Du Tử Lê – Một cõi cho mình

Vũ Thư Hiên

Tôi kính trọng những nhà thơ.

Trong mắt tôi, họ là những người dũng cảm bậc nhất. Hoặc gan lì, cũng bậc nhất luôn.

Giữa thời thiên hạ tối tối dán mắt vào ti vi, sáng sáng lướt rao vặt trên báo chợ, ngốn tiểu thuyết trinh thám trên xe điện ngầm, trên máy bay… mà trong đời vẫn cứ có những người bình tĩnh làm thơ, mới lạ. Ngó vào số lượng in ở trang cuối mỗi tập thơ lại càng thêm kính phục họ.

Các nhà thơ Pháp, nhà thơ Đức, những hậu duệ của Baudelaire, Verlaine, Apollinaire, của Goethe, Schiller… đều ngán ngẩm khi nói đến tình trạng thê thảm của sự đọc thơ thời bây giờ. Đời thuở nhà ai mà một tập thơ bán được một ngàn bản đã là của hiếm trên một đất nước bảy tám chục triệu dân cơ chứ. So với họ, các nhà thơ Việt ở hải ngoại dũng cảm hơn nhiều. Và cũng may mắn hơn nhiều, nếu so số lượng xuất bản trên tỷ lệ số dân.

– Dũng cảm gì đâu – Du Tử Lê cười hiền lành – Không hề. Gàn dở thì đúng hơn, ông ạ. Bọn làm thơ chúng tôi, chạy không nổi khỏi cái nghiệp, là sự chìm đắm vừa đau đớn, vừa êm đềm, một thứ thống khoái khó hiểu đối với nhiều người, không trừ chính kẻ làm thơ…

Chúng tôi ngồi ở một bàn ngoài của một quán cà phê với một loạt ghế trên hè, rất Paris, ngay trước tượng Thần Tự Do giương cánh trên đài kỷ niệm Bastille. Quán cà phê bình dân này không phải là La Rotonde ở Montparnasse, nơi những danh nhân lịch sử của nước Pháp từng lai vãng, nhưng vào buổi chiều thu ấy cũng đông nghịt, bên trong không còn bàn trống. Du Tử Lê xuề xòa, nói ngồi ở các bàn ngoài thú hơn, giống ở Sài Gòn hơn.

Vừa nhàn nhã nhâm nhi ly expresso, ngắm cảnh xe cộ bá tính tấp nập trên quảng trường ghi dấu cuộc cách mạng vĩ đại 1789, vừa bàn về văn chương thơ phú, thật là thú vị.

Hình như các nhà thơ đều hiền lành. Tôi chưa gặp một nhà thơ dữ tợn nào. Những người dữ tợn không làm thơ, tôi nghĩ vậy.

Tôi đòi Du Tử Lê hiền lành đọc một bài thơ mà anh ưng ý hơn cả.

Du Tử Lê nhìn tôi như cách người ta nhìn một thằng cha dở hơi.

– Bài nào mình cũng thích, nhưng chỉ trong lúc đang làm ra nó thôi. Bài ưng ý nhất là bài mình sắp… làm cơ, ông ạ.

Ấy là người đã có một lượng tác phẩm đồ sộ, hơn bốn chục cuốn, nếu tôi không lầm, nói thế đấy.

Chiều tôi, Du Tử Lê đọc se sẽ vài câu:

đêm về trên bánh xe qua

nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hàng Xanh

nhớ em, kim chỉ khíu tình

trưa ngoan lớp học, chiều lành khóm tre

nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè

nắng Trương Minh Giảng. Lá hè Tự Do

nhớ nghĩa trang – quê bạn bè

nhớ pho tượng lính: buồn se bụi đường.

đêm về theo vết xe lăn

tôi, trăng viễn xứ. Sầu em bến nào?…

Nhớ Sài Gòn khi Paris sống động trước mặt là trúng lắm. Chẳng có nơi nào gợi nhớ những thành phố quê hương bằng Paris.

