DẠY-HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (16): NHỚ LẠI CHUYỆN DẠY VĂN TRƯỚC 1975

(Trích Ký ức sơ sài)

Nguyễn Khiêm

2.

Suốt khóa học, chúng tôi thực tập từ năm thứ hai tại các trường trung học Sài Gòn, nhiều nhất tại trường kiểu mẫu Thủ Đức. Nếu tôi nhớ không lầm thì mỗi người dạy đâu chưa tới mươi lần. Chúng tôi không đến nỗi tuân thủ năm bước lên lớp nghiêm ngặt như thời sau này, bài soạn, tức giáo án,  không cần phải đưa thầy “duyệt”. Giáo án, chao ôi, tôi khiếp nó quá (nội từ giáo án thôi đã thấy nghiêm trọng rồi,  nói bài soạn bộ chưa đủ nghĩa sao? Cũng như em chọn “phương án” nào thay vì câu trả lời nào, chắc nói phương án nghe oai hơn, hay chữ hơn) . Năm 1980, tôi về dạy tại một trường trung học chuyên nghiệp, tôi mất “lao động tiên tiến”, chết lên chết xuống vì nó, ông tổ trưởng ngữ văn người Bắc, hình như là bộ đội chuyển ngành, luôn tổ chức thi “giáo án tốt”, soạn năm bảy trang với đủ thứ câu hỏi, ghi rõ cả câu trả lời của học sinh (dự kiến!) mũi tên chỉ qua chỉ lại, dạy theo đó phải mất ít ra gấp đôi số giờ qui định, tôi thắc mắc thì ông bảo thi soạn giáo án tốt là một hoạt động khác, không phải để áp dụng 100% khi dạy. Tôi ngờ chuyện này là sáng kiến riêng của ông tổ trưởng chứ làm gì mà thi đua kiểu kỳ cục, cốt hành hạ giáo viên chứ ích gì đâu, nhất là nội dung những giáo án đó được chép từ sách hướng dẫn giảng dạy, có ai dám dạy cái gì khác. Chỉ cần làm tới chức… tổ trưởng thôi đã có thể quay thiên hạ như dế rồi, hèn gì chen nhau dẫm đạp bòn kiếm, dù một chức quèn, đã từ bao giờ là một nếp “văn hoá” điển hình của xã hội toàn trị luôn tự hào là tiến bộ.

Quả thật, khác nhau lắm. Ngày trước, trong thời gian thực tập, chúng tôi cũng chỉ cần viết một plan détaillé cho riêng mình, nhiều khi soạn một đường vào lớp dạy một nẻo theo ý tưởng mới nảy sinh. Xong đâu đó, giáo sư hướng dẫn mới chỉ ra những điểm hay  dở, một cách nhẹ nhàng. Cho nên được đi thực tập, ai cũng vui vẻ, hào hứng. Sách giáo khoa thì có cả mấy chục tác giả, chẳng phải pháp lệnh pháp liếc gì cả, ai muốn dùng sách của ai tùy ý, chẳng qua đó chỉ là những độc bản mà thôi. Kiểu dạy xem ra lỏng lẻo nhưng có vẻ như bắt nguồn từ phương pháp giáo dục mở ngay từ bậc trung học, thầy chỉ chú ý xây nền cho chắc, còn lại chỉ cốt làm sao tạo hứng thú cho học sinh tự học chớ chuyện kiến thức mênh mông, biết dạy thế nào cho đủ với thời lượng có hạn. Trong những năm đầu chia cắt, giáo dục miền Nam rập khuôn kiểu Pháp vẫn bị chê là thi cử nặng nề nhưng cứ so với ngày nay, sau bao nhiêu lần cải cách, lạ chớ, thi cử và bằng cấp còn nặng hơn ngàn cân. Chưa nói giáo dục kiểu thực dân đó đã gián tiếp đào tạo cho giai đoạn văn học VN 39-45 một lớp thi sĩ, văn sĩ đông đảo và tài năng chưa từng có. Tôi từng nghe một nhà thơ miền Bắc chỉ ra nền văn học hiện thực cũng đào tạo một lớp văn nghệ sĩ đông đảo và tài năng, ông còn bảo thơ tình Xuân Diệu sau 1954 vẫn hay chẳng kém gì tiền chiến. Muốn nói gì thì nói, tôi chỉ thấy quả họ đông đảo, sáng tác được nhiều thơ và viết được sách dày cuộm nhưng giá trị tới đâu thì e chẳng cần phải đợi lâu mới biết.

