Khánh Trường, Hợp Lưu và… hợp tuyển

Khánh Trường

Những ngày cuối đông, ngồi giữa phố cổ Hà Nội giá rét đã nhiều năm mới “hưởng” lại, ngày ngày lên “phây” (chưa bị luật ANIMAL ngăn chặn), không thể không tìm trang Khánh Trường, theo dõi từng diễn biến sức khoẻ và công việc của anh. Thật sự, lần nào cũng nguyên một niềm mến phục. Anh vừa than kiệt sức sau buổi chạy thận không biết thứ bao nhiêu, đã lại sôi nổi một dự án, nghĩ là làm ngay tắp lự. Một người khoẻ mạnh bình thường cũng khó nghĩ được, làm được như anh.

Khánh Trường hoạ sĩ, Khánh Trường nhà văn, Khánh Trường làm báo, Khánh Trường làm sách… Nhưng trong tôi chắc còn lại lâu nhất một Khánh Trường của ý nguyện, ý chí “hợp lưu”.

Vinh dự là một trong những cây bút trong nước đầu tiên góp mặt với “Hợp Lưu” từ buổi đầu (đầu những năm 1990), tôi chỉ muốn lưu lại vài thông tin nhặt trên FB của Khánh Trường gần đây, khi anh cứ vài ngày một lần nhập viện, rồi lại về căn mobile home nho nhỏ, với sự chăm sóc của người vợ hiền, làm đủ trò đáng nể trên chiếc xe lăn!

Và xin thưa với Khánh Trường: Năm năm trước, một số anh chị em chúng tôi trong nước, lập ra Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam và báo mạng vanviet.info, cũng là tiếp nối ý nguyện, ý chí Hợp Lưu của anh!

Hoàng Hưng

Ngày nay đọc lại những số Hợp Lưu cũ, bạn đọc mới không thể hình dung được vô vàn khó khăn đến từ nhiều mặt, từ xin bài, đánh máy, layout, chạy tiền in, quáng bá để có độc giả dài hạn, đi đến các nhà sách trong phạm vi 6, 700 dặm để phát hành và đòi tiền bán… Một mình một ngựa. Tôi, đến bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại, vẫn còn ngạc nhiên sức lực đâu chu toàn hàng trăm việc như thế. Nhất là phải đối đầu với nhiều chống đối dữ dội, cực đoan. Hàng đêm điện thoại gọi đến nhà chửa rủa, lăng mạ, thậm chí còn hăm dọa ném lựu đạn vào nhà “cho tan xác lũ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Báo chí bêu rếu, bỉ thử, thậm chí một bà chủ báo viết: “ra đường chẳng may gặp tên KT buộc phải bắt tay thì hãy mang vào bàn tay 10 áo mưa để tránh bẩn” (vì đến số 3 hết tiền in, tôi phải viết… dâm thư, bán, để có tiền in báo). Ban ngày vào quán khách quen dạt qua bàn khác vì sợ “lạc đạn”. Tình hình 40 năm trước không giống bây giờ tẻo teo. Một tác giả trong nước xuất hiện trên một tờ báo hải ngoại nếu không là Việt cộng thì đích thị là bọn nằm vùng hoặc phản bội, trở cờ cần thanh toán!!!
Ôi một thời oan nghiệt!

clip_image002

Hơn 20 năm, từ ngày bị tai biến phải ngồi xe lăn, đã ít nhất 30 lần vào ra bệnh viện, 2 lần nằm trong phòng hồi sinh (lần thứ 2 kéo dài cả tháng với ống nhựa đưa vào miệng, xuống phổi, để máy thở giúp, vì quá yếu, không thể tự thở!!!), vậy mà vẫn sống nhăn!

Bạn bè thân thường độc mồm: Mày ác quá, phải sống trả nợ, không chạy làng sớm được.

