Đỗ Hồng Ngọc với “Áo xưa dù nhàu…”

Trần Thị Nguyệt Mai

clip_image002

Được biết những năm sau này, tác giả Đỗ Hồng Ngọc chọn “về thu xếp lại” khi một “chiều hôm thức dậy / ngồi ôm tóc dài / chập chờn lau trắng trong tay” (*). “Áo xưa dù nhàu…” là tựa tác phẩm mới nhất của ông do Phanbook.vn xuất bản với mười tám chân dung:

1. Nguyễn Hiến Lê, “… để cho người quân tử… hò ơ…”

2. Võ Hồng, “nỗi cô đơn uy nghi”

3. Cậu tôi, Ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư, “người điên thứ thiệt”

4. Giáo sư Trần Văn Khê, “Đời thường…”

5. Dương Cẩm Chương, “Kẻ lữ hành không mệt mỏi của đường dài”

6. Thăm nhà văn Trang Thế Hy “… thì cứ hỏi cuộc đời”

7. Thi sĩ Quách Tấn, “đọng bóng chiều”

8. Gặp gỡ với Nhà thơ Huyền Chi của “Thuyền viễn xứ”

9. Tôn Nữ Hỷ Khương, “Chỉ có tình thương để lại đời”

10. Phạm Thiên Thư, “Như Lai thường trụ trên tà áo xuân”

11. Nhớ Tiếng Thu giữa Boston

12. Một hôm, “có chàng Huy Cận”

13. Võ Phiến, “cuối cùng là sự Mộc Mạc”

14. Nguyễn Bắc Sơn… “Thy Đạo”

15. Trần Vấn Lệ “may mà còn nhớ thương”

16. Du Tử Lê “tung cánh vàng xưa hạc vút bay”

17. Khánh Minh “còn chút để dành”

18. Cao Huy Thuần, “Người khuân đá”

Ngoài là bác sĩ, Đỗ Hồng Ngọc còn là một nhà thơ (Đỗ Nghê), một họa sĩ của những bức ký họa được bạn bè yêu thích. Nên những chân dung được ông “vẽ” lại theo cách rất riêng không giống với một ai (unique), bằng đôi mắt của người thầy thuốc yêu nghề, chọn lọc những góc cạnh độc đáo của họa sĩ và trải lòng với tâm cảm của nhà thơ, nên có những bài viết đẹp như thơ mà “Nhớ Tiếng Thu giữa Boston” là một.

Với học giả Nguyễn Hiến Lê, người đã viết nên những tác phẩm “kinh điển” làm kim chỉ nam cho tác giả từ thuở thiếu niên (Kim chỉ nam của học sinh, Tự học để thành công, Rèn nghị lực…) thì “Các nhà phê bình sau này nhắc đến sự nghiệp ông mà quên không nói đến sức khỏe ông là một điều thiếu sót lớn! Thực không ai ngờ rằng một người viết hằng trăm tác phẩm như vậy lại là một người đau yếu liên miên… Nhiều lúc tôi ngờ rằng sự nghiệp trước tác của ông một phần xây dựng từ những bịnh tật của ông. Mắc bịnh đau bao tử, một thứ bịnh đòi hỏi phải sống, phải làm việc có tiết độ, ông chú trọng nhiều đến tổ chức, viết Tổ chức công việc theo khoa học, Tổ chức gia đình, v.v. Để có thể tự chữa thứ bịnh tâm thể (Psychosomatique) đó của mình, ông viết Sống 365 ngày một năm, Sống theo sở thích, Chấp nhận cuộc đời, v.v. Những lúc buồn phiền, lo lắng, ông viết Quẳng gánh lo đi, Trút nỗi sợ đi, Xây dựng hạnh phúc… Những lúc bệnh bớt, thấy khỏe khoắn, hăng hái trở lại, ông viết Thẳng tiến trên đường đời, Tương lai trong tay ta… Và khi mệt mỏi, căng thẳng ông xả hơi bằng Tô Đông Pha, Sống Đẹp…”

Nhà văn Võ Hồng được ông diễn tả: “Quạnh hiu. Hoang vắng. Cô đơn. Không muốn “độc cư” mà thành độc cư. Với một tâm hồn vô cùng nhạy cảm, ông héo hắt dần với tháng năm”.

