Chữ Duyên quanh một hoàng mai

Phạm Thị Anh Nga

Tôi có cơ duyên gặp và quen cặp đôi Tịnh Thy và Minh Tự từ nhiều năm nay. Từ bao lâu rồi thì quả thật tôi không còn nhớ nữa, nhưng đủ để tôi thiệt lòng quý mến, trân trọng và cảm phục cặp đôi này về nhiều mặt. Không chỉ về tài năng, phẩm hạnh, mà cả về những biểu hiện tinh tế, khiêm cung và vô cùng ý nghĩa. Trong ứng xử với nhau. Và với người khác.

 

clip_image002

    Ảnh: Minh Tự

 

Đến dự buổi ra mắt sách của Minh Tự sáng chủ nhật ngày 2 tháng 6 vừa qua, tâm trạng tôi cứ nao nức bồn chồn. Cuốn sách với nhan đề “Trước nhà có cây hoàng mai” tái bản với một bản dịch tiếng Anh, bìa được trình bày rất đẹp và sang trọng. Màu nền lục rêu pastel nhắc tôi nhớ đến họa sĩ Đinh Cường, bởi đây là một trong những màu yêu thích của ông thuở sinh thời, mà khi thực hiện cuốn tuyển tập nhân một năm ngày ông ra đi, tôi đã chọn để làm nền cho bookmark của cuốn sách, với bức tranh cuối cùng chưa kịp đặt tên của ông về một ngôi giáo đường cổ tuyệt đẹp.

Trước nhà có cây hoàng mai” nghe như một tiếng reo vui, hớn hở, một khám phá bất ngờ khi đột nhiên tung cánh cửa nhà và phát hiện một cây mai vàng trước hiên nhà mình. Nhưng đó chỉ là với tôi, và cũng chỉ mới tuyền là mơ ước, bởi tôi chưa có cái duyên đó với hoàng mai. Với Minh Tự, cây hoàng mai trước nhà là thực, là thành quả của những kỳ công tìm tòi, vun rồng, chăm bẵm. Đúng với tinh thần “Giấc mơ Huế” đã được nguyên Chủ tịch Thành phố Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ trong bức thư chúc Tết năm 2020 của ông, đã khiển cư dân Huế (trong đó có tôi) rất cảm động và tâm đắc. Tôi vẫn còn nhớ dịp Ngày Nhà giáo cũng năm đó, Đại học Huế mời gặp mặt và có tặng mỗi người đến dự cuốn Nội san Đại học Huế, trong số đó có bài viết “Về Giấc mơ Huế” của Võ Thị Quỳnh, bạn cùng khóa thời sinh viên Đại học Sư phạm với tôi nhưng khác ngành, và là phu nhân của nhà văn – nhà thơ Nguyễn Quang Hà. Chị là một người đa tài, là họa sĩ thực hiện nhiều bức tranh kết từ lá khô tuyệt đẹp. Thế là tôi chụp ảnh trang đầu của bài viết đó và gửi ngay cho Quỳnh. Cái Duyên về hoàng mai và về giấc mơ hoàng mai cứ thế mà nhân rộng, lan tỏa thêm.

Một cái Duyên khác khi đến dự ra mắt sách, là buổi ra mắt đó được tổ chức tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi lưu trữ nhiều tư liệu xưa quý hiếm. Mới đây thôi, theo đề nghị của phu nhân nhà nghiên cứu Đặng Tiến, là chị Minh Nguyệt, để bổ sung vào cuốn sách sắp in của ông, “Văn, thi pháp & chân dung”, mà sinh thời ông đã bàn bạc và lên kế hoạch với Nhà xuất bản Phụ Nữ nhưng chưa kịp hoàn thành, tôi đã cố gắng chuyển ngữ bài tham luận bằng tiếng Pháp mà ông đã trình bày tại một Hội thảo Quốc tế do Thư viện Quốc gia Pháp tổ chức vào tháng 3 năm 2004, và sau đó được in ấn trong cuốn “Cuộc phiêu lưu của văn chương Pháp tại Viễn Á: Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam” (NXB You-Feng 2005). Bài viết đề cập đến nhiều tác giả và tác phẩm của văn học Việt Nam, với không ít trích dẫn đã được dịch sang tiếng Pháp. Tôi loay hoay tìm các văn bản gốc để đưa vào cho chính xác, và chị Minh Nguyệt ở Orléans (Pháp) cũng bỏ công cùng lục tìm. Cơ duyên đưa đẩy khi chị “cầu cứu” một người hiện ở Hambourg (Đức) và người này lại “cầu cứu” một người khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, và đó lại là anh Hoàng Dũng. Qua trao đổi và hỏi han thêm, anh Hoàng Dũng cho biết tư liệu nhờ tìm được là ở trong một thư viện ở Huế. Và cuối cùng, tôi được biết đó chính là Thư viện Tổng hợp của tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi diễn ra buổi ra mắt sách của tác giả Minh Tự. Nói theo kiểu người Việt mình, thì trái đất quả thật là tròn, hoặc theo cách của người Pháp, thì thế giới thật là nhỏ bé. Xin cám ơn chữ Duyên đã kết nối Huế, Orléans, Hambourg, Thành phố Hồ Chí Minh và… Huế.

