Ở miền đất ấy (kỳ 1)

 Tiểu thuyết Nguyễn Thanh Hiện 

thế giới là cuộc tháo chạy ngẫu nhiên của các sự vật

Chỉ với 23.786 từ, tác phẩm của Nguyễn Thanh Hiện vẫn có đủ tầm vóc của một tiểu thuyết đầy đặn. Không chỉ ở cấu trúc và nội dung, không chỉ ở những tầng lớp chữ nghĩa giàu sức gợi, nhân lên sự giàu có của ngôn từ, nó còn mang vẻ đẹp của một bài thơ ngợi ca, chắt ra từ nước mắt và những mất mát của một lịch sử…

“là không có gì hết, nhưng cái gì cũng có, là không biết gì hết, nhưng cái gì cũng biết. Có với không, không với có, bỗng quấn quít lấy nhau, cất tiếng khóc thê thảm. Nước mắt chảy, một phần thành đất, một phần thành nước, một phần thành loài người, muông thú và cây cỏ…”.

Tiểu thuyết này vừa được nhà văn Nguyễn Thanh Hiện gởi đến, nó đã mất 14 năm để hoàn tất (2003- 2017). Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Văn Việt


1.

Tôi lên cao nguyên miền Trung là để lấy tư liệu cho luận văn tốt nghiệp đại học của mình. Luận văn về sự hình thành các tập tục của các dân tộc ít người ở Tây Trường Sơn. Trên đường về lại thành phố, tôi ghé vào làng Dang dưới chân núi Đưng là để thăm chơi cho biết, vì bấy giờ việc lấy tư liệu coi như đã hoàn tất. Mùa hạ ở núi Đưng có hoa muồng rực thắm giữa màu lá rừng đương ngả màu, tựa bức tranh cổ u tịch  bỗng hiện ra ở đâu đấy một chút le lói. Khách đường xa suốt tháng trời chỉ chăm chắm mỗi việc săn tìm tư liệu là tôi, phút chốc cũng thấy lòng nhẹ bỗng trước cảnh nước non mới lạ. Núi Đưng không cao, chỉ đứng đó như sự che chở cho cuộc sống lẻ loi đương diễn ra trong một vùng trũng rộng lớn, có thể gọi là cuộc bình nguyên trên cao nguyên. Khi người khách đường xa là tôi đã ngồi vào một chỗ ghế học của một lớp học vùng cao, thì cả đám học trò con trai con gái lên năm lên bảy, ở trần có mặc áo có, lẫn cô giáo dạy học, vẫn tự nhiên như không, như con suối Dang đối với tôi, lúc tôi đứng trên bờ của nó ngắm nhìn trời đất. Lũ học trò dường đã xong việc tập viết, làm toán, đang ngồi hóng cổ nghe cô giáo kể chuyện.

Giót là không có gì hết, nhưng cái gì cũng có, là không biết gì hết, nhưng cái gì cũng biết. Có với không, không với có, bỗng quấn quít lấy nhau, cất tiếng khóc thê thảm. Nước mắt chảy, một phần thành đất, một phần thành nước, một phần thành loài người, muông thú và cây cỏ. Trong những người sinh ra từ nước mắt đó có một người đàn ông  chỉ sống được trong bể khơi, và một người đàn bà chỉ sống được giữa thinh không, rồi hai người đó đã thành chồng vợ và sinh ra tổ tiên người núi Đưng.

Liêu kể. Cô giáo ấy là Liêu. Còn tôi thì cứ ngồi ngẩn người, tựa hồ đang nghe một trang kinh của một tôn giáo mới nào đó vừa mới xuất hiện ở trần gian. Con người là sinh ra từ những giọt nước mắt của một cõi khác thường. Là sáng thế ký? Mà cũng không phải sáng thế ký. Anh ở bên lâm trường sang chơi? Liêu chợt hỏi. Cô ta tưởng tôi là người bên lâm trường Núi Đưng. Đám học trò dồn mắt cả về  phía tôi. Tôi nói là mình ở dưới miền xuôi đi nghiên cứu lịch sử các dân tộc ít người ở Trường Sơn. Tự dưng tôi tự xưng là nhà nghiên cứu lịch sử. Sau này mới mới biết chuyện kể ấy là lấy ở cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng. Còn lúc ấy, Liêu liền rời khỏi bàn thầy giáo, tiến lại chỗ tôi ngồi. Anh phải qua bên nhà em, để gặp cha em thôi. Liêu nói, mỉm cười với tôi. Và giật lấy xách hành lý của tôi, để tự tay cô ta xách giúp cho tôi. Chạy lóc thóc đàng trước là lũ học trò của Liêu. Tiếp theo sau là ông khách lạ là tôi, và Liêu. Ở các nhà sàn bọn tôi ngang qua, có cả ông bà già lẫn phụ nữ và  trẻ con ra đứng ở cửa, ngóng nhìn theo bọn tôi. Những phút đầu tiên tôi đến với người núi Đưng là thế.

2.

Ông bà Dên, cha mẹ Liêu, là thuộc lớp người ở núi Đưng ra khỏi nhà vẫn thích mặc váy, ở trần, và nghe máy thu thanh thì chưa hiểu người ta nói gì. Nhưng khi nghe Liêu nói tôi đi nghiên cứu lịch sử các dân tộc ở Trường Sơn thì hai ông bà liền đem rượu cần bày ra giữa nhà sàn. Cha mẹ em muốn giữ anh ở lại nhà em đấy. Sau này mới biết đấy là tập tục. Còn lúc nghe Liêu nói thế, tôi biết là mình sắp không thể tránh khỏi một cuộc phiêu lưu. Từ việc đương trên đường về, tiếp tục việc khoa bảng, bỗng dưng tôi trở thành nhà nghiên cứu lịch sử, để từ đó mở ra một đoạn đời có lắm hạnh phúc và khổ đau. Coi như đã dứt hẳn cuộc du canh du cư.

