Nhớ thầy Phạm Toàn

Nguyễn Đức Tùng

clip_image002

Về Hà Nội, càng nhớ Phạm Toàn, nơi tôi được gặp ông hai lần, một lần một mình, một lần với Chu Hảo. Đối với tôi, ông là người anh, người thầy, người bạn. Tháng 3 năm 2017, nhân dịp Văn Việt trao tặng các giải thưởng hàng năm ở Sài Gòn, ông có rộng lượng viết “Lời cảm ơn Văn Việt và Nguyễn Đức Tùng”, với đoạn mở đầu như sau:

“Bạn Nguyễn Đức Tùng là cộng tác viên trang mạng Văn Việt, cũng là thành viên Thê đội 4 Cánh Buồm, thê đội khá đông đảo nhà giáo và nhà văn tham gia biên soạn sách bậc trung học cơ sở Cánh Buồm.”

Tôi vẫn nhớ cảm giác khi đọc dòng ấy: xúc động. Xúc động không phải vì được ông cám ơn, vì lẽ ra người nói lời cám ơn ấy là tôi chứ không phải Phạm Toàn. Xúc động vì được ông chính thức đưa vào danh sách những người tự nguyện sắp hàng đứng bên cạnh mình, sau lưng mình. Nghĩ đến Phạm Toàn, người ta có thể nghĩ đến nhiều thứ: một dịch giả tài hoa, một trí thức uyên bác, một nhà giáo tận tụy, người khởi xướng tủ sách Cánh Buồm. Riêng tôi, tôi nghĩ đến Phạm Toàn như một phong cách. Phong cách ấy trong văn chương gọi là bút pháp. Phong cách Phạm Toàn trong giáo dục là một thứ gì đã được nâng lên từ toàn bộ đời sống của một trí thức, từ sự đọc, sự viết, từ ý chí cống hiến cho học sinh và ý chí loại trừ những thứ phi dân tộc và phi nhân bản. Đôi khi đọc lại các tập sách do ông biên soạn, trong đó có in một số bài viết của tôi, tôi đọc thấy lối nói của ông ở đó, giản dị, dễ hiểu, nhìn thấy nụ cười của ông, ánh mắt thông minh hài hước. Có một sự liên kết chặt chẽ giữa đời sống và công việc ở Phạm Toàn; mối liên kết ấy là đẹp và trọn vẹn, gần như không có trường hợp so sánh. Ở Phạm Toàn, không phải chỉ những tư liệu giáo dục, các sách giáo khoa mà ông viết và biên soạn, không phải chỉ những tư tưởng phát biểu, mà là toàn bộ kinh nghiệm sống và kinh nghiệm xúc cảm của một con người lớn lên trong một thời kỳ khó khăn, vượt qua bóng tối xung quanh mình, đi tới chỗ sáng của nhân loại, trở thành một phần của sự sáng ấy.

Công việc và công trình của Phạm Toàn là một khoa học hiện đại và một nghệ thuật hiện đại: ông tin tưởng vào các nguyên tắc, các giá trị. Được làm việc chung, được bàn luận với ông về các bài viết, tôi học được nhiều điều: cách viết giản dị thích hợp với các em, sự kết hợp giữa một bên là cái nhìn nghệ sĩ một bên là lối trò chuyện thong thả, duyên dáng của nhà giáo trước học sinh nhỏ tuổi. Tôi chưa bao giờ dạy trẻ nhỏ, tôi không có kiên nhẫn lặp lại điều tôi vừa nói xong, vì vậy tôi luôn ngưỡng mộ các thầy giáo cô giáo. Phạm Toàn là người kế thừa của nhiều thứ: các nhà giáo dục nổi tiếng đi trước ông, các nhà văn lớn, các truyền thống cổ điển và hiện đại, Âu Mỹ và Việt Nam. Phạm Toàn mang lại cùng một lúc trước bảng đen và phấn trắng các chủ đề của môn học tiếng Việt và môn văn học, cái nhìn toàn cảnh của một nhà kiến trúc sách giáo khoa, người biên tập tài năng, mối quan hệ gần gũi đối với các thầy cô giáo và các em học sinh, mang những người thầy và những người đi học ấy đến gần nhau, đôi khi trở thành một.

