Tại sao Phật tử Việt nay theo đạo Chúa?

Nguyễn Hữu Liêm

Gần đây theo một thống kê tín đồ tôn giáo ở Việt Nam thì con số tín đồ Phật giáo nay đứng thứ hai sau Công giáo (*). Tôi có ít nhất là 10 người bạn tri thức, từ các gia đình là gốc Phật giáo lâu đời, lớn lên từng là đoàn viên Gia Đình Phật tử thuần thành, nay cải đạo theo Thiên Chúa Giáo (cả Tin lành lẫn Công giáo). Thân nhân, bạn hữu, và ngay cả chính họ, tôi nghĩ, cũng không hiểu tại sao. Mười năm trước, trên diễn đàn talawas, tôi có giải thích vấn đề này từ góc độ tôn giáo với bài, “Tính Không và Thượng đế.”(**) Ở đây, tôi thử đưa ra một giải thích từ góc độ triết học siêu hình. Trong cuốn “Một triết học cho lịch sử thế giới” (2020), tôi đã viết như vầy. Xin trích một vài đoạn. Tôi gọi hiện tượng cải đạo của Phật tử Việt sang đạo Chúa là một nỗ lực tìm lại cái nhục cảm tinh thần vốn bị phủ định bởi Phật giáo – a recovery attempt of the spiritual sensuality negated by Buddhism). (Xin lỗi các độc giả không quen với ngôn ngữ triết nếu thấy phức tạp, dài dòng).

# 249: Điều này, Peter Hodgson (phiên giải Hegel) nói về sự xuất hiện của Đạo lý Thiên Chúa như vầy:

Công việc của chúng ta ở đây là diễn tả được sự xuất hiện của một Ý Niệm, một sự thể mà Thời Ý đã được hiện thực hóa. Khi các phạm trù của Hữu hạn và Vô hạn bị chia rẽ, một bên là cái Hữu hạn tuyệt đối của thế giới Roman, của nô lệ tàn bạo, của nguyên lý cá thể trừu tượng, của cái này – mà hiện thân là vị Hoàng đế nay như là Thượng đế cho thế gian này. Phạm trù kia là của Tự do vô hạn, từ nguyên lý Đại thể trừu tượng, vốn xuất hiện trong triết học Khắc kỷ và trong Không gian bất tận của tôn giáo Á Đông. Không gian bất tận này, theo Hegel, đã trở nên siêu cảm nhận ở nơi Thiên Chúa của Do Thái vốn bị tước bỏ phần nhục cảm và chỉ có thể được biết đến qua tư duy. Ở đây, lần đầu tiên, trong tôn giáo Do Thái, bản sắc Chúa Trời là Nhất thể – the One – đã trở thành Nguyên lý Sử tính thế giới. Cả hai, cái vô hạn của Nhất thể và cái hữu hạn của cá thể chủ quan, đều là hai phạm trù của Tự ý thức cho Thời đại này. “Trong sự tách biệt chúng là khiếm diện… nhưng trong Chân lý thì cả hai là một. Sự dung hợp giữa Đông và Tây, và sự dung hóa giữa hai Nguyên lý, đã được hiện thực ở thế giới La Mã.” (Thể thái Tự do: 120).

# 271: Để so sánh trên bình diện tỷ giảo giữa hai hành trạng của Thích Ca và Jesus, chúng ta hãy đọc hai đoạn kinh, một từ Tân Ước, hai là từ Lankavatara (Lăng Già Kinh). Chương John 1:

Khi mọi thứ bắt đầu, thì Logos/Lời/Word đã là. Logos – ngôi Lời – ở với Chúa và Chúa là gì thì Logos là như vậy. Ngôi Lời đã ở cùng Chúa (Trời) tự khởi thủy và qua Ngài mà mọi thứ được sáng thành; không có gì được sinh ra nếu không có Chúa. Tất cả những gì có sự sống đều đến từ đời sống của Chúa vốn là ánh sáng cho con người. Ánh sáng chiếu vào bóng tối và bóng tối không hiểu được. Và rồi có người tên John (the Baptist), sứ thần của Chúa, đến làm chứng cho ánh sáng để cho mọi người trở thành tín hữu như Ngài (John). Ngài không phải là ánh sáng, chỉ đến làm nhân chứng cho ánh sáng. Ánh sáng đích thực vốn soi sáng cho mỗi người đang trên đường bước chân vào thế gian. Ngài ở trên thế gian, nhưng thế gian dù có được là nhờ Ngài, không nhận ra Ngài. Ngài bước vào cõi riêng và cõi đó không nhận Ngài. Nhưng với những ai tiếp nhận Ngài, những ai thuần phục Ngài, Ngài ban cho quyền năng trở thành con của Chúa, không sinh ra bởi con người hay từ ái dục của người cha nhân loại, nhưng được sinh ra từ chính Chúa. Và vì thế Logos trở thành thân xác; Ngài (Jesus) đến sống giữa chúng ta và chúng ta nhận ra sự vinh hiển của Ngài, và Vinh hiển đó là của con Một của Chúa Cha, đầy ân phước và sự Thật. Và đây là lời của nhân chứng John: Ngài John kêu to, “Đây chính là con người mà ta đã nói đến khi ta tuyên bố rằng, ‘Ngài (Jesus) đến sau ta nhưng với ngôi vị cao cả hơn ta, bởi vì trước khi ta sinh ra, Ngài (Jesus) đã hiện hữu.” Từ kho tàng tràn đầy này mà chúng ta nhận được ân điển; dù rằng Quy Luật (Logos) đã đến với Moses, nhưng Ân điển và Chân lý thì đến với Chúa Jesus. Không ai nhìn thấy Chúa Trời, nhưng qua đứa con Một của Chúa Trời ở gần với trái tim của Cha vốn mặc khải cho chúng ta biết đến Chúa Jesus. (Dịch bởi NHL)