Nhà sàn của ông bà Dên đã có cột kèo, được đục lỗ hẳn hoi. Và đám gia súc trâu bò heo gà đã có chuồng trại riêng biệt. Cuộc sinh nhai cũ dường chỉ còn để lại bóng dáng trên lớp men đen mướt trên da ché rượu cần. Cả việc những ông già ở những nhà bên mang thêm những ché rượu sang nhà ông bà Dên để đãi khách là tôi, cũng có thể nói là cung cách hình thành từ cuộc du cư du canh xưa cũ. Cả việc cả chủ lẫn khách vây quanh ché rượu, cùng cầm lấy những chiếc cần cùng uống thứ chất vừa ngọt ngào vừa cay đắng, cũng là hình thành từ cuộc sống xưa cũ. Những phút bầy đàn, nhằm củng cố sức tồn sinh. Cho nên lúc men rượu đã đủ bổ sung cho sức sống, mọi người đều đòi kể Giót. Tức trở về với cội nguồn của mình.

Để con Liêu kể, nó mới hiểu được. Ông Dên nói. Nó, là khách của cuộc rượu, là tôi. Cuộc rượu khách lập tức biến thành cuộc rượu thánh. Dường như rượu là cách thế dẫn dắt con người quay về với chính mình. Các cụ già cùng ứng lên. Cùng vít cần, rồi cùng ứng lên. Chẳng cần phải rõ nghĩa thứ ngôn ngữ cổ kính ấy, chỉ nghe thôi, cũng đủ mường tượng được cảnh trí một thời cổ sơ. Thứ tiếng nói cổ sơ ấy như có sức chứa cả hình tượng lẫn âm thanh, chỉ nghe thôi, cũng mường tượng ra được những hoang dã, những bất trắc, những máu và nước mắt, trong cuộc chống chọi với tự nhiên để sinh tồn. Phải chờ đến lúc các cụ già nhường việc lĩnh xướng cho Liêu tôi mới hiểu hết những gì mình nghe được. Liêu không vít cần, mà nâng cần lên. Và quì. Kể mà như hát.

Đấy là lúc pơtan Đưng đã  lập xong nước. Bèn sai ông Khơ Nan coi việc thiên văn địa lý. Và sai Lung đi tìm của cải quí ở dưới mặt đất. Ta tuy là vua, là pơtan của lũ ngươi, nhưng ta cũng là người núi Đưng, nên phải ở cùng lũ ngươi. Pơtan Đưng nói. Nhưng người núi Đưng bảo kẻ đứng đầu một nước phải có chỗ ở khác với chúng dân, mới khiến các nước khác nể nang. Rồi kéo lên núi Đưng đốn cây gỗ về làm chỗ ở cho vua. Chỗ ở của vua Đưng gọi là cung pơtan.

Này Khơ Nan, ta không đành lòng khi thấy nhà ở của chúng dân bị ngập lũ. Pơtan Đưng nói. Ông Khơ Nan liền theo lũ kiến đen suốt ba mùa lũ, rồi vẽ họa đồ, định lại chỗ ở cho dân. Này Khơ Nan, ta thấy lúa trên đồng không được nhiều hạt cho lắm. Pơtan Đưng nói. Ông Khơ Nan phải ăn nằm dưới gốc cây môi ba mùa hoa trái, để xem cách đơm hoa kết trái của môi, rồi mới định ra lịch gieo trồng. Lung đã tìm được mỏ sắt trên núi. Sắt đào được đem về để cả ở hang Gió. Nghe chuyện lạ, cả nước kéo tới xem. Lung lấy củi đốt thành than, rồi đem than đốt thì sắt chảy ra đủ thứ hình thù. Cái làm rìu chặt cây. Cái để cuốc đất. Cái thành lưỡi cày. Này Lung, bấy lâu ta chỉ cày bằng lưỡi cày gỗ, nay đã có sắt, ngươi hãy làm cho thật nhiều lưỡi cày bằng sắt cho người núi Đưng cày ruộng. Pơtan Đưng nói. Lung ngồi trong hang Gió cả ngày lẫn đêm để lo nấu sắt, rèn lưỡi cày lưỡi cuốc. Chẳng bao lâu, ruộng nương của người núi Đưng rộng gấp trăm lần trước, dân chúng giàu có vô kể.

Người trong nước muốn pơtan Đưng phải có vợ để sinh con nối ngôi vua. Người con gái nào biết được lúc mặt trời đứng bóng thì cây khư trên núi Đưng ngã bóng phía nào, ta sẽ cưới làm vợ. Pơtan Đưng nói. Cây khư trên núi Đưng được người núi Đưng ví với sự cao quí. Con gái ông Khơ Nan là nàng Hơ Lia nói lúc mặt trời đứng bóng là lúc cây khư trên núi Đưng ngã bóng nơi trái tim của nàng. Pơtan Đung liền đưa con gái ông Khơ Nan về nhà mình. Còn nàng Hơ Mia, con gái ông Nư Năng , lúc bấy giờ là người tình của người thợ nấu sắt là Lung. 

Bấy giờ, cả ông Dên, cả những cụ già bạn ông Dên, đều thôi uống, chỉ ôm lấy cần ngồi lặng lẽ, như thể đang cùng nhau bước vào cõi cổ sơ. Đêm mùa hạ ở núi Đưng là mùa giao phối của loài chim đỏ mỏ. Giữa những lúc Liêu ngừng kể thì nghe thấy tiếng kêu thảng thốt ở đâu đấy ngoài rừng. Tiếng kêu của lũ chim đỏ mỏ lạc bạn tình. Lúc mọi người đã về hết, trong ngôi nhà sàn chỉ còn tôi, ông bà Dên, và Liêu, tôi mới nghe rõ hết những xáo động ở bên ngoài. Chuyện yêu đương của lũ chim trời cũng thật ghê gớm.

