Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (21)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

30. HOÀNG CẦM

Bổ sung ý kiến của tôi về tập thơ Việt Bắc

Cần thống nhất với nhau về thái độ phê bình:

Tôi sẽ không nói đến những lời gay gắt thiếu bình tĩnh hoặc giọng tán tụng lấy được của một vài bạn trong cuộc tranh luận này. Tôi sẽ nói đến một vấn đề quan trọng hơn.

Tìm tòi, tranh luận về một khía cạnh nào của một nhà thơ hay một tập thơ không phải để phân ngôi thứ trong làng thơ. Bởi vậy không nên hỏi rằng "thế bây giờ thì thơ ai hiện thực nhất?" Nếu thơ Tố Hữu chưa hiện thực thì nói là chưa hiện thực, chứ không nên vì "hiện nay cũng chưa có thơ ai được hoan nghênh như thơ Tố Hữu, thì ta cứ cho là thơ Tố Hữu hiện thực nhất".

Ðọc thơ, nếu không tỉnh táo ta dễ rơi vào thói quen "tán" thơ, tỉa tót từng câu từng chữ, suy luận ra hàng nghìn ý nghĩa sâu xa. Ðó là lối chơi núi non bộ, thấy hòn non bộ giông giống một cảnh đời thì liền cho nó là cảnh đời, và vui thú với cảnh "đời" nhỏ mọn đó. Chính vì vậy mà hòn non bộ vẫn hấp dẫn, an ủi được những tâm hồn già yếu, bất lực trước cuộc sống vĩ đại.

Nếu đó chỉ là vấn đề thưởng thức văn nghệ của một số cá nhân thì sự tai hại còn ít. Nhưng nếu đó lại là thái độ phê bình văn nghệ mà người ta đem phổ biến thì thật nguy hiểm vô cùng.

Người phê bình văn nghệ, nhất là ở trường hợp tranh luận về một khía cạnh của tác phẩm như chúng ta đang làm đây, phải có cách nhìn sâu vào cuộc đời, vào thực tại khách quan, mới có thể đem ngòi bút phê bình hướng cho văn nghệ đi lên. Nếu chỉ thỏa mãn ở cảnh non bộ, tức là bắt văn nghệ đứng một chỗ, tức là lùi.

Hồn thơ và lập trường:

Tiêu chuẩn phê bình văn học là chủ nghĩa hiện thực mới. Nhân dịp phê bình tập thơ Việt Bắc chúng ta cùng nhau đem ánh sáng của chủ nghĩa hiện thực mới soi rọi vào tập thơ đó và cùng nhau học tập, luyện chắc ngòi bút phục vụ cách mạng và nhân dân.

Lần này, bổ sung ý kiến mà tôi đã phát biểu, tôi chỉ muốn nói đến hồn thơ của thi sĩ, là một mặt trong chủ nghĩa hiện thực mới.

Thái độ của thi sĩ trước cuộc đời, Ðảng tính, chiến đấu tính, tư tưởng tính, nghệ thuật tính, dân tộc tính v.v… đều gồm ở hồn thơ của thi sĩ.

Nhưng hồn thơ là gì? Nó vô hình chăng? Hồn thơ là ở thực tế sinh hoạt xã hội, ở giai cấp của bản thân thi sĩ, ở cách nhìn cuộc đời nhìn con người của thi sĩ. Cho nên hồn thơ gồm hai yếu tố thống nhất lại: đó là thực tế xã hội mà thi sĩ đã sống và đang sống và cách nhìn của thi sĩ vào thực tế ấy. Nhiều khi, thi sĩ có yếu tố thực tế mà cách nhìn sai lạc thì hồn thơ cũng hỏng. Nhiều khi có cách nhìn đúng mà thiếu thực tế thì thơ cũng không có hồn, hoặc chỉ là cái "hồn" rất riêng của bản thân thi sĩ tách rời thực tế, không ích lợi gì cho thời đại.

Ta đã từng nghe, đọc trên báo chí vùng tạm chiếm trước đây một số bài thơ "ngụy" cũng hô hào yêu nước, diệt xâm lăng, cũng thương xót nòi giống, nhưng toàn là những tiếng hão, không có hồn, vì hồn người làm thơ đã xa lìa quần chúng, xa lìa cả đến ý nghĩa của những tiếng kia rồi. Không có rung động thực, nhất định thơ sẽ khô khan hoặc giả tạo. Thi sĩ rung động thế nào thì thơ toát ra như thế.

