Vũ điệu không vần (kỳ 5)

Khế Iêm

CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG

Hệ thống động lực có thể là một trường học, một bài thơ, một bức tranh, một cảnh trí và cũng có thể là một cơn dịch bệnh, thân thể con người, một dòng sông… hay bất cứ một biến cố, một tổ chức xã hội, một phong cách sinh hoạt nào của đời sống con người và thiên nhiên. Những sự vật tác động lẫn nhau, như một chồng đá, chồng lên nhau, cho đến khi tìm ra được điều kiện thăng bằng, thành hệ thống, còn những hòn đá rải rác, thì không. Nếu coi nhà máy như một hệ thống tuyến tính, có thể đoán, nếu thêm người làm việc, thêm hàng hóa, chúng ta sẽ nâng cao năng suất, tương đương với số lượng người và hàng hóa gia tăng. Nhưng thực tế, dù có tăng nhân công, hàng hóa hay bất cứ gì khác, năng xuất nhà máy không đúng như sự tiên đoán, bởi vì nhà máy thực sự là một hệ thống phi tuyến tính. Phi tuyến tính có nghĩa là toàn phần trong hệ thống ảnh hưởng tới những phần khác (và chính nó) kể cả môi trường chung quanh, trong mạng lưới phức tạp vô cùng tận giữa nguyên nhân, hậu quả, và sự phản hồi.

Dòng sông là một hệ thống động lực. Nhìn ngắm dòng nước chảy, về mùa nắng, dòng sông chảy lặng lờ, khi gặp một hòn đá, nước rẽ nhánh và chảy qua nhẹ nhàng. Nhưng vào mùa mưa, dòng sông có những cá tính khác nhau. Trong trường hợp này, một phần của dòng sông chảy nhanh hơn miền bên cạnh, tạo nên dòng xoáy ngược, làm tăng tốc độ, kéo dòng nước chung quanh chảy nhanh hơn. Mỗi phần của dòng sông ảnh hưởng nhiễu tới mọi phần khác, gây xáo trộn và phản hồi lẫn nhau. Kết quả là sự rối nước, chuyển động hỗn loạn, trong đó những vùng khác nhau chuyển động với những tốc độ khác nhau. Những dòng xoáy nước khi cuộn lại (feedback) gặp phải luồng nước khác, sẽ giao dộng (oscillation), rẽ nhánh (bifurcation), biến thành dòng xoáy khác. Như vậy, những dạng thức ổn định (dòng xoáy trước) hiện ra rồi nhanh chóng mất đi, thay thế bằng những dạng thức ổn định mới (dòng xoáy mới), xoáy tròn, cuộn lại và phản hồi chính nó, áp lực trên dòng chảy.

Sự hỗn loạn xảy ra ở bên rìa hỗn mang (Edge of Chaos), trên nguyên tắc nếu là phản hồi tích cực (Positive Feedback), gây ra hỗn loạn, nếu là phản hồi tiêu cực (Negative Feedback) sẽ cho yếu tố ổn định, nhưng trong sự vận hành phức tạp của hệ thống, khi cả hai cặp đôi (couple) với nhau sẽ tạo ra động lực cân bằng mới – một điểm rẽ nhánh những hoạt động hỗn mang, bất thình lình làm thành trật tự (Strange Attractor)ï. Trong cách nhìn của hình học Fractal, sự tự tương đồng của các yếu tố ổn định được phân tích như sau: Point Attractor (điểm), Cycle Attractor (vòng tròn), Torus Attractor, và Strange Attractor. Trở lại dòng sông, dòng xoáy trước, Torus Attractor, có khuynh hướng chống lại sự thay đổi, nhưng không bao lâu sẽ bị phá hủy bởi hỗn mang, rẽ nhánh, để xuất hiện dòng xoáy mới, Strange Attractor. Dòng xoáy mới cố duy trì dạng thức (Strange Attractor biến thành Torus Attractor), trong khoảnh khắc, rồi tiếp tục bị phá hủy để cho ra một dòng xoáy khác nữa, tiến trình lập lại như vậy mãi mãi.