Hốt nhiên im lắng, như thể hết thảy đã biến mất. Hốt nhiên rố lên tiếng vỗ cánh rậm rựt, tiếng ríu rít hân hoan. Rồi thắc thỏm gọi tìm nhau.Từ sáng giờ em đã quên hỏi tên anh. Liêu chưa ngủ. Nghe Liêu nói, ông bà Dên cựa mình, rồi ngủ lại. Tôi bảo cứ gọi tôi là anh nhà nghiên cứu. Qua bóng đêm, tôi nói nửa đùa nửa thật. Liêu bảo, trước cũng có mấy nhà nghiên cứu lên núi Đưng, nhưng lúc đó Liêu chưa thể kể Giót bằng tiếng Việt phổ thông. Tôi bảo, còn bây giờ thì Liêu kể rất hay. Cuộc phiêu lưu của tôi coi như được tính từ đêm hôm ấy. Tôi bị chôn chân ở núi Đưng cho đến lúc mưa đông bắt đầu đổ mới từ biệt Liêu, trở về thành phố. Và lúc trở lại làng Riềng thì Liêu không còn nữa.

3.

Việc Liêu không còn nữa đối với tôi lúc bấy giờ là sự mất mát không gì bù đắp nổi. Theo lời người làng, trận mưa lũ ấy là lớn nhất trong vòng mấy chục năm qua. Mưa liền mấy ngày đêm. Nước các con suối tràn vào nhau. Làng nào ở yên làng nấy. Nhà nào ở yên nhà nấy. Vừa dứt mưa thì lũ gà heo bò trâu từ trên núi Đưng kéo xuống. Lũ chúng đã lội ngược con nước lũ, tìm đến chỗ cao để trú chân. Liêu sang làng Dang dạy học trước khi có mưa lớn. Ở làng Riềng sang làng Dang phải lội suối Riềng hai lượt, lội suối Mung ba lượt. Lũ bò trâu gà heo trốn lũ trên núi Đưng đã kéo về hết. Thấy Liêu không về, ông bà Dên sang trường học làng Dang hỏi thử. Thì lũ học trò bảo là bọn chúng chờ, nhưng không thấy cô giáo Liêu đến lớp. Trước khi có mưa lớn thì ông Phưa trưởng làng Mung có thấy Liêu ngang qua làng mình. Còn bà Mãng nấu cơm cho công nhân lâm trường Núi Đưng bảo Liêu có đến lâm trường lúc trời sắp mưa.

Ông bà Dên này. Ông Nan trưởng làng Riềng này. Ông Din hiệu trưởng này. Cả làng Riềng làng Dang làng Mung đổ ra đi tìm Liêu. Làng báo lên huyện. Huyện có công văn đến các ngành đương có việc làm ở vùng núi Đưng để giúp kiếm tìm Liêu. Nhưng những tai ương trên đời thường là thế, chúng vẫn lặng lẽ thế. Mọi người đều nghĩ là Liêu đã bị lũ cuốn, trừ bà Dên. Con ma xoát đã bắt hụt con Liêu một lần, giờ thì nó bắt đi thật. Bà Dên nói với mọi người. Lúc chửa Liêu thì bà Dên  nằm mơ thấy ma xoát bắt chết Liêu. Ma xoát là chuyện thuộc thời cổ xưa, thời văn minh núi Đưng. 

4.

Có một nền văn minh, nếu không muốn nói là sáng giá, đã bị chôn vùi dưới chân núi Đưng.

Anh đi làng Nhút làng Dìng, đi chín suối mười dốc, gặp không biết mấy nhiêu cô gái, vẫn quay về làng mình để đeo vào cổ em chiếc xi tiu xinh đẹp do chính tay anh làm ra.

Lời người thợ nấu sắt nói với người yêu của mình trong Giót, cuốn sử truyền miệng chép về nền văn minh núi Đưng. Điều này có nghĩa nền văn minh đã bị chôn vùi là thuộc thời kim khí. Ở núi Đưng có nhiều người thuộc Giót. Nhưng chỉ ông Khơn ở làng Riềng là thuộc từ đầu chí cuối. Và chỉ cô giáo Liêu là kể được Giót bằng tiếng tiếng Việt phổ thông. Lần nào nghe  Liêu kể Giót, tôi cũng rơi vào thứ tình cảm nửa tin nửa ngờ. Bởi những gì gọi là văn minh núi Đưng thuở ấy có vẻ như chẳng dính dáng chi đến cuộc sống hiện tại của người núi Đưng. Hiện tại thì người núi Đưng vừa làm lúa rẫy vừa làm lúa nước, và ở nhà sàn. Trên vách nhà sàn của ông bà Dên còn bức ảnh Liêu chụp chung với các cô giáo vùng cao lúc học lớp sư phạm cấp tốc ở huyện. Liêu chỉ còn để lại mỗi dấu tích đó. Còn những thứ khác như giọng nói, tiếng cười, hay dáng đi, là thuộc về thời khác, tôi có cảm tưởng là rất xa lúc nằm trong căn nhà sàn nghĩ ngợi về Liêu.

Vào lúc gần nửa đêm hôm ấy tôi  nghe tiếng thở ông Dên có xen lẫn thứ hơi thở nặng nề và gãy khúc. Còn bà Dên thì chốc chốc lại khẽ rên, những tiếng rên vừa phát ra liền tắt nghẽn nơi cổ họng. Người ta bảo đó là nỗi đau trong giấc ngủ. Những thứ tôi nghe thấy đó là xảy ra cùng lúc với việc tôi nằm nghĩ ngợi về Liêu. Nhưng nếu chuyện ma xoát là thật thì sao? Theo cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng thì người Xoát và người núi Đưng là văn minh cùng một lượt. Rồi chiến tranh lại xảy ra giữa hai giống người ấy. Người Xoát chết trong cuộc chiến tranh hóa thành ma xoát. Chuyện xảy tự thời xưa cũ, lẽ ra chẳng còn phải lưu tâm nghĩ ngợi. Nhưng ở núi Đưng người ta vẫn thừa kế nỗi sợ hãi những đời trước truyền lại. Bà Dên vẫn nghĩ lũ ma xoát còn lẩn quất đâu đó để ám hại con gái bà.   

5.

Tôi nằm trong căn nhà sàn không còn có Liêu.

Có và không, hai bờ của một cõi đến và đi.

Đến là để mà đi.