Hồn thơ tóm lại chính là lập trường, là tâm hồn của thi sĩ. Trong một bài thơ, cái hồn đúc lại do lời, do hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu. Nó toát ra ngoài những tiếng, những chữ, tưởng như nó vô hình nhưng chính nó mới là sức tác động tâm hồn người đọc, người nghe.

Trở lại cái yếu đuối của hồn thơ Tố Hữu:

Bài trước, tôi nói thơ Tố Hữu thường phảng phất buồn. Tôi không phản đối tất cả những bài thơ buồn, vì ta không thể bắt thi sĩ phải làm thơ vui khi thi sĩ muốn diễn tả cái buồn có thật trong lòng mình và trong cuộc đời. Nhưng thơ Tố Hữu phảng phất cái buồn vô duyên cớ, cái buồn tiểu tư sản chứ không phải cái buồn đau xót thấm thía đưa đến căm thù và phấn đấu. Hướng đi lên của thời đại của nhân dân là khỏe: vui khỏe, nhớ khỏe, buồn khỏe, căm giận khỏe, yêu thương khỏe. Vui buồn yêu ghét của nhân dân cách mạng đều có cái đặc tính là khỏe khoắn, chắc nịch. Những bà mẹ có con đi bộ đội rất nhớ con, nhưng sâu sắc lành mạnh, thấy đứa con mình ra người, chứ không yếu đuối như bà bủ của Tố Hữu. Bà cụ này không còn sinh lực, loanh quanh với cái nhớ u ám trên ổ chuối khô. Ở bài “Bà mẹ Việt Bắc”, bà cụ này tương đối khoẻ hơn bà bủ và anh bộ đội trong nhiều bài khác, thế mà hồn thơ Tố Hữu vẫn cứ cài vào cho bằng được cái yếu đuối trong ba dòng lục bát:

Phên nan gió lọt lạnh lùng

Ngọn lửa bập bùng, mé khóc rưng rưng

Nghẹn ngào chuyện cũ nửa chừng…

Ðó, cái hồn yếu đuối của nhà thơ. Ðó, cái tiểu xảo của tác giả dùng để khêu gợi một cảnh heo hắt rất không cần thiết cho bài thơ.

Tố Hữu đã bắt cái thực tế (bà bủ, bà mẹ Việt Bắc) nhịp theo cái yếu đuối, cô độc của tâm hồn mình. Nếu nói bà bủ tiêu biểu hay đại đa số bà bủ (nông dân) thì trằn trọc suốt đêm là vì căm thằng địa chủ cướp mất ruộng, vì mừng một tin chiến thắng, vì phải tính chuyện sản xuất thế nào, v.v… Còn đứa con đi bộ đội, nhớ nó nhưng không bao giờ chỉ nhớ loanh quanh với toàn những hình ảnh khổ cực như thế mà mất cả một đêm. Thi sĩ lại bắt ngọn lửa, phên nan ở trên nhà sàn cũng hiu hắt theo chiều tâm hồn vắng lạnh của mình chứ không theo thực tế. Vì thực tế là cảnh nhà sàn đêm khuya, dù bên trong có ôn lại chuyện đau khổ ngày xưa, đối với người dân Việt Bắc cũng như đối với cán bộ kháng chiến không hề có vẻ thê lương ảm đạm. Ðó, cách thi sĩ nhìn vào cái nhớ, cái thương của những bà mẹ trong cách mạng, trong kháng chiến. Theo ý tôi, cách nhìn đó là cách nhìn tiểu tư sản.