Bây giờ ta đọc đến Lăng Già:

Trực giác tự bản sắc là cùng một thể tính với Trí năng Đại thể (Universal Mind) hay là tính Biết thường hằng, bởi lý do là nó tham dự và liên thông với Trí Huệ Siêu việt (Arya-jnana) – Chân Tâm – và cũng đồng bản chất với hệ tri thức khi nó thấu hiểu được các bình diện tri kiến khác nhau (vijnana). Trực giác không có hình dáng riêng cũng không có biểu hiện gì để có thể phân loại. Trí năng Đại thể là nguyên nhân và chân đứng của nó nhưng lại được chuyển động trên năng lực Ngã thức và những thuộc tính liên đới để từ đó trực giác bám vào và phản chiếu. Xuyên qua trí năng trực giác, vốn là sự pha trộn giữa chủ thể và cảm quan mà Trí Năng Đại thể được khai sáng và trở nên hiện thực. Trực giác cũng như là Trí năng Tuyệt đối không phải là nguồn gốc của sai lầm. Tri kiến phân biệt là một vũ nữ và tên làm xiếc trên sân khấu thế gian. Trí năng trực giác là chàng hề Trí tuệ cùng đi chung với tên làm xiếc để phản chiếu sự trống rỗng và vô thường của trò hề thế gian. Trí năng Đại thể lưu giữ hồ sơ tất cả, biết hết những gì Sẽ Phải Là và Có Thể Là. Bởi vì từ Tri kiến phân biệt mà sai lầm khởi sinh trong một thế gian tiến hóa, mà từ đó, năng thức Tự-Ngã được kiến lập. Chỉ khi Tri kiến phân biệt này được phá bỏ thì tất cả những hệ tri thức của thế gian mới chấm dứt hành hoạt và Trí năng Đại thể sẽ là tính thể duy nhất tồn tại. (NHL dịch)

272 – Nếu đọc kỹ hai đoạn văn trên với một góc độ trực giác về kinh điển, chúng ta sẽ thấy cả hai đều nói lên một Đạo lý chung và đồng nhất qua hai thể loại câu chuyện. Của John trong Tân Ước là một hệ trình nhân thể hóa trong một cấu trúc Bản thể luận về sự tác động của Chân Tâm đối với năng thức tự-Ngã mà con người ở thế gian đang bị chìm đắm trong bóng tối Vô minh để rồi không còn nhận ra đâu là tinh hoa của cái ta hữu hạn. Ở đó, John là Trí năng Đại thể, một nhân chứng cho sự sáng thành của TA, qua Ta, tức là Chúa Jesus, tức là Trí Huệ Siêu việt, đứa con Một của Chúa Cha, tức là Chân Tâm. Mọi tinh hoa, ý nghĩa, ân điển, vinh hiển đến và có được là từ Chân Tâm mà Ta qua chức năng của Chúa Jesus đã đem đến cho thế gian. Mặc dù quy luật Nhân-Quả được tiết lộ cho Moses – người làm Luật cho thế gian – nhưng Chúa Jesus mới là ánh sáng Chân lý vì Ngài là năng lực Liên đới giữa cá nhân và Chúa Trời, giữa ta với TA. Khi Logos, ngôi Lời, biến thành Thân xác con người và vật chất, chính là lúc năng lực Kenosis tự ngoại thân hóa Chân Tâm vào trong cõi Không/Thời nhằm cứu độ chúng sinh.

