Từ chuyện Trại trở về chuyện Hồng Bàng

Phương Văn
Tác giả gửi Văn Việt
 
01_hungvuong_colorTrong chỉ thị của Ban Bí Thư do Trường-chinh ký ngày 5 tháng 12 năm 1953 về việc giảm tô vùng “dân tộc thiểu số ở lẫn với người Kinh” có nhắc đến người Trại.
 
“Ngoài người Kinh, ở các xã trên đây còn có các dân tộc Nùng, Thổ, Trại, Mán, Hoa kiều, có xã có một số đồng bào Thái Sơn La tản cư đến. Giữa người Kinh và dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số với nhau, hoặc nhiều hoặc ít, đều có xích mích và mâu thuẫn”. Các xã nói đến ở đây là 40 xã ở Thái Nguyên và Bắc Giang.
 
Đọc giật mình. Vì người Trại (Thanh Nghệ) sao lại ở vùng này. Sau mới hiểu ra người Trại ở đây là chỉ người Sán Dìu (Sơn Dao Nhân), một nhóm thiểu số thuộc nhóm Hoa (nói và viết tiếng Hoa). Người Sán Dìu còn được gọi là người Trại hay người Trại đất. Có thể là vì họ ở không ở nhà sàn mà ở nhà (vách) đất mái tranh, trồng lúa và ăn cơm ăn cháo.
 
Trong Đại nam quốc sử diễn ca (tên đã thấy tác phẩm thuộc thời nhà Nguyễn) có câu sau nói về thi cử thời nhà Trần:
 
“Kẻ kinh, người trại cũng là tài danh
Lại thi thái-học chư-sinh,
Lại thi tam-giáo chia rành ba khoa”.
 
Người Trại ở đây chỉ dân Thanh Nghệ.
 
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đoạn nói về thi cử (1256) thời Trần Thái Tông có đoạn: “Hồi quốc sơ, cử người chưa phân kinh trại, người đỗ đầu ban cho danh hiệu Trạng nguyên. Đến nay chia Thanh Hóa, Nghệ An làm trại, cho nên có phân biệt kinh trại”.
 
Người Kinh trong câu trên  là để chỉ dân sống ở vùng đất thấp gần các trung tâm văn minh (đồng bằng và các thung lũng sông Hồng, sông Mã). Người Trại là chỉ người vùng cao, mà không phải là người dân tộc, có thể là vì họ ở nhà vách mái lá và ăn cơm như người Kinh, nhưng lại nói ngôn ngữ khác (tiếng địa phương khác).
 
Các trung tâm văn minh này, sau chính là Đông Kinh (Hà Nội), Tây Đô (Thanh Hóa). Tiếng địa phương của người Trại chính là thứ tiếng (cộng với văn hóa ứng xử, sinh hoạt) được cho là tiếng mà Lê Lợi sử dụng. Nó khá thô lậu. Thô lậu đến mức khi Nguyên Trãi và Trần Nguyên Hãn bỏ người Kinh (và kinh đô) để lên chiến khu (Thanh Hóa) tìm gặp Lê Lợi xin đầu quân, mà bị sốc văn hóa tí nữa thì bỏ về (Lê Lợi nói khó nghe và hành xử lỗ mãng quá). (Có thể từ “trại” trong “nói trại đi” liên quan mật thiết đến chữ Trại này).
 
Nhưng chuyện này là chuyện về sau, lúc hết thời nhà Trần, khi giặc Minh xâm chiếm Việt Nam, và Lê Lợi lập chiến khu để trường kỳ kháng chiến. Sau đó đúng là nhất định thắng lợi, giải giáp quân Minh, tiếp quản thủ đô, rồi giết luôn hai công thần. Trước là ép tể tướng kiêm đại tướng Trần Nguyên Hãn nhảy xuống sông tự tử, sau là tru di tam tộc Nguyễn Trãi. Cả hai đều là chí sĩ và là quý tộc người Kinh.
 
Quay lại chuyện Kinh Trại. Sao thời đầu nhà Trần chưa chia Kinh – Trại, mà sau lại chia? Có thể là do thời đầu nhà Trần lúc đầu sùng Phật, sau du nhập Nho, theo nhà Lý mà mở Quốc Tử Viện, dạy dỗ con cháu giới thượng lưu. Ngôn ngữ biến đổi theo. Mà phân biệt tiếng (âm sắc, từ vựng) không biết là vì lí do gì lại là chuyện rất quan trọng với người Việt. “Chửi cha không bằng pha tiếng”, hay “Nôm na mách qué”, hoặc “miền đù” là các thành ngữ, cách nói miệt thị tiếng địa phương khác ngoài tiếng được nói ở kinh thành (sau là tiếng Kẻ Chợ, hay tiếng Hà Nội).
Nhà Trần, trong triều và trong giới quý tộc, nói cùng lúc hai ngôn ngữ (nói chữ, chắc là tiếng Hoa) và nói phương ngữ (tiếng Nôm, tức tiếng địa phương, tức là tiếng Kinh lúc bấy giờ). Khi giặc Minh xâm lược Việt Nam, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra là tiếng Hoa mà người Minh nói, có cách phát âm rất khác tiếng Hoa mà người Việt vẫn phát âm (theo kiểu nhà Đường, là nhà có ảnh hưởng sâu đậm đến An Nam thời bắc thuộc). Trí thức thời bị giặc Minh xâm lược, phản ứng rất yếu ớt (chống đối) bằng cách vẫn phát âm theo kiểu cũ. Những chuyện này K.W.Taylor đề cập nhiều lần trong A History of The Vietnamese. Về sách vở, nay vẫn còn An Nam Dịch Ngữ (trong bộ Hoa Di Dịch Ngữ) do nhà Minh soạn để sứ thần nước họ đi qua nước ta còn giao tiếp được.
 
