Thảo luận “Văn chương để làm gì?” (7): Văn chương và tự do – những ý nghĩ rời

Nguyễn Viện

1.

Tôi không thích đồ ăn kiểu Mc Donald hay đồ ăn Tây nói chung (ngoại trừ beefsteak). Nhưng tôi thích thơ Mỹ, đặc biệt là thơ của tay chơi Charles Bukowski, bạo liệt và sỗ sàng.
Tôi rất thích món ăn Tàu hay Hàn Quốc, nhưng không thích thơ Đường và thơ Á Đông nói chung. Tuy nhiên tôi cũng thích những bài thơ Đường được dịch nghĩa (văn xuôi) hơn những bản dịch thơ.
Nói chung tôi không thích vần điệu, uốn éo hay ầu ơ ví dầu.

Cũng nói chung, đó là vấn đề quan điểm cá nhân hay khẩu vị thẩm mỹ.
Gán ghép thơ phải thế này thế kia là vớ vẩn.
“Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô” (Lưu Trọng Lư)
Chả có ý nghĩa gì, thậm chí ngớ ngẩn. Nhưng đọc xong thấy ngẩn ngơ. Thì đấy là thơ.
Những câu thơ của Vũ Lập Nhật, có thể khó hiểu và vô nghĩa với nhiều người, nhưng tôi thích vì đọc thơ cô, tôi thấy mình bị xáo trộn. Và đấy cũng là thơ.
Chán nhất là đọc thơ xong chả “gây hậu quả” gì.

2.

“Viết, trước hết là một thái độ. Tôi cho rằng sự phủ định mọi lề thói hay truyền thống được hiểu như những tự sự là một thái độ văn học tuyệt đối. Cũng có nghĩa là một thái độ sáng tạo. Sự phủ định, như thế, không mang tính kế thừa. Nó là một lát cắt về phương diện lịch sử và không thể so sánh với cái trước hoặc sau nó. Nó hóa giải mọi so sánh đồng thời xác lập sự đồng đẳng phi lịch sử.
Mặt khác, chống lại những lề thói hay tự sự đó cũng trở thành một thái độ chính trị, một thái độ lịch sử và cách mạng.
Viết, sau cùng là một phương pháp. Với người sáng tạo, chẳng có phương pháp nào là mẫu mực.
Tất cả mọi tác phẩm, mọi chủ nghĩa đều chết ngay sau khi nó hình thành.
Bước đi trên những xác chết là con đường dẫn đến sự sống.”

(Trích tiểu thuyết NHẢY MÚA ĐỂ CHẾT của Nguyễn Viện)

3.

Trải qua hàng ngàn năm cũng như đi qua nhiều nền văn minh khác nhau, hành trình đi tìm tự do của con người đến hôm nay vẫn quá gian nan.
Các thế lực đen tối luôn tìm cách nô lệ hóa con người, từ độc tài phong kiến, đến độc tài cộng sản, độc tài đảng trị, độc tài gia đình trị, độc tài phát xít, độc tài quân phiệt… và cả độc tài tôn giáo, các cuộc chiến tranh cướp bóc từ đất đai, tài nguyên đến kinh tế chính trị…
Máu và nước mắt vẫn không ngừng tuôn đổ trên thân phận con người.
Trong số những kẻ khốn khổ trên mặt đất này, người Việt Nam đã luôn sống trong bi kịch. Thậm chí là bi kịch của những bi kịch, bởi có rất nhiều người trong chúng ta không hề nhận thức được rằng mình đang sống trong nô lệ, đặc biệt về các vấn nạn chính trị, tư tưởng cũng như các thể loại văn hóa, nghệ thuật.

Comments are closed.