Một hôm, tôi dạy bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm tại trường nữ trung học Lê Văn Duyệt Gia Định (Một mai, một cuốc, một cần câu…), tôi có nói với học sinh sự tiến triển của câu thơ Nôm, về hình thức, từ Trê Cóc, Lục súc Tranh công…đến  Nguyễn Bỉnh Khiêm là cả một bước tiến dài. Câu thơ chữ Nôm đã nhẹ nhàng, trong sáng lắm, so với ngày nay cũng không khác bao nhiêu. Cuối giờ, để “củng cố” bài dạy, tôi hỏi ý kiến cả lớp, một nữ sinh  nói rằng cô thấy thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều chỗ tứ thơ dễ dãi, lời hơi ngô nghê. Tôi nói phải trả những bài thơ đó vào thời điểm sáng tác cách nay đã năm sáu thế kỷ để đánh giá, đừng so sánh với thơ bây giờ theo từng lời từng ý. Tôi nghĩ bụng chắc cô này cũng con nhà nòi văn chương thơ phú. Cao hứng và coi bộ dư giờ, tôi liền đọc cho cả lớp nghe mấy câu thơ của một tác giả trẻ vừa đăng báo Văn của Trần Phong Giao.

Hiền sĩ đọc thơ bên lều cỏ

Tôi đọc thơ giữa chốn ba quân

Cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ

Huống hồ trên dưới mấy trăm năm

Hiền sĩ có trăng treo ngoài ngõ

Để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn

Tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ

Máng đầu giường chạm gió kêu khan

Hiền sĩ có cây già tựa gối

Có chim ngàn ở ẩn chia vui

Tôi có gì đâu ngoài nón trận

Tránh đạn bom nhờ chút hên xui

Hiền sĩ nhẹ tênh đường danh lợi

Tôi ngược xuôi mòn nẻo phù sinh

Đôi khi cũng muốn như người trước

Xem đời như một giấc mơ tan

Chinh Yên- Ứng chiến, Đọc thơ

Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tôi nói đoạn thơ đó chỉ có “chốn ba quân” có vẻ cổ, ngoài ra làm sao bắt người xưa nói theo kiểu như “ngắm nghía đỡ buồn”, “nhờ chút hên xui”, “mòn nẻo phù sinh”….Cả lớp cười nhưng tôi không kịp thấy thầy Lưu Khôn phản ứng ra sao, tôi hơi lo vì mình “liên hệ” hơi xa. Nhưng lúc lên xe trở về, thầy nói “Anh dạy được”. Một chuyện về sách vở, giảng dạy, tôi chưa quên. Cùng thời điểm này, tôi được dạy giờ tại trường trung học tư thục Thánh Mẫu, Gia Định của linh mục Nẫm, (tôi quên họ của cha). Chỉ là sinh viên, tôi được xếp dạy lớp Đê Thất, Đệ Lục. Một hôm, tôi chép lên bảng  bài văn xuôi mình được học từ năm lớp Đệ Thất, nguyên văn… theo trí nhớ như sau:

NHÀNH LÚA MỚI

Tôi tới một miền quê kề bên trận địa vào một buổi chiều hoe nắng.