Phân ra hai luồng nước để dễ hiểu, chứ thật ra, hiện tượng rối nước – những dòng xoáy này tác động và phản hồi trên dòng xoáy khác – xảy ra ở toàn bộ dòng sông, với vô số chiều kích, ngay trong những luồng nước chảy nhanh, có luồng chảy chậm hơn và trong luồng chảy chậm cũng có luồng chảy nhanh hơn. Đứng trên bờ sông, chúng ta thấy những vòng xoáy quay ngược lại, kéo theo vòng xoáy khác, hiện rồi mất, miên man không dứt, nhưng lúc nào cũng khác biệt, như dòng sông chảy từ ngàn đời mà không hề giống nhau. Mỗi hệ thống động lực có cách vận hành khác nhau, phức tạp và khó lòng diễn đạt chính xác, nhưng có chung một nguyên tắc, những yếu tố ổn định của trật tự, hiện xuất trong hỗn mang. Một thí dụ đơn giản hơn, tác động hỗn loạn, vô trật tự (phản hồi tích cực) của bầy chim khi bay khỏi tàn cây, cố không đụng vào nhau trong lúc khởi đầu, kết quả là chu trình phản hồi tiêu cực hình thành và bất thình lình bầy chim bay theo những dạng thức rất trật tự, bởi những cánh chim có khuynh hướng lôi cuốn, bay lại gần nhau nhưng sẽ tự động rời xa, điều chỉnh khoảng cách khi quá gần. Sự hỗn loạn xảy ra ngay trong những cánh chim bay, vì lúc nào cũng có những yếu tố tình cờ như sức gió, độ cao, hay những xáo động của từng cánh chim tác động lên nhau, kết quả là dạng thức bay của bầy chim, không lúc nào giống lúc nào, nhưng luôn luôn nằm ở trong giới hạn của bấy nhiêu cánh chim.

Sự phản hồi (feedback) và lập lại (iteration) là hai điểm chính yếu, trái tim của hỗn mang, xảy ra ở khắp nơi trong thiên nhiên, đan dệt trật tự (order) từ sự vô trật tự (disorder) và tồn tại trong chớp nhoáng. Phản hồi là công cụ của đời sống và tai ương mới – phản hồi tích cực đưa tới cuộc đua vũ trang giữa các quốc gia, phản hồi tiêu cực như cá hồi tăng quá nhanh làm chật hồ cá, giảm xuống cho đến khi khan hiếm thì hồi phục trở lại. Trong thời tiết, vô số phản hồi, giữ cho thời tiết ổn định bất kể những nhiễu loạn vì sự gia tăng của chất thán khí dioxide. Trong không gian, chu trình phản hồi tiêu cực và tích cực khóa lại với nhau tạo nên hệ thống động lực của vũ trụ.

Nhịp điệu phi tuyến tính

Nhìn hình ảnh dòng sông, quĩ đạo của ba thiên thể, hiệu ứng cánh bướm và bản đồ vận thức, chúng ta liên tưởng tới sự vận hành của một bài thơ. Những nguyên tắc thơ là nền tảng đầu tiên, nằm sẵn trong các nhà thơ, sau đó là các yếu tố như hình ảnh, âm thanh, ý tưởng … và rất nhiều yếu tố khác như tính truyện, hình ảnh của hiện thực, siêu thực, trừu tượng, ấn tượng, và những dạng thức của đời sống … xoắn lại, nhảy vọt, đảo ngược, hóa thân thành cơn sóng ngầm trong thơ. Nhưng ở đây thử gạn lại ba yếu tố, giống như từ 12 phương trình, Lorenz lấy ra ba phương trình để nhìn ra sự vận hành của thời tiết. Những hình ảnh, âm thanh, ý tưởng khuếch tán, phản hồi lẫn nhau và trên chính nó, nguyên do bởi vô số tác động ngẫu nhiên, tạo ra nhịp điệu của hình ảnh, âm thanh, ý tưởng, cuốn lại như dòng xoáy nước, và dòng xoáy này lại phản hồi, tác động trên dòng xoáy khác, lôi kéo bài thơ hướng tới một cấu trúc toàn thể. Có thể nói đơn giản như sau, những câu chữ khi lập lại (hay kỹ thuật lập lại) – có chức năng của sự phản hồi và lập lại – mang theo hình ảnh, âm thanh, ý tưởng, nhưng bị những câu chữ, và rất nhiều yếu tố tình cờ khác làm hỗn loạn, rẽ nhánh, hình ảnh, âm thanh, ý tưởng trước (Torus Attractor) bể nát ra để thành hình ảnh, âm thanh, ý tưởng mới (Strange Attractor), rồi cứ thế, như những dòng xoáy nước, trong chớp mắt, thoắt tan thoắt tụ, đưa bài thơ tới chỗ cùng tận. Chu trình phản hồi (Feedback Loop) trở đi trở lại, mới mẻ, hiện ra, rơi vào hỗn mang, rồi lại tiếp tục hiện ra … nhưng luôn luôn nằm trong hiệu ứng cách bướm. Cuối cùng, cần nhấn mạnh một lần nữa, thơ Tân hình thức gồm ngữ điệu tự nhiên của những câu nói thông thường, vắt dòng kỹ thuật lập lại. Vấn đề là sử dụng kỹ thuật lập lại làm sao để chuyển nhịp điệu từ những biến cố tự nhiên thành nhịp điệu thơ, không bài thơ nào giống bài thơ nào, điều đó tùy thuộc tài năng và kinh nghiệm của từng nhà thơ, vừa đơn giản vừa phức tạp, là một ẩn số khó ai có thể nói trước. Những nguyên tắc đó và yếu tố thơ đóng vai trò, là giao ước ngầm giữa người đọc và tác phẩm, giúp người đọc nhập vào với những biến chuyển và tình tiết của bài thơ.