Cho tới thời Minh Mạng, ở miền nam Hán âm được hiểu là tiếng Việt, Hán phong là phong tục Việt. Hán nhân/dân là người Việt, để phân biệt với Thổ dân là người Khmer, Chăm. Còn người Hoa thì được gọi là Đường nhân, hoặc Thanh nhân. Riêng người Hoa phản thanh phục Minh đã định cư ở miền nam thì gọi là Minh hương). Thời Minh Mạng cưỡng bức khai hóa và đồng hóa Đàng Trong khá thú vị, có thể tham khảo cuốn Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng của Choi Byung Wook.
 
Về việc nhà Trần nói hai thứ tiếng, ví dụ để dễ hiểu, rất giống Ngô Đình Nhu nói tiếng Pháp trong gia đình và trong phủ tổng thống, nói tiếng miền trung với người ngoài. Lúc còn sùng Phật, nhà Trần chưa cần phân biệt. Lúc Nho hóa cao hơn, bắt đầu phân kẻ kinh kì với kẻ ở quê, không chỉ ở địa lý mà cả tiếng nói, văn hóa. Người Mường lúc đó nói tiếng giống tiếng Việt của người Kinh, nhưng vẫn không bị gọi là Trại. Mà người Trại làm nhà trồng lúa nấu cơm giống người Kinh thì lại bị phân biệt là người Trại. Nhưng người Trại vẫn được thi cử: “Lấy đỗ thái học sinh 43 người (kinh 42 người, trại 1 người), xuất thân có thứ bậc khác nhau” –vẫn trích từ Đại Việt sử ký toàn thư.  
 
Có lẽ từ thời Khúc Thừa Dụ ly khai khỏi chính quyền phương bắc, rồi đưa Việt Nam thành nước độc lập, qua tới nhà Trần thì tiếng Việt bình dân (của người dân, hay có thể gọi là tiếng Kinh) không có nhiều thay đổi. Kể từ nhà Lê, rồi đến lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, có lẽ tiếng Việt mới biến đổi nhiều. Nhất là do 30 năm binh biến nội chiến trận mạc, và trước đó lài người Kinh đi mở cõi, rồi sáp nhập Chiêm Thành. Nay Hà Tĩnh Nghệ An vẫn còn những vùng nói tiếng Việt nhưng âm sắc và từ vựng là gốc gác thực chất là tiếng Chàm. Tạ Chí Đại Trường trong LĐTSH còn nhắc đến số 80% tiếng Chàm mà Hà Tĩnh giữ được. Cho đến khi Minh Mạng lên ngôi vua, ông ấy cưỡng bức cả nước dùng tiếng Việt (183x), thì tiếng Việt mới dần định hình và là ngôn ngữ chính thức. Thời kỳ đồng hóa cưỡng bức bằng cách dạy thổ dân Hán âm (tiếng Việt) và Hán phong (phong tục Việt) này diễn ra mạnh mẽ và kéo dài từ thời Minh Mạng qua Thiệu Trị. Thổ dân Biên Hòa bị bắt đổi sang các họ Lâm, Dương … Thậm chí đến năm 1955, tổng thống VNCH lúc đó là Ngô Đình Diệm còn cưỡng bức người Thượng (gọi chung các dân tộc cao nguyên) đổi tên, đổi địa danh theo tiếng Kinh (Blao, nghĩa là Trầu Cau, thành Bảo Lộc).
 
Như vậy kể từ thời  nhà Trần bắt đầu có khái niệm người Kinh. Khái niệm này tồn tại chính thức cho đến năm 1953 (như trích dẫn văn bản ở trên). Đến năm 1956, ở miền nam, Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa nhắc đến Dân tộc Việt Nam: “Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân tộc Việt Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của tổ tiên và ý chí quật cường của toàn dân đảm bảo”.
 
Trước đó, ở miền bắc, Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không nói gì đến dân tộc Việt Nam mà nói đến nhân dân Việt Nam: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
 
Đến Hiến pháp 1959 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì nói đến dân tộc Việt Nam: “Dân tộc Việt Nam trải qua mấy nghìn năm lịch sử là một dân tộc lao động cần cù luôn luôn anh dũng đấu tranh xây dựng đất nước và giữ gìn độc lập của Tổ quốc”.
 
Do người Kinh/Việt gốc gác mù mờ, dở dăng dở đèn, nên nhân đây có thể định nghĩa đơn giản ai nói tiếng Việt sẽ là người Việt. Chỗ nào người Việt sống, từ hình thành đất Việt.
 
Có một sự lạ ở đây, là ở rất nhiều nơi, thổ dân sau một thời gian bị đô hộ, thì nói và viết thứ tiếng của dân đô hộ. Như người Brazil nói tiếng Bồ, Argentina nói tiếng Tây Ban Nha. Thế mà những dân cư, sau này là người Kinh, ở đồng bằng sông Hồng, bị Tàu đô hộ cả ngàn năm,  mà vẫn giữ được (cái lõi) ngữ pháp  là Mon-Khmer.
 
Đặc điểm của Mon-Khmer đại khái như sau: cú pháp xuôi (chủ ngữ vị ngữ, danh từ tính từ), từ láy làm giảm nghĩa (đo đỏ, âm ấm), ngữ âm có các thanh (tone: high, low, high rising) tương ứng với không dấu, dấu huyền và dấu sắc.
 
Các bộ tộc (tribe) sử dụng ngôn ngữ Mon-Khmer thời cổ đi biển rất giỏi, lúc đó mực nước biển còn cao, gần tới Mê Linh bây giờ, nên họ dễ dàng đi qua các cửa sông lớn để vào đồng bằng sông Hồng và vàp miền trung Việt Nam bây giờ.
 
