Nhân sĩ/sinh/sâm

Nguyễn Hoàng Văn

Mới đây, theo tin tức từ San Jose, một cuộc họp giữa các “nhân sĩ Việt kiều” và đại diện chính quyền trong nước đã diễn ra tại nhà một tiến sĩ triết học ở Mỹ, trong đó các “nhân sĩ Việt kiều” lên tiếng phê phán “trí tuệ nông dân” của nhà cầm quyền. Vậy những nhà phê bình “nhân sĩ” này là ai? [1]

Trên 20 năm trước tôi đã dấy nên một cuộc tranh luận sôi nổi tại Úc với đề tài “nhân sĩ”. Bây giờ, nhân câu chuyện mới này xin đăng lại để đào xới một đề tài tưởng là đã cũ.

 

“Nhân sinh”, “nhân sâm” thì có đó, còn “nhân sĩ” đâu rồi, một người bạn trẻ, loay hoay với bộ Hán Việt từ điển trong tay, hỏi.

Thắc mắc của anh bạn trẻ, một luật sư và là một nhà thơ, khiến tôi tò mò theo để rồi, sau một hồi mày mò tra cứu, cũng bật lên câu hỏi tương tự. Từ điển Việt Bồ La, của Alexandre de Rhodes, xuất bản năm 1651 tại Roma, không có. Việt Nam quấc âm tự vị, của Huình Tịnh Paulus Của, xuất bản năm 1895, cũng không có. Rồi Hán Việt từ điển, của Ðào Duy Anh, có thêm Phan Bội Châu [với bút hiệu Hãn Mạn Tử – Văn Việt] hiệu đính, xuất bản năm 1931, cũng không có nốt.

“Nhân sinh” và “nhân sâm” có đó, còn “nhân sĩ” đâu rồi?

Thì cứ cho là Alexandre de Rhodes soạn từ điển cho những nhà truyền giáo nhưng với một Huình Tịnh Của “tham dụng chữ Nho có giải nghĩa có dẫn chứng mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ” thì sao? Mà, vạn nhất, nếu Ðào Duy Anh bỏ quên “nhân sĩ” thì cũng còn có Phan Bội Châu, trong vai trò người hiệu đính, tại sao cụ cũng lơ là mẫu người này?

Cứ theo lời đề từ của cụ Phan trong bộ từ điển nói trên:

“Gần đây gặp được người bạn thanh niên là ông Ðào Duy Anh vừa biên thành Hán-Việt từ-điển, toan cống-hiến với đồng bào, bỉ nhân được tin mừng khuống, gấp tìm tuyền cảo đọc xem, thấy chú-thích tinh tường, phẫu-giải minh bạch, tóm lặt hết từ-ngữ thuộc về Hán-văn, mà Việt-văn cần phải dùng đến, cộng hơn bốn vạn điều…”

thì chắc chắn là, nếu đã có mặt với đời, “nhân sĩ” đã không được tính vào “hơn bốn vạn điều” mà “Việt-văn cần phải dùng đến…”.

Ấy là “hơn bốn vạn”. Hơn năm, hơn sáu thì may ra chăng? Trong những bộ từ điển đời sau, “nhân sĩ” vẫn tiếp tục một số phận long đong như thế, cái sự lận đận kéo dài đến độ không thể gọi là sơ suất được. Năm 1960, Nguyễn Văn Khôn chỉ có thể nói về “nhân sĩ” một cách lúng túng, nông cạn, “nhân sĩ” mà chẳng có gì là… nhân sĩ nên chỉ sáu năm sau lại thẳng tay loại bỏ trong bộ Việt-Anh công phu của mình. [1] Ba năm sau, 1970, “nhân sĩ” cũng bị Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ gạt qua một bên, trong Việt Nam tự điển. [2] Xuôi ngược “nhân” và “nhơn” cùng một nghĩa như nhau, soạn giả nào cũng sâm, sanh, số, sự hay số, sự, sinh, sâm mà quên đi kẻ sĩ.

“Nhân sinh” và “nhân sâm” thì có đó, còn “nhân sĩ” đâu rồi?