273 – Còn Lăng Già diễn tả một hệ thức Bản thể luận về sự sáng thành của thế giới qua ngôn ngữ thuần mô tả của Tri thức luận (epistemology) hoàn toàn không mang văn ngữ nhân cách hóa. Chúng ta ở đây, hãy nhân cách hóa theo ngôn từ của John cho đoạn văn Lăng Già ở trên: “Tự khởi thủy, trước khi mọi sự và vạn vật cùng vũ trụ bắt đầu thì Trí Huệ Chân Tâm siêu nghiệm và Tuyệt Đối đã hiện hữu trong tính thể vĩnh hằng vượt qua võng lưới Không/Thời. Tất cả mọi Tri kiến đều đến từ Trí năng Trực giác nhưng Tri kiến của ta lại không biết đến, dù Trực giác là ánh sáng đến từ Chân Tâm. Và Chân Tâm – TA – nay trở thành Thân xác Ta và hiện hữu với ta nhưng ta vẫn không ý thức được. Cho những ai khai sáng được năng thức của TA trong sự sống đời thường sẽ được ban ân phước và vinh hiển đến từ TA. Con lộ Đạo lý từ TA đến với ta là độc đạo, là đứa con Một duy nhất từ Chân Tâm. Và người đến sau Trí năng Đại thể chính là năng thức Trực giác – là Ta, hay Chúa Jesus. Trực giác chính là mối liên thông, là Holy Spirit, là Chánh Pháp, nối liền Chân Tâm với tri kiến phân biệt và đầy sai lầm của ta. Không ai có thể đến với Chân Tâm, tức là Cha Ta, mà không qua con đường duy nhất của Trực giác, tức là Ta, là Jesus. Cho đến khi tất cả mọi sai lầm phát xuất từ cái ta với tri kiến phân biệt được xóa bỏ, thì cái còn lại duy nhất chính là Chân Tâm, là TA. Tức là, khi Chúa Jesus chịu đóng đinh chết trên Thánh giá của tâm phân biệt thì Trực giác, tức Thánh linh từ Ngài, trở nên sự Sống thường hằng, tức Chân Thức vĩnh cửu. Không ai có thể nhìn thấy Chân Tâm ngoại trừ phải qua chức năng Trực giác của Ta mà TA đã mặc khải cho ta được nhận chân ra Ngài. Khi năng lực Tự-Ý thức được soi sáng bởi Chân Thức thường hằng, lúc đó con thuyền cái ta Ngã thể tìm ra bến đỗ, sóng gió và Khổ đau sẽ không còn nữa, Thiên đường đã hiện thực, ta sẽ cùng ngồi trên ngai vàng bên cạnh TA. Lúc đó, ta đã trở về với TA, và Chân lý được hoàn tất.