Tương tự như vậy, các thị tộc (clan) vào miền trung, do bị người Chàm đánh, đã chạy lên cao nguyên và ở đó đến tận ngày nay (trở thành các dân tộc Tây Nguyên, hay người Thượng (Du) theo cách gọi của người miền nam, hay người Mọi theo cách gọi thực dân Pháp).  Dấu vết của nghề đi biển vẫn còn sót lại trong truyền thuyết và vật dụng của người Thượng ở Tây Nguyên đến tận bây giờ  (ở Tây Nguyên có những nhóm dân tộc khác, không nói tiếng Mon-Khmer và văn hóa của họ khác hẳn).  Rồi sau này chính người Chàm lại bị người Việt dồn lên vùng cao mà tàn tích chính là dân tộc Chơ Rút (Crut, xâm đất). Các tiểu vương quốc Champa, cương vực vốn từ Bà Rịa đến tận Quảng Trị thời đầu thế kỷ 10, nhưng thể chế tản quyền, chính quyền quân sự phi tập trung (các tiểu vương).  Việc các tộc Chàm di dân lên cao kéo dài trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ khi kinh đô Vijaya (Đồ Bàn) bị Lê Thánh Tôn hạ gục (1471) và mở rộng cương vực Đại Việt đến Cù Mông (Phú Yên), rồi đến khi Chúa Nguyễn mở cõi, chiếm đến thánh địa Nha Trang (đổi Chiêm Thành thành Trấn Thuận), và cuối cùng là Minh Mạng, lấy Lê Văn Duyệt làm cớ, đồng hóa nốt tiểu quốc cuối cùng của người Chàm năm 1832. Điều này trái với chủ trương cho tự trị và chư hầu của Gia Long vì người Chàm tham gia quân đội của Nguyễn Ánh.  (Thực tế họ tham gia cả quân đội của Tây Sơn). Có một chi tiết nhỏ mà cực kỳ đặc biệt, đó là ông tổ Hùng Vương đều được khuếch trương hết cỡ ở hai giai đoạn đồng hóa này. Lần đầu tiên huyền thoại Hùng Vương được lập ngọc phả và nâng lên tầm quốc gia là thời Lê Thánh Tôn (dù trước đó Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi không một lời nhắc đến vua Hùng). Lần thứ hai là thời Khải Định, đưa lễ giỗ tổ lên tầm quốc gia. Sau đó là các sĩ quan thời hậu đệ nhất cộng hòa (sau cái chết của Diệm Nhu) đưa ngày giỗ tổ lên lễ hội quốc gia và cách đây chỉ vài năm, giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ chính thức được nhà nước công nhận.
 
Với các tộc vào vùng đất Mê Linh, một vài thị tộc (clan) ở lại thành nước Lạc, còn lại chạy qua Lào hiện tàn tích của các thị tộc này là người Khơ Mú ở trung du nước ta.
 
Dấu vết của những biến cố nhập cư của các tribe thời cổ này, cho đến nay vẫn còn nhiều dấu vết.
 
Những Thượng Tây Nguyên, về địa lý rất xa người Kinh Sông Hồng, vẫn tự gọi mình là Con Kau, tức con người. Chữ Con giờ là một từ rất oách trong tiếng Việt. Thậm chí ở Hải Phòng, cái gì họ cũng gọi bằng con. Con iPhone, con Mẹc.
 
Hay lấy Quảng Trị làm “cầu nối” về mặt địa lý sẽ thấy nhiều thứ thú vị hơn. Từ Giôông người Tây Nguyên dùng đẻ chỉ “chồng” thì ở Quảng Trị cũng vậy. Người Quảng Trị gọi lúa là Ló, nước là Nác, rất giống người Mường ở vùng cao Thanh Hóa – Hòa Bình. Ở Quảng Trị, trước cách mạng, thậm chí sau cách mạng, vẫn phát âm con trâu là t’lâu, trứng là t’rớng, trời là t’lời, tre là t’le.
 
Các tộc Thượng ở Tây Nguyên thờ chim, dấu vết còn vẫn còn trong trường ca và trong luật tục. Trong đó hiện lên rất rõ rệt các con chim xử án (phân biệt đúng sai). Chim xử án trong âm dân tộc Thượng  là Mơ-c-ling, tôi phỏng đoán ở đồng bằng sông Hồng thì từ này biến âm thành Mê Linh (trước đây còn có âm Mi Linh). Một tên/âm khác để gọi chim xử án là chim Mơ-c-lang, tôi đoán rằng chính âm này sau biến thành Văn Lang. (Hai) con chim này, theo người Tây Nguyên hiện nay, thì là con Chích Chòe. Nếu vậy thì bài con Chim Lạc là chim gì sẽ hơi sai một chút, còn về cơ bản vẫn đúng hehe.
 
Ở Thạch Thất,  vùng đất cầu nối giữa vùng núi Hòa Bình nơi người Mường ở và  đồng bằng nơi người Kinh cổ (hay người Âu Lạc hiện đại và đã bị Hán hóa) cư trú có núi Câu Lậu. Câu Lậu Sơn, do Cao Biền phiên từ âm địa phương qua Hán tự, là ngọn núi mà theo truyền thuyết tướng Cao Biền cưỡi diều đến và yểm đứt long mạch nước ta. Tên núi nguyên là chữ K’Lâu / T’lâu (con trâu). Những biến âm này đều tương tự như Blời biến âm thành (mặt) Trời, Blang thành (mặt) Trăng (Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes). Riêng địa danh Luy Lâu/ Liên Lâu/ Liên Lẩu (羸��/����), đô thị lớn nhất thời Hai Bà Trưng, sau là thủ phủ của Giao chỉ, thì tôi chưa đoán ra được từ nguyên. Có thể nó là biến âm của từ gì đó liên quan đến Luô (ngập nước) do đô thị này nằm trên vùng bãi giữa sông Dâu và sông Đuống. Từ Luô này có thể sau biến thành tiếng nôm là (Lũ Lụt/Luy Lâu). Chữ “婁”  có nhiều âm đọc, ngoài Luy, Lâu, Lẩu còn có âm Lu và Lũ.
 