Ở đây, cánh đồng loáng nước nằm dài, vắng bóng người nông dân cần mẫn. Nhìn vào thôn xóm, không thấy một  bóng người, khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm. Qua một đêm ngủ đỗ, sáng hôm sau, tôi trở dậy lên đường. Trong ánh nắng ban mai, đố ai biết có gì đổi khác? Nhìn vào thôn xóm, vẫn không một bóng người, vẫn khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm nhưng dải đồng loáng nước chiều qua đã xanh rì ngọn mạ. Tôi nghĩ đến bóng trăng đêm trước, đến những đoàn người lũ lượt trở về đây, đến những bàn tay mềm mại cấy từng hàng mạ trên dải đồng rộng mênh mông.Trong lúc chiến tranh cứ tiếp tục gieo rắc tang tóc và đổ nát, trong lúc bom đạn cứ tơi bời trên khắp đô thành và làng mạc, thì ở đây, người nông dân Việt nam vẫn thản nhiên gieo nguồn sống.

Nhành lúa mới như một tuổi xuân vùng trỗi dậy, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc.

Vô Danh

Lúc đó cha Nẫm đi ngoài hành lang, cha nhìn bảng đen, dừng lại đọc chừng mấy giây rồi đi về văn phòng. Giờ ra chơi, cha ghé phòng giáo sư ngồi nói chuyện với vài vị khác (hồi đó gọi thầy dạy bật trung học là giáo sư trung học), làm như luôn tiện, cha tế nhị hỏi tôi bài dạy đó ở đâu, sao lại tác giả Vô Danh. Tôi  trả lời bài đó tôi được học từ nhỏ, có trong sách giáo khoa, còn Vô Danh, theo ý tôi, chắc là người sao lục tránh nêu tên tác giả miền Bắc chăng, có lẽ bài hay nên họ cứ trích cho học. Cha Hiệu trưởng gật đầu, không nói gì thêm. Tôi nghĩ mình cũng đa sự, dạy bài đó làm gì để cha bận tâm, có khi năm tới không được mời dạy tiếp. Thế nhưng không, trước hè, cha giao cho tôi thời khóa biểu  lớp cao hơn và nhiều giờ hơn. Tôi dạy ở đó cho tới lúc ra trường Sư phạm, phải rời Sài Gòn về dạy trường trung học Nguyễn Trung Trực Rạch Giá. Tôi vào từ giả linh mục Nẫm, dẫn Đào Hiếu theo giới thiệu để anh thế chỗ. Hình như Đào Hiếu cũng không dạy được lâu, vì anh bị bắt trong vụ Huỳnh Tấn Mẫm chứ không phải tại nhà trường từ chối. Trở lại chuyện bài văn xuôi nói trên, vì giá trị nghệ thuật cao của nó, (lời văn bóng bẩy, từ láy gợi hình, câu suôn sẻ đầy nhạc điệu, ý hàm súc, tình yêu nước bày tỏ cách kín đáo nhưng thiết tha, đoạn kết so sánh tuyệt vời…) nên tôi nhớ nó suốt đời. Tâm hồn trẻ thơ thế hệ chúng tôi được dưỡng nuôi bằng những bài văn như vậy, văn xuôi của Xuân Diệu (Phấn thông vàng, Trường ca), của Đinh Gia Trinh (Hoa súng, Một cảnh chùa…), đoạn tả buổi sáng mùa xuân tràn nắng mới của Bùi Hiển trong cuốn Nằm vạ là  một đoạn tuyệt bút. Không cần gì nội dung phải thiết thực, phải “gắn liền” với cái này cái nọ. Chỉ cần văn hay, lời đẹp để nuôi dưỡng mỹ cảm nơi trẻ thơ, rèn luyện trực giác nơi tâm hồn chúng. Một nhà phê bình văn học có nói cái hay, cái đẹp cũng chính là cái tốt và đạo đức đó thôi. Chúng tôi cũng đã học văn xuôi của  nhiều tác giả khác  phần lớn đều ở lại đất Bắc, người ta không nề hà gì mà không sao lục cho học sinh học. Sau này, tôi có dịp hỏi mấy anh chị giáo viên người Bắc dạy cùng trường về tác giả bài văn trên nhưng không ai biết. Càng ngạc nhiên hơn khi họ chưa hề đọc qua những bài chúng tôi đã học. Sách ngữ pháp thì đồ sộ mà dẫn chứng toàn danh ngôn của các lãnh tụ chính trị, còn văn thơ minh họa phần nhiều là dở,(ngoại trừ ông Cao Xuân Hạo, khi phải minh họa các qui tắc ngữ pháp, bao giờ ông cũng dẫn lời nói phổ biến nhất trong dân gian). Tôi có dịp hỏi  học sinh chọn giỏi văn lớp 5 của thành phố thử cho biết bài thơ bài văn nào em thấy hay nhất và đã thuộc lòng, kết quả là không. Các em đã không nhớ bài nào trong sách giáo khoa. Buồn chưa! (trong khi phải học thuộc lòng các bài văn mẫu kinh hoàng soạn cẩu thả tràn ngập trong mấy quyển Tập làm văn – có dịp tôi xin “khảo sát” vài bài  để quí bạn đọc chơi). Một chuyện oái oăm dạy cho tôi bài học đích đáng về việc “tìm tòi” trong giảng dạy. Tìm tòi là cái nói cho có, tức nói láo. Dại mà tin thì bỏ mạng. Tôi vốn phụ trách phần giáo trình hướng dẫn giáo sinh dạy bài tác văn cho học sinh tiểu học. Dạy phần này đỡ lắm, khỏi giảng văn theo sách quá máy móc chặt chẽ, nhưng rồi cũng có chuyện. Một hôm, tôi đem bài văn xuôi trên ra minh họa về cách dàn ý bài văn theo trình tự thời gian, tôi đọc qua theo trí nhớ để dẫn chứng. Tôi tưởng vậy là ngon lành, ít nhất tiết dạy cũng “đạt yêu cầu”, nhưng không, người ta đem bài dạy ra mổ xẻ, hỏi tôi  bài trích ở đâu, tác giả là ai (vô phước cho tôi, tác giả thì…vô danh, trích thì từ trí nhớ!) Nhờ  nội dung “tích cực” của nó nên tôi được bỏ qua nhưng khuyến cáo không bao giờ được trích dẫn cái gì không minh bạch, không nguồn gốc, nhất là không được dạy cái gì ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo. Người ta bảo thiếu gì bài trong sách hướng dẫn giảng dạy mà phải tìm ở đâu cho xa xôi để d ẫn chứng(!)