Cách chúng tôi mấy bước là cái nắp cống bằng gang in hệt những nắp cống trên hè Hà Nội hay hè Sài Gòn, đọc những hàng chữ trên nắp cống mới biết chúng cùng một lò sản xuất. Mấy chiếc lá vàng lềnh bềnh trên dòng nước rãnh dọc hè, y như ở Hà Nội.

Người đọc biết đến Du Tử Lê không phải với tư cách nhà thơ lục bát truyền thống, hoặc thơ mới các kiểu hàng loạt.

Du Tử Lê được thiên hạ biết đến, được nhớ đến, là nhờ những bài thơ không vần với những chấm, phẩy, gạch nối, ngoặc đơn, ngoặc kép và những ký hiệu toán học.

Những cái đó là tốt, là xấu, là hay, là dở, tôi không bàn. Trong địa hạt thơ tôi là kẻ ngoại đạo. Nhưng điều tôi thấy rõ là Du Tử Lê đã và đang làm một cái gì đó chưa từng có. Anh là kẻ khai phá. Cái mà anh đang khai phá rồi đi đến đâu là chuyện về sau. Nhưng ngay bây giờ tôi đã bắt gặp đâu đó những người theo chân anh. Như thế, anh không hề đơn độc.

như / con sông / sẽ không ra biển!??

nhan sắc đi / về ngang vết thương.

thịt / da từng tấc chăm, nuông nghiệp –

mỗi ngón tay:

– thơm một nỗi niềm.

như mưa / nắng / sẽ không cư, ngụ!?!

lọn tóc xin tình mãi thiếu niên –

nuôi vai chia nhánh vào ly, biệt…

thương, nhớ nào xanh(?)

những mặt bằng!?!!!

Tôi không hỏi Du Tử Lê vì sao những dấu chéo (/) đặt giữa những chữ như / con sông / sẽ không ra biển!??; vì sao giữa từ kép ly biệt lại phải có một dấu phẩy ngăn cách để thành ly, biệt; cũng như tôi không hỏi vì sao sau câu như / con sông / sẽ không ra biển!?? lại có một dấu than với hai dấu hỏi, mà ở câu thương, nhớ nào xanh(?) (xuống dòng) những mặt bằng!?!!! sau một dấu than, một dấu hỏi, lại có đến ba dấu than nữa?

Tôi không hỏi vì không muốn Du Tử Lê phải dằn lòng cắt nghĩa cho tôi rằng thơ là cái để mà cảm, chứ không phải cái để mà lý giải. Trong sự cảm ấy, tôi thấy, hoặc lơ mơ hiểu dường như Du Tử Lê muốn dùng những ký hiệu toán học, những dấu biểu cảm ngữ nghĩa như một cách chơi nhạc, để ngắt chữ ngắt câu, để nhấn mạnh, để khêu gợi, để bắt người đọc đi tiếp con đường suy tưởng của/cùng anh (tôi dùng một dấu chéo theo cách Du Tử Lê rồi đấy).

Cái thi tại ngôn ngoại của Du Tử Lê phong phú. Nó gọi ta bước qua những chữ cụ thể để lướt đi xa trong liên tưởng, như từ một nốt nhạc nẩy lên ta nghe vang vọng một toàn hài. Cái mà người đọc cảm được, thấy được trong thơ Du Tử Lê là những cảm giác Du Tử Lê cũng là cảm giác của mình, dù đó là những suy tưởng về ý nghĩa thời gian, về tình nhân loại, về những niềm vui hồn nhiên, những phút buồn vô cớ.

rất nhiều khi tôi khóc một mình

những hạt lệ không giúp ai no

những hạt lệ không làm ai đỡ đói,

nhưng nó vẫn là những giọt lệ

chính nó,

một mình –

không có tôi đứng cạnh.

thay vì cloning cho tôi con cừu

hãy tạo sinh vô tính cho tôi buổi chiều,

‘quê cũ.

một lần trong đời nhau

đêm, nghìn sâu tiếng gọi

ngọt ngào gối, chăn đau

thịt, da gào kiếp, mới

soi mặt gương đời, sau

giọt máu còn chói lọi.

một lần thân thể nhau

tôi rạng ngời: địa ngục!?!

nuốt trộng chính mình, như ngọn lửa

cháy một tôi: kẻ tự lột da

nhìn em: chảy máu trong yên, ắng

nghe giữa bọng cây: rộ đóa hoa.

