Giai thoại không chỉ mình ta biết

Hồ Anh Thái

Tự tạo ra giai thoại thì bao giờ cũng cần một sắc độ mờ, một mức độ chồng lấn, còn sự sáng rõ sẽ xua tan mất huyền thoại. Truyền thuyết và giai thoại có nhiều dị bản sẽ tạo ra huyền thoại. Đứng ở sau màn sương huyền thoại, đối tượng có khả năng trở nên siêu phàm.

1. 

Nhiều thế hệ người đọc Việt Nam đã đọc truyện Người đầu bếp già của K. Paustovsky, nhưng vẫn xin kể lại vắn tắt.

Ông đầu bếp già đang hấp hối và muốn được xưng tội với một ai đó, không phải là thầy tu. Cô con gái ra trước cổng, mời được người đầu tiên đi ngang qua. Ông già xưng tội xong, và mong ước được thấy lại người vợ thời thanh xuân, khi họ lần đầu gặp gỡ. Điều ao ước như không tưởng được vị khách qua đường sẵn lòng thực hiện. Vị khách ngồi xuống chiếc đàn dương cầm và chơi một bản nhạc. Âm nhạc đó khiến ông già thấy lại cảnh sắc khu vườn và mặt trời mùa xuân cùng người con gái mà ông yêu. Âm nhạc làm được tất cả. Trước khi nhắm mắt, câu cuối cùng ông già hỏi tên vị khách. Thì ra đó là nhạc sĩ thiên tài Mozart.

Phải kể lại sơ lược kiệt tác nhỏ của Paustovsky vì sau khi truyện ra đời vào thập niên 1930 thì việc sao chép nó trở nên quá phổ biến. Chỉ tính riêng ở Việt Nam đã có cả mấy thế hệ mê Paustovsky và có một số người viết mô phỏng lối viết của ông mà thành mấy ông Pau tầm cỡ Việt. Có cả những câu chuyện mượn hồn của nó mà đắp ra ngoài “tấm da hàng thịt” như truyện Người trồng hoa và chàng tu sĩ.  

Bây giờ ta thử đọc một giai thoại đời mới: một đêm giao thừa có chàng nhạc sĩ xa quê đi một mình trên đường, rồi được một gia đình nào đó mời vào vui tết cùng họ. Nỗi niềm xa xứ âm ỉ trong lòng chàng được dịp bùng ra. Chàng ngồi vào bên chiếc dương cầm và cứ thế ứng tác một ca khúc mới. Gia đình nọ hoan hỉ tấm tắc tụng ca bài hát đã nói đúng nỗi lòng cô quạnh đêm đông. Họ hỏi tên và lúc ấy mới biết tên chàng, về sau là một nhạc sĩ danh tiếng. Nhạc sĩ của những ca khúc Việt.
Thao tác đúng kiểu của Paustovsky: một người qua đường vô danh, ghé vào một căn nhà lạ, xuất thần sáng tác, sức mạnh của âm nhạc tuyệt vời khiến cho người nghe cảm nhận được những điều tưởng như không thể, đến đỉnh cao của cảm xúc thì mới tiết lộ danh tính của nghệ sĩ, hóa ra đó là một tài danh.

2.

Một người viết khác trước khi kể giai thoại thì đã cẩn thận bày tỏ tình thân thiết vô cùng với một ca sĩ, để chứng tỏ chuyện ta sắp kể là kiểu chuyện mắt thấy tai nghe. Một ca sĩ hàng đầu, thời chiến tranh bỗng nhiên có một người lính đến thăm nhà. Anh lính mang theo những kỷ vật thời chiến: một chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay Mỹ, một cát tút quả đạn pháo bằng đồng sáng bóng được chế thành bình hoa. Đấy là quà của anh em trong đơn vị, những người mê giọng hát của ca sĩ, giữa nơi đạn bom khốc liệt, họ nhớ đến chị. Rồi người lính chia tay ca sĩ, đi vào chiến trường. Từ đó ca sĩ lưu luyến nhớ về anh, băn khoăn về số phận anh, đã hy sinh hay sau chiến tranh lưu lạc về đâu…

Truyền thuyết và giai thoại có nhiều dị bản sẽ tạo ra huyền thoại. Đứng ở sau màn sương huyền thoại, đối tượng có khả năng trở nên siêu phàm. Ảnh minh họa. Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận


Phải nói là kiểu giai thoại này đã có một công thức: nghệ sĩ tình cờ gặp người hâm mộ, người hâm mộ thường là người lính hoặc công nhân nông dân trong chiến tranh, những công nông binh ấy được tiếp thêm sức mạnh từ nghệ thuật, rồi họ không bao giờ gặp lại và nghệ sĩ luôn khắc khoải trong lòng về số phận của họ… Công thức tức là rất dễ chế tác. Dễ chế tác tức là không phải tốn nhiều tâm lực, không quá công phu. Mà đã thiếu công phu thì như cách nói bình dân, nó rất… nghĩa lộ.

Những giai thoại như thế, người viết dễ dãi thường lấp lửng hàm ý mình là người thân của nghệ sĩ, mình được biết theo kiểu “độc quyền”. Hoặc để tăng độ tin cậy, họ sẽ đổ cho việc chính nghệ sĩ kể lại câu chuyện này. Cả hai khả năng đều có thể. Người viết hoặc là tự chế tác, hoặc là nghệ sĩ lúc trà dư tửu hậu đã kể ra. Chuyện trà dư tửu hậu đúng ra nghe đâu phải bỏ đó, vì nó chưa được chính người nói biên tập lại. Cho nên việc nghe thế rồi chép lại nguyên xi là hành động hấp tấp và bất cẩn. Nó để lộ dấu vết hư cấu vụng, nó nôm na, thậm chí là sao chép chuyện của những người khác nữa có cùng một công thức, một motif.

