Ngày xuân nói chuyện thơ

Trần Mộng Tú

Câu nói “Mỗi người Việt là một thi sĩ” chắc ai cũng biết và cũng hơn một lần nói đến. Có một vài bài thơ đăng báo, được bạn bè gọi là thi sĩ, có tập thơ in ra, rồi tổ chức ra mắt sách lại càng định vị “thi sĩ” chắc chắn hơn nữa. Ngay cả những người chưa đăng báo thơ, chưa in sách bao giờ trong đời, chắc đôi khi cũng tức cảnh sinh tình làm dăm ba câu thơ nhâm nhi hoặc đọc cho bạn bè nghe, và coi mình như một “thi sĩ nghiệp dư”. Có lẽ người Việt mình là người chuộng thơ nhất thế giới. Ở trong nước hiện nay, mỗi năm khoảng 7000 tập thơ được in ra. Ở hải ngoại không rõ số in là bao nhiêu, nhưng riêng ở quận Cam, bang California số thi sĩ nhiều hơn số cam trong siêu thị. Chắc chắn trong số cam đó có nhiều trái chua, nhưng trái ngọt cũng không ít.

Thơ hằng hà sa số thế, nhưng thế nào là một bài thơ hay?

Chính Cao Bá Quát, một thi sĩ có tiếng là tự phụ, đã từng khẳng định là trong dân gian có ba bồ chữ, anh em ông đã chiếm hai bồ, còn một bồ đem phân phát cho cả bàn dân thiên hạ, nhưng khi được hỏi về thơ ông cũng phải thốt lên: “Nói về thơ thì thật là khó lắm!”

Thơ là gì mà khó thế?

Ông thi sĩ A khá nổi tiếng, được mời lên phát biểu trong buổi ra mắt của thi sĩ B, ông A nói:

– “Tôi đọc thơ của ông B, tôi thấy hay như đọc thơ của tôi vậy.”

Khi thi sĩ A nói như vậy, không có nghĩa là ông A tự khen mình. Ông chỉ muốn nói cho độc giả hiểu rằng: Một bài thơ hay, là khi độc giả đọc bài thơ đó, thấy nó gần gũi, thân thiết với mình đến nỗi mình có cảm tưởng như của mình vậy.

Thưởng ngoạn thơ còn tùy thuộc vào những rung cảm của mỗi cá nhân đối với bài thơ. Có thể mỗi thi sĩ có riêng một số độc giả của mình. Thi sĩ A có một số độc giả thích thơ của ông, nhưng một số khác đọc thơ ông lại khó chịu với cách dùng chữ cầu kỳ trong thơ ông.

Nhưng cái hay của cầu kỳ không phải ai cũng làm được. Như câu thơ dưới đây:

Em đài các lòng cũng thoa son phấn

Hai bàn chân kiêu ngạo giẫm lên hoa

Ôi vô luân trong một phút không ngờ

Ta bỗng muốn trở nền người vô đạo

(Đinh Hùng)

Một câu thơ khác rất mộc mạc nhưng không kém hay.

Đêm đêm anh đếm sầu riêng rụng

Như đếm hồn anh nỗi nhớ chung.

(Định Nguyên)

Vậy cái hay của thơ không phải tại cầu kỳ, hay giản dị. Mà chính vì trong chữ nghĩa của thơ có chuyên chở được điều gì không.

Có một câu thơ của Du Tử Lê đọc lên chẳng hiểu ông ta định nói điều gì, câu thơ không thuộc dạng cầu kỳ, cũng không giản dị. Một câu thơ lơ lửng không rõ nghĩa nhưng vẫn thấy hay. Nó hay vì khi đọc lên cái âm đọng lại rất “thơ”: “Em hiểu vì sao chim gọi nhau”. Như vậy thì yếu tố “thơ” trong câu cũng rất quan trọng.

Khi thi sĩ Pablo Neruda (nhà thơ Chile, 1904-1973) ở trong phim Post Man, cắt nghĩa về thơ cho người đưa thư, ông nói:“Làm thơ phải cần ẩn dụ.” Cứ viết được mỗi một câu thơ anh đưa thư lại hỏi ông thầy: Ẩn dụ? Ẩn dụ? Ẩn dụ? Ông thầy lại bảo: “Ẩn dụ nhiều quá cũng không được”. Anh học trò đang học làm thơ, chẳng biết đâu mà mò.

