phẩm liên quan đến nghệ thuật xây dựng và bảo vệ thành trì đồn luỹ, do giám mục Bá Đa Lộc dịch sang chữ Nôm.

Đến đây thì ta không biết Bá Đa Lộc đã “dịch” Bách Khoa toàn thư và các sách chiến lược sang tiếng Tàu hay tiếng ta? Chúng tôi lại nhớ đến lời Faure than phiền: sách dịch của Giám mục bị giấu đi và cờ hiệu tiên phong giám mục cầm quân đánh Tây Sơn, cũng bị ai lấy mất? Nhưng Faure có thể viết như vậy, người ta chờ đợi ở học giả Cadière một sự thận trọng hơn.

Để lập luận được vững vàng, vài dòng sau, Cadière viết: “một giáo sĩ thời đó, ông Le Labousse viết: Gia Long có trong cung nhiều sách Pháp viết về việc xây dựng đồn lũy, v.v. Ông ta lật từng trang để xem các đồ bản và tìm cách bắt chước. (Nouvelles lettres édifiantes, Tome III, trang 187). đây, linh mục cũng lại trích dẫn kiểu cắt xén như Maybon; nguyên văn câu của Le Labousse như thế này: “Trong cung có nhiều sách về kiến trúc, thành đài. Nhà vua thường dở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước, khỏi cần đọc những lời giải thích bằng tiếng Pháp vì ông không hiểu được (Thư Le Labousse 14/4/1800, Taboulet I, t. 268).

Linh mục Cadière đã cắt câu khỏi cần đọc những lời giải thích bằng tiếng Pháp vì ông không hiểu được. Vì chính câu này chứng minh giám mục không dịch sách cho Gia Long, nhất là về thành đài, vì nếu có, linh mục Le Labousse đã không viết như thế.

Trong thư ngày 12/7/1796, gửi M. Boiret, Le Labousse viết:

Mặc dù những nghiã cử của Đức Giám Mục đã thu phục được lòng nhiều ông quan, nhưng người không bao giờ đến nhà một vị quan nào trong bảy năm người ở xứ này. Trong suốt thời gian dài này, người đến cung vua, chưa chắc được 10 lần. Trong 2, 3 năm đầu, người đến chầu vua ngày mồng một tết, và từ hơn hai năm nay, người chỉ đến một lần sau cùng mới đây, để khỏi bị cắt đứt [liên lạc]” (Launay, III, t. 309-310).

Trong một thư khác, gửi cho Hội Truyền giáo Paris, viết từ Bình Khang năm 1801, về cái chết của linh mục Hồ Văn Nghị, linh mục Le Labousse viết:

Nhà vua, trong những lúc cùng quẫn nhất, đã may mắn có ông [Nghị] bên mình để cống hiến cho vua những thức cần thiết nhất. Vì vậy vua rất quý mến ông. Và cũng chính ông, mà Đức Giám Mục, bất cứ việc gì gửi tới triều đình, đều nhờ cậy ông. (Launay, III, t. 480)

Những dòng của Le Labousse trên đây, chứng tỏ Bá Đa Lộc không gần gũi vua như người ta thêu dệt nên. Sau khi Trần Đại Luật dâng sớ xin “chém đầu Bá Đa Lộc” năm 1795, thì vị giám mục lại càng thận trọng hơn nữa. Vậy, việc giám mục “dịch sách”, “viết thư”, làm “cố vấn” làm mọi việc cho vua, không thể có được, nếu một năm hay hơn một năm giám mục mới gặp vua một lần. Chức phận ông giới hạn trong việc: là một trong những thầy dạy hoàng tử Cảnh.

Gia Long có quần thần biết tiếng Pháp như Trần Văn Học, Hồ Văn Nghị, làm thông ngôn hoặc coi việc phiên dịch cho vua; Tôn Thất Hội, nhà kiến trúc, Trần Văn Học thông thạo việc vẽ đồ thị và thành luỹ… ấy là chưa kể đến các quan trấn thủ văn võ kiêm toàn, cũng là những kỹ sư đắp các thành lũy bát giác, lục giác, tứ giác ở miền Nam như Nguyễn Cửu Đàm (luỹ Bán Bích), Nguyễn Văn Xuân (đồn Tân Châu, đồn Châu Giang), Lưu Phước Tường (đồn Châu Đốc, trấn Vĩnh Thanh)… được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí.

Sử ký Đại Nam Việt viết: “Vốn vua chẳng biết chữ bên Tây, nên phải cậy các quan cắt nghiã mọi đều. Nhứt là các tờ đã vẽ hình tượng các khí giái [giới] và những cách đắp lũy xây thành, đóng tàu hay là các đều [điều] khác thể ấy [như thế], thì vua chỉ xem những sự ấy lắm. Vả lại nhiều sách và địa đồ đã mua bên Tây, thì người chăm học mà hiểu hầu hết (SKĐNV, t. 57-58).

Cadière trình bày bản “cẩm nang dạy vua Gia Long xây dựng thành trì”

Sau khi đã “chứng minh” Bá Đa Lộc dịch Bách Khoa Toàn Thư và những “bộ sách xây dựng thành trì” cho vua, Cadière trình bày trước Thống Chế một “chứng cớ độc đáo” sau đây:

Ngày hôm nay, chúng tôi chỉ có thể trình ngài một kiểu mẫu được giữ trong Nội-Các, đó là Đồ thị quân sự (bao gồm) tất cả các bộ phận chính của một thành đồn, với tất cả các khẩu súng đại bác (để phòng thủ và tiến thủ) của một chiến lũy do J.E. Duhamel, kỹ sư của Vua, năm 1773, dựng theo kỹ thuật xây dựng của Thống Chế Vauban. Bản đồ này ghi bằng chữ Hán, thỉnh thoảng có vài chữ nôm, tên các bộ phận được vẽ. Thực hiếm, Thư viện quốc gia không có. Nó là một trong những cẩm nang dùng để đào tạo nên Gia Long.

