Mênh mông chật chội… (6)

Lại Nguyên Ân

VẪN TRONG VŨ ĐIỆU CỦA CÁI BÔ!

Khi dự định viết bài này, tâm trí tôi thỉnh thoảng lại nhớ đến tên một truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân, truyện "Vũ điệu của cái bô"[1]. Ấy là chuyện đầu thời mở cửa, anh kỹ sư thời bao cấp nay lâm cảnh thất nghiệp, rồi tìm được việc làm tại tư gia một thiếu phụ bỗng chốc giàu lên, hoặc do có vốn liếng gì đó hoặc nhờ có chồng đi tàu viễn dương… Công việc của anh kỹ sư trong vai trò mới là gia sư kiêm bảo mẫu, dạy tiếng Anh cho đứa trẻ chưa đầy bốn tuổi nhưng cũng phải thường xuyên đổ bô cho nó theo nghĩa đen.

Tôi nhớ cái tên truyện “vũ điệu của cái bô” ấy, vì đang chứng kiến những chuyện có vẻ rất khác thế nhưng hình như vẫn giống như thế.

Chả là tôi có biết ba bốn chị bạn, bây giờ phải gọi là bà bạn. Mấy bà này sau thời đại học, đã yên vị ở một cái viện tọa lạc giữa thủ đô, đã kịp sang Nga hoặc Ðông Âu kiếm về cái bằng phó tiến sĩ ("hữu nghị" hay không, chẳng cần bàn); cách đây dăm bảy năm một buổi sáng thức dậy nghiễm nhiên đồng loạt trở thành tiến sĩ; công việc thì cực kỳ an nhàn: mỗi tuần đến Viện một lần, mỗi năm đưa đăng chừng 01 bài báo trên tạp chí của Viện; còn lại, thời giờ là của mình, ai giỏi giang thì mỗi năm "đánh" dăm bảy công-ten-nơ hàng bán sang bên Nga bên Tiệp, hoặc kinh doanh nhà đất, ai tự thấy tài lực ít thì lại có dư thời gian chăm sóc chồng con, lo cho chồng lên chức, lo cho con du học sang Mỹ sang Úc. Những người đàn bà thành đạt ấy hễ gặp nhau ở Viện thì chỉ dành thời gian hỏi thăm nhau về con cái, rồi bàn tán chuyện váy áo, chứ mấy khi nói chuyện học thuật chuyên môn!

Cứ tưởng như đã đạt đến tiến sĩ rồi thì chẳng cần làm gì nữa, đã ngồi ở cái viện "cả nước chỉ có một" này thì chẳng có gì phải phấn đấu nữa. Thế mà vài ba năm nay, mấy bà tiến sĩ này bỗng chạy đôn chạy đáo, phấn đấu cật lực.

Thì ra, họ tính toán với nhau cả rồi. Này nhé, đã có học vị tiến sĩ rồi, phải phấn đấu để có học hàm phó giáo sư, thì mới được xê dịch tuổi nghỉ hưu được thêm 5 năm nữa so với tuổi nghỉ hưu thông thường của viên chức. Ở xứ nào kia người ta mới hoài nghi cái việc người lao động nhảy dựng lên đòi làm việc nhiều hơn mức mà chủ sử dụng lao động yêu cầu, chứ ở ta đây, tâm thế chung của công chức Việt Nam vẫn là muốn cống hiến nhiều nhất, muốn giữ trọng trách đến nhắm mắt tắt hơi…, nói cho sát nghĩa đen ra là muốn về hưu muộn. Mà ai không tin cái sự "nói chung" ấy thì hãy thông cảm với cái sự "nói riêng" này, rằng ở tuổi năm mươi lăm, các bà trẻ này vẫn còn trẻ lắm, còn có thể làm thêm nhiều việc lắm (các cụ ta xưa mà nhìn thấy mấy bà này hẳn sẽ bảo họ có thể đẻ thêm vài lứa nữa!). Nếu tiếp tục gặp nhau ở viện mà chuyện gẫu về con về cháu, về ô-sin, về cưới hỏi, về váy áo… liền liền dăm bảy năm nữa thì vẫn hay hơn là ở nhà, loanh quanh giữa mấy cái chợ, cái siêu thị, cái máy giặt, cái máy tập thể dục, cái tivi!