Còn cách nhìn hòa bình của Tố Hữu thế nào? Ðường rộng, cảnh đẹp, đi những bước ung dung đến thống nhất. Bài “Ta đi tới” có một không khí nhẹ nhàng thoải mái, đường mở rộng thênh thang từ Bắc đến Nam. Nó không diễn tả được cái thực chất bước đi của dân tộc sau khi hòa bình lập lại. Chỗ nào giặc còn tạm đóng, nơi ấy còn đe dọa, còn máu, nước mắt. Hòa bình không dễ dàng. Cái mừng hòa bình gắn ngay với lo âu, với căm thù, phấn đấu: Nạn đói đe dọa, địch cưỡng ép di cư, tan cửa nát nhà vì đế quốc Mỹ và bè lũ hiếu chiến. Gió mát hòa bình gắn ngay với mồ hôi kiến thiết, đường sắt, đập, kè, ruộng hoang, nhà máy. Vì vậy bài “Ta đi tới” chỉ có tác dụng trong một lúc bàng hoàng vui sướng khi hiệp định Giơ-ne-vơ vừa ký xong. Nó rất hợp với những tâm hồn xa thực tế đấu tranh, coi hòa bình như cơn gió mát, không còn giặc, không còn máy bay, được đi giữa ban ngày hưởng thắng lợi hòa bình, rồi đi đến thực hiện thống nhất một cách thực ngon lành. Cách nhìn hòa bình thống nhất của tác giả là cách nhìn lạc quan tiểu tư sản, không phải cái lạc quan cách mạng xây dựng trên một lòng tin sắt đá, cụ thể vào từng bước đấu tranh gay go, gian khổ, nhưng vững chãi, quyết thắng.

Khi hòa bình rồi, chính phủ về thủ đô, thi sĩ thấy ngay cảnh biệt ly man mác (“Việt Bắc”). Người ở lại Việt Bắc mất hút vào rừng vào núi, người về xuôi cũng mất hút vào phố phường đông đúc. Bài thơ này trái với cách nhìn cách mạng: Việt Bắc, thủ đô, toàn quốc là một. Vui chung hòa bình, lo chung phấn đấu. Sao tác giả lại chia Việt Bắc và thủ đô ra làm đôi, chia người ở, kẻ về ra làm đôi, cố tình chia cho thành đau khổ để rồi an ủi, hứa hẹn – hứa hẹn rất nhiều mà vẫn bi.

Chia tay Việt Bắc rồi, khi gặp lại Hà Nội, thi sĩ thật là một khách du, đi xa tám năm nay gặp lại một người tình cũ. Hai người nói với nhau vài câu cửa miệng, nhưng không thực bụng yêu nhau:

Người đi kháng chiến tám năm giời!

Người dân của Hà Nội ở lại thủ đô, từ sau khi lực lượng vũ trang của ta tạm rút ra ngoài, đã cùng với nhân dân toàn quốc, cùng với bộ đội tạo nên ngày 10-10-1954, ngày mà thi sĩ "lại về" Hà Nội. Vùng tạm chiếm, vùng tự do đã "gặp" nhau trong trường kỳ kháng chiến từ tám năm rồi. Tại sao lại cách biệt đến thế? Có người về, kẻ đợi thật đấy, nhưng sự thực điển hình vẫn là khối thống nhất đã tạo nên ngày lịch sử đó.

Từ giã Việt Bắc, thấy xa Việt Bắc, mang tâm tình bàng quan của một khách du đi kháng chiến tám năm trở lại Hà Nội, cũng hời hợt, ít thắm thiết với Hà Nội, đó là một điệu tâm hồn của thi sĩ đã hiện ra ngoài lời thơ.

Thành ra từ bài “Ta đi tới” đến bài “Lại về”, tôi thấy hiện ra cái hồn thơ thoải mái nhẹ nhàng, yếu ớt, chênh vênh của thi sĩ. Hồn thơ ấy lạc lõng bên cạnh một sự thật vĩ đại của một thời kỳ lịch sử.

Tôi có thể tóm tắt cách nhìn của Tố Hữu như sau: – Nhìn bộ đội: thấp thoáng (“Cá nước”), đi du lịch (“Lên Tây Bắc”), bé bỏng (“Bà bủ”), cuống quýt, hấp tấp (“Bắn”).

– Nhìn lãnh tụ thấy mình bé quá, lãnh tụ lớn quá, lãnh tụ che hết quần chúng.

– Nhìn Việt Bắc: hiu hắt, xa xôi.

– Nhìn Hà Nội ngày giải phóng: lặng lờ, như một vườn hoa nhỏ.

– Nhìn hòa bình: tươi mát, gió yên, sóng lặng.

– Nhìn thống nhất: thong dong đi là đến.

Ðó là cách nhìn tiểu tư sản rất có hệ thống trong suốt tập Việt Bắc.