Nói khác đi, linh mục Cadière tìm thấy trong Nội Các (thư viện hoàng gia Huế) một đồ thị do kỹ sư Duhamel của vua Louis XV, vẽ một thành đài, xây năm 1773, tại Pháp, theo kỹ thuật xây dựng của Thống chế Vauban. Bản đồ này có ghi chú chữ Hán và có vài chữ Nôm; ông vội vàng kết luận: Nó chính là một trong những cẩm nang dùng để đào tạo nên Gia Long!

Và ông viết tiếp: “Một trong những cẩm nang này đã dùng để thiết lập đội ngũ kỹ sư An Nam mà chúng tôi sẽ nói tới. Tất cả các thành luỹ ở Bắc kỳ và ở nước Nam đều xây dựng theo những hình vẽ và những đồ thị trên bản đồ này.

Hồ đồ đến thế là cùng!

1- Một bản đồ thành đài xây năm 1773 ở Pháp theo lối Vauban mà học giả tìm thấy trong thư viện Nội Các ở Huế, trước năm 1922, thì nào đã biết nó là của ai? Của Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, hay của các quan trong bộ Công? Mà dám quyết đoán: Nó chính là một trong những cẩm nang dùng để đào tạo nên Gia Long!

2- Rồi học giả lại kết hợp cái bản đồ thành đài 1773 Duhamel đó với câu này của Le Labousse: “Trong cung có nhiều sách về kiến trúc, thành đài. Nhà vua thường dở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước, khỏi cần đọc những lời giải thích bằng tiếng Pháp vì ông không hiểu được, mà học giả đã khôn khéo cắt bỏ câu chót: khỏi cần đọc những lời giải thích bằng tiếng Pháp vì ông không hiểu được, để “đưa” nó vào danh sách các cẩm nang mà đức giám mục dịch sang tiếng Nôm cho vua đọc! Trích dẫn như thế thực không trung thực chút nào.

3- Việc kỹ sư Duhamel xây thành kiểu Vauban ở Pháp năm 1773, thì có dính líu gì đến việc binh nhì Puymanel, đến nước Nam năm 1788, để học giả có thể bạ vào mà kết luận: Tất cả thành đài xây ở Việt Nam đều làm theo kiểu Vauban? Đều do “kỹ sư” Puymanel xây hoặc “học trò” của ông ấy xây? Học giả có điều tra xem Puymanel học nghề kỹ sư và kiến trúc sư lúc nào, trường nào chưa, mà có thể xây được thành đài? Và dạy được học trò?

Tất cả những ai đã học kỹ sư, kiến trúc sư, đều biết việc xây dựng một thành đài, dù theo kiểu Đông hay Tây, đều không dễ lắm, khiến một binh nhì vô học có thể làm được.

Gia Long tự học là một chuyện, nhưng bên cạnh nhà vua là một hệ thống các quan đại thần, có học, có chuyên môn, trợ giúp; những nhà kiến trúc lớn của Gia Long, thường là các quan trấn thủ, văn võ kiêm toàn.

4- Một cái bản đồ thành đài kiểu Vauban tìm thấy trong Nội Các, đủ để học giả kết luận: nó dùng để thiết lập đội ngũ kỹ sư An Nam. tất cả các thành luỹ ở Bắc kỳ và ở nước Nam đều xây dựng theo những hình vẽ và những đồ thị trên bản đồ này, thì thực tình là học giả coi thường ngành kỹ sư, kiến trúc quá đáng.

Cadière “xác định” Olivier de Puymanel xây thành Gia Định

Chuyện Cadière dựa vào câu nói bâng quơ của Lavoué: “vuamượn Ô. Olivier… xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương để “xác định” Olivier xây thành Diên Khánh, còn những người khác dựa vào câu này để chỉ thành Sài Gòn, chúng tôi đã nói đến trong chương 12, không cần trở lại nữa.

Ở đây xin lưu ý độc giả một “xác định” khác, rất lạ lùng, Cadière viết:

Theo chính sử biên niên đời Gia Long, ông [Puymanel] bắt đầu xây thành Gia Định tháng 3-4 năm 1790. Thành hình bát giác, tường bằng đá Biên Hoà, trổ tám cửa, cao 6 mét (Đại Nam Thực Lục đệ nhứt kỷ, quyển IV, trang 31). Có lẽ ông được Le Brun một người Pháp giúp. Quả là có một bản đồ thành Sài Gòn do đại tá Olivier vẽ. Rút nhỏ bản đồ lớn do kỹ sư Le Brun vẽ theo lệnh Vua nước Nam. (Schreiner, Abrégé de l’Histoire d’Annam, page 104, note 1.) Rủi thay chúng tôi không có bản đồ này trong thư viện.

