Văn Việt: Ngày 24.3.2015, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng “Vì sự nghiệp Văn hóa-Giáo dục 2015” cho Nhà giáo dục Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm. Những ý tưởng căn bản của Bộ SGK Tiểu học Cánh Buồm được trình bày qua cuộc trò chuyện sau đây giữa nhà báo Thuận Thiên và nhà giáo dục Phạm Toàn.
Hỏi chuyện một thuyền trưởng về Cải cách Giáo dục
Vị “thuyền trưởng” nhắc đến ở đây là Phạm Toàn, năm nay 84 tuổi kể cả tuổi mụ, anh tuổi Nhâm Thân, là người sáng lập nhóm Cánh Buồm, với nhiệm vụ tự giao là biên soạn sách giáo khoa, như một cái “mẫu” để xã hội dễ bề xem xét chuyện Cải cách Giáo dục
Thuận Thiên (TT) – Cơ duyên nào dẫn anh tới việc lập nhóm Cánh Buồm?
Phạm Toàn (PT) –Nhóm Cánh Buồm chào đời vào nửa cuối năm 2009 được Nhà xuất bản Tri thức đỡ đầu trong cuộc hội thảo ra mắt mang tên Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội.
Trước đó ít lâu, tôi được một giáo sư nhờ huấn luyện 20 giáo viên trẻ, định vận hành một Dự án Giáo dục nào đó. Nhưng sau hai tuần học hành, Dự án không ra đời, vì không có tiền. Một bạn giáo viên than thở: “Thày xóa sạch những gì chúng em học đại h ọc và cả học thạc sĩ rồi!” Thế là tôi rủ các em, ai đi theo tôi thì đi. Nhưng đi theo tôi chỉ được học và làm, chứ tôi không có tiền…
Thế mà cũng được năm thành viên đầu tiên, bây giờ trong số đó còn 3 “thủy thủ” …, cũng có tay nghề rồi!
TT –Mơ ước của Cánh Buồm khi đó là gì?
PT –Cánh Buồm khi đó mới mang mơ ước của thuyền trưởng.Từ đầu những năm 2000,tôi luôn luôn nhắm một mục tiêu là soạn lại bộ sách giáo khoa bậc tiểu học.
TT– Sao lại tự giao nhiệm vụ soạn sách giáo khoa tiểu học?
PT– Đó là một ý thức được nung ủ. Phải tạo ra những đổi thay cho sự sống Giáo dục. Cả xã hội đều nhìn thấy và sống trong những dị dạng của nền Giáo dục Việt Nam đương thời, mà ai cũng thấy cảnh chạy tháo thân.
Trước hết, có một bộ phận tháo thân qua một nền Giáo dục đào tẩu – tìm mọi cách cho con em ra học nước ngoài, thậm chí “du học” từ bậc phổ thông, nếu không thì ít ra cũng du học tại chỗ ở những trường lớp VIP. Nhóm Cánh Buồm muốn có sự chia ngọt sẻ bùi với dân tộc, Giáo dục không thể sống với những quyền lợi vị kỷ.
Thứ hai, có những “nhà cải cách” kinh doanh một nền Giáo dục tiếng tăm. Những trường tư mở ra, mỗi trường một khẩu hiệu, chỉ thiếu một khẩu hiệu chung cho cả sự nghiệp trồng người, là điều những nhà lãnh đạo Giáo dục đang còn khất. Tuy kiếm tiền trên đầu con trẻ, nhưng lại treo biển “khoa học”: một thí dụ dễ thấy nhất là việc họ bắt trẻ nhỏ “đo IQ” và thi tuyển vào lớp Một. Nhiều gia đình khổ sở tổ chức cho con em “luyện thi” từ khi năm tuổi. Đầu vào càng khó, uy danh càng cao. Nhóm Cánh Buồm kiên quyết không chủ trương con đường đánh tráo đó.
Và thứ ba là, có một bộ phận trí thức đáng kính kiên trì phản biện và xoay xở đủ cách, từ tác động vào Nghị quyết ở cấp cao nhất, đến tác động vào những ngôi trường ở cơ sở, hòng xoay chuyển tư duy Giáo dục và tác động tới thực tiễn Giáo dục nước nhà – xây dựng một nền Giáo dục trong mơ. Nhóm Cánh Buồm chủ trương không “phản biện”, và càng không than vãn. Nhóm Cánh Buồm chủ trương cái gì làm được thì làm luôn. Sức yếu thì dồn sức vào “huyệt” – làm ra một cái MẪU – cái “mẫu” không phải như một tấm gương để “noi theo”, đây là cái mẫu như một sự vật cụ thể vừa gợi ý và cũng vừa kích thích.
TT –Tạo cái mẫu riêng làm gì cho mệt?Sao không “chép” luôn cái mẫu đã có sẵn ở nước ngoài?
PT– “Chép” cái mẫu nào bây giờ? Tôi nhớ nhà văn Nga Lev Tolstoi có nói “Lang bang với cả ngàn người đàn bà vẫn chẳng thể hiểu nổi họ, bằng thực sự yêu chỉ một người”. Nhóm Cánh Buồm chủ trương phải hiểu thật kỹ những em bé Việt Nam chúng ta. Ai rỗi hơi mà đi tìm hiểu trẻ em nước ngoài! Và khi đã thực sự cảm nhận được trẻ em Việt Nam, ta sẽ thấy là cần soạn lại ngay sách giáo khoa tiểu học các môn Khoa học xã hội và Nhân văn.
TT– Soạn lại ngay, nhưng theo định hướng nào?
PT– Tất nhiên là phải có định hướng. Đó là định hướng chấn hưng nền Giáo dục nước nhà bằng con đườnghiện đại hóa Giáo dục.
