2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 28)

Hoàng Hưng

281. Conflict behavior: Hành vi xung đột

Hành vi do trải nghiệm hai trạng thái động lực không tương thích cùng một lúc. Thường xảy ra như kết quả của một xung đột tiếp cận-tránh né(approach-avoidance conflict). Ví dụ: khi một con vật đói bụng phải rời chỗ ẩn náu để kiếm ăn trước sự có mặt của một con thú săn mồi (việc kiếm ăn đối nghịch nỗi sợ) hay khi một con đực đi vào lãnh thổ của con đực khác trước sự có mặt của một con cái có tiềm năng cặp đôi (xâm hấn đối nghịch tính dục). Hành vi xung đột có thể biểu lộ trong sự xen kẽ tiếp cận-rút lui hay trong hành vi không liên quan đến một trong những hành vi liên hệ đến xung đột.

 282. Conflict-free sphere: Phạm vi không xung đột

[trong EGO PSYCHOLOGY: Tâm lý học CÁI TÔI] một vùng của cái tôi, phát triển và vận hành mà không làm dấy lên sự xung đột nội tâm. Các chức năng được kiểm soát một cách thông thường bởi phạm vi không xung đột bao gồm: nói năng, chuyển động và những chức năng tự trị khác của cái tôi.

283. Congruity theory: Lí thuyết phù hợp

Một lí thuyết về sự nhất quán nhận thức, tập trung vào vai trò của của những truyền thông thuyết phục trong sự thay đổi thái độ. Tương tự như lí thuyết cân bằng (BALANCE THEORY) ở chỗ: cho rằng người ta có xu hướng ưa thích những yếu tố bên trong một hệ thống nhận thức nhất quán với nhau trong nội tại. Theo đó, nếu một người nhận được một truyền thông thuyết phục mà có thái độ tiêu cực với nội dung của thông điệp nhưng có thái độ tích cực với nguồn của thông điệp, hay ngược lại, thì người ấy sẽ có động lực để xem lại cả hai thái độ đến mức nào đó nhằm khôi phục sự phù hợp. Lí thuyết phù hợp khác lí thuyết cân bằng ở chỗ: nó xét đến những cấp độ đánh giá các yếu tố và do đó tiên liệu chính xác hơn về mức độ thay đổi cần có để khôi phục sự phù hợp giữa các yếu tố (được đưa ra lần đầu bởi các nhà Tâm lý học người Mĩ Charles Osgood và Percy Tannenbaum (1927-)

284. Consciousness: Ý thức

– Hiện tượng con người tường trình sự trải nghiệm, bao gồm các nội dung tâm trí trải rộng từ tri giác cảm giác và thân thể đến các hình ảng tâm trí, các ý tưởng có thể tường trình, tiếng nói nội tâm, các ý định hành động, các kí ức, các ngữ nghĩa, các giấc mơ, ảo giác, xúc cảm, các cảm nhận “ngoại vi” (“fringe” feelings – như một cảm giác về sự biết) và các khía cạnh của sự kiểm soát nhận thức và vận động. Nói về mặt thao tác, những nội dung này của ý thức thường được định giá bởi năng lực tường trình chuẩn xác một sự kiện.

– Một trong các trạng thái đa dạng của sự nhận biết trong đó các nội dung có ý thức có thể được tường trình. Ý thức phần lớn thường là nói đến trạng thái tỉnh thức thông thường, nhưng cũng có thể là nói trạng thái ngủ hay một trạng thái ý thức bị biến đổi (altered state of consciousness). Trong lí thuyết nhận thức, ý thức có vẻ có công năng truy cập bao quát, thể hiện sự đa dạng vô cùng tận về những nội dung tiêu điểm để điều hành việc kiểm soát và ra quyết định. Trong y khoa và não khoa, hoạt động điện mang tính khu biệt của não, được ghi trong điện não đồ, thường được dùng để nhận dạng các trạng thái ý thức. Ý thức cảm giác (sensory consciousness) về thế giới tri giác phụ thuộc vào vùng cảm giác (sensory area) phía sau của não. Ý thức trừu tượng (abstract consciousness) nói về những ý tưởng trừu tượng, phán đoán, những ý định cụ thể, những trông đợi và những sự kiện của Ý THỨC NGOẠI VI (FRINGE CONSCIOUSNESS), nó có thể dính líu đến vỏ đại não vùng thuỳ trán (frontal cortex) thêm vào vỏ đại não cảm giác. Sự phân biệt giữa các trải nghiệm cảm giác và trừu tượng có gốc từ triết gia Hy Lạp Plato (427 TCN-347 SCN).

