Sinh mệnh

Tiểu thuyết của tác giả Bách Mỵ

KỲ 1.

Ai đã từng có một cơn mưa xa trong lòng mình? Cơn mưa mịt mù ngay cánh đồng sát nhà nhưng lại là một cơn mưa xa! Mưa giăng hết lối đi về của một buổi chiều muộn, mưa ướt tổ ấm của bầy chim non mất mẹ, mưa khi bao người đang ở dưới mưa, khi bao người còn đang đứng dưới hiên nhà chìa tay hứng đầy nước thơm khói rạ. Những cơn mưa xa thường là những cơn mưa mù mịt. Người sẽ thấy nhớ thương đôi mắt buồn của chú chó già buổi mưa về. Người tự trách mình không nhường thêm được chút cơm cho nó trong ngày nắng ấm để những chiếc xương sườn không nhô lên buồn bã lúc này. Mưa luôn chỉ ra rằng thế giới này là thế giới của cây cối. Cây cối luôn ở đó xanh tươi và bình thản. Cây lớn lên một nơi xanh tươi cho hoa thơm trái ngọt. Cây không hoảng loạn và chạy trốn. Cây nhẫn nại, kiên cường và im lặng.

Và những cơn mưa cuộc đời, cay đắng hay ngập tràn hạnh phúc của Biên, là những cơn mưa xa tháng sáu.

-Ngồi im đó chờ tui hỉ!

– Mưa tháng sáu biết khi nào cho ngớt, hơi đâu ngồi đó mà đợi tạnh. Tịnh không nghe lời bài hát hả?

Rồi Biên cất tiếng khe khẽ: Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt, trời không mưa tui cũng lạy trới mưa…

Biên cười hiền pha chút bẽn lẽn sau khi dứt câu hát rồi cắp rỗ băng rào ra vườn cây thuốc nam nhỏ của mình. Từng chùm bông ngủ ngày hồng thẫm ướt dính nhẹp xuống cành gai lá khép. Mấy cây mè đất trùi trũi sâu ăn lá lỗ chỗ tưởng đã khô mà khi nhô lên rễ cây còn dài hơn cả thân cứng cáp thể hiện sức sống tiềm tàng mãnh liệt lắm.

Tịnh nhớ có lần Biên nói thích hái rau hái quả trong mưa. Tưởng tượng mưa như là bài hát cảm ơn cây cỏ cho mình lá xanh trái ngọt. Mưa như là nước mắt của thân cành với lá . Mưa như là tiếng lòng của Tịnh và Biên cứ gõ vào cỏ cây hoa lá mà biểu thị vui buồn, cứ dâm thấm vào đất từng đợt để biểu thị sự hồi sinh từ cỗi cằn, khô héo.

Tịnh lấy đũa khơi lớp lá chuối đầu tiên ra, cơn đói dường như ập đến bởi mùi lá chuối hấp. Thốt nhiên Tịnh nói:

-Tui xông xong thì chở Biên xuống đường Bông Bay ăn bánh nậm nghen!

-Lo mà xông cho đúng bài giùm tui cái đã!

-Dạ thưa thầy, con khơi từ từ ba lớp lá chuối thì mới tới bảy thứ gai. Mấy cái lá có chứa tinh dầu ni xông xong thì tóc con cũng mướt rượt luôn. Chừ thì đang bươi cái nùi sả, thầy quấn chi chặt quá hơi hớt mặt con phỏng rồi đây thầy ơi!

Cứ mỗi lần Tịnh chọc như vậy là Biên nghe cơn mưa như những bước chân người. Những bước chân đi từng tốp, từng cặp, ngang qua khúc khích trong điệu Rumba ôm eo tình tứ, đắm say.

Sau lớp chăn mỏng và tiếng khói lá trong nồi là hai ánh mắt bừng nở niềm hạnh phúc, thương yêu gắn bó. Có phải vì thế không mà mỗi lần khi nhớ nhung là Tịnh lại nói tui bị cảm rồi; lần này cảm nặng, đôi mắt như có đám mây về áng ngữ; miệng đắng và tóc thì buồn khô khốc.