Đất gốc của vua Hùng là Phong Châu, ở đâu đó giữa Việt Trì và Lâm Thao. Vùng đất này đến cách đây khoảng 5 năm tôi đi qua vẫn còn rất rất đẹp. Sát với Phong Châu là Lâm Thao nơi có đền Hùng. Việt Trì và Lâm Thao thuộc Phú Thọ. Phú Thọ tiếp giáp với Yên Bái. Phong Châu là đất phát của người Lạc, dân Lạc, nước Lạc. Yên Bái đến nay vẫn còn người Khmú.
 
Bây giờ ta xem xét thêm về các hoa văn trên các trống đồng, kể cả trống đồng của Kinh hay Mường, đều có hoa văn toàn người đi biển, thuyền, chim và cá sấu, cóc.
 
Người Khơ Mú (Khmú), theo sử miệng của họ, là dân tộc vĩ đại, đàn ông anh dũng, đàn bà cực đẹp, nô lệ, voi ngựa rất nhiều, âm nhạc chiến đấu hung tráng. Họ được cho là dân tộc ngày xưa làm chủ đất Lào và là những người làm ra cánh đồng Chum ở Lào. Hiện vẫn còn vài sắc tộc người Khmú vẫn ở Việt Nam, trong đó có ở trên vùng trung du, không xa đất của dân Lạc thời cổ.
 
Vật tổ của người Khmú là một con thủy quái, họ gọi là Pru-zông, chính là con cá sấu. Chữ Pru-zông sau biến âm ra là Rồng.  Một biến thể khác của tên gọi cá sấu là tên “thuồng luồng”. Liên quan đến tên gọi này còn có “thằn lằn” (rắn mối) là một con giống con sấu mà bé hơn nhiều. T’lằn vẫn được cho là gốc của rắn/trăn và thằn lằn. “Rồng rắn lên mây” của đồng dao cho thấy sự gần gũi về ngôn ngữ của hai loài (có thật) này, chứ không liên quan gì đến rồng (long) là con vật linh của huyền thoại. Chính vì con sấu một mặt đi vào ngôn ngữ thành rồng, một mặt thành thuồng luồng, cho nên mãi cho đến gần đây người ta không nhận ra hai con này chỉ là một. Cho đến cách đây hơn 200 năm, người Việt ở miền nam vẫn gọi con cá sấu lớn, ăn thịt người với tên nôm là ông Luồng.  Trong Gia Định Thành Thông Chí đoạn nói về Trấn Vĩnh Thanh (Sa Đéc) có viết: “…có con cá sấu lớn được 5 ôm dài tới 6 trượng, thường đón ghe thuyền đi qua quất đuôi cho người rơi xuống, hoặc làm lật úp chìm ghe để bắt người nuốt sống, gọi là ông Luồng”. Có một chi tiết thú vị là bản dịch Gia Định Thành Thông Chí 1998 (Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính) thì đã dịch chữ nôm Luồng này thành Rồng; còn bản dịch 2004 của Lý Việt Dũng đã dịch theo âm nôm là Luồng.
 
Con Rồng (cháu tiên) rất có thể là tiếng vọng xa xưa của tổ tiên lộn về thời vua Thục Phán (sẽ nói dưới đây). Rồng, sau này thành con Giao (long). Người Tàu thời Tần gọi người đồng bằng sông Hồng (tức nước Lạc cổ) là Giao Nhân, sau thành địa danh hành chính Giao Chỉ.
 
Hình tượng con Cóc, trên các đồ đồng, có thể liên quan đến gọi mưa, biểu hiện của nông nghiệp trồng lúa. Với cái gậy đào đất tiếng cổ âm vùng nam Á là Lak, sau biến âm thành Lạc (ruộng lạc, lạc điền, hoặc lạc hầu lạc tướng). Chữ Lak cũng để chỉ sinh thực khí (tín ngưỡng) đàn ông. Nếu Lạc mà từ Lak, thì bài Vua Hùng tên thật là gì sẽ bị sai khá nhiều.
 
Người Khmú ở Bắc Lào vẫn gọi trống đồng, một dụng cụ thể hiện quyền lực của người cổ, là Bùng hoặc cũng gọi là Kông Bang, sau biến âm thành HùngHồng Bàng ở trong ngữ âm người dân châu thổ sông Hồng. Nếu nhận định này đúng, thì nhận định ở bài Vua Hùng tên thật là gì lại càng sai.
 
Nhân đây, khi Phùng Hưng nổi dậy, xưng bố-bua và lúc đó từ vựng mới có từ mới là từ Vua (biến âm từ bua), tương đương với từ Vương, vốn đã có trước đó khi dân châu thổ sông Hồng dùng để gọi Sĩ Nhiếp. Trong “Lịch sử nước Annam”  vốn là thư viết tay của Bento  Thiện gửi qua Roma (viết cỡ 1658) có đoạn sau: “Nước Ngô thước hết mớy có Bua chi là Phục Hi (Nước Ngô trước hết mới có Vua trị là Phục Hi)”.
 