SÁCH TRANH, KHỔ 8.5X8.5, BÌA CỨNG, GỒM NGOÀI 100 TRANH FULL COLOR VÀ BÀI VIẾT VỀ HỘI HỌA CỦA KHÁNHH TRƯỜNG

clip_image004

BỘ TRUYỆN NGẮN HAI TẬP TRÊN 1250 TRANG CỦA KHÁNH TRƯỜNG

clip_image006

TỔNG TẬP 43 NĂM VĂN HỌC HẢI NGOẠI (1975-2018) SẮP RA MẮT

Đơn cử những tác giả trong nước có mặt trong Tổng tập này. Họ sống và viết trong nước, nhưng không in (và không được in) trong nước, thì công khai in ở Hải ngoại. Vậy cũng thuộc “văn học Hải ngoại” chứ sao? (lời bình của Hoàng Hưng):

Bùi Chát, Bùi Ngọc Tấn, Cao Thoại Châu, Dương Nghiễm Mậu, Đoàn Văn Khánh, Hoàng Hưng, Khoa Hữu, Khuất Đầu, Lê Văn Trung, Lê Vĩnh Thọ, Nguyên Minh, Nguyễn An Bình, Nguyễn Dương Quang, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Thành, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Văn Gia, Nguyễn Viện, Như Không, NP Phan, Phạm Hiền Mây, Phạm Ngọc Lư, Phan Huyền Thư, Phùng Cung, Thiếu Khanh, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Đĩnh, Trần Mạnh Hảo, Trần Thị Ng.H., Trần Vạn Giã, Trần Vàng Sao, Văn Quang, Vy Thượng Ngã.

clip_image008

MỘT TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BIÊN KHẢO IN VÀ PHÁT HÀNH TOÀN CẦU, KỂ CẢ TRONG NƯƠC, SẮP RA ĐỜI

Ba mươi năm trước Hợp Lưu ra đời, là diễn đàn đầu tiên khởi xướng giao lưu hai dòng văn học Việt Nam Bắc Nam do hoàn cảnh trớ trêu và bi thảm của một giai đoạn lịch sử, đã phân rẽ thành hai nhánh. Hai thập kỷ, 1954-1975, nếu lấy chiều dài của dòng chảy một dân tộc, quả thực chả nghĩa lý gì. Nhưng chúng ta, những người làm văn học nghệ thuật đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong giai đoạn này, không thể phủ nhận đã khắc đậm vào não trạng của chúng ta, hướng dẫn tư duy của chúng ta, để sản sinh, làm thành hai mãng văn học chảy về hai hướng khác biệt. Bằng rung cảm nhạy bén của một người yêu tiếng Việt, chúng tôi đã nhìn thấy điều đó, và mang khát vọng muốn đồng qui hai dòng chảy này. Bởi chưng, thiển nghĩ, văn học Việt Nam không thể lớn mạnh nếu không hợp lưu. Một thủy đạo lớn tất nhiên sẽ mạnh hơn hai phụ lưu nhỏ.
Ba mươi năm trước chúng tôi đã quan niệm phải dứt khoát gạt bỏ ra khỏi đầu óc sự đánh giá hay dở đúng sai mang tính chủ quan, bắt nguồn từ hai nền giáo dục “có định hướng”. Sự đúng sai hay dở sẽ được thời gian gạn lọc, cái gì sai, dở sẽ bị loạt bỏ, đào thải. Và ngược lại. Qui luật này từ ngàn xưa đến ngàn sau. Thường hằng.

Chỉ mới nửa thế kỷ, thời gian quá ngắn trong tiến trình chuyển động của dân tộc, ngày nay chúng ta đã dần dần nhìn thấy.

