Phan Tấn Hải
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát hôm Thứ Sáu 8/6/2022. Những lời chia buồn và thương tiếc gửi từ khắp thế giới về nước Nhật. Ngay cả Iran, một quốc gia thường bị Mỹ và phương Tây quy lỗi là khủng bố, cũng có thư chia buồn gọi vụ ám sát là "hành động khủng bố" – và Trung Quốc, nơi xích mích công khai vì Abe từng kêu gọi cần có vũ lực bảo vệ Đài Loan, cũng ra bản văn, nói rằng Abe “đã có những đóng góp nhằm cải thiện quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản trong nhiệm kỳ của ông. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn về cái chết của ông và gửi lời thương cảm đến gia đình ông.” Riêng Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh một phương diện của Abe: vị hộ pháp của Phật giáo.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm Thứ Bảy đã tuyên bố Ấn Độ giữ quốc tang một ngày để đánh dấu sự tôn trọng sâu sắc nhất đối với Thủ tướng Abe. Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, cho biết ông “vô cùng đau buồn” khi biết tin người bạn Abe qua đời và đánh giá cao sự ủng hộ của ông Abe đối với những nỗ lực bảo tồn bản sắc và di sản văn hóa Phật giáo.
Đây là điểm cần nêu lên: dưới mắt nhìn Phật giáo, Abe Shinzo (cũng có thể viết theo thứ tự tiếng Anh là: Shinzo Abe) là người hộ trì Chánh pháp Như Lai. Thông tấn ANI ghi lời Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin bạn của tôi, ngài Abe Shinzo (cựu Thủ tướng Nhật Bản) đã qua đời sau vụ ám sát bằng súng sáng nay. Tôi cầu nguyện cho ngài Abe và gửi lời chia buồn đến nước Nhật và các thành viên trong gia đình ngài Abe. Tôi đánh giá rất cao tình bạn và sự ủng hộ của ngài đối với những nỗ lực bảo tồn bản sắc và di sản văn hóa Phật giáo phong phú của chúng ta. Abe thực sự đã sống một cuộc đời có ý nghĩa khi phục vụ tha nhân.”
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo và vợ là bà Akie Abe cùng theo Phật giáo và Thần Đạo. Nói như thế không có nghĩa là họ không cởi mở với các tôn giáo khác. Bà Akie trưởng thành gần hai thập niên trong nền giáo dục của Thiên Chúa giáo La Mã. Bản thân bà Akie cũng nổi tiếng trong giới nghệ sĩ khi còn độc thân. Matsuzaki Akie (Tùng Kỳ Chiêu Huệ – 松 崎 昭 恵), thân phụ là cựu chủ tịch của Morinaga & Co., một trong những công ty bánh kẹo lớn nhất Nhật Bản. Bà học tại Trường Sacred Heart (Thánh Tâm) ở Tokyo, một trường tư thục Công giáo La Mã từ tiểu học đến trung học, sau đó tốt nghiệp Cao đẳng Đào tạo Chuyên nghiệp Sacred Heart (Sacred Heart Professional Training College). Bà sau đó làm việc cho Dentsu Inc., công ty quảng cáo lớn nhất thế giới, trước khi kết hôn với Shinzo Abe vào năm 1987. Hai ông bà không có con, đã trải qua những cuộc điều trị hiếm muộn không thành công. Vào cuối những năm 1990s, bà làm DJ (phụ trách chọn nhạc) trên sóng radio ở quê hương của chồng là Shimonoseki. Bà nổi tiếng trong lĩnh vực phát thanh, và được biết với tên trong giới nghệ sĩ là "Akky." Bà thường được biết đến với biệt danh "đảng đối lập trong nhà [Abe]" do có quan điểm thẳng thắn, thường xuyên mâu thuẫn với chồng. Bà Akie cũng được biết đến như một người ủng hộ cộng đồng giới tính thứ ba. Vào ngày 27/4/2014, bà xuống đường biểu tình ủng hộ đồng tính "gay pride parade" ở Tokyo để ủng hộ cộng đồng LGBT của Nhật Bản.
