Nhật ký đọc sách: “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ” (Annie Ernaux)

Trần Ngọc Hiếu

Những bóng ma mải miết tìm kiếm sự tồn tại - Sách hay

Phải thú nhận tôi đọc Annie Ernaux theo trào lưu. Chỉ khi bà được đồn đoán như một ứng cử viên tiềm năng nhất của giải Nobel văn chương năm nay, tôi mới chạm vào hai cuốn sách mỏng của bà đã được dịch sang tiếng Việt – “Một chỗ trong đời” (La Place) và “Hồi ức thiếu nữ” (Mémoire de Fille). Trong đó, cuốn đầu tiên – tác phẩm được giải Renaudot năm 1984 – đã nằm im trên kệ sách của tôi 5 năm rồi.

Annie Ernaux có phải là nhà văn làm tôi kinh ngạc, sững sờ về tầm vóc tư tưởng hay sự khai phá một thẩm mỹ mới, một lối viết tiểu thuyết như một lễ hội ngôn từ? Không. Nếu chiều mai, bà không phải là nhân vật thu hút sự chú ý của toàn bộ những người quan tâm đến văn chương trên thế giới, tôi không lấy làm thất vọng. Và nếu bà có được trao giải thưởng danh giá này, đối với tôi, đó trước hết là sự tôn vinh một giá trị mà tưởng như nếu nhắc đến thì dễ bị xem là sến súa: sự thành thực.

Đọc Ernaux, tôi có cảm giác văn chương là một cái gì đó rất gần gũi, viết là một hành động rất giản dị và thiết thân. Nhưng cũng là một việc đòi hỏi sự can đảm lớn khi người ta không được phép tự đánh lừa mình ở khoảnh khắc soi vào ký ức. “Một chỗ trong đời” là cuốn sách Ernaux dựng lại chân dung người cha của bà, mà qua đó, bà đối diện với quá khứ xuất thân, với những gì đã làm mối quan hệ của bà với gia đình mình có một khoảng cách mà bà cần thiết phải miêu tả (chứ không phải để biện minh, phân trần). Động cơ khiến bà cần phải viết một cuốn sách mà cha mình – một người đàn ông xuất thân từ tầng lớp lao động, cố gắng làm mọi việc để con gái mình được học hành tử tế, được vươn lên địa vị cao hơn, nhưng đồng thời ông lại luôn thấy cái thế giới, nơi con gái của ông thuộc về, là thế giới từng khinh miệt ông. Người cha ấy, trong cuốn “Hồi ức thiếu nữ”, có thể giữ tờ báo thông báo con ông thi đỗ thứ hai trong kỳ thi đại học nhưng rồi lại vẫn cứ có cảm giác giữa mình giữa mình và con gái là một hai mặt phẳng không có nhiều điểm giao cắt. Một lão Goriot ít ảo tưởng và nhiều mặc cảm, vừa cả đời làm lụng vì con gái, vừa muốn đẩy nó khỏi cuộc đời mình, vừa gia trưởng và vừa tự ti cùng lúc. Chẳng phải vô cớ đây lại là nhân vật trong một tác phẩm văn học được nhắc đến đầu tiên ở “Một chỗ trong đời”.

Động cơ để Ernaux viết “Một chỗ trong đời” chính là khoảnh khắc bà nhìn thấy cha mình lần cuối, lúc ông qua đời, trong hình hài trần trụi, cảm thấy mùi thối từ thi thể của ông vương vất trong tâm trí. Ở những trang cuối cuốn sách, Ernaux miêu tả những ngày cuối cùng của cha mình khi ông lâm bệnh nặng, toàn bộ trạng thái cơ thể không kiểm soát nổi nhưng vẫn người cha vẫn khăng khăng tự mình làm được mọi việc, không phiền đến con gái. Văn của Ernaux vốn rất lạnh, tiết chế cảm xúc y như Nguyễn Huy Thiệp trong “Tướng về hưu” nhưng khi bà viết: “Tôi đã dám thực sự nhìn ông”, tôi đã gai người. Bởi đấy là lúc tôi đã nghĩ mình cũng cần phải viết một cuốn sách nào đó về mình, về mối quan hệ giữa mình với người thân, của một đứa con gần như đã thuộc về một tầng lớp khác, không có nhiều chuyện để nói với những người trong gia đình mình vốn là những người xuất thân trong tầng lớp lao động. Đã bao lâu rồi, tôi đã không còn biết nói chuyện gì với cha mình và nhiều khi tự biện minh: bố mình giờ nghe khó rồi, có nói bố mình cũng không hiểu gì. Mà mình thì có gì để nói, chẳng nhẽ nói con vừa đọc một cuốn sách hay?