Cũng nhân đây tiếp phát nữa, chữ Thánh đi vào ta khá sớm, ít nhất cũng cùng thời với chính sách khai hóa bằng giáo dục của Sĩ Nhiếp: dạy chữ cho người dân bản địa, thay vì giáo dục chỉ giới han trong đám quan cai trị và người Hán thượng lưu ở đồng bằng sông Hồng ở thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Tức là chữ Thánh cũng già ngang chữ Vương của Sĩ nhiếp (triết lý nội thánh ngoại vương). Nhưng các anh hùng và nhân vật  huyền thoại trong dân gian đều là được gọi là ông. Ông Dóng/Gióng, ông Đùng, ông Trọng, ông Cụt, ông Dài. Sau này, có lẽ là vào thời Lý Trần, do ảnh hưởng của Đạo giáo (Đạo Mẫu) nên  anh hùng lịch sử Trần Hưng Đạo cũng được phong thánh thành Đức Thánh Trần. Nhưng đây là trường hợp rất hi hữu khi nhân vật được phong thánh là đàn ông. Còn huyền thoại Đức Thánh Tản (Sơn Tinh) cũng có thể mới được phong thánh rất gần đây, ở thời  Nguyễn, vào khoảng năm 1847-1848, tức là cỡ thời Thiệu Trị – Tự Đức. Theo Nho giáo ở Gia định của Cao Tự Thanh thì Gia Long có chính sách thần thánh hóa vương quyền. Các đền thờ miếu mạo ở Đàng Ngoài  đều được soát xét, thu hồi sắc phong của nhà Lê và Tây Sơn sau đó lập danh sách phong thần. Việc phong thánh đợt này rất có thể là do Gia Long, sau khi thống nhất sơn hà đã nghĩ đến đồng hóa và thống nhất dân tộc đồng thời  học hỏi phương pháp đồng hóa từ các linh mục dòng Tên vốn vẫn được Gia Long trọng dụng từ hồi còn là Nguyễn Ánh. Có thể do chủ trương này mà vua Hùng trở thành Quốc Tổ (thời Khải Định) và các huyền thoại như Ông Dóng và Đệ nhất đẳng thần Tản Viên đều được phong thành Thánh Dóng và Thánh Tản (Tản viên sơn thánh). Quốc chiều chánh biên toát yếu còn ghi sự kiện hai ông quan bị bắt vì gian dối danh sách phong thần: “Tháng 5, Đặng Trần Thường, Nguyễn Gia Cát có tội, bắt giam trong ngục. Vì lúc ấy Thanh, Nghệ, Bắc Thành có dâng sự tích Bách Thần, trong số đấy có đem lầm Trịnh Tướng, Hoàng Ngũ Phúc cùng dự vào, Thường và Cát đều phải án giam hậu.”
 
Ông Đùng bà Đà là một trong những cặp nhân vật dân gian nổi tiếng nhất liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng phồn thực của rất phổ biến ở Châu Thổ sông Hồng , đặc biệt là vùng gần Phong Châu. Lễ hội phồn thực ngầu nhất là hội Đụ Đị lại nằm ở  vùng  Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ. Trò biểu tượng nhất của phồn thực là cướp cầu ở Phong Châu. Cúng và cướp Nõ Nường ở Tam Nông, Phú Thọ. Múa Mo (mô tả tính giao) ở Đức Bác, Phú Thọ.
 
Hát Xoan Phú Thọ, vốn được coi là dân vũ và dân ca cổ còn sót lại từ thời vua Hùng, rất giống hát Tơm (giao duyên) và hát Kưn-chơ (nghi lễ) của người Khơ Mú ở Yên Bái hiện nay. Bài hát đỉnh cao của hát Xoan là Mó Cá (hát và múa) rất giống hát Múa cá lượn (“Tẹ cạ grang) của người Khơ Mú. Ở đây có một chi tiết rất đặc biệt là ngoại trừ Hát Xoan và Rối Nước là các môn nghệ thuật thực sự có gốc gác bản địa, các môn nghệ thuật dân gian khác, từ hát Trống Quân, hát Quan Họ, thơ Lục bát … đến hát cung đình Huế đều có dấu vết cho thấy gốc gác phương Nam (Chàm), theo chân quân chinh phạt, kể từ thời Trần, hoặc theo tù binh và phụ nữ (chiến lợi phẩm đất Chàm) mà lan từ miền trung ra đồng bằng sông Mã, rồi tới đồng bằng sông Hồng. Chính vì là nghệ thuật vay mượn/du nhập cho nên chỉ cần đi quá lên thượng nguồn sông Hồng một chút là các môn nghệ thuật được coi là dân tộc này lập tức biến mất. 
 
Ngày Giỗ tổ Hùng vương, trải qua rất nhiều triều đại, chỉ được thực hành rất hẹp ở địa phương quanh vùng có đền Hùng (Phú Thọ). Các dân tộc, như Khmer, hay ở các nước Đông Nam Á,  có ngày Tết năm mới trùng nhau, và trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Rất có thể, khi Mã Viện dẹp xong loạn Hai Bà, ông tướng xâm lược này triệt phá tối đa quyền lực của vua Hùng (thu và nung chảy trống đồng) và triệt nốt quá khứ của thị tộc này bằng cách cấm ngày Tết cổ truyền. Người dân Văn Lang chống lại chính sách này bằng cách chôn giấu trống đồng và đổi  ngày Tết của người Việt cổ vùng Phong Châu  cũng được chôn giấu dưới hình thức biến thành một sự kiện được Hán hóa: ngày giỗ tổ tiên.  
 
Ở đây phải lưu ý một điểm rất đặc biệt là Giỗ Tổ là một ngày do vua Khải Định (nhà Nguyễn) nâng lên cấp quốc gia mới đây (năm 1917) bằng cách dựa vào ngày giỗ tổ dân gian của dân địa phương rồi lùi lại một ngày thành 10 tháng 3. Trước 1975 ngoài bắc không có lễ hội Giỗ Tổ (ngoài bắc gọi vua Hùng, trong nam là Hùng Vương). Trước 1975, sau khi lật đổ chính quyền và thể chế Diệm Nhu, các ngày giổ tổ được tổ chức rất lớn. Cả nhà Nguyễn lẫn chế độ đệ nhị cộng hòa của Việt Nam đề sử dụng vua Hùng cho việc tuyên truyền, đề cao tinh thần dân tộc. Việc này không có gì mới lạ.
 
Cách làm này cũng chỉ là một cách làm được copy từ quá khứ: các ông vua thời phong kiến thường lợi dụng sự (phù hộ) của thần linh địa phương để củng cố ngai vàng.  Ông Dóng, kể từ The Birth of Vietnam (K.W.Taylor) cho đến các khảo cứu của Trần Quốc Vượng đã hiện rõ  là một truyền thuyết có tính địa phương, được nhà Lý dùng nâng lên tầm quốc gia để tuyên truyền nhằm nâng cao tính chính danh cho vương quyền của mình. Trần Quốc Vượng viết: “Lý Công Uẩn từng ở chùa Kiến Sơ hương Phù Đổng và là người sáng lập nhà Lý và khai sáng Phù Đổng từ một thổ thần thành một thiên vương. Chính ông đã tự hoá thân vào nhân vật Phù Đổng.”
 