Tôi ngồi thẫn thờ nghe góp ý, buồn bã ngó ra ngoài tìm một chút thiên nhiên. Đầu mùa mưa miền Nam, gió mang theo hơi nước thổi tung những  trái dầu cánh mỏng bay lao xao, rộn rã như đám chuồn chuồn, những cơn nắng nồng khô mỏi mệt bắt đầu tắt dần trong gió mát khiến lòng ta len lỏi một chút gì thanh thản. Bông điệp cánh vàng tàn úa rụng đầy một góc sân, nơi bầy sẻ đang nhảy nhót ríu rít; đàn én chao liệng rộn ràng quanh mấy chiếc tổ bên hông lầu cao hội trường. Nhìn lên nóc chuông nhà nguyện, thấy lũ dơi bắt đầu bay  loạn trời chiều, tự nhiên nhớ tới cha Nẫm ngày trước, lòng bỗng rưng rưng. Chiều đó ra về, ghé bệnh viện nhi đồng (xưa là Grall) thăm con trai tôi đang bị bệnh phổi ngặt nghèo. Đứng dưới mái hiên bệnh viện, nhìn mưa rơi trắng xóa trên hàng cây cổ thụ. Mưa như xưa xối khôn cầm, réo um gió bạt nhòe câm bóng hình (Thanh Tâm Tuyền). Tôi cay đắng nhận ra mình yếu hèn cùng tận, khiếp sợ cuộc đời quá đáng, yếu đuối trong xử thế, bất lực trong mưu sinh, không dám bắt chước bạn bè ra chợ trời bán thuốc tây, bỏ mối café, làm kem đánh răng bạc hà, dầu gội đầu bồ kết (láo)…

