Nghĩ tiếp xung quanh luận văn của Đỗ Thị Thoan

Phan Nguyễn

Tác giả gửi Văn Việt

images (2)Tôi đọc luận văn của Đỗ Thị Thoan với rất nhiều thú vị. Không phải vì nó có nhiều điều làm tôi nhất trí mà bởi vì nó và những gì xung quanh nó, cũng như cái không khí từ vụ việc này đã gợi cho tôi hay buộc tôi phải suy nghĩ thật sự nghiêm túc và đòi hỏi tôi phải tự trang bị thêm nhiều kiến thức mới. Hay nói cách khác, từ đó tôi đã phải tìm cách tự đào tạo thêm cho bản thân mình cả ở những lĩnh vực tưởng như không dính dáng gì đến nhau.

Tôi tự đặt trách nhiệm cho mình phải thoát khỏi mọi định kiến của bản thân, kể cả những gì mà từ trong sâu thẳm lâu nay tôi hằng tâm niệm về đúng sai, phải trái, thậm chí kể cả những vấn đề thuộc phạm trù đạo lý… Chỉ có một cốt lõi duy nhất sẽ xuyên suốt chi phối tôi, đó là làm thế nào để thông qua những sinh hoạt văn chương, học thuật… có thể nhận thức được tính người, bản chất con người và xã hội con người cùng thế giới mà con người – từng nhóm, từng cộng đồng dân tộc hay chủng tộc… – đã sống trải hàng vạn năm cho đến hôm nay, cho đến ngày tận thế…

Nhưng như thế thì tôi sẽ chỉ là một “quan sát viên”, mà một quan sát viên thì chỉ có thể có được nhận thức như một quan sát viên. Vậy là tôi ít nhiều vẫn phải vận dụng kinh nghiệm ích kỷ của mình với đầy đủ tư cách của một cá thể nhưng mang nặng di sản của cộng đồng mà từ đó tôi đã được sinh ra và lớn lên để soi chiếu vào những gì mình định kiếm tìm. Như thế, tôi biết chắc là tôi không thể nào toàn vẹn trong suốt quá trình suy nghĩ của mình…

Thật lạ lùng là tôi rất cảnh giác với ý nghĩ rằng mình muốn hành động vì hạnh phúc chân chính của đồng loại. Bởi vì, biết đâu hạnh phúc thật sự chân chính của đồng loại hoàn toàn xa lạ với những gì tôi toan tính!!!…

Câu chuyện xung quanh luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan có tên là: Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa là câu chuyện cụ thể của những người làm nghiên cứu văn học ở Việt Nam thời gian gần đây.

Tôi thấy rằng cách thức chủ đạo của luận văn này lấy xuất phát điểm từ nghiên cứu những cặp hiện tượng được coi là đối lập trong sinh hoạt tinh thần của xã hội (hay dòng chính (mainstream) và dòng ngầm (underground) của văn hóa như cách nói của tác giả). Rất nhiều lý thuyết triết học, văn chương, văn hóa được được tác giả nêu ra và vận dụng. Hầu hết trong đó đều tìm cách định danh một phía là những gì được gọi là chính thống và phía khác là những gì không chính thống, hay cái bên lề. Từ những luận điểm như: “cái thứ hai không phải là cái sinh ra sau cái thứ nhất mà là cái cho phép cái thứ nhất được là cái thứ nhất” (tr.20 – Luận văn), tác giả muốn giải thích rằng những cái bên lề, hay cái không chính thống không phải sinh ra để phủ định cái chính thống mà thậm chí nó còn khẳng định cái chính thống… Đây được coi là nhận thức đúng xét về tư duy triết học. Nhưng để có thể trung thành với nhận thức được coi là đúng đắn này quả thực là một khó khăn không chỉ riêng đối với tác giả. Và điều này được lặp lại ở hầu hết những ý kiến muốn phủ nhận mọi nỗ lực nghiên cứu của tác giả.

Những hiện tượng có xu hướng gây hấn hay phá phách… trong văn chương như nhóm Mở miệng, có lẽ không nên quy kết thành ý đồ chính trị đơn thuần và chụp mũ phản động cho nó, coi nó như một thứ quái đản, ghê gớm. Ngược lại trong một số trường hợp cũng không nên nhìn nhận như là nhu cầu cách mạng, hành vi cách mạng (dù cũng có thể, có khi là như thế). Một hiện tượng tinh thần cụ thể nên được xem là hệ quả của tương tác xã hội cụ thể. Rất có thể hiện tượng này là một dạng thức đã được tác giả cảnh báo: “và nguy hại hơn, chính những tiếng nói tiên phong lại có thể biến thái thành sự thủ dâm tinh thần còn những cái già cỗi thì cố thủ thành trì ù lì và chật chội của nó” (tr.16- Luận văn).

