TỪ BỐN PHÁC BẢN THỜI GIAN ÐẾN MỐI MƠ CỦA CUỘI

Nam Dao

nam daoVấn đề đặt ra không phải là chiều thứ tư phẳng hay cong. Không phải là tính co thắt hay khả năng đảo ngược của những quá trình động trong sinh học hay vật lý. Lại càng không phải là đi lùng thời gian đã mất, và đến cuối đoạn đời, hóa ra thấy thứ thời gian tìm lại được của một Proust viễn mơ trong căn phòng tối tăm, cửa đóng, rèm rủ với mùi ẩm mốc của trí nhớ và những giấc mộng mị liên miên.

Vì gọi là phác bản thời gian, tôi tránh đào sâu tìm hiểu cái chiều thứ tư này, chỉ xin đề cập đến những con người nhỏ bé trong cái không gian đó. Vâng, họ rất nhỏ bé. Nhưng thiếu họ, tôi không biết làm sao đo được thời gian, ít ra là qua cái vở kịch này tôi mang ra giúp vui cho quí vị. Trên sân khấu ba chiều hạn hẹp của tôi, những con người đó gồm có bốn, hai nam, hai nữ. Thế là âm dương có vẻ cân bằng mặc dầu những nhân vật này cùng sống cái thuở trời đất nổi cơn gió bụi khiến cả mày râu lẫn má hồng đều nhiều nỗi truân chuyên. Họ là:

Thược, con gái, tóc thắt bím, dáng tỉnh thành, độ 11, 12 tuổi, lớn nhất bọn.

Lụa, nhỏ hơn Thược hai tuổi, tóc kẹp, ăn mặc nhà quê, ngổ ngáo.

Mống, đẻ thiếu tháng khó nuôi, là tên tục vì có thành ngữ khôn sống mống chết, lớn hơn Lụa  một tuổi.

Hùng, khai sinh tên đề Vũ Anh Hùng, nhỏ nhất, kém Mống hai tuổi, áo sơ -mi, quần xoọc, vênh váo.

Dĩ nhiên, chúng đẻ ra và lớn lên dần với thời gian. Lớn như vậy, rồi không thể lớn hơn nữa, ở tuổi thành niên. Sau đó chúng chỉ có thể còm xuống, nhỏ lại, chắc chắn ở phần thể xác là ít nhất. Và rồi thì gần đất xa trời, ai cũng đoán được kết cuộc, thậm chí kể cả những kẻ đãng trí. Thậm chí kể cả chị Hằng và chú Cuội, hai nhân vật phụ, bó buộc có mặt vì không gian cho vở kịch là những đêm trăng.

Nhân đây, xin nhắc lại chuyện dân gian về chú Cuội. Thuở còn thơ, tôi được nghe bà tôi kể. Khi đầu hai thứ tóc, tôi đọc lại chuyện chú Cuội đã thành văn (Nguyễn Ðổng Chi, Kho tàng truyện Cổ Tích Việt Nam, tập 2, tr. 141 – 152, Nxb Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh). Cuội nói dối đến độ có thành ngữ dối như Cuội thì bà tôi và ông Chi đều nhất trí. Nhưng về nhân vật, mức độ bi hài cũng như thành quả của Cuội thì mỗi người mỗi khác.

Theo bà tôi kể, Cuội dối cha dối mẹ, mổ lợn rồi chôn đuôi, lừa phú hộ ra cổng để lấy thưởng, đánh cắp ngựa của quan và sau Ông Trời (dĩ nhiên ai cũng có một Ông riêng cho mình) trói vào cây đa hỏi tội. Cuội vẫn chối, và dối Trời nên Trời phạt, khiến cây đa và chú Cuội bay lên cung Trăng. Cái vệt đen trên mặt trăng là cây đa, còn chú Cuội thì nhỏ quá mắt trần không thấy được. Khốn nỗi là, cũng theo dân gian, trên cung trăng có chị Hằng. Và Hằng Nga lại tuyệt sắc. Thế là Hằng Nga có bầu có bạn. Và theo tôi, thế thì Trời có hành phạt gì Cuội đâu. Cũng theo tôi, khi đã lớn, có lẽ  thế là Trời  thưởng Cuội một cuộc sống đời đời kiếp kiếp với người đẹp. Vì vậy nên dân gian đâu có ai sợ nói dối! Lạy hương hồn bà, chuyện bà kể là răn con đừng nói dối nhưng cái gọi là hình phạt của Trời sao mà lại có vẻ êm ái vô cùng!

Xin bắt sang văn bản của ông Nguyễn Ðổng Chi. Cuội mồ côi, ở với chú thím, cũng mổ lợn rồi chôn đuôi, cũng lừa phú hộ ra cổng để lấy thưởng. Nhưng đến đây thì câu chuyện Cuội mang tính bi hài kịch ở mức độ ghê hơn. Chú thím bực quá bỏ Cuội vào rọ định mang dìm sông. Cuội lừa một anh hủi, bảo xuống nước là chữa lành bệnh, và anh ta vào rọ để rồi bị chú thím Cuội dìm chết. Xong, Cuội gặp một ông quan. Ông này vì tham nên cũng bị Cuội lừa, lấy cân đai và cưỡi ngựa về nhà. Chú thím của Cuội sững sờ, Cuội bảo ông bà đợi dưới cõi âm, đi lên đi xuống dễ hơn mua vé đi xe lửa Thống Nhất. Chú thím lại bị lừa, Cuội bỏ cả hai vào rọ và mang ra sông dìm  trả thù. Ghê thật! Thế là Cuội cướp trọn cơ ngơi của chú thím, ăn chơi hủ hóa, cái kiểu mã đáo thành công thì nay phải hưởng thụ. Muốn thế, không có gì quí hơn… quyền lực. Thêm một bước, với tinh thần sáng tạo, Cuội tìm ra cách lừa Vua rồi tiếm ngôi. Ông Chi, người tôi đã gặp và có lòng quí mến, cho Cuội làm Vua và chấm hết truyện, nhưng cẩn thận chú lại là ghi theo lời kể một người Hà Tĩnh (?). Văn bản của ông được dịch ra tiếng Tiệp bởi Honzak, Mullerova và Marie Zakova, rồi được bà Marie-Josée Lamorlette chuyển ngữ sang tiếng Pháp, xuất bản năm 1991 bởi nhà sách Grund, Paris.

Như vậy, có hai Cuội. Cuội của bà tôi hiền lành hơn, dối trá thì có, nhưng dối trá vô tội, và bị phạt lên ở suốt đời với một tuyệt sắc gia nhân. Tác động răn trẻ đừng dối trá có đấy, nhưng khi đứa trẻ đó thành niên rồi mơ mộng có một người đẹp muôn đời bên cạnh thì hẳn là tác động đó yếu đi rất nhiều. Cuội theo ông Chi, một học giả, thì quả là bản lãnh hơn nhiều và cuối cùng làm Vua, nghĩa là Cuội thành công mỹ mãn bằng cách lừa lọc dối trá. Cuội đó lại được nhân loại biết đến qua các dịch giả Tiệp và Pháp. Dĩ nhiên, Tây đã công nhận thì Ta phải công nhận: Cuội thế mới là Cuội Ta.

Tôi phải chọn một trong hai Cuội. Lạy hương hồn bà, con xin chọn Cuội của bà kể cho con nghe thuở ấu thơ. Và trong kịch bản này, Cuội nay đã biết bảo nhân gian chớ đừng nói dối. Lý do là có một dị bản truyền khẩu kể rằng ông Trời phán con người trong cõi nhân gian bé xíu này đã lây bệnh Cuội. Rồi truyền chỉ khi nào không còn ai dối trá nữa thì ông mới cho Cuội trở lại trái đất, nơi chúng ta cười có khóc có, nhưng vẫn cứ khắn khít  cho đến phút cuối cùng.

I   TUỔI MƠ

cu_iDân tản cư sống tạm tại bang Nghi Dương, quận Kiến Thụy, vào cuối năm 48. Núi Voi lừng lững nhô tấm lưng cong tớn, thỉnh thoảng lại động đậy khi gió thổi cho mây bay ngang. Tối rằm tháng tám, mặt trăng chênh chếch tỏa ánh xanh lạnh trên những mái dạ lặng lờ.

Thược: Ðợi mãi. Chắc còn lâu. Hay là mình chơi gì đi?

Hùng: Chơi thì chơi! Nhưng chơi trò gì?

Mống: Ðánh ô ăn quan?

Lụa: Không! Lần nào tao cũng thua!

Hùng: Hay chi chi chành chành, đứa nào bị ù ập thì phải phạt.

Thược: Phạt thế nào? Tụt quần chổng mông lên rồi bò một vòng nhà nhé.

Mống: Sợ gì? Tụt thì tụt…

Lụa: Không! Mày con trai mày không biết xấu hổ.

Hùng: Thì thế mới là con trai. Mà xem con gái chúng mày chổng mông lên thì có gì là hay?

Thược: Oắt con, bị phạt thì mày cởi truồng ra cho các chị xem con sâu róm nhà mày nhé. Thế mới là con trai…

Mống: Thôi, xấu hổ lắm. Tao không chơi thế…

Mống ra ngoài hiên nhà, cả bọn đi theo.

