Nghĩ về cách làm thơ (kỳ 7)

Khế Iêm

TÂN HÌNH THỨC HÀNH TRÌNH VÀ TỔNG KẾT __________________________

Tóm lược: Dùng kỹ thuật vắt dòng chuyển tất cả những thể thơ có vần ở cuối dòng: 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ và lục bát, thành thể thơ không vần. Sau đó, dùng kỹ thuật lập lại, tạo nhịp điệu và hồi phục vần ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ.

Từ khóa: Tân hình thứcViệt, thể thơ không vần, người đọc bình thường.

Trên tạp chí Thơ số 2, 1994, có đăng một trích đoạn bài thơ “Từ Khúc Dục Mùa Xuân Rảo Bước” của Jean Ristat do Đỗ Kh. dịch. Vì là một bài thơ dịch đã đăng từ 6 năm trước nên không ai còn nhớ, và trong suốt khoảng thời gian đó tạp chí Thơ bận rộn với những tìm kiếm và những sáng tác thử nghiệm … Theo nhà phê bình Đặng Tiến, “Tập thơ của Jean Ristat dùng thể thơ thông dụng ở Pháp là Alexandrin, 12 chân (âm) và tiếng Pháp đa âm. Tác giả cứ mỗi dòng 12 chân thì xuống hàng, bất chấp cú pháp và từ vựng. Đỗ Kh. đã dịch bài thơ dài này, cũng bằng cách xuống dòng, dưới dạng lục bát, có lẽ vì nó “dân tộc”: đến chữ thứ sáu thì xuống dòng tám chữ, cứ như thế & như thế suốt non một ngàn câu. Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, ở Luân Đôn, hợp tác vào bản dịch, tâm đắc và cao hứng làm một bài thơ dài, 31 khổ 5 câu, cũng theo lối xuống dòng Tân hình thức, nhưng chọn thể thất ngôn, là bài Những Nụ Hồng của Máu, được đánh giá là tân kỳ và đặc sắc. Bài thơ đăng trên báo Thế Kỷ 21 số 27, tháng 7 năm 1991, California.”

Khoảng cuối năm 1999, tôi làm bài thơ “Tân hình thức Và Câu Chuyện Kể”, và đưa cho một bạn thơ xem, anh nói, “mới và hay lắm.” Tôi nói: “Vậy để tôi viết một đoạn giải thích cách đọc bài thơ”. Không ngờ lại viết được một bài tiểu luận “Chú Giải Thơ Tân hình thức”. Tình cờ, Đỗ Kh. gửi tới bài “Kiều” làm theo thể lục bát. Tôi bèn gửi bài tiểu luận, bài “Tân hình thức Và Câu Chuyện Kể” và bài “Kiều” của Đỗ Kh. cho các anh em cùng làm cho vui, và được 11 nhà thơ tham gia với 19 bài thơ Tân hình thức. Riêng anh Nguyễn Đăng Thường gửi tới bài “Những Nụ Hồng của Máu”.

Đỗ Kh. KIỀU

Em đâu biết nói tiếng Anh, chỉ bập bõm vài câu đâu hiểu hết. Thiệt ra tụi em gặp nhau chỉ có hai lần trong quán bún riêu, sau đó cưới luôn. – Anh ấy làm gì? – Thất nghiệp. – Biết vậy sao vẫn lấy? – Em mới học hết lớp 5, không việc làm, nhà nghèo, em đông. Dạo đó, em nghĩ chỉ lấy Tây là có thể giúp gia đình, đâu ngờ khó ăn đến thế! – Sao không về Mỹ? – Không nghề ngỗng, làm gì có tiền để bảo lãnh em! – Hiện giờ cuộc sống thế nào? – Thì phải sống nhờ! Mỗi ngày ảnh phát 30 ngàn, bảo: Phải xài hết, không thừa cũng không được thiếu. Vì phải giúp gia đình, em nhịn buổi sáng; trưa cơm hộp, tối cơm bụi vỉa hè. Tằn tiện lắm mới dư được ít ngàn nhưng nhờ người khác giữ giùm, để anh ta thấy là bị phạt ngay. – Bằng cách nào? Dường như nhớ lại những trận phạt đòn khủng khiếp, X. rơm rớm lệ: – Chẳng hạn như cho ngửi mùi toa-lét, cắt khẩu phần ăn hàng ngày, cởi hết áo quần và đi vòng quanh phòng lù lù sẵn đúc 1 toà thiên nhiên* cho ảnh xem.

(trích Thuỷ Tiên, báo Công An số 783, ngày 16-10-99) * Điền T. Nguyễn

Điều ghi nhận là trong suốt 10 số báo tạp chí Thơ từ số 18 đến số 27, những bài thơ Tân hình thức, đa số đều phỏng theo bài thơ “Kiều” của Đỗ Kh. Như ghi chú ở cuối bài thơ, anh đã trích từ một đọan văn xuôi trong một bài báo, đếm chữ xuống dòng theo thể lục bát. Bài thơ “Kiều” là cách làm của những nhà thơ tự do có khuynh hướng cách tân, dựa vào ý tưởng. Giống như hội họa Khái Niệm (Conceptual Art) thập niên 1980, không cần kỹ năng, chỉ cần có ý tưởng khác lạ, làm mọi người chú ý là đựơc. Bản thân bài thơ thì độc đáo, và chính tác giả cũng tâm đắc, nhưng với quá nhiều bài thơ làm theo cách như vậy, lại trở thành có vấn đề. Thật ra, khởi đầu anh em tham gia, chỉ như một trò vui chơi chứ không có ý gì khác, mà đã là trò chơi thì phải dễ dãi mới lôi kéo đựơc nhiều người. Nhưng những ngừơi chỉ trích thì không thấy như vậy. Kết quả là đã có hàng lọat những bài phản bác thơ Tân hình thức xuất hiện, nhắm vào những bài thơ đếm chữ xuống dòng như văn xuôi. Với một thể thơ mới, sự ngộ nhận là điều bình thừong. Thơ Tân hình thứcViệt, một thể thơ không vần, được rút tỉa từ rất nhiều nguyên tắc cơ bản của nhiều nguồn, nhiểu thể loại thơ khác nhau. Nên khi phán xét, cần phân biệt giữa nội dung và thể thơ, giữa văn xuôi, thơ văn xuôi và thơ tự do đối với thể thơ không vần của Tân hình thức. Thơ không vần tiếng Anh, đọc như văn xuôi, nhưng là một thể thơ với cơ cấu tạo nhịp điệu iambic, thơ không vần Việt cũng là một thể thơ, có phương cách để tạo nhịp điệu riêng, và kỹ thuật làm mất dấu văn xuôi. Còn văn xuôi và thơ văn xuôi thì không nằm trong thể luật nào và không có cơ chế để tạo nhịp điệu. Sự nhầm lẫn trên đã đưa tới những cái nhìn sai lệch đối với thơ Tân hình thức Việt. Tính đến tạp chí Thơ cuối cùng, số 27, 2004, đã có 64 tác giả và 350 bài thơ. Cuộc đời, nghĩ cho cùng, không có gì hòan tòan xấu, cũng không có gì hòan tòan tốt. Chính số lượng đông đảo những người sáng tác và phản bác lại là động cơ chính làm mọi người chú ý tới thơ Tân hình thức. Trong khi đó, cố gắng điều chỉnh lại, như một lời nhắc tế nhị, đã thúc đẩy tôi viết những bài tiểu luận đi sâu vào vấn đề thơ. Chỉ 3 năm sau, 2003, tập tiểu luận “Tân hình thức, Tứ Khúc và Những Tiểu Luận khác” được nhà Văn Mới xuất bản.

Khế Iêm Tân hình thức VÀ CÂU CHUYỆN KỂ

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề đường và kể lại câu chuyện đã được kể lại, từ nhiều đời mà đời nào cũng giống đời nào, mà lời nào cũng

giống lời nào, về người đàn bà và đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được gọi là chỗ chết, nơi góc phố được gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ

bằng than đen; gãy góc, xấu xí như cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng

nhưng người đàn bà và đàn con nheo nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được kể lại, như người khác đã từng kể lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu

chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự kể lại, và không ai, ngay cả người đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.

Trong bài thơ “Tân hình thức Và Câu Chuyện Kể”, những câu chữ “câu chuyện kể”, “người đàn bà và đàn con nheo nhóc” cứ lập đi lập lại thành một chuỗi nhạc tính lôi cuốn người đọc. Những ý tưởng “câu chuyện kể lại” và “câu chuyện tự kể lại” ám ảnh người đọc và bắt người đọc phải đọc đi đọc lại để tìm xem câu chuyện đó là câu chuyện gì. Người đọc luẩn quẩn trong mê cung, không thể nào thóat ra, vì bài thơ bít lại, không cho có lối ra. Nhà thơ Gỷang Anh Iên đến với thơ Tân hình thức, lúc anh mới vừa 20, cho biết, anh bắt đầu với thơ Tân hình thức vì đọc bài thơ này.

