Năm lá quốc thư (kỳ 2)

Tiểu thuyết Hồ Anh Thái

Trời đất quỷ thần ơi. Phải thốt đúng cái câu cửa miệng của bà đại sứ để gọi đến cả quỷ thần. Chúng không phải là kẻ đột nhập. Chúng là người của ta. Chúng không bắt Nàng đi mà chúng chỉ khóa cổ tay Nàng bằng còng số tám rồi lôi Nàng vào phòng họp. Công khai bật cho đèn sáng trưng lên. Ấn Nàng ngồi xuống một chiếc ghế ở giữa phòng. Thế thì càng không thể hiểu được. Quân ta bắt quân mình. Bắt nhầm rồi.

 

Biết cậu Điện Đài hay chuyện trò với Nàng, bà thường khuyến khích cậu dẫn Nàng đi chơi sau giờ làm việc. Hai chị em đi chơi đi cho nó nhẹ cái đầu. Nói thế tức là bà biết trong đầu Nàng vẫn còn nặng nề lắm. Đi chơi đi. Bà vẫn nhớ cái câu Nàng nói hôm ở bên đảo quốc thiên đường.

Cô mà cho ở lại xứ này thì cháu ở lại luôn, ở lại vĩnh viễn.

Con bé ấy băm bổ thoăn thoắt thế nhưng cũng là đứa mê cái đẹp. Và cũng có xu hướng vọng ngoại. Đi đi. Đi chơi đi. Biết đâu đấy.

Chẳng cần bà nhắc thì hai chị em cũng thường xuyên kéo nhau ra phố. Đi xem phim đi nhà hát. Ra quán cà phê ngồi nghe nhạc. Ngày nghỉ cuối tuần thì đi chèo thuyền, đi bảo tàng, đi tham quan thế giới kỳ quan thu nhỏ. Con gái con trai đi cạnh nhau thế, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Con gái hơn con trai có hai tuổi thì không thể gọi là cọc cạch. Gái hơn hai trai hơn một. Chúng nó mà dính vào nhau, bắt được quả tang thì cũng là cái cớ để điện báo về trong nước. Đẩy được nó về nước cũng là một cái hay.

Một hôm có cái giấy mời của bộ Ngoại giao nước bạn. Bộ tổ chức một chuyến đi cho các nhà ngoại giao nước ngoài. Đi thăm một vùng biển ở phía Nam đất nước, giáp giới với một nước Nam Á khác. Cái nước Nam Á kia là một thiên đường du lịch và rửa tiền. Cái thung lũng bên này biên giới thì nổi tiếng có một pháo đài cổ.

Bà đưa giấy mời cho Nàng:

– Cháu đi đi. Có gì hay thì về kể cho cô nghe.

Nhất Nàng còn gì. Nàng sắm sửa đi ngay.

Có hơn bốn mươi cán bộ ngoại giao của các sứ quán. Chia làm hai xe to nối đuôi nhau chạy năm trăm cây số xuống biên giới phía Nam. Cảnh vật thay đổi dần dần theo sự thay đổi của khí hậu. Ở gần thủ đô, khí hậu hoang mạc, đi vài trăm cây số vẫn chỉ thấy núi trọc, trơ hết các sườn đá nâu xám. Nhưng càng tiến gần xuống phía Nam, càng gần biên giới và gần biển thì núi càng phủ đầy cây xanh, đúng như rừng rậm nhiệt đới ở xứ mình. Lơ lửng trong không gian dần dần có mùi nước và mùi biển.

Khu làng chân núi trồng nhiều cây ăn quả. Đào, mận, táo… nhiều nhất là anh đào. Ngày nghỉ, dân từ thành phố cách đó hơn trăm cây số kéo về đây tham quan pháo đài cướp biển, rồi ghé vào làng cắm trại picnic, tranh thủ mua anh đào. Xe hơi đỗ đầy hai bên đường, dưới bóng anh đào. Vào vườn thăm thú, hái quả đỏ mọng trên cành nếm thử rồi bê ra những giỏ nhựa đựng quả, mỗi giỏ mười cân. Hương vị anh đào cứ thế mà ngập tràn trong thung lũng.

