Nhà văn cần được thực sự tự do tư tưởng, tự do sáng tác

(Tham luận tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VI)

Hoàng Cát

image

 

Bản tham luận viết ở năm đầu thế kỷ XXI này cho thấy trách nhiệm của một công dân, khát vọng của một người sáng tạo ngôn từ, và cả sự hồn nhiên ngây thơ của một thi sĩ, ở nhà thơ Hoàng Cát. Nhưng anh đã nói thẳng thắn công khai đến điều kiện tiên quyết từ bên ngoài của công việc sáng tạo văn chương nghệ thuật. Không như nhiều người đến đại hội chỉ kêu ca việc này việc khác của Hội. Và như thế cố nhiên là bản tham luận này không được đọc tại đại hội nhà văn. Mà không biết nhà thơ có nộp nó cho chủ tịch đoàn đại hội hay không. Và Hội Nhà văn Việt Nam qua các kỳ đại hội có lưu lại các tham luận được đọc và không được đọc của các hội viên của mình không. Tôi có nó là do được nhà thơ Hoàng Cát đã tặng bản đánh máy. Tưởng nhớ anh vừa qua đời tôi đưa nó lên đây để không chỉ thương nhớ anh mà còn kính trọng tâm huyết khí phách của anh với dân với nước trong tư cách người cầm bút.

Phạm Xuân Nguyên

 

Thưa đoàn chủ tịch,

Thưa Đại hội,

Trên nhiều văn bản có tính chất hành chính và tính chất trang trí thì giới nhà văn chúng ta được tự do tư tưởng và tự do sáng tác đã từ khá lâu rồi. Nhưng trong thực tế thì cái gọi là tự do tư tưởng và tự do sáng tác ấy đã và đang bị gò bó rất nhiều. Theo tôi nghĩ thì đây là một trong những nguyên nhân căn bản – có thể nói là nguyên nhân lớn và trực tiếp khiến cho nền văn học hiện đại của chúng ta không xuất hiện được những tác phẩm tương xứng với những gì mà lịch sử của đất nước đã phải trải qua nửa sau thế kỷ XX; lẽ đương nhiên, bên cạnh cái nguyên nhân trực tiếp và bao trùm đó thì còn có nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng việc nhà văn không thực sự được tự do tư tưởng, tự do sáng tác vẫn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho văn học Việt Nam không có tác phẩm lớn.

Vậy điều kiện tiên quyết cho các nhà văn lao động sáng tạo nên những tác phẩm lớn chính là cái hành lang pháp lý: thực sự tự do tư tưởng, tự do sáng tác cho từng cá nhân nhà văn.

Ở đây, tôi muốn nói qua một chút về quan niệm tự do tư tưởng, tự do sáng tác của tôi.

Về tự do tư tưởng: Tôi hiểu là tự do suy nghĩ, tự do nhận định và đánh giá về mọi vấn đề trong cuộc đời một cách độc lập, không bị lệ thuộc, không bị chi phối hoặc điều khiển của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, cho dù tổ chức hoặc cá nhân ấy nhân danh ai và nhân danh cái gì.

Về tự do sáng tác: Tôi hiểu là, nhà văn có quyền bất khả xâm phạm thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm về mọi vấn đề trước cuộc đời mà không bị bất cứ một tổ chức hoặc cá nhân nào trong xã hội ở bất cứ quốc gia nào, thuộc bất cứ đảng phái nào cấm đoán hoặc gây khó dễ dưới bất cứ hình thức nào.

Đương nhiên, việc tự do tư tưởng và tự do sáng tác của nhà văn phải tuân thủ theo khuôn khổ luật pháp thành văn của quốc gia. Tuyệt đối không được lợi dụng tự do tư tưởng, tự do sáng tác để làm những việc phản bội lại Tổ quốc, phản bội lại dân tộc; không được đi ngược lại chủ nghĩa nhân văn truyền thống của dân tộc cũng như của cộng đồng nhân loại: không được tuyên truyền và cổ suý cho chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa bạo lực, chủ nghĩa đồi truỵ, phi văn hoá, phi nhân tính, v.v…

Và quan niệm tự do tư tưởng, tự do sáng tác mà tôi đề cập tới ở đây là các nhà văn phải thực sự được hưởng các quyền ấy trong sự bảo hộ đương nhiên của pháp luật văn minh chứ không phải là sự đòi hỏi tự do tuyệt đối. Bởi vì, mọi việc trên đời này không có cái gì là tuyệt đối cả.