Nghĩ lại và so sánh, không thể không thừa nhận văn học, giáo dục ngày trước có cái gì phóng khoáng, thoải mái lắm. Hiệu trưởng chỉ là người phụ trách về hành chánh, không có quyền gì về chuyên môn, không bao giờ được can thiệp vào việc dạy của người khác, muốn vào lớp nói gì với học sinh phải xin phép người đang dạy, không được quyền “dự giờ” ai hết, quyền hành còn thua xa ông tổ trưởng chuyên môn thời nay. Trường Đại hoc Sư phạm chịu trách nhiệm hoàn toàn về năng lực người thầy. Họ đã cho thi tuyển (năm tôi thi, hình như gần ngàn thí sinh, lấy đậu ba bốn chục), kiểm tra hằng năm, cuối cùng là kỳ thi tốt nghiệp. Tự tin vào chương trình, lịch trình đào tạo của mình, tin vào người thầy mình đã rèn luyện, không việc gì phải kiểm tra lại, cũng không nhờ ông nào bà nào ở trường phổ thông kiểm tra, kiểm soát hộ. Đó thiết thực là tôn trọng thầy. Người thầy hoàn toàn độc lập trong giảng dạy, không hề bị bất cứ thứ stress nào từ người quản lý. Học sinh đậu Tú Tài bao nhiêu, nhiều ít là do năm này năm khác, lớp giỏi lớp dở, thầy không bị qui trách, không nghe nói từ “thành tích” bao giờ. Dạy dở thì…trường tư không mời dạy, rán chịu. Chữ nghĩa cũng là thị trường tự do, không có định hướng gì hết. Không có chuyện ông thầy năm nào cũng chiến sĩ thi đua nhưng học sinh xầm xì thầy dạy chỉ đọc chép, buồn ngủ muốn chết.  Không nói nhưng người ta làm, người ta hành xử cách nào để thầy được tôn trọng đúng mức. Không bao giờ có cái trò tổ chức dự giờ bất nhơn như sau này. Dự giờ là một trong những hoạt động tai hại chỉ tổ làm hạ giá tư cách giáo viên, theo suy nghĩ và quan sát chủ quan của tôi. Học sinh lớp một cũng dư nhận ra những chuẩn bị, sắp đặt thiếu ngay thật  của thầy cô. Dần dần trẻ em từ lớp một tới học sinh cấp ba thấy chuyện đó tự nhiên như lửa thì phải nóng vậy thôi. Đoàn dự giờ vừa ra khỏi lớp, thầy trò nhìn nhau cười như đồng lõa, thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát nạn và đạt thắng lợi. Không gì tàn phá con người bằng quen thân với dối trá. Ai ơi, nỡ lòng nào “xây dựng cơ ngơi trên sự tàn phá con người”(Lữ Phương). Nói dự giờ để giúp nhau tiến bộ e chỉ là mục đích cao đẹp, chưa bao giờ đạt được, và không bao giờ đạt được. Nói dự giờ để đánh giá năng lực giáo viên e cũng  lầm lẫn, đâu cần nhiêu khê như vậy mới biết khả năng thầy. Cứ hỏi học sinh thôi là đủ. Một vài em còn nói sai chứ bốn năm chục em thì không thể nghi ngờ. Tôi đã hơn một lần nghe ông tổ trưởng trường trung học chuyên nghiệp nói trên bảo, một tiết dạy, ông có thể đánh giá dạy tốt với đầy đủ dẫn chứng, và ngược lại, cũng tiết đó, ông đánh giá tiết dạy yếu cũng đầy đủ chứng cớ! Xét giáo án thầy, kiểm tra chuyên môn thầy, dự giờ thầy… dần dần tạo nên hình ảnh ông thầy thật thảm hại dưới mắt học sinh. Thảm hại không kém gì đói cơm rách áo. Triển lãm thời bao cấp, chế nhạo thời bao cấp, cười cợt thời bao cấp, bảo đó là những kinh nghiệm đắng cay, tiếc mãi cho một thời mù quáng, sao chưa một lần nhìn lại xem ích lợi tới đâu của việc dự giờ thường trực, tràn lan. Đọc báo thấy nói ông bộ trưởng, ông giám đốc không thể đến chỗ này chỗ kia vì đang bận dự giờ, tôi không khỏi nén một tiếng thở dài.

………………………………………..

3.