Nhưng nhất định “nhân sĩ” không phải là chuyện hoang đường. Không hoang đường như thần Kim Quy có phép màu mà khoanh tay để mặc An Dương Vương mất nước hay hoang đường như Thánh Gióng có ngựa sắt phun lửa mà bỏ mặc xứ sở bị giặc Tàu cưỡi cổ suốt một ngàn năm. Cứ nhớ, ngày 2/11/1963, chỉ một ngày sau cái chết của hai anh em ông Diệm và Nhu, phái Khaki cách mạng, tức Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đã ưu ái dành cho “nhân sĩ” nguyên một chỗ đứng trong bản tuyên cáo năm điều: “Một Hội Ðồng Nhân Sĩ sẽ được thành lập để cố vấn cho chính phủ trong lúc chuyển đổi.”

“Nhân sĩ”, như vậy, là điều có thực. Có thực theo sắc lệnh ký ngày 6/11/1963. Có thực từ buổi lễ ra mắt rình rang ngày 2/1/64 tại Hội trường Diên Hồng với sự góp mặt của đâu 60 nhân vật. Có thực trong màu lụa gấm của mấy bộ khăn đóng áo dài gấm óng ả, nổi bật giữa những sắc áo Khaki võ biền như là hình ảnh của làng, của hương tề kỳ mục ngay giữa một Sài Gòn hoa lệ, giữa một lễ hội cũng tàm tạm tầm cỡ quốc gia. Và, “nhân sĩ” còn có thực trong những lời thưa gởi kiểu “Kính mời quý vị thân hào nhân sĩ vui lòng an toạ…” đã quen miệng, đã thành nề thành nếp trong các lễ lạt rình rang.

Thế thì tại sao họ lại bị các soạn giả từ điển, từ trẻ đến già, toa rập nhau kỳ thị? Ra đời trịnh trọng vậy mà, chỉ ba năm sau thôi, đã bị lơ là, bảy năm sau nữa, lại bị quên lãng, cái sự quên lãng chẳng thể nào giải thích nổi nếu không vin vào lời cụ Phan năm ấy: “tóm lặt hết những từ ngữ” mà “Việt-văn cần phải dùng đến”.

“Nhân sĩ”, vẫn, ít ra, trong con mắt các soạn giả vô tư, chưa phải nào là thứ mà “xã hội cần phải dùng đến”!

Tuy nhiên không phải ai ai cũng phũ phàng thế cả, dù là khá trễ. Trong Hán Việt từ điển của Nguyễn Lân, do Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1989, “nhân sĩ” mới có cơ hội… “cần phải dùng đến”, và “cần dùng”, theo Nguyễn Lân, như là những “trí thức thuộc tầng lớp trên tham gia cách mạng, nhưng không phải là đảng viên của đảng vô sản.”

Chỉ xuất hiện trong những bộ từ điển thiếu vô tư nên “nhân sĩ” chỉ là nhu cầu của những thế lực thiếu vô tư nào đó, trong một bối cảnh rối ren và… thiếu vô tư nào đó. Phái Khaki cách mạng “cần phải dùng” nhân sĩ, và họ khai sinh “Hội đồng nhân sĩ”. Ðảng vô sản “cần phải dùng” nhân sĩ, và họ lôi kéo những “trí thức thuộc tầng lớp trên”. Vấn đề chỉ là, dù trễ, đảng vô sản thì có những bộ từ điển đầy đảng tính trong khi phái Khaki không có lấy một bộ Khaki-tính lận lưng.

Tuy vậy, dẫu sao thì những nhà Khaki võ biền vẫn có thể yên tâm với cái định nghĩa nặng nề đảng tính này. Thì, “trí thức thuộc tầng lớp trên”. Thì, “tham gia cách mạng”. Thì, “không phải là đảng viên vô sản”. Cứ xem, trong những “nhân sĩ” trịnh trọng và rình rang ra mắt trong buổi lễ năm ấy có ai là đảng viên vô sản đâu? Và, cứ hỏi, họ đến đó để làm cái gì ngoài việc cùng làm cách mạng với mấy nhà võ biền? Như thế, nếu “nhân sĩ” đã có thể đem hai thế lực thù hằn xích lại gần nhau, ít ra là trên khía cạnh ngôn ngữ, nhất định, phải có một mẫu số chung nào đó ở cội rễ văn hoá!