Ông Dóng (Sóc Sơn) cũng không phải là  anh hùng địa phương duy nhất được  đưa lên tầm  dân tộc.  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư  ghiQuý Sửu, Thái Ninh năm thứ 2 [1073] Bấy giờ mưa dầm, rước phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh. Cúng thần núi Tản Viên. Mùa thu, tháng 7, dựng đền thần núi Tản Viên và các đền Bố Cái, Ông Nghiêm, Ông Mẫu” còn cho thấy các vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông còn đi xa hơn về mặt địa lý, tới tận Núi Tản, để phong Đệ nhất đẳng thần cho Tản Viên (sau này nhân vật huyền thoại này cũng được phong Tản viên Sơn thánh như đã nói ở trên). Đây chính là lý do mà truyền thuyết Sơn Tinh và Ông Dóng rất rõ nét từ thế kỷ 10, 11 trở về sau mà hoàn toàn mù mờ trước đấy. Đặc biệt là Sơn Tinh, chắc chắn một lớp vỏ hiện đại do giới thượng lưu và trí thức ảnh hưởng của văn hóa Hán (nhà Lý) và Đạo giáo đắp lên cái lõi truyền thuyết của người Man Tản Viên.
 
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi:Đinh Mão,[Trị Bình Long Ứng] năm thứ 3 [1207]. Mùa đông, tháng 10, người Man ở núi Tản Viên châu Quốc Oai làm giặc, cướp bóc hương Thanh Oai, bè lũ rất đông, không thể ngăn được”Người Man ở đây là chỉ những sắc dân bản địa chưa bị Hán hóa.  Nhờ cái vỏ Hán hóa đắp lên lõi Man này mà Sơn Tinh có cả họ lẫn tên (Nguyễn Tuấn), mẹ và bố Sơn Tinh cũng vậy (Đinh Thị Đen, Nguyễn Cao Hành). Tuy hơn hẳn Hai Bà Trưng ở chỗ có cả họ lẫn tên, truyền thuyết Sơn Tinh vẫn đậm dấu ấn mẫu hệ, trong đó vai trò của ông bố Cao Hành chỉ là thụ thai, còn nuôi dạy là bà Đen và bà mẹ nuôi Ma Thị Cao Sơn (cũng có đủ tên họ). Sơn Tinh cũng làm rể vua (bà) Hùng thứ 18 (lấy công chúa Ngọc Hoa), rồi gả con gái cho Thục Phán, rồi truyền ngôi cho ông này (thành An Dương Vương).  Thậm chí thần phả về  Sơn Tinh không chỉ hẳn huyền thoại mà do một người có học viết lại theo chỉ đạo từ chính quyền trung ương nhà Lý: Ngọc phả được lập bởi tiến sĩ Nguyễn Hữu Công (Thượng thư?) cùng Nguyễn Công Chính và Nguyễn Minh Khai lập tại động Lăng Sương (Phú Thọ) vào ngày 15/11/1011 đời Lý Thái Tổ (niên hiệu Thuận Thiên thứ 3);  Ngọc phả ghi rằng động Lăng Xương là nơi Âu Cơ gặp Lạc Long Quân và cũng là nơi Sơn tinh được bố mẹ sinh ra.
 
Nhưng cho dù “chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh” được ai viết lại, với mục đích gì, ở thời đại nào đi chăng nữa, nó vẫn thể hiện một thông điệp rất rất quan trọng: sự kình địch về quyền lực giữa người vùng đất cao và người vùng đất thấp,  giữa người văn minh (hán hóa) và người Man (mường mán, không bị hán hóa), kình địch giữa các thị tộc thờ thần núi (cư dân từ kinh đô Nam Bình theo chân vua Thục Phán xuống sống ở vùng bên này sông Hồng) và người dân thờ thần sông (cư dân của các vùng châu thổ bên kia sông Đáy). Thông điệp ấy hẳn là của người Man bởi trong đó Sơn thần thắng Thủy thần. Hơn nữa nó còn ẩn chứa thông điệp Sơn Tinh (của dòng tộc mẹ Âu Cơ thờ thần núi) đã chiến thắng Thủy tinh (của dòng tộc Lạc Long Quân thờ thần sông). Mà cái quyền lực ấy, chính là thứ quyền lực mẫu hệ của vua Hùng, biểu tượng là Ngọc Hoa, bị Sơn tinh giật ngay dưới mũi Thủy tinh, như một sự phản chiếu ngược cay đắng của thực tế lịch sử.
 
Khi được đắp cái vỏ Hán hóa sặc màu đạo giáo, nó giữ nguyên thông điệp cũ và khoác thêm thông điệp mới phục vụ  mục đích (tuyên truyền) đoàn kết sắc tộc và thần phục nhà Lý. Nó cũng là dấu đối kháng giữa các thị tộc, như sẽ giải thích kỹ hơn ở cuối bài: những người Man thờ thần núi ở đồng bằng bị người Việt thờ thần sông đuổi khỏi đất của mình mà  lên ở núi cao. 
 
