Những “xích lão vệ binh”

Nguyễn Hoàng Văn

Một người bạn của tôi nhận xét đó là một đám “Hồng vệ binh” nhưng họ không còn trẻ nữa, không còn bồng bột, không hẳn bị xúi dại như những đám thiếu niên choai choai đóng vai trò xung kích trong cái gọi là “Đại cách mạng văn hóa vô sản” tại Trung Quốc vào thập niên 1960. Họ thật sự đã già, già về tuổi đời nên thiếu hẳn khí thế sôi nổi; già trong tư duy nên thường lẩm cẩm, không có gì mới mẻ và sắc sảo. Họ chỉ nhai đi nhai lại mấy giáo điều rất đỏ nên hoàn toàn xứng danh trên, những “xích lão vệ binh”.

Đó là những cây bút phò chính thống, đều đặn lảm nhảm trên mục “Nghiên cứu – Phê bình – Trao đổi” của tạp chí Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh (VNTPHCM).

http://tuanbaovannghetphcm.vn/category/alls/nghien-cuu-phe-binh-trao-doi-1/nghien-cuu-phe-binh-trao-doi-2/

Nói đến thành phố này, trong bối cảnh Việt Nam, ai cũng nghĩ đến một thành phố sôi nổi, trẻ trung và cởi mở, luôn đi đầu trong nỗ lực cải tổ. Thế nhưng, với mục trên, cái “tuần báo sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình, văn học nghệ thuật” của “Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh” đã xơ cứng như là thành trì của đầu óc bảo thủ và giáo điều.

Phải chăng Sài Gòn đang biến thành Thượng Hải của Trung Quốc của năm 1965, khi nhà phê bình Diêu Văn Nguyên phê phán vở kịch “Hải Thụy bãi quan” của nhà sử học Ngô Hàm, cũng là Phó Đô trưởng Bắc Kinh?

Ngô Hàm viết về nhân vật lịch sử Hải Thụy của đời Minh, người đã dũng cảm phê phán vua Gia Tĩnh và bị bãi quan. Diêu Văn Nguyên kết án Ngô Hàm xỏ xiên việc Mao Trạch Đông thanh trừng Bành Đức Hoài vì dám phê phán thảm họa “Đại nhảy vọt”.

Từ đây, cuộc thanh trừng chính trị của Mao tuần tự diễn ra từ thấp lên trên, hạ Ngô Hàm rồi thì sẽ hướng quả đấm lên trên, lên đàn anh của Ngô là Bành Chân, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh; hạ họ Bành rồi thì sẽ hướng lên mục tiêu cao hơn, cùng vây cánh của của Bành, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình.

Cách mạng văn hóa đã dẫn đến 10 năm hỗn loạn tại Trung Quốc và, trong cảnh hỗn loạn này, nhà phê bình chỉ điểm Diêu Văn Nguyên đã lên như diều gặp gió, trở thành ủy viên Bộ Chính trị và, đặc biệt, là một thành viên trong bốn nhân vật đầu não của “cách mạng”, gọi là “Tứ nhân bang”.

Đọc qua những bài viết mang tính chỉ điểm của mấy “xích lão vệ binh” trên VNTPHCM, – từ thái độ cay cú trước nỗ lực “xét lại lịch sử”, đòi hỏi phải “chính trị hóa lịch sử”, từ sự cay cú trước văn tài của Nguyễn Huy Thiệp đến thái độ tôn sùng mang tính tôn giáo với bản “Đề cương văn hóa” lạc hậu mà Trường Chinh soạn từ năm 1943 – tôi nhớ đến hình tượng ngọn đuốc tắt của Chế Lan Viên.

Bài thơ “Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…”.

Nguyễn Du có nói về cô Kiều e lệ nép vào hoa buổi ấy
Thì cũng để cho ta yêu người con gái đẹp thời nay
Và con bướm ta tả ngày nay dù cánh phấn trăm màu
Thì cũng để cho người sau yêu con bướm của thời họ sống
Câu thơ ư, là cách chuyển lửa qua muôn đời
Ai hơi đâu chuyền đuốc tắt mà chơi?

Chế Lan Viên nói là nói thế nhưng, giả như, nếu có cô Kiều e lệ của ngày xưa, hay nếu có con bướm của thời trước thì đã sao bởi, nếu điểm qua những ngọn đuốc đã tắt rụi mà các nhà “lý luận – phê bình” trên cố chuyền cho thế hệ thời nay, tôi chỉ có thể nghĩ ra những thứ còn tệ hơn cả ngàn bậc.

Đọc những ý tưởng lảm nhảm của họ, tôi cứ nghĩ đến những Thị Nở ở tuổi thất tuần trong mấy nghi lễ nhập đồng, cố chiêu hồn những hoạn quan thời trước về để mồi chài, bằng một mớ Viagara hàng mã.

Thảm.

http://tuanbaovannghetphcm.vn/mot-so-y-kien-ve-tinh-hinh-su-hoc-hien-nay-so-660/

http://tuanbaovannghetphcm.vn/khong-the-phi-chinh-tri-hoa-trong-bien-soan-lich-su-so-660/

http://tuanbaovannghetphcm.vn/nguyen-quang-thieu-voi-van-tai-nguyen-huy-thiep-so-659/

http://tuanbaovannghetphcm.vn/phan-hoi-bai-viet-cua-ong-nguyen-ngoc-dai-chung-hay-tinh-hoa-so-658/

Comments are closed.