Nhà ngữ học Hoàng Tuệ và nhà văn Bảo Ninh

Trần Đình Sử

Trong một bài báo khoa học tại Hội thảo Văn học Đổi mới ở Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhà văn Bảo Ninh cho biết, cha ông, nhà ngữ học Hoàng Tuệ có ảnh hưởng lớn đến con đường văn học của ông. Thời còn học trung học ông cũng không mấy thích học văn, điểm số thường là 3 hay ba trừ theo thang điểm 5 bậc của Liên Xô. Sau khi giải ngũ sau năm 1975 Bảo Ninh đọc rất nhiều sách tiểu thuyết có trong tủ sách của cha, có nhiều cuộc trò chuyện về cuộc sống với cha. Đặc biệt, có lần người cha đi Pháp mang về cuốn tiểu thuyết Cuộc đời và số phận (Жизнь и судьба) của Vasilii Semenovich Grossman, mà người cha đã đọc và dịch miệng cho nhà văn Bảo Ninh nghe, và cuốn tiểu thuyết đã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn nghiệp của Bảo Ninh.

Grossman (1905-1964), là người Ukraina gốc Do Thái, cùng thời với nhà thơ Konstantin Simonov, Ilia Erenburg, thời trẻ đã từng gặp Maxim Gorki, được nhà văn khích lệ.

Cuộc đời và số phận của Grossman là cuốn tiểu thuyết như thế nào mà có ảnh hưởng lớn như vậy? Đó là bộ tiểu thuyết hai tập của nhà văn Grossman. Tập 1 có tên là Vì sự nghiệp chính nghĩa (За правое дело), viết từ sau năm 1946 và xuất bản năm 1952, ca ngợi các tấm gương hi sinh theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tập 2 mang tên Cuộc đời và số phận viết sau khi Stalin chết. Tiểu thuyết bắt đầu viết từ năm 1955 đến năm 1960 thì hoàn thành. Ông đem đến tạp chí Thế giới mới và tạp chí Tháng Mười để đăng, nhưng bị từ chối. Có ai đó báo cáo Tuyên giáo và bản thảo bị lục soát, tịch thu. Nhà văn viết thư cho Bí thư thứ nhất Nikita Khrushchev, và ông được mời lên làm việc. Mikhail Suslov, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách Tuyên giáo, nói thẳng với nhà văn: Tác phẩm của đồng chí hai, ba trăm năm nữa cũng không thể xuất bản được. Thế nhưng sau khi nhà văn mất, khoảng năm 1980 nó được xuất bản bằng tiếng Nga tại Thuỵ Sĩ. Không rõ bản sách mà giáo sư Hoàng Tuệ mua ở Pháp về là bằng tiếng gì. Còn ở Nga thì tiểu thuyết này được in vào năm 1988 dưới thời Mikhail Gorbachev. Ở Việt Nam tất nhiên là chưa thể có bản dịch tiếng Việt. Tôi đoán vậy.

Bởi nội dung tiểu thuyết viết về số phận một gia đình, gia đình nhân vật Lyudmila Nikolaevna Shaposhnikova. Bà này học trung học trước 1917, lớn lên trong thời Liên Xô có hai đời chồng và bốn con. Bối cảnh tiểu thuyết là cuộc chiến đấu trong chiến dịch Stalingrad, nhưng câu chuyện xoay quanh số phận của các nhân vật trong gia đình trên. Tiểu thuyết kể về những người bị vu oan, bị cho vào trại tập trung và bị giết khoảng năm 1937, người thì bị phát xít bắt và hãm hại. Nhà văn luôn liên hệ chế độ xô viết với chế độ Hitler (Đảng Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia hay dịch thành Đảng Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa mà ta dịch là Đảng Quốc Xã. Thực ra Hitler cũng theo chủ nghĩa xã hội), tả chúng nhiều điểm giống nhau. Đáng chú ý là trong tiểu thuyết ấy có chi tiết khi lính trinh sát Đức ở gần lính trinh sát Nga, họ phát hiện nhau, nhưng họ không bắn nhau, lại có chi tiết, người lính Nga bị bắt, đói, rét, lính Đức thương và cho bỏ trốn, người này sau đó được một phụ nữ Ukraina cứu. Ở trận Stalingrad, khi lính Đức rơi vào thảm cảnh bị bao vây, có những phụ nữ Liên Xô đã chia sẻ cho chúng những mẩu bánh mì. Giữa lính Nga và lính Đức có sự đồng cảm về số phận. Đó là những tư tưởng đại nghịch đối với tư tưởng chủ lưu và không thể xuất bản ở nước cộng sản chính thống. Nó vạch trần sự thật của thời kì chuyên chế của Stalin. Trên thực tế nó đã được xuất bản sớm hơn nhiều so với dự đoán của ông Suslov.

Sau cuốn sách trên nhà ông bị lục soát, toàn bộ bản thảo bị KGB tịch thu hết. Ông đã xin gặp Khrushchev để xin lại các bản thảo mà ông đã dành trọn đời để viết, nhưng không thành công. Ông bị coi là người tuyên truyền chống chế độ xô viết. Sức khỏe của ông bị hủy hoại trong thời gian bị đàn áp. Ông mất vì ung thư thận năm 1964, sau một cuộc giải phẫu không thành công, khi mới 59 tuổi.

Sáng tác của ông gồm 23 cuốn tiểu thuyết. Dư luận nhiều nhà nghiên cứu Nga xem Cuộc đời và số phận có tầm cỡ ngang với Chiến tranh và hòa bình. Về vẻ đẹp ngôn ngữ nó tiếp cận với các danh tác cổ điển. Nó thuộc vào số tiểu thuyết hay nhất thế kỉ XX của Nga.

Khi viết Nỗi buồn chiến tranh theo kiểu Grossman, không phải Bảo Ninh không biết trước những hiểm nguy đang chờ đợi ông, như cuộc đời của nhà văn Nga mà cha ông đã cho ông biết. Nghệ thuật của ông có tính chất dấn thân. Từ đây ta thấy ý thức nghệ thuật và tinh thần dũng cảm của nhà văn Bảo Ninh.

Giáo sư Hoàng Tuệ, từng là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, người thường viết về chính sách ngôn ngữ của nhà nước, viết về chuẩn hoá tiếng Việt, đời sống trong ngôn ngữ, lại còn có một mối quan tâm đặc biệt về văn học, có những câu chuyện tâm đắc riêng để đàm luận cùng với cậu con trai về văn chương và thời cuộc, đối với chúng tôi thật là một điều bí mật mới được hé lộ.

Đối với chúng tôi ông là một bậc thầy, bậc đàn anh đầy uy tín. Ông thường chê anh này lười biếng, khen anh kia chiụ đọc. Ông luôn quan tâm sự đọc của lớp trẻ. Trong những bản nhận xét về sách giáo dục của tôi, ông viết với rất nhiều khích lệ. Có lần ông bảo tôi: Các bài viết của anh đã được tôi đánh dấu rồi đấy. Có lần ông bảo: Cậu được để ý đấy. Tôi hỏi lại thì ông không đáp. Bây giờ đọc lại thì tôi hiểu được phần nào. Câu chuyện của nhà văn Bảo Ninh cho thấy một tầm vóc tư tưởng của nhà ngôn ngữ học lớn. Có người cha ấy mới có nhà văn ấy. Chúng tôi càng thêm kính mến giáo sư Hoàng Tuệ.

image

Mộ Vasilii Semenovich Grossman tại nghĩa trang Troyekurovskoye ven Moscow

image

Giáo sư Hoàng Tuệ và nhà văn Bảo Ninh

Comments are closed.