Nguyễn Quốc Trị là người đầu tiên nhặt ra câu: “Theo chính sử biên niên đời Gia Long, ông bắt đầu xây thành Gia Định tháng 3-4 năm 1790. Bởi vì, những ai tìm hiểu việc đắp thành Gia Định, đều đã “soi kính hiển vi” Thực Lục, mà không tìm thấy câu “bất hủ” này. Vậy có hai khả năng:

– Học giả Cadière viết vội nên nhầm chăng? Khó tin. Vì ông và ông Maybon đều than phiền Thực Lục lờ không đả động gì đến công lao của Puymanel, Dayot.

– Học giả Cadière thấy những “chứng từ” mà ông đưa ra về công trạng của Puymanel không đủ thuyết phục, nên phải chêm vào câu này, để chứng tỏ Thực Lục cũng viết như thế, chăng? Chắc thế. Sau đó, ông viết: “Có lẽ ông được Le Brun một người Pháp giúp. Rồi thêm vào câu:Quả là có một bản đồ thành Sài Gòn do đại tá Olivier vẽ. Rút nhỏ bản đồ lớn do kỹ sư Le Brun vẽ theo lệnh Vua nước Nam do ông Schreiner đưa ra.

Tóm lại, Cadière không mấy tin tưởng vào công lao của “kỹ sư” Le Brun, mặc dù ông tin là có bản đồ Sài Gòn lớn do “kỹ sư” vẽ, của ông Schreiner; còn Taboulet thì thượng Le Brun lên thành “nhà kiến trúc đô thị đầu tiên của Sài Gòn”. Chúng ta đâm hoang mang, không biết ông Le Brun là kỹ sư, hay kiến trúc sư, hay ông học cả hai trường kỹ sư và kiến trúc?

Linh mục Cadière dành tất cả thiện cảm cho “đại tá Olivier”, và để xác định công lao của “đại tá”, linh mục học giả không ngần ngại viết những dòng dựng đứng: “Thực Lục ghi Olivier xây thành Gia Định”.

Nhưng điều tệ hại hơn nữa, là sự, học giả nhận vơ tất cả những thành trì khác, xây sau Gia Định đều trực tiếp hay gián tiếp là công lao của Olivier de Puymanel.

Cadière “xác định”: Kinh đô Huế và tất cả thành trì trên nước Nam này, đều do Puymanel và những người Pháp xây

Cadière dùng danh sách trong Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (Hội Điển) để kê khai tên 31 thành trì, phần lớn xây dưới thời Minh Mạng. Lúc đó chỉ còn Chaigneau và Vannier, là hai thủy thủ chuyên nghiệp, chẳng biết gì đến việc xây dựng, vậy mà ông cho họ quyền “chỉ đạo tối cao” việc xây thành Huế: “nhất là kinh thành Huế, đều làm dưới sự chỉ đạo tối cao của các sĩ quan Pháp lúc đó đang còn giúp Gia Long như Chaigneau, Vannier, và de Forsant, để rồi ông xác định: chính đội ngũ này đã xây tất cả các thành trì dưới thời Minh Mạng và Thiệu Trị. Chưa hết, ông còn yêu cầu các nhà nghiên cứu Pháp phải: “khảo sát xem học trò có theo đúng sự dạy bảo của các thầy Pháp, và nếu bỏ thì tại sao, vì ngu dốt hay vì quên. Để đi đến kết luận:

Tất cả những thành trì trên nước Nam này, nói chính xác, là tác phẩm của người Pháp, hoặc trực tiếp thực hiện hoặc gián tiếp bằng cách đào luyện đội ngũ kỹ sư An Nam.

Đoạn văn trên đây đã góp phần chôn vùi giá trị của học giả Cadière.

Bởi nếu Thực Lục không ghi rõ tên ai xây thành Gia Định, thì về Huế, Thực Lục, ghi rất rõ:

Ngày Ất Tỵ, xây dựng đô thành. Vua cho rằng thiên hạ đã định, muốn mở rộng đô thành để làm nơi bốn phương chầu hội. Bèn đến xã Kim Long, phiá đông đến xã Thanh Hà, xem khắp hình thế các nơi. Sai Giám thành là Nguyễn Văn Yến ra bốn mặt ngoài đô thành cũ Phú Xuân đo cắm để mở rộng thêm. Vua thân định cách thức xây thành, sắc cho bộ Lễ chọn ngày lành tế trời đất, cáo việc khởi công, phái các quân mở đường sá, làm đất cát, sai bọn Phạm Văn Nhân, Lê Chất và Nguyễn Văn Khiêm trông coi công việc. Quân nhân mỗi tháng cấp tiền một quan, gạo một phương. Dân cư tám xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hoà, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại, có ruộng đất bị mở vào thì theo giá văn tự trả tiền lại… (TL, I, t. 552).

Trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ, 1916, số III, (t. 277-288) do học giả làm chủ bút, cũng đã đăng bài của nghiên cứu của Võ Liêm, Tá Lý, rồi Thượng thư bộ Binh, tựa đề La Capitale de Thuận Hoá (Huế) (Kinh đô của Thuận Hoá (Huế). Trong đó Võ Liêm đã chứng minh rõ ràng và chi tiết, lịch sử kinh thành Huế, do vua Gia Long thực hiện. Ông viết:

Vào tháng thứ ba, năm thứ ba của triều đại, 1804, chính Hoàng đế đã khảo sát những nơi chốn từ vùng đất làng Kim Long tới làng Thanh Hà, để mở rộng và dựng lại kinh thành. Ngài hạ lệnh cho vị Giám thành Nguyễn Văn Yến, đóng cọc ra ngoài thành cũ để xác định giới hạn hoàng cung. Hoàng Đế tự tay đo lường các kích thước cần thiết để xây tường thành (t. 279-280).