Mẹ đẻ non mà còn đẻ rớt ra Biên trên cánh đồng bắp khi mang bầu ở tháng thứ tám. Bà Cầu hớt Biên về cắt rốn và móc miếng. Biên như một cái chai sáu lăm, tím xanh, nằm thõm giữa chõng tre, nằm im phơi nỗi xót xa buồ̀n tủi của mẹ dưới cái nắng hè trưng rức. Cha cột con trâu trắng vào gốc mít, chen đám người lao xao tiến về cái chõng, đôi mắt trố một nỗi thất vọng vào chính giữa hai cái bẹn nhăn nheo tím tái, ông vung roi cày, quát:

-Đem chốn sống nó đi!

Mẹ hốt hoảng cào Biên vào lòng mình, bế lên một tiếng khóc thét.

Mấy ngày sau, con trâu trắng sùi bọt mép rồi lăng đùng ra chết khi đang nhai rơm khô phía đầu hè. Cha gào lên trong điên dại. Vườn chè lá vàng tới, khô quắt không người hái. Mùi rượu theo cơn nắng khét xông vào căn buồng đẻ của Mẹ. Mẹ mím môi nhét núm vú khô queo vào miệng Biên. Tiếng khóc như rên của Biên yếu dần và im bặt. Cha đạp giằng cánh cửa buồng, văng tục những lời cay nghiệt. Cơn mưa đầu hè kèm theo những tiếng sấm vang trời, mẹ quáng quàng chạy ra sân tuôn mớ bắp đang phơi, Biên thì cứ ẹ ẹ không ra hơi vì thiếu sữa. Là ông trời không có mắt hay là những cam chịu đã đắp một ngôi mộ uất hận trên ngực mẹ?!

Buổi tối, mùi tượu nồng nặc gian nhà, giấc ngủ của Biên được mặc định khi tiếng thút thít của mẹ kề tai. Tiếng ru đau khổ và ngân vọng hơn bất cứ lời ru nào trên đời và Biên lớn bằng cách bú nước mắt của mẹ.

-Lũ mày biêń đi! Cút khỏi cuộc đời xám xịt của tau ngay!

C…ú…t…!!!

 

***

Biên gặp Tịnh dưới cơn mưa rừng tháng sáu. Lần đầu tiên Biên cảm thức được nước mưa có thể thấm vào da thịt mình. Hai nắp túi áo lao động màu xanh đội lên, rớt ra từ đó vài quả dâu chín. Tóc nhẹp mùi hăng hăng, cay cay của nắng. Da đẫm mùi bùn đất và gỗ mục, đôi bắp chân thơm mùi tràm của nấm rừng. Mùi của cánh rừng sau mùa lúa đã tắm táp những tháng ngày cằn cỗi của họ

Họ không trao đổi với nhau bằng lời nói. Họ là người từ trăm năm mãn ngày xa cách. Họ đoàn tụ như một ước hẹn.

Theo anh về cỏ xếp mượt đường quen

Vài em bé bên đồi tung tăng diều sáo

Chị gà mái quáng quàng cào rơm kiếm ổ

Trâu nhai bắp cây lạo xạo phía sau vườn

Đưa em vào mùa hát khúc yêu thương

Sen nở rộ, gió đưa hương khèo chân em mỗi sớm

Lũ bướm bên khóm lài rung hương nghịch ngợm

Hạ trong veo mỗi sớm có nhau về.

Biên như con chim Kơ’Tia an ổn ríu rít, véo von trong cánh rừng già, như dòng nước suối đang chảy qua một quãng trời xanh thẳm, như một tiếng đàn ngân dưới vòm lá ấm. Căn nhà tranh cha đốt trong cơn say đã hỏa táng luôn một quãng thanh xuân nhọc nhằn, bất hạnh của mẹ.