Tua du lịch ngoại giao đi tiếp đến chân núi rồi dừng cho mọi người trèo lên núi. Nàng thuê ngựa cưỡi lên một đoạn. Con ngựa hơi giống con lừa lặc lè leo dần lên. Đến chỗ dốc quá thì Nàng xuống ngựa, tự trèo lên. Pháo đài của những tên cướp biển. Truyền thuyết kể rằng từ thế kỷ thứ chín, cướp biển đã hoành hành ở vùng này. Chúng dong buồm trên khắp eo biển, kiểm soát cả một hải trình đi qua mấy nước. Trước khi quăng mình vào một vụ cướp, chúng hút một thứ thuốc lá gây ảo giác khiến chúng không biết sợ là gì. Thứ thuốc ấy, tiếng địa phương gọi là paiorit. Những tàu buôn châu Âu đi qua, nghe đám cướp biển vừa nhảy lên tàu vừa hú hít những câu paiorit paiorit. Sau này sống sót chạy được về quê hương, họ gọi đám cướp biển ấy là pirate, đọc gần giống như âm paiorit kia.

Cũng có khi gió mùa sóng mạnh. Cũng có khi biển động. Khi ấy đám cướp biển rút về pháo đài của mình. Chính quyền các vương quốc đã nhiều lần bao vây tấn công nhưng không làm sao lên được đỉnh núi cheo leo. Chỉ có đến giữa thế kỷ mười ba, quân Mông Cổ tràn đến. Không thể đánh chiếm được thành quách của quân cướp biển, quân Mông Cổ đã dùng đến thủ đoạn đánh lừa của ngoại giao. Chẳng biết sứ giả của tướng Mông Cổ đã mang đến thông điệp gì mà đám cướp biển đã chịu rời pháo đài trên núi xuống. Điệu hổ ly sơn. Con hổ dữ rời núi non mà xuống đồng bằng thì chỉ là con mèo cùn móng vuốt.

Hướng dẫn viên kể đến đây bèn gài vào một ý với các nhà ngoại giao:

– Như vậy là chúng ta thấy kế sách ngoại giao đã làm được điều mà hàng sư đoàn không làm được.

Họ tiếp tục trèo lên. Người nườm nượp như hành hương. Đường lên cheo leo giữa núi rừng bao la. Gần lên đến nơi thì dốc đứng, người ta phải dựng giàn giáo, làm những bậc thang gỗ và tay vịn sắt cho du khách trèo lên.

Bày ra đấy cả một khu phế tích của pháo đài. Những bức tường xây bằng đá đẽo kiên cố. Những vọng gác đục thẳng vào núi đá. Những ô tường thành hất thẳng quân thù đang leo lên khiến chúng rơi xuống tan xác dưới vực sâu. Vậy đâu là nơi vị chỉ huy quân cướp thể hiện quyền uy trước đoàn thuyết khách Mông Cổ bằng cách ra lệnh cho vài cướp biển nhảy ngay xuống vực sâu, để chứng tỏ rằng họ luôn sẵn sàng chết? Trong khu phế tích còn đầy đủ những phòng hội họp chiến thuật quân binh, những kho chứa lương thực, bể chứa nước đủ dùng quanh năm. Vân vân.

Xuống núi, họ còn đi xem di tích chiến thuyền bị sóng đánh vào vỡ tan trong hang đá. Còn nguyên vẹn một chiến thuyền được lưu giữ trong bảo tàng. Các loại vũ khí. Các loại dụng cụ đi biển. Áo giáp và mũ của cướp biển. La bàn, ống nhòm, kính viễn vọng. Vân vân.

