Tư thế của nhà thơ

Tạ Duy Anh

Có thể là hình ảnh về sách và văn bản cho biết 'nguyễn thành phong Đêm ngồi ngà ba sông thơ thơ NHÀ XUẤT BÁN NHA VÀN'

Với tôi, một nhà thơ luôn phải được đánh giá ở hai phương diện: Bậc thầy về chữ nghĩa và bậc thầy về khả năng thấu hiểu, chia sẻ nỗi đau với đồng loại. Điều thứ nhất không phải ai cũng làm được. Nó thuộc về thứ trời cho. Điều thứ hai mọi người đều có khả năng làm được, nhưng không phải ai cũng dám làm. Cho dù thơ là cuộc sáng tạo chữ nghĩa, nhưng tôi chưa thấy nhà thơ quan trọng nào, ít nhất là với tôi, chỉ cứ ngồi tỉa tót, mài nhẵn chữ nghĩa, bỏ ngoài tai muôn vàn rên xiết, quay mặt đi trước bất công, đau khổ diễn ra xung quanh.

 

Từ góc nhìn này tôi xin có vài sơ kiến về tập thơ của Nguyễn Thành Phong.

NỤ CƯỜI NGƯỜI LÍNH

“Người đã đầu hàng dân bằng một nụ cười

Người trong trẻo như một nguồn ánh sáng

Ôi anh lính, khuôn mặt anh tỏa rạng

Anh cũng là dân ta lam lũ bần hàn!

 

Muôn đời nay dân chẳng muốn đối đầu

Dân chỉ muốn bình thường lặng lẽ làm ăn

Lau mồ hôi rồi chăm con thương vợ

Đâu có dễ nổi khùng ngạo ngược bất an!

 

Vậy mà sao giờ dân lại khó lường?

Sao lòng dân lại trở thành nguy hiểm

Xin hãy hỏi cái nét cười người lính?

Liệu có còn trong tâm tưởng chúng ta không?”

Tôi muốn trước tiên đưa ngay bài thơ này của Nguyễn Thành Phong, không phải nó nổi trội nhất tập, mà vì nó hàm chứa trong đó yếu tố phi thường. Người lính mà tác giả nhắc tới được điều đến để đàn áp đám dân chúng bị chính quyền khép tội làm loạn. Chuyện xảy ra ở Bình Thuận, nhưng bạn đọc dễ dàng nhận ra có cả bóng dáng câu chuyện ở Đồng Tâm, địa danh giờ đây đã mặc nhiên trở thành tên của một thảm kịch bạo lực và đạo đức. Có lẽ ngoài anh lính kia ra, không ai hỏi vì sao những kẻ chỉ muốn ngày ngày làm lụng kiếm sống, “chăm con thương vợ” mà phải làm loạn? Vì thế, khi đồng đội của anh lạnh lùng thực hiện nhiệm vụ, thì anh đứng riêng ra một chỗ với nụ cười xin được xóa lỗi, nụ cười của đứa con biết mình đang bất hiếu với người sinh ra và nuôi dưỡng mình. Một nụ cười rất đặc biệt, vô cùng khó diễn tả bằng ngôn ngữ.

Nhưng yếu tố phi thường ở đây lại thuộc về nhà thơ, người dám cất tiếng ngợi khen điều mà đa số các đồng nghiệp của ông khôn ngoan quay mặt tránh đi.

Bài thơ cho thấy một tư thế mới nổi bật của ngòi bút Nguyễn Thành Phong.

Có thể nói ngay rằng, với “Đêm ngồi ngã ba sông”, được tác giả thai nghén trọn một thập kỉ, Nguyễn Thành Phong đã tự làm nên bước ngoặt thi ca chắc chắn là đau đớn, vật vã nhưng ngoạn mục, cho riêng mình. Bài thơ làm tên cho tập, có gì đó giống như một điềm báo về con đường mà ông đang và sẽ dấn thân. Nó mịt mù, đầy hiểm họa, báo hiệu sự gập ghềnh, cô độc nhưng sôi sục lời mời gọi của tự do. Ngồi ở ngã ba sông, xuyên đêm đến tận sáng, suy ngẫm về nhân tình thế thái, dằn vặt trước những gì mình từng yên tâm thuộc về, là một hình ảnh ẩn dụ đậm đặc yếu tố hình họa về tư thế của thi nhân. Nó cứ khiến tôi nhớ đến bức tượng: “Người suy tưởng” của Auguste Rodin, kèm theo lời bình của nhà thơ Xuân Diệu. Khác ở chỗ, sự đau đớn của lương tâm thi sĩ chỉ riêng trời xanh biết. Một ngoại cảnh đầy chất thơ nhưng chứa đựng theo sự khốc liệt.