Đến cho nhân thế có được những tiết tấu, những hương vị, những sắc màu… luôn là từng cặp sánh nhau: Thiện và ác. Mộng và thực. Đế vương và cùng đinh. Xỏ lá và đường hoàng. Ấm no và hạnh phúc. Quân tử và tiểu nhân. Ngu đần và trí tuệ. Áp bức và tự do. Hòa bình và súng đạn. Kẻ cướp và thánh nhân. Cao sang và nịnh hót…

Có người nói đi là hết. Có người nói đi là về cõi vĩnh hằng. Có người nói đi là hóa kiếp.

Có và không có phải là cách thế của cuộc chơi có tên gọi là cuộc tồn sinh? Dường không có cuộc tồn sinh nào không phải là cuộc chơi.

Có thể nói thế này không, con chim bay trên trời là có cuộc chơi khoáng đạt? Con ốc sên bò dưới đất là có cuộc chơi lẩn quẩn? Và loài người là kết hợp những cuộc chơi của loài có cánh và loài giáp xác?

Nhưng bắt đầu và kết thúc của mỗi cuộc chơi là mãi mãi không bị tiết lộ. Cây cỏ và muông thú không biết điều này, nên chúng luôn vô tư lự. Chỉ loài người mới biết điều này, nên suốt cuộc chơi có cả tiếng cười lẫn tiếng khóc, có người đã tóm gọn lại những âm vang dai dẳng ấy bằng một từ gọn hơn, nhưng không kém âm vang: Bi kịch.

Tôi nằm trong căn nhà sàn không còn có Liêu là lúc nghe rõ nhất tiếng vỗ cánh của con chim lẻ đôi, tiếng trầm mặc của đá núi, tiếng la hoảng của dòng suối khô cạn, và tiếng hả hê của lũ sâu bọ vô liêm sỉ.

Nằm trong căn nhà sàn không còn có Liêu là lúc tôi nhìn thấy mình rõ nhất. Là lúc tôi biết chắc là mình đã yêu Liêu. 

6.

Không gì bù đắp nổi sự hụt hẫng trong tôi, ngoài việc đi tìm Liêu. Một ngày nắng gió. Tôi đến lâm trường Núi Đưng là để gặp bà Mãng hỏi thử có quả Liêu đã đến đó trước khi có mưa lớn hay không. Nhưng chưa kịp gặp bà ấy, ông Lâm giám đốc lâm trường đã kéo tôi vào phòng ông. Làm sao cho cây dó thành trầm thì đến đời tôi mới nghĩ ra được. Ông rót trà mời tôi, và nói, vẻ rất phấn khích. Tôi chẳng buồn hỏi là đến đời ông thì nghĩ ra được cái gì. Vì tôi đến lâm trường cốt để gặp bà Mãng chứ không phải để trò chuyện với ông. Tôi cũng không biết chuyện ông tổ bảy đời của ông, chuyện tìm trầm đó là có thật, hay do ông phịa ra để cái chức giám đốc lâm trường của ông được coi như là sự thừa kế sự nghiệp một bậc tổ phụ đã sống chết với núi rừng.

Ông tổ bảy đời của ông Lâm là ông Trầm. Vì tìm được trầm cho vua, nên được vua ban cho tên ấy. Chẳng ai biết đó là triều đại nào. Chỉ nghe kể rằng nhà vua sai ông ấy lên núi tìm của quí. Ông cứ ngược theo hướng gió có hương thơm mà đi. Cho đến hôm gặp được cây đại thụ có vết thương nơi gốc, hương thơm phát ra từ đấy. Mất tháng trời ông mới hạ được cây đại thụ. Sau khi đẽo bỏ hết lớp gỗ vỏ thì thấy lộ ra một khối lõi màu xám, ngào ngạt hương. Đem một mảnh nhỏ lõi thơm thả xuống nước thì nặng chìm. Nếu đây là của quí, xin đất trời cho kẻ này đem về đến nhà. Thầm khấn xong, ông ngồi lên khối lõi thơm để nghĩ cách chuyển về. Bỗng khối gỗ nhấc lên khỏi mặt đất. Ông Trầm chỉ còn biết nhắm mắt để chờ chết. Nhưng lát sau thì cả người lẫn gỗ đã ở trước  mặt vua.

Đó là vật chi? Vua hỏi. Ông Trầm cứ theo những gì mình đã biết để nói với vua đấy là trầm hương. Lập tức có người ở phương bắc mang vàng đến để đổi. Vua bỗng trở nên giàu có  Còn ông Trầm, sau khi được vua ban cho tên ấy, lại lên núi, và biệt tích. Ông cố và ông nội tôi có lấy được trầm không, chẳng rõ, nhưng đều chết trên rừng, còn cha tôi thì chỉ lấy được thứ cây dó làm nhang thơm, tới đời tôi mới nghĩ được cách lấy trầm mà không lên núi. Ông Lâm nói. Và dắt tôi ra khu ươm cây. Lấy trầm mà không lên núi, là sao, thì quả tình lúc ấy tôi cũng chẳng để tâm chi lời ấy. Lâm trường Núi Đưng nằm dọc theo con suối Dang, nơi  suối này gần giáp với suối Cái. Ở khu ươm ươn có đủ các giống cây rừng. Bạch đàn, dầu, keo lá tràm, thông ba lá. Là cây dó con đấy. Ông Lâm chỉ vào chiếc giỏ đựng những cây con, cao khoảng gang tay, bảo đấy là cây dó con. Tôi cứ nghĩ ông ấy lại sắp tung ra một truyền thuyết nữa về các bậc cha ông mình, nên vội cáo biệt, nói là mình phải đi gặp bà Mãng nấu cơm cho công nhân để hỏi thăm chút việc. Về xuôi rồi, mới sáng ra bà ấy đã xin phép tôi để về xuôi thăm con. Ông Lâm nói.  Và lấy một cây dó con từ trong giỏ ra, bắt đầu thuyết cho tôi nghe về loài cây đó.