Bài “Kẻ Lạ” của Nguyễn Phan Thịnh, những chữ lập lại “u u u”, “lù mù”, vần trải khắp bài thơ như “lơ mơ, “lờ mờ”, “lơ ngơ” … như một lời than van, làm cho bài thơ nghe như hát, diễn đạt tâm trạng vừa bi thiết vừa lãng mạn, không nơi bám víu, giữa dòng sông trôi và làn mây trôi. Kỹ thuật vắt dòng thay thế vần ở cuối dòng, nhưng kỹ thuật lập lại những câu chữ lại hồi phục vần, nhưng là vần ở bất cứ đâu trong bài thơ. Nhạc tính hay nhịp điệu của bài thơ Tân hình thức phong phú, biến đổi không ngừng, nhiều khi hơn hẳn những bài thơ vần điệu.

Nguyễn Phan Thịnh KẺ LẠ

anh ngây thơ và anh sống như thằng khờ đung đưa chân trên cầu

gục đầu nhìn dòng sông trôi và ngẩng đầu nhìn làn mây trôi và

người thấy anh lơ mơ nghe gió u u trong tai u u u

trong đầu u u u đêm ngày ray rứt u u liên miên hoài

anh lù mù ngồi anh lờ mờ bay và anh lơ ngơ khóc thầm

trước mọi nỗi đau thương tăm tối co cóng bi thảm biết bao đời

tất cả điên rồ tất cả điêu linh tất cả bốc mùi anh bay

dưới những vì sao và anh bay một mình nát lòng không ai hay

anh ngồi đung đưa chân không trên cầu người hằng ngược xuôi tất bật

ngày ngày là bầy ong thợ trong một tổ ong nhân tạo cam đời

anh bay theo mây trôi theo sông trôi ra biển trời một mình và

anh đau đớn không ai chia sẻ một tình yêu cùng một niềm tin

anh cô đơn lặng im bay qua nỗi chết trừu tượng và siêu hình

khờ khạo hay khật khùng mãi như tên lạ mặt ở chính quê mình

làm sao anh có thể sống dửng dưng giữa đời với người vô nghĩa

vô tình đến cây cũng mọc ngược và sâu bọ cũng hóa thần linh

12/11/04

Theo nhà thơ Timothy Steele, thơ tự do đã phá bỏ thể luật, phương tiện tạo ra nhạc tính và tính truyện, hai yếu tố chính lôi cuốn người đọc. Điều đáng nói là những yếu tố truyện kể, trước kia là của thơ, bây giờ đã bị tiểu thuyết lấy mất. Thơ muốn có được những tác phẩm mang người đọc trở lại, cần phải lấy lại những yếu tố truyện kể. Nhưng người đọc lại không còn đọc một tác phẩm, dù là có cốt truyện bằng thơ vần nữa, và cần phải có một thể luật phù hợp với tâm tư và cách diễn đạt của thời đại. Thời hiện đại, song song với nỗ lực làm mới của thơ tự do và hội họa với những phong trào tiền phong, truyện cũng có những phong trào tiểu thuyết không cốt truyện và tiểu thuyết dòng ý thức. Những tiểu thuyết đó bây giờ còn có ai đọc nữa không, hay chỉ dành cho những nhà nghiên cứu phê bình? Đối với thơ, bất cứ chúng ta sáng tác dài ngắn, có truyện hay không truyện, nhưng nếu không hấp dẫn người đọc, người đọc sẽ xa thơ và thơ dần rơi vào quên lãng. Chúng ta không còn sống ở thời hiện đại, bất cần ngừơi đọc, coi thơ chỉ là trò chơi của tâm trí, qua phương tiên tri thức. Mà tri thức thì, đã thất bại trong việc nắm bắt thực tại. Chúng ta đang sống ở thời đại của chúng ta, lăn lộn với cuộc đời bình thừơng, có thực, nơi góc phố, giữa con hẻm, với tất cả nỗi nhọc nhằn của mỗi kiếp ngừơi.

Tôi từ giã tạp chí Thơ, thành lập website www. thotan- hinhthuc.org, đi sâu vào chuyên thơ Tân hình thức. Một số lượng tác giả trẻ hơn từ trong và ngòai nước liên kết với phong trào. Những bước chân chậm hơn, chắc hơn, và đúng với tiêu chuẩn thơ Tân hình thức hơn. Thơ Tân hình thức thời tạp chí Thơ, tới một lúc, đã trở thành nhàm chán và đơn điệu. Những tác giả trẻ sau này mang đến cho thơ Tân hình thức không những một sinh khí mới, mà còn đặt nền móng của loại thơ này qua sáng tác. Phần tiểu luận cũng đựơc hòan chỉnh thêm, với tập “Vũ Điệu Không Vần”.

Tác giả đầu tiên cho giai đọan này là Dã Thảo.

Dã Thảo NHẬT KÝ NGÀY MƯA

Khi mặt trời khuất sau mây và mưa bỗng đổ lênh láng tôi nhớ về những ngày cũ xưa lẻ loi bước trong mưa

anh xưa có lần bảo yêu thiết tha lang thang trong mưa cười diễu nhìn tôi ôm chiếc dù đen to tổ chảng

những hạt mưa bong bóng nhỏ xíu nào đủ ướt đôi tay ô mưa rơi ô mưa rơi trên những con đường tuổi thơ

ô mưa ơi ô mưa rơi trên lối vắng người lại qua mưa rơi trên lối mòn rất quen buổi chiều sắt se đến

cafeteria trống vắng không chiếc dù đen tổ chảng và nụ cười anh vắng bóng.

Những câu chữ lập lại, “mưa, xưa, ôi mưa rơi mưa rơi” làm cho bài thơ có một nhịp điệu êm ả, gợi nhớ, mang tính biểu cảm nên thơ của một thời mới lớn, đôi nhân tình che dù lang thang trong mưa. Nhưng rồi mọi chuyện cũng trở thành kỷ niệm, một vết thưong đau đủ để thỉnh thoảng hồi tưởng lại một thời. Con đường tình đã xa dần xa, và mối tình mù sương đó cũng như cánh chim bay. Bây giờ, vẫn cơn mưa ướt vai nhưng người thiếu nữ cảm thấy lẻ loi chiếc bóng, ôi nụ cười, người tình … và câu chuyện tình lãng mạn ấy, nay còn đâu.

Nhà thơ Dã Thảo xuất hiện với vài hàng tiểu sử ở dạng thơ Tân hình thức, rồi thôi.

Tiểu Sử Phan Dã Thảo con gái, nửa chừng xuân, ở lành gặp dữ, thích một đàng làm một ngả, mộng đi cùng trời cuối đất – ngồi một chỗ bó chân thích làm nữ tu – cuối tuần long nhong dạo phố, thích lục bát – nghêu ngao Tân hình thứcghiền cà phê đen đá – khề khà nước suối mỗi ngày thường trú California tính chuyện Arizona nói tiếng Mỹ chêm tiếng Việt và ngược lại.

Trong bài thơ “Tình xa”, mức độ lập lại những câu chữ ít hơn, tạo nhịp điệu đọc đều đều, những chữ “anh”, “em”, cao cao”, “thấp”, “ban công”, “ngôn ngữ khác màu da”, “cùng màu da” … như một giọng kể thì thầm, miên man.

Dã Thảo TÌNH XA

em vẫn qua đấy mỗi ngày building cao cao và cũ ban công thấp thấp màu nhạt nơi anh thường tì đôi tay chuyện trò cùng đám bạn lơ đãng và sẽ nhìn thấy em qua đấy mỗi sáng giờ không còn anh đứng trong nắng gửi một lời chào có khi một nụ cười tươi nếu em tình cờ liếc nhìn ban công thấp đôi khi chỉ là ánh mắt thầm dõi bước em qua và em sẽ biến mất trong màu kính sẫm tối anh sẽ chẳng nhìn thấy cho đến lúc chúng mình ăn trưa cafeteria chen chúc những phút ban trưa vội vàng lắm chuyện đời thường để nói chuyện xếp dở hơi phách lối, laid-off, đã, đang và sắp tới, chuyện trại tù, chuyện khủng bố thế giới nhiều nhất là những tan vỡ dù không hối tiếc vẫn nhớ tình anh với ả con gái cùng ngôn ngữ khác màu da tình em với gã con trai cùng màu da khác ngôn ngữ nhưng chưa lần nhắc chuyện chúng mình em mỗi ngày đi qua building cao cao vẫn có người tì tay chuyện trò bên ban công thấp không còn lời chào trong nắng không còn

nụ cười buổi sáng không còn ánh mắt lặng lẽ ấm áp anh đã đi xa em chưa kịp kể nguồn gốc em dân tị nạn thế hệ thứ nhất không thuộc cộng đồng thiểu số mít, tàu, xì, campuchia, inđônêzia, cuba, malayzia … anh biết mỗi điều em là công dân hợp chủng quốc em mê làm việc em lười rong chơi em khoái Brad Pitt chẳng ghiền bóng đá không nghiện bóng cà na em mê jazz khoái hiphop em khác màu da khác ngôn ngữ cùng công ty giờ đây anh đã ra đi … nhớ nhiều!!! (nhưng chẳng nói nói ra nhiều cũng vậy thôi.)

