Lại… suy nghĩ về sách Việt hải ngoại

T.Vấn

clip_image001

Ảnh (Nguồn: gacsach.com)

Tôi đọc “Vài suy nghĩ về sách Việt hải ngoại” của tác giả Trịnh Bình An trên DCVonline.net bàn về hiện tại, tương lai của sách Việt Nam tại hải ngoại mà cảm thấy thật ái ngại cho những người in sách để bán, để cho, hoặc chỉ để làm kỷ niệm… sự nghiệp viết lách của mình trước khi nhắm mắt về cõi với niềm an ủi rằng, ít nhất mình cũng có một chút gì để lại cho đời… sau.

Nhân những cảm nghĩ còn tươi trong đầu, tôi cũng có đôi dòng viết… leo theo bài của Trịnh Bình An.

Tôi là người cũng có chút đỉnh… viết lách, nhưng chưa có sách in xuất bản, không có sách in xuất bản, cũng không hề có ý định in sách để bán, để cho, để làm kỷ niệm, nên tôi không dám bàn về “phe người viết” (tức phe in sách theo như trong bài của Trịnh Bình An).

Tôi chỉ góp ý về phe người đọc, vì tôi là là một thành viên của phe này.

Theo như Trịnh Bình An, thì tôi thuộc về phe mà số người càng ngày càng ít đi. Số người phe đọc này, càng ngày càng ít. Tại sao?

Tôi biết tại sao, Trịnh Bình An ạ!

Hãy nói về: Ít người đọc sách.

Đúng thế! Những người vốn có thói quen, một ngày không đọc một chút gì thì không thể chịu được, nay họ đã có thứ khác để thay thế, tiện lợi hơn sách (giấy), đỡ tốn kém hơn sách (giấy). Đó là sách điện tử.

Với cái máy tính bảng (tablet), cái Ipad, cái điện thoại thông minh (smartphone), người đọc có thể đọc bất cứ thứ gì mình muốn với chỉ vài động tác múa ngón tay. Sách loại nào cũng có, xuất xứ trong nước hay hải ngoại cũng có, và có thể nói hầu như hoàn toàn miễn phí.

Nhưng cũng phải thành thực thú nhận rằng, cách đọc (sách) kiểu này không có nhiều… chất lượng. Đọc nhanh, đọc vội, để còn đọc thứ khác, vì có nhiều thứ để đọc quá. Và loại để đọc, phải là những bài viết ngắn (dù ở bất cứ thể tài nào), chứ dài quá, người đọc cũng ngần ngại không muốn bấm vào. Thế thì nói gì đến một cuốn sách vài trăm trang, hay cả ngàn trang. Nhà văn Khuất Đẩu đã tự mình thử nghiệm và kết quả ông rất thành công với loạt bài “Những trang viết ngắn” gồm những bài viết dài không quá 2 hoặc 3 trang đánh máy. Nhưng để thành công như Khuất Đẩu không phải dễ, vì viết càng ngắn, để cho hay, thì càng đòi hỏi người viết khả năng cô đọng, khả năng kiệm chữ.

Sự kiện ít người đọc (sách), không chỉ xảy ra ở hải ngoại. Tôi tin rằng, ở trong nước, với gần 90 triệu dân, tình trạng cũng không khá hơn. Một mặt, sách báo trong nước khô khan, buồn tẻ, vì chế độ kiểm duyệt hà khắc. Mặt khác, cũng như hải ngoại, người trong nước (bao gồm những người mỗi ngày phải đọc chút gì đó) ngày nay cũng đã có nhiều cơ hội đến gần với các phương tiện thông tin hi-tech, mà chiếc điện thoại thông minh là vật thông dụng nhất. Người đọc (hiểu theo nghĩa sử dụng kỹ thuật hi-tech) đã ngày càng đông đảo và làm giảm hẳn số người đọc (sách) theo nghĩa thông thường.

Hãy vào một tiệm cà phê. Ngày xưa, người vào quán thường đem theo sách, báo để vừa ngồi nhâm nhi cà phê, vừa đọc. Ngày nay, người vào quán cà phê (cả ở hải ngoại lẫnViệt Nam) cũng vừa nhâm nhi cà phê, vừa đọc, nhưng mà đọc tin tức, đọc bình luận chính trị, văn học, đọc thơ truyện từ chiếc máy tính bảng, Ipad và nhất là chiếc điện thoại thông minh, vật bất khả ly thân của hầu như rất nhiều người bây giờ. Thêm nữa, phương tiện nối thế giới ảo Wi-fi chỗ nào cũng có, phần lớn miễn phí. Vào một quán ăn, quán cà phê (cả ở Việt Nam), người ta thấy ngay thông tin để nối mạng Wi-fi đã viết sẵn trên tường, hoặc trên bàn.

