Đợi chết mỗi ngày

Nguyễn Hoàng Văn

Ta chỉ cần một người

Cùng với ta đợi chết mỗi ngày…

(“Cười lên đi em ơi”, Lê Hựu Hà)

Tôi hoàn toàn không thích giọng điệu khinh bạc kiểu “Yêu thương gì loài người/ Ngoài những câu trau chuốt với đời” của ca khúc trên, xem ra không thật lòng lắm mà bất quá, chỉ là một kiểu rên rỉ thời thượng. Thế nhưng, ít ra là từ hai năm nay, trong cơn xáo trộn chung của toàn nhân loại khi chỉ liên tiếp nhận thiệp báo tang chứ không thấy được một cánh thiệp hồng báo hỷ, tôi lại thấy thích hai câu trên.

Mà thật, nếu có thể thanh thản “đợi chết mỗi ngày” như thế, ắt hẳn chúng ta đã sống được một cuộc đời đáng sống. Bình thản đợi chết là hiểu rõ về cái chết, như là một phần tất yếu của đời sống và, qua hai năm sống chung với… tang lễ, chúng ta đã trở nên quen thuộc, thậm chí chai lì với sự chết nhưng đã mấy ai hiểu và thanh thản với nó?

Phạm Duy, trong tác phẩm, có lẽ là người thanh thản như thế. Viết “Bé ca”, “Tâm ca”, “Đạo ca”, “Bình ca”, “Xuân ca” rồi, thậm chí, cả “Tục ca” mà không có “Lão ca”, đó đây nhạc sĩ này vẫn có những lời ca cực kỳ bình thản về những ngày đợi chết:

Này em anh đã già

Tuổi cao thiếu sức khỏe

Dù sống với trái tim cằn khô

(“Bình ca một”, Phạm Duy)

Hay, trọn vẹn hơn:

Xuân xanh em là xuân nữ tơ trinh

Sức sống em là dòng suối lung linh

Em nghiêng từ núi

Em trôi về khơi

Uốn khúc mình nõn nà tươi

Xuân xanh anh đà tóc trắng da nhăn

Sức sống anh là biển cũ mông mênh

Anh vươn từ bãi

Anh lên ngàn chơi

Thả khói lờ lững lưng trời…

(“Xuân hiền” [“Bình ca 5”], Phạm Duy)

Gọi là trọn vẹn vì sự sống, qua hai hình tượng ấy, được thể hiện như một chu kỳ tuần hoàn với tuổi trẻ tràn trề sinh khí từ suối thành sông để ra biển và tuổi già từ biển lên ngàn thả khói lững lờ. Nếu sự sống tràn trề sức trẻ ở đây được diễn tả là suối là sông thì, trong Return to the Blue Lagoon, chỉ ở một chi tiết nhỏ, Đạo diễn William A. Graham đã đặt nó trong hình ảnh của dòng… kinh nguyệt.

Đó là hai mẹ con cùng một đứa trẻ mồ côi bị vứt bỏ trên hòn đảo giữa Nam Thái Bình Dương và, sau nhiều năm sống tách biệt với nhân loại, người mẹ lo lắng cho ngày ra đi của mình khi hai đứa trẻ đang lớn lên từng ngày chưa hề có một ý niệm nào về lẽ sinh tử. Nhưng người mẹ còn lo lắng cho cái ngày, sau khi mình nhắm mắt xuôi tay, cô con gái sắp trở thành thiếu nữ sẽ bất ngờ, sẽ hoảng loạn khi chứng kiến dòng kinh nguyệt đầu tiên. Băn khoăn cho dòng sống sẽ kết thúc của mình, bà còn lo lắng cái ngày một dòng chảy ẩn chứa những mầm sống mới mở ra với con gái mình cùng với những xốn xang, những xúc cảm mới, rạo rực và dạt dào.