Nhưng muốn như thế, người làm thơ phải luôn luôn giữ cho bằng được cấu trúc và sự trong sáng của câu, vì khi chuyên chở hình ảnh, âm thanh, ý tưởng trong một chuyển động phi tuyến tính, bài thơ dễ biến thành một đống chữ, chẳng khác nào đống gạch vụn trong hệ thống động lực vật lý. Những nguyên tắc và yếu tố thơ bị đẩy bởi vô số tình huống bất ngờ, quyện lấy nhau rất phức tạp, nhưng khi đọc vẫn có cảm giác dễ hiểu. Đến đây chúng ta thấy thơ Tiền chiến và tự do dễ bị vướng vào cơ chế chuyển động tuyến tính, những âm thanh, hình ảnh, ý tưởng tuần tự hiện ra, bất động, tưởng như có một tâm sự, một câu chuyện kể lại từ đầu đến cuối theo một đường thẳng.

Chẳng phải chỉ có thơ Tiền chiến và tự do rơi vào tuyến tính, mà cả những bài thơ Tân hình thức cũng không thoát khỏi, nếu không nhờ vào sự vận hành của hệ thống phi tuyến tính, cung ứng một phương pháp tạo nhạc phù hợp với những biến cố tự nhiên. Giống như vọng cổ khi phổ những câu nói đời thường vào trong luật cổ nhạc, sẽ biến thành vọng cổ và không còn những câu nói đời thường nữa – quyến rũ thính giả bình dân vì vừa quen (chuyên chở được tâm tình của họ), vừa lạ bởi những âm thanh réo rắt của cổ nhạc. Một bài thơ luôn luôn hàm chứa hai yếu tố, vừa quen (thể luật, nguyên tắc) để lôi cuốn và dẫn dụ người đọc, vừa lạ (nhịp điệu, tư tưởng) để hướng người đọc vào thế giới sáng tạo. Như vậy, khi mang những câu nói thông thường vào trong thơ, nói lên tâm tình của nhiều tầng lớp xã hội, nếu chỉ lọc ra những yếu tố thơ thì chưa đủ. Hiệu ứng cánh bướm, sự phản hồi và lập lại, và những vận hành tự nhiên của thiên nhiên, như một đàn chim bay, một dòng sông, sự tuần hoàn của máu trong cơ thể, một cơn lốc xoáy, một đám cháy rừng … sẽ cho chúng ta những ý niệm vô cùng tận để tạo nên nhạc tính phong phú và biến đổi không ngừng cho thơ Tân hình thức. Có nghĩa là mọi chuyện đã sẵn sàng, chỉ còn chờ ánh lửa tài năng của nhà thơ bừng sáng, như trong thí nghiệm về sự đối lưu chất lỏng của Lorenz.