Xa hơn ít nữa, dịp nhà văn Trần Hoài Thư ở Hoa Kỳ thực hiện một số chuyên đề của Tạp chí “Thư Quán Bản Thảo” về Phùng Thăng, ông và họa sĩ Đinh Cường nhờ chúng tôi tìm bản dịch cuốn “Kẻ lạ ở thiên đường” của Simone Weil do Phùng Thăng dịch, và chúng tôi đã tìm thấy chính ở thư viện này. Việc đó được họa sĩ Đinh Cường kể lại như sau:

Đọc mấy chữ cuối

câu thơ Trần Vạn Giã

trên blog Phạm Cao Hoàng

vừa lúc nhận mấy trang scan

bản dịch Phùng Thăng

Anh Nga gởi. Anh Nga bắt

Bửu Nam ra thư viện làm

(…)

hai bạn là “quới nhân”

nói như Trần Hoài Thư

đã giúp scan gởi mấy chương

“Kẻ lạ ở thiên đường”

của Simone Weil

(Đinh Cường, “Bếp lửa đại ngàn”)

Và thêm một cái Duyên nữa do dòng đời đưa đẩy, liên quan đến bài viết của nhà nghiên cứu Đặng Tiến mà tôi nhận chuyển ngữ, đó là cuốn sách về Huế của tác giả Minh Tự lại được Nhà xuất bản Phụ Nữ đỡ đầu, xuất bản, và buổi ra mắt sách cũng do “Nhà Nữ” đứng ra tổ chức. Nhờ đó tôi có dịp gặp chị Hoa Phượng, Giám đốc của Nhà xuất bản, và cùng nhắc đến cuốn sách chưa kịp hoàn thành và xuất bản như đã được bàn bạc thỏa thuận giữa nhà nghiên cứu Đặng Tiến và Nhà xuất bản.

o            o

o

clip_image004

Ảnh: Võ Ca Dao

Lan man như thế có lẽ đã đủ cho những cái Duyên tôi gặp và góp nhặt chung quanh buổi ra mắt sách, bây giờ xin trở lại với tâm điểm chính: tác phẩm “Trước nhà có cây hoàng mai”, và cái Duyên hạnh ngộ được mong chờ nhất.

Tôi chưa được đọc “Trước nhà có cây hoàng mai” ở lần xuất bản trước, nên nay cầm cuốn sách được tái bản trong tay, tôi cảm thấy cái Duyên dù hơi muộn cuối cùng vẫn cứ… duyên, vẫn cứ tràn đầy. Và từ buổi ra mắt sách trở về, tôi tự cho phép mình ngày đêm say sưa theo những trang sách.

