THƠ TẾT TÙ

Gửi Bọ Lập và những bạn viết sắp
“ăn” cái Tết Tù đầu tiên hoặc thứ n…

Hoàng Hưng

HH2010

Thăm lại phòng giam cũ nhân ngày “Ngàn năm Thăng Long” (2010)

Hôm qua cùng Ý Nhi, Kim Cúc đến thăm Hồng vợ Lập trao quà Tết của anh chị em bè bạn xa gần. Hồng bảo họ cứ nói Lập sẽ được ra trước Tết nhưng bây giờ chưa thấy gì thì chắc hết hy vọng. Tôi bảo hồi nằm ở Hỏa Lò (1982), những ngày giáp Tết, không khí phòng giam sau giờ đóng cửa (hết giờ hành chính) lúc nào cũng căng thẳng, hai trăm con người ngồi bó gối chỉ chờ nghe cánh cửa sắt đột ngột mở ra và quản giáo bước vào gọi tên X…, Y… “thu xếp nội vụ ra khỏi phòng”, và sau đó cánh cửa dày nặng đóng đánh xầm, gần 200 kẻ không may còn lại rơi tõm vào sự im lặng như rơi xuống một cái hố không biết sâu đến bao nhiêu. Một câu thơ đã “vụt hiện” trong giây phút ấy: Thân thể nát như tương. Kiệt quệ lời ca khật khùng râu tóc. Co quắp nằm chịu trận. Sắt xầm, ngực nghẹn, u âm…”.

Anh Hoàng Cầm cũng đã được hứa hẹn vào cuối năm 1982 như thế sau khi anh chịu “Câu Tiễn” nhận hết (còn nhận quá) tội chống Đảng chống chính quyền trong tập thơ “Về Kinh Bắc”, lại còn trổ tài “diễn ngâm” vốn có để đọc bản kiểm điểm nhận tội vào máy ghi âm hay đến mức cán bộ xét hỏi phải tấm tắc khen “rất tự nhiên, rất đạt”. Để rồi qua Tết thì… được chuyển trại cùng với tôi vào B14, trung tâm thẩm vấn Bộ Nội vụ, “phương ngữ tù” gọi là “xà lim bộ”!!!

Tôi bỗng ước ao làm sao gửi vào “trong ấy” cho Bọ Lập mấy bài “Thơ Tết Tù” mình đã làm (thầm trong óc và sau khi ra tù ghi lại) trong 3 cái Tết được “ăn” trong Hỏa Lò và Trại B14. Hồng bảo chắc không gửi được. Vậy thì đưa lên đây, biết đâu có quản giáo hay cán bộ xét hỏi, hay lính gác ngục yêu Thơ, yêu Lập, lại hứng lên in ra cho Lập xem thì… ít ra cũng có thể kích thích Lập “nối điêu” thêm một chùm thơ Tết Tù của chính anh (thuở xưa Lập cũng làm thơ trước khi viết truyện!)

 

Tết Tù 1983 (Quý Hợi)


Khung cảnh: Phòng giam số 20, nằm ngay mặt chính Hỏa Lò, nay còn được giữ lại vì xưa là phòng giam mấy ông Cộng sản gộc và mở cửa dịp lễ cho mọi người vào xem như di tích lịch sử, sau giam 60 tù binh phi công Mỹ, sau đó là giam “cán bộ công nhân viên phạm pháp lần đầu”. Ở phòng này nghe được hết các tiếng động ngoài phố và ngược lại. Lại vuông góc với phòng giam nữ. Gần Tết, buồn, một đêm các cô nữ tù nhà quê (không biết tội gì, chắc ra HN “buôn lậu” ít gà vịt hoặc làm “phò”, bỗng hứng tình gióng lên vài câu hát đối độc diễn. Thế là tôi với Tương Giang (một nhà thơ BTV Đài Tiếng nói VN bị bắt vì can tội làm thơ chửi lãnh đạo từ trên xuống dưới, đại khái: “Tên tôi là Phạm Sông Tương/ Suốt ngày chửi mắng coi thường cấp trên/ Tiến lên ta quyết tiến lên/ Tiến lên ta gọi cấp trên bằng thằng”) cũng hứng theo, bèn nghĩ ngay tại trận những câu đáp bằng lục bát (mà đôi khi lúng túng không đáp kịp nhà thơ nữ dân gian bên ấy), và một cậu trẻ tự xưng là ca sĩ đoàn nào đó nhận nhiệm vụ xướng lên. Hay phết! Được ba tối thì… lính canh đập cửa chửi cho một trận bắt ngưng. Thì ra, ba tối ấy, dân chúng đứng đông nghịt ở ngã tư Hai Bà Trưng-Hỏa Lò nghe tù hát đối!

