2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 33)

Hoàng Hưng

331. Cross-correspondence: (sự) Tương giao

[trong SPIRITUALISM – THUYẾT DUY LINH và Parapsychology – cận Tâm lý học]: Tình huống hai, ba hay nhiều ông/bà đồng tuyên bố rằng họ tiếp xúc với cùng một linh hồn (một cách độc lập với nhau), và đem về những thông điệp tương tự hay bổ sung nhau. Một trường hợp nổi tiếng và có tư liệu đàng hoàng xảy ra vào 1901-1932, khi ba ông/ bà đồng người Anh làm việc độc lập và đưa về những thông điệp tương tự một cách đáng kinh ngạc từ cùng những người chết (khi thực hiện AUTOMATIC WRITING – viết tự động, chạy chữ).

Đối với người tin theo, sự tương giao cho họ bằng chứng về thực tế khách quan của các thông điệp của linh hồn (hay ít nhất là về một hình thức nào đó của thần giao cách cảm giữa các ông/bà đồng). Sự giải thích trần tục hơn có thể nhấn vào (a) các ông/bà đồng cùng tiếp cận được cùng những thực kiện về tiểu sử và cùng thông tin về những quan tâm, khẩu vị và ý kiến của người chết; (b) các ông/bà đồng biết được cùng những văn bản duy linh nói về cuộc sống sau khi chết và thế giới thần linh.

332. Cross-cultural approach: (phương pháp) Tiếp cận xuyên văn hoá

[trong các môn khoa học xã hội]: Phương pháp nghiên cứu trong đó những thói quen chuyên biệt như hành vi tán tỉnh, thói quen nuôi dạy trẻ hay thái độ, kĩ thuật chữa bệnh, được nghiên cứu và so sánh qua các nền văn hoá khác nhau.

333. Cross-cultural psychology: Tâm lý học xuyên văn hoá

Một nhánh của Tâm lý học, nghiên cứu những sự giống và khác nhau trong hành vi của con người qua các nền văn hoá khác nhau và nhận dạng những kiến trúc Tâm lý học và những hình mẫu giải thích khác nhau mà các nền văn hoá sử dụng. Có thể tương phản với CULTURAL PSYCHOLOGY – TÂM LÝ HỌC VĂN HOÁ có xu hướng đi theo một cách tiếp cận hệ thống bên trong phạm vi văn hoá.

334. Cross-cultural treatment: (sự) Chữa trị xuyên văn hoá

Chữa trị trong những tình huống trong đó người chữa trị và người bệnh khác nhau về sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hay lối sống. Người chữa bệnh tâm trí phải chú tâm đến những khác biệt văn hoá với người bệnh vì: (a) những niềm tin xã hội và văn hoá ảnh hưởng đến việc chẩn-trị; (b) sự chẩn đoán có những khác biệt tuỳ theo văn hoá; (c) triệu chứng thể hiện khác biệt tuỳ theo văn hoá; (d) các thể loại chẩn đoán phản ánh những giá trị văn hoá của đa số; (e) phần lớn người chữa bệnh là thuộc văn hoá đa số.

335. Cross-dimension attitude consistency: (sự) Nhất quán nhiều chiều kích của thái độ

Mức độ nhất quán với nhau của các chiều kích (các phạm trù, thể loại thông tin) nằm bên dưới ATTITUDE-RELEVANT KNOWLEDGE (kiến thức liên quan đến thái độ). Chẳng hạn: nếu thông tin liên quan đến một chiều kích là cực kì tích cực, và thông tin liên quan đến chiều kích thứ hai là cực kì tiêu cực, thì sự nhất quán… là thấp.

336. Cross-modal transfer: (sự) Chuyển giao xuyên phương thức

Việc sử dụng thông tin có được thông qua một phương thức cảm giác để diễn giải thông tin có được từ một phương thức khác, như khi một người mù bẩm sinh về sau lấy lại được thị giác (thường là nhờ phẫu thuật) lập tức nhận ra những vật vốn chỉ quen thuộc với thị giác. Năm 1690 triết gia duy nghiệm người Anh John Locke (1632-1704) bày tỏ trong sách Essay Concerning Human Understanding (Tiểu luận về sự hiểu của con người), rằng một người như thế không phải ngay lúc đầu đã nhận ra đồ vật chỉ bằng thị giác, nhưng năm 1963 trường hợp của SB trong tường trình của nhà Tâm lý học người Anh Richard Langton Gregory (1923-2010) và người phụ tá Jean G. Wallace bác bỏ rõ ràng cách nhìn của Locke và chỉ ra rằng đã xảy ra việc chuyển giao xuyên phương thức; SB có thể lập tức, sau khi mổ mắt ở tuổi trung niên, đọc được những chữ cái và chữ số viết in hoa mà ông đã chỉ học thông qua xúc giác. Cũng gọi là “cross-modality transfer”.

337. Cross-sectional study: (sự) Nghiên cứu xuyên nhóm xã hội

Một nghiên cứu được sử dụng phổ biến trong Tâm lý học phát triển và những ngành khác của Tâm lý học, trong đó các mẫu của người tham dự hay đối tượng nghiên cứu thuộc những lứa tuổi hay nhóm khác nhau được nghiên cứu đồng thời và so sánh hành vi của họ. Tương phản với longitudinal study (nghiên cứu dọc: bao gồm những quan sát lặp lại về cùng một số biến tố qua những thời kỳ khác nhau), mô hình nghiên cứu nhóm xã hội không chú ý đến những hiệu ứng của các nhóm đặc thù (cohort effects) (các nhóm dựa trên một sự kiện đặc thù như cùng năm sinh, vị trí địa lí hay lịch sử).

338. Crowd psychology: Tâm lý học đám đông

Nghiên cứu hành vi tập thể trong các đám đông và băng nhóm, bao gồm những hiện tượng như deindividuation (giải cá nhân), diffusion of responsibility (khuếch tán trách nhiệm), personal space (không gian cá nhân).

339. Cryptomnesia: Kí ức ẩn

Một ý tưởng có vẻ sáng tạo hay nguyên gốc nhưng thực ra được phái sinh từ một kí ức ngấm ngầm hay tiềm thức.

340. Crystallized intelligence: Trí khôn kết tinh

Một nhân tố nền tảng của trí khôn con người, rút ra từ việc phân tích nhân tố, tương ứng đại khái với trí khôn ngôn từ, chủ về kiến thức và sự tinh thông tích luỹ qua trải nghiệm trong đời sống, và được đo bằng các đo nghiệm IQ về từ vựng và sự hiểu. Khái niệm được đưa vào một bài báo của nhà Tâm lý học Mĩ gốc Anh Raymond Bernard Cattell (1905-98) trong tập san Psychological Bulletin (Tập san Tâm lý học) năm 1941 và trở nên được biết rộng rãi sau khi ông xuất bản sách “Abilities: Their Structure, Growth and Action” (Các năng lực: cấu trúc, tăng trưởng và hành động) (1971). Cũng gọi là Crystallized Ability – Các năng lực kết tinh.

Comments are closed.