Hiện đại hóa là gì? Đó không phải là bắt chước theocác nước tiên tiến. Hiện đại hóa phải bắt đầu với trẻ em lớp Một và bắt đầu với việc tổ chức cho các em biết TỰ HỌC – năng lực tự học như một món quà duy nhất nhà giáo dục hai tay dâng tặng trẻ em để các em mang hành trang đó đi suốt cuộc đời.
Một nền giáo dục mang phẩm chất tự học cần phải và có thể tổ chức được ngay ở đây và ngay tự bây giờ và hoàn toàn không tốn tiền: cơ chế tự học nằm trong năng lực tâm trí của người học, là thứ con người hoàn toàn không mất tiền mua.
TT– Tự học? Và tự học ngay từ bậc tiểu học?Có ảo tưởng không?
PT– Không ảo tưởng, nếu nhà sư phạm tìm ra được những hành động học(chứ không phải những “hoạt động” nghe giảng thụ động và ghi nhớ máy móc). Và cả bậc tiểu học sẽ phải là bậc học phương pháp học.
Tư tưởng đó được nhóm Cánh Buồm kiên trì đeo đuổi. Ta có thể thấy con đường đó qua tên gọi (chủ đề) các cuộc Hội thảo từng năm do Cánh Buồm tổ chức: năm 2009, Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em; năm 2010, Chào lớp Một; năm 2011,Tự học – Tự giáo dục và năm 2012,Em biết cách học…
Tinh thần tự học ấy gắn liền với tinh thần đánh giá, trong đó tự đánh giá là vô cùng quan trọng.
Đánh giá không phải là tự nhận xét, tự phê bình. Việc tự đánh giá trong nền giáo dục hiện đại được “cài đặt” trong từng thao tác học tập, diễn ra trong từng tiết học, và – đây là điều quan trọng – diễn ra một cách tự nhiên, không cần “nhắc nhở”, không căng thẳng. Nó sẽ gắn với việc bỏ cho điểm, bỏ thi, những điều rồi sẽ phải diễn ra, không chỉ tiết kiệm tiền bạc và thời gian, mà còn để nâng cao Tự do và Nhân phẩm người học. Việc đó sẽ xảy ra không do hô hào, mà do tổ chức lại CÁCH HỌC.
Làm gì để trẻ em ngay từ lớp Một đã tự học? Bí quyết sư phạm nằm ở chỗ tìm ra những thao tác làm việc của những người tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, và hoạt động xã hội để tổ chức cho trẻ em làm lại những thao tác chắt lọc mà những người đi trước ưu tú đã từng làm.
Hoạt động học thực ra chỉ quay xung quanh trục gồm ba đỉnh ấy, và tư duy của người học cũng sinh ra từ đó: tư duy khoa học, tư duy nghệ thuật, tư duy đạo lý và không cần dạy thêm, học thêm một “tư duy” nào khác nữa cũng đủ để thành những con người tự do – trách nhiệm – tâm hồn phong phú như ước vọng của cả dân tộc chúng ta.
TT – Có thể nghĩ rằng chương trình và sách giáo khoa Cánh Buồm có khả thi không?
PT – Dĩ nhiên, chúng tôi nói “Có, hoàn toàn khả thi”, trong khi có thể rất nhiều người sẽ nói “không”. Nhưng nhóm Cánh Buồm thì tin vào sức mạnh của cuộc sống thực.
Xã hội đang đòi hỏi mạnh mẽ phải làm một điều gì đó ngay bây giờ vì đã quá muộn. Nhóm Cánh Buồm đã có sẵn đây một cái gì cao hơn, tầm nhìn xa hơn, và gần với việc tự học của con em hơn, với lý tưởng chấn hưng được nền văn hóa dân tộc Việt.
Có những dấu hiệu cho thấy nhóm Cánh Buồm không ảo tưởng.
Bà nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã cảm nhận được trình độ CAO và KHÁC HẲN song dễ thực thi của sách Cánh Buồm. Từ năm 2012 bà đã động viên chúng tôi: “Chị không nói sách của nhóm các em là tốt nhất, nhưng cho tới nay chưa có bộ sách nào bằng”.
Bà Nguyễn Thị Bình yêu cầu Bộ GD và ĐT tìm hiểu công việc của nhóm.Ngày 3 tháng 2 năm 2012, Vụ Tiểu học tiếp và nghe Nhóm trình bày.Bà Bình kiểm tra lại.Một thứ trưởng thưa với bà rằng “anh em báo cáo là sách tốt, nhưng cao”. “Cao” mà là khuyết điểm, đó là một cách nói… Dù cao dù thấp, gì thì gì, chúng tôi đã có sản phẩm rồi.
Cảm nhận được sự nóng lòng chờ đợi ngoài xã hội, nhìn trước được xu thế phát triển, nhóm Cánh Buồm chủ động đi trước nghiên cứu mẫu chương trình và sách giáo khoa tiểu học cho cuộc Cải cách Giáo dục nhất thiết phải tiến hành. Có thể có ba cách cư xử: hoặc là cho bộ sách Cánh Buồm lưu hành ngang bằng với những bộ sách “quá tải” và “hàn lâm” hiện hành. Hoặc là thấy sách Cánh Buồm còn non yếu, sai sót, thì giúp nó chỉnh đốn cho tốt hơn. Và cũng có phương án thứ ba: làm một bộ khác tốt hơn… nhưng làm nhanh nhanh lên chứ?
Lớp sư phạm ngắn ngày do Nhóm Cánh Buồm mở – người học là giáo viên, phụ huynh, sinh viên
Nhóm Cánh Buồm mời hội thảo (tháng 10- 2014)
Thầy Phạm Toàn hướng dẫn một tiết học kiểu “Cánh Buồm”