Nghệ thuật là gì?

 Đào Tiến Thi

 

Nghệ thuật là gì? Đó là câu hỏi xưa cũ như trái đất nhưng mãi mãi muôn đời vẫn đặt ra. Đặt ra thì cứ đặt ra nhưng thiết nghĩ có những nguyên lý được thừa nhận rất lâu dài (chí ít là đến thời điểm đang nói đây) như những tiên đề và do đó muốn bàn luận gì thì cần dựa trên những tiên đề đó.

Lý do khiến tôi viết bài này là vì trong cuộc triển lãm tranh gò đồng thể hiện chân dung các văn nghệ sỹ của nghệ nhân Phạm Xuân Trường (theo tôi “nghệ nhân” là danh hiệu chính xác nhất để gọi ông khi ông là tác giả của các bức tranh gò đồng) có một nhà thơ (không biết có kiêm hoạ sỹ không) dè bỉu tranh của ông suốt từ đầu đến cuối. Nhiều bài tác giả đã xoá, kể cả bài vừa đưa hôm qua mà tôi nhắc tới dưới đây. Từ câu chuyện đó tôi muốn chia sẻ với bạn đọc về một nguyên lý của nghệ thuật.

Thực ra dè bỉu tác phẩm cũng là chuyện thường tình của thưởng thức, đánh giá tác phẩm nghệ thuật, vì mỗi người có “gu” thẩm mỹ riêng. Nhưng điều đáng nói là cái tiêu chí, tiêu chuẩn để dè bỉu. Ban đầu thì nhà thơ này chê tranh xấu. Thế cũng là thường. Tuy nhiên chỗ này cần nói thêm: giả sử (chân dung) nhà văn đó được nghệ nhân cố tình “làm xấu” để thể hiện một tư tưởng nào đó thì sao? Chẳng hạn như Nguyễn Huy Thiệp từng thể hiện chân dung Nguyễn Du (bằng miêu tả), là một khuôn mặt “nhàu nát vì đau khổ” (trong khi các tượng Nguyễn Du bây giờ đều thể hiện cụ rất là “phong độ”).

image

Phan Khôi – ảnh chân dung và Phan Khôi – tranh gò đồng của Phạm Xuân Trường

 

Sau nữa thì nhà thơ chê tranh “không giống”. Nhà thơ này dẫn chứng trường hợp Phan Khôi, tác giả đem đối chiếu chân dung gò đồng với bức ảnh Phan Khôi để nói bức gò đồng làm sai, ví dụ như cái mũi: bức gò đồng làm mũi Phan Khôi “tẹt” nhưng mũi Phan Khôi thật (theo ảnh) không tẹt. Giả sử có nhiều tấm ảnh Phan Khôi khác nhau thì không biết tranh gò đồng theo tấm nào là “đúng”? Cho nên lấy tấm ảnh cụ Phan Khôi để kết luận Phạm Xuân Trường làm “không giống”, từ đó hạ thấp là rất vô lý.

Chỗ này là chỗ đáng nói. Xin trở lại nguyên lý của nghệ thuật, và trong bài viết ngắn này cũng chỉ bàn về một nguyên lý của nghệ thuật, đó là sự phản ánh hiện thực.

Bất cứ nghệ thuật nào (văn học, hội hoạ, âm nhạc, điện ảnh,…) cũng phản ánh hiện thực, kể cả trường phái “siêu thực” thì rốt cục, cũng là một cách thể hiện hiện thực. Và bất cứ sự phản ánh nào cũng có hai mặt:

1. Mặt khách quan: hiện thực (đối tượng) được phản ánh.

2. Mặt chủ quan: ý thức (tư tưởng, tình cảm) của tác giả – người nghệ sỹ.

Nhà thơ nọ chê rằng tranh “không giống” người thật” là chỉ thấy (hoặc là cố ý chỉ thấy) có mỗi mặt thứ nhất. Hôm qua tôi có “còm” vào bài đó – tiếc rằng sáng sớm nay còn thấy nhưng sau đó tác giả xoá mất cả bài rồi nên tôi chỉ thuật lại được đại ý – đại ý tôi nói: người nghệ sỹ (khi thể hiện chân dung) có thể chỉ cần thể hiện vài nét sao cho “hao hao” giống người thật, phần còn lại là sáng tạo theo chủ quan của mình; nghệ thuật là phản ánh sự thật hơn cả sự thật; nếu chỉ cần như thật thì các máy ảnh ngày nay thừa sức làm, cần gì đến nghệ sỹ?