Còn “Jáo sư, kí jả kông chuiên ngiệb” (Giáo sư, ký giả không chuyên nghiệp, theo danh thiếp, viết bằng lối chữ của ông) Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư, là cậu và cũng là người đã đưa tác giả lần đầu tiên đến trường học: “Tôi thấy cậu ốm nhom, tóc hớt ngắn, quần rộng thùng thình, sơ-mi sạch sẽ nhưng nhàu nhè, chỉ có đôi mắt là sáng rực sau cặp kiếng cận tròn, gọng đồi mồi. Bộ ria mép che bớt cái miệng với hàm răng hơi hô, nhưng nhờ hay cười nên cũng có duyên, mũi hơi quặp, chịu đựng cặp mắt kiếng khá nặng, tay thì ôm một chồng sách báo, đi nghiêng nghiêng tất tả.”

Giáo sư Trần Văn Khê khi 89 tuổi: “Ông hãy còn rất trẻ, nhiệt tình, năng động và làm việc không ngừng. Ông nói ông vẫn luôn rung động trước ‘cái đẹp’. Tôi chắc ông hẳn tủm tỉm cười, bắt chước Nguyễn Công Trứ: ‘Bảy mươi năm trước, qua mới… mười chín tuổi!’. Bởi ông vẫn nói cười rổn rảng, trí nhớ vẫn tuyệt vời, sẵn sàng bay đi khắp nơi để thuyết trình, để ca hát, để ngâm thơ… Thực ra thì ông có đủ các thứ bệnh trên đời, nhưng ông biết sống chung ‘hòa hợp’ với nó. Nào phổi, nào thận, nào tim, nào huyết áp, nào khớp, nào tiểu đường… thứ nào cũng có, từ hồi còn nhỏ đến bây giờ. Bệnh tật sống chung với ông làm như hai bên dựa vào nhau, cộng sinh với nhau để ‘hai bên cùng hưởng lợi’! Tôi tưởng các nhà y học có thể làm một nghiên cứu về ông, để biết thế nào là chất lượng cuộc sống của một bệnh nhân. Có lẽ nó khác xa với cách đánh giá của thầy thuốc nếu chỉ dựa vào các xét nghiệm vô hồn!”

Viết về Bác sĩ / Họa sĩ Dương Cẩm Chương, “Ông vẫn miệt mài đi, miệt mài vẽ, vẫn viết thư và vẫn làm thơ ở tuổi 93 như thế. Sức khỏe vẫn dẻo dai. Trí nhớ vẫn tuyệt vời. Thật lạ lùng! Như không hề có tuổi. Trái tim vẫn luôn xao động, luôn đắm đuối, say mê, luôn yêu người, yêu đời, yêu thiên nhiên.”

Còn Nhà văn Trang Thế Hy thì “Ốm nhom ốm nhách trong bộ pyjama lụa lùng nhùng đặc sệt Nam bộ. Tóc bạc lênh đênh chuồi về phía sau, dồn cái trán rộng về phía trước, miệng móm mém, mũi cao, thẳng, mắt sâu và sắc như một thiền sư khổ hạnh.” Đặc biệt cách ông hút thuốc, “Nhưng lần này tôi bỗng thấy mê một người hút thuốc lá. Mê thiệt. Thấy cái cách ông ngậm điếu thuốc chếch qua một bên khóe miệng, thấy cái cách ông khum khum đôi bàn tay ấp ủ ngọn lửa như một bông hoa tự dưng thấy lòng xao xuyến. Một người gần 90 tuổi, ghiền thuốc lá từ ngày còn trẻ, ngồi bên cạnh mình, nhẹ nhàng rút một điếu, nâng niu đưa lên miệng, rồi ân cần xoay xoay chiếc hộp quẹt trong tay chuẩn bị bật lửa… có cái gì đó như một nghi lễ tôn giáo, khiến tôi chỉ biết ngồi im, lặng ngắm, không dám hó hé.”

Tả Nhà thơ Quách Tấn, “Cái gọng kính trễ xuống sống mũi, đôi mắt sâu sâu như cũng mỉm cười sau hai lưỡng quyền cao, nhưng chưa cao bằng cái trán rộng và càng rộng nhờ cái đầu sói, tóc điểm sương.”

Còn với Nhà thơ Huyền Chi, “Cô đẹp quá. Sao thời đó, một người phụ nữ 7 con, 35 tuổi mà dịu dàng, đoan trang, tươi mát đến vậy, khiến ngay cả nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng kêu lên… giá mà hồi đó, sanh sớm nửa thế kỷ được gặp cô cũng không thể không mê!”