Có lẽ đó là bài thơ tình hay qua thể thơ Tân hình thức. Một câu chuyện tình lồng trong những sinh hoạt bình thường, không một chút cường điệu hay tưởng tượng nhưng đầy lãng mạn. Bài thơ lôi cuốn người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần, không khác nào những bài thơ vần điệu được thuộc lòng trước kia. Câu chuyện được tóm tắt như sau: mỗi sáng đi làm, cô gái vẫn nhìn thấy chàng trai đứng nói chuyện với bạn bè trước giờ làm việc, nhìn theo bước chân cô cho tới khi khuất sau bức tường kính sẫm của tòa nhà. Chàng và nàng chỉ gặp nhau vào lúc ăn trưa, nói lăng nhăng những chuyện xảy ra trong ngày mà ai cũng biết, không có gì mới lạ, và nhiều nhất vẫn là những mối tình đã đổ vỡ, cùng những sở thích của mỗi người. Nhưng rồi công ty sa thải người và chàng là người phải ra đi, để lại nơi cô gái một chút bâng quơ, như mất mát một cái gì thân quen.

Bài thơ đưa đến cho người đọc thấy đời sống hàng ngày của những người trẻ tuổi trong một xã hội công nghiệp, có quá nhiều sắc dân sống chung, nên đời sống văn hóa truyền thống hoặc đã hòa trộn hoặc không còn đủ là mối ràng buộc. Họ sống chung và cặp bồ với nhau, cùng ngôn ngữ khác màu da hay cùng màu da khác ngôn ngữ, xa nhau, tình cờ gặp nhau, quen biết và rồi xa nhau. Tất cả chỉ còn để lại một chút nuối tiếc, rồi bị cuốn theo công việc, thói quen và sinh hoạt thường ngày. Đời sống bất định và trôi nổi đến nỗi chính sự bất định và trôi nổi đó mới là ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Không có một giá trị nào bền vững. Tất cả những bí mật không còn là bí mật, tất cả những cấm kỵ không còn là cấm kỵ. Cho nên, người ta ngán ngẩm những gì trần trụi, trơ trẽn, quay về tìm lại một thời lãng mạn mới, và cả những giá trị mới để thay thế những gì đã cũ, không còn phù hợp với thời đại và đời sống của thế hệ trẻ tuổi.

Bài thơ hay chắc hẳn ở nơi cách sử dụng bình thường và điêu luyện chữ và nghĩa. Một nội dung mới mẻ, người đọc thấy được một sinh hoạt rất quen thuộc và nhàm chán của đời sống nhưng lại phát hiện một khía cạnh tích cực rất nên thơ trong đó. Tác giả sử dụng thể thơ 5 chữ, toàn bài thơ chỉ có 2 đoạn có dấu phẩy (mỗi đoạn 5 dấu phẩy) chia bài thơ ra làm 3 phần, giảm bớt tốc độ đọc liên miên và khá nhanh của bài thơ. Bài thơ vì thế chẳng những là một bài thơ hay còn là một bài thơ đặc sắc và giá trị vì nhấn mạnh tới một kỹ thuật mới cho thơ. Trong văn xuôi ý tưởng phải rõ ràng trong lúc ý tưởng trong thơ thường mơ hồ, không rõ ràng. Ý tưởng không rõ ràng không có nghĩa là không có ý tưởng, mà bị phủ đi bởi chất thơ. Chẳng khác nào lớp sương mù buổi sáng làm mờ đi quang cảnh sự vật.

Để hiểu rõ điều này chúng ta quay trở lại bài thơ của Dã Thảo. Vì bài thơ không có dấu chấm phẩy nên rất khó phân biệt ý tưởng này và ý tưởng kia. Muốn rõ ràng phải hồi phục lại các dấu chấm phẩy cho bài thơ. Chúng ta có thể làm cách này. Viết một bài thơ với những dấu chấm phẩy rõ ràng, phân biệt các ý tưởng liền lạc từng câu. Sau đó bỏ tất cả các dấu chấm phẩy đi, tiến trình giải trừ. Ý tưởng bài thơ bây giờ không còn rõ ràng, bị phủ lấp bởi tốc độ đọc. Nếu bây giờ chúng ta muốn hồi phục lại ý tưởng của thơ, chúng ta phải hồi phục lại những dấu chấm phẩy. Tiến trình hồi phục này cũng là tiến trình tìm lại ý nghĩa bài thơ. Điều này cũng chẳng khác nào tiến trình phân tích trong thơ tự do tiếng Anh. Sau đó, lại dùng tiến trình giải trừ để trở lại sự nguyên vẹn của bài thơ. Đây chính là điều, “Nhìn bài thơ, hình thức giống như một bài thơ, nhưng khi đọc thì lại thấy giống như văn xuôi, đọc xong thì lại thấy đó là thơ chứ không phải văn xuôi.” mà chúng ta đã đề cập ở trên.

“Tình Xa” là một phát biểu về thơ. Những phát biểu đó khả tín tới đâu tùy thuộc mức độ thực hành của từng tác giả. Bởi chỉ qua thực hành mới có thể phát hiện những yếu tố mới cho thơ. Đây chính là điều hấp dẫn và thách thức đối với những nhà thơ Tân hình thức Việt. Chúng ta cần phải đặt mình trong nguyên tắc sáng tác, không bao giờ lập lại bài này giống bài nọ, hay ngắt đoạn văn xuôi xuống dòng. Mỗi bài thơ phải có nhịp điệu (hay tiết tấu), phong cách diễn đạt khác nhau. Cái giá chúng ta trả càng cao, sự thành công càng lớn.

*

Nhịp điệu thơ Tân hình thức Việt được rút ra từ khái niệm Hiệu Ưng Cánh Bướm trong Lý thuyết Hỗn mang, phản hồi và lập lại. Trong đó, những yếu tố trật tự trong hệ thống hỗn mang được dùng để tiên đóan sự vận hành hệ thống đó. Dòng sông được coi như một hệ thống động lực, có lúc lặng lờ, êm ả, nhưng có lúc, vào mùa mưa, dòng sông có những cá tính khác nhau. Trong trường hợp này, một phần của dòng sông chảy nhanh hơn miền bên cạnh, tạo nên dòng xoáy ngược, làm tăng tốc độ, kéo dòng nước chung quanh chảy nhanh hơn. Mỗi phần của dòng sông ảnh hưởng nhiễu tới mọi phần khác, gây xáo trộn và phản hồi lẫn nhau. Kết quả là sự rối nước, chuyển động hỗn loạn, trong đó những vùng khác nhau chuyển động với những tốc độ khác nhau. Những dòng xoáy nước khi cuộn lại (feedback) gặp phải luồng nước khác, sẽ giao động (oscillation), rẽ nhánh (bifurcation), biến thành dòng xoáy khác.

Bài thơ ví như dòng sông, cũng là một hệ thống động lực. Bài “Chuyện Đời Anh”, sử dụng kỹ thuật phản hồi và lập lại làm cho những câu chữ và ý tưởng cuốn vào nhau, biến câu chuyện đơn giản thành phức tạp, thúc đẩy ngừơi đọc đọc đi đọc lại để tìm kiếm một điều gì đó, hỗn mang, không căn không cội. Nhóm chữ “những cái chết” là yếu tố trật tự, lập lại thành một dòng chảy, kéo theo những câu chữ không lập lại (yếu tố hỗn mang) là những dòng chảy khác, cho đến khi bị giao động, rẽ nhánh, biến thành nhóm chữ mới. Nhóm chữ mới, “câu chuyện”, hiện xuất và lại phản hồi và lập lại, kéo theo những chữ không lập lại khác, cứ như thế, như những lớp sóng xô dồn dập, làm thành những nhịp điệu xoắn lại, trùm lấp lên nhau. Mỗi câu chữ như mỗi phần của dòng sông chuyển động nhanh chậm khác nhau, nhiễu sóng và tác động lên những câu chữ khác. Cứ thử nhìn dòng sông đang cuồn cuộn chảy, làm sao chúng ta phân ra được có bao nhiêu phần dòng sông hay bao nhiêu những câu chữ trong bài thơ đang xoắn lại với nhau? Điều này làm chúng ta có cảm giác hỗn lọan, nhưng kỳ thực, sự hỗn lọan vẫn nằm trong dạng ổn định của dòng sông hay bài thơ. Như thể, những câu chữ hay dạng thức ổn định (dòng xoáy trước) hiện ra rồi nhanh chóng mất đi, thay thế bằng những câu chữ hay dạng thức ổn định mới (dòng xoáy mới), xoáy tròn, cuộn lại và phản hồi chính nó, áp lực trên dòng chảy hay nhịp điệu của bài thơ.

Khế Iêm CHUYỆN ĐỜI ANH

Những cái chết chưa bao giờ có thật những cái chết chưa bao giờ xảy ra như chúng ta sinh ra không căn không cội và đến đây từ nơi hỗn mang dừng lại giây lâu… bởi sống chết lâu nay chỉ là câu chuyện được kể lại kể lại kể lại tình cờ và chẳng qua mọi câu chuyện chỉ mới trong vài giây lâu mọi câu chuyện đã cũ sau vài giây lâu mọi chuyện kể kể xong là xong mọi chuyện kể kể xong trở về nơi đã kể để những chuyện kể khác kể lại những chuyện chưa kể như cuộc sống lập lại lập lại mà chưa một lần có thật vì chúng ta chỉ vật vờ trong đời có vài giây lâu rồi trở về nơi nào từ đó chúng ta đến đây những cái chết chưa bao giờ có thật và anh chỉ mới dừng lại trong vài giây lâu. Cám ơn anh đã đến với đời và kể xong câu chuyện đời anh.