Riêng cái truyện Người đầu bếp già là một tác phẩm độc đáo vô song, dập khuôn từ đấy không còn gọi là sao chép nữa mà phải dùng những lời lẽ nặng nề hơn.

3.

Như ở trên đã nói, rất nhiều khi giai thoại là do chính đương sự thêu dệt ra cho mình. Một tài năng làm thơ từ thiếu thời, sau này ở độ lão thời, khi thì kể với báo chí là mình được nhà thơ danh tiếng nọ cho lọt vào mắt xanh, lúc thì lại kể chính mình đã sửa thơ cho bậc thầy của mình. Đại loại thế, báo chí in ra mỗi báo một phách, độ vênh là rất đáng kể, nhưng thần đồng biết mà không bao giờ nói lại cho sáng rõ. Tự tạo ra giai thoại thì bao giờ cũng cần một sắc độ mờ, một mức độ chồng lấn, còn sự sáng rõ sẽ xua tan mất huyền thoại.

Huyền thoại, đúng vậy. Truyền thuyết và giai thoại có nhiều dị bản sẽ tạo ra huyền thoại. Đứng ở sau màn sương huyền thoại, đối tượng có khả năng trở nên siêu phàm.

Một nhà thơ lão thành chẳng hạn. Càng lão thì hình như ông càng thích nói chuyện giới tính. Ông nói với tờ báo A rằng ông mê một chị hàng xóm mặc váy yếm từ đầu thế kỷ XX. Ông khi ấy mười hai tuổi dậy thì. Năm sau ông nói với báo B rằng ông dậy thì năm mười một tuổi. Năm sau nữa ông nói với báo C dậy thì lúc mười tuổi. Cứ thêm một năm thì ông hạ tuổi dậy thì xuống, bớt đi một năm. Báo chí không đọc của nhau. Nhà thơ cao niên dù không nhớ nhớ quên quên cũng cứ để yên thế, không đính chính. Đính chính thì còn đâu là giai thoại đang có xu hướng hóa thành huyền thoại. Tam sao thất bản là đặc điểm của huyền thoại. Người tự tạo huyền thoại hiểu hơn ai hết quy luật này.

4.

Huyền thoại sau khi rời bệ phóng thì nở bung ra như pháo hoa thành nghìn vạn đốm sáng. Nghìn vạn thì không cái nào giống cái nào, nó luôn có độ sai khác mà người đời không bao giờ thắc mắc. Tôi từng viết về việc một vị còn kể về hành trình vượt khó thoát nghèo của mình rằng thời tuổi thơ ở nhà quê không có đèn điện, gia cảnh khó khăn đến mức thiếu cả dầu thắp sáng. Chú bé muốn học bài ban đêm phải bắt đom đóm bỏ vào một cái lọ thủy tinh thay đèn. Vị này học gạo nhưng chắc ít đọc sách, bởi nếu có đọc thì không thể không biết đấy là giai thoại về Mạc Đĩnh Chi ở cuối thế kỷ XIII. Dập khuôn giống như hệt, chỉ có cập nhật bằng đèn chai thủy tinh, trong khi Mạc Đĩnh Chi ở thế kỷ xa xưa thì bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng. Đấy là giai thoại chỉ có thể gắn với một tầm cỡ như Mạc Đĩnh Chi, khó có thể là ai khác. Hoặc nếu có thì là người đời sau bắt chước tiền nhân mà thôi. Đã là bắt chước thì có trưng ra cũng chỉ như bức tranh chép lại.

Tạo tác ra giai thoại về người nổi tiếng. Nếu gia công khéo léo công phu thì cũng được những câu chuyện lạ, mua vui cũng được một vài trống canh. Nhưng hầu hết đều sơ sài thô vụng và cũng gây cười, cười vì cái sự đơn giản nôm na, vì cái sự thấy người sang bắt quàng làm họ.

Nhiều khi cũng chẳng sang lắm đâu. Một chuyên gia làm giai thoại văn nghệ sĩ kể chuyện nhạc sĩ nọ phổ thơ của một vị quan chức. Người viết gọi nhạc sĩ là anh xưng em, “thân” mà. Cái ông làm thơ kia là người yêu trẻ thương dân anh ạ. Ông ấy được hai nhà thơ danh giá giới thiệu vào hội nhà văn anh ạ. Ông ấy được kết nạp vào hội nhà văn cùng một đợt với em anh ạ.

Tranh thủ anh ạ để khoe rằng mình thân với nhạc sĩ, thân với ông thơ, và mình cũng được làm hội viên nhà văn. Chỉ có điều trèo lên thang hăm hở mà không nghĩ đến lúc phải xuống thang. Đấy là không biết rằng chỉ sau đó không lâu thì ông thơ thẩn được đôn lên kia đã phải làm củi vào lò, anh ạ.

Đấy, có rất nhiều thứ ta tưởng chỉ ta biết, hóa ra nó là kiệt tác ở đâu đó, nó ngấm vào ta và ta tưởng nó là cái biết của riêng ta.

Có nhiều thứ ta tưởng chỉ ta biết, hóa ra nó là công thức đại trà.

Có những thứ những người, ta tưởng là sang, hóa ra không sang đến thế.

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/giai-thoai-khong-chi-minh-ta-biet-42573.html

Comments are closed.