Nhà văn Trần Kim Trắc: Tôi nhìn viết văn như một nghề chơi…

Nhà văn Trần Kim Trắc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Linh Giang

image

Nhà văn Trần Kim Trắc

Gặp ông ở hàng lang đại sảnh của Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tôi không ngờ ông già bình dân, người gầy nhỏ, mái tóc bạc trắng như một ông già quê chân chất đó lại là nhà văn Trần Kim Trắc – cây bút bước vào tuổi già lại “sung sức” như tình yêu vào tuổi hồi xuân. Tôi xin ông một cái hẹn. Và rồi, một chiều Sài Gòn nắng gió, tại nhà riêng của ông ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, ông đã dành cho tôi một cuộc mạn đàm, chuyện trò lan man về chuyện văn, chuyện đời. Như đã nghiền ngẫm, nung nấu từ lâu, ông vào chuyện…

-Nhà văn Trần Kim Trắc: Thường người viết văn hay mắc phải một cái là vì mục đích tự thân của nhà văn mà viết văn. Đặt yêu cầu đó lên trước nên nhà văn đi đến viết theo chủ quan. Muốn viết cho khách quan, phải đảo ngược lại, đi từ độc giả rồi trở lại với nhà văn, chứ không phải đi từ nhà văn ra độc giả. Khi nghĩ như vậy thì đặt lại vấn đề: viết văn để làm gì?

Mục đích của viết văn là làm cho người ta vui và xúc động. Cái đó trước đã. Và có vui, xúc động thì người ta mới mua sách đọc, mua vé vào coi hát. Đầu tiên nên vậy.

Muốn làm cho người ta vui, người ta cảm động thì phải có phương tiện là sự kiện và nhân vật. Nhân vật thể hiện sự kiện. Muốn câu chuyện sinh động thì nhân vật phải có tính cách, có cá tính, không nhân vật nào giống nhân vật nào. Muốn nêu bật tính cách đó ra thì phải cho người ta va chạm với sự kiện và những chi tiết sự kiện thì nó bộc lộ ra để mà “tri nhân, tri diện, bất tri tâm”, xét con người không phải bề ngoài mà bên trong người ta. Bên trong phải “đụng chuyện” mới bộc lộ ra. Muốn vậy, sự kiện phải giàu chi tiết. Có thể so sánh như cây, nếu có cốt chuyện mà không có chi tiết thì như có thân mà không có cành, có cành mà không có lá, có lá mà không có hoa. Cái này liên quan đến cách nhìn xã hội của nhà văn. Xã hội không bao giờ chỉ là một mặt tốt hoặc xấu, mà cuộc đời có những sự điên rồ của nó. Không có điên rồ thì không phải cuộc đời, mà không có cuộc đời thì lấy gì khắc chế điên rồ. Cũng như Bác Hồ dạy: con người ai cũng có ưu điểm và cũng có khuyết điểm nhưng ưu điểm là chính. Nhìn cuộc đời phải nhìn hai mặt: trắng đen, tốt xấu, thiện ác… Có cái nhìn như thế thì nhà văn mới nêu bật cá tính của nhân vật mình. Đơn thuần đi vào cái phi thường cũng chưa hay. Đơn thuần đi vào cái xấu thì càng không hay. Hai mặt đó luôn đan xen vào nhau, vĩnh cửu nó vẫn như thế.

Đầu tiên là viết văn để vui và xúc động. Sau đó kinh qua nhân vật và sự kiện nêu ra trong tác phẩm, hay nói đúng hơn là nhà văn núp sau nhân vật của mình, để đưa ra ý tưởng của nhà văn, hướng về CHÂN – THIỆN – MỸ: là cái chính trị cao nhất của cuộc đời.

+Nhà báo Nguyễn Linh Giang: Truyện của ông đậm đặc các chi tiết, có những chi tiết thật bất ngờ, đắt giá. Có phải đây là kết quả của cuộc sống bôn ba, từng trải của ông? Vậy, ông có thường quan sát, ghi chép các chi tiết của đời sống để chọn lọc đưa vào tác phẩm hay khi viết thì những chi tiết đó tự ập đến?