Trung tá Ardant du Pisq trong bài Les fortifications de la citadelle de Huế (Kinh thành Huế), BAVH, 1924, III, (t. 221-247), sau khi trích đoạn văn của Michel Đức, con trai Chaigneau: “Thành Huế, theo kiến trúc Vauban, mà sự xây dựng do những người Pháp điều khiển, bên ngoài rất giống một thành chiến Tây phương, trừ những cửa rộng trên có mái Tàu, làm lạc ảo giác của người ngoại quốc khi đến gần (Souvenirs de Huế, Paris 1867, t. 144), ông đặt ngay câu hỏi: Ai vẽ đồ thị thành đài này? Có phải Olivier de Puymanel không? Sau khi đã duyệt qua những tác giả như Bastide, Faure, tâng công Puymanel, ông viết: Olivier mất năm 1799, mà công việc xây thành Huế đến 1805 mới bắt đầu. Tiếp đó, ông bác bỏ lập luận cho rằng người Pháp xây thành Huế, trước khi đào sâu vào việc Gia Long lựa chọn vị trí, bài bố đất đai, phong thủy, khơi sông, đắp cầu, cho toàn bộ hệ thống kiến trúc kinh thành.

Đến số BAVH, 1933, I và II, đặc biệt về kinh đô Huế, Cosserat lại nhấn mạnh một lần nữa về sự kiện này. Sau khi chép lại chú thích của Võ Liêm, rút trong Hội điển, về tổ chức của bộ Công dưới thời Gia Long và Minh Mạng, để giải thích phận sự của Giám thành trong việc xây dựng các thành đài, Cosserat viết:

…Người ta nhận thấy dưới thời Gia Long và Minh Mạng các quan trong bộ này [Công] như Giám thành Nguyễn Văn Yến, Giám thành Đỗ Phúc Thạnh, cũng như Phó đội Nguyễn Học, Đội trưởng Nguyễn Thông, Trương Viết Suý, đã được vua chỉ định để vẽ bản đồ, như những bản đồ xây kinh đô Thuận Hoá (Huế), bản đồ xây lũy Trấn Ninh, v.v.

Hai trích đoạn mà tôi vừa nêu ra ở trên, như ta thấy, tuyệt đối chính xác và không cho phép bất cứ ai có thể nghĩ rằng có những người Âu nhúng vào việc xây thành Huế. […]

Thành Huế cũng như tất cả thành đài khác xây sau đó ở vương quốc này, ngày nay không còn nghi ngờ gì nữa, là sản phẩm hoàn toàn Việt Nam, được thực hiện tất cả dưới sự kiểm soát và điều khiển của người Việt Nam. (H. Cosserat, La citadelle de Huế, cartographie, BAVH, 1933, I và II, t. 3-4).

Những ai còn cho rằng thành Huế là các “sĩ quan Pháp” xây nên đọc Võ Liêm, Ardant du Pisq và Cosserat trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ.

Nhưng người ta ít đọc Võ Liêm, Ardant du Pisq, Cosserat, vì đó là những tác giả không “nổi tiếng”. Người ta đọc và tin học giả Cadière.

Chính điểm gian dối cuối cùng này của vị học giả, sẽ được người ta chép lại, rồi ghép với chữ Vauban, để xác định tất cả thành trì Việt Nam xây trong thế kỷ XIX, đều do người Pháp xây, đều làm theo kiểu Vauban cả!

*

Linh mục Cadière đọc diễn văn trước Thống chế Joffre, một sĩ quan công binh thực thụ, tốt nghiệp trường Polytechnique, là trường đào tạo nên những kỹ sư hàng đầu của Pháp sau hai năm học thêm ở một trường chuyên ngành. Ông muốn kéo Puymanel, một người không có học, không có thành tích, lên ngang hàng với thống chế Joffre, anh hùng dân tộc của Pháp trong thế chiến thứ nhất, có công trong cuộc đánh phá chiến lũy Ba Đình của Đinh Công Tráng (1842-1887) năm 1887. Ông đem Maréchal Joffre so sánh với Puymanel, để dễ dàng đưa Puymanel vào lịch sử, như một người đã xây tất cả các thành đài “kiểu Vauban” ở Việt Nam.

Ảnh hưởng của Cadière và Maybon rất rộng, dàn trải gần 100 năm nay, được tiếp sức bằng một sử gia đến sau là Taboulet “tài ba” không kém, khiến những người nghiên cứu Việt Nam chép lại, không hồ nghi, không đặt vấn đề.

Học giả Cadière, với tập san Đô Thành Hiếu Cổ, đã góp phần xây dựng nên huyền thoại những người Pháp đến giúp Gia Long, từ chân tơ kẽ tóc. Trước hết qua ngôn ngữ, bằng việc dịch các văn bằng, chỉ dụ, ông kín đáo đưa họ lên hàng quý tộc, tước vị Hầu tước – Marquis. Kín đáo, tìm lại dinh cơ của họ, tôn vinh gia thế của họ qua những thế phả tô vẽ của Salles. Kín đáo so sánh Puymanel với Thống chế Joffre, kỹ sư tốt nghiệp trường Polytechnique. Kín đáo trình bày Bá Đa Lộc như người thầy tư tưởng của Gia Long, người đã đưa văn hoá, học thuật và kỹ thuật tân tiến của Tây phương vào Việt Nam qua việc “dịch” Bách Khoa Toàn Thư và “dịch những tác phẩm viết về nghệ thuật xây dựng và bảo vệ thành trì đồn luỹ”, nhưng những “bộ sách” này, chưa kiếm ra được!

