Bộ Tranh Tứ Bình: “Hoa Nở Thời Covid”

Trần Đình Sơn Cước

clip_image002

Cắm cờ tưởng niệm 200.000 người chết vì Covid-19 tại Washington D.C. Ảnh Internet

Tính đến ngày 22 tháng 9 năm 2020, con số người chết vì đại dịch Covid-19 tại nước Mỹ đã chạm và vượt con số 200.000 người (hai trăm ngàn người)! Cả thế giới đến thời điểm này, đã gần tròn 975.000 người tử vong! Đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi. Trái lại, đang tái phát ở nhiều nơi.

Trời đất đang vào thu, lá trên cành đang đổi màu. Hy vọng sức nóng của mùa hè có thể tiêu diệt bớt siêu vi khuẩn Covid-19 đã tiêu tan. Người nhiễm bệnh và người chết vẫn còn được thống kê trồi trụt mỗi ngày. Dự báo của các chuyên gia ngành y tế rất bi quan trong những ngày tháng tới, khi bệnh cảm cúm (flu) hằng năm và đại dịch cùng chồng chéo nhau trong mùa đông…

Hai trăm sinh mạng người Mỹ đã tử vong trong vòng 6 tháng (nếu tính từ ca tử vong đầu tiên được công bố vào ngày 29 tháng 2 năm 2020). Như vậy, mỗi ngày siêu vi khuẩn đã lấy mất mạng sống của hơn 858 người Mỹ, không chỉ người già, người bệnh mà cả người trẻ tuổi. Con số tử vong vì đại dịch đã cao hơn tổng cộng những người Mỹ đã chết qua 5 cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tham chiến: chiến tranh Đại Hàn, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanistan và cuộc chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư…

Nước Mỹ u ám, trầm mặc…

Người Mỹ ngậm ngùi để tang…

Dù chính trường Mỹ đang bị xáo trộn và chia rẽ trong mùa bầu cử Tổng thống, người Mỹ đã có nhiều hình thức tưởng niệm đầy ý nghĩa và sáng tạo dành cho những người đã tử vong vì đại dịch. Vào ngày 27 tháng 5 năm 2020, khi số tử vong đạt đến con số tròn 100.000 người, hai tờ báo lớn là The New York Times và USA Today đã dành nhiều trang, kể cả trang nhất để đăng tên các nạn nhân chết vì bệnh dịch như lời cảnh tỉnh trách nhiệm và lương tâm cho toàn xã hội.

Nay thì con số tròn lạnh lẽo ấy đã tăng gấp đôi. Các nhà thờ ở Mỹ cùng đánh lên 200 lần hồi chuông chiêu hồn cho 200.000 người Mỹ đã vĩnh biệt cuộc đời. Hãng truyền hình CNN cho quay chầm chậm tên và tuổi của người chết trong các chương trình truyền hình của họ. Ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, một nhóm tình nguyện đã cắm 20.000 lá cờ trên khuôn viên phía Đông Bắc đài tưởng niệm Tổng thống Washington đối diện với Nhà Trắng. Mỗi lá cờ tượng trưng cho 10 sinh mạng người Mỹ đã bị tử vong không phải vì chiến tranh bom đạn, không phải vì đói lạnh, mà vì một chủng loại siêu vi khuẩn không thấy được bằng mắt, không chạm được bằng tay…

Văn chương nghệ thuật không thoát khỏi vòng vây đại dịch.

Văn chương nghệ thuật đang và sẽ có những tác phẩm ghi dấu trận đại dịch Covid-19 này.

Thơ, văn, nhạc, tranh, tượng đang và sẽ góp phần tưởng nhớ và khắc ghi những tháng ngày bức bối và tang thương này. Chúng ta có quyền hy vọng thế giới sẽ có những tác phẩm lớn như “Dịch hạch” (La peste) của văn hào Albert Camus. Văn chương Việt Nam chúng ta sẽ có những tác phẩm xứng đáng như “Văn tế thập loại chúng sinh” của thi hào Nguyễn Du…

Riêng trong hoạt động văn chương Việt Nam tại hải ngoại, với nỗ lực rất sớm của hai nhà văn Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn, ngay vào cuối tháng 5-2020, tạp chí THƯ QUÁN BẢN THẢO của họ đã gom góp thơ văn, sưu tầm bài viết để giới thiệu một chuyên đề “Thơ văn mùa đại dịch”. Vì đại dịch không chừa một ai, nên không có nhà văn nhà thơ nhạc sĩ nghệ sĩ nào miễn nhiễm. Hầu hết họ đều đụng tới bằng thơ, văn, nhạc, họa về con siêu vi khuẩn vô hình này! Tác phẩm của họ xuất hiện mỗi ngày trên các trang báo mạng, mạng xã hội… Đó là thân phận, lương tâm và trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ…