Với 36 câu chuyện tự tình, Minh Tự dẫn chúng ta đi thăm khắp các ngóc ngách của Huế, khám phá những nhân vật của Huế, những món ăn của Huế, những vườn hoa, cây trái, các ngôi nhà rường cổ, các lễ hội đặc trưng như Lễ hội Huệ Nam, Hội vật làng Sình, Hội cầu ngư của các làng chài. Những điều thú vị mà ngay người Huế ở Huế cũng chưa chắc đã biết và tỏ tường. Không chỉ được tường thuật in vivo các lễ hội và có cảm giác như đang hiện diện trong khung cảnh đó, trong câu chuyện đó, độc giả còn được cùng Minh Tự tìm đến những người am hiểu, là thợ chuyên nghiệp, chuyên viên, hay các nhà khảo cứu, cả lần mò giở những trang tư liệu cổ xưa để truy tìm, lục vấn nguồn gốc, ý nghĩa của từng tập tục địa phương được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cứ thế, những câu chuyện kể của Minh Tự không chỉ đơn giản là “những ghi chép về Huế” mà còn là những tư liệu chuyên sâu giúp người đọc hiểu ngọn ngành những điều diễn ra rất hằng thường ở Huế.

Từ đặc tả ngôi nhà vườn An Hiên nguyên là nhà vườn của gia đình bà Tuần Chi, đến phân tích những đặc trưng của các khu vườn Huế, là nhà vườn và cũng là vườn nhà, là “nơi trú ngụ của tâm hồn Huế”, Minh Tự cho người đọc được ngắm nhìn, thưởng ngoạn đa dạng những sắc màu, không gian, ở đó gần như cái gì cũng có. Vườn Huế là nơi có “cái hàng rào bằng chè tàu đặc trưng của vườn Huế”, có “rau mã đề, me đất, lá lốt, cây ớt chỉ thiên, vài bụi sả, dăm ba bụi gừng”, “vài cây hoa phượng, hoa chuối”, “một giàn hoa lý, đôi cây ngọc lan, vài cây mộc lan hay hoa sói”… Ở đó các loại cây không được sắp xếp theo một trật tự hay quy hoạch nào cụ thể. Dường như về tính cách, vườn Huế gần với vườn kiểu Anh, nơi thiên nhiên cây cối được tự do đâm chồi nảy lộc, lan ra và xen lẫn vào nhau, nặng về “tình”, khác với những ngôi vườn kiểu Pháp, ở đó sự phân chia ranh giới thật sự rạch ròi giữa lối đi và nơi trồng trọt, giữa loại cây này và loại cây khác, nặng về “lý”. Vâng, bởi theo Minh Tự, quy hoạch của vườn Huế, có chăng chỉ là “vườn tạp”, “triết lý sâu xa của vườn Huế” là “cho rằng mọi loài hoa lá đều có quyền dự phần một cách bình đẳng trong không gian thiên nhiên ấy” và rằng “vườn Huế tạo ra cốt để mà chơi”.

Cũng về không gian sống, tôi đặc biệt yêu thích những ngôi nhà rường cổ của Huế mà các câu chuyện của Minh Tự đưa độc giả đến thăm và cùng theo dõi biết bao câu chuyện thú vị quanh những con người, những ngôi làng qua bao biến động của thời cuộc và sự bào mòn của thời gian, vẫn gìn giữ được, bảo tồn và phục hồi được, trùng tu được các ngôi nhà rường cổ, với “bộ tràng kỷ”, “chiếc sập gụ”, “chiếc bàn tợ”, “bộ ấm chén trà màu gan gà”. Độc giả không khỏi hào hứng với câu chuyện lạ lùng của nghệ nhân Dương Đình Vinh hay ông “Vinh nhà rường”, người đã hồi hương và “phục sinh” nhiều ngôi nhà rường đã bị “chảy máu” ra những vùng đất khác…

Trở lại với hoàng mai hay mai vàng, hẳn người Huế và người yêu Huế không quên câu chuyện về mai vàng xứ Huế của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. “Giữa cằn khô, thân mai vươn lên như những cánh tay rắn rỏi. Màu da nâu nâu căng đầy nhựa sống. Không phải hoa mai nào cũng là hoa mai xứ Huế. Cây hoa mai Huế đích thị, là loại hoa mai nở sắc vàng tươi, năm cánh rời và mỏng, mùi hương nhẹ và thoảng. Có lẽ sinh thời chàng cù [cuồng?] sĩ Cao Bá Quát bái hoa mai là loại hoa mai này. Năm cánh mỏng lụa là tượng trưng cho năm đức tính của người quân tử. Ngũ thường ấy là nhân, lễ, nghĩa, trí và tín. Người sành chơi hoa mai chỉ chơi hoa mai Huế, và cố chọn cho được một nhành mai Thủy Xuân.[1] Nếu với Nguyễn Xuân Hoàng, người đọc được giải thích ngọn ngành về đặc trưng của hoa mai Huế khác với hoa mai của các vùng đất khác ra sao, thì với Minh Tự, người đọc được hướng dẫn để tìm hiểu về cuộc đời của hoàng mai, của các “lão mai”, cả “cái chết của một lão mai”.