Tháng sáu, khi con chim bắt cô trói cột về kêu quanh xóm vắng, Biên lại nhớ mẹ như cô gái đôi mươi bị ốm. Màu nắng, tiếng chim hót và mùi thơm đồng ruộng sau thu hoạch làm mẹ bối rối và hối tiếc:

– Ai mà nghĩ con chim đó còn hót y cái giọng ngày xưa con nhỉ! Khi mọi con mương trong veo vắt qua xóm làng mình đã sụt sệ đầy đất rồi. Khóm tre xanh dài nối hai cái gò có bao nhiêu là cây thuốc chừ cũng đứng le hoe ba bốn cây lá ngai ngái vàng nhìn lên quả đồi trọc sỏi.

Mẹ không tưởng tượng được mình đã gần chạm mốc sáu mươi khi buổi sáng tháng sáu một luồng tia nắng man mác hương hoa sứ hoa lài còn lọt kẽ vách đơm vào vách mũi.

Bỗng dưng mẹ không muốn trở dậy nữa. Mẹ nằm im lắng nghe hơi thở gần của mình, nghe mùi hương đang lan thấm vào làn da khô chai sạm, nghe con tim khẽ khàng bắt nhịp, nghe những sợi tóc pha sương uống dầm nước mắt… nghe cả tiếng đôi chân khỏa lúa trên tấm bạt trước sân. Suốt mùa hè, đôi chân của mình là thứ mẹ nhìn thấy và nghĩ về nhiều nhất. Đôi chân Giao Chỉ không như hình dung của mọi người khi nhìn thấy hình dáng của mẹ. Các móng thì nhỏ và cứng, khi muốn sơn sửa cho sang như người ta cũng không được. Đôi chân khỏa lúa ít nhất tám sào lúa mỗi mùa!

Biên tự hỏi: Sao mẹ không dùng bồ cào cho nhanh như người ta? Trưa nắng như đổ lửa mà mẹ cứ đá hai bàn chân đi ngang đi dọc, khi thì mấy cái nong, khi thì tấm bạt bốn người gấp mới được.

Cũng chẳng hiểu sao mẹ ưng làm toàn chuyện khổ hơn như rứa. Khi đi quay lúa như vậy mẹ có cảm giác hạnh phúc khi bàn chân được chạm, được cảm nhận thành quả lao động của mình. Hạt lúa được nâng niu dường như nó cũng vui và gạo sẽ ngon hơn thì phải.

Phải thật hiếm hoi lắm khi sáng nay mẹ nghe tiếng cành cây mít khô rụng rớt trên mái tôn chuồng gà. Chuồng heo trống rỗng từ đợt tết cha trở bịnh mà mẹ vẫn nghe tiếng con heo nái kêu hiền khô trong chuồng. Tiếng kêu hiền tới mức để mẹ biết được nó đói đến mức nào sau mấy hôm mẹ trực bệnh viện gửi hàng xóm cho ăn thất bát. Mẹ nghe thấy tiếng con kêu giật ngược hỏi cái chổi quét nhà mẹ để mô? Cái thùng diêm quẹt để nhen lửa mẹ để mô? Cái đòn gánh gánh nước mẹ cất mô rồi hả mẹ?

Khi con chim bắt cô trói cột còn chưa đậu xuống ngọn tre như thường lệ thì mẹ đã ngồi dậy và thấy trời đất đã tối đen như mực. Cái chổi quét nhà vẫn móc ngay trên chạn ba cây sắn ở gần góc bếp. Cái thùng diêm quẹt nằm trên góc đầu tủ mèo. Cái đòn gánh mẹ cất dưới gầm giường giữa mấu hai đầu tròng dây, tròng gióng đã mòn nhẵn…