Bốn ngày cả đi cả về. Ấn tượng tuyệt vời. Nàng hầu như gạt hết ra khỏi đầu những vướng bận thời gian qua. Nàng lễ mễ khuân về sứ quán hai giỏ anh đào, mỗi giỏ mười cân. Chia đều cho bảy nhà. Nàng mang túi anh đào sang biếu bà đại sứ. Vừa nhìn thấy Nàng, bà bảo:

– Về rồi đấy à?

Giọng nói có chút ngạc nhiên. Có chút thất vọng. Về rồi đấy à? Tưởng là đi luôn rồi, không về nữa chứ.

– Tuyệt vời cô ạ. Cô có biết từ pirate trong tiếng Anh có nguồn gốc từ đâu không? Chính là từ nơi ấy đấy.

– Thích nhỉ – Bà nói như là nói thật – Cô mà như cháu, cô ở lại luôn rồi.

Nàng đùa theo:

– Vâng, cháu mà như cháu thì cháu đã ở lại luôn rồi.

Đùa xong thì Nàng nghĩ, ừ nhỉ, đấy là một giải pháp. Giờ nàng mới nghĩ bà đưa cho Nàng cái giấy mời là chủ ý vẽ đường cho hươu chạy. Vùng đất ấy đẹp, con bé này mê những nơi như thiên đường, nó sẽ trốn đoàn, xin ở lại tỵ nạn. Nếu không thì chỉ mấy bước là sang bên kia biên giới. Bên ấy bà đã biết là thiên đường du lịch và rửa tiền. Xin tỵ nạn bên ấy càng dễ.

***

Hai chị em đi xem về. Nàng và cậu Điện Đài. Nhà hát opera quốc gia đang công diễn vở Bóng ma trong nhà hát, nhạc kịch của Andrew Lloyd Webber. Xem mãi rồi qua video, những bản dựng của các nhà hát châu Âu và Mỹ. Nhưng đây là một vở diễn sống động trên sân khấu, các nghệ sĩ lớn của một đất nước Nam Á.

Vẫy tay chào cậu bảo vệ người Nam Á trong vọng gác trước cổng sứ quán, Nàng bấm nút từ cho cánh cổng sắt đóng lại. Hai người không vào nhà ngay mà đứng lại trên lối đi rải sỏi dưới gốc cây sồi.

Cậu Điện Đài ngửa mặt nhìn lên tán cây sồi sẫm bóng trong đêm. Cậu giang hai tay ra và hát lại lời của nhân vật nữ trong vở nhạc kịch vừa xem:

In sleep he sang to me

In dreams he came

That voice which calls to me

And speaks my name

Trong giấc ngủ nó hát em nghe / Khi em mơ thì nó đến / Tiếng ấy vút lên gọi em về / Và gọi tên em âu yếm.

Ha ha, Nàng bật cười to, miêu tả giọng ma mà lãng mạn thế, chết tội cái cô nàng trong vở nhạc kịch. Rồi Nàng hát tiếp vào:

And do I dream again?

For now I find

The phantom of the opera is there

Inside my mind

Mà có phải em lại mơ không / Bởi bây giờ em đã biết / Bóng ma ấy ở trong nhà hát / Lại hóa ra ở trong đầu em.

– Đúng rồi – Cậu Điện Đài cười khanh khách – Cô ấy đang bán tín bán nghi rằng không hẳn trong cái nhà hát ấy có ma, mà là mọi người tưởng tượng ra.

Nàng cũng cười theo:

– Nhưng vẫn có ma chứ. Bằng chứng là cuối cùng con ma cũng xuất hiện. Nàng hát lại câu: Bóng ma ấy ở trong nhà hát / Lại hóa ra ở trong đầu em.

Cậu Điện Đài lấy hơi kiểu opera, mặt căng thẳng, giọng vang rền:

He’s there

The phantom of the opera.

Rồi cậu chỉ lên ngọn cây sồi đen kịt:

– Kia kìa, con ma nhà hát.

