Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 13)

Inrasara

LÊ ANH HOÀI

Họ và tên dùng làm bút danh.

Sinh ngày 31-10-1966 tại Hà Nội; quê nội: Quảng Nam, quê ngoại: Phú Thọ.

Hiện sống và làm việc tại Hà Nội, biên tập viên báo Tiền phong.

Tác phẩm đã xuất bản:

Những giấc mơ bên đường, thơ, NXB Văn học, H., 1999

Chuyện tình mùa tạp kĩ, tiểu thuyết, NXB Đà Nẵng, 2007

Không lạc loài, tự truyện, NXB Hội Nhà văn, H., 2008

@ Tình, tiểu thuyết tái bản có sửa chữ và bổ sung, tên cũ Chuyện tình mùa tạp kĩ, NXB Văn học, 2009

Tẩy sạch vết yêu, trập truyện nắhn, NXB Văn học, H., 2010

Thơ đăng trên damau.org, vanchuongviet.orgtienve.org.

THƠ TUYỂN

Mảnh mảnh mảnh

Trò chơi

Loang loáng

Mùa

Nhu cầu

Mộng du

Ký sự ngày mưa

Khóc

MẢNH MẢNH MẢNH LÊ ANH HOÀI NHẬP CUỘC CHỊU CHƠI

Một Lê Anh Hoài nhà báo là đương nhiên rồi. Hay Lê Anh Hoài chủ nhân blog bupbebangbot(1) nóng hổi thời sự văn chương và xã hội qua cảm thức hậu hiện đại bằng lối viết đặc trưng Lê Anh Hoài, là hiện tượng lồ lộ. Đó là một nhập cuộc tỏ thái độ của nghệ sĩ với, trong và trước cuộc sống và nghệ thuật. Nó là một phần không thể cắt rời của con người nghệ thuật Lê Anh Hoài.

Bằng thái độ nghệ thuật và hành động nghệ thuật hết mình.

Từ Lê Anh Hoài nghệ thuật thị giác…

“Tôi là cột điện”, tác phẩm trình diễn (performance art) tại Hà Nội, 6-2008, nằm trong dự án “Ra đường” do Ngô Lực khởi xướng. Là tác phẩm độc lập về ý tưởng, không phụ thuộc về tài chính hay bất cứ điều kiện gì. Nghệ sĩ đứng trên vỉa hè, những người chứng kiến cây cột điện – người này tự do viết chữ, dán (quảng cáo, rao vặt), dựa lưng, có cả một cháu bé tè vào…

Thông qua một vật rất phổ biến trong đời sống người Việt Nam, nghệ sĩ muốn thay đổi góc nhìn về nó, phả vào nó cái nhân tính để đánh thức nhân tính con người. Tác phẩm tham vọng đánh thức cái nhìn của cộng đồng với nghệ thuật đương đại, với những cách biểu đạt mới, không gian mới.

“Tiến lên”, tác phẩm sắp đặt (installation art), tại 25 Studio, Hà Nội, tháng 7-2009. Với những mũi tên bằng chất liệu sắt rỉ trong khắp khán phòng, và một miếng sắt cỡ 1m X 2m (cùng chất liệu sắt rỉ) treo trên tường, LAH nói: các nghệ sĩ mỗi người, mỗi nhóm mong muốn tiến lên theo cách của mình. Vậy hãy tôn trọng mọi ý hướng đó. Tác phẩm ẩn chứa sự giễu nhại câu cửa miệng của không chỉ của quan chức Việt Nam, mà còn của cả xã hội hậu Xã hội chủ nghĩa này: “Tiến lên!”

Hay Đồng Cu: cùng thực hiện với hai nghệ sỹ Lê Nguyên Mạnh và Nguyễn Hồng Phương. Đây là một tác phẩm tổng hợp giữa trình diễn (performance art), sắp đặt (installation art), vẽ trên cơ thể (body painting), trên nền chủ đạo là âm nhạc pha trộn giữa hát văn, nhạc vũ trường (dance DJ), nhạc bán cổ điển (semi classic)… tại Hà Nội, tháng 9-2009.

Các nghệ sĩ mượn hình thức lên đồng để đưa lên quan niệm của mình về xã hội Việt Nam đương đại. Dù hình thức chính vẫn là hát văn, có hương khói phụ trợ, nhưng bối cảnh đã hoàn toàn khác. Sự kiện không diễn ra ở đền phủ mà trong một khu vườn; ở đó mất hết yếu tố tâm linh mà thậm chí ngược lại, rất trần tục; có cả sự giải thiêng bằng các điệu nhảy ngay trên chiếu đồng…(2).