Đêm đêm, Biên lại chiêm bao thấy mẹ. Mẹ đi chiếc xe đạp giàn ngang cũ kỹ, đôi mắt như cô gái mười tám, tóc mẹ xõa bồng bềnh ngược cơn gió chiều. Mẹ nói với Biên mẹ phải đi rồi, mẹ không canh giữ mùa hè nữa. Mẹ không còn nỗi lo sợ lúa ướt, không còn sợ bầy quạ ăn hết đám bắp hay ruộng dưa hấu sẽ nứt bởi những cơn mưa giông bất chợt của mùa hè nữa… Mẹ đã chẳng giữ được niềm vui nào cho riêng mình và càng không thể ngăn cản những nỗi buồn phải đến. Mẹ đã không làm được điều gì đúng cả ngay cả việc hy sinh hết tuổi xuân của mẹ cũng là điều vô nghĩa và vớ vẩn rồi. Cả con rồi cũng bận loay hoay với tóc dài, tóc ngắn; bận với chiếc máy giặt mới mua, xem nó chạy êm hay không; bận lòng với những chiếc váy ma-nơ-canh đang diện đứng trong những shop thời trang; bận rửa cho sáng bóng mấy cái tăm xe mỗi lúc về nhà thăm mẹ… Mẹ bỗng quay quắt nhớ con khi con lên tám tuổi. Mẹ nhớ con phập phồng theo cơn ho của mẹ, nhớ bàn tay bé nhỏ của con đưa lên vuốt nhẹ dấu chân chim đầu tiên trên đuôi mắt mẹ khi con tưởng rằng mẹ đã ngủ say. Rồi con lên chín, lên mười vẫn che chở mẹ trong những cơn mưa cuộc đời. Mẹ đã có lúc vùi đầu vào ngực con mà khóc, bàn tay con đã từng biết vuốt cho những niềm vui, nỗi buồn trong mẹ thẳng thớm. Khi con còn đang bận lòng với những điều không thể đến thì mẹ đã lú lẫn để không còn nhận ra con hiện tại. Mẹ đi tìm con của mẹ, đứa con cho mẹ sức mạnh để bước qua hết những đêm dài đói khổ. Đứa con cho mẹ nhớ nhung hết cuộc đời này.

Không kịp chạy ra khỏi giấc mơ, Biên oà khóc!

***

Những cơn mưa xa thường là những cơn mưa đêm. Bước chân tiền kiếp ghé về tí tách bên hiên luôn khiến Biên mất ngủ. Nỗi thương nhớ mình, thương nhớ những phận đàn bà dắt dìu mai sau băng qua những ướt lạnh cuộc đời.

Tịnh giữ lại một mảnh đất nhỏ ven đồi dành cho Biên trồng cây và rau củ. Ngôi nhà nhỏ được Tịnh thiết kế chừa ra một mái hiên rộng lợp bằng lá cọ. Nơi ấy sẽ đón ánh nắng vàng thơm đầu tiên của ngày lọt qua mái cọ. Một chiếc bàn tre hình bàn chân Giao Chỉ mà Tịnh khéo léo đan đác cho Biên sẽ luôn có một rổ hoa lài vào mùa hè và rổ nấm rừng vào mùa thu đông. Những chiếc quạt mo tre, mo cau sẽ luôn được Tịnh giành vừa rồi để trên kệ lá. Tịnh nói tui là đứa con trai được sinh ra từ lớp vỏ cây mục. Tui lăn lóc ở bụi bờ, sông suối. Những cơn gió ru tôi ngủ, lá cây nuôi tôi lớn và những quả đồi vắng vẻ nhiều thú rừng nuôi tôi khôn. Tôi biết tránh bóng mình lên tổ những chú chim non để mẹ chúng luôn quay về trong những buổi kiếm mồi nuôi chúng lớn. Tôi không săn bắt vào mùa xuân và thay vào đó tôi luôn trồng cây gieo hạt. Tôi chỉ lấy đủ những gì tôi cần. Và thiên nhiên đã mách bảo, đưa lối tôi gặp Biên. Những con chim thiên đàng cho tôi biết rằng có một cô gái không cần sính lễ. Cô gái không bao giờ đi đến các lễ hội đông người. Cô là một thế giới và thế giới đó dành cho cô. Những buổi chiều tà tôi hoá thành một cây thân gỗ đứng dọc đường lủi thủi của Biên. Biên đã luôn nghe ra hết những lao xao buồn vui cành lá. Biên đã luôn kết nối được yêu thương trên suốt bốn mùa.

