Cô Đặng Anh Đào – nụ tầm xuân trẻ mãi

Kiều Mai Sơn ·

Tuổi của tôi phải gọi “bà Đào” nhưng vì chị em bà đều là nhà giáo nên bà Lê & bà Đào luôn xưng cô và gọi tôi là em. Từ đó, tôi cũng quen gọi cô Lê, cô Đào, gọi các con của bà bằng anh chị.

Bà Đào rành công nghệ nhất trong các chị em (Hà – Hạnh – Lê – Đào). Tuổi u90 bà vẫn lướt FaceBook như thanh niên, thao tác trên Ipad thuần thục. Đặc biệt, tâm hồn của bà luôn trẻ trung, giao tiếp với bọn "nhi đồng thối tai" không phân biệt vị trí xã hội…

Một người bạn của tôi nhắn sang chia sẻ rằng dù không được gặp cô, không được học cô, nhưng khi biết tin cô Đặng Anh Đào qua đời, bạn vẫn thấy buồn. Tôi nói đó là nỗi buồn về một thế hệ giảng viên trí thức tinh hoa ra đi vĩnh viễn.

Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

Ảnh: Tôi chụp cô Đào gần 10 năm trước trong phòng khách của cô – gác 2 nhà 95A Lý Nam Đế

Cô Đào viết Hồi ký Tầm xuân, sau bổ sung thành Tầm xuân & Những ký ức muộn (không phải Ký ức vụn đâu ông Nguyễn Doãn Tiệp – Ký ức vụn là sách của Nhà văn Nguyễn Quang Lập).

Tôi cứ nghĩ cô giống một nụ tầm xuân bình dị, gần gũi, chứ không phải hoa anh đào đài các, xa xôi.

1/ Trong 4 chị em gái Hà – Hạnh – Lê – Đào, tôi được gặp đủ cả 4 bà. Mỗi bà mỗi vẻ. 2 bà tôi gặp nhiều và gần là bà Lê – bà Đào.

Sinh thời, bà Lê – bà Đào là một cặp. Từ bé, quần áo bà Lê mặc xong thì bà Đào "kế thừa". Bà Đào kể lại hồi bé nhiều trò nghịch ngợm bà Lê xui và bà Đào thực hiện. Khi các bà đã ngoài 70 tuổi, nhiều sự kiện trong đời sống văn học nước nhà cũng khiến cả 4 chị em gái tranh luận sôi nổi, nhất là tiểu thuyết "Ba người khác" của nhà văn Tô Hoài.

Bà Đặng Anh Đào, theo tôi, là người có tố chất nghệ sĩ nhất nhà. Có lần, tôi đùa, "Bà già tuổi đã 85/ Ngồi dự hội thảo, lướt phây (FaceBook), pốt (post) bài". Bà Đào cười rất vui, thích thú. Với bà Lê chắc chắn tôi không dám đùa vậy, cho dù bà Lê cũng là người vui tính.

Thị lực của bà Đào kém nhất nhà, vài lần mổ mắt, rồi thay thủy tinh thể, vậy mà bà vẫn luôn lấy công việc làm tình yêu. Hội Nhà văn Việt Nam dịch thơ Phạm Tiến Duật sang tiếng Pháp, bà Đào nhận lời hiệu đính bản dịch. Một phần vì bà cũng yêu thơ Phạm Tiến Duật, cựu sinh viên khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội. Hội Nhà văn nhờ Giáo sư Google dịch, khiến cho PGS Đặng Anh Đào đánh vật dọn lại cái mớ dịch lừa ngựa đến cười ra nước mắt. Ví dụ, LUA DEN được Giáo sư Google dịch thành LỤA ĐEN; mà thực tế thơ Phạm Tiến Duật đó là LỬA ĐÈN. Hội viên – dịch giả Đặng Anh Đào lại phải bò ra sửa cho Hội.

2/ Trước Covid-19, biết cụ Đặng Anh Đào thích phượt, tôi có hẹn sẽ đưa cụ Đào sang Long Biên chơi với vợ chồng cụ NHK – ĐTH. Nghe vậy, cụ Đào vui lắm. Cụ nói:

– Lâu rồi tôi cũng chưa được gặp TH.

Khi tôi điện hẹn trước với cụ K rằng sẽ có một người khách đặc biệt qua chơi; có một linh cảm lạ kỳ, cụ K hỏi ngay:

– Cô Đặng Anh Đào phải không KMS?

Tôi thưa vâng. Cụ K đề nghị:

– Mình là đàn em, lớp dưới của cô Đào (cụ K sinh năm 1938). Vợ mình, cô TH lại là học trò của cô Đào. Vợ chồng mình đến thăm cô Đào mới phải phép. Nhờ KMS nói giúp với cô Đào là để vợ chồng mình thu xếp đến thăm cô trước nhé.

Sau đó, do tình hình sức khoẻ của cụ K, rồi Covid-19, có lẽ các cụ vẫn chưa gặp được nhau.

Tôi viết lại câu chuyện này để thấy các cụ xưa lễ nghĩa với nhau như thế nào!

K.M.S

Nguồn: FB Kiều Mai Sơn

Comments are closed.