DẠY – HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (12): DẠY VẦN TIẾNG VIỆT

GS Phan Văn Giưỡng

1.Tình hình dạy vần tiếng Việt

imageVấn đề dạy vần tiếng Việt là một vấn đề cơ bản, sơ đẳng khi bắt đầu dạy hay học tiếng Việt. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy vần còn đa dạng, mỗi nơi mỗi khác. Có nơi thì vẫn “đường xưa lối cũ”, có nơi thì thầy cô giáo dạy một cách, về nhà phụ huynh dạy cách khác. Trong nhiều tài liệu hiện nay trên thị trường, vài bài học đầu đã cho học sinh đọc các vần đơn với 5 dấu giọng sắc huyền nặng hỏi ngã như con vẹt mà chẳng biết nghĩa là gì. Thực tế, trong tiếng Việt, nhiều từ (word) không có hết năm dấu và dấu kết hợp với từ mới có nghĩa. Hệ quả là phần lớn học sinh Việt Nam đọc chậm và viết sai nhiều lỗi chính tả sau khi đã học xong tiểu học hay ngay cả sau xong trung học.

Từ khi hình thành chữ Quốc ngữ đến nay, tiếng Việt đã có hệ thống phát âm và chữ viết tương đối hoàn chỉnh. TiếngViệt là ngôn ngữ đơn lập lại được dùng mẫu tự La Tinh để ghi âm cho nên dễ đọc và dễ viết. Ðối với học sinh, sinh viên giỏi tiếng Anh hay tiếng Pháp học tiếng Việt thì khá thuận lợi trong việc học đọc và viết. Lý do, hệ thống chữ cái tiếng Việt phần lớn tương đương với hệ thống chữ cái tiếng Anh, tiếng Pháp.

Trước khi áp dụng phương pháp mới vào việc dạy đọc vần, chúng ta xem xét đến mục tiêu của dạy đọc vần là để làm gì? Các phương pháp dạy vần từ trước đến nay và những đặc điểm của tiếng Việt về phương diện phát âm và chữ viết.

1.Mục tiêu của dạy vần

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn theo thói quen dạy vần, dạy đánh vần cho học sinh ngay từ lớp vỡ lòng. Ðây là điều căn bản khi dạy tiếng Việt cho học sinh Việt ở Việt Nam. Chương trình dạy vần trãi dài trong 126 bài trong sách “Tiếng Việt 1” (gồm 2 tập, tập1 và 2). Mục tiêu của việc dạy vần cũng đã ghi rõ trong sách giáo viên:

-“Giúp các em nắm được một cách có hệ thống các âm vị trong tiếng Việt (nguyên âm, phụ âm, thanh điệu), nắm được các dạng chữ ghi âm: a, b, c. . .các dấu ghi thanh (dấu giọng) một cách có hệ thống, thuộc bảng chữ cái tiếng Việt.

-Giúp các em biết ghép âm thành vần, nắm được vị trí các âm trong vần: biết ghép các phụ âm đầu với vần tạo thành tiếng, đọc và viết các tiếng đó.

-Giúp các em biết đọc đúng chính âm, viết đúng chính tả các âm và vần, biết đọc các từ, câu, đoạn văn, thơ trong bài học.

-Rèn luyện kĩ năng đọc và viết cho học sinh”.

Những mục tiêu vừa nêu trên có tính cách rộng lớn, vừa tập đọc và tập viết từ âm tiết đến ngữ thể (toàn bài văn).

Ở giai đoạn đầu học tiếng Việt, mục tiêu dạy đọc vần chỉ nhắm đến đọc đúng và viết đúng âm, âm tiết và từ.

Do đó, khi học viên đã đọc được, viết được từ rồi thì không cần phải trở lại đọc vần nữa.

Vậy, giáo viên nên áp dụng phương pháp nào giúp học sinh đọc được nhanh, sẽ là phương pháp có hiệu quả nhất.

III. Phương pháp dạy vần tiếng Việt

1.Các phương pháp dạy vần từ trước đến nay:

Từ trước đến nay, việc dạy đọc vần tiếng Việt quả thật đa dạng. Mỗi thế hệ người Việt ở Việt Nam được dạy đọc vần khác nhau. Phần lớn chú trọng đến cách đọc vần và từ. Ở gian đoạn đầu phát triển chữ Quốc Ngữ, người ta đã dùng từ “đánh vần” để dạy đọc vần tiếng Việt như cách 1 đọc vần sau đây. Cách dạy đánh vần nầy đã kéo dài một thời gian khá lâu cho đến thập niên 60.