Tính toán đâu vào đấy rồi, họ phấn đấu, thực hiện cho bằng được! Phải có được tổng cộng mấy trăm giờ dạy cho bậc cao đẳng, đại học; phải hướng dẫn thành công một số nghiên cứu sinh bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Mấy bà tiến sĩ này, tôi biết, vốn ngại lắm chuyện dạy học, thế mà nay bỗng nháo nhào tìm nơi thỉnh giảng. Ở Hà Nội hiếm chỗ dạy thì đi xa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An, Ðà Lạt, Quy Nhơn… Tàu xe có vất vả chút ít thì được bù lại ở cách đối xử: ở Hà Nội mỗi tiết dạy may ra được tính gấp đôi, nhưng ở xa có thể tính gấp ba gấp bốn lần. Tổng số giờ dạy chẳng mấy mà đủ. Chuyện tìm học trò (nghiên cứu sinh) có khó hơn, nhưng càng nơi xa càng dễ tìm. Ở các trường đại học, cao đẳng nơi ấy có thiếu gì những giảng viên trẻ, chỉ mới có học vị cử nhân, chỗ đứng trên bục giảng còn chông chênh nếu không gắng gia cố bằng tấm bằng thạc sĩ. Những cử nhân là phụ giảng hay giảng viên ấy, ngay tại nơi "vùng sâu vùng xa" của mình bỗng gặp được các tiến sĩ về thỉnh giảng, là chuyện tưởng như chỉ có trong mơ. Và với nỗ lực của hàng trăm tiến sĩ như mấy bà mà ta đang nói đến này thì sẽ kéo theo hàng ngàn nghiên cứu sinh tỉnh lẻ được ân cần chỉ lối đưa đường ra Hà Nội làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ.

Ở Việt Nam luôn luôn có những chuyện trái nhau.

Ví như để vào đại học, bạn phải tự mình ra thành phố lớn dự thi, phải tự lo lều chõng cơm nắm cơm đùm, tự mình chen chúc tàu xe, tự tìm tự lo chỗ trọ; đủ thứ khó khăn, bạn phải tự mình chịu lấy, vượt qua. Người ta gạt đi không hết những người muốn trở thành sinh viên, nhưng hình như người ta phải thắp đèn đi tìm nghiên cứu sinh. Chả thế mà giới giáo sư đại học cưng họ lắm. Tôi nhớ ông Hiêu ông Sư (hay là vài ông nào đấy, chính cống giảng viên đại học) từng kể: "Bọn nó thi ngoại ngữ chẳng biết gì, đáng 0 điểm; chúng tôi vớt cả"; "Bọn nó bảo vệ đề cương, chẳng ra gì, đáng 2 điểm; chúng tôi vớt, cho 8 điểm. Không cho đỗ lấy đâu ra nghiên cứu sinh cao học?"

Ðại khái thế thôi. Chuyện thủ tục làm nghiên cứu sinh cũng rườm rà, rầy rà lắm. Ở xứ ta, khi con người kết nối thành cơ chế, bao giờ nó cũng hành hạ kẻ muốn lọt qua, muốn được OK. Nhưng con người xứ ta cũng có trăm kế ngàn phương để lọt qua các cánh cửa tưởng rất khó mở. Rốt cuộc thì mọi thủ tục sẽ xong. Cái khó còn lại là nội dung luận án. Các nữ tiến sĩ đóng vai trò bà thầy hiểu rõ điều này. Họ đã nhận các nghiên cứu sinh kia là trò thì họ sẽ ra tay trợ giúp.

Ðề cương luận án dĩ nhiên các bà thầy phải soạn cho nghiên cứu sinh thì mới qua được các hội đồng. Bảo vệ đề cương xong rồi, mấy cô cậu ấy lên tàu về trường rồi, các bà thầy lo làm tư liệu, làm dàn bài dàn ý cho bọn họ. Cố nhiên các bà thầy chẳng chịu ngồi tra cứu lâu trong thư viện làm gì, chỉ cần đến cổng thư viện ở phố Tràng Thi, hẹn hò trò chuyện với mấy nhân viên thư viện, nêu yêu cầu tìm cho những tài liệu abc của những tác giả xyz trên những tờ báo này tạp chí kia của năm này năm kia, có thì chụp photocopy cho, v.v, chứ chẳng cần kỹ lưỡng làm gì. Dăm bữa nửa tháng sau, đơn đạt hàng sẽ được thực hiện. Danh mục “tư liệu tham khảo” cho luận án của nghiên cứu sinh đến đấy coi như căn bản xong. Công đoạn quan trọng nhất vẫn là nghiên cứu sinh tự viết ra luận án, rồi bà thầy sẽ đọc, góp ý và giúp sửa chữa, bổ sung nâng cao, hoàn chỉnh dần cho đến lúc đưa ra bảo vệ thử…