Hóa ra là cả tháng trời vừa rồi ông cùng đám môn đệ của mình rời lâm trường núi Đưng, lặn lội tận vùng rừng núi giáp ranh nước Lào để sưu tầm những cây dó con. Một trăm năm, hay lâu hơn nữa, cây dó mới thành trầm, nhưng là phải có thương tích thì mới thành trầm, nhưng anh cũng biết, cây trên rừng là những quần thể có thể bị gãy đổ hết sau một một biến cố nào đó của thiên nhiên, mà cũng có thể trường tồn muôn đời, bằng chứng là ngày nay vẫn còn những khu rừng nguyên thủy. Không phải là ông Lâm muốn thuyết cho tôi nghe triết lý về sự tồn tại. Nhưng phải bắt đầu từ triết lý đó mới có thể dẫn dắt tôi vào khu rừng nguyên thủy, nơi ông tổ bảy đời của ông đã cỡi trầm gặp vua. Nhưng cô Liêu đâu chẳng đi với anh? Tới lúc đó ông Lâm mới để ý việc tôi xuất hiện ở lâm trường mà không có Liêu, việc tôi đi đâu thì cũng có Liêu cùng đi đã trở thành sự kiện bình thường đối với những người ở núi Đưng. Khi nghe tôi nói Liêu đã mất tích trong cơn lũ vừa rồi, vị giám đốc lâm trường cứ đứng ngớ ra. Số kiếp cô gái ấy sao mà ngắn ngủi thế. Ông Lâm kêu, buông tiếng thở dài. Cái truyền thuyết mới về trầm đã bị bỏ dở ở chỗ vừa ra khỏi khu rừng nguyên thủy, vì ông Lâm bảo là phải cùng tôi sang làng Riềng chia buồn cùng ông bà Dên. Nhưng ra tới đầu lâm trường ông đã dừng lại, đứng ngắm nghía đám rừng cây con đang lên xanh ở trước mặt. Cho đến đời tôi mới nghĩ ra, là đem cây dó về trồng ở đồng bằng, rồi mỗi ngày khắc thêm cho vết thương của nó sâu thêm một chút, cho đến một ngày thì dó sẽ thành trầm, mà trầm là đổi bằng vàng, nếu cả nước trồng dó, thì đất nước ta sẽ trở thành đất nước giàu có. Ông Lâm nói, có vẻ rất hào hứng. Tôi giật mình nghĩ đến chuyện ông tổ bảy đời của ông Lâm. Khắc cây chờ trầm, thì có giống với cỡi trầm gặp vua không? 

7.

Để bớt trống vắng, tôi nằm dài trong căn nhà sàn không còn có Liêu để đọc lại những trang sử Giót đã chép được qua lời kể của Liêu.   

Bấy giờ đã có lịch cày cấy, đã có lưỡi cày cày ruộng bằng sắt, nên ruộng lúa mùa nào cũng tốt. Làm một năm, ăn ba năm chẳng hết. Nhà nào cũng nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Ông Nư Năng nói nay dân trong nước dư ăn dư mặc, nên chỗ ở của dân phải sang trọng hơn xưa. Pơtan Đưng bảo thế thì phải làm lại cả, để nhà nào cũng là nhà mới, làng nào cũng là làng mới. Lung vừa rèn sắt, vừa vẽ họa đồ để xây dựng lại đất nước. Cuối cùng thì hết thảy nhà ở của dân đều xây bằng đá như nhà ở của vua Đưng, hết thảy các con đường trong nước đều lát đá như đường đến cung vua Đưng. Ông Nư Năng nói nay áo quần để mặc cũng nên đẹp hơn trước. Hơ Lia, người vợ giỏi dang của vua Đưng đã chế ra được kiểu áo quần mới, rồi đem bày cho dân trong nước làm theo. Ông Nư Năng nói người núi Đưng là do Giót mà có, Giót là việc gì cũng biết, nên người núi Đưng phải sống sao cho xứng với Giót.

Ở trong nước bấy giờ có người con trai tên Ka Tan không chịu làm ăn, chỉ chơi bời lêu lổng. Nghĩa của chữ ka tan là không phân biệt được tốt xấu. Ông Nư Năng nói không tự làm ra cơm gạo để ăn thì không phải con cháu của Giót. Vua Đưng đã sai đem mủ cây khứt bôi lên trán Ka Tan để làm gương. Mủ khứt khô thì ở trán Ka Tan có vết sẹo. Vậy từ nay không gọi là Ka Tan nữa, mà gọi là Khứt, ông Nư Năng bảo. Ở núi Đưng, khứt là loài cây mọc khỏi mặt đất thì cong queo, chẳng dùng được việc chi, ngoài việc làm củi chụm. Ông Nư Năng nói làm lụng cũng phải có lúc nghỉ ngơi. Khi gặt lúa xong thì nên họp nhau lại để uống chén rượu mừng. Khi có trăng tròn thì nên họp nhau lại để cùng ca hát. Lung nói với vua Đưng là anh đã nghĩ được cách làm cây đàn suối. Ở trong làng, Lung và Hơ Mia, con gái ông Nư Năng, thương nhau đã lâu, ai cũng biết. Hơ Mia đòi theo Lung đi tìm cây rỗng ruột để về làm đàn suối. Em ở nhà, kéo tơ, xe thành sợi, chờ ta. Lung nói. Rồi một mình đi về phía mặt trời lặn. Đã ba lần trăng tròn. Hơ Mia đã xe được cả nghìn sợi chỉ tơ. Ta chỉ sợ con không ngăn được cái chết ăn lần mòn gan ruột của con, chứ nó thì không chết đâu. Thấy con gái buồn rầu, ông Nư Năng bảo. Quả như ông Nư Năng nghĩ, trăng sắp tròn lần nữa thì Lung về. Kiếm được cây lư lăn rồi, Lung còn phải phơi cho khô mới đem về. Cây lư lăn rỗng ruột khi đã khô thì nhẹ tựa những chiếc ống làm bằng vỏ trứng. Đem những chỉ tơ Hơ Mia đã xe bện lư lăn thành từng tấm, rồi đem treo ở thác Ghinh trên suối Riềng. Nước thác chảy làm những tấm lư lăn vừa bồng lên vừa dập vào bờ đá làm phát ra đủ thứ cung bậc. Những người đến thác Ghinh chơi trăng, nghe đàn suối, ai cũng bảo là như sắp bay bổng lên trời. Này Lung, chính ngươi là kẻ đã làm sản sinh  tiếng cười Giót hằng mong thấy được ở thế gian. Vua Đưng nói thật to cho mọi người nghe thấy.