274 – Khi ngôn ngữ – Ngôi Lời – của Đạo lý đi vào võng lưới Tri kiến phân biệt, nó biến hóa thành một hệ thức Khái niệm mang bản sắc thuần trí thức – như giáo lý nhà Phật đã rơi vào – thì một hệ thức tín điều phải được khai mở qua văn phong huyền thoại được nhân cách hóa – như câu chuyện mang Sử tính của Cựu và Tân Ước. Chân Tâm nay là Thiên Chúa qua hình ảnh một nhân thể mang nhân cách Do Thái với tất cả thuộc tính con người đối với những hệ lụy thế gian. Và Trực giác, hay Thánh linh, được nhân cách hóa qua câu chuyện mang Sử tính của Chúa Jesus, nay là con trai Một của Chúa Cha, khi huyền thoại về Linh thiêng hiện thân ra với thế gian bằng một nhân thể chịu sinh tử trong võng lưới Không/Thời. Đây là bước đi của “Khi mà ngôi Lời đã trở thành thân xác để Ngài sống với chúng ta.” Như Phật Thích Ca đã nói, rằng giáo lý phải được rao giảng tùy theo căn cơ chúng sinh. Cũng như Chúa Jesus luôn nói chuyện với các môn đồ về Đạo lý bằng ngôn ngữ biểu tượng – parables. Khi Chân lý qua ngôn ngữ trí thức vượt quá tầm mức hiểu biết của chúng sinh, đối tượng cần phải tỉnh thức, thì phải đi theo quy tắc bệnh nào thuốc ấy. Như Chúa Jesus đã cảnh cáo, “Đừng trao cho con chó cái gì linh thiêng, đừng đưa ngọc cho bầy heo vì chúng sẽ giẫm lên rồi xé nát thân ngươi.” (Matthew 7). Với trình độ tâm thức bị chìm đắm trong vọng tưởng Ngã thức chủ quan, trong Thời quán Ngã mạn của Đế quốc La Mã, Chân lý qua ngôn ngữ trí thức của nhà Phật sẽ giống như vàng ngọc khi được quẳng cho bầy heo để rồi sẽ bị chế nhạo và giẫm nát. Lúc đó là Thời điểm Đạo lý phải được tái phối trí bằng con đường nhân cách hóa Chân lý để thích hợp cho trình độ căn cơ của khối dân chúng ở đó. Sự bước xuống của ngôn ngữ Đạo lý từ nhà Phật đến nhà Chúa là bước giáng thế của Chúa Jesus vào bình diện Thân xác để cùng chịu chết nhằm cứu rỗi nhân loại. Có lẽ mảng Đạo lý bị hiểu lầm nhiều nhất giữa hai tôn giáo đó, là vị trí bản thể của Chúa và Phật trong liên hệ đến cá nhân. Ai cũng biết, theo Phật Thích Ca thì “Phật tại Tâm” – một tính thể khai mở và Giác ngộ Chân Tâm từ trong năng lực Tự-Ý thức duy chủ quan. Tuy nhiên, theo sự hiểu lầm của đa số khi nói về Chúa thì phần lớn nhân cách hóa Chúa Trời và Chúa Jesus là hai đối thể nhân cách tách biệt khỏi năng lực Tinh thần nội tại của cá thể. Nhưng khi chúng ta đọc kỹ Tân ước – ngay cả tín đồ Thiên Chúa giáo cũng ít khi làm chuyện này – sẽ thấy rằng thông điệp về Chúa giống như của Phật. Hãy đọc Luke 17: “Vương quốc Chúa Trời ở ngay trong Tâm ngươi” – The Kingdom of God is within you. Cao đồ Paul trong thư gởi cho dân Corinthians cũng minh định, “Các bạn phải biết rằng con người là đền thờ của Chúa, và Tinh thần Chúa Trời ngự trị trong Tâm chúng ta.” (Corinthians 6, 13). Hay khi đám dân Do Thái muốn giết Chúa Jesus, cáo buộc Ngài, “Ngươi là người mà tự cho là con Chúa.” Jesus trả lời, “Có phải điều đã viết trong luật (Do Thái giáo) rằng, ‘tất cả các ngươi đều là chúa (gods)’.” (John 10). Phần lớn các bản dịch sang Việt ngữ dịch chữ “gods” là “thần” – một sai lỗi căn bản về thần học. Đây là tiền đề quan yếu nhất của Phật và Chúa: Ta là Phật đã thành, các ngươi và chúng sanh là những vị Phật sẽ thành. Cũng vậy, Chúa Jesus đã tuyên ngôn một Chân lý tương tự: Ta là con Một của Chúa Trời cũng như các ngươi – tất cả chúng ta là Chúa Sẽ-Là. Đây là gốc rễ của mọi sai lỗi về giáo lý cho các tín đồ Thiên Chúa giáo khi họ gởi đức tin huyền nhiệm vào tính Chúa/tâm Phật như một đối thể khách quan, tách biệt khỏi cái ta một chủ thể Tự-Ý thức. Thông điệp đã rất rõ và không còn nghi ngờ gì nữa: Chúa và Phật là Chân Tâm ở trong năng lực Tự-Ý thức của Ngã thể cá nhân. Ta là TA ở trong ta. Đó là Chân lý vĩnh hằng trong ý niệm Tam ngôi nhất thể – Trinity – của tất cả các tôn giáo.

# 314: Giáo lý từ Phật Thích Ca là một hiện thân Đạo lý từ Chân Tâm cho một trình độ Ngã thức đã được tiến hóa – như tầng lớp Brahman ưu việt của văn minh Ấn Độ vốn đã sinh nghiệm và từng trải qua một chiều dài lịch sử Đạo học siêu hình và đời sống Tâm linh sâu sắc. Nhưng khi chuyển hóa vào tầng lớp quần chúng căn cơ thấp kém và trần tục thì Phật giáo chia ra hai khuynh hướng. Một là sự bình dân và phổ thông đại chúng hóa qua bình diện Tịnh độ, nhằm đáp ứng với khối Ngã thể chưa có năng lực Tinh thần tương xứng – như nền tảng Đức tin trong tình cảm tôn giáo của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Hai là, khuynh hướng trí thức hóa cao độ để rồi những gì Phật dạy, hay cho là lời Phật, đều trở thành thể loại Siêu hình học thuần trừu tượng phức tạp, vi diệu và cao siêu, vượt qua khả thể lãnh hội của hầu hết quần chúng. Ngày nay, như ở Việt Nam chẳng hạn, khối Phật tử Á Đông tự cho là học giả giáo lý nhà Phật, họ chỉ như một thứ trang điểm trí thức và một kiến lập căn cước tính cá nhân bằng lý luận triết học. Đây là khối tín đồ nhà Phật không có Đức tin tôn giáo như của Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo. Khi tôn giáo mất hết chất men Đức tin từ trái tim thì nó giống như bức tượng thần đế không còn linh hồn, không chuyên chở linh thiêng hay mang tác động thuần phục siêu hình. Trong khi đó, khối bình dân Phật tử đi vào con lộ mê tín thuần-Tịnh-độ trộn lẫn các hình thái tín ngưỡng nhân gian tôn thờ những Thần đế hoang đường và hạ cấp. Đó là hiện trạng đạo Phật ngày nay ở Á Đông. Vấn đề xuống cấp của Thiên Chúa giáo ở Âu Mỹ và và Hồi giáo ở các quốc gia Trung Đông cũng đang trầm trọng không khác. Hiện nay, đầu thế kỷ 21, ở Tây Âu và Bắc Mỹ, truyền thống Thiên Chúa giáo nhất là qua phân nhánh Công giáo, đang đi vào con lộ thoái trào, vì tầng lớp tiến hóa cao cấp ở đó không còn tin – literally – vào những giáo lý từ Cựu và Tân Ước một cách thô thiển như giới fundamentalists tin vào Kinh Thánh như một thiên sử ký thực hữu. Tuy nhiên, đây là câu chuyện cả hai ngàn năm sau. Chúng ta ở đây đang bàn đến vai trò Sử tính của Thiên Chúa giáo và chức năng của Chúa Jesus trong Thời quán chuyển hóa cho một khối nhân loại ở Không và Thời của Đế quốc La Mã.