Trước khi bàn đến các phương pháp dạy vần, chúng ta cần ghi nhận 4 cách đọc vần có từ trước đến nay để khỏi nhầm lẫn với phương pháp:

Ví dụ đọc vần từ bán

Cách 1: bờ a ba a nờ an là ban sắc bán

Cách 2: a nờ an, bờ an ban sắc bán

Cách 3: bờ an ban sắc bán

Cách 4: bờ án bán

Hiện nay, cách thứ 3 đang là phổ biến ở Việt Nam. Tuy cách nầy có điều không hợp lý trên phương diện nguyên tắc ngữ học: từ huyền là tên gọi của dấu huyền, chứ không phải là âm. Trong khi đó, các âm bờ, an là âm. Mặc dầu vậy, việc đọc vần theo 3 bước đã trở thành phổ biến và đã trở thành thói quen và được chính thức cộng nhận ở trong sách tiếng Việt ở Việt Nam.

Ðối với người lớn ở các nước nói tiếng Anh, cách thứ 4 đúng nguyên tắc ngữ học, có hiệu quả nhanh đọc được nhiều từ cùng một lúc. Vì khi học viên đã đọc được vần á (có dấu sắc), thì những từ khác có âm á, học viên sẽ đọc được hết, không cần phải trở lại phân tích nữa (ví dụ như từ lá, má, đá. .. và tương tự những trường hợp các vần khác).

Còn một số giáo viên và phụ huynh thuộc thế hệ lớn tuổi vẫn còn áp dụng cách đọc 1 và 2. Ðây là vấn để trở ngại cho học sinh: ở lớp thầy cô dạy khác với phụ huynh giúp học sinh học ở nhà như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, khi nói đến phương pháp, chúng ta có thể tóm tắt 2 phương pháp dạy vần được áp dụng thịnh hành ở Việt Nam cũng như ở các nước khác ngoài Việt Nam như sau:

1.a) Phương pháp trực quan:

Dựa vào đặc điểm tâm lý trẻ, trẻ nhận biết sự vật một cách trực giác bằng ngũ giác quan, hình ảnh, âm thanh sinh động. Phương pháp nầy thường dùng hình ảnh hay đồ vật thể hiện từ mà trong đó có âm và âm tiết muốn dạy.

Cách dạy:

Ví dụ1: dạy vần a và dấu sắc ( á ).

-học sinh xem cái ca và con cá.

-học sinh nghe giáo viên đọc từ ca và cá và âm a, âm á.

-học sinh đọc lại theo giáo viên,

-học sinh chép lại âm a, á và từ ca, cá.

1.b) Phương pháp phân tích và tổng hợp:

Phương pháp nầy dựa vào cấu trúc của âm tiết và từ. Khi dạy bắt đầu bằng tổng hợp, giới thiệu từ, rồi đến phân tích tức là tách các yếu tố từ (từ tố) để dạy âm và âm tiết (kể cả dấu giọng).

Cách dạy:

Ví dụ 2: dạy vần oa và dấu huyền

-Từ khoá là hoà                                                                     oa

-Học sinh đọc từ hoà                                                 h                   huyền= hoà

-Tách từ hoa thành h và oa                                                   hoa

-Học sinh đọc vần oa bằng o-a=oa

-Học sinh đọc hờ oa, huyền=hoà

2.Áp dụng phương pháp mới dạy vần tiếng Việt

Áp dụng phương pháp mới tức là phương pháp giao tiếp để dạy vần tiếng Việt. Theo phương pháp giao tiếp khi dạy tiếng Việt là dạy cho học viên dùng tiếng Việt trước, rồi sau đó mới phân tích, tổng hợp các yếu tố cấu tạo ngữ âm, ngữ pháp (âm, âm tiết, từ và câu). Sự phân tích và tổng hợp được thực hiện bằng những bài tập làm quen với các yếu tố ngữ pháp, sau đó, học viên áp dụng những hiểu biết có được vào trong việc dùng tiếng Việt để giao tiếp.