Tương lai thơ Tân hình thức: Thơ nằm trong khỏanh khắc hiện tại, bao gồm thì diễn tiến của hồi ức và mộng tưởng. Nhưng nếu muốn tiên đóan về tương lai thơ, người ta không còn chỉ biết tiên tri như những thế kỷ trứơc. Lý thuyết Hỗn mang đã cho chúng ta một phương cách hiệu nghiệm, đang được ứng dụng vào hầu hết mọi lãnh vực, từ một cửa hàng bán lẻ tới những công trình nghiên cứu qui mô về văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế, y học, ngay cả với những phạm vi khó dự đóan như tai ương, thời tiết … Lấy một thí dụ đơn giản, trong hệ thống cửa hàng bán lẻ, muốn biết doanh số bán ra hôm nay là bao nhiêu, người ta thiết lập những bản thống kê, so sánh số bán ra của cùng ngày này tuần trước và năm trước. Sau đó, tùy theo hòan cảnh hiện tại, người ta tiên đóan số bán ra cho ngày hôm nay. Thường là gần gần đúng. Con số gần gần đúng đó, giữa hôm nay, ngày này tuần trước và năm trước, chính là yếu tố trật tự trong một hệ thống hỗn mang, là cửa hàng bán lẻ. Yếu tố Trật tự trong Hiệu ứng Cánh bướm được hình thành bởi hai tính cách, tính ổn định và hiện xuất (nổi trội), hệ quả của sự phản hồi và lập lại. Bây giờ, chúng ta đặt thơ Tân hình thức trong hòan cảnh thơ Việt. Thơ vần điệu có được tính ổn định vì bao gồm những thể thơ có vần, nhưng lại không có tính hiện xuất, vì không còn gây được sự chú ý. Thơ Tân hình thức Việt có tính ổn định vì là những thể thơ không vần, và có tính hiện xuất vì là loại thơ đang đựơc chú ý. Ngược lại, thơ tự do có tính nổi trội, nhưng lại không ổn định, mỗi người một kiểu, với quá nhiều phong cách rời rạc, không liên hệ gì với nhau. Nhưng thật ra, dù có điều kiện cần là tính ổn định và hiện xuất cũng chưa đủ vì nếu thơ không có ngừơi đọc thì lấy số liệu đâu để tiên đóan? Người đọc thơ hiện nay là những khuôn mặt xa vắng. Chúng ta căn cứ vào đâu để xác nhận sự hiện diện của người đọc? Với những tập thơ được xuất bản và được bán ra, hay đếm những cái click trên online? Tất cả đều không nói lên được bất cứ điều gì. Trong cuốn “50 Nhà Thơ Đương Đại: Tiến Trình Sáng Tạo” (50 Contemporary Poets: The Creative Process)1, khi được hỏi, “Nhà thơ viết cho ai?” Đa số đều trả lời, viết cho chính họ và vài người bạn thơ, hoặc, không biết người đọc là ai. Vả chăng, thơ ở thế kỷ trứơc, đỉnh cao là thơ Ngôn ngữ của Mỹ thập niên 1980, là những cánh cửa đóng lại đối với ngừơi đọc. Còn thơ Tân hình thức Việt là những cánh cửa mở, để ngỏ cho cả bóng tối lẫn ánh sáng có thể tràn vào.

Nếu thơ không có tương lai vì không có ngừơi đọc, mà chỉ có những nhà thơ đọc với nhau, thì cũng không ai biết nhà thơ là ai, ngay cả trong giới những nhà thơ. Thơ Tân hình thức Việt hồi phục nghệ thuật thơ trong hành trình đi tìm người đọc, và cả những nhà thơ. Đó chẳng phải, tự chính nó đã là tương lai rồi sao? Khởi đầu là phong trào vì có nhiều người làm, nhưng sau đó thơ Tân hình thức bắt đầu hình thành một thể thơ. Khi đã định hình một thể thơ, với 14 năm thực hành, và với những tác phẩm đã trải qua đủ mọi thử thách, thì thể thơ đó không thể nào mất đi (thơ Đừơng cho tới nay vẫn còn người làm), mà chỉ phát triển nhanh hay chậm theo chu kỳ thời gian. Nhưng chu kỳ của một thể thơ thường dài. Thơ không vần tiếng Anh được phát hiện vào giữa thế kỷ 16, phát triển khỏang một thế kỷ rưỡi, đến thế kỷ thứ 18 thì ít người dùng. Cho đến giữa thế kỷ 19, lại trở thành thịnh hành với phong trào Lãng mạn cho tới nay. Thơ Tân hình thứcViệt thời kỳ đầu, từ năm 2000, phát triển chậm vì ít người biết đến, hoặc nếu biết thì cũng không chính xác. Cho tới cuộc hội thảo lần này, được coi như bắt đầu một giai đọan mới, vì đã có nhiều ngừơi biết tới và tham gia. Khi bàn về tương lai thơ Tân hình thức Việt, chắc hẳn là với ý nghĩa, thể thơ này có khả năng tồn tại không, và nếu tồn tại thì sẽ phát triển tới mức độ nào? Điều đó vẫn phải chờ xem.

Với thơ, chúng ta cần phân biệt hai khía cạnh, hình thức và nội dung. Một hình thức mới làm cho nội dung mới, và ngược lại, một nội dung mới cần một hình thức diễn đạt mới. Cùng một đề tài tình yêu, nhưng cách biểu đạt ở thập niên 1960 khác với 1930 và 1940 nên những nhà thơ tự do thập niên 1960 không còn kham nổi với vần điệu. Sự chống đối thơ tự do lúc đầu là chống về mặt hình thức, nhưng sau đó họ thấy nội dung của thời đại họ cần một hình thức mới là thơ tự do nên không còn chống đối (thật ra những người chống lại thơ tự do lúc đó, đa phần là thuộc về thế hệ Tiền chiến). Bây giờ đối với thơ Tân hình thức Việt cũng tương tự. Một số những nhà thơ tự do lớn tuổi, họ chưa đi hết con đừơng cách tân đổi mới trong thời đại họ, nên khó chia sẻ với những quan điểm của thơ Tân hình thức. Hay nói như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, “văn chương hiện đại (chủ nghĩa) còn chưa giải phóng hết tiền năng của nó, chưa đi tới thiên đỉnh vòng đời của nó, nên chưa tạo được nhiều thành tựu nghệ thuật cao”. Còn đối với những thế hệ sinh sau, từ khỏang trên dưới 1980, nội dung thời đại của họ đã và đang thay đổi, họ cần một hình thức diễn đạt mới, nhưng lại chưa có điều kiện tiếp cận với thơ Tân hình thức. Tương lai thơ Tân hình thức có lẽ, thuộc về thế hệ trẻ và rất trẻ đó chăng?

Gyảng Anh Iên BÚN RIÊU

Làm sao hắn có thể hiểu bằng cách nào chiếc xe đạp của mười năm trước lại sộc vào trí

Nghĩ về cách làm thơ • 110

nhớ của hắn khi hắn đang ngồi ăn bát bún riêu bên lề đường mà cách đây cũng đúng mười

năm hắn đã đạp xe đến trường mà khi đó bà bán bún riêu còn chưa lấy chồng và béo

nầng nẫng như bây giờ đang đon đả chào khách để mau chóng bán hết gánh bún riêu khi cơn

giông buổi chiều đang lừ đừ kéo đến trong trí nhớ của hắn với chiếc áo sơ mi trắng ướt

sũng mưa mà chiếc xe đạp không còn biết lăn bánh về đâu ngang qua con đường hắn đang ngồi

ăn bát bún riêu của mười năm sau và không hiểu bằng cách nào hắn đã ăn hết cả trí nhớ.

Bài thơ “Bún Riêu”, từ ngôn ngữ, hình ảnh, nhân vật đều là những gì đang diễn ra khắp nơi trong đời sống hàng ngày, từ vỉa hè, chợ búa, từ thành thị đến thôn quê. Xưa nay những nhân vật trong văn chương thường là những nhân vật đặc biệt khác thừơng, ít ra thì cũng như Ả Q, Thị Nở, chứ đâu thể là một bà bán bún riêu, quen mắt đến độ nhàm chán, chẳng ai buồn để ý. Bài thơ nói lên đựơc quan điểm của thơ Tân hình thức Việt, phát hiện cái mới lạ trong cái bình thừơng của cuộc sống, gần gũi với mọi con người.

Nhà thơ Tunisia ghi nhận về bài thơ “Bún Riêu” như sau: “Bài thơ “Bún Riêu” của Gỷang Anh Iên cũng bày ra những sự kiện: “chiếc xe đạp, bát bún riêu, bà bán bún riêu, cơn mưa…” 10 năm trước, hắn không ăn bún riêu, 10 năm sau mới ăn và ngồi nhớ lại 10 năm trước hắn đạp xe đạp đến trường, ngang qua hàng bún riêu. Bà bán bún riêu 10 năm trước chưa lấy chồng, và bà bún riêu 10 năm sau chắc là đã có chồng con, nên béo đẫy ra. Và trong suốt bài thơ, cái ký ức cứ chập chờn, nửa mờ nửa tỏ, để rồi sau đó cũng mất luôn như khi ăn xong bát bún riêu là xong, chẳng còn nhớ gì nữa.”