# 328: Hay nói theo ngôn ngữ khác: Đạo Chúa Jesus là sự tiêu hóa, chấm dứt, hoàn thành – the ultimate and concrete consummation – của Đạo Phật Thích Ca. Khởi đi từ Khổ đế như một Chân lý cho Ngã thể, Phật Thích Ca đưa ra một hệ tín điều như là phương tiện, Pháp, nhằm giải cứu chúng sinh ra khỏi biển Khổ trầm luân. Tuy nhiên, như đã trình bày từ những trang trước, hệ thống siêu hình nhà Phật đi vào con đường siêu hình học đầy huyền bí, quá vi diệu sâu sắc, vượt qua trình độ thông thường của quần chúng. Thêm vào đó, đạo Phật khai mở một hệ thống Bản thể luận mà cứu cánh tính tối hậu là cái gì không thể nghĩ bàn – ngoại trừ một tính thể Phủ định từ cơ sở tư duy Lý tính. Nirvana, Niết Bàn, Tịch diệt, tánh Không, không phải là một đối thể cho Tri thức mà là những Khái niệm nói về thể trạng đạt được từ một thần nghiệm siêu hình – một thể loại Chánh định – samadhi/ecstasy/satori – chỉ có vài tu sĩ có thể chứng nghiệm được bởi công trình tu luyện cộng them bối cảnh duyên nghiệp tiến hóa cao cấp. Thể trạng Giác ngộ ở tầm mức huyền bí này không chỉ có trong truyền thống nhà Phật. Giác ngộ là một tính trạng huyền bí vốn là bản thể trong các truyền thống bí truyền khác, từ Ấn giáo sang Lão giáo hay Platonism, Thiên Chúa hay Hồi giáo. Từ Plotinus của Hy Lạp đến Augustine hay Theresa, Eckhart… trong dòng sống đạo Chúa, đều cùng nói đến tính thể chứng ngộ, hay hòa mình vào nước Chúa, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khởi thủy của Hồi giáo – Islam – là minh chứng rõ nhất về tính thể chứng ngộ, và mặc khải huyền bí này qua câu chuyện nhà tiên tri giáo chủ Mohammed. Tuy nhiên, giáo lý nhà Phật khi đi vào tầm căn cơ của giới cư sĩ trí thức và bình dân trung bình, các Khái niệm về tính thể Giác ngộ huyền bí trở thành những Khái niệm phủ định, để rồi làm mất đi chất men tình cảm cho Đức tin tôn giáo. Mà tôn giáo là gì nếu không phải là những Tín lý nhằm khai động và đánh thức Đức tin từ con tim các tín đồ. Từ đó, chúng ta có thể nhận ra vấn đề của nhà Phật. Phật tử không thể năng động trên thế gian qua cái ta Ngã thể đầy khiếm khuyết và Vô minh mà lại mang cứu cánh tính về chữ Không, hay Tịch tịnh, hay Không-Là. Theo suy tư thông thường, tôn giáo là con đường xác định thay vì phủ định, vinh hiển thay vì lu mờ, khẳng định thay vì từ chối, khai mở cái Hữu thay vì đi tìm cái Không. Đối với quần chúng trung bình chỉ cần cái phao Tịnh độ, chứ không cần thiết hay biết đến chiếc thuyền Trí tuệ siêu việt. Đạo lý nào cũng vậy, xưa đến nay, Đông sang Tây, đều nhắm đến sự cứu độ cho số đông trung bình với căn cơ yếu đuối và thấp kém – chứ không chỉ dành cho thiểu số thượng tầng elite nào. Vì Sử tính chuyển động theo mệnh lệnh Tiến hóa tùy thuộc vào tâm điểm trọng lực Tinh thần của nền văn minh liên hệ – Historicity moves and evolves from the gravitational center of the Spiritual state of a specific civilization. Đạo Phật tự nó quá cao siêu, đã đánh mất tâm điểm Tinh thần của số đông – và khi nó cố đáp ứng và thay đổi theo nhu cầu Tịnh độ cho tâm điểm đa số này, thì Đạo lý vi diệu đó trở nên một thể dạng bình dân nửa vời, vừa trí thức siêu hình vừa nghi ngờ thần linh, thờ Phật nhưng cùng lúc từ chối tính linh thiêng của Phật, nghi thức phức tạp và rườm rà nhưng trong thâm tâm lại coi thường tất cả mọi thể dạng hình thức. Cái linh thiêng trong Đạo lý nhà Phật đã bị lý tính hóa, để rồi chỉ còn cái vỏ ngoài của nghi lễ và triết luận rỗng không. Trong Cựu Ước có nói rằng, Thiên Chúa (theo hình ảnh Do Thái giáo) chấp nhận cái cực đoan, hoặc nóng hoặc lạnh, chứ không nguội – God loves either hot or cold but not lukewarm. Trong khi đó, con nhà Phật ở giới trung bình, nhất là giới trí thức nửa vời, là những kẻ “dở dở ương ương” không có chọn lựa dứt khoát cho con đường tu học – chỉ đứng lưng chừng, nửa thì trí tuệ, nửa kia tín ngưỡng thần linh, cuối cùng mất tất cả, không có cả trần gian lẫn thiên đường. Vì thế, trong giới trí thức ngày nay, nhất là thế kỷ 21 này, ở Việt Nam và Á Đông chẳng hạn, giáo lý nhà Phật chỉ còn được giới trí thức xem như một hệ thống siêu hình học ngang hàng hay cùng thể loại với các hệ thống siêu hình học khác – ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ với trình độ tri thức và căn cơ Ngã thức đã được trưởng thành khá cao, như ở Âu Mỹ, thì câu chuyện Đạo Phật trở thành một cơ duyên Tiến hóa mới – mà chúng ta sẽ bàn đến ở chương cuối cùng.