Cây lư lăn rỗng ruột

nhưng thấy được nỗi đau của thế gian

Ba lần trăng tròn

em xe cả nghìn chỉ thắm

để buộc cái không nghe thấy

là nhạc của trời

Khi chỉ thắm em xe

đã buộc được sự rỗng không

là nhạc của người.

Bấy giờ thì Hơ Mia đã ứng khẩu hát theo tiếng đàn suối đang réo rắt nơi con thác. 

Mấy trăm năm sau, hay mấy nghìn năm sau, làm sao tôi biết được, cũng tại nơi con thác ấy, thác Ghinh, Liêu đã hát bài hát ấy cho tôi nghe. 

8.

Tôi đòi Liêu đưa tôi đến hang Trớt. Nhưng tới thác Ghinh thì Liêu dừng lại bảo từ lúc lớn khôn cô ta chưa hề thấy ai vào hang núi ấy. Nói rõ ra là từ già chí trẻ, ai cũng coi cái hang núi ấy là nơi cấm kỵ. Nhưng ở trong làng có xảy chuyện không hay, như có ai chẳng ốm đau chi lại ngã ra chết, thì lại nghĩ là do con ma Xoát ở  hang Trớt. Theo lời Liêu, người núi Đưng vừa sợ vừa căm ghét cái hang núi chẳng ai rõ đã có  tự bao giờ, chỉ thấy nói trong sử Giót.

Vào những đêm tối trời, lũ các ngươi hãy đem con gà luộc hay con ốc luộc đặt ở giữa sân, và nói những lời tốt đẹp về lũ ma Xoát ở hang Trớt.

Liêu bảo đấy là lời khuyên của vị trưởng tế trong sử  Giót. Rồi dắt tôi leo lên gộp đá. Thác Ghinh đã cạn nước từ lâu. Những gộp đá trần mình ra trong nắng. Phong trần và lặng lẽ. Tôi và Liêu đã dừng lại ở chốn đó để được cùng ngồi dưới bóng của phong trần và lặng lẽ. Thác Ghinh cách làng Riềng không đầy buổi đường. Còn hang Trớt chỉ cách thác Ghinh một cụm cây rừng, nếu đo bằng bước chân thì chỉ cách nhau chừng vài ba mươi bước. Nhưng đó là đoạn đường cả trăm năm qua, cũng có thể là cả ngàn năm qua, người núi Đưng đã không dám vượt qua.

Tôi hỏi Liêu đã có nhà nghiên cứu nào đến  tìm hiểu về  hang núi ấy chưa. Liêu bảo đã lâu lắm rồi, và chỉ mỗi lần ấy, là có mấy người xưng là nhà khảo cổ học muốn đến hang Trớt để khảo cứu. Nhưng khi nghe người làng nói đấy là hang ma xoát, và cũng chẳng có ai dám dẫn đường, bọn họ đã trở về xuôi. Như vậy cho đến lúc ấy sự hiện diện của cái hang núi ấy vẫn được coi như điều bí ẩn còn lưu lại của một nền văn minh đã tắt. Nhưng tôi thì lại muốn hiểu cho tường tận về nền văn minh ấy, nên cứ muốn vào hang Trớt. Tôi hỏi đã bao giờ Liêu có ý nghĩ là sẽ vào chơi ở hang Trớt chưa. Liêu bảo là chưa. Tôi hỏi đã bao giờ Liêu nằm mơ thấy mình bị rơi xuống vực sâu, chết, và lúc thức giấc thì thấy mình vẫn còn sống? Liêu bảo là có, nhiều lần như thế. Nhưng sao anh lại hỏi chuyện đó? Liêu có vẻ  lo khi nghe tôi hỏi thế. Tôi nói chuyện con ma xoát cũng giống như chuyện ta nằm mơ. Chuyện trong mơ là chuyện không có thật. Liêu bảo hãy giả dụ cách khác cô ta mới hiểu. Tôi nói chuyện đó cũng giống như chuyện tôi và Liêu đang ngồi với nhau ở thác Ghinh. Đây là chuyện thật. Nhưng tối về nằm mơ lại không thấy chuyện cùng ngồi ở thác Ghinh, mà thấy một người ở lại núi Đưng, một người thì về xuôi. Đừng giả dụ vậy. Liêu nói, có vẻ buồn.

Đến lúc ấy tôi cũng không rõ đó có phải là tình yêu không. Nhưng mỗi lần nghĩ đến việc xa Liêu tôi lại thấy sợ. Như có cái gì đó thuộc về tôi bị thất lạc, bấy lâu tôi chẳng hay biết, giờ gặp Liêu mới biết là mình đã tìm lại được. Có một đám mây mỏng trôi qua trên bầu trời  làm khuất mất mặt trời trong giây lát. Ứng khẩu hát là tự nghĩ ra câu hát để hát, có phải không? Liêu chợt hỏi chuyện nàng Hơ Mia trong sử Giót đã ứng khẩu hát bài hát về tiếng đàn suối. Tôi nói, theo sử Giót Liêu đã kể tôi nghe, thì ông Nư Năng là người đã nghĩ ra được những tập tục mới mẻ cho người núi Đưng, ông Nư Năng tài giỏi vậy, nên con gái ông làm được bài hát để hát là phải thôi. Liêu bảo hồi ông Khơn còn sống, ngoài sử Giót ra, ông còn kể cho nghe nhiều chuyện khác nữa. Có một chuyện chỉ kể về nàng Hơ Lia, người vợ giỏi dang của vua Đưng. Có một chuyện chỉ kể về chuyện tình duyên giữa Hơ Mia và Lung. Tôi hỏi có phải Hơ Mia và Lung đã bện xong những tấm lư lăn vào một ngày sắp có trăng tròn hay không? Liêu khen tôi nhớ Giót  rất dai. Tôi nói  là mình còn nhớ rất kỹ chỗ con thác, nước con thác cứ chảy, còn những ống lư lăn rỗng ruột thì va vào bờ đá làm phát ra những tiếng kêu, lúc nghe tựa tiếng lá bứt khỏi cành cây, lúc như tiếng cựa mình nơi bờ dốc của con nai ngủ muộn. 