Khi áp dụng phương pháp giao tiếp, giáo viên phải áp dụng nguyên tắc trực quan. Và dựa vào ưu điểm của cấu trúc từ tiếng Việt, chúng ta áp dụng phương pháp phân tích và tổng hợp. Tuy nhiên, phương pháp trực quan cần phải đưa vào thực dụng (dùng tiếng Việt để giao tiếp) và phương pháp tổng hợp phân tích không dừng lại ở sự hiểu biết mà cần thêm ứng dụng vào trong các trường hợp dùng giao tiếp.

Áp dụng phương pháp giao tiếp dạy vần a và dấu sắc:

-học sinh xem hình con cá (một con hoặc hai con)

-học sinh trả lời câu hỏi của giáo viên “Em nào biết đây là con gì?”, “Em nào thích ăn cá?”, “Con cá nầy to hay nhỏ?”…(giáo viên giúp học sinh trả lời đúng những câu hỏi nầy)

-từng hai học sinh hỏi và trả lời những câu hỏi vừa rồi (hoạt động dùng tiếng Việt).

-học sinh đọc từ cá (giáo viên viết lên bảng từ cá hoặc thêm từ cá vào dưới hình con cá)

-học sinh đọc cờ a ca sắc cá (theo cách đọc vần 3) hoặc cờ á cá (theo cách 4).

-học sinh làm bài tập như tập đồ/viết âm a và thêm dấu sắc vào các từ có vần a nhưng chưa có dấu: vídụ như la ….lá, ma…..má, ca….cá (các bài tập ngữ âm, ngữ pháp).

-học sinh dùng những từ lá hay má vào trong các câu nói hay viết như lá cam, lá nho. .

1.Hệ thống phát âm và vần tiếng Việt

Tiếng Việt bao gồm hệ thống tiếng nói và hệ thống chữ viết. Ðiểm đặc biệt sự liên hệ khá chặt chẻ giữa tiếng nói và chữ viết: mỗi âm được ghi bằng một chữ và mỗi chữ chỉ có một cách phát âm. Do đó việc dạy đọc vần rất thuận lợi. Hơn nữa, tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập có 6 thanh điệu (dấu giọng). Về phương diện phát âm, mỗi âm tiết gắn với một thanh điệu.

Ðể giúp vào việc dạy đọc vần, chúng cũng cần biết rõ cấu tạo từ đơn, hệ thống âm, vần và chữ cái tiếng Việt.

1.Cách cấu tạo từ đơn:

CẤU TẠO TỪ ÐƠN TIẾNG VIỆT (The structural formations of single Vietnamese words)

Cách cấu tạo

Ví dụ

1.Nguyên âm đơn/ghép+dấu

Ô!, Ai, Áo. . .

2.(Nguyên âm đơn/ghép+dấu)+phụ âm

ăn, uống, ông. . .

3.Phụ âm+(nguyên âm đơn/ghép+dấu)

da, hỏi, cười. . .

4.Phụ âm+(nguyên âm đơn/ghép+dấu)+phụ âm

cơm, thương, không, nguyễn. .

2.Hệ thống chữ cái tiếng Việt: Tiếng Việt có 29 chữ cái, gồm có 12 nguyên âm và 17 phụ âm. Khi dạy ở lớp nhỏ, giáo không nên gọi phân biệt nguyên âm và phụ âm mà chỉ cần gọi là âm, ví dụ như gọi âm a, âm bờ.

              a          ă          â        b          c          d            đ

                  e          ê          g        h          i           k            l

                  m         n          o        ô          ơ          p            q

                  r          s           t        u          ư          v            x          y

Ngoài bảng chữ cái nầy, giáo viên cũng cần biết phân chia thành nguyên âm, phụ âm, phụ âm ghép và sự phân biệt 6 dấu giọng (xem phụ bản D cuối sách)

Hiện nay, các sách vần tiếng Việt ở Việt Nam, bảng chữ cái đều có 3 cột: một cột ghi chữ cái, một cột ghi phát âm: a, bờ, cờ. . . và môt cột ghi tên gọi: a, bê, xê. . ..

Một đặc điểm của phụ âm tiếng Việt là đều phát âm với “ờ” cả:bờ, cờ, dờ,đờ…Do đó dạy học sinh đọc phụ âm dễ dàng và nhanh.