Nội dung thơ Tố Hữu có nhiều đức tính gần thời đại, gần con người. Nhưng những ưu điểm của thơ Tố Hữu chưa đủ chất lượng của một ngòi bút hiện thực mới. Thơ Tố Hữu mới gần thời đại, gần con người mới, chứ chưa phải là thời đại và con người mới đã hiện lên trong thơ Tố Hữu. [1]

Thơ Tố Hữu có tình yêu nước trong sáng, thiết tha nhưng thiếu cụ thể. Tình yêu nước của thơ Tố Hữu nhẹ quá, dễ bay thoảng.

Vì vậy đa số các bài thơ trong Việt Bắc có tác dụng động viên tuyên truyền, nhưng chưa đến một trình độ tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc.

Do cách nhìn tiểu tư sản của thi sĩ, nhiều bài có xúc động với thực tế, có dụng ý rất tốt (như bài “Việt Bắc”) bỗng trở nên không đúng. Ví như tác giả gạt đi những đoạn thơ lai láng biệt ly (kiểu Nguyễn Du, Tản Ðà) ở bài “Việt Bắc”, giữ lại những đoạn rung động nhiệt thành với thực tế, thì chúng ta có được cả mối tình nhớ Việt Bắc đằm thắm, thân mật. Ta sẽ có mươi lăm dòng ý vị ngọt ngào làm cho ta nhớ Việt Bắc, tác dụng ấy tốt hơn là để người đọc thấy chia ly ngậm ngùi, heo hút, lê thê hàng trăm câu.

Tôi rất đồng ý với nhiều bạn cho rằng thơ Tố Hữu làm ta thêm yêu nước, yêu bộ đội, yêu nhân dân, yêu chiến thắng, yêu hòa bình. Ðó là ưu điểm của Tố Hữu. Nhưng nhược điểm của Tố Hữu là những tình yêu đó còn yếu ớt, chưa vững chắc, cụ thể, chưa toát ra ngoài bài thơ thành một sức mạnh truyền cảm mãnh liệt. Ðó là một sự thực khách quan chứ không là tưởng tượng do cái "bệnh thời đại trong văn nghệ" mà bạn Vũ Ðức Phúc đã gán cho tôi.

Kết luận:

Tôi tin chắc chính Tố Hữu, và một số đông các bạn cũng như tôi, chưa thỏa mãn về những ưu điểm của thơ Tố Hữu. Chúng ta đòi hỏi ở các người làm thơ:

– Một tình yêu nước cụ thể hơn, có giai cấp tính rõ rệt, mạnh mẽ hơn;

– Chúng ta đòi hỏi được có những bài thơ truyền cho quần chúng một sức sống khỏe, lành, vươn lên trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong cái thực tế đấu tranh gay go vì hòa bình thống nhất ngày nay;

– Chúng ta đòi hỏi những hồn thơ chứa đựng cái tự hào của dân tộc, của giai cấp công nhân, những điệu tâm hồn biết gạt phăng đi những công thức gò bó tầm thường, mở rộng cánh mà bay lên.

Tôi mượn mấy câu ca dao cũ để chứng dẫn sự đồng tình của tôi đòi hỏi một sức sống mạnh, một tiếng hát cao, hướng dẫn cho cuộc sống con người phát triển.

Có hát thì hát cho bổng, cho cao,

Cho gió lọt vào cho chúng chị nghe;

Chị còn ngồi võng ngọn tre,

Gió đưa kĩu kịt chẳng nghe tiếng gì.

Rất nhiều bài thơ của anh, của tôi, của các bạn chúng ta là tiếng hát thấp quá, quần chúng đang "ngồi võng ngọn tre" gió thổi lộng trời, quần chúng không nghe thấy.

Khi sức sống trong văn thơ thấp bé hơn sức sống quần chúng thì chưa thể đi tới hiện thực xã hội chủ nghĩa được. [2]

Thơ hiện thực là thơ mang trọn vẹn những tư tưởng mới. Tư tưởng và con người thời đại không ở chữ ở câu này câu khác mà ở sức mạnh của bài thơ, ở hơi thở trong bài thơ toát ra.

Nguồn: Văn nghệ, số 70 (1.5.1955)

[1]Ở bản gốc câu này in chữ đậm (NST).

[2]Câu này ở bản gốc in chữ nét đậm (NST).

Comments are closed.