Thược: Mày phá bĩnh (nhìn trăng). Từ tết Trung Thu, ở Hà Nội chúng tao hát một bài hát hay lắm. Muốn nghe không? Tao dạy cho mà hát.

Cả bọn gật đầu, mồm há hốc ra đợi.

Thược: (vừa hát vừa nhịp tay)

Bóng trăng trắng ngà/ có cây đa to/ có thằng Cuội già/ ôm một mối mơ.

Ôm một mối mơ…

Cả bọn hát theo.

Lụa: Hà Nội giỏi thật. Biết cả thằng Cuội!

Hùng: Giỏi đứt đi chứ. Cả chị Hằng nữa. Mày biết là ai không? (tay chỉ mặt trăng) Chị ấy ở trên kia kìa!

Mống: Ở nhà quê chúng tao cũng nghe chuyện ấy rồi. Thằng Cuội nói dối bị phạt, phải lên cung Trăng, đúng chưa?

Lụa: Nhưng Cuội ôm một mối mơ. Nó mơ gì hả chúng mày?

Cả bọn nhìn nhau

Thược: Nó mơ về nhà. Về với cha mẹ nó…

Hùng: Không, nó mơ đeo súng, đi ắc ê… như lính.

Mống: Sai rồi. Nó mơ được ăn xôi. Ăn no nê. Ăn phình bụng ra. Cả nhà tao mơ có một bữa như thế!

Thược: Còn tao, tao mơ tao về nhà tao ở Hà Nội.

Lụa: Tao chẳng biết tao mơ gì? Hay là tao mơ tao không thua ai khi chơi ô ăn quan!

Hùng: (nguýt) Ðúng là con gái (nó giả như đứng nghiêm, bồng súng rồi đi vòng vòng, hát) «Một mùa thu năm qua Cách mạng tiến ra, đất Việt rộn ràng tiếng, thanh niên tung gươm phá xiềng. Ðoàn người trai ra đi miệng hô lớn, quyết chiến… »

Cả bọn xuỵt xuỵt.

Mống: Ðã bảo đây không hát bài ấy! Vùng Tề mà…

Thược: Tề thì chỉ hát cái bài (hát) «Sơn nữ ơi, đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian rồi thương rồi nhớ… »

Lụa: Hay nhất vẫn là cái bài (hát) «Ai có nghe tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương người mẹ già… chờ con lúc đêm khuya, người con đã ra đi, vì nước».

Hùng: (ngắt) Tao không thích cái bài này. Nghe là tao buồn ngủ!

Mống: Nhưng hát được, không ai cấm.

Tiếng người lớn: Vào mà lấy đèn, bọn trẻ con chúng mày ơi!

Cả bọn chạy ùa vào. Ðèn tắt. Một lát sau, mỗi đứa cầm một quả bưởi rỗng, vỏ xẻ múi, trong có cắm một cây nến, vừa đi vừa đồng thanh hát:

Bóng trăng trắng ngà/ có cây đa to/ có thằng Cuội già/ ôm một mối mơ/ Ôm một mối mơ…

Mống: (hát ngọng nghịu) Có con dế mèn/ hát trong đêm thâu/ hát xẩm không tiền/ nên nghèo xác xơ/ nên nghèo xác xơ…

Hùng: (hát, ngọng nghịu) Muốn lên đến Trời/ ghé thăm cung Trăng/ nên hỏi ông Trời/ cho mượn cái thang/ cho mượn cái thang…

Lụa: (hát)

            Cuội ơi, ta nói Cuội nghe.

Ở trên mây trắng làm chi…

Thược: (quát) Chán chúng mày quá. Ðêm Trung Thu này không như ở Hà Nội. Chúng tao đi rước đèn, đèn thật chứ không như thế này (ngồi bệt, tay dằn đèn vỏ bưởi xuống đất). Lại có cả đèn kéo quân, ở nhà quê chúng mày chưa thấy đâu.

Hùng: (ngắt) Tao trước ở Hải Phòng, tao thấy chứ. Lúc còn bé, Trung Thu là tao có đồ chơi. Chúng mày đã thấy bướm làm bằng nhôm chưa? Cánh nó sơn màu đỏ, có chấm trắng, to…

Lụa: Thế thì làm sao đẹp bằng bướm thật được! Nó có bay không?

Hùng: (ngắt) Ðẹp hơn chứ. Bướm nhôm biết kêu leng keng. Tao kéo là nó kêu!

Lụa: Nó có bay không?

Mống: Nó có biết bay không?

Hùng: Ðồ nhà quê! Biết bay thì hay hớm gì hả?

Thược: Tao mà biết bay (tay chỉ mặt trăng), tao bay lên thăm chị Hằng với chú Cuội.

Thình lình gió bốc lên rồi đâu đó nghe như có tiếng cười. Cả bọn trẻ con ngơ ngác nhìn quanh.

Tiếng Cuội: Ấy là bởi nhiều người thích nghe nói dối.

Tiếng chị Hằng: … Thích nghe thì không tội, chứ thích nói dối thì phạt ngồi gốc cây đa này đời đời kiếp kiếp. Nhưng cũng vì thế mà chị có bạn đấy, các em ạ!

Cả bọn ồ lên.

Lụa: Nhưng em muốn hỏi chú Cuội, chú ôm một mối mơ thật à?

Tiếng Cuội: Thật chứ giả à?

Cả bọn ồ lên: Cuội bảo thật, tức là giả.

Tiếng Cuội: Vậy thì tao bảo giả đấy.

Cả bọn ồ lên: Thế là thật!

Tiếng Cuội: Thế thì chúng mày dưới kia, chúng mày mỗi đứa có ôm một mối mơ không? Lúc nãy có đứa nói rồi, thử nhắc xem, có hệt như thế không?  Ðứa nào dối trá thì lên đây làm bạn với tao và chị Hằng nhé!

Mống: (sợ sệt) Cháu chỉ mơ ăn xôi, ăn một bữa thật no. Bu cháu bảo phải đợi Hòa Bình lập lại đã!

Hùng: (lại làm tác động bồng súng) Còn cháu (nó đứng nghiêm rồi bước), cháu mơ làm lính, có súng thật (miệng hát), «đoàn người trai ra đi miệng hô lớn, quyết chiến, quyết thắng… ».

Tiếng chị Hằng: Biết rồi. Con trai chúng mày nhẹ dạ lắm.

Mống: (giọng phân bua) Nhà cháu  đói quanh năm, nhẹ chứ có được nặng dạ bao giờ đâu.

Tiếng chị Hằng: Mày thì nhẹ dạ dày. Còn thằng bé kia cơ. Nó nhẹ dạ vì…

Hùng: (khoa tay) Cháu không phải là dân nhà quê nhẹ dạ đâu đấy. Bố cháu có cửa hàng sách ở Hải Phòng, một hôm nói, nông dân vốn nhẹ dạ, bảo cho đúng cách là gì cũng nghe. Cứ hứa cho ăn, cho xây nhà ngói, rồi sai xông vào chỗ chết cũng xông…

Tiếng chị Hằng: Chị biết (chép miệng), thế còn hai đứa gái?

Thược: Cháu quả thật chỉ mơ về Hà Nội. Cháu chán ở đây rồi. Cháu nhớ cậu mợ cháu lắm…

Lụa: Còn cháu, cháu mơ sau này lấy thằng này (tay chỉ Hùng) làm chồng. Cháu có bà cô bị ế, khổ lắm, cả làng chửi là đoảng!

Hùng: Tao thì tao đếch lấy mày đâu. Tao phải đi lính. Với lại, mày già hơn tao hai tuổi đấy nhá…

Lụa: (ôm mặt khóc rấm rứt, nói đứt quãng) Gái hơn hai, trai hơn một. Bu tao bảo…

Thược: Ranh con, mày đi lính chết thì vợ mày theo trai ngay. Mợ tao bảo với cậu tao ai dại gì mà góa.

Lụa: (nức nở) Không, tao không theo đứa nào cả…

Hùng: (nhìnMống) Mày có đi lính với tao không?

Mống: Không. Eo ôi!

Hùng: Mày sợ à?

Mống: (ưỡn ngực) Tao đéo sợ gì cả…

Tiếng chú Cuội: Có thật không? Nói dối là phạt…

Mống: (hốt hoảng) Dạ…dạ, cháu sợ ma.

Ðúng lúc đó một đàn đom đóm bay lại, ánh lân tinh chớp rực sáng một góc vườn.

Tiếng chú Cuội: còn mày?

Thược: Cháu sợ ma vú dài.

Lụa: Cháu sợ ma không chồng.

Hùng: Cháu… cũng sợ. Sợ ma.

Tiếng chị Hằng: Khi sợ các em hát to lên.

Bọn trẻ con đứng dậy, xách đèn, vừa đi vừa hát:

Bóng trăng trắng ngà

              có cây đa to

              có thằng Cuội già

              ôm một mối mơ.