Thời gian học văn khoa nhàn nhã tôi lang thang tìm chỗ dạy. Sài Gòn đầu những năm 60 còn là một rừng cây êm ả. Những buổi trưa tan trường Đức Tin số 6 Mạc Đỉnh Chi, đi dưới tàng cây dầu nghe tiếng cu gáy râm ran tưởng như tiếng chim gáy chốn quê nhà ngày cũ. Đường Phùng Khắc Khoan kế bên với hai hàng me tơ lá già xanh sẫm, lá non màu đọt chuối chen nhau từng mảng, lâu lâu mới có chiếc taxi hai màu xanh trắng chạy qua, con đường lại trở về tĩnh lặng , gần như không một bóng người. Con chim sâu màu vàng nghệ treo ngược đung đưa dưới cành lá thanh mảnh tìm mồi, thỉnh thoảng buông tiếng hót dài vi…i…xào…ào…nghe ra một điệu buồn kêu than vì cuộc mưu sinh vất vả.

Ôi, những hàng me Sài Gòn của ông Bình Nguyên Lộc:

Me đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh mơn mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như hòn non bộ dày sương dạn gió. Tàng me không thưa, không xơ rơ như tàng sầu riêng, không dày mịt như măng cụt. Vốn nó đã đẹp ngoài thiên nhiên rồi mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn thì nó lại càng đẹp hơn biết bao! Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà giao nhành rợp bóng. Những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa. Những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá me nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàng xanh sậm quyến luyến tiếng dương cầm của ai từ của sổ vọng ra.”

Hình như tôi có đọc đâu đó sau này, nhà văn SN chê cây me, cho là thứ cây thô lậu, tầm thường; trong khi ông Bình Nguyên Lộc đồng ý: “Me, cái tên nghe thô lỗ, cộc cằn, chẳng chút cao nhã như thanh tùng, anh đào” nhưng “chưa chắc thanh tùng, anh đào đẹp bằng me, nhất là me Sài Gòn.” Dường như cái gì ông BNL khen thì ông SN chê. Người ta, vốn rộng lượng với thiên hạ nhưng có lúc cũng hẹp với đồng nghiệp. Có lần tôi nghe Lê Ng Đại nguyên giáo sư trường Gia Long nói giỡn ông này che ông kia lại để lãnh phần nhu yếu phẩm! Tôi có “chủ quan” nghĩ bậy, xin hương hồn người đã khuất lượng thứ.

Văn xuôi Việt Nam, những đoạn hay tả cây cối, hoa lá có thể trích giảng cho học sinh tiểu học và cấp 2 xem ra hiếm hoi. Đoạn tả hoa súng của Đinh Gia Trinh thâm trầm sắc màu đạo đức, lời văn bóng bẩy nhưng diễn đạt cầu kỳ, đoạn tả hoa phượng của Xuân Diệu trong tập  Trường Ca lời văn lộng lẫy, âm điệu nhịp nhàng nhưng ý tưởng kém phần cụ thể; riêng đoạn này xuất sắc vì văn phong giản dị, từ láy gợi hình, phép nhân hóa sử dụng tài tình, tự nhiên. (Đọc mà nhớ Sài Gòn ngày cây cối chưa bị tàn sát hàng loạt, nhớ xe mỳ tàu Chợ Cũ thơm lừng dứới bóng me mát rượi).

Biết cái hay của đoạn văn đó, may mắn sao tôi gặp được người quen đang tham dự vào việc soạn sách giáo khoa cải cách, tôi nói với anh nên đề nghị cho trích  giảng bài đó. Gặp lại, anh nói:

– Xong rồi, sẽ có bài Những hàng me Sài gòn của Bình Nguyên Lộc.