Ðối với thiên hạ, làm nghiên cứu sinh tức là làm người nghiên cứu; làm luận án là cốt để chứng tỏ người nghiên cứu biết tự đề xuất và giải quyết những đề tài nghiên cứu độc lập; trên một đề tài cụ thể phải có những phát hiện mới so với những người nghiên cứu đi trước. Nhưng đấy là mẫu mực lý tưởng, nó xa vời lắm. Ở xứ ta, giúp nghiên cứu sinh thành công trong luận án trước hết là lợi ích của các thầy hướng dẫn. Mỗi thầy cần có thêm một số trò từ cử nhân trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. Khi đã vào cuộc đến nửa đường rồi, các nghiên cứu sinh sẽ nhận ra điều ấy, và nếu cần họ sẽ tận dụng cơ hội. Cố nhiên có những nghiên cứu sinh biết tự giải quyết công việc của mình. Nhưng những nghiên cứu sinh cần đến các bà thầy tiến sĩ mà tôi đang kể vốn không phải là những người học giỏi. Viết một bài luận hàng trăm trang,− dù đã sẵn đề cương, dù đã được hỗ trợ bởi hàng trăm công thức diễn đạt có sẵn, − đối với họ vẫn là việc quá khó. Dù đã đứng giảng ở bục giảng đại học, cao đẳng, họ vẫn viết câu sai, hoặc nói cho rõ hơn, họ không hề biết những chỗ sai khi họ viết. Hiểu biết chung, kiến thức chung, cần có để diễn giải các vấn đề của luận án, hình như họ rất thiếu. Các bà thầy, ở chỗ riêng tư thường lắc đầu bảo nhau: "Chúng nó chẳng biết gì cả, chẳng đọc gì cả, chẳng hiểu gì cả!" Thế nhưng cái quyết tâm biến bọn người "chẳng biết gì cả" ấy thành thạc sĩ, thành tiến sĩ của các bà vẫn không lay chuyển. Nghe những cái đề các bà thầy chọn cho nghiên cứu sinh thì thật to tát: so sánh chủ nghĩa nhân đạo ở văn chương Nguyễn Du với văn chương Victor Hugo, xác định chất nghịch dị trong văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, v.v… đại khái thế. Thế mà hình như nghiên cứu sinh còn chưa hiểu thật rõ thế nào là chủ nghĩa nhân đạo, chưa biết chất nghịch dị là cái gì, còn chưa đọc hết tác phẩm Nam Cao, tác phẩm Vũ Trọng Phụng, nói gì đến tác phẩm Victor Hugo…

Họ chưa biết nhiều thứ nhưng đừng xem thường họ. Họ đã là công chức, đã là thầy giáo. Trở lại làm nghiên cứu sinh là trở lại làm học trò, họ sẽ không quên các phép thuật của học trò trong thi cử mà tựu trung khá giống chuyện kinh tế, nghĩa là sao cho có lợi nhất, tốn ít sức nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Một bài học nghiên cứu sinh thời Liên Xô còn được rỉ tai nhau làm mẫu. Anh phó tiến sĩ nọ, con quan, cũng là con nhà văn, từ Việt Nam sang Nga thêm một lần làm nghiên cứu sinh bậc đốc-tờ, nay ở Việt Nam gọi là “tiến sĩ khoa học”, để phân biệt với những tiến sĩ vốn là phó tiến sĩ ("tiến sĩ" không "khoa học"). Anh ta cân nhắc rồi thực hiện bản luận án khoa học có tên (dịch): "Chủ nghĩa quốc tế của nền văn học Xô viết"; phụ đề là: "Ðề tài Việt Nam trong sáng tác của các nhà văn Liên Xô". Nghĩa là, trên thực tế, anh ta chỉ làm cái việc dễ làm là tập hợp một mớ thơ văn thù ứng cảm khái hữu hảo khi một số vị nhà văn xứ lạnh kia đến làm khách mời ở xứ nhiệt đới này. Cái mớ tác phẩm mà chắc các tác giả của chúng cũng chỉ coi như thoảng qua, không thuộc phần chính yếu của văn nghiệp mình. Làm cái công việc cỏn con ấy nhưng lại dành được cái học vị cao nhất mà trường đại học có thể cấp cho, thế thì rẻ quá, lãi quá còn gì!