4.Những điểm bất hợp lý trong hệ thống phát âm và vần tiếngViệt:

Mặc dù đại thể tiếng Việt chúng ta đã thành hệ thống thống nhất, tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm ngoại lệ gây khó khăn khi dạy vần tiếng Việt:

1.a) Một âm được ghi bằng nhiều chữ cái:

– âm cờ được ghi bằng 3 chữ c, k và q. Khi dạy, c đọc cờ, k đọc ca và q đọc cu. Ðặc biệt âm q không bao giờ đứng một mình mà luôn đi với u thành qu đọc là quờ.

-âm i có i ngắn và y dài

1.b) Trường hợp ngược lại là hai chữ chỉ đọc một âm:

-chữ g và gh đọc là gờ. Ðể phân biệt, giáo viên đọc gờ đơn (g) và gờ kép (gh). Tương tự với chữ ng (ngờ đơn) và ngh (ngờ kép).

1.c) Trường hợp chữ d và gi: mặc dù thực chất hai chữ nầy phát âm khác nhau như

trong từ gia đình và da mặt, nhưng học sinh thường lẫn lộn (đặc biệt phát âm theo giọng miền Nam). Ðể phân biệt, giáo viên đọc d là dờ và gi đọc là di.

1.d) Trường hợp vần gi, ghép với các vần iêng, iếc thì bỏ bớt i.

2.Kết luận

Như chúng ta vừa thấy vấn đề dạy vần đã diễn tiến qua nhiều gian đoạn phát triển tiếng Việt khác nhau. Tuy đã có nhiều phương pháp dạy khác nhau, nhưng tựu trung việc dạy vần tiếng Việt giúp người học đọc được tiếng Việt trong một thời gian ngắn.

Dù vậy, việc dạy vần cần thay đổi phương pháp cho phù hợp với tâm lý, nhu cầu học sinh trong hoàn cảnh xã hội mới.

GS.Phan Văn Giưỡng OAM, nguyên chủ nhiệm chương trình Ngôn ngữ, Văn chương và Văn hoá Việt Nam tại Viện Đại học Victoria, điều hợp viên tổng quát chương trình tiếng Việt trường Ngôn ngữ Victoria, chủ tịch ban soạn thảo và chấm thi VCE Bộ Giáo dục Victoria, khoa trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá học trường Đại học Hoa Sen, nguyên chủ bút tuần báo Việt Nam Thời Báo, chủ biên tạp chí văn học Việt, tác giả nhiều bộ sách giáo khoa tiếng Việt dành cho người nước ngoài từ tiểu học đến đại học, nhiều bộ từ điển Anh-Việt, Việt-Anh và hiên đang chủ nhiệm chương trình Ngôn ngữ và Văn chương Việt Nam, International Baccalaureate, UK.

D.Tài liệu tham khảo và đọc thêm

-Lê A, Lê Phương Nga, 1998: Phương pháp dạy học tiếng Việt, NXB Giáo Dục, Việt Nam.

-Nguyễn Thiện Giáp, 2006: Lược Sử Việt Ngữ học, NXB Giáo Dục, Việt Nam

-Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam, 1995: Tiếng Việt như một ngoại ngưõ, NXB Giáo Dục, Việt Nam

-Cao Xuân Hạo, 2001: Âm vị học và Tuyến tính, NXB Ðại Học Quốc Gia-Hà Nội, Việt Nam

-Nguyễn Văn Huệ, Ðinh Lê Thư, 1977: Cơ cấu Ngữ âm tiếng Việt, NXB Giáo Dục, Việt Nam

-Ðoàn Thiệt Thuật, 1977: Ngữ âm tiếng Việt, NXB Ðại Học, Hà Nội

-Huỳnh Sanh Thông, R.B.Jones, 1960: Introduction to Spoken Vietnamese, ACLS, Washington, USA

-Nguyễn Tài Cẩn, 1995: Giáo trình lịch sử Ngữ âm tiếng Việt, NXB Giáo Dục, Hà Nội, Việt Nam

-Nguyễn Minh Thuyết, 2007: Tiếng Việt 1, NXB Giáo Dục, Việt Nam

-Phan Văn Giưỡng, 2010: Sổ tay Giảng Dạy Tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai (từ lý thuyết đến thực hành), Văn hoá Sài Gòn.

-Phan Văn Giưỡng, 2008: Compact Vietnamese Dictionary, Tuttle, USA.

http://khoahocnet.com/2014/12/05/gs-phan-van-giuõng-day-van-tieng-viet/

Comments are closed.