Đặc biệt với Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, không một lời tả nhan sắc, nhưng tác giả đã dùng chính thơ của Cô để thể hiện (thơ là người, có phải vậy không?):

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui / Chuyện đời như nước chảy hoa trôi / Lợi danh như bóng mây chìm nổi / Chỉ có tình thương để lại đời… (Tôn Nữ Hỷ Khương)

Ta có thể hình dung đó là người có nụ cười tịnh lạc, tình yêu thương luôn rộng mở với tha nhân.

Nhưng tôi thích nhất ông diễn tả Nhà thơ Huy Cận. Khi mới gặp thì: “Bảy giờ rưỡi tối, cậu Lê Phương Chi đến với một ông già lùn mập, trông giống như Bất Giới hòa thượng, ì ạch leo lên cầu thang”. Đến khi được hỏi, “Huy Cận biết yêu vào lúc mấy tuổi”: “Một ông già Tết này đã 78, bụ bẫm, tay chân ngắn ngủn, mũi hỉnh, trán dẹt, môi dưới dài hơn môi trên, tóc lưa thưa bạc, cổ có nọng, bụng to quá cỡ, quần chật cứng, túi phình như con cá phồng mang, thắt cái cà vạt hơi chật, to bản, đánh một vòng cung quanh bụng, ngồi dựa ngửa trên ghế salon không thoải mái lắm. Ông phì cười vì câu hỏi ngộ nghĩnh của Lê Phương Chi. Và nụ cười làm ông bỗng có vẻ gì trẻ thơ ngơ ngác như chàng Huy Cận thuở nào. Tôi chăm chú nghe. Đâu hồi tám tuổi. Ông nói. Tám tuổi à? Phải, nhưng đó chỉ là mối tình bâng quơ thôi mà. Nhưng người đó là ai vậy? Bây giờ người đó ở đâu? Lê Phương Chi tấn công tới tấp. À, một cô gái quê, ở nông thôn… Tôi lại giật mình nghe Lê Phương Chi hỏi à còn mối tình của Huy Cận và Xuân Diệu? Có phải là… Không không, Tô Hoài viết bậy đó. Huy Cận có vẻ quạu. Tôi với Xuân Diệu là tình bạn thân thiết, không phải tình trai, đồng tính luyến ái chi đâu. Tôi lại quan sát ông. Cái ông già cũng ngộ. Lúc bẽn lẽn, lúc quạu quọ khá dễ thương dù ngó bên ngoài thấy ông giống Bất Giới hòa thượng, nhưng trong ông như lại có Nghi Lâm tiểu sư muội.” Rồi khi đọc bài thơ ‘Huế ơi’ của Đỗ Nghê, “ông lại ư ử. Hay. Câu này hay. ‘Một ngày Đập Đá nghiêng vai biếc người’… Một ngày Vỹ Dạ trăng soi, một ngày Đập Đá nghiêng vai biếc người. Ngày thì trăng không soi được rồi, mà tại sao lại biếc người? Không phải chỉ là cái quán cà phê bên dòng nước xanh um bóng cây kia mà chính là, à phải rồi, chính là con thuyền ai đó có chở trăng về kịp tối nay và vườn của ai kia lá có còn mướt xanh như ngọc. Vâng, xanh nên biếc và người nên ngọc. Ông Huy Cận này ghê thiệt. Quả là danh bất hư truyền. Ông đọc và cảm nhận thơ tinh tế không thể tưởng. Mới vừa thấy ông là Bất Giới hòa thượng đó bỗng đã thành Nghi Lâm tiểu sư muội, rồi bây giờ lại là Lệnh Hồ huynh đệ, chỉ dùng kiếm ý mà không cần kiếm chiêu.”

Rồi còn có biết bao điều được tác giả chia sẻ rất thú vị.

Chẳng hạn: “Phong thái ông [Nguyễn Hiến Lê] là phong thái của một nhà nho, giao tình dù thật thắm thiết thì bên ngoài vẫn có vẻ hờ hững, khác xa với cái vồn vã ồn ào của người Tây-phương. Chính cái ánh mắt ông và cái bắt tay chặt chẽ của ông đã bộc lộ tâm tình ông nhiều hơn… Ông không thích đổi thay… Quen biết ông mới thấy ít có ai yêu tiếng mẹ như ông. Muốn cho ông “thao thao bất tuyệt” thì cứ việc nói đến tiếng Việt với ông. Ông chịu không nổi khi thấy một chữ bị dùng sai.”