Ông Abe Shinzo (An Bội Tấn Tam – 安 倍 晋 三) sinh ngày 21/9/1954, là người giữ chức Thủ tướng Nhật Bản lâu nhất (từ năm 2006 đến 2007, và từ 2012 đến 2020) trong lịch sử Nhật Bản. Ông ngoại của Abe là Nobusuke Kishi, trên thực tế là "vua kinh tế" của vùng Trung Quốc và Mãn Châu Quốc, nơi quân Nhật chiếm đóng sau khi Nhật xâm lăng khu vực này để rồi dẫn tới Thế chiến 2. Trong chiến tranh, ông Kishi là Thứ trưởng Bộ Quân Khí chuyên về Bom Đạn trong nội các của Thủ tướng Hideki Tōjō. Vào cuối cuộc chiến, Kishi bị quân đội Mỹ giam giữ trong nhà tù Sugamo với tư cách là tội phạm chiến tranh "Loại A" nhưng rồi được thả để giúp kinh tế Nhật hồi phục hậu chiến. Ông nội của Abe Shinzo là Kan Abe, là một chủ đất Yamaguchi, người đã phục vụ trong Hạ viện trong Thế chiến 2. Trong khi ông ngoại của Shinzo là người chủ chiến, ông nội Kan Abe là một người theo chủ nghĩa hòa bình, chống lại lập trường chủ chiến của chính phủ Tōjō và chống cuộc chiến ở Đông Á. Thân phụ Shinzo là Shintaro Abe, từng phục vụ tại Hạ viện Nhật Bản từ năm 1958 đến năm 1991, với các chức vụ Chánh văn phòng Nội các, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế, và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong Thế chiến 2, Shintaro tình nguyện trở thành phi công kamikaze nhưng chiến tranh kết thúc trước khi ông tốt nghiệp khóa huấn luyện lái phi cơ cảm tử. Trong khi vợ học trường tư Công giáo ở mọi cấp, ông Abe Shinzo học trường công lập cho tới khi có bằng Cử nhân, rồi mới du học Hoa Kỳ.
Những người thân của Abe Shinzo vào tối Thứ Hai đã canh thức theo truyền thống riêng tư cho tang quyến vào đêm trước khi tang lễ. Nghi thức đó gọi là “Tsuya” – một buổi lễ tiễn đưa người từ trần, chủ yếu dành cho gia đình Abe, cho các bạn thân và người cộng sự của Abe, được tổ chức tại Chùa Zojo-ji ở Tokyo. Ngôi chùa Zojo-ji có tên đầy đủ là Tam Duyên Sơn Tăng Thượng Tự (三縁山増上寺), gọi tắt là Tăng Thượng Tự, là ngôi chùa Phật giáo Tịnh Độ lớn nhất của tông này tại vùng Kanto. Một tang lễ riêng tư sẽ tổ chức vào Thứ Ba 12/7/2022. Sau đó là các nghi lễ tưởng niệm lớn sẽ tổ chức ở thủ đô và rồi ở quê hương của Abe Shinzo ở tỉnh Yamaguchi. Kế hoạch tổ chức lễ tang cấp nhà nước vẫn chưa được chính phủ Nhật công bố, cho tới sáng Thứ Ba.
Người ta đã viết rất nhiều về vụ ám sát ông Abe, nhưng rất ít người đưa ra bất kỳ cái nhìn sâu sắc nào về động cơ của kẻ ám sát. Thông tấn Bloomberg News viết: “Tetsuya Yamagami, nghi phạm trong vụ ám sát Abe, nói với cảnh sát rằng ban đầu anh ta lên kế hoạch tấn công lãnh tụ của một nhóm tôn giáo mà anh ta tin rằng đã khiến mẹ anh ta phá sản sau khi bà cúng một số tiền lớn cho nhóm tôn giáo kia.”