Rồi về nắng mưa của Huế, về hai mùa là “mùa mưa và mùa ít mưa” (mưa cứ như trong thơ Thanh Hải, “Anh nhé/ Về Huế anh đừng sợ mùa mưa/ dai dẳng/ Bởi vì mưa nên em thương anh năm tháng/ Mưa lâm thâm…”), về những cái ăn, cái mặc, cả các phụ kiện và những nghề, những làng nghề liên quan, người đọc cũng được theo chân tác giả tìm tòi khám phá. Và những câu chuyện kể về cuộc sống hằng thường của Huế không cần dày đặc những “mô tê răng rứa” khiên cưỡng, cũng không trau chuốt chắt lọc kén chọn từ ngữ, câu chữ của Minh Tự chỉ tự nhiên như nhiên mà mang nhiều nét duyên bất ngờ và vẫn rất Huế. Ngoài vài từ ngữ rặt Huế khó hiểu được chua thêm cái chú thích (“ông nên”, tr. 20), văn phong Minh Tự tuy khách quan chính xác theo phong cách “của một người viết báo” như tác giả đã bộc bạch giải trình, vẫn có rải rác và thậm chí đôi chỗ khá nhiều những dấu ấn riêng qua cách dụng ngôn đặc trưng của vùng đất.

Một số từ thuộc phương ngữ hay cách nói thông thường của người Huế và các vùng phụ cận dễ dàng đoán ra nghĩa, dựa vào ngữ cảnh hay tình huống: “đường hoàng” (tr. 18), “tuồng như” (tr. 19, 202, 203, 207, 108, 214), “như tuồng là” (tr. 148), “xắt mỏng” (tr. 39), “nghêu” (tr. 41), “chè bắp” (tr. 44), “chằm nón” (tr. 71), “đôi ba khi” (tr. 84), “nhớ như in” (tr. 91 95 157), “múa thiên cẩu” (tr. 91), “lặt (rau)” (tr. 98), “mùng một” (tr. 177), “cúng đất” (tr. 177), “phù hộ” (tr. 183, 190), “mưa dầm” (tr. 183). Một số trường hợp khác khó đoán biết hơn có thể khơi gợi để người đọc hiếu kỳ tìm cách giải mã và khám phá thêm ít nhiều về Huế: “vị chi” (tr. 32), “cá tràu” (tr. 39), “khuôn đậu” (tr. 40), “phố ăn hàng” (tr. 40), “tôm chấy” (tr. 41), “xăm” (tr. 41), “khêu” (tr. 42), “tao mỡ” (tr. 53), “sậy” (tr. 63), “mụ Rớt” (tr. 92), “nớt ra” (tr. 97), “khuôn hội” (tr. 184), “cây sầu đâu” (tr. 213), “phựt cao” (tr. 213), “cái đòn” (tr. 215)… Đặc biệt hơn cả là những từ ngữ mang một ý nghĩa khác hẳn so những từ ngữ tương tự được sử dụng ở một địa phương khác, như “nước lèo” (tr. 42) lại không phải là nước lèo của cư dân các tỉnh phía Nam, hay “ruốc” (tr. 53) khác với ruốc thịt, ruốc cá của các vùng miền khác.