Các tribe dùng ngôn ngữ Mon-Khmer, bao gồm cả Khmú, đều theo mẫu hệ. Đến đầu công nguyên cư dân đồng bằng sông Hồng vẫn chưa có họ. Trứng Chắc, Trứng Nhì (Tlứng sau thành Trứng) chỉ là tên, sau thành “Trưng Trắc” là chị, “Trưng Nhị” là em”, rồi thành hai (vua) Bà Trưng. Có thể đoán rằng Trưng và Trắc vẫn là mẫu hệ, là nữ hoàng. Việc khởi nghĩa vừa là việc để (nữ) thủ lãnh trả thù chồng, vừa để dựng lại thể chế vua Hùng (nhà nước Văn Lang). Các tướng của Hai Bà, khoảng 70 người, chủ yếu là đà bà con gái. Có thể phỏng đoán xa hơn, thậm chí “vua Hùng” có lẽ là các vua bà chứ không phải vua ông, các lạc hầu lạc tướng cũng toàn đàn bà. Sơn Tinh và Thủy Tinh là cuộc chiến của người vùng đất cao với người vùng đất thấp để lấy được vua bà (tức là nắm được quyền lực) chứ không phải chỉ để lấy con gái vua. Đến Giao Châu thuộc Đông Ngô thời tam quốc, sử tàu vẫn ghi:  “Dân chúng huyện Mê Linh  và quận Cửu Chân  có một tục lạ là khi người anh chết thì người em phải lấy người chị dâu góa”.
 
Trang sức của đàn bà, là phe cầm quyền lực,  là các khuyên tai rất to, va chạm có tiếng kêu, trong A History of The Vietnamese ông K.W. Taylor dẫn sử liệu của Tàu nói về việc này để  giải thích rằng đêm đêm phụ nữ Giao Châu di chuyển có tiếng kêu, không phối giống nhầm qua nhà hàng xóm. Khuyên tai to, đến bây giờ đồng bào Tây Nguyên vẫn sử dụng.
 
Mười tám (18) đời vua Hùng có thể hiểu là: các vua bà sinh con gái và truyền ngôi liên tục cho đến lúc một vua bà không sinh được con gái mà chỉ sinh ra toàn con trai, lúc đó được coi là kết thúc một đời vua và nhảy qua đời tiếp theo. Đời cuối cùng (18) chấm dứt vì truyền ngôi cho Sơn Tinh, sau đến An Dương Vương Thục Phán.
 
Trên đây là nước Lạc của các vua (bà) Lạc. Lúc này chưa có chữ Việt ghép vào. Lạc Việt là sản phẩm của tuyên truyền, sẽ giải thích ngay dưới đây.
 
Ở  tận cùng biên giới phía nam của nước Tần, có bộ tộc chống Tần kiên cường. Chống không được, họ di dân xuống phía nam, và đến đồng bằng sông Hồng thì dừng lại. Bộ tộc này Taylor viết là Ou, tiếng Việt là Âu (U). Chính là dân Âu/U Việt. Trong chuỗi đường dài di cư xuống phía nam, địa bàn cuối cùng mà họ định cư trước khi xuống đồng bằng sông Tô Lịch chính là kinh đô Nam Bình với thành Bản Phủ (Cao Bằng) của thủ lĩnh Thục Phán. Người Âu, tổ tiên của ông Thục Phán,  theo phụ hệ, xuống đồng bằng,  định cư và kết hợp với người Lạc, thành Âu Lạc. Việc kết hợp Âu và Lạc để thôn tính Văn Lang là nhờ Thục Phán thông qua hôn nhân lấy con gái vua (bà) Hùng, nên lúc Thục Phán An Dương Vương để mất Âu Lạc vào tay Triệu Đà, trong Khâm Định Việt Sử Khâm Giám Cương Mục có phê: “Vua Thục trước đây vì hôn nhân mà được thắng lợi, rồi cũng vì hôn nhân mà bại vong, đạo trời báo phục không sai, kể cũng chóng quá.”
 
Để tuyên truyền cho sự kết hợp Âu và Việt, lãnh đạo Âu Việt cần một câu chuyện, kiểu Lê Văn Tám, họ đã bịa ra Âu Cơ và Lạc Long Quân. Lạc là từ chữ Lak, ghép với Long là con Rồng để thành Lạc Long. Cơ là bàn đá, để nhớ vọng về bàn thờ đá của dân Âu Việt, nay vẫn còn được thờ cúng ở Ninh Ba, Chiết Giang, được ghép vào Âu để thành Âu Cơ.  Lạc Long Quân còn là đại diện của người dân vùng đất thấp thờ thần sông. Còn Âu Cơ là đại diện của dân vùng cao thờ thần núi. Truyền thuyết được “dựng” lên để tuyên truyền này dã kết hợp được hai bộ tộc, chuyển dần từ mẫu hệ qua phụ hệ, để Thục Phán lên đứng đầu. Tuy nhiên, sự kình địch của hai tộc còn mãi đến thế kỷ thứ 10 sau CN, khi người Giao (châu) và người Phong (châu)  vẫn hiềm khích và không cộng tác khi chống lại triều đình phương Bắc. Sự kình địch ấy, cũng có thể còn do suốt cả ngàn năm bắc thuộc, người ở gần trung tâm Giao bị pha trộn qua nhiều thế hệ (thông qua kết hôn) với những người Hán di cư xuống từ phương bắc (K.W. Taylor đề cập nhiều lần), trong khi người dân ở Phong thuần huyết hơn.
 
Trong quá trình tuyên truyền này, các tên riêng của người Lạc như Hồng Bàng, Hùng, Văn Lang, Mê Linh đã được giữ lại.  Tuyên truyền thành công, Lạc trở thành Âu Lạc do Âu và Lạc hợp thành. Vua bà trở thành vua ông, Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh nữ thái tử, biến đổi trở thành tranh công chúa rất tầm thường. Cái ghen Sơn Tinh Thủy Tinh, phải là cái ghen tranh đại gia, ở đây là vua bà rất trẻ đẹp và quyền lực, mới là có lý. Còn tàn tích của người Âu, lúc đến Cao Bằng đã nói tiếng Tày , theo phong tục Tày, là một loạt các địa danh bắt đầu từ chữ Kẻ mà Kẻ Lũ sau thành Cổ Loa. Các con vật thiêng của người Tày như gà trắng (bạch kê) rùa vàng (kim quy) đi vào truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa là vì thế.
 