Nghi phạm Yamagami nói rằng y ám sát Abe Shinzo vì ông Abe giúp tôn giáo tân lập Unification Church (UC) vào Nhật Bản và quảng bá tôn giáo này. Thực ra, suy nghĩ đó là sai lầm. Bởi vì người đưa tôn giáo lạ đó vào Nhật là ông ngoại của Abe, cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi. Tôn giáo UC còn gọi là Moonies (Đạo Moon), chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 5/1954 với tên gọi Holy Spirit Association for the Unification of World Christianity (HSA-UWC) tại Seoul, Nam Hàn, bởi giáo chủ Sun Myung Moon (1920–2012). Giáo phái này bị gọi là tà giáo vì nhiều hoạt động dị thường, như các đám cưới tập thể. Giáo phái UC gây tranh cãi cũng vì dính líu đến chính trị, chống cộng cực đoan và ủng hộ thống nhất Đại Hàn. Đó cũng là lý do nhiều người nghi ngờ có bàn tay tình báo quốc tế hỗ trợ giáo phái này trong thời Chiến Tranh Lạnh để gieo đức tin trong các nước vô thần.
Giáo chủ Moon và vợ của ông là Tiến sĩ Hak Ja Han được các tín đồ xưng tụng là "Người cha thật" (True Father) và "Người mẹ thật" (True Mother), và được gọi chung là "Cha mẹ thật" (True Parents). Tất cả những khái niệm đó hoàn toàn dị ứng đối với ông Abe. Thêm nữa, Abe là người chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nhật Bản, một lập trường không thích hợp với đạo UC. Đúng ra, đạo Moon bị tất cả các tôn giáo truyền thống dị ứng, kể cả Thiên Chúa giáo, Tin Lành… phần lớn cũng vì ông đạo Moon tự xưng là Đắng cứu thế tới để hoàn tất công việc của Chúa Jesus.
Lập trường dân tộc cực đoan của Abe thể hiện qua nhiều thái độ. Ông Abe bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông ngoại là Nobusuke Kishi, người đã bị bỏ tù sau Thế chiến 2 với tội danh là tội phạm chiến tranh loại A. Abe là cố vấn đặc biệt của nhóm Nippon Kaigi (Hội nghị Nhật Bản), tổ chức này tuyên bố rằng Đế quốc Nhật Bản cần được ca ngợi vì đã giải phóng châu Á khỏi các cường quốc thực dân phương Tây, rằng các tòa án xét xử tội phạm chiến tranh ở Tokyo là bất hợp pháp và rằng các tội ác chiến tranh như sự biến Hiếp dâm Nam Kinh (the Rape of Nanking) năm 1937 là phóng đại hoặc bịa đặt. (Cũng nên nhớ rằng vào năm 2014, có tới 15 trong số 18 thành viên nội các trong chính quyền Abe là thành viên Nippon Kaigi.)
Do vậy, ông Abe bị các chính phủ và người dân Trung Quốc, Nam Hàn và Bắc Hàn không ưa. Năm 2007, trong thời gian ngắn giữ chức Thủ tướng, Abe đã một cách cá nhân bác bỏ bản Tuyên bố Kono năm 1993 (the 1993 Kono Statement) trong đó xin lỗi các phụ nữ bị quân đội Nhật Bản lạm dụng tình dục có hệ thống trong Thế chiến 2 (Abe nói bản tuyên bố không đúng sự thật lịch sử vì thiếu bằng chứng).
Năm 2010, khi Thủ tướng Nhật Bản Kan Naoto đọc bài diễn văn một trăm năm nội dung chính phủ Nhật Bản nhận trách nhiệm về việc Nhật Bản sáp nhập Đại Hàn vào Đế quốc Nhật Bản, ông Abe đã hét lên "Đồ ngu!" nhắm vào Kan trên truyền hình trực tiếp. Các lập trường này cho suy đoán rằng Giáo chủ Moon không thể lôi cuốn được Abe vì Moon là người Đại Hàn.
Thêm nữa, gia tộc ông Abe là ba đời (cả bên ông nội, và bên ông ngoại) giữ nhiều chức lớn trong chính phủ, nên ông Abe nhìn thấy nhiều bí mật chính trị trong việc lợi dụng tôn giáo để làm vũ khí đức tin trong thời Chiến Tranh Lạnh. (Nơi đây, người viết chỉ nêu các dữ kiện lịch sử, không suy đoán. Tình hình bây giờ có thể đã khác, vì thời đó qua rồi.) Nhưng hiển nhiên rằng, làm Thủ tướng lâu năm như Abe thế nào cũng đọc nhiều hồ sơ mật về ông đạo Moon.