Động tác đột ngột khiến Nàng cũng giật mình, hơi so vai lại. Rồi lại giật thót một cái nữa. Một cái gì vừa rơi từ trên cây xuống. Rơi đánh bộp.

Nàng rú lên, nhảy lùi hai bước. Vừa nhắc đến ma thì ma rơi ngay xuống đầu.

Định thần. Nhìn chăm chú. Cái vật đen đen vừa rơi xuống đang nhảy lò cò trên lối đi đầy sỏi.

– Một con chim – Cậu Điện Đài nhận ra trước.

Đúng là một con chim. Nó vừa rơi từ trên cây xuống. Bị thương một chân, nó chỉ có thể nhảy lò cò.

Cậu Điện Đài vung tay đuổi xùy xùy. Con chim hoảng hốt nhảy một chân tránh ra xa. Nàng cũng xua tay đuổi cho nó bay lên. Nó cứ nhảy. Nó đang ở tình trạng không bay được.

Nàng cúi xuống nhẹ nhàng cầm con chim lên. Xem xét. Không thấy thương tích ở chỗ nào. Chẳng hiểu vì sao mà nó lại rơi xuống. Lại còn nhảy lò cò. Lại còn không bay lên được. Nàng tung con chim lên để hỗ trợ cho nó bay. Không được. Nó lại rơi xuống. Đặt nó áp vào thân cây sồi cổ thụ, nó cũng không sao bám vào nổi. Chắc nó bị tổn thương đâu đấy trong cánh và trong chân.

– Chị mang nó về mà nuôi – Cậu Điện Đài nhanh nhảu. Rồi cậu đổi ý – Nhưng mà chim sa cá nhảy.

– Thì tốt hay là không tốt? – Nàng hỏi lại.

– Em nghe nói là các cụ kiêng.

Nàng cầm con chim đắn đo một lúc. Kiêng ư? Nhưng mà cũng không thể bỏ nó ở gốc cây thế này được. Trong sân ngoài phố đầy mèo hoang chó hoang.

– Thôi, để chị mang vào nuôi trong cái hộp. Tạm ít ngày cho đến khi nó bay được – Nàng quyết định.

– Kìa kìa, con ma nhà hát – Cậu Điện Đài hét lên thình lình. Rồi cậu chạy vào trong nhà, lao thẳng lên phòng cậu ở tầng hai. Mỗi khi cùng đi xem về muộn, câu cuối cùng của cậu thay cho lời chào để chia tay bao giờ cũng thế. Kìa kìa, ma.

Nàng không phải là kiểu người quá sợ ma. Lần nào cậu kia dọa thì Nàng đều để kệ cho cậu chạy trước lên tầng hai. Phòng của Nàng ở tầng ba. Nàng từ từ theo từng bậc cầu thang đi lên. Đèn ở chiếu nghỉ ở tầng hai và tầng ba đều tắt. Nàng lần tay trên tường để tìm công tắc, bật đèn ở chiếu nghỉ tầng hai.

Cầu thang đi lên tầng ba cũng tối. Thường ngày hễ trời tối là đều bật đèn cầu thang lên. Chẳng nhẽ bóng đèn mới bị cháy. Kìa kìa, ma. Bất chợt lại nhớ câu dọa của cậu Điện Đài. He’s there/ The phantom of the opera.

Nàng đã lên đến tầng ba. Một tay cầm con chim đang run rẩy. Nàng đưa tay kia lần tìm công tắc điện trên tường. Đèn cầu thang chưa kịp bật lên, một bóng đen nhảy xổ ra. Một cánh tay cứng như thép từ phía sau chẹn quanh cổ Nàng. Cậu Điện Đài. Nó dọa mình. Nhưng đùa gì mà kẹp đau thế. Cánh tay càng siết vào cổ, mỗi lúc một chặt và đau hơn. Không phải đùa nữa rồi.