Ôm một mối mơ…

II THANH XUÂN

Bọn trẻ con lớn lên, vừa thanh xuân thì đình chiến. Và là rồi Hiệp Ðịnh Genève, hẹn sẽ hiệp thương và chỉ dăm ba năm nữa sẽ Tổng Tuyển cử.  Chúng nó lại gặp lại nhau, cũng ở Nghi Dương, hai họ Vũ – Ðặng gần xa họp mặt, không nói ra nhưng ai cũng hiểu là một cuộc chia ly.

Lại một tối trăng tròn.

Chỉ có ba đứa. Chúng ngồi ngoài sân, dưới gốc cây đa cổ thụ, tay quạt phành phạch trong độ hè oi ả.

Thược: Chẳng thấy cậu Mống đâu, Lụa nhỉ?

Lụa: Chắc anh ấy sắp về rồi.  Ðánh dậm thì cứ xâm xẩm tối là xong.

Hùng: Lụa này, cô có còn nhớ đêm rằm tháng tám năm xưa không?

Lụa: (cười) Nhớ mang máng thôi. Anh về Phòng thế là bảy năm liền, có gặp ngoài đường ngoài chợ em cũng chẳng nhận ra.

Hùng: (cợt nhả) Còn tôi, tôi nhận ra cô em ngay…

Thược: Mình thì có đáo về một lần cách đây năm năm. Nếu không, có gặp Lụa thì cũng chỉ ngờ ngợ…

Lụa: (thật thà) Em gặp anh Hùng hay chị Thược thì chịu đấy. Em nói thật, gặp người thành thị chúng em chẳng dám nhận họ nhận hàng ngay đâu. Nhỡ nhầm thì xấu hổ lắm (nhìn Hùng). Thế anh, anh có đi Nam không? Bu em bảo chỉ có nhà mình là ở lại, chứ trên anh và trên chị Thược, thế nào cũng đi thôi!

Hùng: (cười) Ði hay ở cũng thế. Bây giờ hòa bình, đâu cần đến lính. (Mơ màng) Xưa tôi chỉ muốn đi lính, bồng súng, ắc ê. Nay thì (chép miệng) là thời binh đao xếp lại…

Thược: Thế là may đây, ai lại mong loạn lạc khói lửa (mơ màng, hát nho nhỏ) «Ai có nghe tiếng hát hành quân xa… »

Tiếng Mống: Cái bài này tôi nghe rồi nhé.  Ai hát đấy, chắc chị Thược hả?

Mống bước vào.

Lụa: Thì còn ai vào đấy mà hát hay thế. Giọng lại đặc Hà Nội, làm sao em hát thế được!

Hùng: (đứng dậy) Anh, bây giờ mới về?

Mống: (ôm vai lắc) Chào cậu. Chào chị.

Thược: Mẻ hôm nay khá không?

Mống lắc đầu, tay cầm điếu cày. Anh ta nhồi thuốc, châm lửa, rồi rít thuốc sằng sặc, khói nhả bay um một góc.

Mống: Ðược chục con bống trứng. Tối nay rán lên đãi người hàng tỉnh đấy (cười).

Thược: Này, nghe bà cụ bảo cậu sắp cưới cái cô Xinh làng dưới. Chỉ khao nhau cá bống thôi à?

Mống: (giãy nảy) Bu em ép, nhưng em nào có nhận. Em phải lòng với người khác rồi mà!

Lụa: Thế mà em cũng chẳng biết. Người làng người nước với nhau mà giấu nhẹm, ghê thật!

Hùng: Ở Phòng, chúng tớ yêu nhau là đê – cla – rê ngay. Cứ lôi ra vườn hoa con Cóc, rồi a – lê – hấp, là xong. (Chép miệng) Thuở chiến chinh nay sống mai chết, phải nói hết, nói ngay. Thằng nào nói chậm, thằng ấy thiệt…

Mống: (ngần ngừ) Chiến tranh thì ở quê chứ Hải Phòng lính Tây đông thế, có ai dám vào đánh đâu mà nay sống mai chết…

Thược: Yêu thì bảo yêu, có làm sao đâu. Thành thị thế thật đấy, cần gì chuyện nay sống mai chết.

Lụa: (cười) Nhà quê có khác, nhưng thật ra muốn biết thì cũng dễ. Thế mà chẳng ai nói gì về anh Mống cả…  Giấu kín thế đấy.

Thược: (ngước nhìn, mơ màng) Trăng đêm nay trong nhỉ. Hà Nội không có trăng như thế đâu. Nghe này.Tiếng dế nỉ non.  Rồi tiếng ễnh ương bờ ao phụ vào như gõ phách buông nhịp. Có lẽ rồi ta chẳng còn một đêm nào như thế này nữa, Lụa nhỉ (chép miệng). Rồi ra kẻ Nam người Bắc, có nhớ nhau cũng đành chịu…

Mống: (ngẩn ngơ) Thế gia đình trên ấy định đi ư?

Lụa và Hùng đột nhiên biến vào hậu trường. Ðèn tắt. Ánh trăng sáng dần, mơ hồ buông lơi trên mái tóc Thược.

Thược: (thơ thẩn đi về phía cây đa, nói một mình) Ðêm trăng huyền diệu của tuổi thơ chúng ta năm nao còn vướng vất đâu đây, và bài hát ngày nào vẫn văng vẳng. (hát)         

   Cuội ơi, ta nói Cuội nghe

                       ở trên mây trắng làm chi…

                       muốn lên tới trời

                       ghé thăm cung Trăng

                       nên hỏi ông Trời

                       cho mượn cái thang. Cho mượn cái thang…

Mống đi theo Thược, nghe đến đấy, chạy vội đi. Chỉ có ánh trăng và bóng Thược bất động. Rồi tiếng chân. Mống ra, vai vác cái thang, chạy đến đặt ở gốc cây đa. Thược leo lên ba bậc, ngồi nhìn vào khoảng không.

Thược: (chậm rãi, dịu ngọt) Ai đem lửa châm lên đôi cánh con chuồn chuồn bốc màu đỏ tía như ráng hoàng hôn trong buổi thanh xuân của cuộc sống này (nhìn Mống, tay vẫy. Mống ngẩn ngơ bước lại, quì xuống, áp môi vào đôi chân Thược).

Mống: (nói như mơ) Tôi phải lòng thế là tám năm rồi. Ăn cũng nhớ, ngủ cũng nhớ, nhớ cái đêm rằm năm nọ… (mặt áp vào chân Thược, tiếp) Nhớ đến tuyệt vọng muốn cào cho chảy máu trái tim này.

Thược: (nhìn xuống, nhẹ nhàng) Mống cởi cái áo ra, đứng lùi lại.

Mống làm theo, ngực trần vai u, da đồng mun, thân hình sừng sững như bức tượng cổ, bất động, im lìm.

Thược: (vẩn vơ) Cứ như anh Vọi trong Trống Mái của Khái Hưng. Lại đây nào.

Mống bước lại, Thược lấy tay vuốt ve ngực, bụng, vai, rồi áp môi hôn lên.

Bất ngờ, trăng chao nghiêng.

Tiếng chị Hằng: (khúc khích) Thật lãng mạn!

Tiếng chú Cuội: Thế bây giờ mơ ước gì đây?

Ðèn tắt. Thược và Mống biến ra sau hậu trường.

Tiếng ễnh ương lại vang lên cùng tiếng dế nỉ non. Gió xào xạc thổi qua tàng lá cây đa lung linh ánh trăng. Cạnh bờ ao gần đó, Lụa và Hùng ngồi, lưng xoay lại.

Lụa: Nhanh thật. Bây giờ đằng ấy là con trai rồi, chẳng bé bỏng như xưa.

Hùng: … là thanh niên (ưỡn ngực), nhưng chắc không đi lính nữa (thở dài). Ðình chiến rồi!

Lụa ngồi dựa vào Hùng.

Hùng: (giọng bỡn cợt) Còn đằng ấy. Năm nay lấy chồng được rồi đấy!

Lụa: (cười) Lấy ai? Ngày còn bé, chú Cuội hỏi, tôi đã nói rồi, nhớ không?

Hùng: (cười) Chuyện trẻ con, nhớ làm gì!

Lụa dựa đầu vào vai Hùng, lim dim, nói như thở

Lụa: Nhớ chứ! Sợ nhất là ma không chồng.

Hùng vòng tay ôm lấy Lụa. Hai người rúc vào nhau. Tiếng Lụa rên rỉ kêu đừng, đừng làm thế đau. Bỗng gió nổi như bốc trần gian lên trời. Một đàn đom đóm bay ra sáng rực góc ao.

Ðèn tắt. Tiếng chân.

Hùng: (thất thanh) Ối giời ơi, có ma!

Tiếng chân chạy.

Lụa: Làm gì có ma! Ðằng ấy ơi!

Vẫn im lặng. Một lát sau, nghe tiếng lõm bõm dưới ao.

Tiếng chị Hằng: Em làm gì thế! Ðịnh tự tử à?

Tiếng Lụa: Không, nóng quá (tay vuốt ngực). Lội xuống cho nó mát, nóng thế này em chịu không nổi nữa!

Ðèn bật.

Bốn người ngồi ngoài sân. Gốc cây đa vẫn còn cái thang. Mống lưng trần, vai u. Lụa ướt nhèm nhẹp, áo bó vào người, ngực nhấp nhô. Thược mơ màng nhìn lên ánh trăng lung linh trên tàn lá. Còn Hùng, Hùng quay nhìn về phía bờ ao.