Cũng không thể không nói đến phong trào “chơi Phây” (Facebook) hiện rất thịnh hành. Nhà nhà Phây-Búc. Người người Phây-Búc. Trong một gia đình bình thường, có thể nói mỗi người đều có riêng một cái điện thoại thông minh. Dùng điện thoại để liên lạc với nhau thì đương nhiên rồi. Nhưng với mỗi cái điện thoại thông minh thường đi kèm một tài khoản Phây-Búc cho người chủ. Bất kể người chủ ấy là bà cụ già trên 60 tuổi đã về hưu hay cô cậu học trò còn ngổi ghế nhà trường (tiểu học). Tôi không dài dòng với những tiện lợi của Phây-Búc ở đây (mặc dù bản thân tôi không hề có một tài khoản Phây-Búc nào, chỉ coi ké qua tài khoản của bà cụ thân sinh ra các con tôi). Phây-Búc bây giờ không chỉ bao gồm những gì thuộc về cá nhân, gia đình, bạn bè riêng tư nữa. Mà từ Phây-Búc, người ta đọc tin tức, đọc sách báo, xem youtube, v.v.

Vậy còn thì giờ đâu cho sách (và báo giấy)? Vả lại, một ngày vừa làm việc, vừa mở điện thoại ra “đọc”, rồi khi ăn cũng mở điện thoại ra “đọc”, suốt ngày đọc, về đến nhà ai còn nhu cầu cầm một quyển sách lên đọc để cho đỡ “ngu” nữa?

Cho nên, hiện tượng người đọc (sách) ngày càng ít là có thể hiểu được. Mà người đọc (sách) Việt (ở hải ngoại) lại còn ít hơn nữa.

Vậy, số người mua sách còn lại bao nhiêu trong số người đọc (sách) ít ỏi đó?

Tình cảnh bi đát của phe in sách báo (giấy) không chỉ riêng trong giới viết lách tiếng Việt, mà còn của toàn thế giới. Hãy lấy thị trường sách báo ở Mỹ làm điển hình. Trong số rất nhiều những tạp chí nổi tiếng một thời ở Mỹ, nay chỉ còn lại tờ tuần báo (giấy) Time ráng sức cầm cự. Các tờ nhật báo lớn (USA Today, Washington Post, New Yorker…) số in ấn hàng ngày đã giảm đi đáng sợ, họ đang tìm cách lôi kéo độc giả vào đọc báo online với giá rất rẻ để đền bù thu nhập thâm hụt bên báo giấy. Số phận các tờ báo ở các địa phương, ở khắp các tỉnh thành trên nước Mỹ cũng không khá hơn, có khi còn thê thảm hơn nhiều. Tờ tạp chí Playboy, với đề tài muôn thuở phục vụ cho niềm vui nam giới, tưởng chừng sẽ sống mãi ngàn năm nhưng hiện nay số độc giả giảm sút quá lớn, khiến lỗ lã nhiều năm liên tiếp. Ông trùm tạp chí là Hugh Hepner đã phải rao bán tòa lâu đài rộng hơn 22 ngàn bộ vuông của mình kèm theo điều kiện là chủ nhân mới của lâu đài phải bằng lòng cho ông ta được phép ở lại nhà cho đến khi chết. Không phải đàn ông ngày nay không muốn xem Playboy nữa, mà vì thế giới ảo cung cấp nhiều thứ “ngon lành” hơn những gì Playboy đã và đang cung cấp, nên ông trùm và những Bunnies của mình phải lao đao.

Càng xem xét những thực tế về phía “phe đọc sách”, càng cảm phục những người vẫn sẵn sàng hy sinh để tìm cách làm phong phú thêm thị trường sách báo với những mục đích vô vị lợi như nhà văn Trần Hoài Thư, nhà báo Uyên Thao.

Trịnh Bình An còn bàn về việc in sách và bán sách với mạng lưới buôn bán lớn nhất thế giới ảo Amazon. An cho biết, việc in và bán sách ngày nay đã rất tiện lợi, chỉ cần mở một tài khoản với Amazon, rồi layout trên khuôn có sẵn của Amazon. “Khi nào có người muốn mua sách, anh báo tin cho Amazon biết, thế là Amazon gởi thẳng về địa chỉ của người mua. Tiền thu được từ bán sách, sau khi trừ hoa hồng (không nhiều lắm) sẽ được Amazon gởi về cho tác giả. Thật gọn gàng, nhẹ nhàng…”.

Nhờ Trịnh Bình An, tôi mới vỡ lẽ.

Đọc trên net, thấy nhiều người quảng cáo sách của mình được hệ thống phân phối lớn nhất thế giới Amazon bày bán trên kệ với mục đích làm tăng thêm giá trị (ảo) sách mình viết, cảm tưởng của tôi về họ trước đây là kính sợ, bây giờ thì chuyển sang tội nghiệp.

Mà nếu thật như thế thì tội nghiệp quá! Mà tội nghiệp nhất – theo tôi – là chữ nghĩa, tài sản chung của dân tộc (Việt).

Đừng tưởng con chữ không biết đau khi bị bắt làm thân Thúy Kiều.

T.Vấn

Comments are closed.