Nhưng để nhận ra 10 năm trước hắn không ăn bún riêu, 10 năm sau mới ăn thì phải lần theo những mối dây nhập nhằng của câu chữ, gỡ những sự kiện đó ra, vì hình ảnh ký ức đan quyện với hình ảnh thực tại, không biết cái nào là cái nào, cái nào trước cái nào sau. Nhưng chưa hết, ký ức diễn tiến song hành với hành động ăn bún riêu, từ lúc chiếc xe đạp sộc vào, tới cơn mưa giông trút xuống, rồi chiếc xe đạp không biết về đâu, tạo thành những ảo giác, và động tác ăn bún riêu giống như động tác ăn ký ức, khi quá khứ (ký ức) biến thành hiện tại.

Nguyễn Tất Độ (NHỮNG) NGƯỜI ĐIÊN

Hắn thích chạy vòng vòng và vừa chạy vừa quay, vậy mà hắn không chóng mặt thậm chí hắn còn cười khoái chí, hắn cứ chạy vòng vòng

ngày này qua ngày khác và vừa chạy vừa quay, lúc tỉnh cũng như lúc say, ban ngày cũng như ban đêm, hắn không ngủ, người ta bảo

hắn điên và khăng khăng bảo hắn điên hắn vẫn chạy vòng vòng, và vừa chạy vừa quay cho giống sự chuyển động của cái hành tinh mà

hắn và loài người đang sống …

Về bài thơ “(Những) Người Điên”, chúng ta liên tưởng tới ý kiến của nhà thơ Gyảng Anh Iên, cho rằng nhạc tính của thơ Tân hình thức là loại nhạc tính xoay vòng. Có lẽ đó chỉ là bây giờ, còn sau này, những nhà thơ Tân hình thức còn phải khám phá nhiều loại nhạc tính khác nhau, như thế mới đa dạng và phong phú. Nhưng loại nhạc tính xoay vòng lại rất thích hợp với nội dung và động thái bài thơ. Đúng là “(Những) Người Điên”.

Inrasara TRÂU KHÓC

Những con trâu khóc vào đời tôi. Chàng Mok hiên ngang một cõi dẫn đàn qua đồi cọp tát phải mông xe cam nhông chở về bỏ cỏ nó khóc tin mình

sắp chết, cha đào hố sâu lút đầu chôn với đám lá, mẹ khóc. Đúng năm sau cái Jiơng già đứng khóc nhìn cháu chắt trận dịch sáu hai dắt đi trống

chuồng cô đơn với mấy cu con ngồi khóc. Cu Pac sừng dài oanh liệt mỗi mùa cạ gẫy hai đầu cày, cha qua ngoại cậu út hú mấy chú trói đè

ra cưa mất gần nửa sừng trái, nó khóc điên dại giẫy đành đạch như hôm bị thiến, còn hơn thiến trông chả giống ai, cha về nó khóc. Bạn đi cặp nàng Pateh mãi khóc cho dáng đẹp rất đực của mình, cha bắt kéo xe đỡ riết thành quen, chúng bạn quên mất nó cái, có mỗi nó nhớ mình cứ trinh

dù đã qua đi sáu mùa rẫy, nó khóc không nước mắt. Những con trâu khóc ướt tuổi dại tôi.

Nhà thơ Tom Riordan nhận xét, “Trâu Khóc của In- rasara cho thấy bằng cách nào nỗi đau có thực và nỗi đau tưởng tượng của những con trâu thấm đẫm thời thơ ấu của người kể truyện, như thể có một ô cửa ma thuật giữa tâm hồn của người kể và nỗi đau của những con trâu thuộc sở hữu của gia đình đó.”

Nhận xét của Tom Riordan thật là tinh tế. Bài thơ được trích trong tập thơ “Chuyện 40 Năm Mới Kể & 18 Bài Tân hình thức”, bắt đầu với “Chạy Dịch” và kết thúc với “Ma Hời”. “Trâu Khóc” thể hiện những cuộc đời cam chịu, khóc cho vơi khổ, khóc từ đời cha tới đời con, táp phải mông xa cam nhông cũng khóc, nhìn cháu chắt chạy dịch cũng khóc, bị cưa sừng cũng khóc … Nhưng trâu khóc là hiện tượng bất thường, một điềm báo, một bi kịch, theo cách hiểu dân gian, gợi tới những mối lo, những đợi chờ mà chỉ trong một tình huống nào đó ngừơi ta mới cảm nghiệm hết được. Mỗi bài thơ là một câu chuyện kỳ bí, như hàng thế kỷ họ chờ con tàu đã được ghi trong sách là sẽ đến nhưng cuối cùng không đến (Chờ Tàu). Hoặc như chuyện “Ông Phok”, ông không làm gì cả, chỉ nghĩ nhưng nghĩ không ra gì. Làng như thể của ông, nhưng khi ông về, làng không phải của ông, ông vào nhà nhà hết là của ông … Ông như một kẻ vô định hình. Trong “Ma Hời”, tôi đọc giữa hai hàng chữ, không thấy ma, chỉ thấy người. Một gia tộc, một nền văn hóa tưởng đã mất mà không mất, nó vẫn thấp thóang đâu đó.

Biển Bắc ÁNH NHÌN / KHOẢNG KHÔNG

Giọt nước rơi từ khoảng không trên cao xuống mắt (kính) em … bỗng nhiên làm nhòa đi hình ảnh anh trong ánh nhìn của em rồi sau đó sau khi lau khô (kính) em bỗng nhiên sáng hơn thêm trong ánh nhìn … khoảng không.

(cuối 1, không 7)

Biển Bắc BUỔI SÁNG / VƯỜN HOA / HÁI HOA

Hoa vẫn nở trong vườn sáng nay cho dù xuân năm nay về hơi muộn vì mùa đông cứ giằng co với mùa thu nên trong vườn sáng nay hơi lạnh khi anh hái đóa hoa xuân để tặng em năm nay như mọi năm ấy mà (!) … khác!

(đầu 2, không 7)

Hai bài thơ của Biển Bắc, hình ảnh giống như hai bài thơ Đường. Mấy cụm từ “nhòa đi” và “co với” tạo nên sự nhấn mạnh phân hai bài thơ.

Hường Thanh MỘT NGƯỜI HỎI TÔI TRÊN ĐƯỜNG

trước cửa nhà tôi đứng ngồi xuống rồi ngồi đứng lên vì không quen ngồi xổm lâu trước cửa nhà

mười tám giờ chiều kể về mười bảy giờ trước đó tôi chẳng có đứng ngồi xuống rồi ngồi đứng

lên vì chờ đợi chứ không phải vì tôi khó chịu sự chờ đợi bây giờ là sự quen thuộc

nhất trong cuộc đời tôi tôi ngó quanh tôi nghiêng qua nghiêng lại như thể sự chuyển động đang ngó

nghiêng vào thời gian này để bất chợt thấy một người đi trên chiếc ves pa màu đỏ dừng lại

dưới ánh đèn đường vừa bật lên từ hai ba mươi phút trước đó trong khi tôi vẫn đang đứng

ngồi xuống rồi ngồi đứng lên theo thói quen của thường ngày và mọi ngày thôi tôi nhìn thấy trên

chiếc xe đó là một cô gái và cô gái ấy hỏi tôi một điều mà có vẻ như đang

lập lại như thể sự chuyển động đang ngó nghiêng qua lại vào phía tôi tôi không biết trả lời

gì cho cô gái ấy cho nên tôi để mười tám giờ chiều trả lời và tôi rồi lại cứ

đứng ngồi xuống rồi ngồi đứng lên chờ đợi sự quen thuộc trở về trong cửa nhà …

26.8.2013

Đài Sử GÓC PHỐ

anh gỡ những cọng gió rối trong tóc em hoang mang mùa hè chan đầy nắng tình yêu hâm hấp nụ hôn vỡ nắng buổi chiều những cao ốc lêu nghêu người mỹ đen trong bộ đồ lụng thụng trạm xe bus vắng down town vắng chủ nhật vắng em rực rỡ trong trang phục nắng cháy ủng trên đôi môi nắng của ngày cuối cùng mùa hè theo con đường cũ đi hoài trên một con phố uống lại ly rượu có vị chát của ngày hôm qua cái bóng lớn dần theo buổi chiều em ở nơi nào trong góc phố?

Trong xã hội công nghiệp, những áp lực đời sống làm cho con người căng thẳng, những bài thơ của Biển Bắc, Hường Thanh và Đài Sử là những bài thơ dễ tạo cảm giác thư dãn cho ngừơi đọc. Đây có phải là một hiệu quả khác của thơ Tân hình thức?