Cướp. Nàng thoáng nghĩ. Cướp nào mà đột nhập được vào đây. Bảo vệ đứng ở vọng gác trước cổng và khu đoàn ngoại giao này vốn là khu vực an ninh tốt.

Nhưng đúng là cướp rồi. Cánh tay đang siết chặt cổ Nàng. Dĩ nhu chế cương. Nàng thu toàn lực trượt nghiêng làm trôi tuột đối phương rồi xoay vòng. Nàng đã thoát được khỏi cái kẹp cổ. Hành lang tối. Chỉ thấy lờ mờ hai cái bóng. Không phải một mà là hai. Chỉ còn phán đoán hướng tấn công để mà du đẩy, trôi trượt và lăng. Không cho các đòn của chúng chạm được vào người mình.

Võ nghệ gì thì cũng thua nếu như bị phục kích. Ta hoàn toàn bị động trước đối phương chủ động. Lại trong bóng tối. Lại với hai đối thủ vạm vỡ. Trước đòn đánh mới của một kẻ phục kích, Nàng hóa giải được bằng cách huy động đôi tay, những bàng thủ, phục thủ, tán thủ. Nhưng chính lúc ấy, kẻ thứ hai đã lợi dụng thời cơ tung một cú thôi sơn vào bụng, hất ngược Nàng lên.

Cú đấm mạnh hất Nàng bay vào bức tường đối diện, rồi rơi bịch xuống góc tường. Đèn bật sáng. Hai kẻ kia xông đến vặn ngược tay Nàng, dùng còng số tám bấm vào cổ tay từ phía sau lưng. Lúc này Nàng mới thấy Nàng đã ngã đè lên con chim. Nó đã văng xuống đất một lúc trước khi bị Nàng ngã xuống và đè bẹp.

Hai kẻ tấn công trông không giống người Nam Á mà giống người Việt. Đau quá, Nàng không hét lên được. Hét lên thì hai gia đình khác ở tầng ba sẽ nghe thấy. Hai kẻ kia dựng Nàng dậy, kéo Nàng liêu xiêu đi theo xuống tầng một. Nàng đang tưởng chúng kéo mình đi ra bằng lối vườn sau, thì chúng lôi tuột Nàng vào phòng khách ở tầng một.

Trời đất quỷ thần ơi. Phải thốt đúng cái câu cửa miệng của bà đại sứ để gọi đến cả quỷ thần. Chúng không phải là kẻ đột nhập. Chúng là người của ta. Chúng không bắt Nàng đi mà chúng chỉ khóa cổ tay Nàng bằng còng số tám rồi lôi Nàng vào phòng họp. Công khai bật cho đèn sáng trưng lên. Ấn Nàng ngồi xuống một chiếc ghế ở giữa phòng. Thế thì càng không thể hiểu được. Quân ta bắt quân mình. Bắt nhầm rồi.

Hai người kia mặt mũi không có vẻ hiểm ác. Một người đang phủi phủi chỗ vai áo bị dính sơn tường màu vàng. Một người thì đi rửa tay rồi quay trở ra, cầm chiếc khăn thấm thấm chỗ sây sát trên cánh tay. Nàng nhớ những khi dạy võ cho bạn bè, Nàng thường đặt ra một tình huống: đêm khuya, đường vắng, ta đi xe máy và bị chặn lại, bị dí dao vào sườn mà bảo nộp xe máy, ta có nộp không? Cho mọi người tranh luận một lúc, Nàng kết luận: nộp. Cậy có võ mà chống cự, biết đâu mất con mắt, mất cái chân cái tay, lúc ấy thì chẳng xe máy nào chuộc lại được con mắt cái tay. Nó đã chủ động thì chẳng võ nào lại được. Vô chiêu thắng hữu chiêu. Ba năm võ Tàu, bảy năm võ Tây, không bằng võ củ đậu bay.