Khi chỉ thắm em xe đã buộc được sự rổng không là nhạc của người…

Liêu chợt cất tiếng hát. Bài hát về tiếng đàn suối của nàng Hơ Mia. Tôi thì như chẳng dám để hơi thở của mình khua thành tiếng. Còn Liêu cứ áp bàn tay cô ta lên bàn tay tôi như bảo hãy chú ý nghe. Tôi nhìn Liêu hát mà như thấy được trăng cổ sơ đang tan chảy trên bờ đá. Như cả tôi, cả Liêu, cũng đang tan chảy vào cõi xưa cũ.    

9.

Tình yêu là một người con trai trần truồngtừ dưới cát trồi lên để gặp một người con gái, cũng trần truồng

Tình yêu là chỉ lấy một cái xương sườn của người đàn ông sinh ra từ cát bụi mà nặn ra được một người đàn bà, để cho người đàn bà thành vợ của người đàn ông, và sinh ra con người.

Phải chăng đấy chỉ là những ẩn dụ về một thứ vật thể, khi muốn nắm bắt nó, thì nó có tên là tình yêu? Một thứ vật thể loài người luôn mong có được, nếu có ai đó nói đã nắm bắt được, thì dường như đó cũng chỉ là cách thể hiện bằng lời.

Cho nên phải có một ông lão chuyên ngồi dưới trăng, luôn mang theo những sợi chỉ thắm nhiệm màu, chực kết buộc lại những đôi thấy cần phải kết buộc, luôn làm sẵn những lược đồ, những thống kê: ai đến với ai, ai không thể đến với ai. Những trang phác thảo của ông lão như những mẫu hình thượng giới soi rọi cho trần thế. Ông lão vẫn ngồi suốt dưới trăng để làm công việc tạo tác của mình. Chẳng ai biết đích xác là ông có làm được hay không. Có điều, người đời luôn dành cho ông niềm trân trọng hiếm thấy. Những lễ vật dâng tặng ông trong những cuộc hiến tế gọi là mâm tơ hồng, là mâm nguyệt lão. Cho đến một hôm trần gian bỗng xảy cuộc bể dâu, người đời gọi là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, lịch sử loài người mở ra những trang mới có tên là văn minh hiện đại. Trong biến cố này, loài người tưởng chừng như biết rõ được mọi ngõ ngách của trời đất. Ông lão ngồi dưới trăng với những chỉ thắm những sổ nhân duyên lập tức được con người đem xếp cẩn thận vào một nơi có tên là kho huyền thoại nhân loại.

Cũng từ cuộc bể dâu này, cũng từ nền văn minh này mà đôi khi loài người cũng chẳng cần phải đắn đo suy nghĩ, cứ đem tình yêu xếp chung vào chỗ kho tàng huyền thoại cùng với ông lão dưới trăng.   

10.

Những ngày ở núi Đưng không còn có Liêu, tôi đâu khác những nhân vật huyền thoại. Ngày nào cũng đi tìm một người mà mình biết là chẳng còn trên đời. Nhưng bấy giờ tôi hiểu rõ mình hơn ai hết. Là không thể không đi tìm Liêu. Ở lại núi Đưng cốt để đi tìm Liêu. Nhưng mọi người vẫn nghĩ là tôi đang tiếp tục làm công việc nghiên cứu. Một ngày cuối đông có mưa dầm. Tôi ngồi đọc lại những trang Giót đã ghi được. Ông Dên sửa dây gùi. Bà Dên mới từ rẫy lúa về, vừa hong lửa bếp, vừa run. Căn nhà sàn như ngập trong ẩm ướt và lạnh. Trời đã nửa buổi mai nhưng khói núi vẫn chưa tan. Khói như ở đâu tận trong lòng đất cứ từng cuộn dâng lên khắp núi rừng, rồi tan loãng vào trong mưa. Mọi thứ như đang chùng xuống bên dưới khối sắc màu vừa bất ổn vừa u ám nặng nề. Mùa này lúa rẫy chắc được. Ông Dên nói, và lấy ống điếu ra nhồi thuốc. Bà Dên vẫn lặng lẽ hơ quần áo, chẳng có lời nào. Tôi cũng nghĩ là mùa ấy lúa rẫy sẽ được. Vì cách đó mấy hôm tôi có ghé lại rẫy lúa của ông bà Dên  thì thấy lúa trỗ rất đều. Hôm trỉa lúa rẫy thì ông bà Dên chọc lỗ, còn tôi với Liêu xuống giống.

Ở núi Đưng, ruộng nước thì gieo giống mới. Nhưng ruộng rẫy phải trỉa giống cổ truyền mới chịu được mưa nắng. Hôm trỉa lúa rẫy, Liêu bảo tôi phải ở lại núi Đưng cho đến khi lúa chín để ăn thử cơm gạo rẫy cho biết. Tôi nói là mình phải ở lại đến mùa gặt lúa rẫy để biết đám chim trời nói trong sử Giót, vì sử nói là tới mùa lúa chín lũ chúng mới về núi Đưng. Như vậy là năm này trời không cho người núi Đưng ta gặt lúa nước. Tôi nói, khi nghĩ đến chuyện lũ đã tàn phá hết thảy các cánh đồng lúa nước ở núi Đưng. Trời làm, phải chịu thôi. Ông Dên nói, thản nhiên, như chẳng hề có nỗi lo lắng nào trong chuyện áo cơm. Cũng thế, như cũng chẳng hề thấy ông tỏ ra đau đớn về cái chết của con gái mình. Nhưng đêm đến, nằm trong nhà sàn không còn có Liêu, vào những lúc giữa khuya, hay những lúc gần sáng, tôi lại nghe thấy thứ hơi thở nặng nề và gãy khúc của ông. Dường như là trong giấc ngủ ông mới để lộ nỗi đau của mình. Sao trời không lấy luôn rẫy lúa của nhà này đi. Bà Dên chợt lên tiếng. Nhưng ông Dên chẳng có mỗi lời chia xẻ. Ông đi treo chiếc gùi lên vách lá, rồi quay lại chỗ cũ, ngồi nhìn ra mưa. Cứ vào những hôm có mưa như thế, cả ông bà Dên lẫn tôi đều ngồi ở nhà, mưa rả rích trên mái lá, núi rừng thì âm u, lạnh lẽo, có cố làm việc chi tôi cũng không thể quên là không còn có Liêu trong căn nhà ấy.