Đó là thượng sách của Cadière. Nhưng học giả còn dùng cả hạ sách nữa:

Ông không ngần ngại tung tin thất thiệt: Thực Lục ghi Olivier xây thành Gia Định và cũng không ngần ngại xác định: “… Kinh thành Huế, làm dưới sự chỉ đạo tối cao của các sĩ quan Pháp: Chaigneau, Vannier, và de Forsant, chính đội ngũ này đã xây tất cả các thành trì dưới thời Minh Mạng và Thiệu Trị.

Ông còn đòi hỏi các nhà nghiên cứu Pháp phải: “khảo sát xem học trò có theo đúng sự dạy bảo của các thầy Pháp, và nếu bỏ thì tại sao, vì ngu dốt hay vì quên.

Sau cùng ông buông một lời kết: Tất cả những thành trì trên nước Nam này, nói chính xác, là tác phẩm của người Pháp, hoặc trực tiếp thực hiện hoặc gián tiếp bằng cách đào luyện đội ngũ kỹ sư An Nam.

Với những xác định hống hách và gian lận như thế, về mặt tình cảm, học giả Cadière đã tự xoá tên mình trong ký ức mến yêu và kính trọng của người Việt.

Về mặt học thuật, với những kiến thức và tư liệu nắm trong tay, đáng lẽ ông phải chỉ ra những sai lầm bịa đặt trong toàn bộ bài viết của những tác giả thực dân để thiết lập lại sự thực lịch sử, thì ông lại tòng phạm với họ, để tạo cho sự xuyên tạc lịch sử có một nền móng vững chắc hơn.

Thực ra, những lính Pháp đào ngũ đến giúp Gia Long cũng chỉ là những người trẻ tuổi, lẩn trốn một công việc nặng nhọc, ít lương và bị đối đãi tàn nhẫn, ở trên tàu cuối thế kỷ XVIII; họ phiêu lưu tìm cách kiếm ăn và nếu có thể, làm giàu; họ không có tham vọng “đi vào lịch sử”. Olivier de Puymanel và các bạn đồng hành đều vô tư, không có gì đáng trách.

Đáng trách là những người đã dùng họ để biện minh cho chính sách thực dân có một chính nghĩa, càng đáng trách hơn nữa khi những người đó lại là những trí thức có uy tín. Hơn ai hết, học giả Cadière, biết rõ rằng những sự thực dù có bị chôn giấu, niêm phong, một trăm năm, một ngàn năm, rồi cũng sẽ có người khai quật, mở ra. Việc ông và ông Maybon làm, cách đây gần 100 năm rồi, nhưng đối với người Việt chỉ như mới hôm qua, và chúng tôi, hết thế hệ này đến thế hệ sau, sẽ còn đào bới lại để đưa những sự thực này ra ánh sáng.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Kỳ tới: Con số những người lính Pháp đến giúp Gia Long

Phụ lục 1

Về đề tài liên quan đến Gia Long, tập san Đô Thành Hiếu Cổ tập hợp nhiều tác giả với những loạt bài nghiên cứu khác nhau, như:

– Sogny: Les associés de gauche et de droite au culte du Thế Miếu (Bài vị tả hữu ở Thế miếu), BAVH, 1914, II (t. 119-145)

– Võ Tá Liêm: Capitale de Thuận Hoá (Kinh đô Thuận Hoá), BAVH, 1916, III, (t. 277-288)

– Cadière: Les français au service de Gia Long: I- La maison de Chaigneau (Nhà Chaigneau), BAVH, 1917, II (t. 117-164).

– Cosserat: Notes biographiques sur les français au service de Gia Long (Ghi chú tiểu sử những người Pháp giúp Gia Long), BAVH, 1917, III, t. 165-206)

– Cadière: Les français au service de Gia Long: II- Le tombeau de de Forcant (Mộ của de Forcant) BAVH, 1918, II, (t. 59-77)

– Cosserat: Les Actes de décès de Chaigneau et de Vannier (Giấy khai tử của Chaigneau và Vannier), BAVH, 1919, IV) (t. 495-500)

– Cadière: Les français au service de Gia Long: III- Leurs noms, titres et appelation annamites (Những người Pháp giúp Gia Long, tên, chức vụ và tên Việt), BAVH, 1920, I, t. 137-176.

– Salles: Les français au service de Gia Long: IV: Les tombes de JB.Chaigneau et P.Vannier au cimetier de Lorient, BAVH, 1921, t. 47-57). Cosserat: V-Une fresque de Vannier (BAVH, 1921, t. 239- 242)

– Cadière: Notes sur le corps du génie annamite (Ghi chú về công binh Việt Nam) (BAVH, 1921, t. 283-288).

– Cadière và Cosserat: Les français au service de Gia Long: VI- La maison de JB. Chaigneau, Consul de France à Huế (BAVH, 1922, I, t. 1-31). Cadière: VII-Les Diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau, Vannier (Văn bằng và chỉ dụ sai phái Vannier và Chaigneau), BAVH, 1922, II, t. 139-180. Salles: VIII-Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau; description des documents (mô tả tư liệu) (BAVH, 1922, III, t. 245-254).

– André Salles: Jean-Baptiste Chaigneau et sa famille (JB Chaigneau và gia đình) BAVH, 1923, I, cả quyển.