# 329: Đạo lý nhà Phật và nhà Chúa cả hai đều điều hướng mũi tên Ngã thức ra khỏi trần gian Hữu hạn để khai mở chân trời Vô hạn trong Niết Bàn hay nước Chúa. Do đó, phủ định tính là mẫu số chung cho cả hai hệ Tín lý. Tuy nhiên, sự khác biệt căn bản giữa hai hệ Giáo lý là, trong khi nhà Chúa cho một đối thể xác định về Cứu cánh nước Chúa – ít nhất là bằng hệ biểu tượng Hiện thân – một cách rõ rệt; thì trái lại, nhà Phật chỉ cho tín đồ một khả thể Giác ngộ mà Tri thức bình thường không thể minh định được. Hình ảnh Chúa Trời như vị cha già – tóc bạc, khắt khe, nhưng đầy quyền năng, biết hết tất cả các ngõ ngách suy tư của tín đồ – là một hình ảnh gần gũi dễ nắm bắt, rất thực hữu cho kinh nghiệm thường nhật đối với đại đa số con người Tây Âu. Và khi vị Cha già đó vì yêu thương chúng sanh mà phải đưa đứa con Một xuống chịu chết thay cho nhân loại, nhằm cứu rỗi họ ra khỏi vòng tội lỗi, thì hình ảnh này trở nên một câu chuyện dễ nắm bắt và thông cảm. Những tâm hồn ngây thơ hay dù phức tạp nhưng đầy cảm xúc thiếu niên dễ bị tổn thương bởi ẩn dụ, khi đọc Tân Ước sẽ cảm nhận được một năng lực cảm xúc rất mạnh mẽ để họ cho đó là ân phước Thánh linh từ Chúa đã ban cho mình. Hãy đọc những trang cáo phó của người Việt trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại để thấy sự khác biệt về tính thể thực hữu chắc chắn, hữu hình, cho người theo Đạo Chúa – “Được Chúa gọi về! Được hưởng nhan thánh Chúa” – khác với cái trừu tượng mơ hồ dành cho Phật tử – “Sớm siêu thoát! Về cõi Cực lạc.” Kinh nghiệm về chữ nghĩa cũng thế. Con người trí thức mức trung bình thích đọc truyện tiểu thuyết nói lên những triết lý về cuộc đời hay lịch sử hơn là đọc cuốn sách triết học cũng về đề tài đó. Vì sao? Tại vì tiểu thuyết nhân cách hóa khái niệm thành những nhân vật mà độc giả có thể nắm bắt được để cảm thông, chia sẻ. Còn sách triết trừu tượng không có cái chân thực để tư duy nắm bắt – nhất là trên bình diện cảm xúc, người đọc rơi vào khoảng trống khi không có thực tại tính của Con người và Lịch sử làm chất xúc tác tác động. Đó là lý do sơ đẳng nhất, tại sao Đạo Chúa qua nhân cách Chúa Trời và Chúa Jesus bám rễ vào tâm thức người Tây Âu dễ dàng. Dĩ nhiên, đối với giới trí thức tinh hoa, hình ảnh biểu tượng về Thiên Chúa theo Cựu Ước hay Tân Ước thì họ không chấp nhận, vì những biểu tượng đó chỉ dành cho giới bình dân với trình độ căn cơ còn thiếu niên chưa trưởng thành. Vì thế, Thiên Chúa giáo, nhất là phân nhánh Công giáo La  Mã, đang tàn lụi rất nhanh ở các quốc gia tiên tiến Tây Âu và Bắc Mỹ, chỉ còn phổ thông nơi các quốc gia đệ tam như Việt Nam, Phi Luật Tân, Châu Mỹ Latin. Ngay cả ở những nước thuộc Nam châu Mỹ, đạo Công giáo đã là tôn giáo cho tuyệt đại đa số, chẳng hạn như Argentina hay Colombia, Brazil, Chile… số tín đồ đi nhà thờ, đọc và tin Kinh Thánh cũng hiện đang sút giảm trầm trọng. Có lẽ, cơ đồ biểu tượng và nhân cách hóa vào trong Thực tại tính của quần chúng vốn đã là nền tảng cho đời sống Tinh thần cho giáo dân Thiên Chúa suốt hai ngàn năm nay, từ khi Chúa Jesus bước chân trên trái đất, nay bắt đầu hết chất men linh thiêng nội dung của nó. Từ khi Thiên Chúa giáo chia nhiều ngã rẽ, trong đó hai nhánh chính Tin lành và Công giáo, thì nhánh sau, Công giáo, vẫn còn trĩu nặng với tính chất biểu tượng nhân cách. Người Âu có câu, “Dân Tin lành thì ăn ngon; dân Công giáo thì ngủ ngon,” hàm nghĩa (Tin Lành) khi từ giã bản sắc thiếu niên nặng về biểu tượng nhân cách thì dân tộc đó phát triển kinh tế chính trị và trở nên thịnh vượng vật chất; còn các quốc gia Công giáo vẫn mê đắm trong cơ đồ nhân cách hóa như câu chuyện có thật trong Lịch sử, thì bị nghèo đói lạc hậu, nhưng vì có niềm tin sâu sắc, và có biểu tượng, nên họ ngủ ngon giấc hơn.