Cửa phòng mở ra. Bà đại sứ lao vào phòng. Bà vừa được báo tin. Bà đưa khăn mùi soa lên chấm mấy giọt nước mắt:

– Trời ơi, cháu ơi, sao khốn khổ thế này. Cháu đã làm gì mà ra nông nỗi này.

Nàng vẫn chưa hiểu chuyện gì. Nàng định nói cô hỏi họ xem họ có nhầm không. Định nói cô bảo họ mở còng số tám cho cháu. Lần đầu tiên bị còng, lại khóa ra sau lưng, vừa đau cổ tay, vừa khó ngồi, dáng ngồi cứ xiêu vẹo. Nhưng rồi Nàng không nói nữa. Linh cảm khiến Nàng thấy ngờ vực cả những giọt nước mắt kia, cả những câu nói xót xa kia.

Mọi người lục tục kéo vào phòng. Đủ cả bảy người. Đại sứ, phó sứ, biệt phái, quản trị, cơ yếu, điện đài. Và Nàng là người thứ bảy, bị còng cổ tay, ngồi giữa nhà. Sáu người kia đứng thành hình vòng cung trước mặt Nàng như dựng lên một cái vành móng ngựa. Bà đại sứ đứng ở một đầu hàng người. Bà không nhìn Nàng mà nhìn hai người đàn ông vừa bắt Nàng. Hai người này đứng hai bên Nàng.

– Trước hết tôi xin đề nghị anh chị em phải hết sức bình tĩnh. Đây là việc của công an của pháp luật. Chúng ta chưa thể phỏng đoán được điều gì và cũng không vội vàng đồn đại. Thông tin mà lãnh đạo sứ quán chỉ có thể nói với các đồng chí lúc này là theo lệnh của nhà, hai đồng chí này sang đây để bắt một nghi can phản động. Trong thời gian hai đồng chí ở đây, đề nghị anh em ta nhiệt tình hợp tác để hai đồng chí hoàn thành nhiệm vụ.

Bà ngừng một lát, quay sang nhìn lướt toàn bộ hàng người. Rồi bà lại nhìn hai đồng chí an ninh:

– Các đồng chí được cử đi công tác đặc biệt, sang đây thì cũng coi như là về nhà. Nếu cần gì, xin các đồng chí cứ cho biết, sứ quán sẵn sàng hỗ trợ về mọi mặt.

Bà lại quay sang hàng người:

– Thôi bây giờ đã khuya, anh em về đi nghỉ. Mọi việc xử lý tiếp theo, đã có tôi và đồng chí biệt phái cùng hai đồng chí cán bộ.

Mọi người vẫn chưa đi ngay. Cậu Điện Đài vẫn nán lại nhìn Nàng, cái nhìn thương cảm và hoang mang. Họ vừa mới hát Bóng ma trong nhà hát ở dưới gốc sồi ngoài kia.

Anh chàng cơ yếu, tức là nhân viên làm mật mã, chắc chắn là người biết ít nhiều về chuyện lạ lùng này. Anh ta đứng lại im lặng nhìn Nàng. Mới tuần trước anh ta nhân lúc không có ai ở xung quanh, đã hạ giọng nói với Nàng: Anh không biết em đã làm gì, nhưng em hãy cẩn thận giữ mình. Trong khung cảnh lúc ấy, Nàng không hiểu phải cẩn thận cái gì. Đoán, chắc là vì anh ta thấy Nàng xích mích với đại sứ. Anh ta khuyên theo kiểu đừng có trứng chọi với đá. Một cô gái non nớt đừng có căng thẳng với một người lãnh đạo cơ quan.

Lúc này thấy anh cơ yếu vẫn đứng lại nhìn mình, Nàng hiểu hơn. Lờ mờ đoán ra nguyên nhân của sự việc. Nhưng mọi thứ vận hành nhanh thoăn thoắt trong đầu lại không thể lý giải nổi. Không. Không hiểu nổi.