285. Conscious resistance: (sự) Kháng cự ý thức

[trong phân tâm học]: Việc người bệnh nhất quyết giữ chặt vật liệu vô thức mới được đưa lên ý thức, do xấu hổ, sợ hãi hay bác bỏ, hay không tin tưởng vào nhà phân tâm học (người điều trị).

286. Consensus trance: (sự) Mê dụ đồng thuận

Một trạng thái liên tục bị mê dụ về văn hoá trong đó các cá nhân bị thôi miên để tồn tại. Theo đó, các cảm nhận, ấn tượng, và hình ảnh được coi như bộ phận của thực tế ý thức là kết quả của những ám thị mạnh mẽ, lặp lại, được nhồi vào người từ khi sinh ra đời.

287. Consistency theory: Lí thuyết nhất quán

Một lí thuyết Tâm lý học xã hội cho rằng người ta chủ yếu có động lực bởi ham muốn giữ được sự phù hợp giữa các nhận thức của mình. Thoạt tiên được đưa ra bởi nhà Tâm lý học Mĩ gốc Áo Fritz Heider (1896-1988), Leon Festinger và những người khác, lí thuyết này được áp dụng chuyên biệt lần đầu để nghiên cứu hành vi làm việc bởi Abraham K. Korman (1933-) vào năm 1970. Lí thuyết Korman dựa trên tiên đề 2 điểm: một ý niệm cân bằng và một tiêu chuẩn hình ảnh tự thân (self-image). Lí thuyết nói rằng người lao động sẽ dấn vào và cuối cùng tìm thấy thoả mãn những hành vi khiến cho cảm giác cân bằng về nhận thức của mình đạt mức tối đa và sẽ có động lực trình diễn một cung cách nhất quán với hình ảnh tự thân của mình. Cũng gọi là self-consistency theory.

288. Constructive memory: Trí nhớ xây dựng (kiến tạo)

Một hình thức nhớ lại bằng cách sử dụng kiến thức tổng quát chứa trong trí nhớ để xây dựng (kiến tạo) sự giải thích đầy đủ và chi tiết hơn về một sự kiện hay trải nghiệm.

289. Constructivism: Học thuyết xây dựng (kiến tạo)

Một học thuyết cho rằng các tri giác, ký ức và những cấu trúc tâm trí phức hợp khác được tập hợp hay xây dựng (kiến tạo) một cách tích cực bởi trí óc hơn là có được một cách bị động. Ý tưởng được đưa ra năm 1932 bởi nhà Tâm lý học người Anh Sir Frederic Charles Barlett (1866-1969) để giải thích hiện tượng mà ông quan sát thấy khi nghiên cứu về trí nhớ. Một ví dụ có ảnh hưởng về thuyết xây dựng (kiến tạo) trong tri giác là khái niệm “chu trình tri giác” (perceptual cycle) của nhà Tâm lý học Mĩ gốc Đức Ulric (Richard Gustav) Neisser (1928-2012), và đã được sử dụng bởi nhà Tâm lý học người Anh Richard (Langton) Gregory (1923-2010) và những người khác để giải thích một số ảo giác thị giác. Thuyết xây dựng (kiến tạo) triệt để (radical constructivism), rút từ các tác phẩm của Jean Piaget (1896-1980) dựa trên giả định là trẻ xây dựng các cấu trúc tâm trí bằng cách quan sát các hiệu quả của hành động của chính mình đối với môi trường. Thuyết xây dựng (kiến tạo) xã hội (social constructivism), thoạt tiên được phổ biến bởi nhà Tâm lý học Mĩ gốc Áo Peter Ludwig Berger (1929-2017) và nhà Tâm lý học Mĩ gốc Yugoslav Thomas Luckmann (1927-2016) trong cuốn sách có ảnh hưởng The Social Construction of Reality – Sự xây dựng (kiến tạo) mang tính xã hội của thực tại (1966), tập trung chú ý vào cách thức mọi người đi đến chỗ chia sẻ những diễn giải về môi trường xã hội của mình.

290. Constructivist psychotherapy: Liệu pháp tâm lí xây dựng

– Một hình thức liệu pháp tâm lí cá nhân, xuất phát từ học thuyết xây dựng, tập trung vào việc tạo nghĩa (meaning-making) để giúp người bệnh tái khái niệm hoá các vấn đề của mình theo cách cải thiện cuộc sống nhiều hơn, sử dụng các câu chuyện, huyền thoại, thơ và những hình thức ngôn ngữ và phi ngôn ngữ khác.

– Một nhóm liệu pháp tâm lí dựa trên triết lí về các tiến trình tạo nghĩa mang tính liên cá nhân và xã hội. Những liệu pháp này xuất phát chủ yếu từ học thuyết xây dựng và bao gồm những sự phát triển trong liệu pháp hiện sinh, nhân bản và gia đình.

Comments are closed.