Thơ Đoàn Huy Giao

xẩm chợ

 

Tôi ngồi ăn cháo bột quanh những con số

khoan giếng

đục bê tông

gọt cằm

nâng ngực… phố Lý Quôc Sư

Paul Klee có ghé qua, không ăn

liếc dọc những con số đảo màu

rất khác trong tranh mình

rồi lặng lẽ như một thiền sư cởi bỏ chay tịnh

lên chuyến bay đêm còn thơm mắt ớt xanh

cọng rau ngò phố cổ.

Tôi còn mơ gì nữa?

 

Bát cháo toàn cầu hóa đủ các quan viên

anh hùng Lương Sơn Bạc ngả mũ chào thời đại thi ca

sùng bái các danh xưng

và cổ phiếu.

 

Chả trách người đi dưới mưa sa… đã thoát về trời

chén rượu trắng trong hốc mắt trắng dã

gào theo giấc điệp tàu than không kể xiết

bừng bừng thứ âm thanh rộng rãi của

một đế chế chật chội

hàng nội địa và

hàng xách tay có bảo chứng.

 

thế kỷ đánh tráo

 

Sàn diễn đã lên đèn.

Cây đàn sáu dây nâng lên ngang ngực.

Mắt ướt. Phát ra vài nốt mưa thu.

 

Phải mất nhiều cuộc mưu sát

những giọt âm sắc nhọn mới chịu

lộ nguyên hình là, cái mặt nạ –

của lưỡi lê.

 

Ùy (*) Cái mặt nạ của lưỡi lê

gầy và sang như bông thủy tiên

ấp úng dưới bóng cờ đánh tráo vào màu máu

đống xà bần học thuyết ngạo mạn.

 

Đẹp gì cánh bướm lượn qua trang thơ vị lai.

Mi lọc màu rất nhanh cho

khóa sol đổi giọng thành tiếng hót

trên rặng núi phía chiến địa, đã xanh.

 

(*) Nói theo tiếng Pháp “Oui = Vâng” hay dùng trước đây.

 

đọc rời   

 

con chim bói cá tư lự bên bờ ao

cánh hải âu thênh thang ngoài biển sóng

kệ sách cũ lim dim bên góc mờ lặng tối

những sáng thế luận phẩy tay

bao biện cả trời sao

 

ngươi còn tìm ta làm gì?

 

đá phượng hoàng

 

Nước của vực sâu

Nơi tôi phải lòng bản thân mình.(*)   

 

Dẫn độ ông chú ruột đến chân núi Phượng Hoàng

HẮN mới tìm được một cục đá ưng ý.

Cục đá rắn,

vừa nằm gọn trong nắm tay của đêm.

Y chang cục đá đặt trên cái đĩa trước ảnh thờ

thi sĩ Ngô Kha.

 

Ông chú trống rỗng như trời đêm.

 

Hai tay ông bị còng tréo ra phía sau

miệng và mắt bị cái áo đẫm mồ hôi trên người ông

HẮN lột ra thít chặt đến tối thui như địa ngục.

 

có khi nó chỉ dọa mình

như ngày nhỏ nó hay nghịch đất

bị mình dọa thả xuống ao trước nhà,

vì HẮN rất sợ nước.

 

Nước của vực sâu

Nơi tôi phải lòng bản thân mình.   

 

Lạ nhất là trong đêm tối mò

HẮN lại thấy chú mình giống con bò cái đương rỡ đực.

Một thoáng hoang dã

dòng sinh thực rỉ ra từ phía sau cái mông con bò

đổ dồn vào HẮN đỏ ngầu

hai cục than trong đêm

HẮN kìm chế đến cùng tia sáng ô nhục rần rần chạy

vào cú liếm môi rất nhanh

theo cách du thực giữa dã thú – với dã nhân

quanh đàn ruồi bay vo vo

trên chuyến bus xa lạ buồn nôn của Camus.

 

Nước của vực sâu

Nơi tôi phải lòng bản thân mình.   

 

HẮN định nói gì đó với chú

nhưng lại thôi

lỡ đâu cái tiếng bí ẩn rỉ sắt của con dao cùn

trong miệng HẮN bay tr về làng

thành vật chứng lịch sử. Thì sao?

 

Mà lịch sử mù còn đang xui ám HẮN

tập trung vào lưng ông chú

lấy hết sức bình sinh HẮN nện cục đá đúng vào gáy chú

một phát – như trời giáng.

 

Chỉ có tiếng thoát ra rất mảnh trong đỉnh điểm

của khoái lạc

cái xác đá tảng đổ gục xuống lòng khe.   

 

Có hạt sương hay vì sao gì đó vừa di chuyển

HẮN không để ý.

 

Hóa ra cái xác đổ gục

không phải là xác con bò cái rỡ đực

nếu đúng thì nó đã

rống lên một tiếng rợn trời cho hả!

 

Nước của vực sâu

Nơi tôi phải lòng bản thân mình.   

 

Kỷ nguyên này là của ai trong bóng tối?

một người còn sống

bên một người đã sống.

một người chưa biết mình có tội gì

bên một người vừa hành tội cái án

trả nợ máu cho nhân dân

như cách viết cao đạo trong biên niên sử.

 

Một người đứng.

Một người nằm.

Hai cái ma nơ canh đang rã bột thạch cao

trong điệp khúc định mệnh chua chát của già Bêtô

xập / xình / xập / xình dưới trời đêm.

 

Nước của vực sâu

     Nơi tôi phải lòng bản thân mình.

 

           (*) Francisco de Quevedo (1580 – 1645) đã chỉ cho tôi

   cách kiềm chế nỗi sợ hãi của mình.

 

 

Comments are closed.