Tính truyện trong thơ

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà TV trở thành ưu thế, chuyển thói quen đọc (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới) sang hình ảnh và truyện kể. Con người và môi trường chung quanh, từ xa xưa, được hình thành, nuôi dưỡng và chi phối bởi truyện kể, và mọi tác phẩm của mọi nền văn hóa sẽ trở thành vô nghĩa nếu thiếu yếu tố truyện kể. Cấu trúc truyện được định nghĩa bởi một chuỗi những biến cố, theo truyền thống – mặc dù nội dung có thể phi tuyến tính (hồi tưởng, điềm báo …) – kể câu truyện theo tuyến tính, từ trang này tới trang khác theo thứ tự nhất định. Truyện kể tuyến tính (linear narrative) được viết theo thứ tự thời gian, chuyển trực tiếp từ điểm A tới điểm B rồi tới điểm C. Trong khi truyện kể phi tuyến tính (nonlinear narrative) có thể bắt đầu từ điểm C tới điểm A rồi chuyển tới bất cứ điểm nào, không theo thứ tự thời gian và những biến cố xảy ra lộn xộn. Có thể nói trong truyện kể phi tuyến tính – giống như một cái cây có nhiều nhánh, mỗi nhánh độc lập và ở nhiều hướng khác nhau – câu chuyện đi theo nhiều ngả, và mỗi ngả có thứ tự thời gian riêng, cùng đồng qui vào một cấu trúc toàn thể.

Trong kịch nghệ, những thử nghiệm gần đây đã tạo nên nhiều sân khấu (giống như một ngôi nhà ngăn thành nhiều phòng) với những biến cố cùng xảy ra một lúc, nhân vật di chuyển từ sân khấu này sang sân khấu khác, và khán giả có thể bất cứ lúc nào theo dõi từng phần câu truyện. Cách đây khoảng trên 10 năm, vở kịch “Tamara” được diễn trong khung cảnh một tòa lâu đài cổ, với tiện nghi ở thời 1930. Chủ đề của vở kịch về một nhóm diễn viên phát xít và chống phát xít tụ tập trong một lâu đài ở Ý. Bắt đầu bằng bữa tiệc khai vị (cocktail party), người phục vụ chính là diễn viên. Khi bữa tiệc chấm dứt, những người phục vụ chuyển thành diễn viên, và khán giả được chia thành nhóm, theo các diễn viên quanh lâu đài, lên và xuống cầu thang, qua những hành lang vào các phòng, xem họ hợp diễn với các diễn viên khác, nhưng nối kết với toàn thể biến cố. Mặc dù khán giả được khuyến khích ở với một hay hai diễn viên cá biệt, nhưng cũng có thể thay đổi nhập vào nhóm khác nếu họ thấy lôi cuốn hơn. Sự thể là không ai có khả năng hiểu hết được diễn biến phức tạp của toàn câu truyện. Nhưng sau giờ giải lao, trong một phòng ăn lớn, khán giả vừa ăn vừa trao đổi với nhau những thông tin để nhìn ra toàn bộ những gì đã xảy ra. Tương tự, như tác phẩm “The Rashomon” (1915) của nhà văn Nhật, Ryunosuke Akutagawa (1892-1927), đã được chuyển thành kịch (1959) và quay thành phim (1950). Câu truyện trong phim xảy ra ở cổng Rahsomon của một ngôi đền đổ nát, gần bìa rừng, giữa một nhà sư, một tiều phu và một tên vô lại tìm cách phát hiện sự thực về một sự cố, một samurai bị giết, kẻ cướp bị bắt và người vợ có thể bị hiếp hay không. Truyện được kể qua nhiều giọng (kể cả người đã chết), mỗi câu truyện khác nhau, mọi yếu tố đều khả tín nhưng không câu truyện nào khả dĩ thuyết phục. Khán giả không thể nhàn rỗi ngồi coi phim, bởi luôn luôn phải theo sát từng chi tiết để tìm ra những sự kiện thực. Không có sự giải quyết cụ thể ở cuối phim và khán giả rơi vào vị thế mù mờ, và mỗi người có thể đưa ra một kết luận cho chính mình, giải thích những sự cố đã được trình bày.