Tiếng chị Hằng: Bây giờ các em mơ ước gì?

Tiếng chú Cuội: Không được nói dối nhé. Bị phạt thì đời đời kiếp kiếp lên cung Trăng đây mà nghe nhân gian nói thật.

Thược: (mơ màng) Em mơ làm một nhân vật tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn.

Lụa: (giọng như mơ) Còn em, em vẫn muốn lấy nó (tay chỉ Hùng) làm chồng.

Mống: (ngẩn ngơ) Em thì khác, đói cũng được, chỉ mong sao cái đêm nay dài ra đời đời kiếp kiếp…

Hùng đứng dậy, vẻ trốn tránh.

Tiếng chị Hằng: Còn em?

Hùng: (Lúng túng, rồi mạnh bạo vừa bước vừa nói) Em vẫn mơ làm lính.  Hết đình chiến là lại đánh nhau ngay. A – lê – hấp, một hai, một hai. Ðứng lại, nghiêm! Nghỉ! Nghiêm! Ðằng trước, quay. Ðằng sau, quay! Bồng súng, bồng!

Tiếng chú Cuội: Thằng này kiên định, trước sau như một. Ðược đấy! Không đổi ý mà lại ngu mới sợ. Thế bây giờ, chúng mày sợ gì?

Thược: Em sợ nhất là không nhà không cửa.

Mống: Em, em sợ nhất là sống mà xa người em phải lòng (đắm đuối nhìn Thược).

Tiếng chú Cuội: Thằng này vẫn nhẹ dạ! Còn mày, con bé kia?

Lụa: Em thì sợ làm ma không chồng.

Ðến lượt Hùng, Hùng vẫn lúng túng.

Tiếng chú Cuội: Vẫn còn mày? Lúc nào cũng chậm mồm!

Hùng: (đáp vội) … sợ ma. Thế thôi!

Tiếng chú Cuội: Thằng bé này quả là trước sau như một!

Tiếng chị Hằng: Nó thế thì chẳng ai phạt để nó lên cung Trăng làm bạn với chúng mình đâu! Thôi nhé, các em ở lại!

Thược: (não nề) Ôi, cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!

III  TUẾ NGUYỆT

Làn sóng di cư ồ ạt bứng cả triệu người từ Bắc vào Nam. Dĩ nhiên, người thành thị đi nhiều, nhưng không phải không có những chuyện trớ trêu.  Chẳng hạn như gia đình Thược ở Hà Nội. Bà mẹ có hai cái nhà, dạm mãi vẫn không bán được, cứ tiếc của chần chừ. Ðến ngày tiếp quản Thủ Ðô, bà xua lũ con ra đón bộ đội cụ Hồ, lẩm bẩm «Chỉ hai năm là Hiệp Thương, đi làm gì?» Ông bố chửi «… cho chúng mày trắng mắt ra, đã bảo mà không nghe!» Phần gia đình Hùng, câu chuyện vui hơn. Bố cậu ta về làng, định tâm lễ lạy các cụ cho trọn chữ nghĩa rồi mới lên đường. Thế là du kích bắt trói gô lại vì cái tội chưa lễ lạy các cụ mà đã lén lút ngay với người tình cũ nay là vợ của một đồng chí đang công tác trên khu IV. Cả nhà Hùng đã khăn khói sẵn sàng, cứ đợi, đợi rồi sốt ruột nhờ người về lấy tin. Vỡ lẽ ra bà mẹ chửi « … Ðáng đời! Không đi đâu nữa. Tao theo Cách Mạng. Thế là công bình lắm… ». Phần Lụa, cô con gái đến tuổi bẻ sừng trâu ấy lên Hải Phòng, đến nhà Hùng rắp tâm xin di cư theo. Nhưng chuyện rối beng, một hôm cô ta bảo ra chợ Sắt, và rồi thế là biệt tăm. Chuyện của Mống thì khác. Mống giao du với một đám bạn trai ở một làng đạo gần Kiến An. Cha xứ bảo «Ðức Mẹ vào Nam rồi!». Cả làng lục tục theo Cha, trong đó có cô Xinh. Xinh bảo Mống «Xin Cha rửa tội, rồi có đi thì mới đi được». Mống tự nhủ, rửa tội thì sạch tội, không rửa không vào Nam thì làm sao tìm được Thược. Mống đâu có ngờ là lúc đó cô Thược ở phố Hàng Ðào thút thít giục mẹ «Giời ơi, người ta đi hết mà nhà mình cứ luẩn quẩn thế này!».

Gần ba mươi năm sau làn sóng di cư, Mống về Nghi Dương để chôn mẹ nhưng muộn mất mấy ngày.

Thế là vẫn cảnh sân nhà, gần bờ ao và gốc cây đa cổ thụ. Lại đêm trăng. Lạ nhỉ, sao cứ mãi đêm trăng? Lần này, tiếng trẻ láo nháo.

Mống: Gọi chúng nó vào đi, trời tối rồi! (nhìn Thược) Tôi chỉ mang được hai đứa cháu nội về lạy bà cụ, ba đứa kia còn bé quá, chị ạ!

Thược: Anh đông con cháu nhỉ.

Mống: Tôi ba trai, hai gái. Còn cháu nội cháu ngoại tất cả năm đứa rồi.  Thằng cả nhà tôi không có lộc chết trận năm 75. Nhà thế là tất cả mười lăm miệng ăn đấy…

Hùng: Anh Mống không biết chứ ở miền Bắc sinh đẻ có kế hoạch lắm. Tôi chỉ có một trai, một gái. Chúng nó vẫn chưa vợ chưa chồng, đúng chính sách tam khoan. Chưa yêu thì khoan yêu. Yêu rồi thì khoan lấy. Lấy rồi thì khoan đẻ…

Thược: (mỉa mai) Chú thì lúc nào cũng chính qui cả. Ðói thì khoan ăn nhé!

Hùng: (đứng lên, vớ cái nạng, đi ra) Chị bảo, mình đã bỏ cả đời vào. Rồi tặng Tổ Quốc cái chân trái, chấp hành chính sách là yêu nước đã…

Chỉ còn Mống và Thược.

Thược: Chú ấy nói thế thôi. Bây giờ là thư ký công đoàn một cái xí nghiệp thuộc da ở Hải Phòng, chú ấy cũng vất vả lắm…  Buồn cười thật. Xưa cứ đòi đi bộ đội, nhưng bị qui thành phần, phải chờ. Ðến lúc hết người, cho chú ấy vào, lại bị chỉ định làm anh nuôi lo cơm lo nước cho đơn vị. Ðùng một cái giải phóng. Vào thì đâu còn đấm đá gì, thế mà lại dẫm vào mìn trong rừng khi đi săn khỉ để «cải thiện» có thêm chất đạm cho chiến sĩ. Toi một cái chân để phục vụ bữa ăn, mà mìn là mìn mình gài, thế có oái oăm không cơ chứ?

Mống: (lắc đầu, nhìn Thược, ngại ngùng) Còn chị, tôi bấy lâu nay không biết tin tức gì!

Thược: (mắt đỏ hoe, ngập ngừng) Thì cũng như mọi người thôi! (mơ màng)  Xưa tôi chỉ mơ làm một nhân vật tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn. Chuyện đó tưởng nói chơi mà hóa thật, anh ạ. Năm hai mốt tuổi, tôi lấy nhà tôi. Hồi đó anh ấy công tác ở khâu Văn Nghệ Quân Ðội, lo việc in ấn, thỉnh thoảng cũng có viết. Ban đầu, anh ấy  bảo nhân vật này của anh là em đấy. Tôi đọc, giãy lên, em đâu mà em? Em có bao giờ thi đua tát nước mới gánh phân đâu?  Mới lại, em có biết hợp tác xã là gì mà lại dám bảo cụ Tiên Chỉ là thời nay khác, hợp tác là xu thế Cách Mạng, và đòi cả làng họp nhau chia đất, chia công như trong truyện của anh. Anh ấy đáp, thì có vậy, nhưng bởi em chưa biết cái phần hồn của em. Chết chửa! Nhỡ có thế thật thì làm sao mà đòi lại được cái mình không biết. Tôi quýnh lên, đến cuối năm thì nhà tôi vội vã lên Sơn Tây thăm ông cụ. Bố chồng tôi hiến hết cho Cách Mạng đâu hai ba mẫu ruộng gì đó từ hồi khởi nghĩa, nhưng dẫu không còn gì mà vẫn bị qui là địa chủ bóc lột từ ba đời, kể từ đời ông cố xưa có làm Ðốc Ðồng dưới triều Tự Ðức. Nhà tôi lên đến nơi thì mộ ông mới vùi, chưa có được một ngọn cỏ, đất vẫn còn ướt. Anh ấy về, cơ quan xếp vào thành phần bất mãn…

Tiếng nạng lọc cọc. Thược im bặt khi Hùng đi ra, bỏ nạng xuống, tay châm điếu cày rít mơ màng, Hùng nhả khói bay xanh um một góc sân.

Hùng: (mắt nhìn trăng, tay rót nước) Anh thấy làng có thay đổi nhiều không, anh Mống?