Tôi mừng.  Chẳng dây dưa gì bài này bài nọ trong sách giáo khoa nhưng nghe thế tự nhiên tôi cũng mừng. Sách phát hành, mở ra xem, thấy chỉ có một đoạn ngắn ba bốn câu, đề bài là “Những hàng me” cụt ngũn. Trời đất, “Những hàng me” thì khác xa “Những hàng me  Sài Gòn” chứ? À ra vậy. Người ta …né chữ Sài Gòn, ghét chữ  Sài Gòn vì chữ này gợi tới một thời Sài Gòn xưa cũ chăng? Hèn gì mấy năm trước, nghe ông tường thuật đá banh cứ nói đội Cảng Thành phố Hồ Chí Minh một cách dài dòng thay vì chỉ nói Cảng Sài Gòn cho lẹ. Ông ta không biết Cảng Sài Gòn là tên riêng, Cảng Sài Gòn của thành phố Hồ Chí Minh, (nếu muốn nói đủ). Tò mò, tôi lật ra xem  mấy cuốn Tiếng Việt của bậc Tiểu học thử “cải cách” tới đâu so với sách cũ. Trước hết và dễ thấy  hơn hết là những cái bìa sách rất khác, khổ in khác, sắp xếp các chủ đề, chủ điểm cũng khác; giấy tốt hơn và giá …mắc hơn. Sách bỏ đi khái niệm từ ngữ, ngữ pháp, thay vào đó là luyện từ và câu, chắc là tránh tên gọi môn học  gây cảm giác nặng nề. Văn thơ được sao lục giảng dạy hầu hết lấy lại từ sách cũ. Tât nhiên cũng có bài mới nhưng đặc điểm chung là chia đều mỗi người một hoặc hai bài. Hình như được trích in vào sách giáo khoa là một vinh dự lớn, một quyền lợi hay chứng thực cho giá trị tác phẩm của tác giả đó chăng? Có lần tôi nói chuyện này với  Đào  Hiếu, Đào quân cười bảo thì cũng như phân phối cho công nhân viên theo tiêu chuẩn nửa ký thịt, mười ba ký gạo. Xem thử một bài học thuộc lòng trong sách Tiếng Việt lớp Ba:

Rừng cây trong nắng.

Trong ánh nắng mặt trời vàng óng, rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi tráng lệ. Những thân cây tràm vươn thẳng lên trời như những cây nến khổng lồ.  Từ trong biền lá xanh rờn, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời.  Tiếng chim không ngớt vang xa, vọng mãi lên trời cao xanh thẳm.

ĐG.

Đoạn văn trên đây nhiều khuyết điểm quá. Trước nhất là ý. Nói ánh nắng mặt trời là thừa. Nắng mà không từ mặt trời thì là gì? Nói rừng khô rất dễ hiểu lầm rừng cây khô, có lẽ nói khô ráo sẽ ổn hơn. Mà rừng khô thì có gì  uy nghi tráng lệ? Tưởng thành quách lầu đài thì mới tráng lệ uy nghi chứ? Tác giả so sánh thân cây tràm như những cây nến khổng lồ e không thích đáng. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng Xuân Diệu trong Phấn Thông Vàng chăng? (Chín mười cây cau song song vụt lên giữ ánh sáng trên đầu như những cây nến khổng lồ), nhưng có “giữ ánh sáng trên đầu” thì mới so sánh được với cây nến khổng lồ, còn ở đây, cây tràm với tán lá xanh rì  làm sao so sánh như vậy cho được? Rồi cách dụng ngữ nữa. Đoạn văn chỉ có bốn câu ngắn mà lặp đủ bốn lần từ TRỜI, câu nào cũng có trời, hai lần lên trời, hai lần mặt trời, đọc nghe vụng về, chướng tai…quá trời! Lỗi không ở nhà văn, nhà văn dù giỏi cũng có lúc sơ sót vì nhiều lý do. Lỗi thuộc người trích tuyển không cẩn trọng, không biết chỗ dở chỗ hay. Nghe nói việc đổi sách giáo khoa được tổ chức khoa học, ban bệ đàng hoàng lắm và tiền cũng nhiều lắm. Còn nhiều điều trong sách có thể nói tới, nhưng thôi, không phải chỗ. Buồn một nỗi nghe đồn sắp đổi đợt mới, tất nhiên là tiền của dân. Chữ nghĩa, giáo dục xứ này coi vậy mà mắc tợn!

Comments are closed.