Hóng quyết bỏ làng

Phạm Quang Long

 

Hóng sang nhà cụ Tiên chỉ. Cụ lâu nay giữ đạo nhà, không ăn chay nhưng sống chẳng khác gì sư, không tu ở chùa nào nhưng một đời mộ đạo. Dân làng trọng cụ, đám lý dịch không hài lòng vì cụ hay cản chúng những việc chướng tai gai mắt nhưng chúng cáo già lắm. Chúng vây quanh cụ như lũ nhặng chả phải kính cụ mà chúng hiểu đạo lý giữ chùa ăn oản.

Cụ đang hong mấy quyển sách ở góc sân. Hóng hỏi:

– Cụ phơi gì ạ? Tiền bị mốc à?

– Hóng hả? Móc máy gì thế? Cụ làm gì có tiền? Cụ hong mấy quyển sách mốc.

– Sách làm sao mà mốc thế cụ?

– Lâu không sờ đến thì bị mốc chứ sao.

– Hay cụ cho con về phất diều cho cháu nó chơi?

– Mày nói vớ vẩn. Giấy rách còn phải giữ lề. Sách mốc phơi xong cất cẩn thận. Giờ không dùng thì lúc khác dùng. Đạo học nó phải thế.

– Cụ nói đạo học với con làm gì? Con có học bao giờ đâu mà biết? Nhưng con hỏi cụ nhá. Không học con vẫn sống, lại không bị khổ vì sách vở. Cụ học nhiều biết rộng nhưng cụ có sướng đâu. Khổ bỏ mẹ ấy chứ.

– Thế nên mày mới là mày, còn tao mới là tao. Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Vào nhà uống nước.

Trà rót ra, thơm lừng. Hóng hít hà.

– Trà nhà cụ thơm thật. Người thanh tao uống trà cũng khác bọn con.

– Chuyện. Thằng lý cựu nó mua hộ đấy. Nó bảo uống xem trà nhà nó có khác của thằng lý đương không? Tao biết thừa trà chúng nó uống toàn là trà thằng Trương tuần biếu cả. Mà tao biết thằng Trương tuần cũng chả mua đâu. Quà biếu đấy. Chả cứ trà đâu. Còn nhiều thứ khác nữa.

– Cụ biết hết sao cụ không chặn chúng nó lại?

-Cũng có chặn nhưng không xuể. Dạo này bọn ăn cắp ở đâu ra lắm thế. Chúng nó như Phạm Nhan. Chặt đầu này, mọc đầu khác. Thế mày bảo làm nữa hay là dừng?

– Tuỳ cụ thôi. Chuyện của cụ, con muốn bàn cũng chả được. Lần này con xin cụ cho con chuyển sang xóm Tây. Con chán ở xóm mình lắm rồi.

– Sao thế?

– Cụ bảo xóm có mấy chục nhà, có một nhúm quan chức, cứ dăm ngày cụ chặt một thằng mà mãi vẫn không hết. Cứ đà này thì làng này hết quan cai trị à?

– Hết thì đã sao? Chúng nó có tội cơ mà.

– Chúng nó có tội nhưng ai đẻ ra chúng nó?

– Mày hỏi thế thì suốt đời này làm dân đen cũng phải thôi.

– Cụ đừng đùa. Bố mẹ chúng nó đẻ ra chúng nó. Nhưng lúc mới đẻ ra có đứa nào hư hỏng đâu. Từ ngày làm quan chúng nó mới hư thế đấy chứ.

– Mày bảo nó hư từ ngày làm quan à?

– Gần như thế. Con thấy lũ bị cụ cách chức đứa nào cũng mắc tội như nhau: đứa nào cũng chả coi kỷ luật của cụ là gì, đứa nào cũng dối trá, đứa nào cũng tham lam. Con nói, cụ tha lỗi, chúng nó chả có đứa nào có liêm sỉ. Tài thì không so được vì mỗi người mỗi việc nhưng lòng tự trọng cũng không bằng con.

– Thế thì sao?