Mống: (ngần ngừ) Cũng có! Thêm được ít nóc ngói. Nhưng sao sinh đẻ có kế hoạch mà người đông thế nhỉ…

Hùng: (ngắt) Ấy là để phục vụ yêu cầu của chiến tranh. Ðông người thì động chân động tay cũng đông. Nông nghiệp của ta bây giờ là hàng đầu thế giới đấy! À mà này, anh có tin tức gì của cô Lụa không?

Mống: Hồi mời di cư, đám cưới cô ấy tôi có đi. Người làng nên rồi cũng như người nhà, qua lại với gia đình tôi như ruột thịt. Số cô ấy thật vất vả. Nhà tôi mối me, cô ấy lấy chồng rồi đẻ đứa con gái đầu lòng là chồng chết. Mấy năm sau, cô ấy ra Ðà Nẵng thầu nấu ăn cho trại lính.  Bẵng đi một thời gian, cô ấy tái giá với một ông Ðại úy, đẻ được một đứa con trai. Lại đùng một cái, ông Ðại úy chết trận. Sau ngày 30 – 04, nghe cô ấy đã qua Mỹ…

Hùng: (thở dài) Thế à! Thôi thế cũng yên. (Chắc lưỡi) Ðế Quốc nó bắt người mình làm con tin, tội thật…

Thược: (sẵng) Con tin với con ngờ. Nó bắt làm gì? Ðến hay, quí báu gì mà bắt.

Hùng: (điệu bộ bí mật) Ấy, trên phổ biến nội bộ, bảo là nó giữ người mình để trao đổi với bọn giặc lái mình bắt, chị ạ! Cứ hai đổi một là nó đổi hết… (quay sang Mống) Từ Mỹ cô ấy có liên lạc gì về không anh Mống. Ði Mỹ thế thì cũng đến mười năm rồi…

Mống: Cô ấy viết thư báo lại tái giá rồi. Nhưng bên Mỹ không có chiến tranh nên lần này chắc là lần cuối. Cô ấy có vẻ ăn nên làm ra lắm, thỉnh thoảng lại gửi về cho các cháu nhà tôi một thùng quà.

Hùng: (ngẩn ngơ) Quí hóa thật!

Thược: (mỉa mai) Con tin mà thế được nhỉ! Thế bao giờ mình mới gửi được một thùng quà cho cô ấy nào!

Mống: (cười giả lả) Có số cả! Ai phận nấy, so bì làm gì. Như tôi, con đông thì trước lo cho con. Bây giờ, con không tự lực thì lo đến cháu. Rồi cũng sống (giọng buồn buồn), cơ cực cũng sống.

Hùng: Thế các cháu, chúng nó có công ăn việc làm cả chứ.

Mống: (lắc đầu) Chẳng có gì ổn định cả. Thằng lớn chạy chợ, đồng ra đồng vào. Con em nó thì đi may thuê. Con cháu bé bán hàng, còn nhà tôi thì cứ sáng sáng là bán bún riêu, bún ốc. Tôi sửa xe đạp đầu ngõ, kiêm cả việc trông cháu nội cháu ngoại.

Thược: Thế còn một cháu trai nữa, nó làm gì?

Mống: (ngần ngừ) Cháu ở trong trại cải tạo. (nhìn Hùng) Nó dại dột theo chúng bạn vượt biên (Lại nhìn Hùng, xoa tay).

Hùng: (đứng lên) Dại dột thật. Nhưng vào cải tạo thì được giáo dục cũng tốt đấy.

Mống nhìn Thược vẻ chua xót. Thược lẳng lặng cắn môi nhìn Hùng chống nạng đi vào. Một đàn đom đóm lập lòe bên bờ ao, thỉnh thoảng có tiếng ễnh ương kêu rồi nhảy tòm xuống nước.

Mống: (ngần ngừ) Chị nãy kể là anh nhà ta thuộc thành phần bất mãn…

Thược: (giọng chua chát) Vâng. Thế là hạ tầng công tác cho đến năm 62 thì người ta bảo nhà tôi thuộc loại «xét lại chống Ðảng». Từ đó đi tù mười năm, chẳng xét xử, chẳng án ung gì. (thở dài) Tôi lúc đó nách hai con, thằng lớn bốn tuổi, thằng bé vừa đúng hai tháng, (bất ngờ nức nở) tôi lại chỉ mới hai tám, hai chín tuổi…  ối giời đất ơi!

Mống luống cuống, tay để lên vai Thược đang run rẩy như con giun bị xéo dưới gót giày, miệng lập đi lập lại «Tôi xin chị, chị Thược! Ai ngờ đâu chị cơ cực thế!». Thược nghẹn ngào một lát, vừa thở ra, vừa nói.

Thược: Nhà tôi về, ốm đau liên miên được ba năm thì chết. Thế là mẹ góa con côi cho tới nay. Gia đình tư sản, chồng thì phản động «xét lại», tôi làm gì có công ăn việc làm. Thế là còn mỗi cách: bày cái bàn con bán thuốc lá, kẹo lạc, nước chè, cà phê, nước chanh ở đầu ngõ. Ðấy, đời tôi, rốt cuộc không hơn một con chó, giả ngu giả dại, lúc nào cũng nơm nớp. (bật cười, rồi lạnh lùng) Ðúng là một nhân vật tiểu thuyết, nhưng chẳng còn các ông Tự Lực Văn Ðoàn nào viết truyện cho…

Mống: (nhỏ nhẹ) Chị cứ một mình nuôi con à!

Thược: (lại bật khóc) Anh bảo, ở cái xã hội đó thì còn ai dám cưu mang một thứ gái góa thành phần xấu như tôi… Còn quá là cùi, là hủi, là thương tật, anh ơi!

Mống luống cuống, tay lại lay lay vai Thược, mồm lẩm bẩm «Tôi xin chị, tôi lạy chị, đừng khóc». Bỗng gió bốc những chiếc lá đa bay tốc lên xào xạc.  Trăng sáng hẳn lên đổ bóng người ngã xấp xuống sân.

Tiếng chị Hằng: Thôi em ơi, đừng khóc, vô ích!

Tiếng chú Cuội: Khóc một tí cho hả cũng đỡ!

Tiếng nạng lại lọc cọc gõ trên nên gạch. Hùng ra, tay xách phích nước sôi, lẳng lặng đổ vào bình trà, mắt liếc nhìn Mống và Thược, đầu gật gù.

Tiếng chị Hằng: Dẫu thế nào thì cũng phải giữ cái khả năng mơ ước!

Tiếng chú Cuội: … và khả năng biết sợ!

Tiếng chị Hằng: Thược, em nói đi.

Thược: (vội vàng) Tôi mơ? Bây giờ mơ gì được hả chị Hằng? Hay là, hay là tôi mơ có một kiếp sau để bù cái kiếp này cho công bằng?

Thược ôm mặt khóc rấm rứt.

Tiếng chú Cuội: (thương hại) Còn chú mày!

Mống: (nghẹn ngào) Tôi sợ làm người lắm rồi. Phải lòng là khổ. Rồi trăm sự lo toan.

Tiếng chị Hằng: Vì thế phải biết ước mơ!

Mống: Tôi mơ, phải, tôi phải biết ước mơ. Tôi mơ cả nhà tôi không lo đói từng ngày!

Tiếng chú Cuội: Nói thật nhé. Dối là ta kéo lên gốc cây đa trên cung Trăng này đấy! Thế, chú mày?

Hùng: Còn tôi, tôi mơ có lại được cái chân trái. Sợ, thì tôi sợ đi lính lắm rồi!

Tiếng chị Hằng thở dài.

Tiếng chú Cuội: Chúng nó nói thật cả. Thôi ta đi chị ạ! Cuội này chắc muôn đời lẻ loi với chị.

Giọng Mống, rồi Thược, rồi Hùng:

    – Không, chúng tôi nói dối hết. Cho chúng tôi lên cung Trăng với…

Mây bay qua che mặt trăng. Bóng tối phủ xuống.

