"Mê cung Thần Nông" – Sách viết lại phim

Hồ Anh Thái

Từ một bộ phim hấp dẫn, Mê cung Thần Nông đã được chuyển thể thành… một cuốn tiểu thuyết và công chúng bây giờ lại được trải nghiệm câu chuyện từ hình ảnh chuyển sang câu chữ.

Thông thường theo chiều thuận, một cuốn sách sau khi được chú ý sẽ được chuyển thể sang nhiều hình thức nghệ thuật, sách có thể biến thành phim. Nhưng trường hợp Mê cung Thần Nông thì ngược lại. Bộ phim được làm từ năm 2006, rồi mười ba năm sau, năm 2019 phim mới được viết thành sách.

Ở Âu Mỹ thường có quy trình ngược như vậy. Một bộ phim thành công, được nhiều người xem khiến người ta nảy ra ý tưởng phải viết lại nó, biến nó thành sách, có khi hầu như ngay lập tức. Chẳng hạn phim Giải cứu binh nhì Ryan, phim bán được nhiều vé, hàng tháng trời vẫn còn chiếu, cho nên người ta nhanh chóng viết lại nó, thành một cuốn sách, sách được bán vào giai đoạn cuối công chiếu phim, cũng bán rất chạy.

Ta đang nói về Mê cung Thần Nông. Guillermo del Toro, người Mexico, không chỉ là đạo diễn tài năng từng nhiều lần đoạt giải Oscar (với phim Mê cung Thần Nông, Bóng hình của nước), ông còn là diễn viên và nhà văn. Ông viết kịch bản Mê cung Thần Nông để chính mình làm đạo diễn. Bộ phim ra mắt năm 2006, thành công vang dội, đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có ba giải Oscar và ba giải BAFTA của Viện hàn lâm Điện ảnh Anh. Thành công của bộ phim khiến đạo diễn nảy ra ý định chuyển thể phim thành sách. Lần này ông không tự mình viết sách mà đặt vấn đề với nhà văn nữ người Đức Cornelia Funke, một nhà văn nổi tiếng viết cho thiếu nhi. Cornelia Funke là người say mê bộ phim Mê cung Thần Nông đến từng chi tiết và đã chuyển đổi phim thành một cuốn sách đẹp và xúc động.

Nhân vật chính là một cô bé mười ba tuổi, nhưng bộ phim không theo tinh thần dành cho thiếu nhi. Phần cổ tích có đôi chút mơ màng, nhưng toàn bộ không khí trong truyện dường như hơi đen tối. Khuôn mẫu truyện thiếu nhi là hầu như không nhắc đến chuyện chết chóc, nhưng Mê cung Thần Nông lại có nhiều cái chết, kể cả nhân vật chính. Tên đại úy của chính quyền độc tài Franco tra tấn và giết hại những người kháng chiến một cách tàn bạo. Bầu không khí đen tối bao trùm lực lượng du kích Tây Ban Nha và phủ bóng đen lên cảm xúc của người đọc. Rõ ràng, đây là một bộ phim (và cuốn sách) hướng nhiều hơn đến người đọc trưởng thành.

Người cha là thợ may đã chết, người mẹ trẻ phải lấy một đại úy để có chỗ dựa cho mình và đứa con gái mười ba tuổi. Chỗ dựa ấy hóa thành tai họa. Cô bé chỉ còn biết lang thang trong cái mê cung bỏ hoang rậm rạp với những nhân vật bí ẩn như Thần Nông. Ở đó có các nàng tiên có cánh bay như côn trùng, có những quái vật độc ác như con cóc khổng lồ, có phù thủy cùng nhiều nhân vật lạ lùng. Cô bé, hay chính là hiện thân của nàng công chúa bất tử đã trốn thoát khỏi một thế giới ngầm, giờ phải lang thang nơi trần thế, phải hoàn thành những nhiệm vụ bí ẩn rồi mới có thể trở về vương quốc của mình. Nhưng nơi trần thế lại vừa trải qua cuộc chiến Tây Ban Nha, năm 1944 lại là năm gần cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai tàn khốc. Những người kháng chiến bị truy đuổi, bị tra tấn, bị tàn sát. Cho dù họ có chiến thắng ở cuối truyện như một cái kết cổ tích, thì bầu không khí tàn bạo vẫn in dấu trong tâm trí người xem và người đọc.

Đạo diễn người Mexico kể câu chuyện ở xứ Tây Ban Nha từ năm 1944, xen kẽ vào đó một câu chuyện thần tiên nhưng nhiều màu sắc trần thế. Nhà văn người Đức tràn đầy cảm hứng với bộ phim, nên đã nhập thân vào đó để viết lại câu chuyện. Nhờ sự đồng cảm này của họ, công chúng được giàu có lên gấp hai lần, vừa được thưởng thức phim, vừa được đọc sách.

Người dịch nhiều chỗ tỏ ra lúng túng với tiếng Việt, văn dịch thiếu trôi chảy, hơi trúc trắc, cũng có khi sai nghĩa.

– “Cô bảo mẹ mình” (trang 14) – bậc con cháu không được “bảo” mà phải là “nói” với người trên của mình.

– “Miệng có tới hai hàm răng” (chú thích trang 16) – có hai hàm răng là điều bình thường, chữ “tới” khiến người đọc tưởng là nó bất thường, như là nó có “tới” ba bốn cái hàm răng vậy.

– “Hình thể gần tương tự với con người” (chú thích trang 16) – “gần” cũng có nghĩa như “tương tự”, viết “gần tương tự” là thừa chữ.

– “Bàn tay mẹ cô thật nóng khi Ofelia cầm lấy nó trong tay” (trang 33) – “bàn tay” rồi “trong tay” ngay trong một câu, nghe cứ luẩn quẩn loanh quanh và trúc trắc.

– “Vidal yêu thích cái cằm được cạo sạch mà một lưỡi dao sắc bén đem đến” (trang 40) – đây đúng là một câu Tây An Nam, chưa được Việt hóa, cho nên buồn cười.

– “Người con trai cởi chiếc mũ tàn tạ của mình xuống” (trang 42) – mũ thì tiếng Việt không dùng “cởi” như cởi áo.

– “Hai đầu gối suýt chút nữa thì khuỵu xuống” (trang 42) – “suýt nữa” là tiếng Việt phổ thông, “chút nữa” là phương ngữ Nam. Ghép cả hai vào thành một thế này là thừa chữ.

– “Sinh vật này bước một bước dạm hỏi vụng về tới chỗ Ofelia” (trang 61) – “dạm hỏi” là một nghi lễ thực hiện trước, sau đó mới làm đám cưới. Ở đây người dịch dùng nhầm chữ.

 

 

——

* Mê cung thần nông, tiểu thuyết của Guillermo del Toro và Cornelia Funke, Trang Rose dịch, NXB Kim Đồng 2022.

Comments are closed.