– Hỏng cả rồi cụ ạ. Như chơi cờ ấy. Xoá đi chơi lại thôi.

– Không được. Không làm thế được. Sách không nói thế.

– Cụ lúc nào cũng sách nói thế này, sách nói thế khác. Sách viết trăm năm, nghìn năm rồi thì nó cũng phải cũ, phải có chỗ không theo được chứ. Cụ biết xoá đi làm lại tốt hơn vá víu mà sao không chịu làm lại?

– Đừng hỏi. Đã bảo không được là không được.

– Cụ thương dân hay thương chúng nó hơn?

– Mày nói kiểu gì thế? Tao thương dân mới trị chúng nó.

– Xin lỗi cụ. Con biết cụ thương dân, cụ ghét cái xấu cái ác như ghét kẻ thù. Nhưng cụ cứ xử mãi thế cũng không hết lũ ăn cắp đâu.

– Sao thế mày? Chúng nó mắc tội là phải trị. Tao làm vì dân đấy.

– Chúng nó cũng biết sợ nhưng cách cụ làm không diệt được hết lũ ăn cắp. Vì chúng nó chủ tâm ăn cắp. Làm quan để ăn cắp dễ hơn. Phải diệt lòng tham từ trong trứng cơ. Phải làm cho chúng nó sợ bị cụ trị hơn sợ chết thì mới hết tham được. Làm như cụ bây giờ không hết giống tham đâu. Đứa nào cũng như nhau cả. Mỗi cụ không tham vì cụ là người giời rồi. Chúng nó đều là loại tham lam thì bảo sao chúng nó không phạm tội được. Cụ phải nghĩ cách khác thôi.

– Cách gì? Mày không muốn tao làm nữa à?

– Con muốn cứ làm nữa nhưng phải bằng cách khác. Xoá cờ đi, chơi lại.

– Không còn cách nào à?

– Không. Cụ không làm thì chúng con chỉ còn cách bỏ cụ mà đi thôi. Chúng con tự cứu lấy mình vậy chứ không thể thương cụ mà để khổ mình, khổ cả con cháu mình.

Cụ buồn, nhìn Hóng khe khẽ lắc đầu. Hóng cũng buồn. Cả hai lặng lẽ uống trà.

Lát sau, Hóng đứng dậy, khẽ khàng.

– Bẩm cụ. Cụ đừng giận con mà cũng đừng buồn. Con xin từ biệt cụ.

– Mày đi thật à?

– Con đi thật. Bọn lý dịch ở đó cũng tệ nhưng không tệ như ở làng này.

– Mày bỏ tao à? Giờ mày thấy nó tệ ít nhưng rồi có lúc nó còn tệ hơn nữa thì sao?

– Con biết. Ở đó cũng khó sống nhưng… nhưng…, cụ tha tội con mới nói.

– Cứ nói đi. Tao với mày sắp xa nhau thì còn ngại gì?

– Vậy con nói. Bên ấy không có đứa nào tốt như cụ nhưng như thế còn dễ sống hơn.

– Mày nói gì? Sao thế hử?

– Dạ. Vì không có cụ, đứa nào ăn cắp chúng con đánh bỏ mẹ. Đánh cho chừa thói ăn cắp chứ không làm như cụ. Chúng có chết hết thì con cái chúng con mới yên ổn làm ăn được. Bên này có cụ, cụ tốt quá. Chúng con bực chúng nó nhưng thương cụ nên không nỡ ra tay. Chứ giờ thả ra mà xem, chúng con cho chúng nó ăn đất hết.

– Thôi, mày thương tao.

– Đấy, vì cụ thế nên con bỏ cụ mà đi vậy để còn giữ được cái tình. Biết thế là khổ nhưng vì cụ đấy. Chào cụ. Con đi.

Hóng đi rồi. Cụ tiên chỉ ngồi quên cả uống trà. Cụ lẩm bẩm: “Không theo nó được. Nghe nó thì mình cũng chỉ là nó. Phút bù giờ còn chưa xong nữa là. Không làm thế được. Việc nó nó làm, việc mình mình làm thôi”.

Comments are closed.