Đa bản văn (Hypertext), kỹ thuật viết trên máy điện toán, có cách giải quyết đơn giản và hiệu quả hơn, qua kỹ thuật nối mạng (linked network of nodes). Mỗi bản văn chia thành nhiều đơn vị – thường gọi là module, node, hay topic (chủ đề) – và người đọc có thể dùng mũi tên (cursor), bấm (click) vào một hình tượng (icon) hoặc theo sự chỉ dẫn, nhảy qua lại từ phần này sang phần khác trong bản văn, chọn bất cứ nhân vật nào, màn nào, cảnh nào, biến cố nào để đọc. Kỹ thuật nối (link) tương đương với kỹ thuật lập lại – phản hồi và trùng lặp – của thơ. Nhưng giống như truyện, kịch, phim ảnh, với kỹ thuật nối người đọc chỉ thấy một phần câu truyện, trong khi ở thơ, cùng một lúc có thể nhìn thấy toàn thể cấu trúc bài thơ. Mỗi lần lập lại một ý tưởng tiêu biểu cho toàn sự cố, chúng ta dẫn sự cố đi theo một hướng khác, và như thế sẽ tạo ra nhiều diễn biến khác biệt và phức tạp. Nếu kỹ thuật truyện kể phi tuyến tính chỉ áp dụng trong một truyện ngắn khá dài hay truyện dài thì kỹ thuật lập lại có thể dùng trong một bài thơ ngắn, chừng một hay hai trang, thể hiện yếu tính truyện kể (hay tính truyện), cách kể – những câu truyện chồng chất lên nhau, những câu truyện bao gồm nhiều câu truyện. Nhất là khi đưa những câu chuyện đời thường (everyday conversation) vào thơ, chẳng hạn, như trong một cửa hàng, trên đường phố, trong quán cà phê, những nhóm người tụm năm tụm ba, bàn tán về những biến cố đang hay đã xảy ra mà họ chứng kiến trực tiếp hay chỉ nghe qua – những câu chuyện như thế thường chớp nhoáng, phi tuyến tính, ngẫu nhiên, không thể đoán trước, không bao giờ chấm dứt, lúc này lúc khác, phân kỳ, và không hoàn tất, mang tính cách trao đổi, đan dệt trong cách nghĩ, cách cảm và phản ứng thông thường.

Những nhà thơ hiện đại và hậu hiện đại (thập niên 1960-80) đã dùng kỹ thuật dòng gãy (line break) để tạo nên phần mảnh (fragment), và những nhà tiểu thuyết dùng kỹ thuật đứt đoạn trong cách kể phi tuyến tính, khi cho rằng cách kể tuyến tính theo nguyên lý tất định là sai lầm. Trên thực tế, thế giới hiện thực không hề phần mảnh hay đứt đoạn mà là một dòng chảy liên tục, phản hồi và trùng lặp, bởi trong đời sống, chúng ta không chỉ sống với một chiều hiện tại, mà tác động bởi vô số chiều không-thời gian. Khi nhìn một biến cố bi thảm trên TV, chúng ta có phản ứng giống như đang chứng kiến trực tiếp, nhưng thật ra, biến cố đó đã xảy ra rồi. Những hình ảnh đó, từ quá khứ đến hiện tại, nhưng vì phản hồi và trùng lặp, không còn đúng với biến cố thực sự, nên những phản ứng của chúng ta mỗi lúc mỗi khác. Từng giây khắc và cùng một lúc, chúng ta sống cả chiều hiện tại và hồi tưởng, nhưng không phải chỉ một mà với vô số chiều hồi tưởng. Ngay trong giấc ngủ, chúng ta vẫn thở, những mạch máu vẫn chảy và hàng tỉ dây thần kinh vẫn không ngừng hoạt động, không lúc nào bình an, và ý tưởng đi tìm kiếm sự bình an chỉ là một điều không thật.

Nếu thơ như hình ảnh một dòng sông, thì dòng sông lúc nào cũng dung chứa vô số dòng chảy, nhiễu sóng, ươm chồi, khởi sinh, hủy diệt, ôm lấy, cuốn theo, luân vũ, hiện hữu như dòng đời đã từng hiện hữu. Thập niên 1930, thơ Tiền chiến là dòng nhanh, thơ Đường biến thành dòng chậm, song hành cả hai dòng thơ, như Đông Hồ, Quách Tấn, Ngân Giang … chuyên làm Đường thi, Vũ Hoàng Chương làm cả thơ mới lẫn Đường thi, cùng lúc với các nhà thơ mới khác … Tới thập niên 1960, thơ tự do làm thành sự nhiễu loạn và sau đó trở thành dạng thức của trật tự, cùng chảy chung dòng với Tiền chiến, tốc độ gần giống nhau. Như vậy vần điệu, tự do, và tân hình thức sẽ như những luồng nước của cùng một dòng sông không hề biến mất. Và Tân hình thức, có lẽ là một trường hợp đặc biệt của thơ Việt, khác với thơ Tiền chiến và tự do, xuất hiện đúng thời điểm, cả về lý thuyết lẫn sáng tác.