Tôi là một chú linh dương non bị rớt lại trong hành trình di cư về phía cơn mưa; là một con voi nhỏ bị sa lầy không có mẹ. Tôi là một con thỏ rừng thơ ngây, và chính tôi cũng là một con hổ đầy vết sẹo. Tôi bắt gặp đôi mắt của Biên là đôi mắt của những chú chim non, là đôi mắt của những con mồi đang làm mẹ biết mình sắp vào cửa tử, là đôi mắt của con đại bàng lịch thiệp đang bay, là đôi mắt rực lửa của loài cá voi lưng gù lúc vượt trùng khơi sinh tồn…

Trên hành trình dài gặp gỡ này, tôi và Biên đã từng tuột tay nhau, từng đối đầu, từng sát thương nhau, từng chạy trốn thương yêu qua nhiều thế kỷ. Và mẹ tôi, Mẹ Thiên Nhiên đã nói với tôi rằng yêu thương không có ranh giới. Người che chở muôn loài. Muôn loài luôn che chở cho nhau.

Tịnh nắm chặt tay Biên những buổi mưa chiều. Nhìn lên ngọn đồi mưa giăng như kín lối về cố xứ, trong Biên nỗi đau rớt ra như từng mảng đất rừng sụt lở. Có những con đường vừa rơi vào vô tận. Có những hàng cây vừa sẩy chân xuống vực thẳm mênh mông. Biên đứng trong giàn giụa, hoảng loạn. Những dòng thác lớn sẽ mang trong mình những gì trước khi hoà cùng biển cả. Nó mang những cơn mưa dài xuyên thế kỷ, mang những xác buồn ngơ ngác bởi lòng tham. Trong những cơn mưa, Biên và Tịnh luôn nắm tay nhau thăm viếng lại tinh cầu.

***

Mùa xuân, những trai gái mà Tịnh và Biên đã từng là mặc những bộ áo váy vải lanh nhuộm chàm, trang trí những chùm bông đỏ sặc sỡ, theo tiếng bước chân đôi mươi, theo tiếng khèn tiếng sáo tỏa ra khắp sườn đồi. Người già ngồi lại một mình trong xó bếp nhìn ánh lửa chập chùng. Vũ điệu thời gian đẹp nhất là vũ điệu của lửa cháy trên nền củi rừng. Ánh sáng và hơi ấm dừng lại soi rõ, sưởi mềm từng nếp nhăn thịt da trên bàn tay, khuôn mặt. Thanh xuân của họ là những ngày cúi mặt trên nương, là những phút giây ngửa mặt nhìn mây cuốn trôi tiếng hát tiếng cười, là những sợi tóc buồn rời đi về phía biển. Những người phụ nữ chỉ được khóc to thành tiếng một lần duy nhất trong đời là lúc họ được sinh ra. Đến tuổi biết nói họ lại thường phải nhìn khẩu hình trên khuôn mặt của người lớn mà ghi nhớ những lời cần nói vào trong lòng. Họ luôn chọn im lặng và cúi mặt vì họ mang đôi bầu sữa ngọt gần huyết quản của mình. Tiếng nói của phụ nữ nhiều đời mà Biên nhớ là những tiếng ru con đá mềm, chân cứng, là lời tạ ơn cỏ cây trong bữa cơm lúa mới ngày mùa. Bếp lửa mùa xuân như cuộc viếng thăm của tổ tiên. Trước ánh sáng của lửa người không tài nào che giấu được nỗi niềm của mình. Trước bếp lửa người than thở, giãi bày, ước hẹn… mọi điều trong im lặng.

Lửa cháy như nước chảy

Lửa cháy như trăng soi

Lửa cháy mặt trời lặn

Ngựa chạy, lửa lên trời

Từng đôi trai gái chạy theo tiếng khèn tiếng sáo ngoài kia. Những quả pao, ánh mắt đã trao gửi. Bao nhiêu háo hức của buổi đầu giai ngẫu là bấy nhiêu bàn tay bưng mặt bữa lửa tàn.

