Chiều chiều lại nhớ

Đặng Tiến

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Hát Bội Tây du, sang Paris vào mùa đông cuối năm 1985, trong mấy tháng để sưu tầm văn bản tuồng cổ còn lưu trữ trong các thư viện Pháp.

Lúc đó, anh đã 65 tuổi, đã thôi chức Viện trưởng Viện Sân Khấu ở Hà Nội, chỉ giữ nhiệm vụ cố vấn và vừa được phong hàm Giáo sư, chuẩn bị về quê, sống ở Đà Nẵng và đã bắt đầu đi đi về về. Sang Pháp sưu tầm, nghiên cứu, cũng là chu du để dối già.

Nhưng anh làm việc nghiêm túc, ngày ngày đi thư viện, cuối tuần mới đi chơi với bạn bè. Cuộc đời anh không có gì chuẩn bị cho việc Âu du: xuất thân từ nông thôn, suốt thời trai trẻ gắn bó với nông thôn vùng núi rừng Quế Sơn, Quảng Nam; khi tập kết ra Hà Nội, chuyên hoạt động trong ngành Hát Bội, một nghệ thuật dân gian đang phôi pha. Nhưng anh là một trí thức uyên thâm, cởi mở, hòa nhập rất nhanh với các giới Việt kiều, chủ yếu là các bạn trẻ, thời đó còn bị gọi là “trí thức yêu nước”. Anh có nhận xét đùa vui: “Mình là đứa nhà quê, đi Tây mong sẽ tiếp xúc với các bậc trí thức tiên tiến, không ngờ lại gặp một lũ nhà quê”. Dĩ nhiên đây là đùa vui thân tình nhưng gần với sự thật, mà chúng tôi hiểu như một lời khen, từ bậc trưởng thượng.

Anh có một đôi lần nói chuyện với công chúng Paris: một lần ở nhà Việt Nam, thuộc hội người Việt Nam tại Pháp, tôi không được dự. Một lần trong ban Việt học thuộc Đại học Paris 7, do tôi dẫn nhập và thông dịch. Nói chuyện trước công chúng về Hát Bội là nghề của chàng, nhưng lần đó, trước cử tọa một Đại học Pháp, lúc bắt đầu, anh cũng… khớp! Nhưng anh nói rất hay và thành công: vừa nói vừa diễn xuất các điệu bộ Tuồng, ước lệ và tượng trưng, theo những quy chế chặt chẽ. Và anh diễn xướng nhiều điệu hát: trong nghệ thuật Hát Bội, chỉ một điệu hát Nam hay hát Khách, diễn viên có thể hát hàng chục làn điệu khác nhau. Hôm đó, anh Ký chỉ ngân nga một câu quen thuộc của quê anh: “chiều chiều lại nhớ chiều chiều…” câu hát chỉ có sáu từ (âm) mà từ “chiều” láy lại bốn lần, anh đã luyến láy nhiều cách khác nhau, thính giả ngạc nhiên thích thú.

Giáo sư Nguyễn Huy Bảo đã phát biểu khen ngợi, chủ yếu phấn khởi khi thấy thế hệ trẻ còn quan tâm đến một nghệ thuật cổ điển đang có nguy cơ bị thất truyền. Ông Bảo là bậc trí thức cao niên, đã là thầy các vị Huy Cận, Xuân Diệu, năm cuối cùng bậc trung học ở Huế, đã làm Khoa trưởng các trường Sư phạm và Văn khoa Sài Gòn, khoảng 1955-1962, định cư tại Pháp ông thường xuyên tham dự các buổi nói chuyện tại Đại học Paris 7 và ít khi khen ai, kể cả học trò của mình là Xuân Diệu hay Huy Cận khi họ đến trần thuyết. Nhắc lại chi tiết như vậy, để chứng tỏ tác dụng của lối nói chuyện vừa thông thái, cụ thể mà linh động của Hoàng Châu Ký.