Nhật báo Scoop trong bài viết nhan đề “Reverend Moon: Cult leader, CIA asset and Bush family friend” (Ông đạo Moon: lãnh tụ tà giáo, công cụ CIA và bạn của gia đình Bush) của phóng viên Bob Fitrakis đăng ngày 5 tháng 9/2012, nêu lên vài bí mật. Bài viết đó cũng có thể tìm trên nhiều mạng qua Google.
Cái chết của Mục sư Sun Myung Moon dự kiến sẽ kết thúc một trong những chương kỳ lạ nhất trong lịch sử tổ hợp công nghiệp an ninh Hoa Kỳ. Người tự xưng là "Đấng cứu thế", người sở hữu hàng chục doanh nghiệp bao gồm Kahr Arms (công ty sản xuất súng do Moon sáng lập đầu thập niên 1990 tại Pennsylvania.), và người từng tuyên bố xấc xược với cả Chúa Jesus, cuối cùng lộ ra là một bình phong ở Hoa Kỳ cho các bàn tay trong CIA như George Herbert Walker Bush.
Moon thành lập tờ báo Washington Times vào năm 1982 (để làm đối thủ của báo Washington Post). Thế rồi báo Washington Post đã cố gắng tránh mọi đề cập đến "mặt tối của Mặt trăng" (ám chỉ, khi ông đạo Moon mới chết, chưa tiện nói bí mật tiêu cực) sau khi Moon qua đời vào Thứ Hai, ngày 3 tháng 9/2012 ở tuổi 92. Khi George W. Bush khựng lại ở New Hampshire vào đầu năm 2000, chính mạng lưới cánh hữu sùng bái ông đạo Moon đã đến giải cứu cho Bush ở South Carolina. Lực lượng tín đồ cuồng nhiệt của Moon đã giúp biến một thất bại ở bầu cử sơ bộ thành một chiến thắng hai hàng số bằng cách đưa tín đồ đi khắp tiểu bang này vận động cho Bush bằng các ngân hàng điện thoại, quảng cáo radio và thư của riêng họ. Tức là, ông đạo Moon đền ơn cựu trùm CIA George Herbert Walker Bush bằng cách vận động kiếm phiếu cho ông Bush con. Thế đấy, liên minh chính trị kỳ lạ, gần như không thể tin được giữa gia đình Bush và Giáo chủ Moon là một trong những bí mật nhỏ về sự dính líu của CIA trong chính trị nội địa Hoa Kỳ.
Báo Scoop cũng ghi rằng vào năm 1997, Dân biểu Donald Fraser đã mở một cuộc điều tra về sự sùng bái ông đạo Moon. Báo cáo dài 444 trang của Quốc hội Mỹ cáo buộc tổ chức của ông đạo Moon tham gia hối lộ, gian lận ngân hàng, chia huê hồng bất hợp pháp và bán vũ khí. Báo cáo tiết lộ rằng Giáo hội Thống nhất với 20.000 thành viên tích cực của Moon là một sáng tạo của Cơ quan Tình báo Trung ương Nam Hàn (KCIA). Moonies đã làm việc với Giám đốc KCIA Kim Chong Phil như một công cụ chính trị để tác động đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. CIA của Hoa Kỳ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thành lập KCIA sau Thế chiến 2. Ông đạo Moon đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với các cơ quan tình báo Hoa Kỳ hoặc chính phủ Nam Hàn.
Chúng ta nơi đây chỉ nói một phần bản tin của báo Scoop, mặc dù còn nhiều bí mật gay cấn. Dẫn ra để nói rằng, ông Abe Shinzo không hỗ trợ gì cho giáo phái UC của ông đạo Nam Hàn kia. Và tay súng Tetsuya Yamagami đã ngộ nhận.
Báo Buddhist Door hôm 10/7/2022 có bài viết nhan đề "Shinzo Abe (1954–2022) – Japanese Buddhist diplomacy is now an open question" đưa ra một hình ảnh Abe Shinzo có một sáng tạo hiếm có: chính Abe là một người đề cao và thúc đẩy chính sách ngoại giao của Phật giáo Nhật Bản. Đó là lý do ông Abe trở thành một bạn thân với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai ông nổi tiếng cùng là người dân tộc chủ nghĩa theo kiểu riêng của họ.