Vì Biên đã bú nước mắt của mẹ mà lớn lên nên Biên chẳng bao giờ có câu hỏi nào dành cho sự im lặng của nửa thế giới mà Biên từng gặp. Lẽ ra những người đàn ông như tổ tò vò mục ấy họ nên cưới thức ăn làm vợ, nên cưới những mẻ rượu ngô, rượu cần mà bầu bạn với mình.

Trăng lên. Xứ sở này trong tâm thức của Biên là xứ sở trăng lên. Bóng tối dù gì cũng là một người bạn tin cậy và bình an nhất. Từng bó củi, bức mành, vại, chum, tàn tro nơi góc bếp luôn ở đó chìm trong im lặng vỗ về Biên. Bóng tối lau thấm nước mắt một cách ân cần không chỉ trích. Biên luôn thấy mình yên ổn với một góc tối cho đến khi trăng lên. Trăng lên không còn màu xanh loang loáng của những đồi cây vững nắng nữa. Ánh sáng chỉ ra những con đường trọc sỏi không biết điểm dừng chân. Trăng phô bày sự cằn cỗi, cô đơn của những mái nhà. Trăng rượt đuổi những con thú rừng không còn nơi trú ngụ. Trăng đã lấy dần đi ký ức đẹp của Biên về những con đường màu xanh an hoà, no ấm. Trăng vằng vặc bên ngoài giấc ngủ những kẻ tham lam, dối trá. Biên luôn tự nhủ trăng còn sáng đến bao giờ để thức tỉnh được nhân gian?

Tịnh pha một bát nước lá rừng khẽ khàng đặt trên chiếc bàn Giao Chỉ. Mái tóc không gương lược của Biên luôn bừng lên mùi cây trái. Biên ngả đầu vào vai Tịnh bình yên.

***

Đêm qua Biên lại chiêm bao thấy cha Biên đốt nhà. Ngôi nhà tranh vách lá từ năm Biên lên bảy tuổi lửa lan từ phía chái bếp rồi bùng lên dữ dội. Lần đầu tiên trong đời Biên thấy nhà cháy mà vui vì mẹ vẫn còn ở ngoài đồng. Mẹ không có ở nhà và tài sản vô giá của cuộc đời Biên vẫn còn. Từng tấm tranh lợp nhà một tay mẹ đánh cháy lên, bung ra rồi rớt xuống, tàn lửa bay như từng bầy đom đóm lập lòe ra phía cánh đồng. Từng cây gỗ đứng trụ là những ngày mẹ lên nương tích góp được. Nó cứ đứng cháy y như những bó đuốc bã mía đêm chạy lụt… Lạ là bốn bề lặng im, chỉ có Biên với những hồi ức và ngọn lửa… Khi lửa vẫn còn đang thiêu rụi thành quả những tháng ngày chắt chiu khổ cực của mẹ thì đất dưới chân bỗng sụt lún. Người người đang trong những cuộc vui xổ ra, tranh đường, giẫm đạp lên nhau mà chạy. Từng đôi nắm tay nhau chạy chưa ra khỏi rặng tre thì sóng nước đã chồm tới nhấn chìm tất thảy… Trong mênh mông hoảng loạn ấy Biên lại nhớ Tịnh. Mùi lá xông da diết vây ngập xóm làng. Biên bỗng ước Biên đã nói với Tịnh rằng Biên đã nhớ thương Tịnh biết bao nhiêu! Biên ước được nắm tay Tịnh và để cho sóng nước cuốn vào vũ trụ mãi mãi.

Bây giờ mùa mưa, những đôi chân nặng như chì đang nhấc mình lên sườn dốc. Đường về nhà không có tiếng hát xập xoè, không có những ánh mắt tình tứ dõi theo nữa. Đất giữ chặt những bàn chân người như người thương ôm chặt nhau trước lúc chia ly. Đất từng cục dẻo dính trên bậc cửa, đất đỏ lên những chiếc váy áo của người làng.