Tác giả trả lời tôi “Cũng là một quan niệm”. Thực ra đây chẳng phải là quan niệm của tôi mả chỉ là kiến thức vỡ lòng về nguyên lý phản ánh hiện thực của nghệ thuật. Và nguyên lý đó đã được nêu từ thời Aristote (384-347 Tr.CN), chỉ khác, Aristote gọi phản ánh hiện thực là “mô phỏng” hiện thực.

Trong Nghệ thuật thơ ca[1] Aristote viết: “Vì nhà thơ là người mô phỏng, cũng giống như hoạ sỹ hay bất kỳ nghệ sỹ nào khác, nên phải mô phỏng một trong ba cái sau đây: hoặc là nhà thơ phải miêu tả sự vật đúng như đã có và đang có, hoặc là đúng như người ta nói và nghĩ về chúng, hoặc là như chúng cần phải có”.

Như vậy, mặc dù Aristote dùng chữ “mô phỏng” nhưng ông không coi nghệ thuật là “sao chụp” mà mô phỏng theo nghĩa rất rộng, gồm ba loại. Loại thứ nhất là loại miêu tả thế giới hoàn toàn khách quan như nó có. Loại thứ hai là thế giới nhìn theo ý thức cộng đồng, tức là chủ quan so với loại thứ nhất nhưng đối với cá nhân người nghệ sỹ vẫn là khách quan. Loại thứ ba là loại hoàn toàn chủ quan, thế giới khách quan được nhìn qua ý thức cá nhân người nghệ sỹ.

Diderot (1713-1784), nhà bách khoa toàn thư của thời kỳ Khai sáng, tiếp tục nguyên lý trên nhưng cụ thể hơn. Ông phân biệt hai loại vẻ đẹp trong kiến trúc và hội hoạ. Một là vẻ đẹp “tự nhiên” và hai là vẻ đẹp “nhân tạo”. Vẻ đẹp tự nhiên là vẻ đẹp ở trong “bản chất”, như trong kiến trúc thì đó là sự đều đặn, sự trật tự, sự đối xứng “được tuân thủ trong các thực thể của tự nhiên”. Vẻ đẹp nhân tạo như trong các sản phẩm công nghệ, các đồ trang sức, các toà nhà, các khu vườn, nó cũng cần sự đều đặn, trật tự, đối xứng nhưng được điều chỉnh theo ý thức của con người. Vẻ đẹp này pha trộn cả tính “tuyệt đối” (tính khách quan của vẻ đẹp tự nhiên) và tính “võ đoán” (theo các quy ước về thẩm mỹ của con người).[2]

Diderot cũng nói rõ trong các sản phẩm của nghệ thuật luôn luôn có sự pha trộn của cả hai vẻ đẹp nhưng nguyên tắc là vẻ đẹp nhân tạo không được ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên (vẻ đẹp bản chất). Ta có thể hiểu đơn giản như sau: có 100 người vẽ hay gò đồng chân dung cụ Phan Khôi thì có một 100 bức chân dung khác nhau, nhưng người xem vẫn nhận ra đấy là cụ Phan Khôi, không thành ra cụ Trần Trọng Kim hay bất cứ cụ nào khác.

Theo nguyên lý trên, thực chất ảnh (hoặc người thật) của cụ Phan Khôi vẫn chỉ có giá trị như là “mẫu” (model). Nghệ nhân khi thể hiện chỉ cần lấy được cái “thần thái” đó, chứ ngay cả tư thế, trạng thái cũng không nhất thiết phải y như cụ Phan Khôi trong bức ảnh. Ví dụ bức mẫu là ảnh chụp học giả Phan Khôi lúc bình thường nhưng nghệ nhân Phạm Xuân Trường có thể thể hiện cụ Phan Khôi đang khóc (tưởng tượng khi cụ bị đấu tố chẳng hạn) cũng có sao đâu.

Thay cho lời kết, tôi xin nhắc lại điều đã nói ở phần mở đầu: bài này chỉ để chia sẻ với bạn đọc về nguyên lý phản ánh hiện thực của nghệ thuật, hoàn toàn không để tranh luận hay trao đổi gì với nhà thơ được nhắc đến trong bài, cũng không bình luận, đánh giá gì các bức chân dung của nghệ nhân Phạm Xuân Trường cũng như các nhân vật mà ông thể hiện.

Đ.T.T.


[1] Aristote, Nghệ thuật thơ ca, NXB Lao động và TT Ngôn ngữ – Văn hoá Đông Tây, 2007, Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình,… dịch.

[2] Diderot, Mỹ học, NXB Khoa học xã hội, 2006, Phùng Văn Tửu dịch.

Comments are closed.