Ernaux là kiểu nhà văn lớn mà tôi thấy gần gũi với những trải nghiệm của mình, là nhà văn phát lộ cái khó của việc làm người hóa ra lại nằm trong những chuyện thường nhật nhỏ nhặt, dù người ta có đọc bao sách vở rồi cũng vô hiệu khi phải loay hoay, xoay sở để làm sao có thể hiểu được nhau. Nhưng bà cũng là một nhà văn không dễ đọc – tôi tin vậy, nhất là với những độc giả nam giới. Ernaux có thể không phải là nhà văn cho họ. Trong “Hồi ức thiếu nữ”, một tác phẩm mà Ernaux tự phân hóa mình ra để quan sát và phân tích chính mình, bà một lần nữa lại thắng nỗi sợ hãi khi đối diện với sự thật của bản thân, một người phụ nữ cận kể tuổi 80 sẽ nhìn lại và nghĩ gì về chính mình lúc còn là một cô gái 18 tuổi. Khoảng cách giữa “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ” là 32 năm và cuốn sách thứ hai này sẽ bổ sung nhiều bí mật mà “Một chỗ trong đời” bỏ ngỏ. Bởi đây là cuốn sách Ernaux lấy bà làm nhân vật trung tâm.

Một cô gái 18 tuổi, ý thức được hoàn cảnh xuất thân của mình, muốn nổi loạn để định vị chính mình bằng những trải nghiệm đầu tiên về tình dục, nơi cô gái rơi vào những trạng thái đầy băn khoăn về chính cơ thể của mình. Một cô gái đôi khi muốn làm phép thử đối với các khuôn phép xã hội bằng cách đồng lõa với bạn mình để ăn cắp. Một cô gái sẽ làm thế nào để thích ứng với một cái nghề nhiều tính khuôn mẫu bậc nhất – giáo viên? Câu chuyện về một người đàn bà một ngày muốn tìm lại tung tích người đàn ông đầu tiên mình có quan hệ tình dục… có thể sẽ không phải là một cốt truyện gợi nhiều hứng thú với nam giới (cũng như tôi chẳng thể nào nhớ có tác phẩm nào của nam giới mà nhân vật nam nhớ lại trải nghiệm tình dục đầu tiên của đời mình). Đó cũng không phải là một cốt truyện dễ được diễn giải ra thành những thông điệp nữ quyền lồ lộ. Đọc Ernaux, hay trước đó đọc Alice Munro, tôi tin rằng các nhà văn nữ thường không triết lý về nữ quyền để từ đó những nhà hoạt động, nhà tư tưởng nữ quyền vin vào đó biến thành các khẩu hiệu hành động. Họ, bằng khả năng ngôn ngữ của mình, làm người đọc cảm được những gì mà nếu thiếu văn chương, cùng lắm, người ta chỉ có thể biết. Họ cho thấy những ngóc ngách nội tâm sâu thẳm của người phụ nữ, những cảm giác tinh vi của cơ thể, những ám ảnh của ký ức có thể bị điều kiện hóa bởi xã hội, bởi văn hóa như thế nào. Những gì nằm ở sâu nhất là những gì quẫy đạp dữ dội nhất đối với xã hội.

Ernaux bảo bà biết ơn Simone de Beauvoir, cái tên được nhắc đến trong cả hai tiểu thuyết của bà được dịch sang tiếng Việt. Beauvoir là người làm cho phụ nữ nhận thấy người ta không sinh là đàn bà, người ta trở thành đàn bà và con đường trở thành ấy, mỗi cá nhân vừa chịu sự chi phối của những nhân tố văn hóa chính trị nhất định, lại vừa có thể hoàn toàn có thể giải cấu trúc những nhân tố ấy để tạo ra những khả thể đa dạng của việc trở thành đàn bà. Đọc Ernaux, các vấn đề về căn tính giới không trỗi lên thành một luận đề dễ nắm bắt nhưng sự tra vấn chính mình bằng một giọng điệu lạnh, nghiêm (nhưng không khắc nghiệt) khiến bà không rơi vào một thứ chủ nghĩa ái kỷ tự luyến (dù điều này cũng có sức hấp dẫn, như trường hợp Marguerite Duras).

Annie Ernaux – tôi không đặt cược bà cho giải Nobel Văn học ngày mai sẽ được trao. Nhưng cuộc gặp gỡ với bà làm tôi thật sự tin mình cũng có thể có một cuốn sách của mình. Có dám can đảm để thành thực không thôi?

Nguồn: https://hieutn1979.wordpress.com/2021/10/06/nhat-ky-doc-sach-mot-chon-trong-doi-va-hoi-uc-thieu-nu-annie-ernaux/

Comments are closed.