# 333: Muốn đưa cái ta yếu đuối chưa trưởng thành qua sông Bát Nhã, TA từ Chân Tâm phải có một mệnh lệnh Đạo lý cho ta, như theo truyền thống Ấn giáo và đạo Chúa. Đó là cái ta Ngã thể phải Quy y, Phục tòng một Ngã thể cao hơn, vững chắc hơn, ở nơi một vị đạo sư chân thực và tỉnh thức. Vấn đề ở đây thuộc về giới tăng lữ Phật giáo. Mệnh lệnh quy y Tam Bảo của nhà Phật dành cho giới cư sĩ đã nắm được tinh hoa Đạo lý tùy thuộc này – nếu giới tăng sĩ Phật giáo xứng đáng là các nhân thể hiện thân cho cái Ta tỉnh thức. The novice’s will has to be surrendered to a higher will to advance. Ý chí của ta – của chú tiểu – phải đầu hàng và tuân phục hoàn toàn vào một Ý chí cao cấp, để có thể tiến bước. Ý chí cao cấp này là của một vị Đạo sư đã trải qua một nghiệm trình tu chứng tiến bộ và chân thực. Ngay cả trong môi trường tu viện Phật giáo, khi một chú tiểu non nớt tuổi đời, thiếu chín chắn về nhận thức, tri kiến chưa khai mở; thì với một Ngã thể yếu đuối khi bị mất lòng tin vào tăng sĩ chung quanh, trong khi Chánh Pháp lại quá cao siêu và khó khăn, cái ta của chú tiểu sẽ bị đắm vào gian nguy. Nếu không có sự phục tòng, quy y của ta vào một cái Ta cao hơn để được uốn nắn, dẫn dắt, điều chỉnh, giáo hóa huân tập đúng phương pháp và quy trình, hệ quả sẽ rất là tiêu cực. Cái ta non nớt sẽ cứ thế lớn lên, và bởi sự hấp thụ sai lạc, trở thành chức sắc tăng lữ với cái ta đầy ngã mạn, hãnh tiến, ngu dốt và vọng tâm. Tức là họ đã không có cơ hội được trưởng thành. Đây là lý do tại sao trong giới tăng sĩ Phật giáo ở Á Đông, phần đông tu sĩ đều mang khuyết điểm ngã mạn vì sự khiếm khuyết vừa nêu trên.