Cột điện các thành phố lớn tại Việt Nam từng chịu đựng mênh mông nỗi đời và nỗi người, không là chuyện lạ. Nhưng tự nguyện mang thân xác phàm trần đứng ra làm cột điện chịu trận ấy, với mục đích nghệ thuật, thì ở Việt Nam – đây mới là đầu tiên. Tác phẩm đã tạo dị ứng, là chuyện muôn đời với đại đa số “người đọc” Việt Nam, thì càng không bàn. Bởi ngay cả bộ phận nhỏ ủng hộ tác phẩm này, họ vẫn cứ vận dụng lí thuyết mĩ học Tây phương lí giải nó. Vừa bất cập vừa khiên cưỡng.

“Tôi là cột điện” gởi đi một thông điệp rất khác.

Hành động nghệ thuật của của Lê Anh Hoài mời gọi diễn giải mang tính xã hội và nghệ thuật, rộng và sâu hơn. Là cột điện, tôi đứng đó từ thời Pháp thuộc, Nhật chiếm đóng sang chiến tranh phá hoại miền Bắc của mấy trăm đợt máy bay B52 ném bom; từ giai đoạn đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, chính sách giá lương tiền cho đến chuyển đổi cơ cấu sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôi vẫn là cột diện. Dù có đổi đời từ dây điện và dây điện thoại sang các loại dây vô tuyến điện hay vô tuyến truyền hình, đủ màu đủ cỡ; dù chịu bao nhiêu giăng, mắc, móc, nối, dọc và ngang, lui tới, chồng lên nhau – tôi vẫn là cột điện. Đôi lần tôi bị xiêu vẹo bởi cơn bão thốc qua nhổ bật gốc cây đè lên, hay có khi ngã đổ bởi xe tải tông vào, tôi lại được dựng lên, và gượng đứng dậy. Tiếp tục chương trình chịu trận.

Đứng, cho lão ăn mày đến ngã lưng, cho từ thế hệ này sang thế hệ kia bọn người ngợm đến xổ bầu tâm sự lúc túng thế. Sao chỉ có mỗi trẻ con đến tè, mà không là người lớn? Nhất là các nhậu sĩ từ quán bia bên kia đường tiện thể đứng dựa cột? Cột điện, tôi là chốn lí tưởng cho mênh mông tờ quảng cáo, rao vặt dán lên, sơn và xịt lên, lớp mới đè lớp cũ. “Khoan cắt bê tông”, “Chữa bệnh yếu sinh lí”, “Dạy kèm Toán, Lý, Anh”, “Yoga cho phụ nữ sinh con đầu lòng”,… trùng trùng điệp điệp. Các cặp tình nhân dựa vào tôi cho nhau nụ hôn vội, kẻ ăn cắp vặt núp sau tôi lấm lét đếm tiền vừa chôm được. Vân vân.

Cột điện, tôi là nguyên do dẫn đến các vụ kiện cáo nhì nhằng không biết bao giờ chấm dứt của các công ty. Bao nhiêu là công ty mới mọc lên thời hậu đổi mới! Là cột điện, tôi còn chứng nhân của ngàn muôn cuộc hí trường cùng tử biệt sinh li của kẻ cả đời không rời xa khu phố hay khách thập phương…

Cột điện vẫn đứng vững. Lê Anh Hoài vẫn tư thế đứng thẳng, hai tay giang ra, đôi mắt nhìn không chớp. Hệt cột điện! Nhưng tại sao mắt không chớp, tay không đôi lúc buông thõng, thân không vài lần làm xiêu vẹo? Và tại sao cột điện-Lê Anh Hoài không dám gãi ngứa, khi bị tè? Nhất là khi ngứa hết chịu nổi bởi bợm nhậu đái ướt cả quần với mùi bia nồng nặc của nó? Nên lắm chứ.

Thủ pháp nhân cách hóa đã được sử dụng từ rất lâu, trong văn chương, với bao nhiêu thành tựu to lớn. Tại sao “nghệ thuật thị giác” không có quyền nhân cách hóa? Cột điện vẫn có thể đau, có thể ngứa, nổi nóng, hứng tình, và vẫn có thể… xấu hổ chuồn êm, nếu cuộc trình diễn kia bị người thưởng thức tạt ngang nhổ vào mặt: – “Cứt”!