Song vài lúc vui hứng không xua tan được tâm trạng bức bối và ảm đạm của kẻ lần đầu nếm mùi mất tự do:

Gọi

Tôi gọi giữa đêm. Gọi tiếng xe ngoài đường gọi gió gọi mùi hương gọi ba la bông lông sải cánh con chim dài hai thước gió đánh nhằng nhịt tái tê bầu trời lụn bại. Tôi gọi giữa đêm. Xác xơ chân tóc căng ấn đường tôi gọi. A ha! Nhảy nhót, nghiến răng, xóc lọ. Thổi tắt phụt ngọn đèn trăm nến. Nhắm mắt và mơ đi. Mảnh sân hẹp, tiếng đàn bà xối nước, một củ hành tươi. Có thế thôi. Không không không tôi chán lắm rồi. Chán “điểm”, chán bắt rận, chán đọc rõ số giam. Nửa đêm tôi gọi mộ huyệt âm vang. Tự do! Mi ở đâu?

Chiếc lá bàng

Những đôi mắt âm thầm
Rõi qua khe cửa
Bao giờ rụng chiếc lá bàng cuối cùng?

Sẽ rụng đêm nay
Khi gió bấc nổi
Không. Nó sẽ còn đeo đẳng mãi trên cây
Dai như kiếp sống đoạ đầy

Trong giấc ngủ màu máu
Chiếc lá bàng mênh mông
Thức dậy không còn lá
Bầu trời tím thâm

Bỗng rùng mình kiệt quệ
Như vừa ra đi giọt máu cuối cùng

 

Tết Tù 1984 (Giáp Tý):

Khung cảnh: Tết đầu tiên ở Trại B14 (làng Thanh Liệt, Thanh Trì, ngoại thành HN). Sau này anh Bùi Xuân Bách ở Mỹ cho biết nguyên đó là trang trại của ông nội anh, cụ Bùi…, chủ của một tờ báo xưa, nên nơi này thường tụ tập bạn bè văn nghệ. Anh Hoàng Cầm kể khi vào trại còn thấy mấy toà nhà kiến trúc Pháp thuộc rất đẹp, không biết nay đã phá để xây thêm phòng giam chưa? Ở đây giam giữ đủ loại chính trị phạm, còn cả chiếc xe hơi của Tướng Chu Văn Tấn chạy đi “vượt biên” bị bắt về, cả tướng Đặng Kim Giang, đến Đức cha Thuận (người đang được Tòa Thánh La Mã xét phong Thánh), nhà văn Dương Thu Hương, TS Hà Sĩ Phu…

 Chạy

Chạy một mình 
Trong bóng tối 
Chạy co đầu gối 
Chạy vã cô đơn 
Chạy quên sợ hãi 
Mồ hôi mặn 
Rít qua kẽ răng. 
Chạy một mình 
Ảo tưởng sống 
Nghe tiếng chân mình 
Âm âm xi măng. 
Chạy một mình 
Run đầu gối 
Chạy từ đói 
Đến hết muối. 
Chạy một mình 
Lê không nổi 
Chạy đỉnh núi 
Toạc bàn chân 
Chạy trong bùn 
Chân bị trói. 

Chạy một mình 
Trong bóng tối 
Bỏ quên tôi 
Cả thế giới. 
Trái đất ngủ 
Một mình tôi 
Chạy tại chỗ 
Thình thình thình 
Tim tôi gõ 
Ai nghe ai nghe 
Ai vào cắn cổ 
Ai đá lăn chiêng 
Mắt nhắm nghiền 
Tôi cứ co 
Đầu gối

Thạch Thùng

Đôi thạch thùng trên trần xà lim, trắng hồng, trong trong, bên ngọn đèn ấm áp. Chúng làm sao biết chốn này tù ngục. Chúng đâu thèm quan tâm một người suốt ngày đêm nằm ngửa nhìn chúng khoả thân yêu nhau. Chúng đâu biết đêm nay đêm đông cắt da cắt thịt. Trắng hồng, trong trong, chúng lặng lẽ yêu nhau bên ngọn đèn toả hơi xuân. Ngọn đèn tù ngục. Nếu con người khoả thân không hổ thẹn. Nếu con người yêu nhau hồn nhiên dưới mặt trời. Như thạch thùng. Thì có lẽ không có tù ngục. Phải không nhỉ thạch thùng 

– Thạch. Thùng.