#334: Theo G. I. Gurdjieff, một huyền nhân gốc Armenia vào đầu thế kỷ 20, ông có nói đến sự phân loại các con đường tu luyện thân tâm. Theo đó có ba con đường chính: Fakir, Tu sĩ (monk), và Yogi. Các nhà fakirs tu luyện về phương diện Thể xác; tu sĩ về Tình cảm, Đức tin; và Yogi thì về Trí tuệ. Các fakirs trui luyện sức chịu đựng và phát huy kỹ năng cơ thể như các nhà võ sĩ, lực sĩ điêu luyện, biểu diễn nhiều tài nghệ như phép lạ, nhưng đối với các lãnh vực trí thức, cảm xúc, thì không phát triển và bị bỏ quên. Các fakirs là những võ sư ngu xuẩn với tánh tình con nít. Các nhà tu thì phát huy Đức tin, bồi đắp cảm tính tôn giáo, chân thành trong đời sống, nhưng ở hai bình diện Thân thể thì yếu đuối, Trí tuệ thì không phát triển, Tri kiến thì rất giới hạn. Tu sĩ là tín đồ ngu xuẩn với cơ thể yếu đuối. Con lộ thứ ba là của các yogi – Đạo sĩ – vốn phát huy khả năng Tri thức và Trí tuệ. Tu sĩ Phật giáo mang trọng tâm vào con lộ này vì đạo Phật tự tinh hoa là sự cải tạo và nối dài của truyền thống yogi Ấn Độ. Người yogi mở mang trí tuệ nhưng thân thể yếu đuối và tình cảm (emotion) thiếu trưởng thành. Như thế, có ba giới: fakir ngu đần, tu sĩ khờ khạo, yogi bất lực – ignorant fakir, naïve monk, and impotent yogi. Ở đây chúng ta đang bàn đến giới tăng lữ nhà Phật. Họ là những yogi theo Đạo lý Trí tuệ qua phương pháp hành thiền và giới luật. Tuy nhiên, như sơ đồ phân loại của Gurdjieff nói trên, họ là nhân thể với cái ta Ngã thể yếu đuối về cảm xúc, với nhiều bất cập trên bình diện thân thể. Điều này, theo truyền thuyết về Bồ Đề Đạt Ma đã truyền dạy cho các tu sĩ Trung Hoa ở tu viện Thiếu Lâm môn võ thuật nhằm phát huy bình diện Thân thể, nhằm quân bình lại phương pháp Thiền định bất động có thể gây hại cho sức khỏe cơ thân. Đây là thêm một cái nhìn để biết được tại sao tu sĩ nhà Phật phần lớn mang phẩm chất tánh khí như giới thiếu niên, thiếu trưởng thành, dễ bị thương tổn, đầy tự ái. Nguyên ủy của vấn đề là sự tu tập và phát triển một chiều, không đồng đều và không cân bằng, mà họ phải trải qua. Ngay cả năng lực phát huy Trí tuệ trong truyền thống nhà Phật cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó sức khỏe Thân thể, Ngã thể (ego) vững mạnh, cảm tính trưởng thành là những yếu tố và điều kiện cần thiết không thể thiếu. Nói như Gurdjieff, muốn phát huy và thăng tiến Tri kiến và Trí tuệ thì bản sắc cá nhân – being – cần phải phát triển trước. Change in knowledge and wisdom requires a change in one’s being. Đối với đại đa số khối quần chúng Á Đông, như dân tộc Việt Nam xưa nay, trình độ Tiến hóa của họ – their beings – còn khá phôi thai, non yếu, nên Chánh Pháp vi diệu khó khăn của nhà Phật làm cho tập thể của cái ta Ngã thể ở thổ ngơi đó không tiến xa nhiều được. Họ cần có một cú sốc văn minh, và tôn giáo mới, để đánh thức Ngã thể yếu đuối của họ. Đó là nguyên ủy siêu hình trên cơ đồ Tiến hóa từ Sử tính ở đầu thế kỷ 18, khi người Tây Âu xâm chiếm và đô hộ Việt Nam gần thế kỷ, đem đến dân tộc này một nền văn hóa nặng về Ngã thức (egoism) cùng với hệ đức tin Công giáo.

NHL

(*) https://giacngo.vn/thoisu/tintuc/2019/12/21/36C69A/?fbclid=IwAR2gA9L_4tUqDGWLclAFIe4aU5aC2uh6QtO0R8-v_97eteAzDSaGKzcLnXM

(**) http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=7184&rb=0303

Comments are closed.