Nếu những lời trăng trối của bà mẹ trong những ngày chờ chết là bài học cho con thì Tố Hữu — khi “chờ chết” vào cái tuổi 20 “tim đang dào dạt máu” — lại “trăng trối” như những tuyên ngôn chiến sĩ:

Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng

Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng

Bài thơ viết tại Lao Bảo vào tháng 11 năm 1940 “trong những ngày tuyệt thực” và Tố Hữu, trong thơ, đã xem cái chết nhẹ nhàng như là cơn gió thoảng qua. Hơn nửa thế kỷ sau đó, sau những thay đổi trên xứ sở “hiển hiện Lênin phơi phới diệu kỳ” từng tin tưởng là thiên đường, nhà thơ lại trải qua những ngày tháng cuối đời không hề nhẹ nhàng:

Mới bình minh đó, đã hoàng hôn

Đang nụ cười tươi, bỗng lệ tuôn

Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy

Khuấy động lòng ta biết mấy buồn!

[..]

Còn khổ đau nào đau khổ hơn

Trái tim tự xát muối cô đơn

(“Một tiếng đờn!”)

Có chết trong tuổi 20 hực lửa, dù trong điều kiện khắc nghiệt của nhà tù thực dân, có lẽ nhà thơ đã chết một cách thanh thản, như một chiến sĩ cách mạng vẫn còn toàn tâm tin vào lý tưởng đã chọn, không đau đớn như một nhà chính trị mưu mô từng đầy quyền uy nhưng hoàn toàn bất lực trước thay đổi của thời cuộc và sự xuống giá của lý tưởng. Đó cũng là cảnh chờ chết của nhà chính trị đầy quyền uy Lê Đức Thọ vào năm 1990, khi thều thào trên giường bệnh với cựu phụ tá của mình, vừa từ Liên Xô trở về, rằng “đã biết hết rồi”, rằng phải nói ra sự thật “dù đó là sự thật đau lòng”. [*]

Đau đớn thì cũng đành nhưng người thân và người sùng bái cũng có thể tạm an ủi rằng, ít ra, dù vật vã đớn đau, những nhà chính trị bạc đầu này cũng chỉ đợi chết trên giường bệnh, không lâm vào cái cảnh thảm khốc và đầy kịch tích như Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi khi phải đợi chết trong lỗ cống. Hai nhà chính trị từng rất mưu mô và quyền uy với tầm cỡ quốc tế, đã từng đầu tư rất nhiều để bất tử hóa tên tuổi mình bằng cả bia đá và bia miệng, nhưng cuối cùng đều kết thúc sự nghiệp trong lỗ cống, lỗ cống của cuộc đời và lỗ cống của lịch sử.

Có nhìn lại những ngày cuối cùng của nhà chính trị ngày hôm qua này chúng ta mới thấy tội nghiệp cho những nhà chính trị hôm nay, dù đã bạc đầu rồi mà vẫn cuống cuồng với những tham vọng quyền lực cứng-mềm, y như là lớp trẻ chỉ mới bị hành kinh lần đầu cuống lên với trò yêu đương, chưng diện. Nếu quyền lực cứng hình thành từ họng súng, từ những sợi xiềng, những cánh cửa nhà tù thì quyền lực mềm là những “bia giấy” tôn vinh nhằm bất tử hóa tên tuổi. Nhưng đó là một nỗ lực vô vọng. Quyền lực cứng hay mềm cũng chỉ để lại một di sản lâu bền khi gắn chặt với sự thật, với lợi ích của đất nước nói riêng và với công lý phổ quát của nhân loại nói chung.

Đi ngược lại điều đó thì nếu không kết thúc đời mình bằng cách chờ chết trong lỗ cống đen ngòm của cuộc đời thì cũng chôn vùi tên tuổi trong lỗ cống tối tăm của lịch sử.

Tham khảo:

[*] Lưu Văn Lợi, “Nhớ về anh Sáu Thọ với tấm lòng tôn kính và cảm phục”, trong Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 345.

Comments are closed.