Hôm nay, bằng một hình thức khác để tưởng niệm hơn hai trăm ngàn sinh linh người Mỹ, gần 975 ngàn người chết vì đại dịch trên thế giới, tôi muốn mượn 4 bài thơ lục ngôn tứ tuyệt của thi sĩ Trần Mộng Tú khắc vào bộ tứ bình tưởng tượng của tôi để lưu dấu thời đại dịch. Bộ tứ bình tưởng tượng vì tôi không phải là họa sĩ. Nếu tôi là họa sĩ, tôi sẽ bắt chước người xưa mà vẽ lên bộ tứ bình không phải Xuân Hạ Thu Đông, không phải Mai Lan Cúc Trúc…, mà bộ tứ bình “HOA NỞ MÙA COVID”, đề thơ của thi sĩ Trần Mộng Tú để có bộ tranh thủy mặc kết hợp thơ và họa nhắc nhở cho hậu thế một đại dịch chưa từng có trong lịch sử nhân loại mà thời đại của chúng ta đang đối mặt.

1. Bức số 1: SỢ: vẽ Hoa Kim Hương – Tulip và thơ:

“Con hái trong vườn nhà con

Một chùm kim hương màu đỏ

Mở cửa nhà mẹ lén vào

Đặt hoa, chạy ra theo gió”

Chỉ vỏn vẹn 24 chữ, trong đó thi sĩ dùng động tác “LÉN VÀO”, rồi LÉN đặt hoa ở một nơi nào đó trước thềm nhà, rồi vụt “CHẠY RA THEO GIÓ”, chạy bay như gió, đã diễn tả hết nỗi sợ hãi của loài người trước một loài siêu vi khuẩn không định hình, không giới hạn thời gian không gian. Nếu phải giải thích cho rõ thêm nỗi sợ này, có thể mượn thơ trần thuật của nhà thơ Trần Doãn Nho trong bài thơ NHỐT của ông: “…tôi sợ. Sợ kẻ đi ngang. Sợ người đi dọc. Sợ kẻ thân quen. Sợ người lạ mặt. Sợ phố sợ phường. Sợ quán sợ chợ. Sợ hỏi sợ chào. Sợ hôn sợ vuốt…”(1)

2. Bức số 2: CÁCH LY: vẽ Hoa Trà – Camelia và thơ:

“Đi ngang vườn nhà con gái

Hái được một nhánh hoa trà

Mẹ, con nhìn nhau qua cửa

Hoa gần mà con thật xa.”

Cả thế giới bắt đầu từ thành phố Vũ Hán, nơi phát hiện con siêu vi khuẩn đầu tiên, đến nước Ý, Tây Ban Nha, … đến Mỹ, đến các nước Nam Mỹ, mọi người đã làm quen với các động từ “Lock down”, “Stay at home”, “Shelter in place”, “Social distancing”… Nói chung là người phải cách ly người, thành phố này phải cách ly với thành phố khác, nước này phải cách cách ly với nước khác… Một thời bực bội, sầu thảm và đáng nhớ này đã được thi sĩ Trần Mộng Tú phác họa bằng hình ảnh mẹ con thân thiết gần gụi ngày nào mà nay chỉ phải ngậm ngùi “NHÌN NHAU QUA CỬA” để trớ trêu và bi thảm thay “HOA” thì “GẦN” còn “CON” thì “thật XA”. Nếu còn phải cần hiểu rõ thêm sự cách ly bi thảm này, có thể mượn thêm “NHỮNG ĐOẠN THƠ RỜI VIẾT TRONG MÙA CÁCH LY” của nhà thơ Trần Hoài Thư. Trong đời thực, chị Yến, vợ nhà thơ Trần Hoài Thư, đã ở Nursing Home từ mấy năm nay. Anh thì thui thủi một mình ở nhà với say mê văn chương in ấn, nhưng mỗi ngày anh đều vào Nhà Dưỡng Lão để thăm chị, chăm sóc chị. Đại dịch ập tới, anh không còn được vào thăm vì sợ lây nhiễm nên: “Hết rồi, hai buổi ra vào. Hết rồi há miệng hết rồi ngậm răng. Hết rồi, phủ ngực chiếc khăn. Hứng cơm vãi, hứng khổ hình mang chung… Thôi chừ, hai đứa hai đàng. Mang theo cái án vô hình: “CÁCH LY”…(2)

3. Bức thứ 3: CHIA LÌA: vẽ Hoa Đào – Cherry Blossom, và thơ:

“Chiếc xe mui trần màu đỏ

Người ngồi bên cạnh nay đâu

Tháng tư hoa đào vẫn nở

Trên vai rụng cánh hoa sầu”.