Một thời hiện đại

Hơn hai ngàn năm, con người không thoát ra khỏi nguyên lý tất định và hình học Euclid, thói quen hóa bởi suy nghĩ tuyến tính, không có nền văn hóa nào khác nền văn hóa nào, từ Đông sang Tây. Từ thuở ngày xưa, con người vì sự sinh tồn, phải chế ngự thiên nhiên, sống thành tập đoàn để tự bảo vệ, và sống còn, canh tác, săn bắn, vận chuyển hàng hóa … nhưng càng ngày càng đi xa hơn, nhất là khi xã hội kỹ nghệ được mở mang, con người không những chinh phục và chế ngự thiên nhiên, còn chinh phục và chế ngự lẫn nhau. Thế kỷ hai mươi, tự coi là thời hiện đại, có lẽ là đỉnh cao nhất của nguyên lý tất định, áp đặt lên con người những định chế, dựa vào sức mạnh và quyền lực, chinh phục lẫn nhau, gây nên bao cuộc chiến tranh khủng khiếp. Nếu hai cuộc thế chiến là tai biến của khoa học và nền văn minh phương Tây, thì những phong trào tiền phong trong văn học và nghệ thuật, chẳng phải là tai biến của thế kỷ trong văn học nghệ thuật đó sao? Bởi văn học và nghệ thuật luôn luôn là mối tương quan giữa đời sống con người và xã hội, khi phản ứng với bất công, áp bức, cũng đồng thời là động lực tạo ra bất công và áp bức. Những suy nghĩ tuyến tính, xoay chuyển thời thế, chỉ đạo, lập thuyết, những cuộc cách mạng, lật đổ, tuyên ngôn, xảy ra ở khắp mọi lãnh vực. Những kiểu nói chém đinh chặt sắt, giành chân lý về phía mình, những phong trào tiền phong tự đặt ra nguyên tắc, và người thưởng ngoạn không có một chọn lựa nào khác, từ đó, phê bình trở thành chiếc cầu nối không thể thiếu giữa tác phẩm và người đọc. Tác phẩm tồn tại, phải qua sự giải thích chủ quan của nhà phê bình người đọc mới biết được cái hay, cái đẹp, như tranh Picasso, Salvador Dali, trừu tượng, thơ siêu thực … Những sáng tác cần phê bình để đi đến người đọc, và phê bình từ từ thiết lập một hệ thống quyền năng khác, đặt ra tiêu chuẩn, dành độc quyền hướng dẫn người đọc.

Nhưng khi những phương tiện giải trí càng ngày càng phong phú, với kỹ thuật tân kỳ, con người được nhìn thấy trực tiếp tin tức và hình ảnh xảy ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới. Những cuộc truyền hình ngay tức thời, những cuộc tranh tài thể thao đầy nghệ thuật, những chương trình ca nhạc, phim ảnh hấp dẫn, gần gũi với đời sống hàng ngày của con người, và trong thoáng chốc, nhà thơ nhà văn bị quên bẵng, và gần như ít ai còn nhớ rằng họ vẫn hiện diện trong thế giới đời sống. Nói như thế không có nghĩa rằng kỹ nghệ truyền thông giải trí trong xã hội tiêu thụ, không có những mặt tiêu cực – con người nấp đằng sau chiếc mặt nạ ảo, tạo tâm lý xa cách, cô lập, khô cạn tình nhân loại, và có nguy cơ sa vào một chiều tuyến tính khác. Văn chương in ấn đã mất đi thời huy hoàng của nó, nhưng vẫn còn tồn tại, nếu tiếp tục lôi cuốn người đọc. Giả thử một lúc nào đó, không còn ai đọc thơ hay truyện nữa, chúng ta sẽ thấy thảm họa của con người đến chừng nào, bởi như thế, không ai còn viết văn làm thơ làm gì, chẳng lẽ rồi, mình viết mình đọc. Những hình ảnh bi quan đó, may mắn thay mới chỉ là giả thiết, nhưng giúp chúng ta nhìn ra sự thật, thơ phải sinh động, quyến rũ, mới mẻ, tích cực hơn, góp phần làm thăng bằng và duy trì nền văn minh, hòa hợp với tự nhiên, và niềm tin yêu giữa con người với nhau, thể hiện ý nghĩa đời sống – mà đời sống lại chính là cái cuộc đời tầm thường mà bấy lâu nay tưởng chỉ dành cho đám đông vô danh, hậu quả là chúng ta lạc vào sáo ngữ, sống và suy nghĩ trong mơ hồ, ưa thích và lập đi lập lại những lời vô căn cứ.