*

Bài thơ “Con Mèo Đen” khi đăng trên tạp chí Thơ số 20, mùa Xuân 2001, không ai để ý cho đến gần 2 năm sau, tạp chí Thơ số 23, mùa Thu 2002 đăng lại và có thêm bản dịch tiếng Anh, lúc đó mới có nhiều người để ý. Điều này làm tôi nhận ra, bản dịch tiếng Anh có sức thôi thúc người đọc tìm về nguyên bản tiếng Việt, đọc kỹ hơn, giúp cho sự thưởng ngọan bài thơ tòan vẹn. Ý tưởng đó trong tôi càng ngày càng rõ, và sau này, khi không còn bận rộn với tạp chí Thơ nữa tôi mới có thời gian thực hiện. Không phải chỉ dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh, mà còn từ tiếng Anh qua tiếng Việt, bằng song ngữ. Người đọc thưởng thức bài thơ bằng cả hai ngôn ngữ. Đọc thơ, phải đọc qua nguyên bản, và bản dịch chỉ giúp người đọc hiểu cho đúng nghĩa bài thơ. Tôi cũng nhận ra, tiếng Việt là một ngôn ngữ nhỏ, người đọc ngọai quốc không thể đọc tiếng Việt, vậy thì phải có cách sáng tác thế nào để khi dịch ra, người đọc có thể thưởng thức một bài thơ dịch, giống như thưởng thức một bài thơ sáng tác. Thơ không thể dịch chỉ vì không ai có thể dịch âm thanh của ngôn ngữ này qua một ngôn ngữ khác. Để giải quyết vấn nạn này, thơ Tân hình thức Việt đã sử dụng kỹ thuật phản hồi và lập lại của thơ tự do Mỹ và Hiệu Ứng Cánh Bướm để tạo nhịp điệu, nên khi dịch ra tiếng Anh, ngừơi đọc Mỹ có thể đọc như một bài thơ sáng tác.

Những phản hồi từ những nhà thơ, người đọc Mỹ, về quan điểm thưởng ngọan và dịch thuật trên, tôi xin tuần tự liệt kê như sau:

Tuyển tập thơ song ngữ “Không Vần” (Blank Verse), 2006, tôi không nghe được âm vang gì. Có lẽ là cuốn sách song ngữ xuất bản đầu tiên nên chưa được biết đến. Trên website của diễn đàn thơ Mỹ www.poetry. about.com bài thơ “Con Mèo Đen” (The Black Cat) được đề nghị và công nhận là một trong ba bài thơ hay nhất trong tháng 12 – 2007. Đến tuyển tập song ngữ “Thơ Kể” (Poetry narrates), 2009, nhà thơ tự do Mỹ Tom Riordan bình luận:

“… Bài “Những Chiếc Ghế” của nhà biên tập Khế Iêm thách thức cái giả định rằng chiếc ghế là chiếc ghế, liệt kê một loạt những gì mà một chiếc ghế có thể là, hoặc có thể không là, hoặc là, hoặc không là, hoặc khác với những chiếc ghế khác, về cơ bản đã kết luận rằng chúng ta không biết gì cả về những chiếc ghế, và không thể biết, không biết chút gì về bất cứ thứ gì, và không thể biết. Vài trang tiếp theo, bài “Thơ Vu Nguyen cho Helena Okavitch Pham” của Lý Đợi liệt kê một loạt những điều mà Helena sẽ không bao giờ biết về người kể truyện, nhưng lại ca tụng cái rào cản này như một động cơ gây ngạc nhiên, chứa đựng những tinh thể kiến thức về người khác, mà sự rõ ràng thì thật sự vượt khỏi những gì chúng ta biết được về chính chúng ta. “Trên Đầu Cỏ Cú” của Đoàn Minh Hải chia sẻ sự thám hiểm đó, bao gồm ẩn dụ về hai con người như một chiếc ghế với một cái bàn; ở đây, những rào cản giữa con người tạo ra không những chỉ là “lòng thù hận” mà còn cả cây cỏ cú – cả sự xấu xí và cái đẹp…”

Đến “Thơ Khác” (Other Poetry), 2011, nhà thơ Fred- erick Feirstein chia sẻ:

“Tôi là một nhà phân tâm học và cũng là một nhà thơ, và tôi hiện đang chữa trị cho một nhà thơ trẻ, anh ta cố gắng biểu đạt cho tôi biết điều mà anh ta không thể biểu đạt bằng lời lẽ. Anh ta muốn biết liệu tôi có hiểu được loại trải nghiệm không lời lẽ của anh ta là như thế nào. Tôi đọc bài thơ “Những Chiếc Ghế” của Khế Iêm cho anh ta nghe, và anh ta nói ngay, “Đó

chính là điều mà tôi cảm nhận.” Sau đó chính anh ta bắt đầu mô phỏng bài thơ theo nhiều cách khác nhau.”

Khế Iêm CHIẾC GHẾ

Những chiếc ghế không cùng một màu, những chiếc ghế không dùng để ngồi, những chữ ghế, không phải là ghế; những chiếc ghế có thể sờ được,

những chiếc ghế có thể gọi tên, những chiếc ghế đúng ghế, không phải là ghế; những chiếc ghế không bao giờ vẽ được, những chiếc ghế không

bao giờ nói được, những chiếc ghế không bao giờ có được, bởi những chiếc ghế không bao giờ biến dạng, những chiếc ghế không bao giờ mất

đi, những chiếc ghế không hiện diện; những chiếc ghế, ôi chao, chỉ là nó đó; những chiếc ghế, ôi chao, không cùng một màu, những chiếc ghế,

ôi chao, không dùng để ngồi; những chiếc ghế không ở đâu xa, những chiếc ghế ở ngoài mọi điều; những chiếc ghế chỉ là chiếc ghế.

Điểm qua một số bài thơ Tân hình thức Việt, chúng ta thấy rõ hơn, thuật ngữ “Tân hình thức” đơn giản chỉ là chuyển những thể thơ có vần thành những một thể thơ mới, không vần, một thi pháp (cách làm thơ), hòa điệu những yếu tố, hướng tới một nghệ thuật thơ. Nó không phải là cái gì ghê gớm, làm thay đổi, cách tân hay cách mạng lớn lao gì. Giống như thơ tiếng Anh, khi nhà thơ Earl of Surrey (1517-47) dịch tập thơ “Aeneid” của Virgil, viết theo thể loại tự do không vần, bằng thể luật iambic nhưng không dùng vần ở cuối dòng thơ. Nhờ thế mới hình thành thể thơ không vần, chứ trước đó không có thể thơ này. Cũng cần nhắc lại, khi bỏ vần ở cuối dòng thơ, tính dễ nhớ dễ thuộc cũng không còn. Vả lại, trong thời đại bội thực thông tin và đa đoan trong cuộc sống, tính dễ nhớ dễ thuộc không còn cần thiết, vì không ai còn khả năng nhớ từng câu từng chữ như những thế kỷ trước. Một bản nhạc, một bài thơ hay, ngừơi ta chỉ cần nhớ giai điệu hay nhịp điệu, hình ảnh, ý tưởng, rồi khi cần nghe cần đọc, bấm máy ra nghe lại, đọc lại.

Khi tôi từ giã tạp chí Thơ, những tác giả thời tạp chí Thơ không còn sáng tác thơ Tân hình thức. Trên website thơ Tân hình thức, tôi đã chứng kiến những cảnh đến rồi đi, rất nhiều lần. Họ đến rất hăng say và đi cũng vội vã. Lý do, họ đều là những người sáng tác thơ vần và thơ tự do lâu năm. Những nhà thơ vần vì quen với vần điệu nên khó thóat ra khỏi âm hưởng thơ vần, còn những nhà thơ tự do, vì không quen với nhịp điệu thơ, và cũng không muốn bị luật tắc ràng buộc nên cả hai đều không thích hợp với thơ Tân hình thức, ghé vào để thử chơi thôi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp như nhà thơ Dã Thảo, chỉ làm được hai bài rồi không thể làm hơn được nữa. Có người làm nhiều nhưng chỉ vài bài là đạt. Như vậy sự hạn chế của thơ Tân hình thức là do khả năng người làm thơ chứ không phải do thể thơ. Bởi vì thể thơ chỉ giúp nhà thơ phát huy tài năng của mình, chứ không phải là cây đũa thần làm nên tài năng. Thế thì, làm sao để có những nhà thơ Tân hình thức thật sự gắn bó và phát triển loại thơ này? Chính tôi cũng không thể biết. Nhưng tôi tin chắc rằng, đây là dòng thơ có người đọc và là một dòng thơ có tương lai. Lý do, căn cứ vào chất lượng những bài thơ Tân hình thức đã sáng tác, và khi nhìn vào những phong trào tiền phong Mỹ, nửa sau thế kỷ, với những cách tân sôi nổi và cuồng nhiệt, đã đưa tới kết quả là, không còn ai đọc thơ nữa. Bởi vì, đó là những cách tân đi vào ngõ cụt, không nhìn thấy người đọc, không có khả năng chia sẻ, đi sâu vào tâm tư tình cảm đời sống con người. Thơ Tân hình thức Việt thì khác hẳn, quan tâm tới nghệ thuật thơ, tạo niềm vui thú đến cho mọi con người.