Biên không có buổi lễ đặt tên nên tên của Biên là tên của những cánh rừng mẹ đi hết kiếp người thương nhớ; là tên một loại lá cây khiến mẹ tự trao cho mình quyền sống đẹp; là tên của một bài hát được đồ lên tảng đá rêu phong.

Uống hết bát nước lá thứ hai, Biên quay vào buồng nằm. Tiếng gia súc nháo nhào trong cái lạnh thất thường của thời tiết. Biên thấy mình ngồi đằng sau chiếc giỏ thồ lót đầy lông thú và vải vóc. Tuyết bắt đầu rơi dày trong tiếng quất roi vào không trung điều hành đàn gia súc tiến hành cuộc di cư cùng con người. Ở nơi đó, mọi người chưa từng nghe tiếng khóc của những trẻ con như Biên. Trong những cơn đi tìm sự sống cho mình và muôn loài ấy, tiếng khóc bị át bởi tiếng vó ngựa, tiếng rủng roảng của lục lạc, tiếng va vào nhau của đồ đạc và gió mưa bão tuyết.

Biên nhớ ánh mắt của con chó sói đơn độc thường lai vãng ở khu lều trại. Ngay cả những phồn thịnh của mùa xuân cũng lại là một cái nền xanh tươi để những đói khát đơn độc ấy hiện hữu rõ hơn. Đoàn người hạnh phúc đã gắn bó cuộc đời mình với đàn gia súc và đồng cỏ, tự hào là đã mạnh mẽ trong cuộc sinh tồn ở một nơi có điều kiện khắc nghiệt nhất địa cầu. Trong cơn mơ mênh mang ấy sẽ là một giấc ngủ êm đềm nếu như tiếng mài dao từ những ngày chớm đông không vọng lại. Và dấu vết một cơn mưa không làm đỏ loang đồng cỏ phủ đầy tuyết trắng.

Có những cơn mưa đã dừng ngang lưng trời. Mẹ nói sẽ có những nơi không đủ ấm áp để chúng ta dừng chân hay trú ngụ mà chúng ta dừng chân trú ngụ để làm cho nơi đó ấm áp lên. Sự biến đổi, thích nghi là một quá trình tất yếu của sự sống. Vì vậy mà chúng ta có mặt ở đây, vượt qua thung lũng Chayu để quay lại cánh đồng cỏ mùa xuân cho gia súc của chúng ta. Hành trình trở về cũng chính là một sự ra đi. Sẽ có những con bò Yak con được sinh ra và sẽ có những con cừu già kiệt sức bị bỏ lại. Sự sinh sôi và tàn lụi luôn song hành vì vậy mẹ chúc con luôn nhận được và cho đi những điều mới mẻ tốt đẹp nhất. Dòng sông băng sẽ tan trước thời hạn như thường lệ hay tan chậm hơn đó không phải là quyết định của sông, mặt trời hay trái đất. Đó là quyết định của người và sinh vật đang sống trên hành tinh này. Và chúng ta có an toàn khi trở về cánh đồng cỏ mùa xuân hay không, không đơn thuần là đoán chừng sự tan chảy của nó mà chúng ta có lúc phải đoán chừng mình, đoán chừng đồng loại của mình đã mạnh nhẹ như thế nào với thiên nhiên qua từng giây khắc.

Một con bò mẹ Kaiya gầy gò vừa lấy hết sức bình sinh để sinh ra một chú bò Yak con dưới sự trợ giúp của con người. Lúc này Biên cảm nhận được ý nghĩa và vẻ đẹp của SINH NỞ. Từng chùm bông tuyết trắng đậu trên đôi hàng mi dài của bò mẹ Kaiya tan dần. Giây khắc con bò Yak đứng lên: tuyết ngừng rơi, gió lặng và mặt trời bừng sáng. Biên nở một nụ cười rạng rỡ và thiếp đi.

(Còn tiếp)

Comments are closed.