Dĩ nhiên, phê bình không bao giờ đánh mất vai trò của họ, mà chỉ thay đổi vị thế, bởi những đồng thuận ngầm giữa tác phẩm và người đọc đã được thiết lập lại. Nhưng không phải như vậy là tác phẩm có thể trực tiếp tới người đọc vì dù sao, người đọc cũng chỉ am hiểu một số nguyên tắc căn bản, trong khi một tác phẩm phi tuyến tính, đầy bất ngờ và biến hóa, cần tới những nhà phê bình tài năng và nhạy bén, phát hiện tác phẩm từ nhiều góc cạnh, mà người sáng tác và người đọc không thể phát hiện. Sự liên hệ giữa nhà thơ, nhà phê bình và người đọc, ở vào thế quân bình mới, tất cả đều bình đẳng trước nghệ thuật. Giống như một trận bóng đá, khán giả chỉ say mê môn thể thao này khi họ biết rõ luật chơi, cầu thủ đá sai luật dễ dàng lãnh thẻ đỏ, nhà trọng tài không công bình sẽ bị khán giả la ó. Cuối cùng, chỉ có tài nghệ của cầu thủ quyết định sự thắng bại. Thơ cũng chẳng thể khác hơn, tài năng của nhà thơ sẽ được đánh giá qua nghệ thuật của họ, không ai còn mập mờ được nữa.

Thuyết hỗn mang và hình học Fractal được áp dụng khoảng một thập niên trở lại đây trong các lãnh vực kinh tế (tiên đoán sự lên xuống của cổ phiếu), chính trị, những nghiên cứu về sinh vật học và y khoa, thân thể học, bệnh lý học, những hiện tượng sinh hoạt văn hóa, xã hội và nghệ thuật … Đồng thời nhìn lại khoa học cổ điển, để từ đó định giá lại những thành quả cũ. Khoa học cổ điển, tiến trình của nó đã mất tới hơn hai ngàn năm, lý thuyết hỗn mang và hình học Fractal chắc phải là một con đường rất dài. Bài viết nêu lên những nguyên tắc căn bản của thơ và hiệu ứng cánh bướm để chúng ta có thể từ đó, chuyển một bước ngoặt, nắm bắt và tìm kiếm những hiệu ứng cánh bướm cho riêng mình, bằng một thể loại thơ chạm tới đời sống, giàu tình nghệ thuật, ai cũng có thể làm và có khả năng phát hiện những tài năng. Khoa học đưa ra phương cách giải thích hiện tượng tự nhiên, nhưng bài thơ là một hiện tượng tự nhiên, như thế khi giải thích được, thì đồng thời cũng có thể áp dụng để tạo ra cách vận hành. Con đường quả đầy gai góc và thách thức, nhưng chắc chắn là một hành trình thú vị, đưa thơ tới những chân trời mới lạ, và cần sự kiên nhẫn của tất cả các nhà thơ, vì nếu thất bại, chúng ta chẳng mất gì, ngoài cái hư danh, còn nếu thành công sẽ là một thành công lớn. Và như khoa học, đến lúc phải nhìn nhận, những quan niệm về thơ của thời hiện đại đã không còn hoàn toàn đúng, ngay cả ý kiến của những bậc thầy hiện đại, bởi chúng ta đang bước vào thế kỷ khác của nền văn minh. Tân hình thức, như vậy sẽ không còn bị giới hạn trong bất cứ định nghĩa nào, nó luôn luôn như dòng sông không bao giờ ngừng lại, một ngọn lửa lúc nào cũng có thể bùng lên, trong tâm hồn của mỗi con người.

Mùa Xuân 2002

Comments are closed.