Với tư cách là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, tôi thành tâm và tha thiết kiến nghị lên Bộ chính trị và Ban chấp hành đảng Cộng sản Việt Nam những điểm sau đây, để quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác của các nhà văn là Hội viên của Hội nhà văn Việt Nam sớm được thực thi:

1-. Đảng cần hết sức công tâm, bình tĩnh, khoa học và khách quan khi các công dân nói chung và các công dân là nhà văn nói riêng có ý kiến ngược lại với đường lối, chủ trương, chính sách của đảng. Những ý kiến ngược lại, không phù hợp với đường lối của đảng chưa chắc đã là những ý kiến sai. Mọi công dân Việt Nam, trong đó có các nhà văn, đều có quyền bằng hình thức này hay hình thức khác trình bày chính kiến và quan điểm của mình về đời sống mọi mặt của Tổ quốc, của nhân dân – miễn rằng việc trình bày chính kiến ấy, quan điểm ấy không phản bội Tổ quốc, không làm hại thanh danh và mọi giá trị khác của dân tộc; nghĩa là việc trình bày ấy nằm trong khuôn khổ luật pháp thành văn của Nhà nước và phù hợp với tập tục đạo lý hàng ngàn năm nay của dân tộc Việt Nam.

2-. Hiện nay đảng đủ sức mạnh về mọi mặt để chủ động đưa đất nước Việt Nam của chúng ta vào đúng quỹ đạo của một xã hội văn minh và phát triển, bằng cách đóng vai trò chủ chốt thành lập nên một thiết chế đa nguyên chính trị cho đất nước. Đa đảng, đa nguyên chính trị đối với Tổ quốc chúng ta không có gì là mới. Đối với lịch sử hiện đại, và ở một mức độ nhất định, chúng ta đã từng thực thi đa nguyên chính trị; bên cạnh đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và lãnh đạo, chúng ta đã từng có đảng Xã hội, đảng Dân chủ.

Tôi nghĩ rằng việc phát hiện ra cơ chế đa nguyên và thực thi cơ chế đó đối với loài người là một thành tựu lớn nhất từ trước tới nay đối với khoa học xã hội của toàn nhân loại. Trên toàn thế giới có hơn hai trăm quốc gia thì tuyệt đại đa số (trừ Việt Nam, Trung Quốc, Cu ba) đều theo cơ chế đa nguyên chính trị; các thành tựu về mọi mặt, trong đó có văn học, của họ như thế nào thì chúng ta đã biết. Trong khi đó ý đồ, lý tưởng và hoài bão của Đảng thì rất lớn, rất đẹp, nhưng đất nước vẫn không thể nào vươn tới ngang tầm với các nước trên thế giới được. Đảng đã thực thi một bước tự đổi mới mình trong những năm gần đây, và thực tế Tổ quốc chúng ta đã có sự khởi sắc ban đầu rất đáng khích lệ, nhờ vào việc thực hiện cơ chế đa nguyên kinh tế (tức kinh tế nhiều thành phần). Như vậy ta có thể khẳng định, Đảng thực hiện việc đưa nền kinh tế của nước nhà theo cơ chế đa nguyên, nhiều thành phần và bình đẳng trước pháp luật là hoàn toàn đúng đắn.

Do đó, với tư cách là một Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, tôi tha thiết đề nghị Đảng nên sớm cho giới chức văn nghệ sĩ và những người làm công tác xuất bản báo chí được thành lập các nhà xuất bản và các tờ báo tư nhân, đặng cùng nhau phát huy hết khả năng và tiềm lực, lương tâm và trách nhiệm, tài năng và sở trường của tất cả mọi người, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, giàu nghèo; tất cả đều đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết và trước hết, mà sống và làm việc, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc trong khuôn khổ chặt chẽ và công khai của Hiến pháp và pháp luật đã và sẽ quy định.

Nếu Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện được những điều tôi mạo muội trình bày vắn tắt trên đây, tôi tin rằng rất có thể sang đầu thế kỉ và là thiên kỉ mới nền văn học chúng ta sẽ có bước phát triển vượt bậc.

Xin cảm ơn toàn thể Đại hội.

Hà Nội, tháng 4-2000

HOÀNG CÁT

 

image

 

image 

image

Comments are closed.