Ðã nói đến cội rễ văn hoá thì, tốt nhất, hãy trở lại với… làng. Làng ngày xưa, ít ra là cỡ năm 1931 theo tự vị của Ðào Duy Anh, chưa có “nhân sĩ”, may ra thì… “hiền sĩ”, một mẫu người, theo cụ Ðào, “có đức hạnh, tài năng”. Ðấy có thể là một nhà cử nghiệp lấy việc dạy học hay bốc thuốc độ thế làm lẽ sống, đó có thể là một đại quan lánh chốn hồng trần để vui thú điền viên, v.v. Triều đình trọng tước, hương đảng trọng sĩ, gia tộc trọng tôn thống: giữa cái xã hội nông nghiệp trọng Nho nho nhỏ đó thì, từ ông lý trưởng, nhà bá hộ, phú nông cho đến trung nông, tá điền, gã thiến lợn hay anh mõ, “hiền sĩ” hiện diện như một vĩ nhân làng, một biểu hiện cao cả của trí tuệ và đạo đức của làng, một bộ óc bách khoa am hiểu tất cả và có thể giải quyết tất cả.

Thử tưởng tượng đời sống yên bình trong cái xã hội nho nhỏ đó: cái con người siêu phàm, khả kính kia là mẫu người mà ai cũng ao ước kết giao. Kỵ cưới, hỏi xin: mời cho bằng được vĩ nhân, như một niềm vinh hạnh. Tranh chấp xung đột: mời cho bằng được trọng tài vĩ nhân, chỉ để hé mở túi khôn. Nhà bá hộ thì nôn nao ao ước cái giây phút chung chiếu cọ vai với vĩ nhân để thoát khỏi mặc cảm trọc phú, anh mõ thì ao ước lọt vào con mắt hiền sĩ để thoát khỏi mặc cảm cùng đinh, bị gạt ra lề xã hội.

Tuy nhiên, khi cái xã hội thu nhỏ ấy trở nên rối ren và khi con người bắt đầu bùi ngùi hoài niệm, kiểu:

Ðời nay lắm kẻ trượng tiền

Ít người sở dụng sĩ hiền như xưa…

thì đó chính là lúc kẻ mang danh “sĩ”, vì… trượng tiền, hay “trượng” bất cứ thứ gì đó mang bộ “lợi”, đã dao động nghiêng ngả, hết còn vô tư giữa những tranh giành, xung đột.

Ðó là làng, là nơi mà những tranh chấp rối ren chỉ xoay quanh mấy miếng đỉnh chung nho nhỏ: thửa ruộng hương hỏa hay công điền tý tẹo, chút thổ phần bò xéo, cùng lắm là những thứ danh vọng phù phiếm kiểu “một miếng giữa làng” thế thôi. Xa hơn thế, trong phạm vi của nước, khi miếng đỉnh chung to tát hơn nhiều, cái trò lôi kéo kia mới còn phức tạp hơn nữa; và như thế, khi “nhân sĩ” chào đời thì đấy cũng chính là lúc quốc gia đã bị “làng hoá”.

Trò chính trị nhân sĩ bắt đầu một cách bài bản nhất từ sau tháng Tám năm 1945, trong tình thế rối ren khi thực dân Pháp lăm le trở lại và những đảng phái quốc gia hay cộng sản toát mồ hôi lạnh rình rập nhau. Như một đòn thế chính trị trong nỗ lực cạnh tranh thực lực, Việt Minh gấp rút thành lập Chính phủ Liên hiệp với sự góp mặt của những nho sĩ, những nhà ái quốc nổi tiếng. [3] Mười lăm năm sau, bài bản đó được lặp lại lần nữa khi những trí thức miền Nam lục tục tề tựu tại bưng biền Ðồng Tháp để tô điểm cho cái gọi là Mặt trận…, một thứ hình nộm do đảng vô sản nặn ra. Và, không thua, phái Khaki, tập trung trong cái Hội đồng Quân nhân Cách mạng, cũng loay hoay lập lại cái màn trình diễn tương tự. Loè hơn, nhưng vụng hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà trong cách định nghĩa về “nhân sĩ”, vô-sản-đảng tính lại có thể tương hợp với Khaki-tính: cách mạng. Nước có lâm vào cảnh rối ren người ta mới hô hào cách mạng. Và cách mạng, đến lượt, cũng là cội nguồn của những rối ren không lường trước: nó đẩy xứ sở đi về phía trước hay kéo lại, thụt về phía sau? Cách mạng, như thế, luôn luôn đặt con người trước những lựa chọn bất an.

Nếu cách mạng ngụ ý những thay đổi bất an thì “nhân sĩ” lại ngụ ý một giá trị thuyết phục. Trước những ẩn số mờ mịt của tương lai, “nhân sĩ”, như những biểu hiện cao cả của nhân cách và trí tuệ lại ngụ ý một chọn lựa đúng đắn, hay ít ra, những chọn lựa lương thiện. Ðồng bào nghi ngờ, lưỡng lự ư? Thì, có cụ này, cụ kia tham gia, toàn… “nhân sĩ” cả! Trò lôi kéo “nhân sĩ”, như thế, chỉ là một trò quảng cáo chính trị nhằm rao bán những hứa hẹn không bảo chứng, những hứa hẹn mù mờ, những hứa hẹn phiêu lưu và liều mạng.