IV  TÀ  TÀ  BÓNG NGẢ …

Vào những năm 90, bỗng nhiên người trong nước liên lạc với quyến thuộc Việt Kiều ở mọi nơi, nhất là ở Mỹ và những nước Tây Âu. Ở làng Nghi Dương, con cháu hai họ Vũ – Ðặng bắt chước cả nước đề ra cái sự xây lại Tổ Ðường, làm theo đúng khẩu hiệu KIÊN QUYẾT GIỮ GÌN TRUYỀN THỐNG và SỐNG NẾP SỐNG VĂN MINH ÐẬM ÐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC.  Họ lập một danh sách, tìm địa chỉ, và gửi thư đến những gia đình hai họ đang sống ở hải ngoại. Ông Hùng được trao nhiệm vụ viết thư, thảo ra chương trình xây dựng, điều hành mọi việc «để các cụ mát lòng nơi suối vàng». Vốn đã quen với việc tổ chức, nguyên Thư ký Công Ðoàn xí nghiệp thuộc da số II ở Hải Phòng bắt tay vào là hội, là họp, nhất trí rồi thông qua, rất có qui củ. Vấn đề đầu phải khắc phục là tìm đâu ra tiền tem. Ông bảo «… coi như là tiền đầu tư. Một vốn bốn mươi nghìn lần lời, còn muốn gì!». Theo đúng nguyên tắc dân chủ tập trung, ông Hùng thu tiền lập công quỹ để mua tem, giấy viết thư và phong bì. Ðịnh loại «thu nhập» trên  khả năng đóng góp của quyến thuộc ở hải ngoại, ông đề ra số thư phải gửi, gửi cho ai, ai viết, thậm chí viết gì, tất cả đều nhất nhất dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa do Nhà Nước xướng ra. Trong số những người ở California, có bà Lụa, hai đứa con thì một là bác sĩ, một có cửa tiệm bán áo cưới trên Bolsa, ngay thương xá Phúc – Lộc -Thọ. Bà Lụa được xếp vào hạng nhất, và chính ông Hùng tự tay viết cho bà một bức thư, trong đó có một đoạn viết rất cảm động. Thật là thiếu xót nếu không trích lại hầu quí bạn:

«… tôi  ngày nào vẫn thế, dĩ nhiên là già đi, nhưng thời gian chẳng xóa nổi cái đêm xưa nơi bờ ao, kỷ niệm không thể nào quên trong một đời người…  Ngày nào Lụa về? Bây giờ Kiều bào ta qua lại, không khí cởi mở, và giờ đoàn viên đã điểm. Không về thì bao giờ mới thấy nhau đây? Cóc chết ba năm còn quay đầu về núi, nên cái hy vọng ngày được gần nhau tất phải có… ».

Quyến thuộc nhận được thư nhà, xem ra cái chương trình «Ðể các cụ mát lòng nơi suối vàng» cũng không đắt đỏ gì. Thế là họ xúm nhau vào, kẻ vài ba chục, người năm bảy trăm, một hai ngàn đô  đóng góp để mua gạch, quét vôi, sửa sang bàn thờ… Tất cả đều có giấy tờ kết toán minh bạch, và nếu có lời ra tiếng vào, là chỉ với người trong nước trong làng với nhau. Sau khi chụp ảnh đủ kiểu những ngôi mộ Tổ đường được trang điểm lại, người trong nước gửi giấy mời người ngoài nước về lễ lạc. Ðó là dịp bà Lụa quay về Nghi Dương sau ngót nghét năm mươi năm xa cách, sau di cư, sau  di tản, rồi vượt biển, H.O, đoàn tụ… Những danh từ đó cõng trên lưng những cái đích thời gian, cái nào cái nấy luôn luôn có một cụm từ «Ôi, cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!» đệm vào như  những tiếng đại hồ cầm giữ nhịp cho một bản nhạc nhàm tai.

Những nhân vật ở tuổi mơ gặp lại nhau vào lúc tà tà bóng ngả về Tây. Lại xin nhắc:

GÁI 1, tức là bà Thược bây giờ, lưng còng, tóc bạc, đầu nay quấn một cái khăn lụa màu nâu, người gầy gò, đi đã có dáng lẫm chẫm.

TRAI 1, tức là ông Mống. Cháu đích tôn ông mới sinh ra một đứa gái nay biết bò. Ông đã lên hàng cụ nhưng trông vẫn khỏe, chỉ tội  móm mém, mắt trông gà hóa guốc.

GÁI 2, tức là bà Lụa. Bà mới gần sáu mươi, mặc quần tây, áo thun, tóc nhuộm màu đen có chút hung hung đỏ, mặt đánh phấn, môi thoa son đỏ, mắt kẻ chì tím biếc.

TRAI 2, tức là ông Hùng. Trái với ước mơ lần cách đây hai mươi năm, ông vẫn mất một cái chân trái. Tuy thế, ông có cây nạng tân trang, dưới có lót cao – su nên tiếng chống trên đất không lọc cọc như xưa. Ông đeo kính lão xị xuống sống mũi, tóc hoa râm, mất răng cửa nên khi nói ông đưa tay lên che miệng.

Trong sân xưa, vẫn ánh trăng lung linh mơ hồ phủ lên tàn lá cây đa cổ thụ.  Ven bờ ao, họ ngồi trong tiếng dế nỉ non, thỉnh thoảng lại thở dài nhè nhẹ.

Lụa: Mai đi, tối nay mới có thì giờ ngồi chuyện trò với nhau một tí nhỉ…

Hùng: Thì bộn bề mọi việc. Người nhà hai họ về có đến gần trăm, kể cả trẻ con. Có ai ngờ năm mươi năm trước là có người nhà về từ Mỹ…

Lụa: (cười) Nhanh thật. Bác Mống bây giờ có cháu gọi bằng cụ. Cụ Mống (lại cười) chứ không còn là anh con giai mũi thò lò cứ nhấp nhổm chạy theo chị Thược…

Hùng: (bạo dạ, bông lơn) Như tớ chạy theo đằng ấy…

Lụa: … Cứ dối như Cuội. Ngày xưa tôi lên Hải Phòng định di cư với gia đình ông, ông chẳng nguây nguẩy, ý đuổi tôi đi là gì (buồn buồn). Thế là tôi leo tầu Há Mồm, đi thì đi… Có ai ngờ là cả nhà ông kẹt lại. Vào Nam tôi mò mãi mới ra ông Mống… Từ đó, đúng là thân gái dặm đường, (giọng ấm ức) nghĩ lại mà tủi thân (khóc thút thít).

Ông Hùng  đưa tay ra định quàng vai, ngập ngừng rồi thôi, rụt tay lại. Im lặng. Tiếng ếch kêu váng lên. Chó sủa ăng ẳng .

Lụa: Lấy chồng, rồi chôn thế là ba lần. Hai lần đầu chồng chết trận. Lần cuối thì chết vì đứng tim. May mà không lấy ông (nhìn  ông Hùng), chứ số tôi sát lắm, biết đâu lại chẳng chôn ông đến ba lần…

Hùng: (nghĩ trong bụng, may thật, nhưng mồm lại nói với giọng bất cần)  Chết thì thôi. Sợ gì!

Lụa: (cười nhạt) Sợ gì? Sợ ma chứ sợ gì. Không nhớ à, ngày tôi mới mười sáu, tôi cũng ngồi đây cạnh ông, hệt như thế này. Ðom đóm bay làm ông kêu lên là ma rồi ông bỏ ông chạy… (chợt cười ngặt nghẽo). Tôi bảo thật, tôi mới là không sợ gì chứ ông, cái gì ông cũng sợ. Sợ quá nên mơ có súng, cứ tưởng là lính thì hết sợ…

Hùng: (ngượng ngập, nói lảng) Mà này, ông Mống với bà Thược hẹn lâu rồi sao vẫn chưa thấy nhỉ? Có cả bốn đứa chúng mình thì chỉ còn đêm nay thôi…

Ðến lúc đó, tiếng trẻ hát lên:

                       Bóng trăng trắng ngà.

                       Có cây đa to. 

                       Có thằng Cuội già. 

                       Ôm một mối mơ.  Ôm một mối mơ …

Tiếng chó sủa rồi tiếng xuỵt chó. Tiếng chân. Mống vào.

Mống: Bà Thược bà ấy dạy hát cho mấy đứa bé. Hôm nay là ngày rằm mà.  Bài hát lâu rồi tôi không thuộc nữa, nghe lại làm sao cứ buồn buồn thế nào ấy.

Lụa: Bác bây giờ con cái cháu chắt cả nhà có lẽ đến ba chục mạng. Bác lập ban nhạc hợp xướng được rồi đấy (cười, hát nho nhỏ) «Có con dế mèn. Hát trong đêm thâu. Hát xẩm không tiền. Nên nghèo xác xơ. Nên nghèo xác xơ.»

Mống: Ấy, họ nhà tôi đa đinh nhưng nghèo thì cứ nghèo, cô ạ! (Nửa đùa nửa thật) Ðội ơn cô, cô làm sao bốc được một đứa sang Mỹ. Nó có tay có chân thì nó có làm có ăn, gửi tí tiền về là đại gia đình có đồng ra đồng vào, chứ cứ mãi thế này thì cứ bữa sáng xong là lo bữa tối.

Hùng: Ðấy là miền Nam. Miền Bắc thì có kế hoạch hơn…

Thược: (đi vào) … vâng miền Bắc tiến bộ hơn hẳn nửa ngày. Cứ bữa tối thì lo bữa sáng hôm sau. Ðược cái là «sĩ» lắm, nên lo mà không nói…

Lụa: (làm ra vẻ xuề xòa) Ấy lo thế mà lại có cái hay. Như em, ăn no là chỉ lo béo. Bọn Mỹ nhiều đứa ô – bi – dơ, phì ra trông hãi lắm.