Có một điểm Wikipedia ghi rằng Modi là Ấn Độ giáo, nhưng có lập trường cởi mở về tôn giáo: trong thời kỳ 1975-77, khi Thủ tướng Indira Gandhi ban bố tình trạng khẩn cấp ở Ấn Độ để bắt giam nhiều đối lập chính trị và cấm nhiều tổ chức chính trị hoạt động, Modi từng cải trang có lúc mặc trang phục và hóa trang làm một nhà sư, có lúc làm người đạo Sikh (vấn khăn trên đầu, để râu và mang kiếm). Modi có lúc chơi thân với người Hồi giáo, nên Bộ Ngoại giao Mỹ có lúc cấm Modi vào Mỹ, theo luật International Religious Freedom Act. Bởi vậy, Abe Shinzo mới thuyết phục Modi thực hiện chính sách ngoại giao Phật giáo.
Báo Buddhist Door ghi rằng: "Abe cũng là một người ủng hộ chính sách ngoại giao của Phật giáo Nhật Bản. Ông đã đưa tầm nhìn của mình vào chính sách ngoại giao Phật giáo của Narendra Modi, người được biết đến là một người bạn cá nhân (họ cũng là những người có lòng tốt với tư cách là những người theo chủ nghĩa dân tộc của các quốc gia tương ứng) vào đầu năm 2015. Mối quan hệ lâu dài giữa Modi và Abe không phải là một kết luận bị bỏ qua. Modi đã đến thăm Tây An, thủ đô cũ của Con đường Tơ lụa mà Trung Quốc đã hình dung, vào tháng 5 năm đó. Tập Cận Bình đã xác định tương lai của vùng đất Á-Âu thông qua lăng kính Trung tâm, với Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative – BRI) đang được thực hiện. Ấn Độ và Nhật Bản là những mảnh ghép phức tạp trong trò chơi ghép hình này."
Tới đây cần suy nghĩ, rằng vào lúc đó, Modi đã nhìn thấy một khía cạnh khác: Ấn Độ cần chiêu dụ du khách Trung Quốc tới hành hương. Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc thực tế không tương ưng với thể chế Ấn Độ, và các tranh chấp biên giới Ấn-Trung Quốc trên vùng Hy Mã Lạp Sơn vẫn là tiềm ẩn bất trắc. Đó là lý do có một Mật nghị Ấn giáo-Phật giáo Toàn cầu (Global Hindu Buddhist Conclave) lần thứ nhất vào tháng 9/2015 tại Bodh Gaya, tham dự có nhà sư Ming Kuang Shi từ Đài Loan, nhưng không có nhà sư nào từ Hoa Lục. Chặng thứ nhì của Mật nghị Ấn giáo-Phật giáo Toàn cầu là tại Tokyo, với bài diễn văn chính là do Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đọc. Nghĩa là, tầm nhìn ngoại giao Phật giáo của Abe đã lôi cuốn được Thủ tướng Ấn Độ.
Bài báo Buddhist Door ghi nhận:
“…tại cuộc họp mật mà Modi tham dự và Abe tham gia bằng cuộc gọi điện video, nhấn mạnh vào hai điểm chung song phương mà Nhật Bản vẫn có chung với Ấn Độ. Thứ nhất, đã có di sản dân chủ chung của hai nước. Modi đã chia sẻ với Abe về tầm nhìn Ấn-Nhật về chòm sao “các nền dân chủ Phật giáo” (“Buddhist democracies”), dẫn đầu là nền dân chủ đông dân nhất châu Á và nền dân chủ có ảnh hưởng kinh tế nhất của nó. Theo quan điểm của Abe, sự gần gũi của Ấn Độ sẽ giúp ông hiện thực hóa tầm nhìn của mình về Kim cương chiến lược của châu Á (Asia’s Strategic Diamond), bao gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ và Úc. Điều này sau này sẽ được thể hiện thành Bộ Tứ (the Quad) sau những năm của chính quyền Trump và Biden.