Tại sao khi cụ Phan Bội Châu, một nhà ái quốc và cách mạng tầm cỡ của dân tộc, bắt tay hiệu đính bộ từ điển của Ðào Duy Anh, “nhân sĩ” chẳng hề xuất hiện? Thì, cũng như bao thế hệ trước đó, từ Hoàng Hoa Thám đến Phan Ðình Phùng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, như những “sĩ phu Văn Thân”, những nhà cách mạng, những nhà cách mạng duy tân, hết thảy đều có một mục tiêu rõ ràng, minh bạch, và có thể nói, hồn nhiên nữa: đánh đuổi thực dân để giành lại non sông.

Cũng hô hào diệt xâm lăng, cũng dương cao ngọn cờ độc lập nhưng lại lường léo bên trong, với những giáo điều nhập cảng nào đó hay với những mưu đồ cạnh tranh quyền lực nào đó, mới khác. Vì lường léo nên mới loay hoay đổi tên đổi họ, từ “đảng” cho đến “hội nghiên cứu”, hay mơ hồ hơn như cái “hội” gọi là “Ðộc lập Ðồng minh”, v.v. Và, cũng vì lường léo nên mới có cái kiểu dấn thân thật lạ đời: “tham gia” nhưng “không là đảng viên”.

Tham gia mà bị loại ra khỏi hàng ngũ thành viên thì tham gia cái gì? Chỉ là đem tên tuổi và danh vị ra để bảo chứng cho những câu trả lời mà cả họ cũng không thể nào đoan chắc. Cứ nhớ lại nỗi niềm chua chát của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong cương vị người đứng đầu Bộ Nội vụ của cái Chính phủ Liên hiệp năm đó. Cứ nhớ lại hình ảnh những “nhân sĩ” miền Nam lục tục kéo về bưng biền Ðồng Tháp những năm 60 và rồi vỡ mộng ngay sau đó, hay 15 năm sau đó. Và, cứ nhớ hình ảnh loè loẹt của mấy chục nhân sĩ rình rang ra mắt ở Hội trường Diên Hồng năm ấy: họ đã bị phái Khaki rẻ rúng như thế nào, tuỳ tiện tung hứng như thể trái banh qua những đợt chỉnh lý hay đảo chính như thế nào?

“Nhân sĩ”, như thế, chỉ là một sự hiện diện chẳng để làm gì, một sự ra tay chẳng biết để làm gì. Chỉ là chường mặt ra, với một cái danh!

“Nhân sĩ”, bởi lẽ đó, như một từ ngữ, chỉ là một từ ngữ được chấp nhận một cách thiếu minh bạch và thiếu vô tư. Như một thành phần đáng ngưỡng mộ trong quan niệm xã hội, lại là một quan niệm vớ vẩn và, có thể nói, một quan niệm bá láp. Và, xét cho cùng, “nhân sĩ” là gì nếu không là sản phẩm của trò “làng hoá” quốc gia? Là trò lấy kinh nghiệm lấn át lý trí, lấy tuổi tác và đạo đức lấn át chuyên môn, lấy tôn ti trật tự chèn ép sáng kiến và khát vọng cải cách?

Ngày nào chúng ta càng nói nhiều về và càng đề cao nhân sĩ bao nhiêu, ngày đó chúng ta còn chậm tiến, còn lạc hậu bấy nhiêu!

Chú thích:

 

  • https://boxitvn.blogspot.com/2022/10/logic-thuong-tich-gap-tri-tue-nong-dan.html

  • Trong Hán Việt từ điển (1960) Nguyễn Văn Khôn giải thích nhân sĩ như là “người có học giữa đám dân chúng”.

  • Chỉ có “sĩ nhơn”.

  • Trong bài “Bọn Nhân văn Giai phẩm trước tòa án và dư luận” Đoàn Giỏi cho biết: “Phan Khôi vẫn được đãi ngộ ăn lương nhân sĩ, không phải là gì cả, viết sách hay dịch sách thì hưởng tiền nhuận bút”. Dẫn theo Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Hoàng Văn Chí biên tập, trang 89-96.

 

Comments are closed.