Bản tường trình của Lại Nguyên Ân hơn 30 năm trước

Trong Hồ sơ cán bộ của tôi hiện lưu tại Hội Nhà văn Việt Nam có cái này, nhân thấy lại, đưa lên đây để nhớ cái thời Việt Nam bị cấm vận và tự cấm vận ra sao!

Lại Nguyên Ân

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 1991

Kính gửi: – Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam,

– Ban giám đốc nhà xuất bản “Hội Nhà văn”

Theo yêu cầu của Ban chấp hành Hội Nhà văn – được truyền đạt tới cá nhân tôi thông qua Ban giám đốc nhà xuất bản “Hội Nhà văn” – tôi xin tường trình như sau về sự việc có liên quan đến việc tôi nhận và trả lời thư mời tham dự hội thảo của trung tâm văn học nghệ thuật thuộc đại học San Jose (Mỹ).

Khoảng cuối tháng 3.1991, chị Dương Thu Hương, vốn là bạn viết cùng giới nhà văn, hẹn gặp tôi tại sân trụ sở của Hội Liên hiệp VHNT 51 Trần Hưng Đạo và trao cho tôi một thư mời; chị Hương nói là một trung tâm thuộc một trường đại học ở Mỹ dự kiến tổ chức hội thảo và đang xin phép Bộ Ngoại giao ta; chị đề nghị tôi về nhà xem kỹ nội dung thư và trả lời, bởi chị cho biết, chị chỉ là người chuyển thư giúp.

Tôi về xem thì trong thư gồm một thư mời bằng tiếng Việt và kèm một thư bằng tiếng Anh gửi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch trình bày dự kiến nội dung hội thảo và xin phép Bộ Ngoại giao Việt Nam cho những người được phía Mỹ mời được phép đi dự hội thảo.

Xin được trích dẫn về nội dung thư bằng tiếng Anh:

“Chủ đề làm việc của hội thảo là “Nước Mỹ ở Việt Nam và Việt Nam ở Mỹ”, hòa giải và hiểu biết thông qua nghệ thuật”.

… Mục đích hội thảo là đem lại một sự hiểu biết rộng lớn hơn nữa trong người Mỹ về ảnh hưởng của việc Mỹ đã từng có mặt ở Việt Nam đối với lịch sử và sự suy nghĩ ở Việt Nam, và Việt Nam đã và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng ra sao tới đời sống ở Mỹ. Chúng tôi không có ý định tranh luận về cuộc chiến tranh [vừa qua] mà chúng tôi muốn thảo luận về hòa bình, buôn bán, trao đổi văn hóa và trí thức, và về một tương lai tốt đẹp và tích cực.”

Căn cứ vào nội dung hội thảo được trình bày chính thức với phía Việt Nam như vậy, tôi suy nghĩ và cho rằng một hội thảo như vậy là phù hợp với chính sách ngoại giao của Nhà nước ta hiện nay, như ai nấy đều rõ qua các phương tiện thông tin đại chúng, là nhằm tác động để chính phủ Mỹ xóa bỏ “cấm vận” đối với Việt Nam, tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tạo điều kiện cho việc đầu tư phát triển kinh tế Việt Nam. Tôi cho hội thảo kiểu này là một thứ “ngoại giao nhân dân”, cả hai phía đều có thể tận dụng ở mức nhất định, nhưng chí ít là cũng có sự đối thoại. Trong thâm tâm, tôi cũng muốn nếu có dịp, được nói với những người Mỹ quan tâm đến cái “quá khứ Việt Nam” của họ rằng: nên hiểu biết, hiểu thêm Việt Nam thay vì thù hận, và nên đến bằng thái độ hợp tác hòa bình; tôi cũng muốn, nếu có dịp, được nói với những người Việt, mà vì các lý do khác nhau đang sống lưu vong ở Mỹ và trong lòng vẫn còn nhiều oán giận do những thất bại đã qua của họ, – rằng nên coi quá khứ là quá khứ, và nên xuất phát từ thực tế hiện tại, nhìn về đất nước với thái độ thừa nhận thực tại, ngoài ra, những sự toan tính nào có cơ làm đổ thêm dù chỉ vài giọt máu Việt Nam thôi thì cũng chẳng nên, và chẳng hữu hiệu gì.

