2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 98)

Hoàng Hưng

981. Magical thinking: Tư duy ma thuật

Niềm tin rằng các sự kiện hay hành vi của người khác có thể bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ, ước muốn hay nghi thức của mình. Tư duy ma thuật là thông thường ở trẻ 4-5 tuổi, sau đó tư duy thực tại bắt đầu áp đảo.

982. Magnitude scaling of attitudes: (sự) Đo mức độ của thái độ

Một qui trình đo đạc thái độ và những kiến tạo tâm trí khác bằng việc biểu trưng chúng như các kích thích vật lí. Người tham dự cho thấy thái độ của mình bằng cách điều chỉnh một thuộc tính giác tri (tri giác) của một kích thích, như thể độ sáng của đèn, độ dài của đường kẻ hay âm vực của âm thanh. Chẳng hạn, họ có thể cho thấy sự đánh giá một đối tượng bằng cách xoay núm điều chỉnh độ sáng đèn (độ không là thái độ cực phủ định và độ sáng tối đa là cực tán thành). Qui trình này thường dính líu đến việc báo cáo thái độ đối với hai thuộc tính giác tri khác nhau, sau đó hiệu lực hoá qui trình đo đạc bằng cách xác nhận rằng mối quan hệ toán học giữa hai thể thức ấy là sát gần với các giá trị số đã thiết định của các thể thức chuyên biệt. [được phát triển đầu tiên bởi nhà Tâm lý học Mĩ Milton G. Logde (1936- )].

983. Mainstreaming: (sự) Đưa vào dòng chính

– Việc đặt trẻ có khiếm khuyết về cơ thể và thức nhận hay có hành vi thách thức (challenging behavior) vào các môi trường lớp học thông thường. Mục tiêu là cung cấp cho mỗi đứa trẻ cơ hội học trong một môi trường có xác suất cao nhất tạo thuận lợi cho các cố gắng phục hồi và giúp cho sự tăng trưởng về kiến thức học đường.

– Việc trở về cộng đồng của người bệnh đã phục hồi hay người bị loại khỏi thể chế, trong đó họ nhận được sự trợ giúp phục hồi nhằm giúp họ đạt được một cuộc sống toàn vẹn và bình thường hết mức có thể.

984. Maintenance rehearsal: (sự) Diễn tập duy trì

Nhắc đi nhắc lại các khoản mục để duy trì chúng trong kí ức ngắn hạn, như nhắc lại một số điện thoại cho đến khi quay số. Theo Levels-of-processing Model of Memory (Hình mẫu các trình độ xử lí kí ức), sự diễn tập duy trì không hữu hiệu với kí ức dài hạn vì nó ít đào sâu chi tiết của thông tin phải ghi nhớ.

985. Majority influence: Ảnh hưởng đa số

Áp lực xã hội của đa số trong một nhóm đối với các thành viên và các bộ phận nhỏ hơn trong nhóm. Đa số có xu hướng thúc đẩy sự tuân thuận (conformity) và ổn định, và các thành viên thường đáp ứng bằng việc chấp nhận lập trường của đa số như của chính mình (conversion: cải đổi) hay công khai tuân thuận nhưng giữ lại lập trường riêng của mình ở chốn riêng tư (compliance: chiều theo).

986. Male chauvinisme: (tâm thức) Bá quyền nam

Niềm tin rằng nam giới vốn dĩ đứng trên nữ giới.

987. Male homosexual prostitution: (sự) Mại dâm đồng tính nam

Quan hệ tính dục giữa người nam với người nam vì món lợi tài chính hay món lợi khác cho một bên. Các nghiên cứu cho thấy rằng có thứ bậc trong giới mại dâm nam giống như trong giới mại dâm nữ. Thấp nhất là street hustler (trai điếm đứng đường) thường là trẻ vị thành niên và không nhất thiết bản thân là đồng tính nam; trên một bậc là bar hustler (trai điếm quán bar); cao nhất là call boys (trai gọi) không chường mặt công khai.

988. Male-male competition: (sự) Cạnh tranh giữa các con đực

Ở những loài vật mà tỉ số hoạt động giới tính (operational sex ratio) đưa đến việc con đực hoạt động truyền giống tích cực hơn con cái, thì sự đối địch sẽ khiến các con đực cạnh tranh để xem con nào có thể phối với các con cái đang ở thời kì tiếp nhận. Ở một số loài, như các động vật có vú hợp tác nuôi con (cooperative-breeding) thì sự chăm sóc con của con đực bị hạn chế về nguồn nên có sự cạnh tranh mãnh liệt giữa các con cái (female-female competition).

989. Male sexual disorder: Rối loạn tính dục nam

Bất kì vấn đề nào về chức năng tính dục của nam giới, như hypoactive sexual desire disorder (rối loạn kém ham muốn tính dục), male orgasmic disorder (rối loạn cực khoái nam), premature ejaculation (xuất tinh sớm), primary erectile dysfuntion (rối loạn cương dương cấp một), secondary erectile dysfuntion (rối loạn cương dương cấp hai).

990. Malevolent transformation: (sự) Chuyển hoá ác cảm

Cảm thức mình sống giữa kẻ thù và không tin được ai. Thái độ này được coi là kết quả của sự đối xử khắc nghiệt hay không công bằng trong thời thơ ấu, được thừa nhận là cơ sở của tình trạng khép mình, thù nghịch, và trong một số trường hợp, của loạn tâm bị hành hạ. (được mô tả đầu tiên bởi nhà tâm thần bệnh học Mĩ Harry Stack Sullivan (1892-1949)].

Comments are closed.