– Chaigneau: Notices sur la Cochinchine (Trình báo về nước Nam), BAVH, 1923, II, t. 257- 283; do Salles sưu tầm, chú giải, in dưới tựa đề: Le mémoire sur la Cochinchine de Jean-Baptiste Chaigneau (Hồi ức của Chaigneau về nước Nam), BAVH, 1923, II, t. 253-283.

– Lt-Colonel Ardant du Pisq: Les fortifications de la citadelle de Huế (Kinh thành Huế), BAVH, 1924, III, (t. 221-247)

– Cadière: Les français au service de Gia Long: IX- Despiau commercant (Despiau nhà buôn) BAVH, 1925, III, t. 183-185. Cosserat: X-L’acte de baptême du Colonel Olivier (Giấy rửa tội của đại tá Olivier) BAVH, 1925, III, t. 188)

– Cadière: Les français au service de Gia Long: Nguyễn Ánh et la Mission, documents inédits (Nguyễn Ánh và Hội thừa sai, tài liệu chưa in), thư nôm của Nguyễn Ánh gửi hội thừa sai, BAVH, 1926, I, t. 1-49.

– Sogny: Les Plaquettes des dignitaires et des mandarins à la Cour d’Annam (Thẻ bài của những vị chức sắc và quan lại nước Nam), BAVH, 1926, III, t. 233-254)

– Cadière: Les grandes figures de l’Empire d’Annam Nguyễn Suyền (Những khuôn mặt lớn của đế quốc An Nam) tài liệu của Bréda, Cadière bình luận và chú giải, BAVH, 1926, III, t. 255-280)

– Cadière: Les français au service de Gia Long: Leur correspondance (Thư từ): 31 lá thư của những quân nhân Pháp. BAVH, 1926, IV, cả cuốn.

– La citadele de Huế (Thành Huế) BAVH, 1933, I, cả cuốn.

– Documents Salles: Philippe Vannier, BAVH, 1935, II, t. 121-191

– Documents Salles: Laurent Barisy, Cosserat trình bày, BAVH, 1939, III, t. 173-236.

Phụ lục 2

NOTES SUR LE CORPS DU GÉNIE ANNAMITE[1]

Monsieur le Maréchal,

Notre Société s’est proposée, lors de sa fondation, en novembre 1913, d’étudier le passé de la Capitale de l’Annam et de rechercher tous les souvenirs, tant indigènes qu’européens, qui concernent Huế.

Parmi ces souvenirs, ceux qui nous sont le plus chers, à nous Français, sont ceux qui nous rappellent les officiers venus, à la fin du XVIIIe siècle et au commencement du XIXe, au secours de Gia-Long, et qui ont aidé ce prince à reconquérir son royaume.

Nous avons réuni aujourd’hui quelques documents, qui prouvent l’influence exercée par ces Français, nos devanciers, à la cour d’Annam. Cette influence est un fait indéniable. Un de nos collègues, M. Maybon, la résume dans les termes suivants:

«Il est incontestable qu’ils ont contribué, dans une très large mesure, aux victoires de Gia–Long. Sans parler de la part qu’ils prirent à d’importantes opérations, comme la destruction de la flotte Tây-Sơn en 1792, et à celles qui aboutirent à la prise de Huế, en 1801, on ne peut qu’admirer l’oeuvre d’organisation qu’ils réalisèrent dans des conditions fort peu favorables: ils ont construit une marine européenne et formé des équipages; ils ont instruit les soldats, introduit dans l’armée la discipline, établi des cadres; ils ont fondu des canons, appris aux Annamites l’usage des bombes, créé une artillerie de campagne dont la mobilité frappait les Tây-Sơn de stupeur; ils ont élevé des citadelles»[2].

En un mot, Monsieur le Maréchal, ils ont fait en Annam ce que vous avez fait pour nous en France, pendant les longues années du début de la guerre, et ici comme là-bas, la victoire est venue récompenser tant d’efforts.

Cette influence s’est exercée de plusieurs façons. Elle a été personnelle et directe; elle a été indirecte. Je ne retiendrai ici que ce qui est de nature à intéresser plus particulièrement l’officier du Génie, je veux parler de la défense des places.

Tout d’abord, voyons les hommes qui ont exercé cette influence. Les trouvailles heureuses d’un de nos collaborateurs les plus zé1és et les plus avertis, M. A. Salles, ancien Inspecteur des Colonies, me mettent à même de vous donner la primeur des portraits des trois plus illustres soutiens de Gia-Long: J. B. Chaigneau, Ph. Vannier, et Jean-Marie Dayot. Ces portraits, récemment découverts par notre collègue dans les familles des descendants de ces officiers, seront publiés par les Amis du Vieux Huế, en même temps que de nombreux documents et des notes sur les familles des Français venus au service de Gia-Long.

L’influence exercée par les Français dans le royaume annamite a été personnelle et directe, ai-je dit.

I1 y a eu d’abord un travail de formation technique, et, chose curieuse, c’est un évêque —il est vrai qu’il domine toute cette époque, aussi bien par son activité et son génie que par son patriotisme éclairé et par ses vertus — c’est un évêque, Mgr. Pigneau de Béhaine, évêque d’Adran, qui a joué en cela le rôle initial. Un auteur contemporain nous dit: «Il a traduit pour son élève (c’est de Gia–Long qu’il s’agit) plusieurs ouvrages français en Cochinchinois, principalement sur la tactique et les fortifications, et il en a fait sans contredit le Cochinchinois de ses états le plus instruit et le plus capable»[3]. C’est Dayot qui avait donné ces renseignements à Renouard de Sainte-Croix. Quelques vingt ans plus tard, en 1819, Vannier et Chaigneau donnaient les mêmes indications à un voyageur anglais qui parut à Huế: «[L’évêque d’Adran] traduisit dans la langue du pays les articles les plus utiles de l’Encyclopédie, et composa dans le même idiome différents traités à l’usage de l’Empereur»[4].