Tôi viết: Du Tử Lê không đơn độc trong sáng tạo, trong khai phá một lối đi mới cho chính anh, độc đáo trước hết cũng cho chính anh, không cần ai chấp nhận.

Cũng cái cung cách như thế ở trong nước có Dương Tường, một hồn thơ gần gụi với Du Tử Lê. Dương Tường cũng khai thác âm hưởng của những con chữ trong thơ, với những hàm ý không dễ hiểu, và chẳng cần ai hiểu. Dương Tường có những câu thơ thế này:

image

Có trời hiểu những chữ chéo in đậm nọ mang nghĩa gì. Trong tập Thơ Dương Tường (xuất bản năm 2005) có một câu “chẳng thể nào xuất” với hai gạch chéo hình chữ V nằm ngang (<) đi tiếp chỉ vào hai chữ “tinh” và “thần” để ta có thể đọc theo hai dị bản “xuất tinh” và “xuất thần”, hoặc gộp cả hai lại: “xuất tinh thần”; trông cứ như một công thức cấu tạo phân tử.

Có khác gì Du Tử Lê với những ký hiệu toán học đâu.

Trong tình hình nhiều năm mọi kênh thông tin trong ngoài bị đóng kín, hai người không đọc thơ của nhau, nhưng Dương Tường và Du Tử Lê đều có những hoài bão khai phá như nhau và lối khai phá khá giống nhau. Về sự sử dụng nhạc tính trong thơ hai người hơi khác nhau chút ít. Có thể nói nếu thơ Du Tử Lê còn là euphonic thì thơ Dương Tường thiên về cấu trúc dodecaphonic. Dù sao thì ở đây ta thấy có cái mà người ta thường gọi là những chí lớn gặp nhau.

Ở đây vấn đề muôn thuở đặt ra: ở đâu, cái cảm giác chừng mực của sự biểu cảm? Chưa tới thì không được. Một chút quá là hỏng. Nhưng với chủ thể của sự sáng tạo Du Tử Lê vấn đề trên bất thành vấn đề.

Tôi quen Du Tử Lê chưa đủ lâu để có thể nói rằng tôi hiểu anh thật nhiều. Nhưng tôi dám nói như thế từ những quan sát của mình qua những lần gặp gỡ bao giờ cũng ngẫu nhiên và hồn nhiên.

Khi tôi hỏi Du Tử Lê:

– Khi viết ông có nghĩ tới người sẽ đọc thơ ông không?

– Hoàn toàn không.

– Vậy ông nghĩ gì khi làm thơ?

– Tôi chẳng nghĩ gì cả. Một tứ thơ chợt đến, và tôi cầm lấy bút.

Thế đấy. Du Tử Lê không làm thơ, có thể hiểu như thế. Thơ tự đến với Du Tử Lê, như cái duyên số phận, có đi tìm cũng không thấy, muốn chế tạo cũng không được. Trong Du Tử Lê mọi điều kiện cần cho thơ trở thành mảnh đất phì nhiêu cho thơ nẩy nở. Cái sự khai phá mà tôi nói đến ở trên cũng nằm trong cái duyên ấy, không phải do một cố ý nào. Chính vì vậy mà Du Tử Lê làm thơ không quan tâm đến đối tượng sáng tạo, không cần biết họ hiểu được hay không hiểu được, cảm được hay không cảm được. Kệ.

Du Tử Lê làm thơ như Du Tử Lê thở, như Du Tử Lê cười, Du Tử Lê khóc.

Nói tóm lại, Du Tử Lê làm thơ như Du Tử Lê sống.

Trong cõi riêng của mình.

Comments are closed.