Câu từ chữ nghĩa trải đều trong cuốn sách, tuy tôi đọc bằng mắt nhưng sao tai tôi cứ như nghe thoang thoảng giọng nói như rút ruột tự tình của Minh Tự, trầm có bổng có, nhất là những khúc đoạn đầy tâm tình, đậm chất Huế, ngập tràn tình yêu Huế của một người Huế và yêu Huế. Chưa cần nói đến các chủ điểm được đề cập, các nhân vật, địa danh, tên làng, những nét đặc trưng của cảnh vật, khí hậu, nắng mưa, lễ hội, ẩm thực của Huế, chỉ cần những câu từ như “tuồng như” (bây giờ thì tuồng như dòng nước đã bị đặc quánh lại), “đường hoàng” (nó thể hiện sự vững chãi và đường hoàng), “vị chi” (vị chi ông đã có tới 68 năm gắn bó với nghề chơi này)…, tôi vẫn hình dung ra một Minh Tự đang say sưa trút cạn lòng mình, đầy cuốn hút, và tất nhiên tai tôi cứ thoang thoảng nghe âm vang giọng nói rất chi là Huế của tác giả.

o            o

o

clip_image002[1]

Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng

Nhân đây tôi cũng mạo muội có một vài suy nghĩ nho nhỏ, mong được lắng nghe và hiện thực hóa.

Một. Màu bìa cuốn sách của Minh Tự đầy vẻ trầm tích, vừa thâm u vừa nhẹ nhàng, rất đẹp, rất nên thơ, rất Huế… Trong trao đổi với tác giả và Nhà xuất bản Phụ Nữ ngoài hành lang, chúng tôi vừa trầm trồ về màu sắc của bìa sách vừa cùng dự phóng rằng, nếu nối bản, hai chữ “hoàng mai” có lẽ nên vàng hơn một chút, tươi hơn một chút, vừa phù hợp với màu sắc vốn có của hoa mai vàng, vừa tạo nên một điểm nhấn, thay vì vẫn vàng chanh như những hàng chữ khác. Có lẽ khi đó bìa sách sẽ càng trọn vẹn hơn.

 

clip_image004[1]

Ảnh: Võ Ca Dao

Hai. Cuộc sống hằng thường của Huế hiển hiện thật tự nhiên với từng câu chuyện tâm tình của Minh Tự trong “Trước nhà có cây hoàng mai”, và rất tình cờ tôi đã nghe được những câu chuyện đó qua trang web “Phật Pháp Ứng Dụng” dưới dạng sách nói. Cũng đáng mừng vì có thể nhờ đó những câu chuyện đáng yêu về Huế càng được lan tỏa rộng rãi hơn, nhưng điều khiến tôi băn khoăn đôi chút, thậm chí ngỡ ngàng, là những câu chữ dễ thương “rất Huế” qua một giọng đọc nữ vùng Nam bộ, dù cho đó là một giọng đọc rõ, hay, diễn cảm, vẫn ít nhiều gượng, sượng và nhợt nhạt đi. Mong sao sẽ có một phiên bản sách nói khác, với một giọng đọc đúng là của người Huế, nam hay nữ cũng được. Bởi giọng Huế cũng là một nét bản sắc riêng của vùng đất, và ở đây lại rất phù hợp với các câu chữ của tác giả. Và tại sao không, là giọng đọc của chính tác giả Minh Tự. Vâng, tại sao không nhỉ, bởi như thế sẽ là rất rất tuyệt vời.

Ba. Sách được tái bản, sau khi được tác giả bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện. Không những thế, còn có một phiên bản tiếng Anh của cả cuốn sách.  Cũng cùng màu bìa và những hàng chữ màu vàng chanh. Phiên bản tiếng Anh này rất đáng hoan nghênh, bởi nó có thể là chiếc cầu nối giữa những câu chuyện về Huế với du khách nước ngoài khi đến Huế, thậm chí với cả những người chưa từng đặt chân đến Việt Nam. Nếu hiện nay Anh ngữ đang là ngôn ngữ quốc tế được sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, thì căn cứ vào số lượng người sử dụng các ngôn ngữ trên thế giới, nên chăng tìm cách chuyển ngữ sang cả các tiếng Trung, Đức, Pháp, Nhật, Hàn? Đặc biệt với Pháp ngữ, là ngôn ngữ lâu nay rất được nước Pháp[2] cũng như Cộng đồng Pháp ngữ OIF trên thế giới[3] quan tâm và đầu tư có hệ thống và hiệu quả. Giao lưu văn hóa, hỗ trợ giáo dục, hội thảo chuyên đề, dịch thuật, in ấn… đều thuộc về những quan tâm hàng đầu của OIF.