Là sans doute se bornait l’oeuvre de l’évêque d’Adran: il fournissait les manuels d’étude. Toutes les explications techniques devaient être réservées aux spécialistes: Chaigneau, Vannier, qui parlaient annamite, mais surtout à Olivier.

Nous aimerions pouvoir vous montrer, Monsieur le Maréchal, la collection de ces ouvrages relatifs à l’art de la construction et de la défense des places, traduits en annamite par l’évêque d’Adran. Peut-être, un jour, les retrouvera-t-on dans des archives du Palais ou des Ministères. Nous pouvons aujourd’hui vous en montrer un spécimen, conservé au Nội-Các C’est la «Carte militaire [comprenant] toutes les principales parties d’une place fortifiée, avec toutes les pièces d’artillerie qui [servent à l’attaque et à la défense] d’une place dressée sur les mémoires du Maréchal de Vauban par J. E. Duhamel, ingénieur du Roi, 1773». Cette carte porte en caractères chinois ou parfois en caractères démotiques les noms des pièces dessinées. Elle est très rare, et la Bibliothèque nationale ne la possédait pas. Elle fut un des manuels qui servirent à la formation de Gia-Long; un de ces manuels dont un missionnaire de l’époque M. Le Labousse, écrivait: «Gia-Long a dans son palais plusieurs ouvrages français qui traitent de construction, de fortification, etc. Il les feuillette continuellement pour en voir les planches et tâcher de les imiter»[5], un de ces manuels qui servirent à la formation du corps d’ingénieurs annamites que nous allons mentioner; c’est d’après les figures et les plans contenus sur cette carte que furent élevées toutes les citadelles du Tonkin et de l’Annam.

A ce travail d’éducation militaire, s’ajouta un travail de construction. C’est Olivier de Puymanel, arrivé l’un des premiers en Cochinchine, en 1788, qui, à peine âgé de 20 ans, mais «joignant beaucoup de valeur et d’activité à une parfaite connaissance des fortifications et de l’art militaire», joua, sous ce point de vue, le premier rôle. «Il fut élevé au premier grade comme chef ingénieur à la tête des arsenaux»[6]. Son titre annamite était celui de Vệ-Úy traduit par «colonel», dans les troupes Thần-Sách ou de l’Artillerie et du Génie. D’après les Annales de Gia-Long, il commença la construction de la citadelle de Saigon en mars-avril 1790. C’était un ouvage de forme octogonale, et les murs, en pierres de Biên-Hòa percés de huit portes, avaient 6 mètres de hauteur[7]. Il fut peut-être aidé dans ce travail par un Français, Le Brun. Il existe en effet un «Plan de la ville de Saigon fortifiée en 1790 par le colonel V. Olivier. Réduit du grand plan levé en 1795 par ordre du Roy de la Cochinchine par Le Brun, ingénieur»[8]. Nous n’avons pas ce plan, malheureusement, dans notre bibliothèque.

Vers 1793, «le Roi engagea M. Olivier, officier français, à lui faire une ville à l’européenne dans une des provinces nouvellement conquises. Elle était à peine achevée lorsque les rebelles y accoururent au nombre de quarante mille hommes, résolus de l’escalader mais leurs efforts furent inutiles»[9]. Le missionnaire qui nous donne ce renseignement subit le siège, ainsi que l’évêque d’Adran, lequel avait accompagné là le prince Cånh, général en chef des troupes fidèles. Il nous apprend que le siège dura 24 jours, vers 1a fin d’avril 1794, et que les ennemis envoyèrent plus de neuf cent soixante boulets. Neuf cent soixante boulets en 24 jours! C’était une guerre en dentelles, en comparaison des pluies d’obus que vous avez vues, Monsieur le Maréchal.

Je citerai encore un passage d’un auteur contemporain qui montre les services rendus à la dynastie des Nguyễn par cet officier du Génie de 20 ans: «M. Olivier fortifiait les postes de l’armée par de bons retranchements garnis de canons manoeuvrés à l’europénne, et cette manière si nouvelle en Cochinchine de faire la guerre, rendit les Tây-Sơns extrêment timides étant battus toutes les fois qu’ils se présentaient devant les troupes du Roy, et ne pouvant soutenir la supériorité des feux dirigés par M. Olivier et souvent attirés et arrêtés par des fortifications dont ces peuples n’avaient aucune idée»[10].

Est-ce que ces travaux de notre compatriote subsistent encore ? Hélas, je crains que tout ait disparu.

Pour la citadelle de Saigon, c’est un fait absolument certain: La mission anglaise de Crawfurd passa à Saigon en 1822, et son médecin, Finlayson, nous dit: «La forteresse a été construite depuis peu d’années, sur les principes de la fortification européenne. Elle est munie d’un glacis dans les règles, d’un fossé plein d’eau, d’un haut rempart, et commande la contrée environnante. Elle est de forme carrée et chacun des côtés a environ un demi-mille de longueur. Mais elle n’est pas encore achevée; on n’a pas encore fait d’embrasures ni monté de canons sur les murs. Le zig-zag est fort court, et le passage de l’entrée principale est en droite ligne; les portes sont belles et ornées dans le style chinois»[11]. Cette citadelle inachevée, de forme carrée, n’est pas la citadelle de forme octogonale bâtie par Olivier. Bien plus, pendant la révolte de Lê-Văn-Khôi qui souleva, en 1833-34, toute la Basse-Cochinchine, Minh-Mạng fut obligé de prendre d’assaut la citadelle de Saigon. La fit-il démolir? Toujours est-il que le Recueil général d’administration place en 1836 la construction d’une citadelle à Saigon[12]. Peut-être ne s’agit-il que d’une restauration. Tout fut démoli après l’occupation française.