Thời gian ở Pháp, anh thân cận với bác sĩ Bùi Mộng Hùng, Hội trưởng Hội Y học Việt Nam tại Pháp. Mỗi cuối tuần, anh Hùng đề nghị lái xe đưa anh đi rong chơi đây đó; sau một vài lần thì anh muốn về nông thôn nghỉ ngơi với gia đình chúng tôi, tại ngoại thành Orléans, cách Paris hơn 100 km về phía Nam, bên bờ sông Loiret và cạnh sông Loire, khiến anh nhớ lại con sông Vu Gia trong thơ Thanh Quế:

Trước nhà em sông Vu Gia

Sau nhà em cũng lại là dòng sông.

image

Từ trái sang: Phùng Văn Tửu, Hoàng Châu Ký, Đặng Tiến. Pháp, 1985.

Năm ấy tự nhiên trời nhiều tuyết, anh thích tuyết, thích chơi trong vườn với con chó mực, màu đen tuyền trên tuyết trắng, hay đi loanh quanh trên những con lộ nhỏ, men theo những vườn táo, vườn lê trụi lá. Buổi chiều uống một ly rượu nhỏ, anh cởi mở, vui tính và vui chuyện, thường kể nhiều giai thoại chung quanh sân khấu Hát Bội và chuyện vui về các nhà văn nhà thơ tên tuổi, kèm theo những minh họa văn thơ. Anh đọc cho tôi, thậm chí cẩn thận ghi vào sổ tay tôi, câu ca dao:

Sông sâu uốn khúc Cổ Cò

Nước xao Cổ Ngựa, gió lò Vũng Tăm.

Tôi ngạc nhiên vì với kiến thức sách vở của mình, Cổ Cò là tên con sông giao thông giữa Đà Nẵng và Hội An ngày xưa, nay đã lấp, làm gì mà uốn khúc. Mãi gần đây, mùa xuân 2009, có dịp tham quan cảnh núi non Hòn Kẽm Đá Dừng, quê anh, đi trên sông Thu Bồn, tôi mới được thấy và chiêm ngưỡng phong cảnh khúc quành Cổ Cò, Cổ Ngựa và Vũng Tăm. Ven sông, còn có những làng mạc trù phú với những bến nước sầm uất. Ngày xưa, những gánh Hát Bội đã ghép sạp thuyền làm sân khấu lớn, có thể đi ngựa thật, đấu kiếm thật, để hát xướng trên sông liên tiếp những đêm trăng. Dừng chân ở Đèo Le, để ăn thịt gà “lên mâm”, tôi mới sực nhớ ra nơi hẻo lánh này, thời xưa đã từng là một điểm xướng ca rộn rã, với gánh hát Đức Giáo, diễn xuất từ thời… Gia Long. Lằn ranh giữa hai vùng Hát Bội, Đằng Nước và Đằng Đèo, là cái đèo này.

Quê hương Quế Sơn của Hoàng Châu Ký là đây, cái nôi của Hát Bội qua nhiều thế kỷ, và lời ca tiếng trống đã thấm sâu vào máu huyết người dân. Nhưng anh Ký kể lại là anh cũng mới thực sự quan tâm đến Hát Bội này thôi, từ 1952, trong kháng chiến chống Pháp, theo yêu cầu chính trị lúc đó, và theo nhiệm vụ kháng chiến giao phó, chứ thời trẻ, là người theo tân học, anh không mấy để ý đến Tuồng, Chèo. Mãi sau này, khi tập kết ra Hà Nội sau Hiệp định Genève, anh mới thực sự tập hát, tập múa.

Đến đây, bạn đọc có thể thắc mắc: nghiên cứu về văn bản Hát Bội, việc gì phải sang tận Paris?