Bốn. Nên chăng Tỉnh và Thành phố mạnh dạn và chủ động đầu tư để “Tủ sách Huế” quy tụ được nhiều những đầu sách quý về Huế như “Trước nhà có cây hoàng mai”? Hoặc sưu tập các bài viết rải rác nhưng có chất lượng và gom lại để in thành tuyển tập theo từng chủ đề. Với những tư liệu nghiên cứu chuyên sâu, hàn lâm, rất cần thiết cho nghiên cứu nhưng kén độc giả, nên chăng tổ chức viết lại dưới dạng bài hoặc sách thu gọn, rút ngắn, với văn phong, câu chữ đơn giản dễ hiểu, vừa tầm với đa số học sinh, thiếu niên hay các độc giả không thuộc giới nghiên cứu. Tại Pháp, từ lâu và ngay từ bậc tiểu học, học sinh, thiếu niên đã có thể “đọc” tác phẩm của Victor Hugo, Maupassant hay Hector Malot và thích thú, nhờ những phiên bản thu gọn, rút ngắn này[4]. Nếu được tổ chức và quy tụ được nhân lực, tài lực, thậm chí kêu gọi được tài trợ, còn có thể chuyển ngữ sang một số ngoại ngữ nhằm quảng bá rộng rãi hơn về văn hóa Huế.

Năm. Cuối cùng, rất mong tác giả Minh Tự không dừng lại ở con số 36 bởi những câu chuyện về Huế, của Huế vẫn còn mong được kể thêm và cùng khám phá thêm dưới ngòi bút của anh. Một cầu Trường Tiền đang mong luôn luôn được gọi đúng tên của mình, là Trường Tiền, mà ngay nhiều người Huế hiện nay, kể cả trong giới trí thức, vẫn vô tư gọi sai. Một bún bò giò heo Huế ngày nay sao thiếu vắng cái sợi bún to vẫn còn thấy cho tô bún bò giò heo Huế ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội mà ngay ở Huế thì hầu như mất tăm, thậm chí các lò bún cũng thôi không còn làm sợi bún to nữa. Rồi những hồi ức còn in đậm của một thời gian khổ khó khăn đói nghèo, không chỉ “củi lúa” như tác giả đã trải nghiệm mà cả củi rơm, củi lá… cũng thành nồi cơm nồi cháo hay ấm nước đun sôi. Hay những gói mè xửng “rẻo” vụn vằn không nhãn hiệu thay vì có hình thù vuông vức đẹp đẽ và dán nhãn, đóng hộp “đường hoàng”. Hoặc nữa là con người Huế, như nhà văn – dịch giả Bửu Ý đã từng thử giải đáp cho câu hỏi “Người Huế, anh là ai?”. Mỗi góc nhìn, ở mỗi thời điểm riêng, tất sẽ hình thành nên một chân dung với những điểm không trùng lặp. Đặc biệt là phụ nữ Huế, mà sinh thời, trong những câu chuyện đàm đạo, dịp nhà thơ Th. Nh. từ Hoa Kỳ về Huế và tôi có cơ duyên đưa đến gặp ông ở “ngôi nhà của những kẻ lang thang”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không ngừng nhắc đi nhắc lại, nhiều lần và say sưa, về cái gọi là “nội lực” của phụ nữ Huế.

Tháng 6 / 2024


[1] Nguyễn Xuân Hoàng, “Mai vàng phố nhỏ”, Cỏ hoa xứ Huế, NXB Trẻ 2004, tr. 14-15.

[2] Nước Cộng Hòa Pháp có một Bộ chuyên trách về Pháp ngữ.

[3] Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (Organisation Internationale de la Francophonie – OIF) là cộng đồng các quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp, gọi tắt là Cộng đồng Pháp ngữ, được thành lập năm 1970, quy tụ được 88 quốc gia trên khắp 5 châu lục, bao gồm 54 thành viên chính thức, 7 thành viên liên kết và 27 quan sát viên không chính thức. Việt Nam là một thành viên chính thức của OIF. Văn phòng đại diện của OIF tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CREFAP), được thành lập năm 1993, có trụ sở đặt ở Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] “Textes en français facile” (Văn bản ở dạng tiếng Pháp dễ đọc).

Comments are closed.