Tôi thử giả định mình đứng về phía dòng chính thống để bàn luận bằng nhân xưng “ta” còn những người không được công nhận chính thống thì gọi là “họ”. Mặc dù ngay khi phân biệt “ta” và “họ” là đã phạm phải sai lầm từ căn bản. Nhưng nếu không sử dụng thao tác này thì tôi phải diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ mà chắc chắn sẽ gây ra không ít hiểu lầm bởi nó gần như xa lạ và không thể hiểu được trong môi trường giao tiếp quen thuộc lâu nay.

Cái yếu nhất của ta chính là làm cho họ có cảm giác họ thuộc “bên lề”.

Tôi đã thực sự muốn đặt những dấu hỏi khi tác giả viết về đối tượng nghiên cứu của mình (tức Thực hành thơ của nhóm Mở miệng) là “tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật của họ” (tr.17- Luận văn).

Ở đây có thể tạm giả định rằng thái độ của họ – tức những tác giả có xu hướng gây hấn, phá phách trong văn chương – cũng có thái độ phủ định ta quyết liệt y như ta quyết liệt phủ định họ. Trong khi đó quyền lực khẳng định hay phủ định thực sự không thuộc về ta hay họ. Về nhận thức triết học, nếu ta muốn phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của họ – cái không chính thống – thì cũng phải phủ nhận cái căn nguyên đã sản sinh ra họ. Cũng tức là cái căn nguyên mà từ đó ta tự biến mình thành cái chính thống.

Tôi dám cho mình cái quyền được nghi ngờ tất cả những gì tự cho mình là cách mạng, là chính thống. Tôi quan niệm rằng trong thực chất của cái cách mạng, cái chính thống, dù muốn, dù không phải bao hàm cả những gì thường bị coi là không phải cách mạng và chính thống, nếu nó không muốn tự thủ tiêu mình đi. (Ở đây tôi thật sự phải xin lỗi vì chưa tìm được cách diễn đạt thay thế lối định danh)

Dĩ nhiên, có thể nhận thấy trong những hiện tượng đang tồn tại luôn luôn diễn ra hành vi đẩy những cái đối lập ra bên lề, ra phía không chính thống. Dường như người ta nhận thấy đây là một quy luật của vòng chuyển đổi, biến vận vô tận, vô cùng, trong đó không có sự vật hiện tượng nào trở thành vĩnh viễn.

Nhận thức được điều này, một trong những cố gắng phi thường của tinh thần nhân loại đã hình thành trong tư tưởng Trung Hoa cổ đại và phát biểu đại ý rằng: Cốc nước cứ rót đầy ắt đến lúc phải đổ, muốn cho cốc nước không bị đổ hãy tìm cách sẻ bớt nước đi trước khi nó bị rót đầy.

Chính tư tưởng này đang làm cho chúng ta băn khoăn. Xã hội con người cần phát triển hay thực ra không cần phát triển? Cái di sản bền vững và cố thủ nhường kia là sáng tạo anh minh hay sự tăm tối của loài người? Và việc ta cứ tự biến bản thân ta thành cách mạng và chính thống là cái tốt cho ta hay tốt cho cái sẽ không phải là ta?

          Quay trở lại những vấn đề xung quanh luận văn của Đỗ Thị Thoan. Xét về nhiều mặt, trong đời sống thực tiễn, những nghiên cứu văn chương như của Đỗ Thị Thoan rất cần được khuyến khích. Bởi chỉ riêng những khía cạnh mà có người cho là gai góc nhất của nó, những cái thậm chí còn chưa được giải quyết, những cái chưa hoàn thiện ở nó đã bằng cách này hay cách khác góp phần gợi mở tích cực, giúp cho tinh thần sinh hoạt văn chương, học thuật có thêm nhu cầu hướng tới sự cân bằng. Bản thân những suy tư của Đỗ Thị Thoan, qua nghiên cứu về các hiện tượng văn chương bên lề này, ngay cả ở những chỗ có thể chưa cân bằng của nó, thật sự là có ích đối với những người muốn đi tìm sự hoàn thiện của văn chương dòng chính.

   02/4/2014

 

                                                                                                            

 

Comments are closed.