Bản thân tôi chưa đọc hoặc nghe nói đến Trung tâm nói trên của Đại học San Jose, trung tâm ấy có thật hay là giả mạo, ý định tổ chức hội thảo như trên là thật hay là giả mạo, – những điều này tôi không thể tự giải đáp cho mình, cũng không có khả năng kiểm tra. Tôi hiểu thư mời này, nếu là thật, thì cũng chỉ là ướm mời, bởi vì mọi sự chỉ trở thành chính thức khi Nhà nước ta cho phép (tức là sau khi thống nhất ý kiến và danh sách với cơ quan chủ quản – Hội Nhà văn hoặc Ban văn hóa tư tưởng TƯ, sau khi đã có sự thỏa thuận của cơ quan an ninh, thì Bộ ngoại giao Việt Nam mới trả lời phía Mỹ, và sau đó mới có thể có lời mời chính thức, hoặc khi đó lời mời ướm mới có thể trở thành chính thức). Ngay từ đầu tôi đã chắc chắn đến 99% là sẽ không có việc tôi đi dự hội thảo đó.

Vì vậy, việc tôi nhận lời mời cũng chỉ có ý nghĩa đáp lễ cho đúng phép lịch sự thông thường. Tôi nghĩ nếu tôi trả lời từ chối thì không chừng tôi đã cung cấp một ví dụ về thiện chí bề ngoài chứ không phải thiện chí thực sự muốn có đối thoại giữa phía Việt Nam và phía Mỹ.

Kết quả của sự cân nhắc một mình ấy là tôi đã viết một thư trả lời nhận lời mời tham gia hội thảo đó nếu được Nhà nước Việt Nam cho phép. Tôi cũng gửi kèm 2 ảnh 4x6cm và một tiểu sử văn học, tương tự như một bản tự giới thiệu ngắn của những người tham dự các hội thảo quốc tế, hoặc tương tự như lời chỉ dẫn về tác giả được kèm theo khi người ta đăng một bài viết của tác giả ấy (bao gồm những chỉ dẫn về năm sinh, nghề nghiệp, lần xuất hiện đầu tiên trong nghề viết văn, các tác phẩm chính đã in). Thư trả lời này (gồm 3 thứ như trên) tôi đưa lại cho chị Dương Thu Hương để chuyển theo con đường thư tay. Ngoài ra, tôi gửi một bản khác (không kèm 2 ảnh) theo đường bưu điện, vì đó là đường chính thức, hợp pháp, nếu có gì sai phạm thì hẳn khâu kiểm tra thư tín sẽ giữ lại.

Chỉ đến gần đây tôi mới được chính thức cho biết là thư trả lời trên đây của tôi – thư theo đường thư tay – đã được giữ lại ở cơ quan an ninh trong vụ cơ quan an ninh bắt giữ một Việt kiều quốc tịch nước ngoài tên là Tâm (tôi không hề biết hoặc nghe nói đến người này), và bắt giữ chị Dương Thu Hương, nhà văn bạn tôi.

Theo yêu cầu của cơ quan an ninh Bộ Nội vụ, tôi đã tường trình làm rõ sự việc trên trong một buổi gặp sáng ngày 15.5.1991 tại Bô Nội vụ (15 Trần Bình Trọng, Hà Nội).

Theo yêu cầu của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam mà Ban giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn truyền đạt cho tôi, tôi xin tường trình lại sự việc như trên để các cơ quan quản lý được rõ.

Về yêu cầu tự đánh giá hành động nói trên của bản thân mình, tôi thấy:

1/ Với tư cách một công dân Việt Nam, một người Việt Nam làm nghề viết văn và hoạt động văn học, tôi không vi phạm luật pháp;

2/ Với tư cách một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi không vi phạm điều lệ của Hội;

3/ Với tư cách một cán bộ trong biên chế nhà nước, làm việc ở một cơ quan nhà nước, tôi có thiếu sót là đã không báo cho tổ chức cơ quan biết về việc được mời dự hội thảo nói trên và về việc nên cân nhắc thế nào, tham khảo thêm ý kiến ra sao của tổ chức cơ quan trước khi trả lời. Đây là thiếu sót về ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ nhà nước. Dẫu sao, tất cả là do tôi nhẹ dạ, đã xử sự theo tâm lý thông thường khi một ai có dịp được đi nước ngoài, tức là cố giấu diếm những người xung quanh, đề phòng những sự yêu ghét riêng tư của họ đối với mình có khi làm trở ngại cho chuyến đi. Sự nhẹ dạ và tâm lý thông thường muốn có một chuyến du lịch nước ngoài cũng chứng tỏ tôi chưa có tinh thần cảnh giác cao đối với những ý đồ xấu của những người hoặc nhóm Việt kiều nhất định ở nước ngoài.

Thiếu sót nói trên, tôi tự răn mình nhớ để khắc phục./.

Người viết tường trình

Đã ký tên: Lại Nguyên Ân

Nguồn:

Bản photocopy bản viết tay, có đóng dấu nhà xuất bản Hội Nhà văn “kính chuyển Ba chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam”, 30.5.1991.

Lưu trong hồ sơ cán bộ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

image

Comments are closed.