Mọi người đã ai về phòng nấy. Chỉ còn lại hai người đàn ông kia và bà đại sứ. Bà sang phòng bên pha một cốc sữa nóng rồi mang sang cho Nàng:

– Cháu uống đi. Và cứ bình tĩnh. Trắng đen thế nào thì để về nước sẽ có luật pháp công minh. Cháu uống đi rồi đi nghỉ, còn lấy sức để đi đường.

Hai tay Nàng đang quặt ra sau. Bà giữ cốc sữa cho Nàng uống hết. Xong xuôi, bà bảo ông biệt phái dẫn đường cho hai người kia áp giải Nàng xuống ga ra ô tô ở dưới tầng hầm. Căn phòng kho ở dưới ấy đã được dọn sạch. Ngày thường nó vẫn để chứa đồ cũ như chăn đệm, bàn ghế hỏng và những đồ vật linh tinh. Bây giờ thì tất cả đã được dẹp ra ngoài, trong phòng chỉ còn mỗi cái đệm bẹp lún. Hai người kia đổi sang còng tay Nàng về đằng trước. Họ đẩy Nàng vào, khóa cửa lại. Chỉ một lúc sau là Nàng rũ xuống, ngủ li bì.

***

Nàng không thể biết được lý do thật sự của việc anh cơ yếu cảnh báo Nàng. Anh ta là người mã hóa những bức điện mật trước khi chuyển sang cho cậu Điện Đài gửi về nước. Cậu Điện Đài chỉ việc gõ tín hiệu Morse tạch tạch xè mà không hiểu nội dung bản mật mã. Anh cơ yếu tất nhiên là biết. Cả cơ quan chỉ có ba người biết là đại sứ, phó sứ và anh. Nhưng những bức điện liên quan đến Nàng thì phó sứ không biết. Bà đại sứ đã tự tay thảo điện và chuyển trực tiếp cho cơ yếu. Nguyên tắc tối mật còn trên cả sinh mạng, cho nên anh cơ yếu không thể tiết lộ nội dung. Anh nhắc xa nhắc gần như thế cũng đã có thể coi là anh vi phạm.

Nói bên lề, dạo còn mặn nồng cô cháu, đã có lúc bà đại sứ buột miệng mà nói rằng bà đang bồi dưỡng cho Nàng và sắp tới sẽ đề nghị chi bộ kết nạp Nàng vào đảng. Nàng là con dao pha, thượng vàng hạ cám bà đều trông cậy hết ở Nàng. Làm thư ký cho đại sứ, phiên dịch cho đại sứ, thảo các loại văn bản cho đại sứ, nhắc nhở đại sứ về giờ giấc tiếp xúc, đi đường xa thì xách cặp kéo va li cho đại sứ. Nàng là thư ký cộng lái xe cộng tạp vụ. Ba trong một. Một người như thế mà được kết nạp đảng, nguyên tắc phải là đảng viên mới được thảo điện mật và đọc điện mật, thì khi ấy nàng hoàn toàn là bốn trong một. Khi ấy Nàng sẽ là cái đầu con mắt cái tay cái chân cho bà. Trọn vẹn một người đầy tớ của nhân dân, quên, của lãnh đạo.

Ngay cả nếu Nàng đã là đảng viên, đã đủ tư cách xử lý điện mật thì trong vụ này, chắc chắn bà đại sứ cũng không để Nàng biết. Đơn giản. Đối tượng chính là Nàng.

Bức điện đầu tiên bà đánh về là báo cáo khẩn cấp về một trường hợp nguy hiểm. Cô ta là thư ký đại sứ. Gần đây cô ta đã bộc lộ những biểu hiện ly khai, vọng ngoại, chống phá.