Tuổi đời cũng đã cao, thêm bệnh tật, lẽ ra chúng tôi nên lui về ngơi nghỉ, dọn đường để một ngày không xa, sẽ tan vào tịch lặng. Đúng qui trình bất biến: có sinh phải có tử. Nhưng hai mươi năm nay, từ ngày bạo bệnh và giã từ Hợp Lưu, chúng tôi nhận thấy tình hình đã thay đổi rất nhiều, thời gian đã lặng lẽ làm công việc của nó, xóa mờ dần những cách ngăn. Thêm vào đó các thế hệ mới ra đời và trưởng thành. Khác với cha anh, những thế này không mang trên vai gánh nặng quá khứ, có chăng cũng không đến nỗi nặng nề như đã. Vì thế, chúng tôi lại nghĩ, phải tiếp nối truyền thống Hợp Lưu ba mươi năm trước, nhưng sẽ mở rộng biên cương hơn, mạnh mẽ xóa tan cách biệt. Đã quá trễ để nuôi mãi phân chia Bắc Nam, trong ngoài. Văn học nghệ thuật Việt Nam là của người Việt Nam, dù họ ở đâu trên hành tinh này. Khác chăng chỉ địa chỉ cư trú.

Từ ngày cổng thông tin mở rộng, FB và các trang website nở rộ, chúng ta có thêm rất nhiều diễn đàn văn học, và cũng có thêm rất nhiều những cây viết mới đầy tài năng và sung mãn. Tuy nhiên, vì có số lượng quá đông, người đọc không có thì giờ dừng lâu ở một trang web nào, vì thế những công trình nghiên cứu, sáng tác công phu, giá trị thường bị lướt qua, bỏ quên. Đáng tiếc và đáng buồn.

Bởi những lý do trên, chúng tôi, một lần nữa lên đường.

Xuất bản một tờ báo giấy vào thời điểm này xem chừng có vẻ… không bình thường. Nhưng phải làm thôi, chúng tôi tin độc giả sẽ tán dương, hổ trợ.

clip_image010

Nguồn: https://www.facebook.com/truong.khanhnguyen

VÀ ĐÂY TIN MỚI NHẤT:

THÔNG BÁO CHÍNH THỨC VỀ TẠP CHÍ “MỞ NGUỒN” CỦA CHỦ BIÊN KHÁNH TRƯỜNG:

clip_image002[1]

Mở Nguồn tháng 4-2019

Một thập niên qua, di dân Việt không còn tập san văn chương giấy in. Các nhà xuất bản Văn Nghệ, Văn Mới, Văn Khoa, Thanh Văn, Thời Văn, Tân Thư, Lá Bối, Hồng Lĩnh, Xuân Thu, Đại Nam thay nhau đóng cửa. Chưa khi nào Văn học Hải ngoại khánh kiệt như lúc này. Một đám ma không đọc giả đưa tiễn. Cần một phục sinh. Hôm nay họa sĩ Khánh Trường lên đường một lần nữa, tái sinh Hợp Lưu dưới tên Mở Nguồn. Sẽ là nơi sáng tác khai phá dẫm chân vào những vùng đất mới. Nơi diễn ra tranh luận học thuật. Nơi giới thiệu các trào lưu nghệ thuật và quy tụ những ngòi bút cá tánh nhất.

Một tập san giấy in trình bày mỹ thuật với giá bán tượng trưng 12 mỹ kim + cước phí.

Mở Nguồn khổ 6×9 inch, dầy 250 trang, phát hành mỗi 3 tháng. Số ra mắt tháng 4-2019.

Thư từ, bài vở gửi về chủ bút Khánh Trường: email alexkhtruong@yahoo.com

Ghi danh độc giả dài hạn trả bằng PAYPAL qua link: http://saigonocean.com/TapChiMO/contact.htm

Hộp thư: http://saigonocean.com/index.php/vi/?option=com_phocaguestbook&view=guestbook&id=1

do Lê Hân, giám đốc nhà xuất bản Nhân Ảnh trị sự. han.le3359@gmail.com

Lời cuối: CHÚC KHÁNH TRƯỜNG “MỞ NGUỒN” THÀNH CÔNG DÒNG HỢP LƯU MỚI CỦA VĂN CHƯƠNG TIẾNG VIỆT TOÀN CẦU TK 21!

Comments are closed.