Khi muốn đạt tới nghệ thuật, ở bất cứ bộ môn nào, phải có luật chung, là thể thơ. Muốn sáng tác một bản nhạc, phải am hiểu ký âm pháp, muốn thành một nhạc công, phải tập đàn, muốn vẽ phải biết phối cảnh và hòa hợp màu sắc. Như bóng đá, muốn chơi có nghệ thuật, phải có luật, chứ không thể đá lung tung. Thể thơ, trên nguyên tắc, luôn luôn phải đơn giản tới mức tối đa và có tính phổ quát, là cái khung hướng dẫn người đọc thưởng thức và đánh giá thơ, đồng thời giúp nhà thơ điều hợp những yếu tố, chuyên chở cảm xúc và tư tưởng, qua nhịp điệu thơ. Thể thơ là hình thức thơ, khác với nội dung. Thơ tự do Mỹ, vì không tạo được một thể thơ chung, nên sau khi thóat khỏi truyền thống, thường chủ vào nội dung. Trừ một số những phong trào tiền phong nửa sau thế kỷ, như đã nói, họ say mê cách tân đổi mới, và cuối cùng đã đưa tới loại thơ cầu kỳ, khó hiểu.

Thơ tự do nói chung, vì không có được ý thức tạo nhạc tính từ khởi đầu, nên những nhà thơ thường không quan tâm tới nhịp điệu hay nhạc tính thơ, mà nhạc tính hay nhịp điệu lại là phần chính trong nghệ thuật thơ. (Điều này các nhà thơ tự do có thể không đồng ý với tôi, vì họ hiểu nhạc tính theo cách của họ, là âm của con chữ chẳng hạn.) Tôi nhấn mạnh đến ý thức, vì không có ý thức thì không thể tạo ra nhịp điệu. Khi không phải bận tâm tới nhịp điệu thơ, những nhà thơ chú tâm vào nội dung là chính. Nhưng nội dung của chính thơ dễ lạc vào từ những nguồn khác, như chính trị và triết lý. Thơ trở nên năng nề, khó hiểu, người bình thường không ai đọc vì không đúng với tầm thưởng ngọan của họ. Điều này cũng giống như phong trào thơ Ngôn ngữ Mỹ, những nhà thơ Mỹ thập niên 1980, mang lý thuyết Hậu cấu trúc vào thơ, gây nên một phong trào rộng lớn và ảnh hưởng, tỏa khắp cơ cấu đại học Mỹ. Kết quả là thơ Mỹ đi vào bế tắc, làm nảy sinh phong trào Tân hình thức. Tân hình thức Mỹ quay về với thể luật, phục hồi nghệ thuật và bản sắc của thơ, để cứu vãn thơ chứ không có gì khác. Thơ, thật ra, chỉ làm vui mọi người, cũng đã phải cần tới những tài năng tầm cỡ Shakerspeare, huống chi lại gồng gánh thêm những vấn đề chẳng phải của thơ. Thơ là một nghệ thuật lớn, người ta đã quên mặt trăng và chỉ thấy ngón tay.

Vậy thì, có hai cách, khi cần biểu đạt nội dung, thơ tự do thích hợp hơn cả, còn nếu chúng ta có nhu cầu quan tâm tới nghệ thuật, hãy đến với thơ Tân hình thức. Trong bài thơ nổi tiếng “Tưởng Nhớ Nhà Thơ W.B. Yeats” (In Memory of W.B. Yeats) của nhà thơ Anh W. H. Auden, có dòng, “thơ không làm điều gì xảy ra” (poetry makes nothing happen). Bởi thơ là những niềm vui (hay điều gì khác) chỉ xảy ra trong tâm trí. Khi thơ cần vin vào chính trị và triết lý vì nhu cầu chính trị và triết lý, cũng chẳng sao vì rằng, thơ không làm điều gì xảy ra. Nhà thơ nhiều vô số kể, tác phẩm thơ trùng trùng điệp điệp đủ chôn lấp mọi nhà thơ. Nhưng nếu không có người đọc thì lấy tiêu chuẩn nào để định giá thơ? Khi con người còn phải lo cơm áo hàng ngày, lại nữa, có nhiều thú tiêu khiển hấp dẫn hơn, Iphone, Ipad … họ không cần tới nghệ thuật thơ. Cũng chẳng sao, rồi tới một lúc chán với những trò chơi đó, họ sẽ quay trở lại, miễn là những nhà thơ phải có thơ thật sự cho họ đọc, chứ không phải là thơ để những nhà thơ đọc với nhau.

Đến đây, chúng ta xoay qua một vần đề khác. Cuộc hội thảo do tạp chí Sông Hương, Huế 2014, với chủ đề, “Tân hình thức, tiếp nhận và sáng tạo”. Vậy những gì mà Tân hình thức đã tiếp nhận? Khi những tác phẩm song ngữ được xuất bản, những nhà thơ Mỹ, cả tự do lẫn thể luật đều nhận ra, thơ không vần Việt chẳng giống gì với thơ không vần tiếng Anh. Trong bài “Phong cách Tân Chiết Trung”, tôi viết:

“Dùng lại những thể thơ 5, 7, 8 và lục bát, tượng trưng cho truyền thống thơ Việt, thu nạp các yếu tố: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng từ thơ truyền thống Anh, và kỹ thuật lập lại từ thơ tự do Mỹ. Trừ tính truyện mà nền thơ nào cũng có, ba yếu tố còn lại hòan tòan mới với thơ Việt, được coi như là những yếu tố hiện đại. Thể thơ truyền thống Việt bao lấy những yếu tố hiện đại, chẳng khác nào chủ nghĩa tân chiết trung của kiến trúc hậu hiện đại. Bài thơ vận hành theo hình thái của hiệu ứng cánh bướm: Ngôn ngữ tạo ra âm thanh, ý tưởng và hình ảnh, biểu tượng cho tính tự tương đồng trong hình học fractal và yếu tố trật tự trong lý thuyết hỗn mang. Kỹ thuật lập lại làm chức năng phản hồi (feedback) và lập lại (iteration) mang những âm thanh, ý tưởng và hình ảnh chuyển động. Và vắt dòng làm thành sự tuôn chảy liên tục của hệ thống động lực là bài thơ. Sự tác động ngầm của tất cả những yếu tố trên tạo ra ý nghĩa bài thơ.”

Nhưng theo Luân Nguyễn, trong bài viết “Trò Chơi Tân hình thức, Một Diễn Giải”, thì 4 yếu tố: Vắt dòng, Lặp lại, Tính truyện, Ngôn ngữ đời thường đã có trong thơ Việt từ rất lâu, không có gì mới lạ, Tân hình thức Việt chỉ lấy ra dùng lại. Như vậy chứng tỏ rằng thơ Tân hình thức Việt cũng không đến nỗi xa lạ với ngừơi đọc Việt. Sở dĩ tôi viện dẫn vắt dòng (enjambment) từ thơ truyền thống tiếng Anh và lập lại (iteration) từ hiệu ứng cánh bướm vì những yếu tố đó đã trở thành thuật ngữ trong thơ. Câu hỏi là, tại sao phải sử dụng lại những thể thơ truyền thống? Đó hẳn là biểu tượng “sự hiện diện của quá khứ” (The presence of the past)? Theo Venice Biennale, khái niệm này là nhận thức được lập đi lập lại của Kiến trúc Hậu hiện đại thập niên 1980. Đó không có nghĩa là hòai cổ mà để giễu nhại (parody) chủ nghĩa Hiện đại vì đã cắt đứt với lịch sử. 2 (Nhưng đến thập niên 1990 trở đi, khái niệm này trở thành tính liên tục giữa quá khứ và hiện tại, để tìm về cái đẹp, với nhà lý thuyết Kiến trúc Hậu hiện đại Charles Jencks.) Vâng, chúng ta đang sống trong thực tại, nhưng thật ra, chúng ta chỉ sống một phần thực tại, và từng giây khắc và cùng một lúc, chúng ta sống với vô số chiều kích khác nhau, chiều tưởng tượng, chiều tâm lý… và đặc biệt, chiều quá khứ với những hồi tưởng và kinh nghiệm, mà chúng ta đã thâu hái đựơc kể từ lúc sinh ra. Quá khứ là thì tiếp diễn của hiện tại, là phần không thể tách rời của thực tại. Vậy làm sao chúng ta có thể cắt rời phần không thể cắt rời trong cái tòan thể là đời sống đựơc nhỉ? Từ đó phóng chiếu vào thơ, truyền thống là một phần có sẵn trong hiện đại. Đó là khái niệm đã trở nên thông thừơng từ Đông qua Tây, chỉ có khác là bây giờ nó được ứng dụng trong sáng tác văn học và kiến trúc.

Những nhà thơ hiện đại nửa trứơc thế kỷ 20, và những nhà thơ hậu hiện đại nửa sau thế kỷ 20 đến thập niên 1980, họ nhìn thơ khác chúng ta. Họ coi thơ như một họat động của tâm trí, phủ nhận truyền thống và đi tìm nền thơ cho thời đại họ, phát hiện nhịp điệu của tư tưởng, của tâm trí, và chiều sâu tâm lý, ít quan tâm tới đời sống thực tại. Dĩ nhiên, mỗi thời có những cách nhìn khác nhau, phù hợp với thời đại, và cảm quan riêng, không có chuyện đúng hay sai. Có điều là, thơ phải thể hiện và nói lên đựơc quan điểm và cái nhìn của thời mình đang sống.