Hay “Cuộc đời cậu [Nguiễn Ngu Í] nhiều truân chuyên, tài hoa nhưng mắc bệnh không thể chữa được. Tuổi lớn, cơn điên ngày càng nhặt. Có những đợt cậu nằm Dưỡng trí viện Biên Hòa dài ngày, tưởng đã không qua khỏi. Có lần cậu nằm giữa xa lộ cho xe Mỹ cán, nhưng xe chở thẳng vào Biên Hòa. Có lần trốn viện, bắt đom đóm làm đèn đi trong đêm vì thời điểm giới nghiêm. Câu làm thơ thật nhanh, thật dễ dàng ngay trong lúc lên cơn. Cậu chủ biên tập ‘Thơ Điên Thứ Thiệt’ như để phản đối những người giả điên thời đó. Rồi xuất bản tập ‘Qê hương’ để nói về quê mẹ và nơi chôn nhau cắt rún của mình ở Tam Tân…” Với mong muốn lúc rời khỏi cõi đời: “Cậu ước ao được thả trôi trên một chiếc thuyền nhỏ, đục lủng đáy, nhét nút lại, rồi để thuyền trôi lênh đênh trên biển Thái Bình Dương, để cậu được nhìn trời mây nước cho thỏa thích, rồi rút nút cho thuyền chìm dần và chết trong bụng cá, cho ‘Ngư về với Cá’.”

Hoặc Thi sĩ Quách Tấn chia sẻ: “Nhiều bài tôi ấp ủ hằng chục năm. Bài ‘Đêm khuya nghe quạ kêu’ 12 năm, bài ‘Ấp ủ’ 15 năm. Trong một bài mà có một chữ không đạt là tôi bỏ. Tản-Đà có lần định sửa một chữ trong một bài thơ của tôi mà không tìm ra chữ nào ổn, trong ba năm, đành thôi… Tôi dịch thơ chữ Hớn của Nguyễn Du và Thái Thuận, thi sĩ đời Lê Thánh Tôn… Có ai ngờ là Nguyễn Du đã từng sống lữ thực hằng chục năm? Có ai ngờ con Nguyễn Du đói, Nguyễn Du đau trong nhiều năm mà không có thuốc men? Ngay cả vấn đề Nguyễn Du có phải là trung thần của nhà Lê không cũng cần phải đặt lại. Những điều này trong các tập thơ chữ Hớn của ông có nói rõ. Về Nguyễn Trãi và Thái Thuận cũng có lắm điều lý thú bất ngờ.”

Đặc biệt, Nhà văn Trang Thế Hy nói về “tóc bánh bèo” mà có lẽ ngày nay hiếm người biết trong bài thơ Đắng và Ngọt thật cảm động của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa Quán Bên Đường: “À, mà ‘tóc bánh bèo’ là tóc làm sao anh Tư? Có phải ba vá không? Không, không phải ba vá. Tóc bánh bèo, này Tùng – ông bỗng gọi – Tùng biết tóc bánh bèo không? Tùng nói: Dạ có phải cạo trọc, để lại một chùm đằng sau ót, tròn tròn… Ông cầm cái chén lên, vo vo theo miệng chén bảo đúng rồi, cạo trọc, để lại một miếng tròn như vầy, nhưng ở giữa phải có một chùm tóc như cái nhưn bánh bèo vậy!”

Nơi đây chỉ xin chỉ trích một số ít chân dung và chia sẻ để bạn còn tự khám phá khi đọc sách. “Mai sau dù có bao giờ…” vẫn sẽ còn đây những kỷ niệm của một thời. Như trong bài Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly thật da diết: Đời xin có nhau / Dài cho mãi sau / Nắng không gọi sầu / Áo xưa dù nhàu / Cũng xin bạc đầu / Gọi mãi tên nhau… Vâng, một ngày áo không còn thẳng nếp, vạn vật đổi thay, nhớ thuở xưa xa, vẫn mong “của tin gọi một chút này làm ghi”…

 

Đầu Thu – 03.10.2022

(*) Trịnh Công Sơn – Chiếc lá thu phai

Sách có bán tại PhanBook theo link dẫn sau đây:

Áo Xưa Dù Nhàu…

Comments are closed.