Mấy nghiên cứu sinh là học trò mấy bà thầy tiến sĩ, do thầy chọn cho các đề tài quá sức mình, đã vận dụng bài học "hiệu suất tối đa" của tiền bối kia bằng cách khéo léo sao cho trăm dâu đổ một đầu… thầy; thầy nghĩ ra đề thì thầy đi mà viết!

Người ta biết, có những sinh viên, nghiên cứu sinh được thầy cho làm luận án mà đề tài là cành nhánh công trình của thầy; luận án của trò được viết xong thì tức là một vài chương lớn trong công trình của thầy cũng mặc nhiên hoàn thành; khi thầy hả hê công bố công trình của thầy thì trò xem đó bỗng thấy mình trải nghiệm cái cảm xúc của kẻ có tài sản bị tước đoạt; nhưng thật khó mà chứng minh được cho thiên hạ tin rằng vị giáo sư khả kính lại “đạo văn” của những môn đồ chỉ vừa đỗ thạc sĩ, tiến sĩ! Chuyện các trò có thể viết hộ thầy là chuyện may mắn của ai kia, chứ mấy bà thầy ta đang nói tới này không có diễm phúc có được những học trò giỏi giang. Đã không giỏi giang lại còn lười; chỉ được cái thói tinh quái, “đọc” được sự tính toán của thầy đằng sau việc đào tạo mình, cho nên cứ ỳ ra khiến thầy sốt ruột. Nó không chịu viết, nó không viết được, không khéo rồi chính mình phải viết!

Mà các bà thầy phải viết thật. Cầm tay chỉ việc mãi trò vẫn không viết được, mấy bà thầy bảo nhỏ với nhau: Thà mình viết thẳng ra còn hơn! Cố nhiên chẳng ai quên cái luận văn vẫn mang tên học trò. Mà công sức và sự hy sinh cho các học trò của các bà thầy nào chỉ có thế thôi đâu! Còn bao nhiêu việc trước mắt từ nay đến lúc bảo vệ thử, bảo vệ thật, nào nghe ngóng việc lập hội đồng, nào phản biện kín phản biện hở, nào thăm dò khả năng bỏ phiếu chung cuộc! Cho đến lúc đám bạn bè của các trò có thể tặng hoa, mở sâm-banh, còn nhiều việc lắm. Việc của trò, của nghiên cứu sinh cả. Nhưng các bà thầy biết, mình phải lo gần như tất tần tật. Hao công lắm, đôi khi còn phải bù chì chút ít từ tiền túi của mình nữa. Làm chuyện lớn thế kia mà! Biến một số cô cậu vào loại không biết gì thành tiến sĩ là chuyện lớn hẳn đi chứ, dễ mấy ai làm được? Trò đỗ tiến sĩ, thầy sẽ có đủ điểm cho kỳ xét duyệt chức danh tới đây, nghĩa là trò mặc nhiên giúp thầy trở thành phó giáo sư!

Ðang ngồi viết giúp luận văn cho cô cậu nghiên cứu sinh học trò mình mà những ý nghĩ phấn chấn cứ náo nức trong đầu mấy bà thầy phó giáo sư tương lai. Tay các bà múa lên trong vũ điệu…

Vũ điệu của cái bô!

Thật thế. Hành động của mấy bà nào có khác gì vai trò gia sư kiêm bảo mẫu mà anh kỹ sư thất nghiệp trong câu chuyện nói ở đầu bài này bất đắc dĩ phải làm? Anh ta thì bất đắc dĩ, các bà lại xăng xái.

Vì mưu cầu cái chức danh phó giáo sư, biết bao bà biết bao ông đang lao vào phục dịch trong các vườn trẻ ươm mầm thạc sĩ, tiến sĩ đang mọc ra ở không ít nơi trên khắp đất nước này?

Tôi chẳng biết có bao nhiêu tiến sĩ hàng năm được ấp nở ra theo kiểu trên đây. Dẫu số lượng tiến sĩ có nhờ thế mà trở nên đông đảo, dẫu số lượng phó giáo sư có nhờ thế mà nhanh chóng nhiều lên, tôi vẫn không tin rằng chuyện này có giúp gì cho sự tăng trưởng của đội ngũ chuyên gia giỏi, cho sự tăng trưởng của khoa học.

4.10.2003

Tiền phong chủ nhật

số 42 (19-10-2003)

Văn nghệ số 43 (25-10-2003)

[1] Truyện ngắn Vũ điệu của cái bô của nhà văn Nguyễn Quang Thân đăng tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn VN) số 43, ngày 26/10/1991.

Comments are closed.