Hùng: (đổi giọng, khẩn khoản) A… a… có mặt hai bác, tôi xin trình bày ngay với cô Lụa. Việc cô giúp xây lại Tổ Ðường, ai cũng biết ơn. Nhưng nhân dịp cô về, dân cả làng lại có đề nghị xin cô giúp cho đào cái giếng. Cô về cô thấy, việc nước là việc làng phải lo. Giờ người đông, tiểu tiện đại tiện thành quốc nạn, nước bẩn đến độ không dám giúng tay vào rửa chứ đừng nói là uống, là ăn. Chúng tôi có điều nghiên cái đề án đào giếng gạn đục khơi trong, tốn kém chỉ độ chưa tới nghìn đô. Trên thành giếng gắn một bảng công đức bằng xi – măng, thì thêm năm chục…

Thược: (gắt) Cứ xin mãi thế thì một cô Lụa chứ mười cô Lụa cũng chẳng chịu nổi…

Hùng: (sẵng) Bà chị nay ở hẳn Hà Nội nên không nắm tình hình chứ từ ngày hưu, tôi về đây thì thấy rõ nhu cầu bức thiết của dân làng ruột thịt…

Lụa: (cười) Em cũng thấy. Cái áo sơ mi trắng em giặt, nó hóa ra màu vàng xỉn. Thế là cô cháu xin, cho ngay. Cái quần din loại vải mềm cũng giặt, nó thành ra cứng như tôi hồ, lại cũng cho. Cho hết, cho từ Nam ra Bắc. Bây giờ em chỉ còn bộ này trên người, bị lột nữa là trần xì…

Hùng: (nhỏ nhẹ) Nói là đóng góp bằng đô, chứ quần áo… thì cô cứ giữ một bộ mà mặc.

Mống: (giọng quan trọng) Tôi là phó thường dân nói không ai nghe, chứ chú, chú nói với «trên», cứ bảo cho một phần ba người nước ta đi Mỹ, thế nào mà chẳng nuôi được hai phần ba người ở lại…

Hùng: (thì thào) Anh không biết, «trên» có tính toán hết. Mỹ cho người Việt mình thông minh, lại chịu khó nên nó kỳ kèo lấy một nửa, không thì thôi. Vì thế nên vẫn điều đình đấy…

Lụa: (cười) Thôi được rồi. Mai em đi, không sẵn tiền nhưng xin có một lời hứa. Chả là em có quen một ông Thượng Nghị Sĩ, rồi cháu trai nhà em  lấy vợ Mỹ lại là con một tay tỷ phú ở Texas, nên chuyện đào giếng là chuyện nhỏ, muốn mấy chục cái cũng được… Còn cái bản công đức thì làm bằng đồng nó mới bền vững với thời gian, nhớ đề tên thì để cả tên thầy bu em với.  Không có các cụ, làm gì có em…

Hùng: (xoa tay) Nhất định, nhất định. Thế là truyền thống đấy. Mai tôi điện ngay lên Huyện báo. Thế nào Huyện cũng có xe nhà nước đưa cô ra Hải Phòng. Cánh cán bộ viên chức chúng tôi lúc nào cũng làm ăn tập thể cả…

Mống: Cho tôi đi với. Gớm, hai hôm trước đi xe hàng vào chỉ có năm mươi cây số mà mất nửa ngày. Tôi đi với hai cháu, có chật quá không?

Thược: (hừ một tiếng) Bác ạ, bác trước sau như một! Chật đứt đi chứ sao lại không? Bác quả là một nhân vật trong tiểu thuyết. Xưa tôi ước mơ tôi sẽ là một nhân vật tiểu thuyết. Trớ trêu sống cho đến ngày nay, tôi mới thấy cái mơ ước của tôi đã thể hiện qua những người bạn tuổi mơ (nhìn Lụa, rồi nhìn Hùng). Mỗi người đây là nhân vật của một cuốn tiểu thuyết … (ngẫm nghĩ)  Thế mà tôi như trên cung Trăng, lúc thì tôi mơ là Loan của Nhất Linh, khi thì tôi lại tưởng đang trong vòng tay anh Vọi của Khái Hưng (nhìn Mống, chặc lưỡi). Trên trái đất này, chỉ nhìn cho kỹ là đầy những nhân vật tiểu thuyết…

Bỗng nhiên, gió ù ù thổi. Ở gốc cây đa, không biết ai đã bắc một cái thang.  Mây che, ánh trăng bỗng nhòa đi, xầm xuống.

Tiếng chú Cuội: Ðúng là có mặt cả! May mà có đứa nhắc đến cung Trăng, tôi máy mắt mới nhìn xuống. Nghe đâu là mai  chúng nó lại đi  hết, chị muốn chuyện gì thì hỏi ngay…

Tiếng chị Hằng: Lại có đủ bốn em của chị, các em còn nhớ cái buổi tuổi mơ chứ nhỉ?

Ðồng thanh: Dạ nhớ!

Tiếng chú Cuội: Thế là đủ cả chúng mày! Năm mươi năm qua, chúng mày có dối trá gì không?

Im lặng.

Tiếng chú Cuội: Trả lời đi! Có lỡ dối thì chỉ một lần nói thật, Trời Ðất cũng tha tội, nghe chưa? Sao, chúng mày có dối trá gì không?

Ðồng thanh: Dạ không!

Tiếng chú Cuội: Láo! Láo thật! (thở dài) Chúng mày không nói thật thì đến đời nào tao mới về được với nhân gian! Chẳng lẽ cứ mang mãi cái mối mơ này đời đời kiếp kiếp? (gằn giọng) Tao cho nói lại, nói cho thật, chúng mày có dối trá gì không?

Lụa: (vội vã)  Riêng em thì em có dối trá, nhưng chỉ đúng một chuyện. Em năm mươi chín tuổi, em cứ giảm một chục cho chẵn, ai không biết hỏi tuổi là em bảo em cũng sắp năm mươi…

Tiếng chị Hằng: … tội cho em tôi! Như chị không có tuổi nên chẳng phải nói dối. Với lại, dối thế vô hại… Thôi nhé, xí xóa. Ðể cái chuyện chú Cuội sang một bên, chú ấy lên đây với chị thì chị cũng đỡ buồn. Bây giờ chúng mình lại gợi chuyện xưa, cái chuyện ước mơ ấy mà…

Tiếng chú Cuội: Với lại chuyện sợ nữa. Cấm nói dối nhé! Dối là ta đem chúng mày lên đây hết, đời đời kiếp kiếp ngồi gốc cây đa này, trắng mắt ra mà ngó thế nhân…

Tiếng chị Hằng: (giục) Nào, nói đi!

Thược: (lẩm bẩm) Lúc bé ước về nhà ở Hà Nội, thanh xuân thì  mơ thành một nhân vật tiểu thuyết, rồi hai mươi năm sau mơ có một kiếp sau. Bây giờ (luống cuống), bây giờ…

Tiếng chị Hằng: Mau lên nào!

Thược: Bây giờ (buột miệng), em mơ lên cung Trăng! Lên như Phạm Tuân đi tầu vũ trụ ấy, làm thí nghiệm nuôi bèo hoa dâu trong không gian cũng được!

Mống: Tôi cũng thế, cho tôi theo với. Xưa tôi đã nói rồi, tôi ước mơ được sống với người tôi phải lòng mà…

Hùng: (ngẫm nghĩ) Ở trên cung Trăng mà không cần cái chân trái thì tôi cũng đi lên…

Chú Cuội: Không cần! Vì chỉ ngồi gốc cây đa thôi, mất hai chân cũng chẳng sao. Thế còn mày…

Lụa: Thật khó cho em. Nói ra chỉ sợ các anh, các chị mích lòng. Em sống ở bên Mỹ quen rồi, cứ đi đâu lạ giường lạ chiếu là khó ngủ… Với lại, em thưa thật, hai năm sau ngày chồng em mất, em có quen với một người… tốt bụng và có hứa là…

Hùng: (giọng van vỉ) Thế cái tình xưa thế nào? Ở tuổi mơ, em bảo em muốn lấy thằng này (vỗ ngực). Ðến độ thanh xuân, em cũng bảo em muốn lấy thằng này (vỗ ngực). Bây giờ em định lấy thằng khác thì… khổ cho thằng này (vỗ ngực) quá đi!

Lụa: (thở ra) Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở!

Thược: (reo) A, thế cô Lụa cũng thuộc thơ lãng mạn nhỉ…

Mống: Người làng, lại họ gần họ xa. Thôi cô cùng lên cung Trăng cho vui.  Nhất là lên đó thì sống đời đời kiếp kiếp chứ bên Mỹ, sống có thọ thì rồi cũng chết. Mà chết là hết!

Lụa: Ờ nhỉ! Thế thì được. Em theo các anh các chị vậy… (nhìn Hùng) Ðằng ấy xưa chê tớ, bây giờ thì đến lượt tớ chê lại trả thù (cười khanh khách). Nhớ đấy!

Ông Hùng thở dài, mắt nhìn cái chân cụt .

Tiếng chú Cuội: (giọng bực dọc) Chúng nó đòi lên cung Trăng thì làm sao phân biệt được dối trá với thật thà hả chị Hằng. Muốn lên, chúng chỉ việc nói dối. Thế thì bao giờ tôi mới được về với nhân gian hở chị?