Xin đáp: vì thư viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, École française d’Extrême-Orient, viết tắt là EFEO, có tàng trữ tư liệu văn học cổ, trong đó có một số văn bản Hát Bội không có trong nước, như bộ Đường Chinh Tây Diễn Truyện, đến 1556 trang, chữ Hán Nôm; Đường Chinh Tây, hồi thứ 17, 106 trang tức là chuyện cha con Tiết Nhơn Quý, Tiết Đinh Sơn đời Đường đi đánh Phiên. Và Tây Du Ký Diễn Nghĩa Truyện, tất cả đến cả trăm hồi và 2414 trang, trong nước chưa có. Thư viện Hà Nội chỉ có hai vở Tây Du Ký diễn kịch, 4 và 3 hồi. Anh Hoàng Châu Ký làm việc chăm chỉ dưới sự hướng dẫn của người quản thủ thư viện thời đó là bà Christiane Rageaud, nay ghi lại tên tuổi và công sức của một phụ nữ Pháp đã quan tâm đến văn học Việt Nam và… Tuồng Hát Bội mà nhiều học giả Việt Nam “tân thời” còn rẻ rúng.

Khi sắp về nước, thay vì mua bán những quà cáp linh tinh như nhiều người khác, thì anh nhờ tôi kiếm cho anh một bộ cần câu thật oách, máy móc hiện đại, nghĩa là đắt tiền. Tôi hỏi: “Anh làm gì mà phung phí như thế?”. Đáp: “Mình suốt đời gian nan nơi quê mùa, nay về hưu, thích có một dụng cụ hiện đại để… đi câu chơi”.

Tôi lại nhớ đến một nhà cách mạng cùng quê với anh, trong những năm sống lưu đày tại Paris, khoảng 1920, cũng đi câu, và nghe nói là chủ tịch đầu tiên của Hội Ái Hữu Thợ Câu ở Paris, là Phan Châu Trinh.

Năm 1986, tôi có dịp về nước, ở Hà Nội, anh đón tiếp tôi tận tình và rủ về ở với anh, tại nhà con gái là nhà thơ Ý Nhi và chồng là giáo sư Nguyễn Lộc đã chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh. Anh ở một mình vì gia đình vẫn định đô tại Đà Nẵng. Thường ngày có bạn bè đến nấu nướng và thù tạc, điều này lẽ ra phải giấu kín, họ thường là những thiếu nữ trẻ đẹp.

Một hôm anh hỏi: Cậu đã thấy cái cổng làng bao giờ chưa? Và anh đưa tôi về nông thôn, nơi anh đã công tác thời sơ tán. Anh đưa tôi đi bằng xe Jeep mượn của Viện sân khấu, và khoe là co-măng-ca của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhượng lại. Cái cổng làng dưới lũy tre không để lại gì nhiều ấn tượng trong tôi nhưng cái đêm nông thôn miền Bắc, còn đầy khó khăn, với những gia đình nông dân nghèo, đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm cụ thể về quê hương, đất nước, cũng như cái đêm ở lại dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng quê anh, hai mươi năm sau, tôi mong có dịp về Đà Nẵng cho kịp ngày giỗ anh.

Giáo sư Hoàng Châu Ký là bậc đàn anh trưởng thượng trên mọi mặt, đã hạ cố xem tôi như bạn vong niên, và đối xử ngang tầm, do đó, trong tâm tưởng, tôi vẫn nhớ anh như một người bạn với những tình cảm sâu lắng thân thiết nhất, bài này viết trong sự ngưỡng mộ thân thiết.

Hoàng Châu Ký là bậc trí thức uyên thâm và uyên bác, chủ yếu là người tự học. Sinh trưởng tại nông thôn, lăn lóc với nông thôn, quê hương nghèo khổ và gian nan trong khói lửa suốt thời gian trưởng thành, sở học của anh không do nhà trường hay thư viện, mà do vốn sống, vốn suy nghĩ trên nền thiện chí và ý chí. Văn hóa, ở anh là tiềm năng tiếp thu thiên phú, nhạy bén, tinh tế, sáng suốt, luôn luôn sẵn sàng nới rộng, khơi sâu.

Gặp gỡ và gần gũi anh không được bao nhiêu ngày nhưng những cơ hội qua mau ấy đã để mãi trong ký ức tôi một tấm gương sáng, nghiêm nghị nhưng hồn nhiên và hiền hậu.

Trong tôi, khuôn mặt Hoàng Châu Ký là một tâm cảnh, một phong cảnh của quê hương.

Chiều chiều lại nhớ…

Orléans, ngày 30/5/2010

Comments are closed.