Tuy đã có chuyển hóa qua phụ hệ, nhưng tàn tích mẫu hệ vẫn còn, Thục An Dương Vương cho Trọng Thủy ở rể, nên Âu Lạc chống Tần thành công mà rơi vào tay Triệu Đà. Nước Nam Việt của Triệu Đà nằm ở đồng bằng Sông Hồng tới Sông Mã bây giờ. Đây là cũng một phần cơ sở nguyên thủy về tâm lý dân tộc (theo Tâm lý học dân tộc của Le Bon) để sau này có sự phân biệt người Kinh và người Trại.
 
Trong khảo cứu  Hồng Bàng Thị Truyện như một truyền thống kiến tạo, Liam Kelly còn mạnh dạn cho rằng Triệu Đà (thế kỷ thứ 2 trước CN) là người đầu tiên dùng chữ Việt/Yue để đặt tên cho nước của mình (Nam Việt) và dân của mình (Việt) trước khi có khái niệm Bách Việt. Quả thực, không phải vô cớ mà sau Triệu Đà nhiều trăm năm, nước Nam Việt của Triệu Đà vẫn được tính là triều đầu tiên (Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi và Đại Việt Sử Ký – Lê Văn Hưu).
 
Do loạn lạc ở bên Tàu, các quý tộc và tướng lĩnh phương bắc đào tẩu về phương nam, trong suốt rất nhiều năm sau thời Triệu Đà. Họ định cư ở đồng bằng giữa sông Đáy và  sông  Hồng, tập trung cao độ ở Luy Lâu, biến nơi này thành trung tâm văn hóa, giao thương và tôn giáo giữa Ấn và Trung Hoa. Đến năm 1385, nhà Minh còn bắt nước ta cống nạp hai mươi nhà sư. Khâm Định Việt Sử ghi: Nguyễn [Tông] Đạo nhân nói với vua Minh rằng:Phép thuật sư Nam giỏi hơn sư Bắc (Trung Quốc). Đến đây, Minh sai sứ sang yêu cầu. Nhà vua sai tuyển lấy 20 vị sư, đưa sang Kim Lăng.”
 
Dấu vết ngôn ngữ của thời kỳ này còn lại nhiều điều thú vị và khó hiểu. Cho đến trước khi Cao Biền xây Đại La thì trung tâm văn minh của người Việt (tức là vùng bị hán hóa cao hơn) là Luy Lâu. Còn khu vực Hà Nội bây giờ (hai giữa Kim Ngưu,Tô Lịch, Nhị Hà) là ngoại vi của trung tâm Việt, và đi xa hơn nữa về phía tây-bắc sẽ là vùng của người Man (là người chưa hán hóa). Liam Kelly tìm được trong sách Man thư, có ghi rằng vào năm 863 sau CN vẫn có 2-3000 người Mang (茫蠻) sống hai bên bờ sông Tô Lịch. Kelly giải thích Mang là “mường” nhưng dịch Man ra là Savage (mọi rợ).  Mang Man ở đây có thể là cách sách tàu phiên âm từ mà người Việt ở Luy Lâu gọi dân Tô Lịch: Mường Mán (thằng Mường thằng Mán). Sau thời Cao Biền, trung tâm văn minh mới chuyển về Đại La, đến nhà Lý thì thành Thăng Long. Người Việt dồn ép người Mường Mán bỏ đi xa hơn và cao hơn, về phía tây bắc, để lại sau lưng các địa danh khó hiểu: sông Đuống, sông Cà Lồ, làng Phù Đổng.  Đây cũng là lý do có sự kình địch nhau giữa người vùng đất thấp (kẻ chiến thắng) với người vùng đất cao (kẻ thua cuộc phải bỏ đất mà đi), của những người thờ thần Sông của châu thổ sông Đáy đến chiếm đất và của những người thờ thần núi phải bỏ đất ra đi.
 
Truyện cổ tích Mỵ Nương (tiếng Tày-Thái là công chúa) yêu anh thuyền chài Trương Chi mà chết chắc cũng xuất phát từ những dòng sông này.  (Cũng vì tên con gái là Mỵ Châu/Chu mà An Dương Vương bị nghi là gốc người Thái ở Nam Chiếu đi xuống). Chính những người Man/Mường Mán rút dần lên phía Tản Viên, sau này khi văn minh hơn (hán hóa hơn), họ đã cho ra đời một truyền thuyết được hiện đại hóa là Sơn Tinh vào năm 1011 (thời Lý Thái Tổ) như đã nói ở trên .
 
Sau thời Mã Viện tiêu diệt văn hóa bản địa, ngôn ngữ bắt đầu pha tạp, cốt lõi là Mon-Khme và từ vựng vay mượn từ tiếng Hán.  Do người Mường ở rất gần, nhưng ít thu nhập người hán vào, nên không bị hỗn chủng, vẫn nói tiếng Mường, là tiếng được coi là thứ tiếng chị-em của tiếng Việt, hay chính là tiếng Việt cổ.
 
Thứ tiếng địa phương pha tạp này, sau trở thành tiếng Nôm, trái với tiếng/chữ nho của tri thức, bắt đầu từ nhà Trần là rõ nét.
 
Rồi từ đây, dù đã  là cuối Trần mới bắt đầu phân định Kinh-Trại, nhưng về quá khứ sâu xa sự phân biệt này chính là đối lập của cư dân đất thấp với đất cao, của dân thờ thần sông với thờ thần núi, giữa người văn minh hơn và người chống lại văn minh hóa. Các dấu ấn đối lập trong tâm lý và tâm hồn người Việt quá sâu đậm, trong cả ngàn năm, để rồi bây giờ đó là sự phân biệt: miền xuôi miền ngược, người tỉnh người quê, giọng nói thường và giọng trọ trẹ, hơn là phân biệt đẳng cấp xã hội (trên dưới) hay dòng tộc (thượng lưu, hạ lưu).

Comments are closed.