Bà Dên cho thêm củi vào bếp, rồi úp mặt lên gối, ngồi im lặng. Ông Dên và tôi cũng im lặng. Dường những thứ đang thuộc về thời khắc hiện tại là trở nên vô nghĩa. Cả lúa đang trổ trên nương. Cả ngôi nhà sàn có bếp lửa đang cháy để xua bớt giá lạnh. Cả ông bà Dên, cả tôi, lúc ấy như đang bị một thứ không còn nữa bắt phải nghĩ ngợi về nó. Phải, dường như bấy giờ Liêu có một thứ sức mạnh siêu nhiên nào đó khiến cho ông bà Dên và tôi không thể nghĩ đến thứ gì khác ngoài cô ta.

Nhưng tôi biết, khi tôi cũng không còn nữa, như Liêu, thì cả tôi và Liêu cũng trở thành xưa cũ. Còn xưa cũ hơn cả những gì xảy ra trong sử Giót. 

11.

Lúc ấy thì Lung và Hơ Mia vẫn chưa thành chồng vợ. Nhưng cả hai đều ở nơi hang Gió để lo việc nấu sắt, rèn sắt.

Ông Khơ Nan đã nghĩ ra được cách làm một chiếc xe cho vua đi. Thế là thợ đẽo gỗ lên núi đốn cây mằng măng, đốn cây trác, là những loại cây gỗ quí, để về làm càng xe, thùng xe. Còn Lung và Hơ Mia thì lo nấu sắt để làm hai cái bánh xe tròn. Mất cả năm trời xe mới làm xong. Bao nhiêu người kéo thử, xe chẳng nhúc nhích. Nhưng để cho voi kéo, xe chạy nhẹ tênh. Cho nên xe vua Đưng đi còn gọi là xe voi. Vua Đưng mặc áo xanh, đội mũ xanh, ngồi trên xe voi, trông tựa thần tiên. Còn đám con trai con gái mặc áo đỏ, áo tím, vừa nắm tay nhau nhảy múa, vừa hát theo tiếng đàn khia. Lung và Hơ Mia cũng nắm tay nhau nhảy múa và hát theo đàn khia. Đấy là ngày hội mừng xe vua.

Như vậy thì cũng phải có ngày hội mừng lúa mới cho dân trong nước.

Vua Đưng nói.

Để cho dân trong nước đến mùa lúa chín khỏi tuốt lúa bằng tay, thì phải có thật nhiều những dao cắt lúa bằng sắt. Lung và Hơ Mia phải ở luôn tại hang Gió để lo việc rèn dao cắt lúa. Hơ Mia ngồi thổi bễ. Còn Lung thì rèn. Lửa sắt cứ bay lên như hoa khư đương nở. Hoa khư cũng đỏ rực như lửa sắt. Gặp gió cũng bay lên trời như lửa sắt. Mai mốt mình đẻ con trai cũng cho nó ngồi lò rèn. Lung nói. Hơ Mia xấu hổ, bỏ lò bễ, chạy khỏi hang Gió, làm cho sắt rèn nguội hết.

Đến hội mừng lúa mới, hai người vẫn chưa cưới nhau. Nó sợ con Hơ Mia của ta đẻ con thì mau già, nên đâu chịu làm đám cưới. Ông Nư Năng cha đẻ của những điều tốt đẹp nói vậy. Lung liền cãi lại ông ấy. Vì chưa làm xong chiếc xi tiu, nên chưa làm đám cưới đấy thôi.

Đến hội mừng lúa mới là để ăn bánh bầng bâng. Bánh bầng bâng là làm bằng lúa tươi đã rang chín. Con trai con gái cầm chày đứng thành hai hàng ở hai bên cối giã. Lung và Hơ Mia cũng cầm chày đứng đối mặt nhau. Con trai con gái giã lúa. Lũ đàn bà giỏi việc bánh trái thì lo việc sảy sạch vỏ lúa để lấy những hạt gạo đã được giã xẹp vắt thành những vắt nhỏ cho vừa miệng ăn. Trời sinh lũ đàn bà con gái là để làm bánh bầng bâng. Ông Nư Năng cha đẻ của những điều tốt đẹp vừa ăn  bánh, vừa khen ngon. Nghe ông ấy khen, đám con trai con gái lại giã mau hơn. Nhưng lũ bây cũng nghỉ tay ăn bánh đi thôi. Ông Nư Năng chợt la to lên thế. Đám con trai con gái liền gác chày lên cối, chạy lại cầm những ống uống làm bằng ống lư lăn non.

Đến hội mừng lúa mới là để ăn bánh bầng bâng, với uống rượu ướp bằng hoa khư. Lung và Hơ Mia cũng cầm lấy ống uống để cùng với mọi người uống rượu hoa khư. Cây khư là loài cao quí, nên hoa khư ướp rượu để uống cho sang, chứ không say. Lũ người già ăn bánh bầng bâng, uống rượu hoa khư, bàn tính chuyện mùa lúa sau. Còn lũ con trai con gái thì bàn tính chuyện lứa đôi. Hơ Mia nói phải chờ tằm chín, lấy kén kéo sợi, để dệt may cho xong áo mới, rồi mới làm đám cưới. Lung nói mình cũng phải làm cho xong chiếc xi tiu để Hơ Mia đeo lúc đi lấy chồng. Nhưng em có sợ lấy chồng thì hết làm con gái như cha em nói hay không? Lung chợt hỏi như thế. Hơ Mia bảo hết làm con gái thì làm người già, ai cũng vậy thôi, chỉ sợ là mình có sống tới già được không.

Tôi không thể không buông tiếng thở dài khi đọc xong đoạn sử trên.Tự những ngàn năm trước, người con gái ấy đã nhận ra sự nghiệt ngã của thời gian.  

(Còn tiếp)

Comments are closed.