Điểm chung thứ hai là sự tái cấu trúc rõ ràng của Con đường Tơ lụa, trong sự khác biệt với BRI của Trung Quốc. Tầm nhìn này đã kết nối Bodh Gaya – khu vực mà Modi và đảng BJP [của Modi] cùng coi là nơi khởi nguồn và quê hương thực sự của Phật giáo – với cố đô Nara của Nhật Bản, Kyoto, bỏ qua trung tâm Con đường Tơ lụa của Trung Quốc là Tây An. Thêm một điều ám chỉ nữa, ám chỉ trong sự gia nhập Ấn-Nhật này là Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, là quốc gia bảo hộ lý tưởng cho Phật giáo sau khi Phật giáo rơi vào cảnh suy tàn ở Ấn Độ. Tranh chấp về Phật giáo “hậu Ấn Độ” là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Á, và New Delhi và Tokyo sẽ ủng hộ lẫn nhau để đối lập với Bắc Kinh và Kathmandu.
Ngay cả trước khi Abe qua đời, không có gì đảm bảo rằng người kế nhiệm của ông, Fumio Kishida, có cùng mức độ quan tâm đến mối liên hệ Phật giáo Ấn-Nhật như người tiền nhiệm của ông. Kishida không phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc có cùng xuất thân với Abe, người xuất thân từ một triều đại chính trị quân phiệt. Hơn nữa, ngoại giao Phật giáo rất tốn kém (tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, quy tụ các nhà lãnh đạo Phật giáo, vận động hành lang để tiếp cận các cơ sở văn hóa và chính trị có ảnh hưởng và quyền lực), với kết quả không thể định lượng được ngay lập tức. Mặc dù giờ đây thế giới sẽ thực sự tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với nền chính trị Nhật Bản sau vụ ám sát này, nhưng gần như chắc chắn rằng những người ủng hộ chính sách ngoại giao Phật giáo Nhật Bản – đặc biệt là những người theo chủ nghĩa dân tộc hơn – sẽ cần phải quyết định xem có nên tiếp tục con đường mà Abe đã đặt ra hay không, hay cân nhắc. một chiến lược khác.” (ngưng trích dịch)
Một điều cũng nên suy nghĩ: Abe cũng là một người ngồi Thiền. Nếu bạn nhìn thấy cách Abe ngồi thiền qua tấm hình do chính Abe đăng lên Facebook, chúng ta thấy rằng trong trang phục cư sĩ áo đen và cách để hai bàn tay, Abe đã ngồi đúng tư thế Thiền trong các chùa Tào Động Nhật Bản.
Bản tin AFP ngày 24/2/2017 cho biết Abe cũng khuyến khích mọi người ngồi Thiền: Thủ tướng Nhật Bản sẽ dành buổi chiều Thứ Sáu (24/2/2017) để thiền định trong khi nhân viên tại một số công ty lớn nhất của Nhật Bản cũng nghỉ việc sớm – để kịp mua sắm hoặc có thể đi tàu hỏa.
Bản tin ghi rằng Abe đề ra sáng kiến ngày Thứ Sáu Thượng Hạng (Premium Friday), một nỗ lực mới nhất của Nhật Bản để giải quyết hai nan đề lâu năm – chi tiêu tiêu dùng chậm chạp và thời gian làm việc kéo dài nổi tiếng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng sức khỏe quốc gia được gọi là karoshi, hoặc tử vong do làm việc quá sức. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ dành trọn buổi chiều tại một ngôi chùa Thiền Tông, sau đó là một buổi tối phải đi nghe hòa nhạc. Bởi vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma mới ca ngợi Abe Shinzo là người đã ra sức bảo tồn bản sắc và di sản văn hóa Phật giáo. Hy hữu là như thế.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm Tokyo tháng 11/2012, trao khăn trắng ban phước cho Thủ tướng Abe Shinzo.
Thủ tướng Abe Shinzo và Đệ nhất phu nhân Akie thăm Phi Luật Tân năm 2017, thích thú khi được tặng một chuông Phật giáo.
Thủ tướng Abe Shinzo thăm Đền Yasukuni năm 2013, làm hai chính phủ Trung Quốc và Nam Hàn nổi giận.
Thủ tướng Abe Shinzo ngồi Thiền.