Thế thôi, “Tôi là cột điện” đã thành công lớn rồi. Nó tự hủy. Cho dẫu chẳng báo đài nào đưa tin, hay nếu không bác phó nhòm lập dị nào nổi hứng bấm vài pô chơi, hoặc thậm chí ngay kẻ tham gia “trình diễn” không chụp ảnh lưu giữ, tác phẩm vẫn “để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc”. Nửa giờ trình diễn, non vạn khách đi đường nhìn thấy và “đọc” nó, và gần phân nửa trong số đó “nhớ” nó. Lần sau họ đi qua, “Tôi là cột điện” đánh thức kí ức họ lượt nữa, và lượt nữa. Về chính nó cùng những sự thể nó gợi lên. Không hơn một tập thơ in dăm trăm bản không ai đọc rồi không ma nào nhớ sao?

Còn bao nhiêu diễn giải khác nữa?…

đến Lê Anh Hoài văn học…

Từ viết trao đổi – phê bình, từ sáng tác truyện ngắn đến tiểu thuyết, kịch hay thơ, Lê Anh Hoài chơi tất.

Từ Lê Anh Hoài tiểu thuyết…

Một mớ chuyện tình [yêu, dục] với những chi tiết tréo ngoe dẫn đến cảnh ngộ trớ trêu có mặt đầy tràn trong Chuyện tình mùa tạp kĩ. Ngay tại hồi thứ nhất, ta đụng chuyện kể của Hà: “Sao lúc ấy, cô cứ rướn lên!”. Thế là bỏ nhau. Sang hồi thứ 3, độc giả tiếp tục bắt gặp chuyện kể khác của Hà: “Chị ra tưởng anh chết rồi liền mang dép anh về”. Hậu quả là bái bai không ngoảnh lại. Cả chuyện của một Hậu “đào hoa và khinh mạn” tuyên đến ba mươi đàn bà con gái đủ ngành nghề, xinh lẫn xấu, nền nã con nhà hay cư xử bạt mạng… , “đã có với tao một cuộc tình”!

Bao nhiêu là chuyện lăng nhăng, nhí nhố. Rất hợp với báo chí – loại báo lá cải, hợp hơn nữa với tiểu thuyết diễm tình đang tràn ngập thị trường sách báo, sẵn sàng tư thế giải muộn mấy chị bán siêu thị, mấy cô tiểu thư đời mới giết thì giờ. Càng thích hợp hơn, khi chúng được đặt xen kẽ với các bài hướng dẫn tâm sinh lí cho tuổi mới [hay đã] lớn, kiểu như: Tác dụng chữa trị của loại hình hát karaoke (tr.120), Kinh nghiệm điều trị lậu (tr.207), Hướng dẫn đêm tân hôn (Hồi thứ 3), năm điều bạn gái cần biết (tr.35-36), tám cách nhận biết một tình yêu đích thực (tr.46-47),… đính kèm nhân vật ngài giáo sư Lương khả năng giải đáp thập cẩm thắc mắc, từ chuyện tạp nham đến vấn đề được xem là trọng đại là Phật học!

Lê Anh Hoài của Chuyện tình mùa tạp kĩ lập chương hồi tiểu thuyết để giễu chúng. Tất tần tật…(3)

cho đến Lê Anh Hoài thơ

Tại sao không?

Tôi nghĩ cản trở lớn nhất hiện nay về cả hai phía là thái độ chính trị hóa văn chương nói riêng và văn nghệ nói chung. Đáng nói, đây là thái độ chính trị cũ kỹ và lặt vặt. Rất nhiều khi, người ta nghi ngại, dè bỉu, thậm chí chụp mũ, đả đảo hay ngược lại – tung hô một tác phẩm hay một tác giả là vì cái được gọi là thái độ/ tuyên ngôn/ thông điệp gì đó mang màu sắc chính – trị – mì – ăn – liền (có thật hoặc được tưởng tượng ra).

Biết rằng “Không chính trị cũng là một thái độ chính trị”, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh: với tư cách nhà văn – nghệ sĩ, tại sao chúng ta không tập trung khám phá cuộc sống con người với tất cả những ái ố hỉ nộ, thất tình lục dục của nó? Tại sao chúng ta không chú tâm tôn vinh cái đẹp và làm nghệ thuật? Tại sao chúng ta không bỏ lại và quên đi những rào cản xuất phát từ những định kiến và những mặc cảm?(4)

Vì một ngày mới đã đến mà ngày cũ chưa qua

Vì một chuỗi ngày trước đó vẫn còn sống từng mảnh từng mảnh

Tôi đã sống? Quả thật đã sống hàng chục năm?