Chúng ta có thể so sánh hai bài thơ của hai thi sĩ nổi tiếng Rumi (nhà thơ Ba Tư, 1207-1273) và Bùi Giáng (nhà thơ Việt Nam, 1926-1998) để thấy cái hay của ẩn dụ và cái hay của thực tiễn.

Tôi đứng bên bờ điên loạn

Lòng vẫn tự hỏi vì sao

Tôi gõ vào cánh cửa

Cửa mở

Tôi gõ từ bên trong

(Unseen Rain)

Một người đang tập đọc thơ, nếu được đưa cho đọc bài thơ này, hẳn sẽ kêu ầm lên.

“Nói cái gì mà đau đầu thế! Cái ông thi sĩ này vừa đi đâu về hay đang đứng đằng sau cánh cửa?”. Cái “đau đầu” đó chính là ẩn dụ.

Hãy thưởng thức một đoạn thơ trong bài thơ Cảm Ơn của Bùi Giáng

Cảm ơn người đã cho tôi

Những thương nhớ lạ lùng từ bấy lâu

Người đi – Thời thế đổi màu

Người về – Mỗi phút dồi dào móc mưa

Nhớ người sương sớm nắng trưa

Cành cây rũ lá buồn ô quá buồn

Tôi thành ra kẻ mất hồn

Ngày mai tôi chết tôi buồn ra sao?

Thi sĩ làm thơ như nói chuyện, cắt nghĩa từng chữ một. Một người đang tập đọc thơ chắc hiểu ngay, không kêu đau đầu nữa. Nhưng đoạn thơ giản dị này vẫn mang đầy chất thơ. Thi sĩ “thứ thiệt” mới dùng chữ “ô” tài tình trong câu thơ, mới nhìn cành cây rũ lá, ô lên một tiếng “buồn” như thế.

Ở thơ Rumi, cửa mở, tôi gõ từ bên trong làm cho người đọc bàng hoàng, không biết đối phó thế nào với một thế giới của chữ nghĩa đầy ẩn dụ, mới mở ra.

Ngoài cái hay của ẩn dụ, và không ẩn dụ. Một bài thơ gọi là hay còn dựa trên nhiều điểm, nếu chỉ nói lên được một, hoặc hai trong những điểm sau cũng đủ hài lòng độc giả.

Sự Sáng Tạo Trong Tư Tưởng:

Anh thương em như thương một bà Trời

Em thương anh như thương ông Trời bơ vơ

Kể ra từ bấy đến giờ

Tình yêu phảng phất như tờ giấy rung

(Bùi Giáng)

Hay thật! Đang cái tình yêu rừng rực như ông Trời với bà Trời mà chỉ còn lại một tờ giấy rung phất phơ. Như vậy gọi là sự sáng tạo tư tưởng.

Sự Sáng Tạo Trong Chữ Nghĩa:

Ta cúi đầu đi khỏi bãi đời

Như vì sao mỏi muốn lìa ngôi

Như thuyền xa bến vào muôn thuở

Tới đáy rừng chôn giấc ngủ voi

(Mai Thảo, 1927-1998)

Những chữ: bãi đời,vì sao mỏi, giấc ngủ voi đều mang tính chất sáng tạo chữ nghĩa.

Sự Tưởng Tượng So Sánh Trong Ý và Chữ:

Lúc ngồi chờ người yêu đến bao lơn, lá cây không rì rào, nước sông nằm im như thanh kiếm trên gối của người lính gác đang ngủ khò.” (Rabindranath Tagore, 1861-1941, Calcutta – India)

Nước sông mà như thanh kiếm nằm ngang (cương nhu có cả) thì không còn sự so sánh nào đẹp hơn nữa, chỉ có con mắt của thi sĩ mới nhìn ra như vậy.

Cấu Trúc Của Bài Thơ:

Hãy đọc đoạn thơ dưới đây

Con đường xưa

bóng cây đó

còn nao nức hương thơm

Em thấy chưa

cứ mỗi tình yêu

lại có một con đường

để nhớ

đêm đi qua một mình

sao chịu nổi

đời tình nhân làm khóc những ngôi sao.

