Tượng đài Con tàu tập kết Thanh Hóa 255 tỷ và tượng đài Kỷ niệm chuyến tàu ra Bắc Cà Mau 176 tỷ tôn vinh và không tôn vinh ai?

Lý Trực Dũng

Các ông quan lớn người miền Nam từ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đến Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, v.v. đều hết lời ca ngợi tượng đài Con tàu tập kết khi dự lễ khởi công nó ngày 28.8.2022 ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Rất chính trị. Rất nhân văn. Không biết có bà con người miền Nam tập kết nào được tin này rớt nước mắt vì cảm động hay không?

Rồi mới đây nhất ngày 2.1.2024 Cà Mau, một trong 15 tỉnh đang xin Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói, vừa khởi công xây dựng cụm tượng đài kỷ niệm chuyến tàu ra Bắc. Không biết sắp tới còn tỉnh nào sẽ xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu ra Bắc nữa không đây?

 

clip_image002

Chả lẽ không có cách thức nào khác để tuyên truyền, tôn vinh kỷ niệm, ghi công, tri ân hàng triệu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc có hiệu quả, thiết thực hơn là xây dựng tượng đài?

Liệu các tượng đài này có góp phần làm đẹp cảnh quan và nâng cấp đô thị, góp phần phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam, trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc? Hay chúng ta ở thế kỷ 21 này mà vẫn học mót phong trào xây dựng tượng đài phục vụ mục đích tuyên truyền như đã xảy ra ở Liên Xô nửa đầu thế kỷ 20 trong khi bản chất của tượng đài không phải là để tuyên truyền.

Và vì sao các địa phương Việt Nam đang đua nhau xây tượng đài?

Đơn giản xây tượng đài dễ ăn mà lại còn được tiếng. Vốn đầu tư cho các tượng đài ở Việt Nam trong đó có tỉ lệ rất lớn từ ngân sách nhà nước thất thoát khoảng 40-50 %. Số tiền thất thoát này tất nhiên chạy vào túi chủ đầu tư và các quan chủ trương và cổ súy xây tượng đài.

Xin được hỏi: Các ông quan người miền Nam nói trên này, các ông có bao giờ nghĩ đến những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc không may chết trên đất Bắc đã được chôn cất ra sao không? Chắc chắn họ chưa bao giờ nghĩ tới vì những người xấu số đó có phải bố mẹ hay con em họ đâu. Cá nhân tôi và nhiều bạn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc không hề rớt nước mắt vì cảm động bởi hai tượng đài tàu tập kết đưa người miền Nam ra Bắc này, nhưng ứa nước mắt khi chứng kiến những ngôi mộ của cán bộ miền Nam tập kết đang nằm bơ vơ quạnh hiu nơi đất khách quê người như ở Nghĩa trang Yên Kỳ Hà Nội. Đây là mộ của những cán bộ miền Nam tập kết mất sớm từ trước 1961, lúc đầu được chôn cất ở Nghĩa trang Văn Điển sau đó được cải táng đưa lên Nghĩa trang Yên Kỳ chôn ở khu dành cho cán bộ miền Nam. Không có ai chăm sóc các ngôi mộ này, cỏ dại mọc kín mộ của họ, không có cả một nén hương ngày rằm, ngày Tết… Phải chăng Ban quản lý Nghĩa trang Yên Kỳ Hà Nội không có kinh phí dù chỉ vài trăm nghìn đồng để chăm lo những ngôi mộ của cán bộ miền Nam tập kết này?

clip_image004

Giá các vị quan miền Nam nói trên quan tâm và đề nghị trích chỉ khoảng 0,01% tiền đầu tư xây hai tượng đài con tàu tập kết hoành tráng nói trên, liên lạc tìm thân nhân của họ ở miền Nam để quy tập hài cốt về quê hương hoặc để chăm lo cho phần mộ của họ đỡ quanh hiu ở miền Bắc thì đáng quý biết bao.

Comments are closed.