Có hàng ngàn người đã gặp tôi, còn lưu lại những mảnh của tôi trong ký ức họ?

Thỉnh thoảng tôi gặp một trong số họ, những người lưu – mảnh – tôi

Tôi nhận ra họ cũng là những mảnh mảnh mảnh mà tôi thu lượm được.

… Tôi ngồi đây nghĩ những chữ viết ra hàng ngày như châu chấu như cào cào như chuồn chuồn bay lơ lửng

Những cơm ăn nước uống bụi hít những chuông rung email chat chit hẹn hò nhăn nhó phóng xe trên phố còi đâm phanh rít

Nhân vật của tôi chiếm chỗ não thùy sống cùng tôi mưu sinh toan tính kết bạn làm tình

Những màu sắc bóng hình âm thanh cuộc đời như installation, như video art

(“Mảnh mảnh mảnh“)

Thức nhận “những màu sắc bóng hình âm thanh cuộc đời như installation, như video art”, như chữ nghĩa, như thơ ca, “như ngôi sao, như hoa mắt, như ngọn đèn, như huyễn thuật, như giọt sương, như bong bóng, như giấc mộng, như tia chớp, như làn mây, những gì bị tạo tác trở thành đều phải được nhìn thấy như thế”(5); đồng thời thức nhận sâu thẳm định phận nghệ sĩ “mảnh mảnh mảnh” giữa trùng trùng khuôn mặt người trong “thiên địa chi du du” này, Lê Anh Hoài đã thể hiện một tâm thức mở, tinh thần chịu chơi để chơi trọn vẹn trò chơi do mình bày ra.

Chủ nghĩa hậu hiện đại quyết đánh đổ những “đại tự sự” grands récits (từ dùng của Lyotard), để thay vào đó bằng “tiểu tự sự” petits récits. Cá nhân “mảnh mảnh mảnh” kể chuyện về mình, suy tư, phản ứng hay hành động một cách riêng tư trước vấn đề rất cụ thể mà thế giới đặt ra cho mình/ cộng đồng mình.

Mảnh mảnh mảnh này không lo lắng cho cả thế giới, nó chỉ lo lắng cho nó thôi, bởi nó cũng là một thế giới. Khi nó lo lắng cho nó cách rốt ráo, nghĩa là nó đã lo lắng cho thế giới rồi. Nó bày ra trò chơi cho nó, vì nó, nó chơi trò chơi đó, chơi hết mình. Nó biết thế giới không phải chỉ có mỗi nó, nó với trò chơi duy nhất. Bởi, bên cạnh nó và cùng tham gia trò chơi thế giới le Jeu du Monde (chữ dùng của Heidegger) với nó còn có những “nó” khác. Những “nó” này đang chơi trò chơi của họ. Nhưng chúng không hề tin tất cả trò chơi nhỏ ấy là mảnh vụn của trò chơi vĩ đại nào đó, trò chơi của Chúa chẳng hạn; hay của quy luật biện chứng nào đó con người nghĩ ra, manh tâm áp đặt nó cho nhân loại hay, mơ tưởng rằng thế giới đã/ phải như thế!.

Nhập cuộc chơi ở đây và lúc này, tại sao chúng ta không chứ?

Với tinh thần đó, xin mời bạn đọc đi thẳng vào thơ Lê Anh Hoài.

Sài Gòn, 30-11-2009

________________

(1) Hiện nay Lê Anh Hoài là biên tập viên báo Tiền phong cuối tuần, là chủ nhân blog bupbebangbot.

(2) Tài liệu do Lê Anh Hoài cung cấp.

(3) Xem thêm: Inrasara, “Lê Anh Hoài và lối viết tạp kĩ”, đọc Chuyện tình thời tạp kĩ, tiểu thuyết của Lê Anh Hoài, NXB Đà Nẵng, 2007, báo Người Hà Nội, 28-9-2007.

(4) Lê Anh Hoài trả lời phỏng vấn Hội luận văn chương, Vanhocvietnam.org, 26-2-2008.

(5) Bài kệ của Kinh Sấm Chẻ, Phạm Công Thiện dịch, trong Nietzsche, Tôi là ai?, Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn, 1969, Phần Phụ lục.

Comments are closed.