Tiếng chị Hằng: (lẩm bẩm) Ờ nhỉ! Nếu chúng thực tình muốn lên cung Trăng thì chúng phải nói chúng muốn ở lại Trái Ðất. Ngược lại, khi chúng nó bảo chúng nó không muốn lên cung Trăng thì… Ối giời ơi, thế là cứu cánh biện minh cho phương tiện. Quen thói, không còn cứu cánh, chỉ có phương tiện… Chú Cuội ơi, chú làm ta hóa ra đa nghi. (chép miệng) Ða nghi mà không có phương pháp suy luận tìm ra đen ra trắng thì khổ lắm, chả biết bám víu vào đâu để biết  bất cứ một cái gì cả…

Chú Cuội: (cười khẩy) Ða nghi thế thì chỉ cứ bám vào tư lợi là sống. Chị con gái nhà lành, hẳn chưa biết thói đời dưới trần thế là vậy. Mà thôi, còn cái sự sợ. Bây giờ, đến lượt tao. Chân trước chân sau là về với các cụ dưới suối vàng, chúng mày bây giờ sợ gì…

Lụa: Em vẫn như ngày còn bé. Em sợ ma.

Tiếng đồng thanh: Sợ ma? (cười ồ) Trẻ con thế à?

Lụa: (giọng phân bua) Thời thanh xuân, em muốn lấy thằng này (tay chỉ ông Hùng) vì sợ là khi chết làm ma không chồng. Mới lại, nói tình thật thì em muốn ra tỉnh, ở nhà quê lúc đó khổ quá. Thế rồi anh chị biết đấy, số em là cái số vất vả đường chồng. Chết một, lại lấy một. Rồi lại chết, lại lấy. Rồi lại chết vì máu nhồi cơ tim, bất đắc kỳ tử. Cộng lại là ba. Cứ thỉnh thoảng em năm mơ thấy cả ba ông chồng cùng về. Một đứng ở chân giường, hai đứng hai bên, cứ nhìn em hau háu. Lạ một cái là họ chẳng ghen tuông gì với nhau, ai nấy cứ thò tay vào giường sờ xoạng rủ rê em. Kiểu làm ăn tập thể thế này, sức em thì chỉ đôi ba ngày là rũ ra ngay, nên em hãi lắm…

Tiếng chú Cuội: (cười mũi) Con bé này nói thật. Thế còn chúng mày?

Tiếng đồng thanh: Sợ thì không sợ ma. Nhưng bây giờ sợ người lắm rồi!

Tiếng chú Cuội: Cho chúng mày nói lại, và phải nói thật. Nói dối thì…

Tiếng đồng thanh: Chúng tôi sợ người lắm rồi!

Bóng trăng bỗng lu đi. Mặt trăng như bị gậm dần.

Tiếng bà Thược «Nguyệt thực! Nguyệt thực đấy».

Tiếng bà Lụa «Trăng trông như cái Big – Mác cắn dở!»

Tiếng ông Hùng «Ông Mác viết Tư Bản Luận thì chết rồi! Big – Mác là tên ai? Chắc lại thêm một cái thằng hứa hẹn gì đấy phải không?»

Tiếng ông Mống «… ghen với tuông! Big – Mác là cái bánh hăm – bơ – gơ ăn được thật đấy! Ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có cái cửa hiệu lấy tên Mác – Ðô bán… ».

Trăng lại sáng và gió lồng lộng thổi bốc lên cao, tiếng ào ào đẩy xuống dưới. Cả bốn người bay lên, bay lên. Chị Hằng bảo Cuội «Chúng nó lên đây thì lại có vấn đề ruộng đất trên cung Trăng  đấy!». Chú Cuội thì thào «Chúng nó bay lên có nghĩa là chúng vừa nói nói dối? Tôi vẫn chưa tin, để xem!»

Gió ù ù thổi ngược. Bốn nhân vật nhỏ bé níu lấy nhau, tóc tai dựng đứng, mắt  nhắm tịt. Cứ thế, họ tiếp tục bay lên, áo quần phất phơ trong ánh trăng lúc một chói chang.

Tiếng chú Cuội: (chán chường) Thế có nghĩa là chúng vẫn cứ dối trá! Cũng chỉ vì chúng tham cái chuyện bất tử! Chúng có biết đâu thế  là không còn thời gian vì không có cái chết. Không bao giờ chết thì bao nhiêu chuyện hóa ra vô nghĩa tuốt. Nào là yêu, là ghét, là hờn ghen, giầu nghèo…

Tiếng chị Hằng: Không có cái chết thì sự sống là cái gì?

Tiếng chú Cuội: … là thảm kịch! Không, không phải! Nó chả là cái gì cả …

Mặt Trăng cứ thế to lên, nay dễ bằng cái nia. Trong cõi hỗn mang hư thực, khán giả nghe tiếng ông Hùng nói «Chết, chưa xin Ủy ban cái giấy công tác». Tiếng ông Mống «Chẳng biết hai đứa cháu về Sài Gòn thế nào đây?».  Tiếng bà Lụa «… bay vù vù thế này mà chẳng có chiêu đãi viên hàng không như American Airline!».

Thược: (mở mắt, giọng hoảng hốt) Eo ôi, nhìn xuống mà xem! Trái đất bay giờ nhỏ như hòn bi ve. Hà Nội chắc to bằng cái chấm…

Hùng: (hát, khàn khàn) Ta đi giữa trời Hà Nội rực rỡ mến thương. Ðường ta đi Ba Ðình lịch sử… Ðường Cách Mạng… 

Lụa: (réo lên) Em chẳng thích bài hát ấy đâu. (cất tiếng hát) Hà Nội ơi, nhớ về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo mầu theo gió chơi vơi…

Mống: (hốt hoảng) Đi lên Mặt Trăng thế này có phải là vượt biên không? Vượt biên vũ trụ chuyến này nếu mà chậm lại đợi khi nước ta đổi mới thông thương hội nhập với thế giới thì đỡ lo biết mấy! Mà này, ngộ nhỡ bị công an bắt thì có đi cải tạo không? Gia đình có liên can trách nhiệm gì không, hả chú Hùng?

Hùng: (quả quyết) Có đi đứt đi chứ! Cán bộ đảng viên như em thì lại thêm kỷ luật Ðảng nữa, eo ôi! Bác nhắc em mới nhớ ra, làm sao bây giờ hả bác?

Thược: (lạnh lùng)… làm sao cũng chẳng làm sao. Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi…

Lụa: (cười ngặt nghẽo) Ðằng ấy lại sợ rồi hẳn? Sợ thì cứ nép vào đây (mở rộng hai tay, cười) cho có bầu có bạn nào…

Mống: … làm sao đây? Chị Thược ơi, chị tính thế nào?

Thược: (ngập ngừng) … thì về vậy! Nhưng bây giờ chân đạp vào khoảng không, làm sao lấy đà? Hãi thật, đúng là hư vô!

Hùng: … Về thì tất cả nhất trí cùng về, bỏ rơi đồng đội mà không lý do chính đáng là trọng tội với dân, với Ðảng! Chúng ta cùng nhau đặt vấn đề lên cấp trên nhé?

Lụa: (lại cười) Cấp trên của đàng ấy có phải là Trời đâu! Nói dối thì lên cung Trăng, bây giờ cứ nói thật thì lại về trái đất, có khó khăn gì!

Rồi tiếng bà Thược rên rỉ như thuở ấu thơ « …Em muốn về nhà, chị Hằng ơi!».

Ðáng lẽ ra thì nên để cả bốn bay lên cung Trăng, chỗ còn thưa thớt người trần. Nhưng không được. Khán giả thân yêu của vở kịch không biết ngày nào mới được trình diễn này, đến đây là lúc chúng ta cùng nghe tiếng rú của cả bốn nhân vật:

Cho tôi với! Cứu tôi với!

Tiếng rú vang vọng trong không gian con người. Không gian đó chỉ có ba chiều nhìn được, và một chiều, chiều thứ tư là thời gian bị che lấp bởi một vòng vô minh vì lòng tham, tham đến độ huyễn hão mơ ước mình bất tử.

Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Hình như tiếng kêu cứu não nùng nào cũng  là tiếng kêu thật. Thật được một lần, Trời Ðất thôi không bắt lên cung Trăng  khiến cả bốn nhân vật của vở kịch này lại rơi tuột xuống trái đất vẫn cứ lừ đừ xoay vòng. Họ lại ngồi lại trong mảnh sân xưa, có cây đa gần bờ ao, dưới vẫn bắc một cái thang. Dưới chân thang, chú Cuội ngồi đó, đã đổi sự bất tử để hình thành mối mơ sống một cuộc sống thế gian, có dối, có thật, với đủ thể loại bi hài rất chi là con người.

Trăng vẫn là trăng. Trái đất vẫn là trái đất. 

Khi cùng nhau lên cung Trăng thì tất là bốn nhân vật của chúng ta đều nói dối, dối như Cuội. May thay, bốn nhân vật của chúng ta biết kêu cứu đúng lúc. Cứu được hay không, và cứu thế nào đều tùy họ cả. Có lẽ ít nhất không dối mình thì chẳng đến nỗi lúc nào cũng cứ phải sợ người. Từ đó mới có thể thật với nhau. Dầu gì chúng ta cũng phải sống chung, và không thể cứ sống mãi trong dối trá. Ðơn giản thế đấy! Ðơn giản thế thật. Vì nay mối mơ Cuội đã gặp một đoạn kết có hậu: Cuội ở đâu đó trong cái nhân gian đầy oái oăm nhưng sao ta lại gắn bó đến thế này!

Màn hạ

Comments are closed.