Tôi không phải là nhà giáo dục, nhưng nhờ Phạm Toàn và Cánh Buồm mà tôi có dịp nhìn lại những bài học thời cắp sách của mình, về kiến thức, về văn học, nhưng không phải chỉ văn học, về mối quan hệ thầy trò, những sinh hoạt học đường trước và sau năm 1975, sự so sánh giữa hai nền giáo dục. Khi viết loạt bài về đọc thơ và làm thơ, đã xuất bản trong tủ sách Cánh Buồm, và loạt bài Thư gởi con trai, chưa kịp xuất bản vào lúc ấy, tôi dựa vào những cảm hứng mà Phạm Toàn mang lại. Giờ đây con người ấy, con người hiền hậu, thông minh và hài hước ấy, yêu đời ấy đã yên nghỉ, nhưng những gì ông để lại, những trang sách, những cố gắng không mệt mỏi, tâm nguyện của một nhà giáo nhân dân, vì ông đúng là một nhà giáo nhân dân không cần phong tặng, đúng nghĩa nhất, những thứ ấy sẽ còn ở lại với chúng ta và những thế hệ sau. Khi khuyến khích tôi viết cho Cánh Buồm, Phạm Toàn không chỉ giao việc, ông còn hướng dẫn tỉ mỉ, đề nghị các nguồn tra cứu, đưa ra các gợi ý quan trọng.

Những năm qua, tôi mất nhiều bạn quý, kẻ Sài Gòn người Hà Nội, trong nước, ngoài nước. Những lúc như vậy lòng tôi thật buồn. Sự thương tiếc, sự đau buồn sau khi một người qua đời là một bài giảng bất tận. Sự đen tối, sự thất vọng, sự can đảm. Tất cả chúng ta đều không biết nói gì trước nỗi thương tiếc, mọi diễn văn đều không đầy đủ, tác phẩm văn học viết về thương tiếc không làm trọn công việc của chúng. Chúng ta nhận ra ngôn ngữ bất lực; tôi cảm thấy sự bất công của tạo hóa, muốn những người tốt đẹp sống lâu hơn nữa. Tôi quên mất rằng những người bạn vong niên của tôi như Phạm Toàn, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Ngọc Hiến, Du Tử Lê, Bùi Ngọc Tấn, cũng đã sống khá lâu so với tuổi thọ trung bình. Nhiều ngày cổ họng tôi khô đắng, tâm trí tôi không tập trung. Tôi cảm thấy đau nhức nhiều hơn ở nơi vẫn đau nhức. Những lúc ấy, tôi biết rằng tôi đang thương tiếc một người nào.

Một người nào, như Phạm Toàn.

Ông cũng giống như Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Nguyên Ngọc, những kẻ sĩ cuối cùng. Sự nghiêm khắc và độ lượng. Sự căm ghét đối với những hiện tượng xấu xa đầy rẫy trong giáo dục và y tế và mọi nơi khác. Đúng vậy, tôi học được ở ông lòng yêu cái đẹp, lòng yêu con trẻ, và sự căm ghét đối với cái ác và những kẻ chống lại các giá trị nhân loại.

Không phải Phạm Toàn và phương pháp của ông đã hoàn hảo, không có khuyết điểm. Không có gì trên đời là hoàn hảo, không có nhân vật nào là chân lý: họ chỉ là con đường. Thời kỳ của Cánh Buồm vắt ngang qua nền văn hóa hiện đại, và những điều kiện hậu hiện đại (postmodernity) mới bắt đầu, và sau đó nữa, bây giờ, nếu có thể nói một cách thận trọng, những điều kiện siêu hiện đại (metamodernity). Phạm Toàn mất trước khi ông kịp suy nghĩ về những điều này, nên những người tiếp bước Phạm Toàn, nếu có những người như vậy, tôi nghĩ cần tiếp tục xây dựng đường hướng giáo dục của mình, sửa chữa, bổ sung, thể hiện bằng những bộ sách giáo khoa, dựa trên những khuynh hướng mới của thế giới về văn học, văn hóa, khoa học. Công việc của ông hãy còn dang dở, dự định của ông hãy còn nhiều, không ai có thể sống mãi, nhưng điều mà ông để lại quả thật lớn lao. Ở Việt Nam bây giờ, tôi chưa từng gặp một nhà giáo dục nào độc đáo như thế, giản dị và lớn như thế. Phạm Toàn cần phải được biết đến nhiều hơn nữa. Hình ảnh của ông cần phải được chiếu sáng nhiều hơn trên tấm phông của nền giáo dục của chúng ta, giờ đây hết sức hỗn loạn. Sự an ủi lớn mà chúng ta nhận được là tiếp tục con đường người quá cố đã đi. Tôi hình dung thấy nụ cười hóm hỉnh của ông, lối trò chuyện dịu dàng, tiếng cười lớn, tự tin, bình thản. Sau khi Phạm Toàn mất, lâu lắm, nhiều ngày, một hôm tôi nhận ra rằng thực ra tôi yêu ông.

Cảm giác ấy làm tôi sung sướng đến bây giờ.

Comments are closed.