                         Chiều cuối năm

Chạng vạng hồn ta u âm mộ huyệt răng thép răng đá ngả ngả xiêu xiêu. A! Trần nặng tường dày. Còn gì nữa? Con rệp đốt con muỗi bay con tắc kè thè lưỡi, lưới thép gai chim trời không xuống đậu để mình ta vòi vọi dõi tầng không. Đập đầu cửa sắt chân lún xi măng ăn đái ỉa nằm ngồi hàng thế kỷ, ằng ặc chiều đông cắt tiết bầu trời. A! Nát nhừ số mệnh bàn tay!

 

Tết tù 1985 (Ất sửu):

Khung cảnh: Vẫn trại B14, nhưng chuyển sang phòng giam đôi sau khi hoàn tất điều tra, đợi tuyên án. Lúc này đã “quen tù”, và không bị áp lực hỏi cung liên miên, chỉ nằm học tiếng Anh qua từ điển và báo “Moscow News” (Liên Xô) mà gia đình gửi cho, nên tâm trạng có vẻ thoải mái, chịu số phận an bài  (nói theo “phương ngữ” tù là “yên tâm cải tạo”). Thường mơ thấy mình ở trong một cái chùa, có lần ông sư dạy nhảy cao, nhẩy lên đến xà trần; lại có lần mơ Phật Bà cho cái chiếu, ngồi lên bay qua cửa sổ ra ngoài, dạo xem cảnh dưới đất một hồi, rồi lại… bay vào; có lần đi chơi thuyền Hồ Hoàn Kiếm với… các sư nữ mặc áo lam; lại có lần một sư cô đọc cho một câu “thần chú”, tỉnh dạy ghi liền và sau đó làm thành bài thơ “Cầu vồng”.  Sau được biết chỗ giam này xưa từng có một ngôi chùa.

Cầu vồng

1. 

Sững sờ lặng ngắt 
Anh nắm chặt tay em. 
Không anh không chui qua đâu 
Sợ bước chân đi 
Cấm kỳ trở lại 

2. 

Cầu vồng chắn cơn mưa 
Cầu vồng chắn cơn mơ 
Cầu vồng mở 
Vùng trời mù mờ 

3. 

Cầu vồng mống cụt 
Anh trèo chơi vơi 
Đến lưng chừng trời 
Thì ngã 

4. 

“Muốn giữ đầu lên cầu mà đứng 
Đi đến gần thì bưng lấy đầu”
[i]
 
E đến khi mình chết 
Chưa giải được lời mơ

 Sáng mồng Một Tết

Đang vui tíu tít hàn huyên
Tỉnh ra trơ trọi giữa nền xi măng
Trời mồng Một đã vào song
Đã ho hắng cả mấy phòng gần xa.
Cách tường có cậu cười qua:
Được một bữa thịt đêm ra đầy quần!
Tiếng cười cả xóm rân rân
Như quên hết cả một năm đoạ đầy

 

Sau Tết, thì nhận được quyết định “chiếu cố không phải ra tòa, chỉ xử lý hành chính nội bộ: tập trung cải tạo”, lập tức chuyển vào “gần nhà”: Trại cải tạo Thanh Cẩm, Thanh Hóa (so với chỗ cũ, thì gần nhà hơn 200km). Xin cảm ơn!

29/1/2014, sau hôm thăm gửi quà cho Bọ Lập

 

VIẾT THÊM CHIỀU 10/2/2015:

Sáng nay Bọ Lập đã được về nhà “tại ngoại hầu tra”. Vậy là Bọ có thể đọc trực tiếp bài này nếu muốn. Xin không phiền các cán bộ quản giáo, lính canh trại giam Bọ nữa. Những vẫn gửi gắm các cán bộ, lính canh ở những trại còn những cây bút phải “ăn” Tết “ở trỏng”!

 

 

 

 



[i] Lời nghe thấy trong giấc mơ. Giờ nghiệm lại thấy sao đúng như nguyên tắc ửng xử của mình suốt bao năm qua: Làm gì cũng đàng hoàng, công khai, minh bạch – Nhưng không cực đoan, cố chấp, húc đầu vào đá.

Ghi chú: Các bài thơ về thời gian Tù của HH được tập họp thành tập “Ác mộng” có thể xem trên mạng: http://www.talachu.org/tho.php?bai=3

Comments are closed.