1.Cô ta đã công khai bộc lộ tư tưởng vọng ngoại, ca ngợi sự tốt đẹp của chủ nghĩa tư bản, gọi chủ nghĩa tư bản là thiên đường. Biểu hiện gần nhất là cô ta đã tự ý bỏ việc cơ quan, trốn xuống biên giới phía Nam bốn ngày, đi khảo sát tuyến đường biên giới và bắt mối để chuẩn bị vượt biên sang nước bên kia. Đất nước bên kia là một nơi phát triển du lịch, nơi trú ẩn của tội phạm rửa tiền từ nhiều nước, đồng thời là nơi có chính sách dễ dàng tiếp nhận người tỵ nạn.

2.Cô ta có biểu hiện thần kinh nặng, thường gây gổ với mọi người, tung tin xấu gây nghi kỵ trong cơ quan, phá hoại khối đoàn kết của cơ quan, làm mất lòng tin giữa lãnh đạo với cán bộ, giữa cán bộ với nhau. Đã được giáo dục nhắc nhở nhiều lần, nhưng diễn tiến tình hình ngày càng xấu đi chứ không được cải thiện.

3.Cô ta hiện giữ nhiều thông tin mật và nhạy cảm của đại sứ quán. Nếu cô ta đào ngũ chạy trốn, khả năng là sẽ lên báo chí nhiều nước nói xấu chế độ ta, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và chế độ.

Bức điện đầu tiên vừa gửi đi ngày hôm trước. Ở nhà chưa kịp hết cơn choáng thì bà bồi tiếp điện thứ hai.

1.Tình hình ngày càng xấu đi. Cô ta đã bí mật chuẩn bị đồ đạc gọn nhẹ để đi trốn.

2.Sứ quán chỉ có một cán bộ biệt phái. Nhưng cán bộ này đã gần tuổi về hưu, mắc bệnh ngủ và không đủ năng lực xử lý vấn đề.

3.Đề nghị nhà gửi ngay cán bộ có chuyên môn sang áp giải nghi can về nước.

Ghi chú: cô ta có võ, có khả năng kháng cự mạnh. Đề nghị nhà cử ít nhất là hai đồng chí có chuyên môn.

Hai bức điện đã gây chấn động trong bộ. Thỉnh thoảng vẫn có một cán bộ ngoại giao đào ngũ. Sự việc đó làm hư hao hình ảnh ngoại giao và ảnh hưởng đến thể diện đất nước. Các cục vụ liên quan được triệu tập. Ông thứ trưởng phụ trách khu vực Nam Á đồng thời phụ trách công tác an ninh bảo mật của bộ. Ông vội vàng mời cơ quan an ninh sang bàn biện pháp phối hợp. Rốt cuộc, hai cán bộ an ninh được gửi đi, đúng như yêu cầu của sứ quán.

Nàng không hề biết rằng chính mình đã ký vào án tử hình cho sự nghiệp của mình khi báo cho bà đại sứ biết rằng Nàng đã phô tô hóa đơn chứng từ, thêm nữa lại còn ghi âm câu nói chết người của bà. Nàng đã điểm đúng vào cái huyệt độc. Những người như bà đã hiểu sai về danh xưng đặc mệnh toàn quyền của một vị đại sứ. Ở trong nước thì chỉ là một bà vụ trưởng, ngang vai như mấy chục ông bà vụ trưởng trong bộ. Nhưng ra nước ngoài thì người ta nghĩ rằng vụt một cái mình đã lên làm vương làm tướng. Nhìn sang xung quanh không có ai ngang bằng. Lại mang danh là được chủ tịch nước bổ nhiệm bên cạnh tổng thống nước bạn. Vua rồi còn gì. Thống lĩnh cả một vương quốc. Sứ quán là vương quốc biệt lập của họ. Tai mắt của bộ thì đã xa rồi. Gốc gác căn tính của con người là lòng tham. Gốc gác của lòng tham là kinh tế. Giờ thì chỉ còn một mình ta tự tung tự tác. Sự làm vua đầu tiên và cơ bản nhất là làm vua về kinh tế, về tài chính.

(Hết)

Comments are closed.