“Đêm dài thao thức

Nghe sông Cái buồn dào dạt gọi ra chơi

Ta đứng dậy bước miên man rồi bỗng thấy

Mỏm Soi Đôi Cô Hồng Hà chia ba

Tam giang tối linh trắng mờ bọt sóng

 

Từ thượng nguồn

Nước như tràn vào ta vai rộng

Ngực nóng thành mềm mại

Đôi cánh tay ta quẫy trong sóng lộng

Hai bên hai sông chảy ầm ào

 

Mấy ngàn năm bao triều đại nối nhau

Đế khuyết lửa máu gươm đao

Quân vương ngờ tôi trung, tiện nhân vầy kẻ sĩ

Trùng trùng tráng ca bị kịch

Sông Hồng nóng đỏ phù sa

 

Con dân lầm bụi tài hoa

Xong giặc giã lại về quét chợ

Về làm đồng, thương vợ chăm con

Giêng hai rộn rã hội làng câu hát ầu ơ

Xanh ngăn ngắt đôi bờ sông Đuống

 

Những bóng người giữa trời lồng lộng

Những bóng người lóp ngóp dưới dòng sâu

Người kề vai kề vai bắc cầu

Cho tướng lĩnh cầm quân đuổi giặc

Người oan trái xương khô ngùn ngụt nỗi đau

 

Đêm ta ngồi giữa ba dòng sâu

Nghe nước thở mấy ngàn năm vẫn thở

Nghe nước kể chuyện những đời người

Cay đắng và vinh quang

Kiếp sống nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi

 

Ban mai mờ ảo góc trời

Đàn vờ giao hoan rồi lao thân xuống nước

Cái chết mãn nguyện phủ trắng mặt sông nâu

Một kiếp sống chỉ tính bằng chớp mắt

Cũng lộng lẫy huy hoàng trời nước giao nhau

 

Ta ngửa mặt nhìn trời cao

Ta sống vậy đã là như sống

Hay phải sống làm sao?

Trời im lặng, ta cúi nhìn mặt nước

Những xác vờ trắng ấm chảy về Đông!”

Theo tôi, bài thơ có thể bỏ qua ý nghĩa của câu chữ, bỏ qua cảm hứng thế sự ngùn ngụt, chỉ cần giữ lại khung cảnh mà tác giả tạo ra, cũng đã đủ là một dấu ấn nghệ thuật. Bởi những gì không hiện thành chữ mới thực sự mở ra sự vô cùng. Nhà thơ đối mặt với vũ trụ, cũng là đối mặt với nỗi cô đơn khổng lồ. Từ tư thế này, ông nhìn lại cái cuộc đời dưới/ ngoài kia, nơi sáng tối nhập nhòa, nơi hạnh phúc và khổ đau luôn chỉ cách nhau gang tấc, nơi những tín điều và sự dối trá liên tục đổi vai cho nhau, chia nhau sự thống trị. Nó báo hiệu có một sự thay đổi đáng kể trong giọng điệu, thế giới quan của thơ Nguyễn Thành Phong: Ngạo đời, ngạo luôn cả chính mình.

“Sông vẫn chảy nước bào mòn bến đá

Gió quẩn đi chưa bạc bụi chân mày

Này thua lỗ hãy xuống mà rửa mặt

Mộng còn dài, chợ còn mở nay mai”

(CHỢ CHIỀU)

“Những cao thủ đã hầu như khuất bóng

Chỉ thấy cờ vồ tỉ thí nhau thôi

Cũng khai hội cũng thì thùng trống thúc

Mấy nước khai quân đã chán mớ đời”

(CỜ TÀN)

