Đẹp như nước mắt tuổi thơ (Đọc tác phẩm “Đu đưa trên ngọn cây bàng”)

Tạ Duy Anh

 

image

Vừa đọc vừa khúc khích cười theo nhân vật; vừa đọc vừa cứ muốn dừng lại để tìm xem cái cặp mắt láu lỉnh, thông minh, luôn lấp lánh những tia hài hước ẩn náu ở đâu trong những con chữ đều có khả năng cựa quậy, phát sáng, tạo ra âm thanh, khiến làm thức dậy trong kí ức một thứ gì đó cực kì thú vị và da diết.

Rồi khó mà kìm lòng được để không buột miệng xuýt xoa trước một cảnh đẹp thơ mộng và tinh khiết nào đó, thứ hầu như giờ đã biến mất…

Đó là ngần ấy cảm giác rất thực của tôi khi đọc “Đu đưa trên ngọn cây bàng” của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy và tất nhiên không chỉ có thế.

Về mặt nghệ thuật kể chuyện, tác giả chẳng định dùng bất cứ thủ pháp rắc rối nào. Mọi thứ đều cứ hồn nhiên tuồn tuột tuôn ra từ một kí ức giầu có, tất nhiên là quý giá vì thế được gìn giữ cẩn thận. Nhưng liệu có ai từng đi qua tuổi thơ, nhất là với những người sống ở nông thôn một thời, lại có thể bỏ qua hoặc dửng dưng với những trang văn – mà với tôi – đẹp và hấp dẫn mê hồn, khi tác giả cho bạn đọc trở lại cùng tham gia những trò chơi và những trò đùa nghịch “quỷ khốc thần sầu” ngày bé dại. Nó vừa khiến ta nhẹ nhàng trầm tư nuối tiếc, vừa mỉm cười sảng khoái. Để rồi sau đó, mỗi khi ngẫm nghĩ lại, nhiều lúc cứ muốn bật cười phá lên.

Chìa khóa thành công ở đây chính là từ đầu chí cuối, tác giả dùng nguyên một thứ văn tinh khôi, hóm hỉnh và tất nhiên là cực kỳ tinh tế. Mỗi chữ, mỗi hình tượng, mỗi liên tưởng đều hướng thẳng tới sự sạch sẽ: Cảm xúc sạch sẽ, ý nghĩ sạch sẽ, ước muốn sạch sẽ. Trong sáng tác văn học, đạt được điều này không hề dễ. Bởi có những chủ đề, có những lối hành văn, nhất là khi dành cho thiếu nhi, chỉ cần một tì vết nhỏ gợi đến cảm giác bẩn, cảm giác thô tục, hay thậm chí chỉ một chút u ám… là đi tong cả tác phẩm. “Đu đưa trên ngọn cây bàng”, ngoài khả năng kiểm soát thẩm mĩ rất tốt của tác giả (tôi tin thế) và có lẽ thêm cả sự may mắn, đã tránh được lỗi chết người cực kỳ khó tránh này.

Đối thoại luôn là vấn đề rất lớn với bất cứ người cầm bút nào. Đối thoại không đơn giản cho thấy khả năng phân thân của tác giả nhờ vào sự từng trải vốn sống, vốn ngôn ngữ, mà nó còn là dấu hiệu rõ ràng nhất để đánh giá một cây bút có tài, có khả năng đi xa được hay không. Chưa đủ bằng chứng khẳng định Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đạt được sự lão luyện khi viết đối thoại. Nhưng cách mà cô thể hiện trong “Đu đưa trên ngọn cây bàng” là đáng để hy vọng.

Nhưng bất ngờ nhất hóa ra lại phải chờ khi khép sách lại. Một sự xâu chuỗi tự nhiên các câu chuyện, khiến bạn đọc bỗng như nhận ra mình bị tác giả “đánh lừa” suốt cả chặng đường dài, bằng chính cái vẻ “thơ ngây” đáng yêu của cô ta. Hóa ra cô ta là người lọc lõi, tinh vi, cực kì chặt chẽ trong các tính toán bị che giấu.

Vì thế, sau khi cười nắc nẻ, bỗng ở đâu tuột lăn ra mấy giọt nước mắt trong suốt, đẹp long lanh.

Có cả sự thương tiếc cho một thời đẹp đẽ một đi không trở lại, có cả việc nhận ra hình như mình sống chưa được… tử tế cho lắm!

Comments are closed.