*

Bài thơ “Tân hình thức Và câu Chuyện Kể”, sau khi sáng tác, tôi rút ra đựơc một số yếu tố, hình thành những thể thơ không vần Việt. Và với bài thơ “Tình Xa” của Dã Thảo, tôi nhận ra kỹ thuật giải trừ những dấu chấm phẩy để xóa đi dấu vết văn xuôi trong thơ. Ở điểm này chúng ta cần ghi nhận: nghệ thuật thơ trong thơ không vần Việt là nghệ thuật cú pháp (câu) phân biệt với nghệ thuật thơ trong thơ tự do và vần điệu là nghệ thuật tu từ (chữ). Và cuối cùng, trong khi sắp xếp những bài thơ để tìm hiểu tính truyện trong tập thơ “Chiếc Ô Đi lẻ” của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, tôi tìm ra kỹ thuật xâu chuỗi để sáng tác truyện thơ.

Kỹ thuật ô chữ đựơc thử nghiệm qua sáng tác của hai bài thơ dài “Những Người Đàn Bà Cuối Cùng Của Một Dòng Họ” của Đài Sử và “Tiếng Hát Từ Cổ Xưa” của Khế Iêm. Qua đó tôi nhận ra, tình tiết của truyện trong thơ lôi cuốn và phối hợp với nhịp điệu và âm thanh của ngôn ngữ tạo thành, khác với trong tiểu thuyết. Và một lục bát khác với lục bát có vần từ trước tới nay, trong cách đọc và sáng tác. Gọi là không vần, nhưng chỉ không vần ở cuối dòng, vì nhờ kỹ thuật lập lại, vần tỏa ra khắp bài thơ, tạo nên nhịp điệu phong phú và cũng khác lạ hơn cho thơ. So với thể thơ không vần tiếng Anh, thể thơ không vần Việt có nhiều dạng, từ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ và lục bát nên khi kể một câu truyện chúng ta có nhiều chọn lựa. Trong bài “Tiếng Hát Từ Cổ Xưa” tôi dùng 5 chữ cho đối thọai, và dùng lục bát để kể.

Như vậy thơ Tân hình thức Việt chỉ tiếp nhận những yếu tố thơ, từ những thể loại thơ khác nhau, cả truyền thống và tự do của thơ tiếng Anh cho vào những hình hài là thể thơ tiếng Việt, để làm thành một thể thơ mới cho thơ Việt. Một thể thơ tính đến mùa Xuân 2014 tròn 14 năm, với 14 cuốn sách được xuất bản, gồm 3 tập tiểu luận và 11 tập thơ, trong đó có 5 cuốn là song ngữ Anh Việt. Những tác giả tham dự, trải qua 5 thế hệ nếu tính mỗi thế hệ là 10 năm. Sinh từ những năm đầu thập niên 1940 tới những năm đầu thập niên 1990, với tác giả lớn tuổi nhất là nhà thơ Nguyễn Đăng Thường (sinh năm 1938) và tác giả nhỏ tuổi nhất là Hường Thanh (sinh năm 1990). Với hơn 1500 bài thơ, và 115 tác giả (tổng kết này căn cứ trên tạp chí Thơ và website www.thotanhinhthuc. og). Một thể thơ đã trải qua nhiều thử thách và được ghi nhận với:

1/ Tạp chí Sông Hương số 280, tháng 6/2012, chuyên đề thơ Tân hình thức. 2/ Tạp chí Sông Hương, số đặc biệt tháng 12/2012. 3/ Nghệ Thuật Mới, số 8, tháng 9/2012. 4/ Hai bài bình luận về Thơ Kể và Thơ Khác của Wil- liam Noseworthy trong tờ An Asian Literary Jour- nal, Reviews / November 2011 (Issue 15) 5/ Tổng kết 3 tuyển tập thơ “Không Vần”, Thơ Kể” và “Thơ Khác” trong bài viết nhan đề Vietnamese Print Culture and the Making of Contemporary America: From Giai Phẩm Nhân Văn to Khế Iêm của William B. Noseworthy đăng trên Middle ground journal.

Và tới đây là cuộc hội thảo Sông Hương vào tháng Tư năm 2014.

Khi xuất bản tuyển tập thơ “Không Vần” vào năm 2006, tôi có ý hướng nối kết giữa thế hệ trẻ trong nước và thế hệ trẻ viết bằng tiếng Anh tại hải ngọai, Nhưng có lẽ số lượng người Việt, khỏang 2 triệu ngừơi, quá ít ỏi để sản sinh ra một thế hệ văn học, nên chỉ đến được với những người đọc Mỹ. Và biết đâu thơ Tân hình thức Việt lại chẳng phải là cây cầu bác ngang giữa hai nền văn hóa? William Noseworthy nhận ra, “Tân hình thứcViệt xuất hiện từ một nhu cầu riêng biệt để giải quyết các vấn đề thuộc về một cộng đồng ngày càng đa dạng dưới cái dù Việt nam tính. Với sự nổi lên của tác giả Việt Nam trong cộng đồng hải ngọai ở khắp nơi, những tác giả như Khế Iêm đã trở thành mối nối giữa các truyền thống văn học, ít nhất là hai quốc gia. Như vậy, nhiều bài thơ, chủ yếu viết bằng tiếng Việt và sau đó được dịch sang tiếng Anh, hoạt động như những đóng góp trong lĩnh vực văn học cả Việt Nam và Mỹ, và có thể gần như được hát như những bài thơ trữ tình khi đọc một cách du dương.”3

Nếu lấy 1/10 trong 1500 bài thơ thì chúng ta cũng còn lại 150 bài thơ, chất lượng có thể tương đương với số bài thơ trong bài viết này. Điều đó chứng tỏ thể thơ không vần Việt đã được hình thành hay chưa? Còn sáng tác được hay không là do tài năng của người làm thơ. Mà tài năng thì không ai có thể tiên đóan. Ngay cả thơ vần, hàng trăm năm rồi, có bao nhiêu bài thơ xuất sắc, và thơ tự do, có bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu tập thơ, người ta còn nhắc đến?

Đời người như hạt bụi bay, một thể thơ đến tình cờ, vui thì lưu lại, buồn thì nó đi, có gì là quan trọng. Bởi nó là thơ, nó lãng mạn.

Cuối cùng, tôi trân trọng cám ơn quí bạn đọc, bênh hay chống không thành vấn đề, vì đều tạo nên được sự hứng khởi và nhiệt tình trong sinh họat thơ Việt. Và qua bài viết trên đây, nếu có gì không đúng, xin quí bạn đọc bỏ qua. Vì tôi cho rằng, những phát biểu của tôi có thể không đúng bởi có ai dám khẳng định bất cứ điều gì. Khi ngay cả “sự thật cũng chỉ là những nửa sự thật” 4

Ghi chú

1. 50 Contemporary Poets: The Creative Process, edited by Alberta T. Turner, Longman xuất bản 1977.

2. A Poetics of Postmodernism, by Linda Hutcheon, Routeledge, 1988.

3. “Vietnamese Print Culture and the Making of Contem- porary America: From Giai Phẩm Nhân Văn to Khế Iêm”, by William B. Noseworthy.

4. There are no whole truths: all truths are half-truths. It is trying to treat them as whole truths that plays the devil. (Alfred North Whitehead (1861-1947) English philoso- pher and mathematician.)

Sách Thơ Tân hình thứcđã xuất bản 1/ Đại Nguyện Của Đá, Thơ Đòan Minh Hải, 2002, Việt Nam. 2/ 26 Bài Thơ Tân hình thức, Thơ Lưu Hy Lạc, Giọt Sương Hoa xuất bản 2002. 3/ Gene Đại Dương, Thơ Hà Nguyên Du, Tạp chí Thơ xuất bản, 2003. 4/ Tân hình thức, Tứ Khúc và Những Tiểu Luận Khác, Tiểu luận Khế Iêm, nhà xuất bản Văn Mới, 2003. 5/ Đêm, Tìm Tâm Tim, thơ Tân hình thức, Đòan Minh Hải, 2004, Việt Nam. 6/ Thơ Không Vần (Blank Verse), tuyển tập song ngữ, nhà xuất bản Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2006. 7/ Chuyện 40 Năm Mới Kể & 18 Bài Thơ Tân hình thức, thơ Inrasara, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2006. 8/ Bướm Sáu Cánh, tuyển tập 6 nhà thơ Tân hình thức, nhà xuất bản Tân hình thức, copy Việt Nam, 2008.

Nghĩ về cách làm thơ • 134

9/Thơ Kể (Poetry Narrates), tuyển tập song ngữ, nhà xuất bản Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2009 và Nhà xuất bản Lao Động, 2009, Việt Nam. 10/ Thơ Khác (Other Poetry), thơ song ngữ Khế Iêm, nhà xuất bản Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2011 và nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 2013, Việt Nam. 11/ Vũ Điệu Không Vần, Tiểu Luận Khế Iêm, Nhà xuất bản Văn Học, 2011, Việt Nam. 12/ Thúy Liên Khúc Ngòai (Outer Bluish Medley), thơ song ngữ Biển Bắc, nhà xuất bản Văn Học, 2012, Việt Nam. 13/ Bước Ra (Stepping Out), Tiểu Luận song ngữ Khế Iêm, nhà xuất bản Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2013. 14/ Đại Nguyện Của Đá, thơ Đòan Minh Hải, nhà xuất bản Thanh Niên, 2013.

Comments are closed.