Những gì vẫn ngày ngày diễn ra, giờ đây giống như một phát hiện. Chợ chiều, cờ tàn, đều ẩn ý tới rã đám, đến tan cuộc, hết quan hoàn dân, tới sự thối rữa từ bên trong. Nó quá bình thường, vì chả nói thì ai cũng biết. Nhưng nó mới ở cái giọng điệu của nhà thơ. Nhờ cái giọng đó, mà mỗi bài thơ không dừng lại ở số chữ đếm được, không chấm dứt ở câu kết. Nó tiếp tục cho bạn đọc cảm giác về sự lúc nhúc, đục khoét, chen chúc, mua danh bán tước, ba vạn chín nghìn, bia miệng, v.v. Và trường liên tưởng cứ thế mở rộng sang các hình dung khác, bình diện khác của muôn mặt cuộc đời. Chẳng hạn, bạn đọc thấy cả bóng dáng của những lời thề bồi thớ lợ, những màn đoạt danh chối tội như kiểu “lục súc tranh công”. Đọc kỹ hơn sẽ còn thấy nó giống như lời cảnh báo hay một tiên đoán sớm của nhà thơ về ngày chung cuộc tối tăm và thê thảm đang tới gần. Khi những thứ cao siêu, những thứ vẫn khoác chiếc áo vĩ đại…đều đã lộ mặt chỉ là những của giả: Tư tưởng giả, nhân nghĩa giả, đạo đức giả, thì đúng là “Chán mớ đời”, một lời than mang theo âm hưởng của tiếng cười xóa sổ. Tôi rất thích cụm từ này, nhất là khi nó dùng đắc địa?

Từ đây cũng có thể khẳng định giọng điệu là thay đổi đáng kể, đáng nói, đáng khen nhất của Nguyễn Thành Phong, qua tập “Đêm ngồi ngã ba sông”, so với những gì ông đã có.

Đọc các bài trong tập, chúng ta dễ dàng nhất trí với nhau rằng, tác giả của nó viết bằng thứ cảm hứng hoàn toàn tự do. “Một kiếp sống chỉ tính bằng chớp mắt/Cũng lộng lẫy huy hoàng trời nước giao nhau”. Thi nhân dứt khoát vinh danh tự do. Phải già nửa đời người, lặn lội qua biết bao thăng trầm, trả giá đau đớn, Nguyễn Thành Phong mới tìm thấy thứ quan trọng nhất mà một người cầm bút phải có. Thế cũng còn là may. Thế nghĩa là ông vẫn được số phận ưu ái hơn rất nhiều người. Bởi biết bao đồng nghiệp của ông, dù khoác lên mình đủ thứ phù hoa, tận lúc chết vẫn chưa nhìn thấy, hoặc không dám nhìn thứ ánh sáng cứu rỗi đó, dù chỉ trong khoảnh khắc.

Chính vì thế mà tôi không muốn nhắc tới cái giá mà Nguyễn Thành Phong phải trả mà thực ra là để thoát khỏi chính mình. Cái ông mất đi là những ảo tưởng hão huyền về danh vọng, là cái cuộc sống êm đềm giả tạo (giả tạo bởi nó chỉ êm đềm với một số người, có được nhờ sự tước đoạt hạnh phúc của số đông), là sự trì độn về nhận thức, là những lời ru ngọt ngào nhưng dối trá, là những thứ luôn gắn với nỗi sỉ nhục nhân tâm…

“Nhìn làm sao hết mù quáng nỗi người

Sâu hun hút không cách nào chạm tới

Lòng nhân đã biến đi mờ tăm tối

Còn chút sáng nào soi bước chân đi…”

(NGƯỜI NÉM ĐÁ)

Khi nhận ra mình lạc đường, là lúc mình không còn lạc nữa. Khi biết mình đang ở đâu, là lúc mình có thể đi đến đâu mình muốn. Cái ánh sáng “soi bước chân đi” chỉ có thể là tự do.

Đổi lại, ông được gì?

Được sống thật là mình, được nghĩ thật, nói thật, viết thật, bằng thứ cảm hứng thật. Được trở lại “lòng mình thênh thang”. Khi chữ nghĩa thoát khỏi nỗi sợ, bay lượn trong sự thật, nó không còn là các kí tự ghép lại, mà là thuốc nổ để hoặc tạo ra pháo hoa làm sáng rực bầu trời, hoặc thành bom phá hủy tận móng sự xấu xa bỉ ổi. Thay vì ê a hát những giai điệu có sẵn nhàm chán và luôn khiến tê liệt cảm xúc, nhà thơ sẽ cất lên tiếng nói từ trong sâu thẳm một tâm hồn được giải thoát. Khi đó, ngay cả nằm nghe mưa cũng khác:

“Mưa xa mưa xa mưa xa

Một đời dài như cơn gió

Bàn chân từng hạt mưa nhỏ

Khi khoan khi nhặt về gần”.