(Thơ Đỗ Quý Toàn)

Người khó tính cũng nhận ra đoạn thơ này là một phối hợp đẹp của cả ý, lời, và cấu trúc. Đây là một đoạn trong bài thơ tự do có năm đoạn của nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Câu thơ cuối làm rung cả đoạn thơ là một hàng thơ tám chữ. Bài thơ này viết vào khoảng 1958-59. Bây giờ thi sĩ viết bình luận kinh tế và chính trị nhiều quá, không làm thơ nữa, thật uổng!

Nếu một bài thơ không chuyên chở được tính chất sáng tạo trong chữ, ý không có chiều sâu hay ẩn dụ, không cấu trúc không cả “hơi thơ” chắc không thể nào gọi là thơ được.

Nhớ anh em ăn phở

Ăn xong vẫn còn nhớ

Em ăn thêm tô nữa

Anh đang ở đâu.

Thơ như thế này, thì nếu có ai nuôi tôi cơm ngày hai bữa, quần áo mỗi năm ba bộ, tôi sẽ làm độ 48 bài một ngày.

Dưới đây là một bài đăng dưới mục thơ trong Tạp chí Thơ như bài “Mai Đi Làm Sớm”

Bốp bốp bốp, hẻm đêm, độp

ỏa ỏa ỏa, lóe, ré ré

phố nhằm mặt ông cò tên cướp

hey, đừng quậy kính, gác đèn mờ

giết nhau gì ồn quá

tội em thức giấc lờ đờ.

(Nguyễn Hoàng Nam, Tạp vhí Thơ)

Không biết có phải tác giả định làm thơ hay chỉ viết một cái gì đó cho đỡ buồn buồn những ngón tay thôi. Nhưng cũng có người khác sẽ khen là “tuyệt vời” hay “Tân Hình Thức” đấy! Quả là nói về thơ, khó thật!

Nếu một bài thơ bắt chước cách làm thơ, dùng chữ của người khác (thi sĩ đã nổi tiếng) cũng sẽ hỏng ngay. Vì dù bắt chước thật giỏi cũng không thể nào hay bằng ông/bà thi sĩ đó được. Người làm thơ cần có văn phong, thơ tứ riêng của mình. Cái hay là cái tự nhiên của mỗi tác giả, không mượn vay của người khác được.

Hoặc bài thơ được gọi là hay, đôi khi chỉ vì nó hợp đúng với tâm trạng của người đọc.

Đang mê mẩn vì yêu, đọc được bài thơ ca tụng tình yêu; đang điên loạn thất tình nhận được bài thơ oán trách, mai mỉa người phụ bạc. Chắc chắn hai bài thơ đó được cắt ra dán ngay ở đầu giường. Cho dù hai bài thơ đó, nếu đọc trong lúc đầu óc sáng suốt chẳng tìm ra được một chữ nào hay.

“Nói về thơ thì thật là khó lắm.” Nói cả một cuốn sách chắc cũng không hết. Bài thơ có thể hay ở thời đại này nhưng sang thời đại khác không còn hay nữa. Hoặc bài thơ có thể từ thế kỷ này qua thế kỷ khác vẫn được người đời truyền tụng. Nhưng khi hoàn cảnh bài thơ ra đời, đánh dấu một cái mốc lịch sử cũng làm bài thơ trở thành bất tử.

Hoặc có những đoạn thơ mà chỉ đọc một lần, không thể nào quên được, nó thấm ngay

vào trí nhớ người đọc chỉ vì người đọc cùng rung được một nhịp đập của người làm câu thơ đó.

Tôi gửi đời tôi trong tóc ấy

Ôm người chưa chắc nổi vòng lưng

Chiếc hôn đầu chết trên vừng trán

Môi đã ngàn năm biết tủi hờn

(Trần Dạ Từ)

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội

(Nguyễn Đình Thi)

Có phải lòng mình là hương cốm

Không biết tay ai là lá sen

(Nguyên Sa)

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trằng có thấy nguyên màu ấy không

Ta đi còn gửi đôi dòng

Lá rơi có dội ở trong sương mù

(Bùi Giáng)

Những câu thơ tuyệt vời như thế này, làm sao mà quên được!!!

Comments are closed.