-Cuộc đời tôi là những chuyến đi. Đi một tấc đàng học một sàng khôn. Tôi đi từ hồi còn con nít. Mẹ chết. Tôi đi học, buồn chuyện gia đình nên ra đi. May mắn là tôi đi theo kháng chiến, đi từ Mũi Cà Mau đến rừng núi Việt Bắc, mà phần nhiều là đi bộ. Đi nhiều, sống nhiều nơi, làm nhiều nghề, tôi tiếp xúc được với nhiều giới, nhiều hạng người. Tôi thấy cuộc đời thật muôn vẻ, ở đâu cũng có lòng nhân hậu và ở đâu cũng có những trò đểu.

Tôi không có thói quen ghi chép. Cái gì nó làm cho mình xúc động hay nó đập vào mắt làm cho mình chú ý thì khiến cho mình nhớ lâu. Đó là đề tài, chi tiết. Trong cuộc sống, mắt thấy tai nghe những sự việc của cuộc đời trôi qua trước mắt, rồi lại quên đi. Nhưng lúc nào đó, nhớ lại và tưởng tượng thì đó là những đề tài rất phong phú.

+Từ năm 1954 ông đã được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (Truyện “Cái lu” – giải ba). Vì sao suốt 40 năm, ông “im hơi lặng tiếng” để rồi khi về già, ở tuổi 70, ông lại vụt sáng, viết sung sức, mấy năm gần đây, năm nào cũng có sách? Tính từ lúc “tái xuất giang hồ” với tập “Ông Thiềm Thừ” (1994, giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn 1995), đến nay đã có thêm năm tập truyện (Hoàng đế ướt long bào, Học trò già, Trăng đẹp mình trăng, Chuyện nàng Mimô, Văn hóa đám giỗ).

-Tôi đến với văn chương là cả một sự bất ngờ. Lúc vào chiến khu, tôi được điều về Ban tuyên truyền của Tiểu đoàn 307. Nhiệm vụ của tôi là làm báo. Tôi viết truyện ngắn “Cái lu” không ngờ được hoan nghênh, được chuyển thể thành kịch, được trao giải thưởng và được kết nạp vào Hội Nhà văn. Thật sự, tôi chưa chuẩn bị cho mình là một nhà văn. Thời gian dài không xuất hiện là vì tôi không viết. Sau giải phóng, gặp lại anh em viết văn, gặp lại anh em đồng đội ở Tiểu đoàn 307, tôi thấy nợ máu xương với anh em, anh em động viên tôi viết lại. Tác phẩm trước gợi tác phẩm sau nên mới viết nhiều.

+Nghe nói, các bản thảo tác phẩm của ông thường được bà nhà đọc trước và là người chép lại bản thảo. Có đúng như vậy không? Ông có thể cho bạn đọc biết đôi điều về “điểm tựa” của cuộc đời ông.

-Nhà văn muốn hiểu được nhân vật, trước nhất phải hiểu mình đã. Mình tự suy xét, coi mình tốt xấu như thế nào. Nhận rõ hai mặt đó của mình mà hiểu mình, không ai hơn người bạn đời của mình. Cho nên, mình cũng là đề tài, mà bản thân người bạn đời của mình cũng là đề tài của mình.

Nhà tôi giúp đỡ tôi nhiều. Điều may mắn là bà cũng thích đọc sách. Tôi nghiệm, thường là nghĩ chuyện lớn thì đàn ông hơn đàn bà nhưng sâu sắc để thấy mặt trái của con người thì người phụ nữ, người vợ sâu sắc hơn chồng. Gặp chuyện, có khi giữa vợ chồng bàn qua bàn lại thì sáng ý ra.

+Ông đã từng phát biểu quan điểm: “Tôi sống tức là tôi đã viết”. Đành là vậy. Song, người đời vẫn đánh giá một nhà văn qua tác phẩm của họ. Và như vậy, tác phẩm quan trọng nhất trong cuộc đời nhà văn Trần Kim Trắc đã được viết hay chưa?

-Tôi nhìn viết văn như một nghề chơi, nghề chơi cũng lắm công phu. Nhưng không được xấu chơi. Tôi không có dự định. Tôi nhớ cái gì và tôi thấy cái nào thích nhất thì tôi viết.

+Xin cám ơn nhà văn Trần Kim Trắc về cuộc trò chuyện này và xin chúc ông đi đến cùng trong nghề-chơi-công-phu này.*

 

Không có mô tả.

Nhà văn Trần Kim Trắc trong tư gia của mình.

 

*Bài đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 342, ngày 10/02/2000.

Comments are closed.