Je ne saurais dire s’il existe encore à Nha-Trang des vestiges de la citadelle élevée par Olivier. Le Recueil général d’administration place en 1814, 13e année de Gia-Long, la construction de la citadelle de Khánh-Hòa[13]. S’agit-il d’une reconstruction totale à un autre endroit, ou au même endroit après démolition, les données me manquent actuellement pour répondre à cette question.

Les citadelles qui jalonnent actuellement le pays annamite ont été construites, d’après le Recueil général d’Administration, à partir de l’avènement de Gia-Long, et s’étagent de 1804 à 1844.

Nous avons, sous Gia-Long:

Thanh-Hóa où vous êtes illustré, Monsieur le Maréchal, en 1804.

Huế en 1805.

Quảng-Ngãi et Hải-Dương en 1807.

Thái-Nguyên et Vĩnh-Long en 1813.

Khánh-Hoà en 1814.

Bình-Định en 1817.

Sous Minh-Mạng:

Hưng-Hóa en 1821.

Sơn-Tây en 1822.

Quảng-Bình et Ninh-Bình en 1823.

Bắc-Ninh et Cao-Bằng en 1824.

Định-Tường en 1824.

Quảng-Yên en 1827.

Nghệ-An en 1831.

Hưng-Yên en 1832.

Nam-Định, Hà-Tĩnh et Quảng-Nam en 1833.

An-Giang, Châu-Đốc, Hà-Tiên et Lạng-Sơn en 1834.

Hanoi, en 1835.

Gia-Định (Saigon), en 1836.

Phú-Yên, Bình-Thuận et Quảng-Trị en 1837.

Biên-Hòa en 1838.

Enfin, sous Thiệu-Trị:

Tuyên-Quang en 1844.

Je crois que nous pouvons affirmer, bien qu’aucun document précis ne nous l’indique, que les citadelles construites sous Gia-Long, et principalement la citadelle de Huế l’ont été sous la haute direction des officiers français qui étaient alors encore au service du roi d’Annam: Chaigneau, Vannier, de Forsant. Mais ils étaient déjà secondés par un service du Génie purement annamite, qu’ils avaient formé, ou qu’Olivier avait formé. C’est ce service, sur lequel nous sommes encore fort mal renseignés, mais sur lequel les archives des Ministères de la Guerre et des Travaux publics doivent renfermer de précieux documents, c’est ce service qui a élevé toutes les citadelles bâties sous Minh-Mạng et Thiệu-Trị. Il serait intéressant qu’un spécialiste étudie un jour, sur le terrain même et à l’aide des plans, l’oeuvre du service annamite du Génie, et qu’il examine si les élèves ont suivi comme il faut les indications de leurs instructeurs français, s’ils les ont abandonnées, par ignorance ou oubli, ou si, faisant preuve d’initiative, ils les ont modifiées suivant les circonstances du terrain ou les besoins du moment.

Mais une conclusion ressort de tout ce que j’ai dit, c’est que tous les travaux de fortification qui existent en pays annamite, sont à proprement parler l’oeuvre des Français, soit d’une façon directe et effective, soit d’une façon indirecte, par la formation d’un corps d’ingénieurs annamites.

Vous êtes venu au Tonkin et en Annam comme officier du Génie, Monsieur le Maréchal, vous y avez construit des ouvrages militaires, vous y avez combattu avec courage et avec gloire. J’espère que cette résurrection, trop brève à mon gré, de ceux qui vous ont précédé ici, qui se sont battu, qui ont construit, qui ont formé des é1èves, vous aura été agréable.

L. CARDIÈRE.

Xem các kỳ trước:

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long-16/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-15/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-14/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-13/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html


[1] Explications données à Monsieur le Maréchal Joffre, lors de sa réception aux Amis du Vieux Hué, le 3 janvier 1922. — Nous publions ces notes uniquement pour prendre date, et annoncer une étude plus approfondie et pluS documentée.

[2] Histoire moderne du pays d’Annam, p. 279.

[3] Relation sur le Tonkin et la Cochinchine, de M. de 1a Bissachère. Introduction de Renouard de Ste-Croix publiée par M. J. B. Maybon, p. 91.

[4] Extrait des Annales maritimes et Coloniales, 1823, tome 2, p. 578

[5] Nouvelles lettres édifiantes, tome VIII, p. 187.

[6] La relation sur le Tonkin et la Cochinchine. p, 82.

[7] Đại-Nam thật lục đệ nhứt kỷ livre IV, folio 31.

[8] D’après Schreiner : Abrégé de l’histoire d’Annam, p. 104, note 1.

[9] Documents relatifs à l’époque de Gia-Long, par L. Cadière, pp. 31-34.

[10] Relation de M. de la Bissachère, p. 83.

[11] Voyage de Bengal à Siam et à la Cochinchine, dans Bibliothèque universelle des voyages, 1835 p. 337.

[12] Hội-điển livre 209

[13] Hội-điển livre 209.

Comments are closed.