Trong tập thơ, phần thế sự chiếm một dung lượng khá lớn. Đó cũng là xu thế mà thơ đang trở lại, trước hết vì chính nó. Bởi chưa khi nào văn chương nói chung mất giá và vô dụng như hiện nay, mà nguyên nhân là nó cứ chỉ vo ve, rên rỉ thứ tiếng than van nịnh bợ của loài côn trùng. Nó bỏ ngoài tai mọi lời rên xiết quằn quại, oan khốc, đau khổ… của nhân quần. Khi mà hiện thực đã ở mức vượt xa mọi tưởng tượng, thì sáng tạo hỏi còn ý nghĩa gì?

Trên kia tôi đã nói về tư thế của người cầm bút. Nó là sự vượt lên khỏi hiện thực cuộc đời-cả hạnh phúc lẫn khổ đau, vượt lên những giáo điều lừa mị và ngu dân, vượt lên những thứ danh vọng tầm thường khoác vẻ ngoài danh giá. Nó cười vào mặt quyền lực. Nó ngồi xổm lên những lời hăm dọa. Nó đặt nỗi sợ vô hình, hữu hình xuống phía dưới bàn chân. Nó kiêu dũng và kiêu hãnh nói tiếng nói của tự do, nhân phẩm và sự thật.

Nhưng nếu chỉ có thế, người cầm bút thiếu bản lĩnh dễ trở nên cao ngạo vô lối, tự huyễn hoặc mình. Vì vậy, song hành với tư thế luôn phải kèm theo tâm thế. Tâm thế chính là cách anh nhìn cuộc đời, nhìn con người, nhìn cõi sống này, trong sự biết ơn trời đất, biết ơn thập loại chúng sinh. Nếu tư thế là ngẩng cao đầu trước cường quyền, thì tâm thế là cúi đầu trước vẻ đẹp, trước mỗi số phận con người, chia sẻ hoặc gánh vác thay nỗi khổ đau với họ. Tâm thế còn là hành động tự nhìn sâu vào bên trong tâm hồn mình bằng tinh thần gột rửa, sám hối.

“Ta ngửa mặt nhìn trời cao/ Ta sống vậy đã là như sống/ Hay phải sống làm sao?/Trời im lặng, ta cúi nhìn mặt nước/Những xác vờ trắng ấm chảy về Đông”.

Nguyễn Thành Phong phải mất mười năm để khởi đầu một hành trình sáng tạo mới. Vậy trong mười năm ấy, việc quan trọng nhất mà ông đã làm là việc gì? Với tôi thì đó là hành động ông cúi xuống an ủi, bao bọc con mèo nhỏ lạc loài trong chốn lao tù của những kẻ bị đẩy xuống đáy. Một khoảnh khắc giống như sự khải thị, hoặc đốn ngộ! Khi làm thế, ông chưa biết rằng đó là khởi đầu của một con đường mới, chính là con đường giờ đây ông đang sải bước. Nó rất có thể đó là cách số phận thương xót một kẻ có nhân tâm lớn, không muốn nó thành vô tăm tích. Bởi với không ít người cầm bút, thì may mắn nhất là bị/được cuộc đời ném vào chốn đầy đọa cả thân xác và tinh thần. Điều này có vẻ đúng với trường hợp của Nguyễn Thành Phong. Ông sẽ can đảm đi đến hết con đường hay mệt mỏi dừng lại giữa chừng, cũng không thể biết trước. Nhưng rõ ràng ông đang cho bạn đọc rất nhiều hy vọng. Và tôi thành thật chúc mừng ông!

Nếu có lời nào ông nói đang “vận vào” cuộc đời ông, thì tôi mong nó chính là khổ thơ sau:

“Hạt cát rơi sâu va thành vết xước

Đêm trải rộng như lòng trai hoài ngọc

Đôi mắt ta mở ra nhìn lên phía trước

Bao ánh sáng tinh vân đang lặng lẽ tụ hình…”

(HẠT CÁT)

Hà Nội cuối tháng 7 năm 2021

 

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và đường

Có thể là hình ảnh về 1 người

Comments are closed.