Đại dịch mang lại không chỉ nỗi sợ hãi, bắt buộc cách ly, mà bi thảm cuối cùng là phải đối diện với ly biệt: cái CHẾT của người thân yêu. Những người con mất cha, mất mẹ; những người cháu mất ông, mất bà. Đau đớn là vợ mất chồng hoặc chồng mất vợ. Trong bài thơ Hoa Đào dành cho Tiến-Chi, chính bản thân thi sĩ Trần Mộng Tú đã trải qua nỗi đau mất người em gái của chị trong những tháng đầu của đại dịch ở Mỹ. Thi sĩ đã chia sẻ nỗi đau to lớn này với bạn đọc trong ngoài nước qua những bài viết ngắn đầy xúc động của chị. Ở đây, hình ảnh chiếc xe mui trần màu đỏ của hai người thường cùng nhau đi đây đi đó bao năm tình nghĩa chồng vợ, sao hôm nay chỉ còn một người lái, liếc nhìn chiếc ghế bên cạnh, không còn dáng ai ngồi! Người đã đi rồi. Người hóa người thiên cổ. Tháng tư hoa đào vẫn nở trên con đường họ thường lái xe qua. Nhưng hôm nay, một người lái xe qua đây, hoa đào tháng tư vẫn nở, bỗng vô tình một “cánh hoa sầu” rụng trên vai áo gợi biết bao nhớ nhung, đau thương mất mát cho người ở lại dương gian…

4. Bức tranh số 4: VĨNH BIỆT, vẽ Hoa Thủy Tiên Đất – Daffodil, và thơ:

“Hoa thủy tiên vàng bụi nhỏ

Rưng rưng nở trong nghĩa trang

Người phu cô đơn dựng cuốc

Hai người thôi, một đám tang.”

Chắc không có thời đại nào mà người chết cô đơn đến như những tháng ngày nhân loại đã và đang trải qua. Người chết chỉ có một mình trong bệnh viện, không thân nhân bên cạnh. Vì lệnh cấm, vì lây nhiễm. Người chết có lúc nhiều quá, không đủ chỗ để nằm ở nhà vĩnh biệt, họ được đưa lên các xe tải chở hàng đông lạnh để đưa ra nghĩa trang. Những cái chết không có đám tang, không có thăm viếng và nghi lễ tôn giáo ở các nhà quàn. Đám tang chỉ có hai người: Người phu lấp huyệt mộ và người chết! Cái hình ảnh cô đơn rùng rợn của người phu lấp lát đất cuối cùng cho người xấu số, dừng cuốc lau chút mồ hôi toát ra giữa trời xuân lạnh lẽo. Hoa thủy tiên vàng, daffodil, thường nở vàng tươi thắm trong trời nắng ấm mùa xuân, không còn rực rỡ như mọi năm mà nay hoa cũng “rưng rưng” như khóc thương cho bao linh hồn cô lạnh…

Nhìn lại bốn tấm tranh trong bộ tứ bình ở trên, theo tôi, bộ tranh thi họa tứ bình mượn thơ của thi sĩ Trần Mộng Tú đã tạm gọi toàn bích. Thật ra, bộ tứ bình tưởng tượng không cần họa sĩ vẽ vì, chính thi sĩ Trần Mộng Tú, qua thơ, thơ chị đã là những nét vẽ thủy mặc, dùng rất ít hình ảnh, mà mỗi hình ảnh được dùng chắt lọc, cô đọng đã phác xuống giấy là toàn hảo, “không thể xóa hay giậm bỏ được như người họa sĩ vẽ tranh sơn dầu”. Thơ chị đáng được gọi là tranh thủy mặc rồi.

Cuối cùng, những bộ tranh tứ bình nổi tiếng xưa nay thường được gia chủ chọn treo ở phong khách để chủ và khách thưởng ngoạn. Tôi nghĩ bộ tứ bình “Hoa Nở Mùa Covid”, độc đáo này, nếu được sự cho phép của thi sĩ Trần Mộng Tú, chắc cũng khó ai rước về để treo ở tư gia! Tôi nghĩ bộ tứ bình này chỉ nên lưu giữ và trưng bày ở các viện bảo tàng, các nhà thờ, các nhà chùa, nơi thờ phượng bài vị của các người quá cố gởi tên tuổi nơi chốn trầm hương. Bộ tứ bình này sẽ có chỗ đứng trong văn chương Việt Nam và thế giới, nếu được dịch sang tiếng nước ngoài. Bộ tứ bình này có thể đi vào sách giáo khoa, cả trong nước, vì nó đủ hàm lượng văn chương và thời tính của một đại dịch. Nhưng trên hết, bộ tứ bình “Hoa Nở Thời Covid” là bó hoa, là nén hương dành tưởng nhớ những người đã vĩnh viễn ra đi giữa mùa đại dịch vẫn đang còn đè nặng nhân loại nói chung và nước Mỹ nói riêng.

(Chicago 22-9-2020)

—————————————————————-

(1) (2) trích theo tạp chí THƯ QUÁN BẢN THẢO số 89 tháng 6-2020.

Comments are closed.